Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Con yêu, từ đâu và vì sao con tới nơi này? (2)

Khát vọng có một đứa con nối dõi tông đường đôi khi là khát vọng cháy bỏng của những đôi vợ chồng hiếm muộn.

Những điều kiện không thể thọ sanh

Từ thực tế lịch sử và cuộc sống hiện đại cho thấy rằng, khát vọng có một đứa con nối dõi tông đường đôi khi là khát vọng cháy bỏng của những đôi vợ chồng hiếm muộn. Trong một vài trường hợp, vì mong mỏi có một mụn con nối dõi khiến cho người ta có thể quỵ lụy và cầu khẩn bất cứ nơi chốn linh thiêng nào, dù đó là miếu Trời hay một ngôi Thiền tự.

Bài liên quan

Câu chuyện nàng mục nữ Sujāta dâng bát cháo sữa lên nhà khổ hạnh Siddhattha có nguồn gốc sâu xa từ việc cầu tự của nàng. Tác phẩm Nidānakātha ghi nhận rằng, trước khi lấy chổng, sinh con, nàng mục nữ đã cầu nguyện với các vị thần cây trong rừng như sau:

Nếu con được gã cho một nhà môn đăng hộ đối, và có được một đứa con trai đầu lòng, con sẽ phụng cúng thần cây hàng năm với những lễ vật quý giá.

Lời nguyện này được viên thành nên nàng vào rừng tạ lễ, và đã cúng dường nhà tu khổ hạnh Siddhattha mà nàng xem như một vị thần khả kính.

Câu chuyện này góp phần cho thấy, có nhiều lý do ngăn trở sự xuất hiện của một thai bào. Theo kinh Tăng - nhất A - hàm, có 15 yếu tố ngăn ngại quá trình thọ thai diễn ra, bao gồm:

thai nhi trong bung me

Hài nhi trong bụng mẹ

Cha mẹ gặp gỡ, nhưng thức không có mặt.

Thức có mặt nhưng cha mẹ không gặp gỡ.

Cha mẹ gặp gỡ, nhưng người mẹ không nằm trong chu kỳ rụng trứng.

Cha mẹ gặp gỡ, nhưng người cha không sẵn sàng

Cha mẹ gặp gỡ, nhưng cha bệnh phong, mẹ mang bệnh lãnh

Cha mẹ gặp gỡ, nhưng cha mắc bệnh lãnh, mẹ bệnh phong

Cha mẹ gặp gỡ, cha nhiều thủy khí, mẹ thì không

Cha mẹ gặp gỡ, tướng cha có con, tướng mẹ không con

Cha mẹ gặp gỡ, tướng mẹ có con, tướng cha không con

Cha mẹ gặp gỡ, tướng cha mẹ đều không con

Thần thức đến mà cha đi vắng.

Cha mẹ đáng lẽ phải gặp, nhưng do mẹ đi xa.

Cha mẹ đã được gặp gỡ, thần thức có mặt, nhưng cha bệnh nặng

Cha mẹ đã được gặp gỡ, thần thức có mặt, nhưng mẹ bệnh nặng

Cha mẹ đã được gặp gỡ, thần thức có mặt, nhưng cả cha mẹ đều mắc bệnh

Trong 15 trường hợp mà kinh Tăng-nhất A-hàm nêu ra, có những lý do trùng lặp, cùng như cách diễn đạt chưa sáng tỏ làm cho người đọc khó hình dung. Rõ ràng hơn, tác phẩm luận Du-già-sư-địa đã khái quát, có ba thứ chướng ngại để thai nhi không thể hình thành. Đó là:

Trở ngại do đường sinh sản.

Trở ngại do chủng tử.

Trở ngại do túc nghiệp.

Thế nào là trở ngại do đường sinh sản? Nghĩa là hoặc nơi sinh bị gió, nóng dữ bức bách. Hoặc trong sản môn có những dị tật, hoặc luôn bị uế trược v.v…

Thế nào là trở ngại do chủng tử? Nghĩa là hoặc cha xuất chất bất tịnh, mẹ không xuất. Hoặc ngược lại, hoặc cả hai đều không xuất. Hoặc tinh của cha bị hư, hoặc tinh của mẹ, hoặc cả hai đều bị hư.

Thế nào là trở ngại do túc nghiệp? Tức là hoặc cha hoặc mẹ không khởi, không làm tăng trưởng hành nghiệp tạo nên con cái, hoặc cả hai đều không. Hoặc chúng sinh ấy không dấy khởi, không làm tăng trưởng hành nghiệp tạo nên cha mẹ. Hoặc cha mẹ của chúng sinh ấy đã dấy khởi, làm tăng trưởng hành nghiệp tạo nên con cái khác. Hoặc chúng sinh ấy đã dấy khởi, làm tăng trưởng hành nghiệp tạo nên cha mẹ khác. Hoặc ý muốn về hành nghiệp tạo nên một tộc họ danh giá. Hoặc ý muốn về hành nghiệp tạo nên một tộc họ không danh giá. Các trường hợp như vậy gọi là những trở ngại do túc nghiệp.

Như vậy, khi một chúng sanh chuẩn bị tái sanh thì phải vượt qua được những thứ chướng ngại này mới sẽ mở ra một cung bậc mới của đời sống: thai nhi hình thành

Việc hình thành thai nhi và hành động chấm dứt thai kỳ

Như đã trình bày, khi ba yếu tố cơ bản như tinh cha, huyết mẹ và thần thức hòa hợp thì những yếu tố đầu tiên của thai nhi hình thành. Quá trình này được Đức Phật khái quát như sau qua kinh Tương Ưng (S.i,206):

Trước tiên, Kalala,

Rồi từ Kalala,

Abbuda có mặt.

Rồi từ Abbuda,

Pesī (thịt mềm) được sanh ra.

Pesī sinh Ghana (thịt cứng),

Rồi đến Pasākha (chi tiết),

Tóc, lông và các móng,

Tiếp tục được sanh ra.

Những gì người mẹ ăn,

Đồ ăn, đồ uống nào,

Con người trong bụng mẹ,

Ở đấy, lấy nuôi dưỡng[26].

Trong đoạn kinh văn này, cụm từ quan trọng cần phải tìm hiểu, đó chính là từ Kalala. Từ này, Hán tạng cũng phiên âm là Ca-la-la hoặc Yết-la-lam. Vậy thực nghĩa Kalala là gì?

Theo lý thuyết mười hai nhân duyên thì Kalala chính là yếu tố Danh sắc. Bao gồm tâm và các yếu tố vật chất kể từ khi tinh cha, huyết mẹ và thần thức hội họp vào khoảng bảy ngày sau thì Kalala hình thành.

Theo tác phẩm Nhiếp đại thừa luận thích (攝大乘論釋), do ngài Huyền Tráng dịch thì do thức duyên với sắc, nên gọi là Yết-la-lam.

Kalala hay Yết-la-lam là tổng hòa những yếu tố vật chất và tinh thần khi thai tượng hình. Yết-la-lam gồm có ba yếu tố: Thân căn, Mạng căn, Tâm căn, hoặc ý căn.

Cũng đề cập đến ba yếu tố, nhưng khác biệt vài điều, kinh Đại bát Niết bàn ghi:

Có ba pháp hòa hợp để hình thành nên chúng sanh: Thứ nhất là thọ mạng, thứ hai là hơi ấm và thứ ba chính là thức. 

Theo luận Đại trí độ, mạng căn chính là Thọ.

Luận Câu-xá giái thích rõ hơn, thể của mạng căn chính là thọ, có chức năng giữ gìn hơi ấm (tejodhātu) và thức.

Tùy theo cách tiếp cận và luận giải mà Kalala phân biệt thành ba, hoặc hai yếu tố, nhưng thực ra, mạng căn là một tên gọi khác khi xét về vai trò của tâm căn, tức là thức diễn tiến (paṭisandhi viññāna), cũng gọi là thức A-lại-da, A-đà-na…. Theo ngài Huyền Tráng trong tác phẩm Thành duy thức luận, sở dĩ gọi là A-đà-na vì có chức năng giữ gìn chủng tử và các sắc căn khiến chúng không bị hư hoại. Và như vậy, mạng căn cũng chính là thức A-lại-da.

Bài liên quan

Cụ thể hơn, luận Đại trí độ khẳng định rằng: Khi chúng sanh vừa nhập thai thì có hai căn, tức là thân căn và mạng căn. Nói cách khác, khi Kalala xuất hiện, thì được xem là một chúng sanh.

Đồng quan điểm với với luận Đại trí độ, các bộ luật cũng đưa ra định nghĩa tương tự về con người:

Con người nghĩa là vật gì ở khoảng giữa thời gian từ lúc tâm đầu tiên được sanh lên (tức là) thức đầu tiên hiện hữu trong bụng mẹ cho đến lúc chết; vật ấy gọi là con người.

Luật Thiện kiến cũng ghi nhận: Từ Ca-la-la rồi tuần tự trưởng thành cho đến già chết, gọi là con người.

Như vậy, có thể nói rằng, kể từ khi có ba sự hòa hợp, tức là tinh cha, huyết mẹ và hương ấm, thì một chúng sanh xuất hiện trên cuộc đời với các tên gọi là Danh Sắc hoặc là Kalala.

Mặc dù chỉ mới tượng hình và còn trong thai tạng, nhưng theo quy định của giới luật Phật giáo, việc chấm dứt thai kỳ ngay từ thời điểm tượng hình, tức khoảng một tuần khi vừa thọ thai thì được xem là hành động sát hại mạng sống của con người.

Luật tạng giải thích: Đoạt lấy mạng sống: cắt đứt mạng quyền, làm hủy hoại, làm tổn hại sự tiếp nối. Và luật Thiện kiến đã giải thích rõ ràng hơn:

Đoạn mạng có nghĩa là, từ lúc Ca-la-la hình thành, hoặc dùng tay đánh mạnh, hoặc dùng tay chà xát, hoặc dùng thuốc và các loại phương tiện đoạn dứt khiến thai nhi không thể hình thành, gọi là đoạn mạng.

Từ đây có thể thấy, hành động chấm dứt thai kỳ được xem như hành động giết hại con người[39]. Theo kinh Phân biệt thiện ác nghiệp báo, việc phá bỏ thai bào hoặc khuyến khích phá bỏ thai bào là hai trong mười nguyên nhân khiến cho con người bị đoản thọ.

Xưa nay, khi đề cập đến tội sát nhân, phần lớn các truyền thống đạo đức của xã hội nói chung chỉ căn cứ vào một con người cụ thể tính từ lúc sinh ra đời. Tuy nhiên, theo quan điểm Phật giáo, việc chấm dứt thai kỳ ở bất kể giai đoạn nào cũng được xem là hành động giết hại nhân mạng[41]. Ở đây, việc phá thai dù không vi phạm hiến định và pháp luật, nhưng vi phạm các nguyên tắc đạo đức căn bản theo quan điểm Phật giáo. Và hơn nữa, đã là một Phật tử, ít nhất cần phải thấu suốt và tin tưởng lời Phật dạy. Vì chỉ có như vậy, mới có thể thiết lập một đời sống yên và bình.

Những pháp hành hỗ trợ tiến trình hoài thai

Đức Phật vẫn cho phép hàng cư sĩ tại gia sống chung với các dục một cách tiết độ và thanh cao. Do vậy, vấn để gia đình và con cái cũng là điều mà Đức Phật nhiều lần lưu tâm và hướng dẫn cho người cư sĩ.

Trong kinh Tương Ưng (S.i,36), khi được hỏi:

Vật gì, cơ sở người?

Vật gì, bạn tối thượng (ở đời)?

Đức Phật đã trả lời:

Con là cơ sở người,

Vợ là bạn tối thượng.

Do vậy, để có được một đứa con phước đức, thì cần phải chuẩn bị những yếu tố cơ bản làm tiền đề.

Thứ nhất, phải khởi lòng nghĩ về con cái, thường xuyên mong mỏi có được một đứa con. Chúng ta phải nghiêm túc suy nghĩ về khát vọng này khi vợ chồng gặp gỡ. Với khát vọng con cái, thuật ngữ Phật học gọi là lòng khát ái, là cơ sở đầu tiên để tạo nên một tương ưng nghiệp, thu hút những chủng tử thức tìm đến để thác thai. Mặc dù đây là cơ sở của sanh tử luân hồi, nhưng vì chúng ta vẫn còn tha thiết và chưa có ý định thoát khỏi luân hồi, nên việc duy trì tâm thế này là điều kiện cơ bản để hoạch đắc con cái.

Thứ hai, những bậc sắp làm cha mẹ phải chuẩn bị những nền tảng sức khỏe cần thiết liên quan đến quá trình thác thai, thuật ngữ y khoa ngày nay gọi là sức khỏe sinh sản. Không thể có được một đứa con thông minh, khỏe mạnh nếu như cha mẹ của chúng luôn sống trong bệnh tật, ốm đau. Nếu như chúng ta chưa chuẩn bị sẵn sàng những điều kiện quan trọng này, nhưng vẫn bất chấp mọi việc để có được con cái thì sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ và đôi khi còn là gánh nặng cho xã hội. Không những vậy, xét về phương diện tạo ra một di nghiệp về sau, hành động thiếu chuẩn bị này vô tình tạo nên một chúng sanh với nghiệp quả không tốt, và thậm chí sẽ quá đỗi tệ hại ở thế hệ tương lai.

Thứ ba, cần phải trang nghiêm tự thân, nỗ lực làm việc lành khi có thể và giữ tâm luôn trong sáng, thanh cao. Muốn có được một đứa con phước đức, thì cần phải vun bồi phước đức. Ba phương cách tạo nên phước đức gồm có trang nghiêm giới hạnh (giữ giới), lắng lòng trong sạch (tụng kinh hoặc hành Thiền) và rộng lòng chia sẻ (bố thí), là những phương cách góp phần tạo nên một đứa con phước đức đúng nghĩa theo quan điểm về nghiệp lực tương ưng. Cần lưu ý rằng, trang nghiêm giới hạnh được hiểu ở đây là tuân thủ theo những giới luật cơ bản của người phật tử.

Thứ tư, sống ở trong đời dù cố gắng hết sức nhưng không ai tránh khỏi tội lỗi. Có những lỗi nhỏ nhặt, có những tội lớn lao, và cũng có những tội lỗi liên quan đến việc phá hủy thai bào. Tuy các bộ luật trong Phật giáo chưa thống nhất về chi tiết, nhưng điểm chung có thể ghi nhận rằng, việc phá hủy thai bào là hành động làm thương tổn trực tiếp đến mình và tha nhân. Và do vậy, các bậc cha mẹ lỡ lầm cần phải đối diện với thực trạng này và tìm cách sám hối. Với Phật giáo, sám hối là sinh lộ. Ở đây, tùy theo mức độ tội lỗi mà lựa chọn một pháp sám hối thích hợp. Các phương cách sám hối hiện đang được áp dụng trong các truyền thống Phật giáo là giải pháp gợi mở cho trường hợp này.

Bài liên quan

Thứ năm, theo quan điểm của Đức Phật, con gái hay con trai đều không phải là vấn đề quá quan ngại. Vì nếu như gặp phải nghịch tử thì quả là khổ đau như lời Phật đã dạy trong kinh Tập (Sn.3): Ai có các con trai./Sầu muộn với con trai./Bậc Thế Tôn, Chánh Giác./Đã nói lên như vậy. Hoặc nếu sanh con gái thì cũng đừng quá buồn lòng.

Đây cũng là lời dạy của Đức Phật với vua Pasenadi trong kinh Tương Ưng(S.i,86): Này Nhân chủ, ở đời./Có một số thiếu nữ./Có thể tốt đẹp hơn./So sánh với con trai. Với Đức Phật, phẩm chất đạo đức của người con quan trọng hơn giới tính. Do vậy, việc lựa chọn giới tính cho thai nhi là điều không nằm trong nội dung giáo huấn của Đức Phật.

Ba điều kiện chính, đó là tinh cha, huyết mẹ và thần thức thọ sinh bào thai

Sự hiện hữu của một thai bào là tổng hòa của nhiều điều kiện mà trong đó phải kể đến ba điều kiện chính, đó là tinh cha, huyết mẹ và thần thức. Trong ba yếu tố này thì yếu tố thần thức với những tên gọi khác nhau nhưng có cùng một chức năng quan trọng, đó là chuyên chở, giữ gìn và truyền trao những tư liệu từ đời sống quá khứ.

Với Phật giáo, sự sống như thể một dòng sông. Không thể hiểu được dòng sông nếu như chỉ dựa vào một đoạn sông ngắn ngủi.

Về cơ bản, thai bào phần lớn được hình thành từ ba yếu tố. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc thù, bào thai được hình từ nhiều nguyên nhân đặc dị khác nhau. Từ những thông tin ghi nhận về các hình thức thọ sanh trong kinh, luật, đã cho thấy rằng, các dạng thức thọ thai trong đời sống xã hội hiện đại đã được đề cập từ hàng ngàn năm trước trong kinh tạng Phật giáo. Bên cạnh đó, việc nhận ra những nguyên nhân gây trở ngại sự hoài thai giúp cho các bậc cha mẹ tự hoàn chỉnh bản thân, để có thể tìm thấy một đứa con như khát vọng.

Từ định nghĩa thế nào là một con người theo quan điểm Phật giáo, đã khẳng định tính nhân văn cao cả của tôn giáo này. Qua đây đã cho thấy lòng thương yêu sự sống của Phật giáo cao cả vô biên, vì đã tôn quý sự sống ngay từ thời điểm hình thành, dù đã có hình sắc hay mới tượng hình sắc. Việc chủ tâm chấm dứt thai kỳ trước thời hạn được xem là một trong những trọng tội, và do vậy người hiểu biết cần phải tìm cách né tránh trước khi tội lỗi hình thành. Cụ thể là, khi một đôi nam nữ gần nhau nhưng chưa muốn sinh con, thì phải chủ động ngăn ngừa bằng những phương cách thích hợp.

Việc hiểu rõ đầy đủ quá trình hoài thai cùng với các tính chất tương ưng của nghiệp lực, giúp cho các bậc cha mẹ từng bước chuẩn bị những tiền đề cần thiết để có được một đứa con toàn hảo, như kinh gọi là đứa con phước đức. Quá trình đó được bắt đầu bằng việc nuôi dưỡng khát vọng về con cái, chăm chút sức khỏe bản thân, gia tâm vun bồi phước đức và tự thanh lọc thân tâm nếu như tự nhận thấy mình đã từng sai phạm, lỗi lầm.

Con cái thật sự là chỗ dựa, là niềm vui, là hạnh phúc trong cuộc sống thường tục, nếu như đứa con đó khỏe mạnh ở thể xác và thánh thiện trong tâm hồn.

Cư sĩ Chúc Phú (Chùa Bửu Minh)

(*) BBT đặt lại tiêu đề

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Câu chuyện có thật về sự chủ động tái sinh

Nghiên cứu 14:16 19/04/2024

Khoảng một ngàn năm sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, giáo pháp ngày càng phát triển trong giới trí thức Ấn Độ. Một trong những luận sư xuất sắc thời đó là Chandra, người vừa có cái thư thả của bậc giác ngộ, lại có cái tài hùng biện và lý luận sắc sảo của một người trí thức.

Phương thức niệm Phật đời Trần

Nghiên cứu 08:23 18/04/2024

Không phải ngẫu nhiên đến đời Trần, phương thức niệm Phật được Thiền phái Trúc Lâm chú trọng trong việc vận dụng vào đời sống thực nghiệm tâm linh trong các Thiền đường nước Đại Việt.

Mẫu hình người cư sĩ lý tưởng

Nghiên cứu 15:55 17/04/2024

Trong những chúng đệ tử Phật, thì chúng cư sĩ tại gia chiếm số lượng đông đảo và có những ảnh hưởng nhất định đối với diện mạo của Phật giáo nói chung.

Cha mẹ là ruộng phúc trong 3 cõi

Nghiên cứu 08:10 16/04/2024

Phật bảo Ngài A Nan rằng: - Cha mẹ, chúng Tăng, là hai thứ ruộng phúc của tất cả chúng sinh, là diệu quả của cõi Nhân cõi Thiên, Niết Bàn giải thoát, cũng do đó mà được thành tựu vậy!

Xem thêm