Ý nghĩa ngày lễ Tự tứ
Trước tiên tôi nói thẳng về ngày lễ Vu-lan. Theo thường ở chùa, ngày rằm tháng bảy là ngày lễ “Tự tứ” của chư tăng cũng gọi là Phật hoan hỉ nhật, cũng gọi là ngày Vu-lan-bồn, dịch âm tiếng Phạn.
Ở Trung Hoa dịch nghĩa là giải đảo huyền, tức là cứu hay cởi tội khổ bị treo ngược. Nói một cách khác là cứu tội khổ của những người đang đọa trong cảnh đau khổ địa ngục ngạ quỉ.
Ðó là tên gọi, nhưng sở dĩ đặt ngày lễ Vu-lan vào ngày rằm tháng bảy là do ý nghĩa nào, tiêu chuẩn nào đức Phật nhắm như vậy?
Chúng tôi lần lượt giải thích các tiêu chuẩn đó.
Bởi ngày xưa, lúc đức Phật tại thế, chư Tăng hoặc bốn vị hay nhiều hơn, đều phân tán đi nơi này nơi nọ giáo hóa.
Ðến mùa hạ, ở Ấn Ðộ mưa nhiều, nước lũ cho nên sự đi lại khó khăn.
Ðức Phật ra lịnh cho chư Tăng đến mùa hạ phải qui tụ một nơi để thúc liễm tu hành và kiểm soát lẫn nhau, để tu hành thế nào cho nghiêm chỉnh.
Trong ba tháng hạ, tức là đến ngày rằm tháng bảy, chư Tăng nhắc nhở lẫn nhau trong hành động, ngôn ngữ, tư tưởng còn khuyết, còn sơ sót.
Sau đó mỗi nhóm tùy phương tiện mà đi giáo hóa khắp nơi.
Như vậy, ba tháng an cư tính từ rằm tháng tư đến rằm tháng bảy.
Ngày rằm tháng bảy gọi là lễ “tự tứ”, có nghĩa là:
Tự : mình,
Tứ : mặc tình, tức là chính mình đi ra giữa đại chúng, giữa chư Tăng cầu thỉnh tất cả chư Tăng xét thấy mình có những sơ sót nào, những lỗi lầm nào thì yêu cầu hoan hỉ chỉ dạy để cho mình nhận lấy lỗi lầm, ăn năn chừa cải.
Ðó là Tự tứ.
Vu Lan trong tinh thần ngày Tự tứ
Trong bài văn tự tứ nói thế này:
Một vị Tăng hay là vị Tỳ-kheo đến trước những vị Tỳ-kheo khác có đức hạnh hơn thưa:
“Bạch Ðại đức một lòng thương xót, con là Tỳ-kheo A hay B gì đó, trong ba tháng an cư, Ðại đức hoặc thấy hoặc nghe hoặc nghi con có lỗi lầm gì thì thương xót chỉ dạy cho, con sẽ phát lồ sám hối đúng pháp.”
Như vậy, trong ba tháng an cư hoặc đích thân họ thấy những cái sơ sót của mình hoặc là họ nghe những người xung quanh nói lại những cái sơ sót của mình, hoặc là họ thấy cái sơ sót mà không biết có đúng hay không, trong lòng còn nghi ngờ.
Trong ba trường hợp đó, mình đều ra cung thỉnh nói thẳng, chỉ thẳng ra cho mình biết dù cái đó chưa phải là tội.
Họ còn nghi ngờ mà nói ra mình cũng sẵn sàng nghe, xét thấy đúng là lỗi thì sám hối phát lồ, do đó tội lỗi sẽ giảm bớt.
Như vậy mới là người làm lễ tự tứ đúng pháp.
Quí vị thấy có gì đặc biệt trong lễ tự tứ này không?
Theo tâm lý con người như quí vị thấy, tất cả chúng ta ít có người muốn nói cái dở của mình, hoặc che cái hay của mình.
Có người nào muốn nghe người ta nói cái xấu của mình hay không?
Ða số đều muốn khoe cái hay mà sợ thấy cái dở của mình, cho nên luôn luôn người ta khoe cái hay và giấu cái dở mình.
Ðó là bệnh phổ thông của mọi người.
Cái bệnh đó làm cho con người tiến hay lùi?
Nếu có hay một chút đem ra khoe khoang, còn xấu thì che giấu để người ta không thấy, đó là tâm niệm hiếu danh.
Nếu mình một lần làm xấu giấu được, không ai biết, không ai chỉ, không ai nhắc, thì lần xấu thứ hai, thứ ba sẽ theo đó mà diễn tiến.
Càng che giấu tội lỗi thì tội lỗi càng nhiều.
Cho nên cái bệnh che giấu khiến con người thoái bộ.
Làm cho con người hư hỏng là bệnh hay khoe cái hay và che giấu cái dở của mình.
Tinh thần người Phật tử là tinh thần tự giác, cho nên chúng ta phải tự giác cái gì chúng ta xấu.
Lỡ phạm tội lỗi chúng ta phải nhìn thẳng phải thấy rõ ràng, tự tỉnh, tự giác.
Thấy được tội lỗi của mình, tự mình hối cải.
Ðó là tinh thần phát lồ.
Phát lồ là gì?
Là vạch cái lỗi của mình trước mọi người, trước chư Tăng, trước quần chúng để cho người ta thấy rõ mình có cái dở đó, để mình hứa trước mọi người sẽ cải tiến không còn dở nữa.
Tháng này tôi có cái dở đó, tôi phát lồ với quí vị, quí vị đã nhận đã chứng thật lời của tôi rồi, hứa rằng tháng sau tôi sẽ tiến hơn không còn dở như vậy nữa.
Như thế mỗi tháng mỗi năm tôi đều phát lồ, trước tôi có dở mười, có yếu lắm đi nữa, lần lần tôi còn dở chín, dở tám rồi bảy chớ không đến nỗi nào trước sao, sau vậy.
Nếu trước phát lồ rồi sau cũng phát lồ y như thế thì có hổ thẹn hay không.
Tự nhiên mình hổ thẹn, không thể nào chịu nổi.
Giả sử mình có yếu đuối một lần phát lồ, lần sau có phạm hay có tội cũng ráng nhẹ hơn một chút, nếu nhiều lần như vậy tự nhiên lỗi càng ngày càng giảm xuống.
Tinh thần phát lồ là tinh thần tự giác.
Nếu mình không biết lỗi thì làm sao phát lồ.
Biết lỗi là tỉnh hay mê?
Nếu mê thì đâu biết lỗi.
Người mê là người làm quấy không biết mình là quấy, làm sai không dám nhận mình là sai.
Nếu mình quấy tự biết mình là quấy đó thật là tỉnh.
Tỉnh tức là giác.
Nhưng có người có tỉnh có giác mà không dám nói, không dám trình bày thì sao?
Ðó là yếu đuối thiếu gan dạ.
Cho nên đối với người tu phải có tinh thần tự giác tức biết nhận sự sai lầm, những lỗi của mình.
Phải can đảm trình bày cái quấy của mình trước quần chúng để người ta chứng nhận cho mình điều đó.
Hứa trước quần chúng mình sẽ cải đổi, chớ không hứa suông.
Hứa như vậy để mà tiến bộ.
Do đó nên người tu theo đạo Phật là người biết tự giác.
Ðó là tự nhận lỗi để phát lồ.
Nhưng tự nhận lỗi không chưa đủ.
Khi cái giác mình còn yếu chưa đầy đủ, cho nên có cái mình biết có cái mình chưa biết, mình dễ tha thứ cho mình lắm, mình dễ quên cái dở của mình lắm.
Cho nên đức Phật dạy chúng ta cần phải gan dạ hơn nữa, và phải can đảm nghe lời chỉ trích của bạn bè, của những người thiện tri thức lớn hơn mình.
Như vậy khả dĩ bao nhiêu lỗi lầm của mình mới tiêu tan được, mới có thể ra ngoài vòng lỗi lầm được.
Nếu mình không gan dạ nghe, không nhận những lời chỉ trích thì mình khó mà tiến được.
Tự tứ: Thỉnh cầu đại chúng soi sáng, chỉ lỗi với lòng biết ơn, vui vẻ
Cho nên tinh thần “Tự tứ” là tinh thần cầu những người chung quanh mình thấy những điều sơ sót những chỗ lỗi lầm do mình không thấy được, nhờ chỉ cho mình nhắc cho mình để cải tiến.
Như vậy người học đạo, người tu hành, nhất là người sống trong đoàn thể mà biết tự giác phát lồ lỗi mình và can đảm nghe lời chỉ dạy những lỗi lầm những sơ sót của mình, thì người đó có tiến bộ hay không?
Ðương nhiên chúng ta thấy tâm hồn con người đó là một tâm hồn tỉnh giác sáng suốt và họ là con người có ý chí quả cảm để cầu tiến.
Nếu không cầu tiến thì đâu chịu nghe lời phê bình của người.
Dám nghe lời phê bình để chấp nhận sửa đổi đó là tinh thần cầu tiến mạnh mẽ vô cùng.
Do đó hai điểm quan trọng nhất của tinh thần tự tứ là biết tự giác để phát lồ sám hối giữa đại chúng và thành tâm cầu xin chư Tăng vì mình chỉ lỗi cho.
Sau khi được chỉ lỗi, vui mừng sám hối trước đại chúng.
Như vậy tức là con người tự giác nhận lỗi để sửa đổi.
Họ sẽ từ từ vươn lên, chớ không bao giờ đứng yên một chỗ.
Cho nên người tu mà thiếu tinh thần phát lồ và thiếu tinh thầntự tứ, người tu đó khó tiến được.
Vì vậy trong đoàn thể chư Tăng, đến ngày rằm tháng bảy tức là ngày Tự tứ.
Ngày mà toàn thể đều ra giữa đại chúng phát lồ và cầu xin chư Tăng thấy, nghe, nghi những lỗi gì của mình đem ra chỉ dạy cho, để mình hứa nguyện sửa đổi.
Đó là ngày đức Phật vui mừng nhất.
Bởi trông thấy đoàn thể đệ tử của mình biết tiến bộ và biết tỉnh giác, nên Phật hoan hỉ.
Nếu không làm đúng như vậy, đức Phật không vui.
Ngày đó là ngày được đức Phật khuyến khích cúng dường.
Vì sao?
Vì là ngày chư Tăng có tinh thần cao cả gan dạ nhận lỗi mình, và những lời phê bình chỉ trích của chung quanh, hứa sửa đổi.
Thật đó là ngày quí giá đáng khen.
Cho nên Phật nói chính ngày này mới là ngày toàn thể Phật tử cúng dường cầu nguyện có thể được như ý.
Nếu chư Tăng không làm được như vậy thì cầu nguyện chưa chắc được như ý.
Tại sao?
Vì người biết tỉnh giác là người có ý chí cầu tiến thì đối với việc làm của họ có thể việc gì cũng xong.
Đối với sự giúp đỡ người thì việc giúp đỡ nào cũng thành tựu.
Bởi vì lúc nào họ cũng tỉnh giác và lúc nào cũng cầu tiến, người như vậy mới đạt được cái gì họ mong muốn.
Và muốn lợi ích cho người mới thành tựu viên mãn.
Cho nên đức Phật nói chỉ có ngày Tự tứ cầu nguyện mới được như ý.
Thành thử đức Phật khuyến khích, Phật tử thể theo tinh thần tự tứ mà thực hiện lễ cầu nguyện.
Nhưng thật ra nhằm khuyến khích chư Tăng nhiều hơn, khuyến khích tinh thần phát lồ và tinh thần tự tứ.
Nhưng gần đây chúng ta đi ngược một chút với tinh thần tự tứ của chư Tăng.
Tỷ dụ như một chùa có một hai cô ni, một hai ông thầy, không an cư, không tự tứ mà cũng tổ chức lễ Vu-lan long trọng, nói rằng cúng dường ngày Vu-lan là có phước, nào là giải đảo huyền, nào là xá tội vong nhân v.v...
Mà khi đó quí vị chưa áp dụng đúng tinh thần tự tứ.
Họ không sống với tính cách đoàn thể, không sống đúng với tinh thần Phật muốn dạy, mà họ hô hào như vậy thì quí vị thấy có hợp lý hay không?
Vì vậy chúng ta phải thấy rõ người tu theo đạo Phật là đi trên con đường giác ngộ.
Một việc nào cũng làm đúng theo tinh thần giác ngộ.
Ngày tự tứ là ngày tự giác của mọi người.
Sau khi xét lại cái sai lầm, cái sái quấy của mình trong ba tháng để mình phát lồ sám hối và đồng thời nhờ chung quanh, những người có tinh thần cương trực, chỉ những lỗi lầm sơ sót của mình.
Như vậy sự tiến bộ của mình càng ngày càng vươn lên.
Tinh thần giác ngộ như vậy mới là tinh thần giác ngộ mạnh mẽ sáng suốt.
Đó là tôi nói thẳng cho quí vị thấy tinh thần tự tứ của ngày rằm tháng bảy.
Vì vậy ngày rằm tháng bảy này mới nên làm lễ Vu-lan, tức là Phật tử mới nên cúng dường để theo sở nguyện của mình. Cái sở nguyện được hay không được, đó là vấn đề khác.
Nhưng điều đáng chú ý hơn hết là đức Phật đặt trọng vấn đề tự tứ của chư Tăng, mới là ngày quan trọng.
Trích trong: Tinh thần giác ngộ của đạo Phật qua ngày lễ Vu lan.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Duyên khởi là cốt tủy, là hạt nhân của mọi triết lý Phật giáo
Kiến thức 11:20 03/11/2024Các triết lý quan trọng của Phật giáo như Vô ngã, khổ, vô thường, tính không, nhân quả đều được đặt trên nền tảng cơ sở của duyên khởi.
Tìm lại chính mình
Kiến thức 09:00 03/11/2024Một lần Đức Phật đang tĩnh tọa ở bìa rừng thì có 30 thanh niên từ đâu chạy tới, thấy Đức Phật, họ hỏi: Thưa Sa-môn, Ngài có thấy một cô gái chạy qua đây không?
Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?
Kiến thức 20:09 02/11/2024Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.
Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp
Kiến thức 14:50 02/11/2024Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.
Xem thêm