Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

30 ngày thiền thất bên trong Vạn Phật Thánh Thành (P.3)

Nếu muốn tu hành một cách chân chánh, thì các bạn không được lười biếng, khi làm việc thì phải tích cực, hăng hái, và không được thiếu lòng nhẫn nại. Dẫu có những điều không thể nhẫn nhịn được thì cũng phải nhẫn nhịn, và nếu có những việc không thể chịu đựng nổi thì cũng phải chịu đựng

Ngày thứ 11:  

Tâm lý của phàm phu là sợ sự thật, vì sự thật là tu và tu là phải sửa và phải xả, nên con người ta rất sợ, sợ phải từ bỏ tất cả ngũ dục trong cuộc đời mà con người ta vốn đã rất nghiện ngập, không thể cai được. Dục nào trong năm dục cũng đều là dục đáng được ưa, đáng được thích và nay chỉ vì tu mà phải từ bỏ thì phí uổng quá. Nên con người ta không muốn tu và không dám đối diện thẳng sự thật. Một mặc con người ta than khổ và muốn thoát khổ, nhưng khi tìm được cách thoát khổ thì người ta lại không dám đi tiếp, vì sợ đi tiếp sẽ mất hết tất cả những vị khổ, vị vui, vị say mê khoái lạc sung sướng trong cuộc đời. 

Đời sống và trí tuệ trong tu hành cho tôi thấy rõ được sự thật và bản chất của cuộc đời. Đôi khi vạch trần nó ra để soi rọi và quán chiếu, ta thấy được tất cả sự trần trụi, ô trược và khổ đau của chúng sinh làm sao! Cái khổ đau của việc nhận giả làm thật, lấy dơ làm sạch, lấy phải làm quấy, lấy khổ làm vui, nên ngài Tuyên Hóa cũng nói rằng: “Chúng sinh khi sinh ra đã hồ đồ, sống hồ đồ, cả một cuộc đời hồ đồ và khi chết đi cũng hồ đồ".

Bậc Thiện tri thức khai thị, chỉ thẳng cho mình với những lời trách cứ mạnh mẽ, để cho ta thức tỉnh, để cho ta thấy rõ và thật rõ rằng, những gì chúng ta đang hồ đồ, nắm bắt và hưởng thụ tất cả ở đây đều chỉ là đang trong cơn mộng. Mai này có thể vài mươi năm nữa, vài năm nữa, vài tháng hoặc vài ngày nữa, khi nghiệp đến đánh thức chúng ta, cơn mộng vàng ta đang sống và thấy đây sẽ tan biến, rơi vào hư vô và ta sẽ được mời đến gặp Diêm vương nhận án, lãnh hình.

H.T Tuyên Hóa khai thị:  

Ai Niệm Phật ? Bây giờ là lúc để chúng ta thảo luận. Vậy ai có vấn đề gì thì cứ việc nêu ra để mọi người cùng nhau nghiên cứu, bàn luận. Có người hỏi về câu “Ai niệm Phật” là sao? Như trong kinh Kim Cang nói: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.” Cho nên nếu có chỗ thì đó tức là trụ, còn không có chỗ trụ là không nghĩ thiện, không nghĩ ác, là ngay chỗ đó mà dụng công. 

Nếu chúng ta chú ý vào một chỗ nào, rồi nghĩ đến tốt hay không tốt thì đó đều là chấp trước. Tu hành là tu đến chỗ không còn chỗ chấp, cái gì cũng không chấp, thân thể cũng quên luôn. Đến cả thân thể cũng không có, vậy còn chấp vào cái gì nữa? Lúc tọa thiền, chúng ta không nên nghĩ nhớ đến bất cứ điều gì, mà chỉ cần nhớ “Ai niệm Phật?” Ai là người đang niệm Phật? Tức là tìm cái “Ai” nầy. Chừng nào tìm được “Ai” rồi, thì đó là lúc khai ngộ. Nếu tìm không được thì một ngày cũng phải tìm, mười ngày cũng phải tìm, trăm ngày cũng phải tìm, ngàn ngày cũng phải tìm, vạn ngày cũng phải tìm, một năm, mười năm, trăm năm, ngàn năm, vạn năm, đều chỉ là tìm nó. Cho đến lúc nào tìm được nó, lúc đó mới thôi. 

Quý vị đừng mong cho mau, vì đây không giống như hút thuốc phiện, hễ hút xong là thoả mãn cơn ghiền. Nó đâu có dễ như vậy! Vì nếu dễ thì là pháp môn lừa dối. Pháp môn tu chân chánh là phải chính mình nỗ lực dụng công. Không nên có ý nghĩ như anh nông phu vì muốn giúp cho lúa mau lớn, anh bèn kéo cây lúa cao lên một chút, để chúng cũng lớn mau thêm một chút. 

Đó là tư tưởng sai lầm! Câu “Ai niệm Phật?” có thể chặt đứt tất cả các vọng tưởng, các dục niệm, là chém giết hết cả mười đại quân ma. Chữ “Ai” nầy là thanh bảo kiếm Kim Cang Vương, cái gì nó cũng chém sạch hết, cho đến không còn chỗ nào để chấp cả. “Phàm những gì có hình tướng thì đều là hư vọng. Nếu người nào thấy tất cả hình tướng là phi tướng tức là thấy được Như Lai.” 

Còn có chỗ chấp thì đó là tâm người, tâm chúng sanh. Không có chỗ chấp thì là tâm đạo. Khi chúng ta ngồi thiền mà không nghĩ đến chữ “Ai” nầy, vọng tưởng sẽ phát sanh nên không thể khai ngộ được. Dùng câu thoại đầu nầy khi tham thiền là lấy độc công độc, dùng vọng tưởng khống chế vọng tưởng, cũng là dùng một vọng tưởng để điều phục nhiều thứ vọng tưởng. Chúng ta dùng nó mãi cho đến khi sơn cùng thủy tận, không còn đường nào để đi thì chính chỗ chuyển thân quay mình đó sẽ khai ngộ. 
 
Ngày thứ 12:  

Tổ sư thiền với việc tham các thoại đầu là pháp tu rất mới đối với người Việt Nam, nhưng với các Thiền viện tại Trung Hoa thì truyền thống tu hành này vẫn còn được ứng dụng ở một số chùa và thiền viện rải rác khắp Trung Hoa. Hiện nay, chùa Thiên Đồng, chùa Cao Mân, chùa Kim Sơn là những Thiền viện nổi danh với pháp tu thiền này và mỗi năm đều có những khóa thiền đả thất và có rất đông thiền giả về tu tập.

Với tôi, đường lối tu thiền này cũng rất mới mẻ vì truyền thống các chùa Việt Nam chưa từng được truyền thừa và hướng dẫn tu hành. Phần lớn các chùa đều tu Tịnh độ, lấy tụng kinh và niệm Phật làm chính. Thiền phái Trúc Lâm được H.T Thanh Từ hoằng hóa và phổ biến rộng khắp Việt Nam và thiền pháp này dùng lối tu “vô niệm, biết vọng và không theo vọng”, thay vì dùng thoại đầu (“Ai” là người niệm Phật) để diệt vọng, dùng một vọng tưởng để diệt tất cả vọng tưởng. Hai pháp tu hơi khác nhau một chút nhưng đều cùng chung mục đích: “khai ngộ bổn tâm, kiến tánh thành Phật”.

H.T Khai thị:

Tu Ðạo Cần Phải "Quý Phước, Cầu Huệ" Tín đồ Phật Giáo chúng ta khi chưa thành Phật thì cần phải biết "quý phước, cầu huệ." Hễ biết quý phước thì phước báu gia tăng, còn cầu huệ thì trí huệ tăng trưởng. Các bạn hãy nhìn xem: Người đời có vô số hoàn cảnh khác nhau.

Có những người được phước báu rất lớn, không cần phải làm gì cả mà lại được vạn sự như ý, mọi thứ đều có sẵn, đời sống rất sung túc; họ không buồn không lo, sung sướng vô cùng, đó là nhờ khi trước họ đã từng tu phước rất nhiều, nên nay mới được hưởng phước báo lớn lao như thế! Có những người thì lại có trí nhớ rất tốt, chỉ xem qua một lần là không bao giờ quên. Họ vừa thông minh vừa khoẻ mạnh, và còn có biện tài vô ngại; khi họ thuyết Pháp thì có hiện tượng "trời mưa hoa xuống, đất trồi sen vàng" xảy ra. Vì sao họ có khả năng ấy? Là vì khi xưa họ đã từng tu huệ rất nhiều!  

Làm thế nào để tu huệ và tu từ đâu? Trước hết, hãy bắt đầu từ Ðại Thừa, đọc tụng kinh điển Ðại Thừa, nghiên cứu Tam Tạng cho thật thấu đáo, cho tới mức viên mãn, miệng có thể đọc thuộc, tâm có thể nghĩ suy. Sáng cũng như chiều, ngày ngày dùi mài Tam Tạng cho làu thông, thấu triệt, thì đại trí huệ khai mở, kiếp sau nhất định sẽ vừa thông minh vừa biện tài. Chúng ta đã biết thế nào là "quý phước, cầu huệ" thì cần phải quý tiếc đồ vật, không nên làm hư hại vật dụng. Làm những công việc như sửa cầu, đắp đường, cất chùa, dựng tháp, bố thí y phục, bố thí vật thực, cứu giúp người nghèo khổ tức là tu phước, tạo phước điền. 

Còn giảng Kinh thuyết Pháp, in kinh sách để truyền bá, phiên dịch kinh điển, tô vẽ tranh Phật... là thuộc về pháp môn tu huệ. Giả sử các bạn không muốn có phước báo và cũng không muốn có trí huệ, thì chẳng còn lời gì để nói. Song, nếu các bạn muốn có phước báo, muốn có trí huệ, thì hãy mau mau tu phước, cầu huệ. Không được lãng phí phước báo và cũng không được bỏ trí huệ một cách tùy tiện! "Quý phước, cầu huệ" là một công việc lớn lao, tất yếu mà mọi tín đồ Phật giáo cần phải thực hành!

Ngày thứ 13:  

Được anh tôi giới thiệu, tôi tìm đến thầy Hằng Toàn và được làm quen với ngài. Ngài là bậc thầy Việt Nam trưởng thượng trong Vạn Phật Thánh Thành đứng sau H.T Phương trượng, có nụ cười hiền, ánh mắt từ bi và khuôn mặt hồng hồng với làn da trắng rất đẹp. Có lẽ ngài hành thiền nhiều lắm nên sắc mặt rất đặc biệt, tai thì ửng đỏ. Tôi có dịp tiếp xúc với ngài vài lần, và thấy được sự bình dị, tận tâm và tấm lòng từ muốn độ chúng sanh của ngài. Qua đó, tôi có trình bày về sự tu hành và nhân duyên hoằng pháp của mình, cầu thỉnh ngài cùng góp một tâm nguyện, bàn tay cho công việc độ sanh sau này tại Thái Lan. Ngài cũng hoan hỷ nhận lời khi thấy tôi thành tâm đến như vậy.

Một khi có ý tưởng thối thất nào khởi lên trong thời gian tu hành, tôi lại đem mình so sánh với chúng Tăng thường trụ sống ở đây. Các vị ấy sống từ năm này qua năm nọ ở đây, ngồi thiền hàng bao nhiêu tiếng mỗi ngày, đời sống kham nhẫn muôn phần mà họ còn an lạc, sống thảnh thơi; còn tôi không có lý do gì để phải than van, thối thất. Sự tu hành, dụng công lúc nào cũng phải chuyên chú, nhất tâm hướng về phía trước. Ngẫm lại thời gian tu hành trước, quả thật tôi thấy như lời ngài dạy: “những công phu, những sự tu hành trước kia chỉ là hời hợt ngoài da”. Còn nay đúng là đang tu hành bên trong xương, trong tủy. Tôi phải thấy hết ý nghĩa của sự tu hành và rèn luyện cho mình một sợ kham nhẫn vô đối, luôn xông pha về phía trước, thách thức trở ngại và khó khăn. Một tinh thần chiến đấu như vậy thì mới mong thành tựu trên con đường tu hành, đạt được giải thoát. Đây cũng chính là tâm nguyện một đời của người xuất gia và của chính tôi kia mà!

H.T Tuyên Hóa khai thị:

Ði đứng nằm ngồi 
Không lìa bỏ nó 
Lìa bỏ cái đó 
Tức thành lầm lỗi.   

Cái đó là cái gì? Chính là câu thoại đầu để chúng ta dụng công tham thiền. Lấy chân tâm mà tu Ðạo, đề khởi câu thoại đầu rồi tham cứu một cách miên mật, không dứt đoạn. Hàng giờ, hàng khắc, hàng phút, hàng giây, không một tạp niệm nào, một vọng tưởng nào xen vào, tóm lại trong tâm tư, niệm trước niệm sau, chỉ rặt một câu thoại đầu là đề mục tham cứu. Vậy thì đâu còn thời gian nào khác để nói chuyện với nhau, làm rộn người khác? Cũng không có cơ hội để lười biếng nghỉ ngơi, càng không có dịp để nói chuyện thị phi, chuyên một lòng giữ câu thoại đầu để tham ngộ. Có câu kệ rằng: 

Mọi sự qua suông sẻ 
Khó xả duy nổi nóng 
Nếu quả không tức giận 
Ðó là hòn ngọc quý 
Lại không biết hận người 
Sự việc đều trôi chẩy 
Phiền não chẳng hề sanh 
Lấy đâu tạo oan nghiệt? 
Thường chỉ rặt trách người 
Khổ đau chuốc mãi mãi. 

Người tham Thiền nếu có được thái độ như vậy mới mong có ngày "nhập môn". Tại Thiền đường ai ai cũng phải hồi quang phản chiếu, quay về nơi mình, tự hỏi mình, có phải ta đương dụng công, hay ta đương phóng tâm theo vọng tưởng? Hãy nhìn chính mình, phải chăng ta đương rọi sáng để soi chính ta? Chớ không phải soi ra ngoài? Ðó là điều chúng ta phải rất mực chú ý. 

Dụng công nơi Thiền đường, ta phải ghi nhớ hai câu sau: 

Ma-ha-tát, chẳng lý tới kẻ khác 
Di-đà Phật, ai nấy tự lo lấy! 

Từng thời từng khắc, tự quản lý mình, khỏi cần để ý tới ai, càng không nên làm phiền hà người khác, như vậy là chướng ngại sự dụng công của mọi người, khiến họ có thể lỡ cơ hội khai ngộ, một việc không thể chấp nhận được. Như tôi thường nói với quý vị: 

Thành thực nhận lỗi mình 
Không bàn lỗi người khác 
Lỗi người tức lỗi ta 
Ðồng thể gọi Ðại bi. 

Ai ai cũng có tư tưởng đó thì tất cả đều một lòng một ý tu hành, không còn nghĩ gì khác, chẳng còn nhiều chuyện bàn tán, làm rộn mọi người. 

Người tham thiền cốt yếu phải nhận định cho rõ rệt một vấn đề căn bản. Ðó là vấn đề gì? Cái đó là tập khí . Ngồi thiền là để loại trừ tập khí, những thói xấu, để thanh lọc tâm tư, để giải trừ những thói xấu đố kỵ những ai hơn mình. Hãy mang những tâm đố kỵ, những tâm phiền não vô minh, gạt bỏ hết. Có như vậy, Chân tâm sẽ tỏ lộ, trí huệ sẽ hiển bầy, và lúc đó thiền giả mới có hy vọng nhận được tin vui. 

Bởi đâu mà mọi người ưa những chuyện thị phi? Chính vì lý do ngu si. Bởi đâu mà sanh tâm tật đố? Cũng là do ngu si. Bởi đâu mà có tâm hại người? Là ngu si hết. Phàm làm những chuyện không hợp lý đều do ngu si mà phát sanh ra. Vậy bởi đâu mà có ngu si? Chính vì không chịu tu tập thiền định, nên không có trí huệ, cho nên chúng ta cứ luẩn quẩn trong vòng nhân ngã thị phi, không ra khỏi được. Do đó, chúng ta phải hồi quang phản chiếu, nhìn nhận lỗi mình trong quá khứ, dốc lòng hối cải, thay vì khư khư giữ mãi những tập khí xấu xa mà không chịu buông bỏ. 

Tại sao khi ngồi thiền lại buồn ngủ? Bởi cầu Pháp mà lòng không chân thực. Nếu như thành tâm cầu Ðạo thì tuyệt đối không bao giờ buồn ngủ. Quý vị hãy thử kinh nghiệm coi, tôi nói lẽ đó có đúng hay không?

Người tu hành không nên bạ đâu nói đó, mà phải hết sức thận trọng, ôn tồn. Ðến chỗ nào thì cũng phải làm gương cho kẻ khác, không thể cười đùa, nói càn nói bậy, vì như thế tức là không tôn trọng quy củ của đạo tràng. Người khác thấy được hành vi như vậy sẽ phê bình là những người xuất gia trong Vạn Phật Thành không thông hiểu quy củ. Với thái độ như vậy thì làm sao tu Ðạo, làm sao thành tựu được Ðạo nghiệp? Ðừng nên vì một, hai cá nhân chẳng giữ gìn quy củ mà khiến cho danh dự của Vạn Phật Thành bị hoen ố, hủy hoại! 

Vạn Phật Thành là ngọn đèn sáng của Phật Giáo trên thế giới, bởi vậy, mỗi người trong đại chúng, nhất cử nhất động, nhất ngôn nhất hành, đều phải nên đặc biệt cẩn thận! Người xuất gia tu Ðạo lúc nào cũng phải tự kiềm chế chính mình, không nên nghĩ vẩn vơ, vọng tưởng. Bất luận là vọng tưởng tốt hay vọng tưởng xấu, thảy đều phải quét sạch đi, do đó có câu "nhất niệm bất sanh." Ðạt tới cảnh giới này thì mình mới tương ưng với Ðạo được. Nếu có vọng tưởng vô ích, cho dù thân thanh tịnh mà tâm huyên náo, thì dụng công tu Ðạo thế nào được? Làm sao mà thành tựu được? Ðó thật là phí thời gian chứ nào phải tu Ðạo! Kẻ chân chính tu hành thì tuyệt đối không có vọng tưởng. Có vọng tưởng thì có chướng ngại. Có chướng ngại thì không thể tiến bộ, rất dễ làm mình thối thất Ðạo tâm. 

Ngày thứ 14:  

Tôi không thể ngờ rằng, giữa một xã hội vật chất và hiện đại như Hoa Kỳ lại có một Tòng lâm, thiền viện tu hành nghiêm ngặt như thế. Đó là sự sai lầm của tôi trong nhận định khi chủ quan cho rằng, trong những xã hội vật chất, khó ai có thể tu hành được. Như vậy hóa ra chỉ những nơi không vật chất, nơi nghèo khổ thì con người ta mới dụng công, chân thực tu hành hay sao? Quyết đoán như vậy thật là lầm lẫn!  Nơi nào trên thế giới cũng có chánh pháp và mạt pháp, kẻ tu người không tu, kẻ tốt và người xấu. Tất cả đều là một sự pha trộn, lẫn lộn rất khó phân định và quyết đoán. Vấn đề ở đây là có duyên để biết, có duyên để thấy, để đến để được học hỏi, tu hành và chứng nhập hay không?

Chính vì chữ duyên ấy nên lần này tôi quyết chí ra đi và tham dự khóa tu này, dù rằng trước đó tôi dự định sang năm, khoảng tháng 6 tôi sẽ sang tham dự các khóa tu bên ấy. Nhưng rồi bản tính vốn thích Thiền, nên tôi đã gạt bỏ hết thảy chương trình cá nhân của mình, để bay sang Mỹ tham dự cho được khóa tu kỳ này. Quả thật là không uổng phí thời gian và đang giá công đi khó khăn.

Khi tham dự các khóa tu này, người xuất gia thì được miễn phí khóa tu, còn người tại gia thì phải đóng chi phí tiền phòng và tiền ăn 20 Mỹ kim một ngày. Như vậy cũng không phải là đắt khi so với vật giá, chi phí và đời sống tại Hoa Kỳ. Trong dịp này, tôi cũng có duyên gặp được một số phật tử Việt Nam tu lâu năm trong VPTT, thông thường là năm bảy năm, nhưng cũng có vị 10 hay 20, 30 năm. Tuy chùa người Hoa, nhưng người Việt tu học và làm việc tại đây cũng trên 50% rồi. Sao lạ vậy! Có lẽ bản chất người Việt là thích tu, và thích tu gắt gao nữa kia là khác, nên ở khắp nơi trên thế giới Việt Nam chúng ta cũng sinh ra nhiều bậc thầy tu hành ngộ đạo và danh tiếng vang xa. 

H.T dạy:

Hôm nay quý vị đã "lên đường" chưa? "Lên đường" có nghĩa là lên con đường Chánh-giác, con đường Bồ đề. Quý vị đã đề khởi được câu "Niệm Phật là ai" chưa? Quý vị đã buông bỏ vọng tưởng chưa? Nếu chưa đề khởi được câu "Niệm Phật là ai?" thì hãy mau mau làm đi. Phải tập như "mèo rình chuột" vậy, kiên nhẫn chăm chú chờ chuột. Lại cũng giống như "gà mẹ ấp trứng," một lòng một dạ nhớ nghĩ đến đám gà con sắp nở. Lại cũng giống như "rồng giữ hạt châu," cẩn thận chuyên nhất giữ chặt hạt bảo châu. Lúc nào cũng dụng công thì mới hy vọng thành tựu. 

Chúng ta tu hạnh "ngày ăn một bữa, đêm chẳng nằm mà ngủ" là cách tu khổ hạnh mà tôi dám nói rằng hay nhất thế giới. Ðặc biệt là lúc đả Thiền-thất, mỗi ngày ngồi mười hai giờ, đi nhiễu sáu giờ. Sự thực hành khắc khổ này đòi hỏi Thiền-sinh phải ăn uống cho đầy đủ. Do đó tại Trung Quốc, khi nào có đả Thiền-thất, mỗi đêm mọi người đều được cho ăn hai cái bánh bao lớn nên ai cũng thích thú lắm. Song ở đây không có cái lệ này. Do đó bữa trưa, quý vị nên ăn thêm một chút, ăn cho no để đủ sức đi nhiễu hoặc chạy. 

Giới luật nhà Phật quy định "nhật trung nhất thực," tức là mỗi ngày chỉ ăn một bữa vào giờ ngọ (mười hai giờ trưa) mà thôi. Về sau, lệ này đổi thành "quá ngọ bất thực," tức là sau mười hai giờ trưa thì không được dùng bữa, nhưng buổi sáng có thể ăn cháo điểm tâm. Vì không phải ăn sau giờ ngọ nên việc này không phải là phạm giới. 

Trong khóa Thiền, nếu ăn không đủ no thì sẽ không có đủ sức ngồi Thiền, đi nhiễu hay chạy, do đó có thể sinh ra thối chuyển. Vì sao? Nếu quý vị tham Thiền đến tối, bao tử quý vị sẽ cồn cào và trách quý vị là đã quá ích kỷ, chỉ biết tu hành, chỉ chú tâm muốn khai ngộ, chẳng quan tâm đến nó, khiến nó phải đau khổ. Nó hỏi quý vị tu Ðạo gì mà một chút từ bi cũng không có. Thế là nó chẳng hợp tác với quý vị nữa, khiến quý vị dễ thối tâm, không còn muốn tu hành, uổng phí công phu khi trước. Bởi vậy trong khóa Thiền, quý vị cần phải ăn cho đủ no mới có năng lực để mưu cầu trí huệ giải thoát. 

Hôm nay tôi kể cho quý vị nghe câu chuyện "Ăn bánh bao lúc đả thất." Ðây là chuyện có thật, không phải bịa đặt. Ở chùa Thiên Ðồng tại tỉnh Ninh-Ba bên Trung Quốc, có vị phương trượng tên Mật Vân. Ngài là một vị Minh nhãn Thiện-tri-thức. Thầy Duy-na cũng là một vị Minh nhãn Thiện-tri-thức. Song lòng từ bi của Thầy Duy-na thì quá rộng lớn còn lòng từ bi của Phương-trượng thì lại hạn hẹp. Ngài Mật Vân thì có tác phong "Ma-ha-tát chẳng để ý đến ai cả," còn ngài Duy-na thì chủ trương "Bồ-đề Tát-đỏa thích lo chuyện người." Vì hai vị có tư tưởng khác biệt nên lối cư xử cũng xung khắc. 

Trong lúc đả Thất, ai cũng dũng mãnh tinh tấn ngồi Thiền, cầu trí huệ giải thoát. Một đêm nọ vị Duy-na từ bi này thấy đại chúng vì quá đói bụng nên chẳng còn tinh thần nào ngồi Thiền được. Có vị bị hôn trầm, có vị thì tâm tán loạn, hoặc nếu không ngủ gật thì cũng "ngồi sụm." Bình thường, khi ngồi Thiền người ta cao khoảng ba thước tây, nhưng vì bụng đói quá, không ngồi thẳng lưng được, phải khòm xuống nên chỉ còn cao hơn một thước, do đó gọi là "ngồi sụm." Khi hiện tượng này xảy ra thì chẳng ai còn tiếp tục ngồi Thiền được nữa. 

Thầy Duy-na thấy vậy mới nẩy lòng thương và muốn giữ sức khỏe cho đại chúng, Thầy bèn nhập Ðịnh, dùng thần thông vào nhà bếp lấy cắp một ít cơm cháy đem phân phát cho mỗi người một ít. Khi ngồi Thiền xong, mọi người mở mắt ra thì thấy trên đùi họ có một miếng cơm cháy, liền rón rén ăn hết. Bởi vì "người là sắt, cơm là thép," nên ai ăn vào cũng khôi phục lại tinh thần. Lúc đi nhiễu, cũng không cảm thấy mệt mỏi. Chẳng còn như trước, vì bụng đói không thể đi nhiễu được nên phải ngồi qua một bên để nghỉ mệt. 

Sau khi Thầy Duy-na có lòng từ bi này lấy cắp cơm cháy liên tiếp hai ngày để cho đại chúng ăn điểm tâm, thì đến ngày thứ ba bị vị Phương-trượng phát giác ra chuyện ăn cắp nên bị đuổi ra khỏi chùa. Sự việc này xảy ra như sau: Buổi sáng ngày thứ ba, Thầy quản lý nhà bếp phát hiện ra rằng cơm cháy ngày hôm qua đã biến mất và Thầy nghi rằng đã bị chuột ăn hết. Vì là nhiệm vụ của Thầy, nên Thầy mới báo cáo chuyện này lên ngài Phương-trượng để xin ý kiến. 

Ngài Phương-trượng dạy rằng: "Ðược rồi, phải bắt con chuột đó!" Ðến tối, ngài Phương-trượng nhập Ðịnh quán sát mới phát giác là Thầy Duy-na đã trộm cơm cháy của nhà bếp trong lúc nhập Ðịnh. Nhân đó Ngài mới đem nhục thân của Thầy Duy-na giấu dưới ghế ngồi. 

Lúc Thầy Duy-na xuất Ðịnh thì không thấy "nhà" (nhục thân) của Thầy đâu nữa. Thầy tìm kỹ khắp nơi thì cuối cùng mới thấy nhục thân mình nằm ở dưới ghế nên kéo nó ra. Bấy giờ, Ngài Phương trượng mới bảo: "Thầy làm gì vậy? Thầy quả là một con chuột lớn. Thầy dám ăn cắp cơm cháy ở nhà bếp hả? Thầy có biết là Thầy đã phạm giới không? Ai phạm giới phải bị đuổi ra khỏi chùa! Ngày mai Thầy phải đi. Chúng tôi không thể lưu giữ Thầy ở đây nữa!" 

Thầy Duy-na thưa: 

"Bạch Ngài, Ngài đuổi tôi thì được rồi, song tôi muốn xin Ngài một việc, mong Ngài thuận cho." 

Vị Phương-trượng hỏi: "Thầy sắp ra đi, còn muốn yêu cầu gì nữa?" 

Thầy Duy-na thưa: "Các Thiền-sinh nhất định phải được ăn đủ no thì mới có thể dụng công tu hành. Nếu ăn không no, chắc chắn chẳng thể tu hành được. Do đó tôi mới vào nhà bếp lấy trộm cơm cháy để cho đại chúng dùng, chẳng phải để tôi ăn. Tôi hy vọng Ngài Phương trượng từ bi, mỗi tối cho mỗi người ăn hai cái bánh bao. Ðược vậy thì tôi xin cúi đầu đảnh lễ Ngài. Tôi ra đi rồi, chẳng còn gì thắc mắc nữa!" 

Vị Phương-trượng suy nghĩ và thấy có lý: "Ðược rồi! Tôi sẽ thỏa mãn lời yêu cầu của Thầy." Từ đó về sau, khi nào đả Thiền-thất, mỗi người được ăn hai cái bánh bao vào buổi tối. 

Thầy Duy-na lại hỏi Phương-trượng: "Thưa Ngài, tôi nên đi về đâu?" 

Phương-trượng đáp: "Thầy hãy đến tỉnh Tứ-xuyên xây dựng đạo tràng. Các vị hộ pháp ở đó có thiện duyên với Thầy." 

Bấy giờ Thầy Duy-na mới dùng phép Thần-túc-thông để đến tỉnh Tứ Xuyên. Thầy thấy hai cây quế cao to, cành lá sum sê, nên ngồi Thiền giữa hai cây quế ấy. Nhiều vị hộ pháp và cư sĩ thấy Thầy ngồi Thiền dưới gốc cây, nhận ra Thầy là bậc chân tu, một vị cao tăng đức hạnh, do đó họ xây một ngôi chùa dưới hai cây quế ấy lấy tên là "Song Quế Ðường." Tại đây, Thầy truyền Pháp và thâu nhận đệ tử. Về sau, rất nhiều người tham Thiền được khai ngộ và Thầy trở thành vị Tổ đầu tiên. 

Tham Thiền cũng như uống nước, nóng hay lạnh chỉ tự mình biết lấy. Dụng công tới chỗ vững vàng thì mình tự biết; dụng công mà chưa thành thục thì cũng chỉ có mình tự hay. Ai dụng công đã vững, đã thành thục thì cần phải liên tục nỗ lực. Kẻ chưa dụng công tới đâu cả thì chớ biếng nhác. Trong lúc tham gia Thiền-thất, quý vị phải buông xả hết mọi thứ. Có câu: "Ðề khởi được, buông xả được." 

"Ðề khởi được" cái gì? Ðề khởi được câu "Niệm Phật là ai?" 

"Buông xả được" thứ gì? Buông xả được mọi vọng tưởng. Phải buông xả được vọng tưởng và sự nghĩ ngợi lăng xăng thì trí huệ mới nảy sinh. Không buông xả được vọng tưởng thì dụng công sẽ không có kết quả.

Ngày thứ 15:  

Cho đến hôm nay tôi đã quen dần và hơi thuần thục trong thế ngồi kiết già, không còn những cơn đau kinh khủng như lúc ban đầu. Mỗi lần ngồi như vậy tôi có thể ngồi hơn một tiếng thì cơn đau nhức mới kéo đến. Giờ chỉ còn lại thời khóa dài 2 tiếng buổi sáng và buổi tối, tôi phải chật vật vượt qua. Ngày nào cũng thiền định như vậy và ngày nào cũng phải chạm trán với cơn đau, cái đau nhưng tôi tin rằng, càng chịu đựng cơn đau thì càng bớt nghiệp, phức đức tăng trưởng, nên cơn đau dần trở thành một sự chịu đựng đáng giá và có ý nghĩa.

Tôi tin rằng, nếu có đủ duyên trong tương lai tôi sẽ gởi các đệ tử của mình vào môi trường này tu học. Đây là trường tuyển Phật và đào tạo thánh nhân và tôi đã trải nghiệm qua tất cả với những cảm nhận và chứng thực sâu xa. Nếu các đệ tử tôi, những người phật tử nào có đủ duyên để được vào học, vào tu ở môi trường này và kham nhẫn chịu được, thì tôi tin rằng vị ấy có đủ chủng tử thánh và năng lực thánh để đạt đạo. Nơi đây tu hành, nếu không thành Phật thì cũng thành Thánh, vì nơi đây không có đất xấu và duyên xấu để tạo tác các nghiệp xấu. Lực tu hành và giữ giới ở đây lại quá thanh tịnh, nên rất ít có cơ hội và điệu kiện để mình phạm và đọa lạc. Có lẽ tôi không nói quá đâu, nhưng để có đủ cơ duyên vào đó và được nhận vào đó cũng không phải là điều dễ dàng và ai muốn cũng được, vì họ rất chọn lọc khi nhận người vào.

H.T khai thị:

Lão Tử nói rằng:  
"Quân tử hữu tạo mệnh chi học, 
Mệnh do ngã lập, Phước tự kỷ cầu. 
Họa, phước vô môn, 
Duy nhân tự chiêu." 

Nghiã là:  

"Quân tử có cái học tạo mệnh, 
Mệnh do mình lập, Phước do mình cầu. 
Phước với họa chẳng có cửa, 
Chỉ do mình tự chiêu cảm lấy." 

"Quân tử hữu tạo mệnh chi học." Trời, Ðất, Người gọi là Tam Tài. Người là đại biểu của trời, đất; trời không thể nói được mà đất cũng không thể nói được, chỉ có người mới có ngôn từ, có động tác. Sinh mạng con người không phải là nhất định, nhưng cũng có thể nói là nhất định. Tại sao nhất định? Cũng như là mình chia đồ vật vậy: Anh một phần, tôi một phần; đó gọi là nhất định. Thế nào là không nhất định? Giống như đồ vật của anh thì anh dùng hết rất mau, mà đồ vật của tôi thì tôi không dùng cho nên vẫn còn nguyên; đó gọi là không nhất định. Cho nên nói: "Quân tử có cái học tạo mệnh." 

Khi sinh ra, chẳng ai kêu mình làm chuyện ác cả, song mình cứ làm ác; đó là mình tự cải biến vận mạng của chính mình. Sinh ra chẳng có ai kêu mình làm chuyện thiện cả nhưng mình cứ làm chuyện thiện, thì đó là mình siêu thoát ra khỏi vận mệnh. Thí dụ như khách bộ hành, muốn đi hướng đông thì nhắm hướng đông mà đi, muốn đi hướng tây thì nhắm hướng tây mà đi. Mệnh vận của người quân tử thì rất linh hoạt chớ không phải là cứng ngắc; tất cả mọi chuyện đều do nơi tay mình làm nên, bởi thế: "Quân tử có cái học tạo mệnh." 

"Mệnh do ngã lập." Mình có thể cải biến vận mệnh của chính mình. Nếu như khi có bịnh mà biết giữ gìn thì không đi đến tình trạng nguy hiểm đến tánh mạng. Ðó là tự mình có năng lực kiểm soát chính mình, không phải ỷ lại người khác. Ðáng lẽ phải sống chết luân chuyển trong Lục đạo, nhưng nếu biết tu Ðạo thì có thể siêu thoát ra khỏi vận mệnh, cắt đứt vòng sinh tử; đó cũng gọi là tạo mệnh. 

"Phước tự kỷ cầu." Phước từ nơi mình mà cầu: Nếu mình biết tu phước thì có phước, biết tu huệ thì có huệ. Phước, huệ cùng tu thì càng tốt hơn nữa. Tu phước thì phải hướng về bên trong mà cầu; cầu nơi chính mình, coi thử mình có đức hạnh hay không. Có đạo đức là có phước, không đức hạnh thì là kẻ vô phước. Quân tử cầu nơi chính mình, tiểu nhân thì cầu cạnh nơi người khác. Tiểu nhân lúc nào cũng hướng ra bên ngoài mà cầu. 

"Họa, phước vô môn. Duy nhân tự chiêu." Họa, phước không có cửa ra vào, chỉ do mình tự chuốc lấy; có nghĩa là: Bịnh tùng khẩu nhập, Họa tùng khẩu xuất. (Bịnh từ miệng mà vào, Họa do miệng mà ra.) Con người gặp phải đủ thứ tai họa, hoạn nạn là do ăn nói bậy bạ mà ra. Kẻ ham ăn vị ngon, cá thịt, gà vịt, đồ biển v.v... tuy rằng nhất thời sướng cái miệng song sẽ mang nhiều bịnh tật. Khi ăn thì thấy ngon thiệt, nhưng dần dà khi chất độc ngấm vào sanh bịnh thì sẽ hết thuốc chữa! Hiện tại thịt động vật có một chất độc mà không có thuốc nào chữa được. Cho nên khi ta ăn thịt thú vật thì thứ độc ấy truyền vô người mình. Thực vật là loại không có sinh mạng, nên dù có độc cũng rất ít. Chất độc trong thịt là 100%, còn độc trong đồ chay chỉ có 1%, cho nên có thể nói rằng ăn thịt với ăn chay khác nhau một trời một vực! 

Các vị học Phật Pháp đừng nên tham ăn đồ ngon, đừng tham ngon miệng! Sau một thời gian ăn chay, chất độc trong người có thể bài tiết ra hết mà không mắc phải những bịnh quái gở. Hy vọng các vị chú ý nghiên cứu lời tôi nói. Thời đại bây giờ vô cùng tệ hại, nên mọi người phải mạnh dạn khuyến khích nhau đừng sát sinh, mà phải bảo vệ sinh mạng thì mới tránh được họa nhân loại diệt vong. Mong các vị hãy thận trọng, và hãy tự chế!

Ngày thứ 16:  

Tôi được biết là những khóa thiền thất sau này (khi không còn H.T nữa) thì đã được điều chỉnh lại thời gian, bởi vì nếu gắt quá thì sẽ khó có nhiều được có đủ khả năng, thời gian, căn cơ mà tham dự. Khi H.T còn sống, có khóa thiền thất lên đến 100 ngày, và thời gian dụng công lên đến 21 tiếng mỗi ngày. Chúng ta hãy đọc một đoạn sau đây về Một Trăm Ngày Thiền Thất trong tập khai thị:

Một khóa thiền kéo dài 98 ngày, ở một nước phương Tây này, tuy trong tương lai chưa hẳn là vô song, nhưng tính đến nay phải nói là chưa từng có. Chính là: chứng kiến một chuyện chưa từng thấy, nghe một chuyện chưa từng nghe! Mấy ngàn năm nay thực sự chưa hề có một cuộc tu tập nào khổ công như vậy! Sáng sớm, từ hai giờ đã bắt đầu ngồi thiền, xen vào giữa là một giờ nghỉ, cho đến đêm 12 giờ mới ngủ. Vậy là mỗi ngày dụng công trọn 21 tiếng đồng hồ. Bởi vậy mới nói là một khóa thiền chưa từng có. 

Quý vị tham dự khóa thiền này, tất phải khảo nghiệm, cố gắng chịu đựng, để từ đầu thông suốt cho tới cuối, chớ không thể nửa chừng bỏ dở. Nếu không thì công phu bỏ ra sẽ thành uổng phí hết, chẳng được chút gì, lại cô phụ bao nhiêu tâm nguyện của mình lúc khởi thủy. Có câu nói: "Nếm mùi cực khổ trong cái khổ, mới trở thành kẻ thượng nhân." Có như thế mới là kẻ siêu việt trong hàng Phật tử chân chánh. 

Khóa thiền thất này lại khiến cho tôi vui mừng vì có mấy vị Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni phát tâm "dạ bất đảo đơn," nghĩa là tới giờ ngủ, họ không trở về phòng mà ngồi luôn tại ghế thiền nghỉ. Cách thức tu trì như thế thực quả tại Tây-phương chưa từng có. (Sách kỷ lục có ghi: Bây giờ tất cả các pháp sư tại Vạn Phật Thành đều phát nguyện giữ đúng "mỗi ngày một bữa (ăn), đêm không ngã lưng" (nhật trung nhất thực, dạ bất đảo đơn). Tinh thần như vậy thật đáng ngưỡng mộ. 

Trong lúc ngồi thiền, không người nào được nói chuyện. Mỗi người tự mình chiếu cố thoại đầu của mình, tự mình dụng công. Trông thấy bất cứ ai, cũng mặc kệ. Tại sao? Bởi không người, không ta mà! Ai tới thì tới, ai đi thì đi, chỉ chuyên tâm chuyên chí tham câu "niệm Phật là ai?" trong thời gian 98 ngày ắt có kết quả. Trong kỳ thiền thất mùa đông này, những ai chưa khai ngộ sẽ bị phạt một trăm ngày quỳ hương trước bàn thờ Phật. Còn đối với vị nào khai ngộ, tôi xin thiết một đại tiệc khai ngộ, muốn ăn thức gì sẽ có thức ấy, bảo đảm cả trăm vị đầy đủ. Có câu nói: "Thiên trù diệu cúng, thiền duyệt tô-đà." Lúc ấy được coi là giờ phút quang vinh nhất trong đạo Phật. Quý vị nhớ! Muốn khai ngộ, ta phải giữ quy củ đó! Như không muốn khai ngộ, thì xin cứ tùy tiện, không ai bó buộc quý vị.

Khi ở Hương-cảng, tôi đã từng tham dự mười tuần thiền thất. Trong khóa tu, có cả một vị trưởng lão mang râu - Hòa-thượng Minh Quán, cũng có dự nữa. Ðó là một vị lão tu hành, còn tôi thì không. Chúng tôi cùng nhau ngồi đủ bẩy mươi ngày, kết quả giữa chúng tôi không ai hơn ai kém.

H.T Tuyên Hóa khai thị:

"Yếu học hảo, oan nghiệt trảo, 
Yếu thành Phật, tiên thọ ma." 

Dịch là:  

"Muốn học tốt, oan nghiệt tìm, 
Muốn thành Phật, trước gặp ma." 

"Muốn học tốt, oan nghiệt tìm." Mình muốn làm chuyện tốt thì thế nào oan nghiệt cũng đến tìm. Càng làm tốt thì oan nghiệt kiếm mình càng gắt bởi vì nó muốn thanh toán nợ nần với mình! Từ vô lượng kiếp đến nay, đời này qua đời khác mình tạo nghiệp thiện ác lẫn lộn, không có rõ ràng; bởi vậy khi muốn tu Ðạo thì chủ nợ họ đều tới tìm mình để đòi nợ. Ví dụ có kẻ mượn người khác tiền mà chưa trả sòng phẳng. Lúc y chưa phát tài thì chủ nợ biết y chẳng có tiền nên chẳng đến đòi; nhưng khi y mà phát tài thì chủ nợ liền đập cửa đòi nợ. Vì sao? Vì chủ nợ biết y có tiền! Nếu y không tới đòi thì chẳng biết lúc nào đòi đặng, cho nên phải đòi. 

Bởi vậy, trong quá trình tu Ðạo mình sẽ gặp nghịch cảnh, mà gặp nghịch cảnh thì mình phải càng dũng mãnh tinh tấn, không có thối thất tâm Bồ Ðề. Những nợ nần mà người chủ nợ đến đòi thì mình phải trả cho hết; tức là đem công đức tu hành của mình hồi hướng tới chủ nợ, tới những người oán, kẻ thân; để khi họ nhận được công đức của mình, họ sẽ ly khổ đắc lạc, liễu sinh thoát tử, đến lúc đó món nợ của mình mới hoàn toàn phủi sạch. 

Từ vô lượng kiếp tới nay, do đủ thứ nhân duyên nên mình mắc nợ không phải ít. Ngay đời này, thử suy nghĩ một cách chín chắn coi mình đã giết bao nhiêu sinh mạng rồi? Có bao nhiêu chuyện không công bình mình đã tạo ra? Ðối với chúng sinh, nếu mình chưa có giết qua một sinh vật nào, thí dụ như sư tử, voi, heo, gà, trâu, bò v.v... nhưng rất có thể là mình đã sát hại những sinh vật nhỏ hơn như ruồi, muỗi, dế, thằn lằn... Dù nói rằng mình chưa từng giết những sinh vật nhỏ như vậy, nhưng chắc chắn mình vẫn có ý niệm sát sinh tồn tại trong lòng. Lúc nhỏ, vì mình không để ý, bất giác giết hại rất nhiều côn trùng nhỏ, cái đó gọi là Vô tri tội, tội sát mà không có cố ý. Nhưng những chúng sinh bị mình đoạt mạng thì giờ đây, khi mình muốn tu Ðạo, thì bọn chúng chắc chắn sẽ tới tìm để đòi nợ. Cái thứ nợ này không phải chỉ có một, hai mà thôi, mà là vô số, bởi vì đời này qua đời khác mình tích lũy nó, nhiều kể không hết! 

Do vậy, đừng nói rằng ông Trời bất công: "Tôi bây giờ tu hành rồi, tôi không muốn nhận tất cả những oan gia nghiệp báo, nợ nần hồi xưa." Nghĩ như thế thì vĩnh viễn mình không thể thành Ðạo được, bởi vì lòng ta không công bình. Tâm mà công bình thì mình phải nhận nợ. Cho nên nói rằng: "Muốn học tốt, oan nghiệt tìm"; khi mình trở nên giàu đột ngột, thì bạn bè nghèo cùng đều tới đập cửa để đòi nợ. 

"Muốn thành Phật, trước gặp ma." Phật mà thành Ðạo là do ma giúp đỡ, nếu như không có ma thì không có Phật. Ma đến khảo nghiệm làm cho mình tiến bộ; nên nói rằng: 

“Dục cùng thiên lý mục, 
Cánh thượng nhất tằng lâu. 
(Muốn thấy tận cùng ngàn dặm, 
Phải bước lên thêm một tầng lầu.) 

Ma coi thử "hỏa hầu" của mình có đủ chưa. Nếu đủ thì ngàn con ma tới mình cũng không thay đổi, vạn con ma tới mình cũng không thối lui, không thối thất tâm Bồ Ðề. Càng khốn khổ gian nan bao nhiêu, thì càng tinh tấn bấy nhiêu. Hễ nơi nghịch cảnh chằng chịt, rối ren bao nhiêu, thì tâm càng phải an nhiên, bình thản bấy nhiên. Ðừng nghĩ là bất công, cũng đừng oán trời, trách người.

Ngày thứ 17:  

Phải nói trong lòng tôi rất thán phục những hành giả chân thật tu trong khóa thiền thất này, dù họ là những người tại gia, hay là một thầy Tỳ kheo trẻ người Thái qua tu tại Vạn Phật Thành cách đây khoảng hơn 3 năm. Những vị này có thể ngồi thiền và nhập định suốt đêm, hoặc từ giữa khuya đến giờ ăn trưa. Các vị ấy có thể ngồi an tĩnh (như như bất động) một lúc từ 7 tiếng đến 10 tiếng hoặc nữa ngày, cho thấy định lực của họ không thể tầm thường. Việc điều thân như vậy ít nhất phải mất nhiều năm và phải làm cho bằng được trước khi điều tâm, đó là pháp của H.T Tuyến Hóa buộc phải thực hiện. Các thiền phái khác hoặc các phương pháp tu tập trong các chùa Việt chúng ta không đặt nặng thế ngồi bán già hay kiết già, nên sự dụng công của chúng ta không thể đi sâu vào thiền định được, thay vào đó cách ngồi thiền như vậy chỉ là để tĩnh tâm, bớt các vọng tưởng bên trong chúng ta.

Nhưng tu tập không phải là để bớt vọng tưởng, vì bớt vọng tưởng thì chỉ như là gãi ngứa cho thằng chủ Vô minh. Hôm nay bớt, nhưng ngày mai, mốt, bữa kia thằng chủ Vô minh sẽ sai phái đến hàng loạt binh lính vọng tưởng khác nhiễu loạn chúng ta. Cho nên trong trận chiến đấu này với Vô minh, sẽ không có sự khoan nhượng hay thương lượng với chúng, mà phải chấp nhận tinh thần chiến đấu một mất, một còn với chúng. Định hướng và xác quyết như vậy, chúng ta phải ngồi thiền cho bằng được theo thế kiết già, tức là thế Hàng ma tọa, Kim cang tọa để quyết chiến với chúng ma vương, mà đầu tiên là con ma đau đớn. Càng đau chúng ta càng phải lập thệ chiến đấu đến cùng và vượt qua nó, nếu không thắng được thì con ma sợ hãi, con ma nhát gan, con ma dễ duôi sẽ xui ta và cười lên trên sự yếu ớt, hèn nhát nơi ta. Như vậy thì quả thật đáng xấu hổ cho việc tu hành của ta! Có việc ngồi kiết già cũng không xong, thì nói chi đến việc tu hành, hàng phục phiền não, vô minh, đạt đến giải thoát. Chúa ma lúc ấy chắc sẽ cười chê ta, nhạo báng ta và cho rằng ta chỉ là một kẻ nói khoác, chỉ hay giỏi nói.

H.T Tuyên Hóa khai thị:

Thân cây, mỗi ngày mỗi cao lớn nhưng ta không thấy sự sinh trưởng của cây. Tuy ta chẳng để ý, nhưng cây cứ cao lớn dần, chờ đến mười năm hoặc trăm năm sau thì cây đó biến thành vật hữu dụng. 

Cây thì vậy, người tu Ðạo thì cũng thế. Ðừng quá gấp gáp, đừng nghĩ rằng hôm nay tu hành thì ngày mai khai ngộ. Chẳng phải dễ dàng như vậy đâu! Mà cần phải ngày ngày tu luyện, ngày ngày trau giồi, chẳng cần biết là có tiến bộ hay không. Không thối lui có nghĩa là tiến bộ rồi. Chỉ cần làm cho vọng tưởng mỗi ngày giảm bớt, thì đã là tiến bộ rồi; dục niệm mỗi ngày mỗi ít thì đó là tiến bộ rồi; tham sân si mỗi ngày thối lui tức là tiến bộ rồi; đừng có muốn mau muốn chóng. Cho nên nói:  

"Kỳ tấn duệ giả, kỳ thối tốc" 
Nghĩa là:  
"Tiến càng nhanh, thì lùi cũng rất mau."  

Tới thật mau tức là lùi cũng mau, cho nên cần phải có cái tâm hằng thường mà tu hành, ngày ngày phải sám hối để sửa đổi lỗi lầm:  

"Nhất nhật vô quá khả cải, 
Tức nhất nhật vô công khả tạo". 
Nghĩa là: 
"Một ngày chẳng sửa lỗi lầm, 
Là một ngày chẳng tạo công đức."  

Cho nên tu hành cần phải trừ bỏ tập khí, lỗi lầm xấu xa, bỏ đi những tư tưởng lầm lạc, khiến cho trí huệ quang minh bản hữu của mình xuất hiện. Trí huệ quang minh này người nào cũng có cả, nhưng rất tiếc là bị vô minh che khuất. Khi không thể dùng trí huệ quang minh này, bởi vô minh che phủ, sẽ làm cho mình cứ muốn trụt xuống, không muốn đi lên; nếu hiển lộ được trí huệ thì tự nhiên mình sẽ tiến tới, đi lên mãi. Ðó gọi là "nghịch lưu" (đi ngược giòng nước)! Cho nên tu hành không phải chỉ có một ngày một đêm, mà cần phải hàng giờ, hàng phút, hàng ngày. Buổi cũng sáng như vậy, buổi chiều cũng như vậy, năm này tháng nọ đều tu hành như vậy, hằng thường bất biến. Thời gian lâu rồi thì mình mới trưởng dưỡng được trí huệ Bát Nhã. 

Ðừng nên "một ngày nóng mười ngày lạnh," một ngày tu mười ngày nghỉ, nếu như vậy thì chẳng thể thành tựu đặng. Phải như thân cây, mỗi ngày lớn lên một chút, ngày ngày đem lòng thành mà tu hành. Trong thời gian tu hành, nếu gặp những cảnh giới gì, dù ma chướng hay nghịch duyên hoặc thuận duyên..., cũng phải an nhiên, bình thản. Thuận cảnh hay nghịch cảnh, mình đều phải tinh tấn, coi mọi sự vật đều như đang nói diệu Pháp cho mình. Nếu hiểu được mọi vật đều thuyết Pháp cho mình, mỗi diễn biến đều là bài Pháp, thì sẽ biết được sự kỳ diệu mà ngôn ngữ không thể diễn tả được. 

Nếu hiểu được vậy thì sẽ biết được "bản lai diện mục" của chính mình, biết được con đường về nhà rồi đó. Cho nên mượn pháp thế gian mà vượt khỏi pháp thế gian, không bị vạn pháp làm mê lầm, không bị mọi hình tướng làm mê hoặc. Lúc tất cả cảnh giới tới, nếu mình bình tĩnh sáng suốt, không bị chướng ngại, thì lâu ngày trí huệ của mình sẽ hiện ra.

Ngày thứ 18:  

Con người ta sống ở đời chịu khổ nhiều là do chạy theo cái “Dục”. Dục mong muốn, dục khao khát, mong cầu, muốn được thỏa mãn quá nhiều nên tâm trí và xác thân này phải chịu làm nô lệ cho nó. Người đời nghĩ rằng những “dục tưởng” ấy là bạn thân của mình, mong muốn đem lại điều tốt, điều sướng cho thân, cho cuộc sống; nhưng ai ngờ chính nó là những kẻ giặc, sai sử ta, sui khiến ta chạy theo điên đảo, mê lầm để rồi nhận lãnh tất cả những khổ đau, phiền lụy trong suốt những kiếp sống tử sinh.

Khi tu Phật, khi học đạo và được khai thị chỉ bày, ta thấy rõ những “dục tưởng” này chính là những tên giặc ma quái, nhận diện nó và không theo nó nên nó hổ thẹn biến mất. Không được học pháp và sáng suốt nhận chân, ta bỗng trở nên mù mờ, bị nó sai khiến, tạo bao ác nghiệp và rước lấy khổ đau. Suy cho cùng, trên thế gian này có được bao nhiêu người có được cơ duyên học Phật, nghe pháp và tu hành để biết cách thoát khỏi những nanh vuốt của yêu quái bên trong chúng ta.

Trong cuộc sống hàng ngày, con người phàm không có cơ hội để thoát nó, để rồi mỗi giờ, mỗi phút giây lại có hàng trăm, hàng ngàn tên vọng tưởng, tên giặc phiền não khởi lên sai sử chúng ta và quấy rối tâm mình. Chúng ta có đủ năng lực để không chế vọng tâm, dứt trừ phiền não hay tuân lệnh, hành xử theo sự đòi hỏi, sai khiến của chúng? Chúng ta có đủ trí tuệ diệt trừ hay năng lực chuyển hóa để hướng chúng vọng tưởng đó đi theo con đường thiện, con đường tu hành? Thế nên sống cuộc đời thế gian, cuộc sống phàm phu thì con người ta không có sự lựa chọn nào khác.

Nay trong những khóa tu thiền, chúng ta học cách và biết cách khống chế các vọng tưởng, dục tưởng đó bằng cách dùng câu niệm Phật, hay câu thoại đầu: «Ai niệm Phật» để chế ngự và đánh đuổi tất cả những dục tưởng, vọng tưởng khác ra khỏi tâm ta. Chúng ta nếu có tu, có hành, sáng được một giờ thì chúng ta loại trừ được hàng trăm tên giặc phiền não, vọng tưởng, vô minh. Chúng ta sáng 2 giờ, 5 giờ, 10 giờ thì chúng ta đánh đuổi được trăm ngàn tên giặc vọng tưởng, dục tưởng, vô minh. Như vậy há chẳng phải, chỉ một khóa thiền thất, một khóa công phu tu tập, biết cách dụng công, siêng năng hành trì là chúng ta đã có thể phá được trăm ngàn tên giặc phiền não, vô minh, đã gây cho chúng ta khổ đau, phiền lụy trong suốt những năm tháng qua. 

Thiền định có năng lực mạnh mẽ đến như thế. Thoại đầu tuy đơn giản, dễ hành nhưng có đầy uy lực như thế, quả thật, nó chính là thanh bảo kiếm, chặt chém hết thảy những cây gai, cỏ dại của vọng tưởng, vô minh, trói chặt, sai sử, đàn áp chúng ta từ muôn kiếp. 

Chỉ trong thời gian ngắn gần 3 tuần hành trì, tôi đã cảm nhận được sức mạnh này của thanh bảo kiếm thoại đầu. Nó đã tiêu diệt vô số phiền não, vọng tưởng si mê trong tôi, và dĩ nhiên từ ánh sáng này lần ra, tôi thấy rõ được bước đường và hướng đi của mình trên con đường tu tập. Ở đó gian nan, thử thách cũng còn nhiều, nhưng ở đó tôi cũng thấy rõ ràng hơn mọi sự, mọi vật để lúc bước tới, chân tôi không phải chùn, tôi không còn phải mê mờ, dọ dẫm, sợ hãi và lạc mất phương hướng. Đó là điều tôi cảm thán, ghi tạc lại những duyên lành mà các bậc thầy, các bậc Thiện hữu tri thức đã trợ duyên và soi đường cho tôi.

H.T Tuyên Hóa khai thị:

Nếu không kiềm chế tánh hư vọng cuồng dại thì trí huệ chân chính không bao giờ xuất hiện được. Tự tánh bị che đậy bởi vô minh. Vô minh có hai kẻ giúp đỡ, có hai tên làm kế hoạch. Bọn chúng là gì? Thứ nhất là thức ăn, thứ hai là sắc đẹp; một cái gọi là thực dục, một cái gọi là sắc dục! Hai thứ này giúp đỡ cho vô minh làm đủ thứ chuyện xấu, cho nên sách Nho có nói rằng: 

"Thực, sắc tánh dã." 
Nghĩa là háo ăn, háo sắc đều là bản tánh của chúng sinh vậy. 

Song, mình phải biết tại sao vô minh chẳng phá đặng? Tại sao phiền não cũng không đoạn được? Trí huệ tại sao chẳng hiện? Ðó chính là do mình có lòng tham ăn, lòng háo sắc! Ăn uống thì trợ giúp cho dục vọng, dục vọng lại làm tăng trưởng vô minh. Con người sinh ra thì biết ăn, con nít sinh ra là biết uống sữa. Không có sữa thì nó khóc, uống rồi lại muốn thêm nữa. Ðúng vậy! Lòng tham này mới sinh ra đã có, sau khi có lòng tham ăn rồi thì sinh ra lòng tham sắc. Con trai thì ham nữ sắc, con gái thì ham nam sắc, quyến luyến nhau, ham muốn không chịu buông bỏ, không thể nhìn suốt được. 

Ăn uống bao nhiêu thứ tinh hoa đều biến thành tinh. Hễ tinh mà sung mãn thì sinh ra lòng sắc dục, cho nên người xưa nói rằng: 

"Bão noãn tư dâm dục, 
Cơ hàn khởi đạo tâm." 
(No ấm thì nghĩ chuyện dâm dục, 
Ðói lạnh mới khởi lòng trộm cắp.) 

Khi ăn no rồi, con trai nghĩ đến con gái, con gái thì nghĩ đến con trai, chỉ có khởi dục niệm này. Khi nghèo thì nghĩ cách trộm cắp, cũng vì để có đồ mà ăn, ăn rồi tình dục lại khởi lên. Thế nên hễ ăn cho đủ chất dinh dưỡng, mập mạp phì nộn rồi thì lại chỉ khởi lòng dâm. Con người trước tiên là khởi lòng tham ăn, muốn ăn thật ngon miệng, muốn ăn để thân thể cường tráng. Song ăn ít thì không đủ, mà ăn nhiều làm sao thỏa mãn được lòng tham? Cho nên người ta chết vì sắc, vì thực. Nếu vô minh không có thực và sắc toa rập thì chẳng có thể tác hại được ai. 

Người xuất gia ăn đồ càng dở càng tốt, không có dinh dưỡng thì lại càng tốt nữa. Thế nên đối với vấn đề ăn uống đừng có quá coi trọng. Ăn là để duy trì mạng sống mà hành Ðạo; không cần phải có quá nhiều chất dinh dưỡng nhưng cũng không ăn những đồ hư hoại, khiến cho cơ thể sinh bịnh; đó là thực hành Trung Ðạo.

Ngày thứ 19:  

Từ những ngày đầu vào Vạn Phật Thánh Thành là tôi đã được cho mượn chiếc y giới để đắp cho giống chúng Tăng thường trụ. Mọi người xuất gia vào đây tu hành đều phải nghiêm chỉnh tuân theo thanh quy của Tòng lâm, nên không được nhúc nhích, vì chúng Tăng ở đây làm sao, ta phải làm y theo như vậy. Thanh quy ở đây từng nổi tiếng là nơi nghiêm ngặt nhất thế giới kia mà.

Lúc đầu tôi thấy cũng khó vì chưa quen, nhưng ở một hai tuần quen rồi, tôi thấy thanh quy như vậy mà hay, vì nó điều phục được tất cả tâm tánh ỷ y, dễ duôi, buông thả thường nhật của một con người, trong đó có tôi. Ngay từ thời gian đầu xuất gia, tôi đã có tính này và ít chịu khép mình vào đời sống kỷ luật của thiền môn. Tôi thích một cuộc sống tu hành phóng khoáng, không cố chấp, tự do tự tại nên nhiều năm liền, tôi ra nước ngoài và sống mướn một ngôi nhà bên ngoài để học và để tu. Sang Ấn Độ nhiều năm tôi cũng sống như vậy, ngoài trừ thời gian tôi ở trong tu viện Sera, một tu viện Phật giáo Tây Tạng, nhưng rồi tôi cũng có một gian nhà biệt lập cho mình.

Cách sống như vậy cũng có ý hay của nó, vì cho con người khả năng tự chủ, độc lập và trách nhiệm với đời sống tu hành của mình, nếu người tu ấy sống có hạnh, có ý thức, biết giữ giới đức và cầu tiến đi lên trên con đường tu hành. Nếu không, một đời sống như vậy dễ dàng dẫn đến sự dễ duôi, bê tha và đánh mất đời sống thanh tịnh của người xuất gia tu hành. Trong các bài giảng của ngài Tuyên Hóa, ngài quở trách rất nặng đời sống xuất gia của người Tăng sĩ như vậy, và răn nhắc người xuất gia phải sống và tu hành thanh tịnh trong các Tòng lâm.

Trải qua thời gian sống ở Tòng lâm VPTT, tôi mới suy gẫm và đối chiếu lại suốt cuộc đời tu xuất gia của mình mà đa phần sống bên ngoài bức tường rào của Tòng lâm, tôi thấy những lời dạy của ngài thật là tha thiết, thật đúng và chân thực làm sao! Tôi đã đánh mất khá nhiều thời gian cho đời sống đi đó đây, nghiên cứu, sưu tầm và học hỏi. Ngài Tuyên Hóa có lần nói: “hàng ngày đọc các tin tức, thời sự, biết thêm nhiều về thế giới này để làm gì? Có giúp ích cho sự giải thoát không?” Hay ta chỉ biện minh cho việc ham thích hướng ngoại và truy cầu thỏa mãn sự khao khát vi tế của lục căn đối với đời sống thế gian. 

Vì suy nghiệm cho cùng, tất cả những kiến thức bên ngoài đưa vào tâm ta đó, thật ra chỉ là một mớ hỗn độn, tạp nhạp, rác rưởi của tri thức, tri kiến thế gian để cuối cùng chính tâm ta lại bị quấy rầy, nhiễm trước và tán loạn bởi tất cả những hiểu biết và tri thức thừa thãi mà ta đã đưa vào. Ta nhân danh sự học hỏi, hiểu biết của thế gian để đưa vào tâm mình; và nay ta có dám nhân danh con đường tu hành, giải thoát sinh tử để loại bỏ tất cả sự tạp nhiễm, ô uế và loạn động đó ra khỏi tâm ta? Thật là rất khó! Vì bởi đưa vào thì dễ, nhưng cương quyết đoạn trừ thói quen (ghiền) tập nhiễm này mới thật là khó, khó như bắc thang lên trời. Thứ rác rưởi ấy có giúp tôi chóng khai ngộ hay không, hay chỉ là những thứ rác làm bẩn thêm tâm thức vốn thanh tịnh của tôi. Tôi thấy rõ điều ấy vì sau bao nhiêu năm tu hành, tâm tôi vẫn chưa tịnh, vẫn còn bị nhiều nhiễm trước, vẫn còn khó khăn để gỡ thoát ra khỏi cuộc đời này.

Tôi cũng lại cảm thấy ân hận, nuối tiếc lấy chính mình là sao không có đủ cơ duyên, phước báo để vào đây tu hành năm 1991 (thời gian mà Hòa Thượng Tuyên Hóa còn sống), là năm tôi rời bỏ Âu châu để sang Ấn Độ tầm sư học đạo. Nếu không phải loanh quanh tìm cầu, nếu không phải nghiên cứu, sưu tầm, trích dịch, đuổi theo thế học; và nếu được học và tu đúng môi trường với các bậc minh sư, thiện tri thức dạy dỗ, có lẽ tôi sẽ không phải là tôi, một kẻ tu hành bất tài và vô dụng như hiện bây giờ.

H.T Tuyên Hóa khai thị:

Lão Tử nói:  
"Dưỡng thành đại chuyết phương vi xảo, 
Học đáo như ngu thủy kiến kỳ." 
Dịch là:  
"Dưỡng tâm như dại là tuyệt xảo, 
Học tới như ngây mới diệu kỳ." 

Mình cần học "ngây ngô." Song học ngây ngô không phải là chuyện dễ, bởi vì kinh nghiệm thường dạy mình rằng đừng có ngây ngô. Cho nên nếu dưỡng tâm như khờ dại thì đó mới gọi là tinh xảo. Tu hành tức là muốn dưỡng "chuyết," dưỡng tâm như kẻ khờ khạo; càng khờ càng tốt. Sao gọi là khờ? Khờ có nghĩa là hoàn toàn chẳng có vọng tưởng. Không khờ thì vọng tưởng đầy dẫy. 

Vọng tưởng mà nhiều thì tự nhiên muốn tìm chuyện xưa, muốn biết chuyện nay, rồi muốn xen vào đủ chuyện tạp nhạp, muốn hiểu đủ thứ báo chí tin tức lăng nhăng. Ðó là những điều chướng ngại cho sự tu hành. Sự khờ khạo, dốt nát chân chính là như thế nào? Tức là nhập Ðịnh. Nếu nhập Ðịnh thì đông, tây, nam, bắc, đều chẳng biết tới; cùng thế giới vô tranh, tự tại vô ngại. 

Tại sao mình không thể tự tại vô ngại được? Là bởi vì còn có lòng tranh, lòng tham, lòng cầu, lòng ích kỷ, lòng tự lợi; do đó chẳng thể tự tại được. Muốn tự tại cũng làm không được. Khi đã bất mãn hiện tại, bất mãn quá khứ, bất mãn tương lai, cứ cho rằng người khác đối với mình không tốt, cho rằng mình cư xử tốt với người, tự biện hộ, tự đứng trên cương vị không thua ai cả, rằng mình là hơn người, thì không thể tu Ðạo được. Tu Ðạo tức là chẳng biện hộ, chẳng giảo hoạt, chẳng nói chuyện thị phi; cho nên nói: 

Ma Ha Tát, bất quản tha, 
Di Ðà Phật, các cố các. 
(Ðại Bồ Tát, chẳng xen vào chuyện người. 
A Di Ðà Phật, ai lo chuyện nấy!) 

Luôn luôn canh gác thân tâm, không nghĩ loạn xạ, đó tức là chân chính tu Ðạo. Kẻ không chân chính tu Ðạo thì lúc nào cũng nghĩ này nọ loạn xạ, lúc nào cũng tìm phương cách để làm lợi cho mình. Vì thế kẻ chân chính tu hành thì phải: 

Vạn duyên phóng hạ, 
Nhất niệm bất sanh. 
(Buông xả mọi chuyện, 
Một niệm không khởi.)

Buông xả tất cả danh lợi, tiền tài, sắc đẹp, ăn uống, ngủ nghỉ. Không khởi ý niệm nên không có ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả; luôn luôn tự tại an lạc. Chân chính tự tại là gì? Tức là không khởi vọng tưởng! Nếu tối ngày cứ khởi vọng tưởng thì mình không có tự tại; tư tưởng loạn xạ của mình sẽ tới khắp cùng hư không, Pháp giới. Nếu không muốn tu thì chẳng cần nói làm gì, bằng nếu muốn chân chính tu hành thì đừng nghĩ loạn xạ, hãy đem tâm mình cột chặt một chỗ, nhất tâm chuyên niệm. Hễ chuyên nhất thì mới linh ứng; hễ tâm phân tán thì trở nên u mê. Cho nên người muốn tu thì phải biết đạo lý này vậy.

Ngày thứ 20:  

Chính vì những quy điều nghiêm ngặt như vậy nên mặc dù cũng có tiếp chuyện một vài vị thầy Việt Nam tu trong VPPT, nhưng chẳng có thầy nào mời tôi vào phòng, để thấy và để biết các thầy sống trong phòng như thế nào, sinh hoạt tu hành, học tập ra sao? Có việc mấy thầy bước ra ngoài nói chuyện vài câu, xong trở vào phòng, hoặc bảo tôi rằng, có việc gì cứ việc viết vào giấy và bỏ vào khay thư bên ngoài cửa, và các vị ấy sẽ viết lại trả lời. Thật tôi chưa từng thấy nơi nào trên thế giới có đời sống tu hành khô khan và lạnh lùng đến như vậy.

Nhưng ngẫm nghĩ lại, như vậy thấy mà hay vì tập cho người tu sĩ ở đây chỉ biết có tu, tu và tu. Không biết tu thì sẽ không thể trụ nổi ở VPTT được, vì rõ ràng một đời sống khô khan, cô độc và chỉ có tu như vậy thì chỉ có những người tha thiết tu hành, sống chết tu hành mới có thể chịu đựng nổi một đời sống như vậy qua năm này, tháng nọ. Bên cạnh đó, cái lạnh khủng khiếp ở trong phòng, giống như đang sống trong một tủ đá, cái đói vì ngày chỉ được ăn một bữa (có lúc tôi thấy thèm một thỏi sô-cô-la, một cái bánh quy nào đó, nhưng đành bất lực) và nhiều cái bất như ý khác như nói chuyện, quan hệ.v.v… làm tôi liên tưởng rằng, ở nhà tù tại những xứ Tây phương cũng còn sướng hơn ở đây rất nhiều.

Dĩ nhiên các bậc thầy tổ như H.T Tuyên Hóa huấn luyện hàng đệ tử tu hành như vậy đều có cái lý từ nơi trí tuệ siêu việt của ngài. Tất cả sự kham nhẫn và khổ luyện đó sẽ tạo cho người xuất gia một sức mạnh kham nhẫn cao độ, một sự rèn dũa, trui mài ý chí, tích công bồi đức, một sự tích lũy công đức và phước báu trong đời sống tu hành, để mài sáng trí tuệ, rửa sạch hoặc nghiệp, soi chiếu chân tâm vốn từng thanh tịnh nhưng đã bị ô nhiễm, vấy bẩn dày đặc bởi bụm bặm trần lao. Không có một bậc thầy trí tuệ quang minh soi sáng, chỉ bày, từ bi tận tụy dạy dỗ, chúng ta những người xuất gia vẫn còn là phàm phu sẽ vẫn bị đẩy đưa, cuốn hút và đi lạc vào thế gian đầy những cám dỗ thú vị, khoái lạc mê say của cuộc đời mộng ảo này. Để rồi một phút giây quyết định và bị dẫn đi lạc, hai mươi lăm năm sau mới tỉnh ngộ và muốn trở về.

H.T Tuyên Hóa khai thị:  

Bí quyết của người tu hành là nên ăn ít. Vì sao? Vì ăn ít thì bớt sanh dục niệm. Dục niệm ít thì có thể biết đủ (tri túc). Biết đủ thì thường xuyên được an lạc. 

Luôn luôn an lạc thì không có phiền não. Không có phiền não thì Bồ-đề nảy sanh. Bồ-đề nảy sanh thì được giải thoát. Ðạt được sự giải thoát tức là có thể "nhiệm vận tự tại, sanh tử tự tại, trí huệ tự tại"- tóm lại là hoàn toàn tự tại. Ðó là những chặng đường mà người tu hành phải trải qua; mọi người hãy cùng nhau gắng sức! Người tu hành cần phải nhẫn nại, bất luận cảnh giới thử thách nào xảy đến cho mình thì cũng phải dùng lòng nhẫn nại mà nhịn nhục, nghiến chặt răng mà chịu đựng; lúc đã vượt qua "cửa ải" được rồi thì "gió êm sóng lặng," tự nhiên sẽ được yên ổn. 

Khi làm việc, nếu có những việc mình không muốn làm thì cũng nên nhẫn nại mà làm, lâu dần sẽ quen đi, rồi trở thành tự nhiên. Nói tóm lại, bất luận làm công việc gì chúng ta cũng đều nên làm cho đàng hoàng, có lương tâm; chớ nên lười biếng, trốn tránh công việc cho nhàn thân, hoặc làm cẩu thả qua loa cho xong chuyện. Nếu có ý tưởng "làm Hòa Thượng một ngày thì đánh chuông một ngày," tức là trái ngược với Ðạo; hạng người này chẳng qua là "dựa vào Phật để có áo mặc, nương theo Phật để kiếm cơm ăn," sống lây lất qua ngày tháng, chắc chắn chẳng có triển vọng gì cả! 

Tôi dùng hai chữ "nhẫn nại" làm phương châm cho đời mình -bất luận trong hoàn cảnh nào cũng dứt khoát không chịu đầu hàng, cương quyết nhẫn chịu hết thảy bằng cả thân lẫn tâm. Khi còn ở tại quê nhà Ðông Bắc, tôi đã quen "chịu nóng chịu lạnh." Vào những ngày "tam cửu" (thời kỳ lạnh nhất trong năm), tôi không mang giày mang vớ gì cả, cứ để chân trần mà đi trong tiết trời giá rét như cắt, khiến chân bị lạnh cóng đến đau buốt -nhưng tôi vẫn cố gắng chịu đựng, hễ nhẫn nại được thì không còn thấy đau nữa! Còn trong mấy hôm "tam phục" (thời kỳ nóng nực nhất trong năm) thì khí trời nực nội đến nỗi đầu óc choáng váng, mặt mày xây xẩm; bước đi mà cứ thấy trước mắt một màn tối đen, tưởng chừng như trời đất đang quay cuồng đảo lộn vậy. Nhiều người cảm thấy nóng bức đến lả người, nhưng tôi nhận thấy cũng không đến nỗi nào, chỉ cần ngồi nghỉ một lát là khỏe ngay. 

Tôi lấy hai chữ "nhẫn nại" làm Pháp-bảo để khắc phục mọi khó khăn - chịu lạnh chịu nóng, dầm mưa dãi nắng, nhịn đói nhịn khát; tôi nhẫn nại chịu đựng tất cả, nhất quyết không "kéo cờ trắng" đầu hàng. 

Sau khi xuất gia, tôi chuyên tâm tu Pháp Môn Nhẫn Nhục. Nếu có người mắng tôi ư? Thì tôi cứ như chẳng nghe thấy gì cả, hoặc coi như mình đang nghe nhạc vậy, và tự nhiên được bình an vô sự! Nếu có người đánh tôi ư? Tôi tuyệt đối không đánh trả, mà chỉ đón nhận với thái độ bình tĩnh, ôn hòa! 

Tôi cũng kiên nhẫn hành trì các khóa lễ Công Phu Khuya và Công Phu Tối - sáng sớm tinh mơ, khi gần đến giờ phải lên Chánh Ðiện, dù đang ngon giấc mà nghe tiếng mõ báo hiệu là tôi lập tức vùng dậy. Súc miệng rửa mặt, chuẩn bị xong xuôi là tôi lên Chánh điện chờ sẵn; bao giờ tôi cũng đến sớm năm phút, không một lần trễ nãi!Từ khi xuất gia đến nay, tôi luôn luôn dùng lòng nhẫn nại để làm việc. Khi tôi đến những nơi khác để tham cứu học hỏi, bất luận là hành lễ Công Phu Khuya, Công Phu Tối, giảng Kinh thuyết Pháp, nghe Kinh nghe Pháp, hay Cúng Ngọ, tôi đều tới sớm hơn giờ giấc ấn định, chưa bao giờ chậm trễ một chút!
 
Hôm nay tôi mang sự việc trước kia của mình ra kể cho các bạn nghe tức là "hiện thân thuyết Pháp" vậy! Nếu muốn tu hành một cách chân chánh, thì các bạn không được lười biếng, khi làm việc thì phải tích cực, hăng hái, và không được thiếu lòng nhẫn nại. Dẫu có những điều không thể nhẫn nhịn được thì cũng phải nhẫn nhịn, và nếu có những việc không thể chịu đựng nổi thì cũng phải chịu đựng. Nhẫn nhịn và chịu đựng tất cả -đó là kim chỉ nam của người tu hành. 

Ðặc biệt là trong thời kỳ còn đang học hỏi, rèn luyện thì các bạn càng phải cố gắng nhẫn nhịn và chịu đựng hơn nữa; cho dù thật tình là chẳng thể nào nhẫn nhịn được nữa thì cũng vẫn phải ráng dằn lòng mà nhẫn nhịn! Có câu: 

Nhẫn phiến khắc, phong bình lãng tĩnh, 
Thối nhất bộ, hải khoát thiên không. 
(Nhẫn một chút, gió êm sóng lặng, 
Lùi một bước, biển rộng trời cao.)

Còn nữa...
Tỳ kheo Thích Hạnh Nguyện

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Con không sợ cô đơn, nhưng không rõ lúc về già?

Phật giáo thường thức 17:05 23/04/2024

Hỏi: Con không sợ cô đơn, nhưng không rõ lúc về già, khi cơ thể mình bắt đầu thoái hoá đi, chân yếu tay run, hoặc không may đau ốm vào viện không có ai chăm sóc thì không biết phải làm sao? Xin Thầy chia sẻ cho con ít kinh nghiệm trong đời sống một mình khi về già ạ.

Về con chim hai đầu ở chùa Bút Tháp

Phật giáo thường thức 15:05 23/04/2024

Đây là con chim ở cõi Tây Phương Cực Lạc, có tên là Cộng Mệnh điểu (Chim đôi cùng mạng sống), được kinh điển Phật giáo ghi chép.

Một thiền giả rối trí đến gặp Đức Phật

Phật giáo thường thức 14:07 23/04/2024

Có một vị trưởng lão đáng kính vào thời Phật. Ông là người tu thiền nghiêm túc. Ông muốn tìm ra nguồn gốc mọi vấn đề nên đã đi đến nơi ẩn dật để thiền định.

Tâm nguyện của Đức Phật

Phật giáo thường thức 13:35 23/04/2024

Có tối và có sáng; có nóng và có lạnh; có sinh và có tử, và chắc hẳn phải có một trạng thái vượt trên cả sự sinh tử đó. Đức Phật, trước khi giác ngộ, đã suy xét và lý giải theo cách suy luận như vậy.

Xem thêm