Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 21/07/2017, 21:30 PM

Yếu chỉ người tại gia

Phật dạy nếu người cư sĩ tại gia giữ được năm giới trọn vẹn và bốn phép quán niệm cao thượng này thì thành tựu quả vị Tu Đà Hoàn, có nghĩa là chứng dòng Thánh thứ nhất trong bốn quả Thanh Văn. Khi một người cư sĩ tại gia đã chứng được quả vị này, thì sẽ không bao giờ bị đọa vào ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh. Chữ Thánh ở đây có nghĩa là thánh thiện và cao quý.

Chủ yếu bài kinh này Phật dạy cho người cư sĩ tại gia, trước tiên là phải có niềm tin chân chính về bốn tâm cao thượng và gìn giữ năm điều đạo đức, nhằm xây dựng nếp sống bình yên, hạnh phúc trong gia đình và xã hội, ngay trong giờ phút hiện tại. Người cư sĩ tại gia mà trong kinh gọi là người áo trắng, nếu ai thực hiện được những điều trên thì chứng được quả Thánh đầu tiên là Tu Đà Hoàn trong bốn dòng Thánh, rồi tiến tu tiếp để chứng quả Tư Đà Hàm, A Na Hàm, và quả vị cuối cùng là A La Hán. Khi chứng được quả vị Tu Đà Hoàn thì không còn bị đọa lạc vào ba đường dữ là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Kinh là gì? Kinh là lời Phật dạy bằng tiếng Phạn, nói cho đủ là Tu Đa La, người Trung Hoa dịch là Khế Kinh. Khế Kinh có nghĩa là khế lý và khế cơ và ứng hợp mọi thời đại.

Khế lý là sao? Là luôn đúng với lý giác ngộ, giải thoát của chư Phật, tức là dù trải qua bao nhiêu thời đại, bao nhiêu sự thăng trầm của cuộc sống, nhưng lời Phật dạy vẫn giúp cho con người biết cách làm chủ bản thân, để sống đời bình yên, hạnh phúc bằng trái tim yêu thương và hiểu biết.

Khế cơ là khế hợp với tất cả mọi người, dù là người cổ xưa hay là người văn minh hiện đại, đều có thể áp dụng tu hành mà chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.

Trong cuộc sống của kiếp người, ai khéo tu thì chuyển hóa được phiền não khổ đau, nên Phật tùy theo căn cơ mà chỉ dạy cho hai giới xuất gia và tại gia. Người xuất gia, Phật chỉ dạy pháp giác ngộ giải thoát hoàn toàn và người tại gia Phật dạy từng phần giác ngộ và hành Bồ Tát đạo cho đến khi nào thành Phật viên mãn.

Kinh Người Áo Trắng nhằm chỉ cho người cư sĩ tại gia, là nhân tố nền tảng của gia đình và xã hội, Phật vì lòng từ bi thương xót nên đã dạy năm điều đạo đức và bốn tâm cao thượng, nhằm giúp cho mọi người sống an vui, hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại.

Ta cũng có thể nói đạo Phật là một tôn giáo dạy con người biết hướng thiện, dứt ác làm lành, nhờ tin sâu nhân quả và biết cách sống tốt hơn để hoàn thiện chính mình về mọi mặt. Sống là một nghệ thuật để con người biết cách thương yêu và san sẻ cho nhau bằng trái tim hiểu biết, với tấm lòng vô ngã, vị tha. Sống có hiểu biết tạo nên hạnh phúc cho mình và người khác. Hạnh phúc của chúng ta và hạnh phúc của người khác có liên quan mật thiết với nhau, như nước với lửa rất cần nhau trong đời sống hằng ngày. Để tạo nên nhịp cầu kết nối yêu thương, nhằm xây dựng hạnh phúc bền vững và lâu dài cho mình và người khác, ta cần phải có niềm tin đối với Tam bảo và giới pháp chân chính.

Niềm tin chân chính là niềm tin có trí tuệ sau khi có cân nhắc và chiêm nghiệm. Vì thế, đức Phật khuyên chúng ta đừng nghe những gì người khác nói, dù đó là truyền thuyết có từ nhiều đời. Nghe điều gì, chúng ta nên suy nghĩ, tìm tòi xem sự việc đó có thiết thực lợi ích hay không, vì khi ta muốn tin điều gì mà không có trí tuệ suy xét, không chứng minh được nguồn gốc của nó thì dễ rơi vào mê tín, dị đoan.
 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Đức Phật cũng dạy chúng ta rằng đừng vội tin những gì được nhiều người tin theo. Nếu họ là nhà trí thức có đời sống đạo đức, nhân cách cao thượng được nhiều người quý mến kính trọng, ta cũng phải suy xét cho kỹ càng giá trị lợi ích của họ. Niềm tin của chúng ta căn cứ trên những tiêu chuẩn như vậy là niềm tin chân chính. Như chúng ta đã biết, niềm tin là mẹ sinh ra các công đức lành được trải nghiệm qua đời sống hiện thực, nếu không chúng ta sẽ phạm phải sai lầm đáng tiếc vì niềm tin mù quáng và từ đó chúng ta cũng sẽ bị người lợi dụng để làm các việc xấu ác.

Khi niềm tin của chúng ta bị lợi dụng, chúng ta trở thành người cuồng tín si mê dại dột, nên mặc tình giết người vì nghĩ rằng sẽ được lên thiên đường hưởng phước báo tối cao. Phước đâu chẳng thấy, chỉ thấy mang tội giết người và bị tù tội hoặc tử hình cho nên tạo ra mối nguy hiểm cho xã hội.

Trong mối quan hệ giao tế giữa con người với con người, lòng tin tạo nên sự gắn bó thân thiết trong sự liên quan các mối giao dịch làm ăn và củng cố uy tín cho chính mình đối với cộng đồng xã hội. Trong suốt quá trình xây dựng lòng tin đối với mọi người, chính chúng ta cần phải có sự kiên nhẫn và thành thật tin sâu nhân quả. 

Trong sinh hoạt gia đình, sự thương yêu, đùm bọc sẻ chia cho nhau đều bắt đầu từ lòng tin giữa cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em, người thân và láng giềng. Lòng tin như một chất keo, luôn gắn bó con người với con người và là một chất liệu kết nối yêu thương, sẻ chia cuộc sống, để cho chúng ta thêm gắn bó và cảm thông với nhau lâu dài.

Phật dạy: Tin là căn bản của sự thành công và là nguồn gốc để phát sinh muôn hạnh lành. Nhưng lòng tin của người phật tử không phải là một lòng tin cuồng nhiệt, sôi nổi, bốc đồng mà không có suy xét kiểm chứng qua sự thực hành. Ðức Phật đã từng nói rằng ta chỉ là vị thầy dẫn đường giúp cho mọi người đi đến con đường bình yên hạnh phúc, ta không phải là một vị thần linh hay một đấng tối cao có quyền ban phước giáng họa.

Người phật tử tin Phật là một con người giác ngộ và chúng ta cũng là một con người, ai quyết tâm và kiên trì, bền bỉ sẽ biết cách chuyển hóa nỗi khổ niềm đau thành an vui hạnh phúc, do đó sự thành công của chúng ta không phải là một thứ mê tín. Một tín ngưỡng mù quáng không xây dựng trên lý trí xét đoán là một nguy hại lớn cho đời sống của mỗi con người, có thể làm cho chúng ta ỷ lại, lười biếng mà dang tay chờ đợi những giáo điều ngu ngơ huyễn hoặc.

Ta tin chính mình là chủ của bao điều họa phúc, để ta biết cách làm chủ bản thân qua ý nghĩ, lời nói và hành động mà sống đời bình yên, hạnh phúc ngay nơi cõi đời trần tục này. Niềm tin ấy rất cần thiết cho mọi người, nhưng niềm tin ở đây là niềm tin có trí tuệ, sau khi ta biết quán xét và chiêm nghiệm, không phải niềm tin mù quáng.

Đây là bài Kinh căn bản thể hiện nhân cách sống tốt đẹp về đạo đức làm người, Phật nói cho người cư sĩ tại gia. Được xây dựng bởi niềm tin chân chính, có ý thức và chịu trách nhiệm về ý nghĩ, lời nói và hành động của mình qua cách thức giữ năm giới.

Tôi nghe như vầy, tức là thầy A Nan, Ngài là một trong mười vị đệ tử xuất cách nhất thời Phật còn tại thế, thầy có tài nhớ giỏi và trùng tuyên lại kinh này, nhờ có thầy năm ba lần xin Phật mà phái nữ được xuất gia tu học bình đẳng với nam giới. Bởi vì đất nước Ấn Độ trong thời kỳ đó, phân biệt giai cấp và trọng nam khinh nữ.

Bài kinh được nói tại tịnh xá Kỳ Viên, rừng Kỳ Đà, vườn ông Cấp Cô Độc, thành Xá Vệ, nước Câu-tát-la. Thái tử Kỳ Đà là con vua Ba Tư Nặc, thái tử được sinh ra đúng ngày vua Ba Tư Nặc chiến thắng quân giặc phiến loạn. Nhân ngày chiến thắng đó mà đặt tên cho con mình là Kỳ Đà, có nghĩa là chiến thắng. Cấp Cô Độc là vị đại thí chủ nổi tiếng thời đức Phật về công hạnh bố thí và sẻ chia.

Ngoài việc hộ trì Tam bảo, cúng dường tứ sự cho chư tăng, ngài còn san sẻ, giúp đỡ cho người bất hạnh vô điều kiện, nên được người đời ban tặng cho danh hiệu Cấp Cô Độc. Cấp có nghĩa là cho, cho người cô độc chén cơm, manh áo để tồn tại. Ngài cúng dường chư tăng và giúp đỡ kẻ nghèo khổ bần cùng, không tính toán phân biệt thân hay sơ.

Theo lịch sử, sau khi trưởng giả Cấp Cô Độc được Phật chỉ dạy đạo lý nhân quả nên đã có lòng tin vững chắc đối với Tam bảo, mà phát tâm mua một miếng đất đẹp để xây dựng tịnh xá. Trưởng giả Cấp Cô Độc tìm mãi chẳng thấy miếng đất nào vừa ý để xây dựng tịnh xá, chỉ có miếng đất của thái tử Kỳ Đà con vua Ba Tư Nặc là có đủ điều kiện về mọi mặt đẹp đẽ, hùng vĩ và trang nghiêm. Nhưng thái tử Kỳ Đà là một người giàu có, ông đâu cần tiền bạc, nên khi Ngài Cấp Cô Độc tới đặt điều kiện mua đất làm tịnh xá cho Phật và tăng đoàn, thái tử vì không muốn bán, nên nói giá trên trời để ông đi tìm chỗ khác mà mua, “nếu ông đủ khả năng lấy vàng trải đầy đất thì ta sẽ bán cho”.

Bút sa gà chết, không ngờ lời nói chơi đó đã trở thành sự thật. Sợ thái tử đổi ý, nên sáng sớm hôm sau trưởng giả Cấp Cô Độc đã tranh thủ cho người chở đầy các xe vàng đến để lót vào đất. Trong lúc mọi người lót vàng thì ông mới đứng trầm tư suy nghĩ, thái tử Kỳ Đà tưởng ông tiếc nuối nên mới hỏi: "Bộ ông hối hận hay sao mà đứng ngẩn người ra như thế?" Trưởng giả Cấp Cô Độc trả lời: "Tôi đang suy nghĩ nên lấy số vàng ở kho nào, để lót cho được đầy đủ số đất còn lại mà khỏi phải mất thời gian".

Nghe ông nói vậy, thái tử Kỳ Đà rất đỗi ngạc nhiên nên mới hỏi Cấp Cô Độc: "Phật là ai mà ông dám bỏ gần hết phân nửa gia tài, để mua đất làm tịnh xá cúng dường cho Phật". Trưởng giả Cấp Cô Độc lúc bấy giờ mới nói: "Phật trước kia là một hoàng thái tử được kế thừa ngôi vua, Ngài có cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, thần dân thiên hạ, mà dám từ bỏ hết tất cả để tìm ra thân phận kiếp người, biết cách làm chủ bản thân, an nhiên tự tại sống đời giác ngộ, giải thoát hoàn toàn.

Ngài đã mở ra một trang sử mới, một nét son vàng chưa từng có trong lịch sử nhân loại từ trước đến nay. Sự thấy biết của Ngài, hoàn toàn đi ngược lại các truyền thống xa xưa cho rằng có một đấng thần linh thượng đế ban phước, giáng họa. Ngài đã thật sự giác ngộ giải thoát, nhờ thấy biết đúng như thật, không còn bị sự trói buộc bởi các dục lạc thế gian như tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn sung, mặc sướng, ngủ nhiều".

Khi nghe tới đây, thái tử Kỳ Đà như được rót mật ngọt vào tai, cảm thấy trong lòng an ổn nhẹ nhàng, nên đã tín tâm tôn kính đức Phật. Thái tử nói với Cấp Cô Độc: "Ông khỏi cần phải lót vàng vào đất nữa, bao nhiêu đây là đủ rồi. Đất là phần của ông cúng dường, rừng cây hoa lá cùng hồ ao, suối nước mát trong là phần của tôi, xin được cúng dường cho Phật".

Thế nên, ngày hôm nay khi chúng ta nghe bài kinh nào Phật nói tại thành Xá Vệ, thì ta có thể biết được tích truyện của thái tử Kỳ Đà và ông Cấp Cô Độc, hai người đã đồng phát tâm cúng dường Phật. Trưởng giả Cấp Cô Độc một đời kính tin Tam bảo nên làm việc bố thí cúng dường cho chư tăng không biết mệt mỏi, nhàm chán, mà còn hay giúp đỡ người nghèo khó, cô độc, bệnh hoạn, bất hạnh nên được mọi người tặng cho danh hiệu là Cấp Cô Độc. Cấp có nghĩa là cho, là san sẻ hay giúp đỡ những người bất hạnh cô độc, không người nuôi dưỡng. Theo sử liệu ghi lại, Phật ở tại tịnh xá Kỳ Viên của ông và thái tử Kỳ Đà cúng dường suốt 25 mùa an cư kiết hạ, trong 49 năm hoằng dương chính pháp.

Trong lịch sử Phật giáo, Cấp Cô Độc là tấm gương sáng ngời về hạnh bố thí, cúng dường Tam bảo và hết lòng cưu mang, giúp đỡ nhiều người bất hạnh với tinh thần thương yêu bằng trái tim hiểu biết, luôn sống vì lợi ích tha nhân.

Kinh này được Phật nói tại chùa Kỳ Viên cho cư sĩ Cấp Cô Độc và một số bạn bè thân thuộc của ông. Cư sĩ Cấp Cô Độc là người đã từng hộ trì Tam bảo với lòng thành kính và biết ơn. Chính ông đã mua khu vườn của thái tử Kỳ-đà để dâng cúng cho Phật và giáo đoàn 1250 vị tỳ kheo có chỗ nơi để tịnh dưỡng và tu tập.Ông có niềm tin vững chắc đối với Tam bảo và một lòng tôn trọng kính thờ Phật và chư Tăng. Ông đã độ được gia đình người thân, một vợ và con trai cùng ba cô con gái, biết quy hướng về Tam bảo và giữ giới trong sạch để sống đời an vui hạnh phúc, ngay tại đây và bây giờ.

Cư sĩ Cấp Cô Độc có rất nhiều bạn bè trong giới trí thức và mua bán làm ăn, ông đã khuyên nhủ được bạn bè thường xuyên đến đức Phật để học hỏi mà biết cách tu tập chuyển hóa. Ngày hôm đó, ông đã hướng dẫn các bạn bè tới tịnh xá Kỳ Viên để thăm thầy Xá Lợi Phất và nghe thầy chỉ dạy cách thức tu hành. Sau đó ông và các bạn tới đảnh lễ đức Phật. Trước sự hiện diện của thầy Xá Lợi Phất, Phật dạy cho ông và năm trăm người bạn kinh Người Áo Trắng, tức là kinh cho người cư sĩ tại gia. Bài kinh này là kinh gối đầu nằm cho người cư sĩ tại gia mà Phật gọi là người áo trắng, nếu ai giữ được trọn vẹn năm giới và bốn tâm cao thượng thì coi như chứng được quả vị thứ nhất là Tu Đà Hoàn, tức là được vào dòng Thánh.

Trưởng giả Cấp Cô Độc đã được gặp Phật lần đầu tiên tại tịnh xá Trúc Lâm đất nước Ma Kiệt Đà do vua Tần Bà Sa La hiến cúng. Từ đó, ông tin sâu Tam bảo và muốn đạo Phật được truyền bá rộng rãi tại đất nước ông là thành Xá Vệ. Phật đã nhận lời thỉnh cầu trên. Sau đó, Phật đã cho thầy Xá Lợi Phất cùng đi với ông Cấp Cô Độc về thành Xá Vệ đất nước Câu Tát La. Ông đã mua được khu vườn nghỉ mát của thái tử Kỳ Đà, một khu vườn thật đẹp đúng với mong muốn của ông.

Trong kinh Người Áo Trắng, chúng ta thấy trưởng giả Cấp Cô Độc đưa năm trăm người bạn tới thăm thầy Xá Lợi Phất trước rồi mới đến thăm Phật sau, vì có duyên cùng làm phật sự xây chùa. Khi gần cuối đời, chính thầy Xá Lợi Phất và ngài A Nan là người đến thăm bệnh ông và chỉ pháp yếu tu hành giải thoát, để ông trút hơi thở cuối cùng trong an lạc và nhẹ nhàng. Kinh này Phật nói với thầy Xá Lợi Phất, nhưng cũng để cho trưởng giả Cấp Cô Độc và năm trăm người bạn của ông cùng nghe. Nội dung chính của kinh nói về năm giới cho người cư sĩ tại gia và bốn phép quán niệm về Phật, Pháp, Tăng và giới pháp chân chính.

Phật dạy nếu người cư sĩ tại gia giữ được năm giới trọn vẹn và bốn phép quán niệm cao thượng này thì thành tựu quả vị Tu Đà Hoàn, có nghĩa là chứng dòng Thánh thứ nhất trong bốn quả Thanh Văn. Khi một người cư sĩ tại gia đã chứng được quả vị này, thì sẽ không bao giờ bị đọa vào ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh. Chữ Thánh ở đây có nghĩa là thánh thiện và cao quý.

Thích Đạt Ma Phổ Giác
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm