Thứ ba, 25/11/2014, 12:07 PM

Bát Quan Trai giới là gì?

Bát quan trai giới là một phương pháp tu hành của người tại gia thọ trì 8 giới, áp dụng trong một ngày một đêm (24 giờ). 

Nói dễ hiểu: Bát quan trai giới phát xuất từ chữ "uposatha" âm là Bồ-tát, tức là ngày đọc tụng giới bổn tỳ-khưu nửa tháng một lần; cũng là chỉ ngày mà Phật tử thọ trì tám giới. Theo nghĩa thông thường thì bát quan trai là tám cửa thanh tịnh hay là tám cửa đưa đến thanh tịnh.

“Bát” là tám, "Quan" là cửa, cửa ngăn chặn 8 điều tội lỗi. "Trai" nghĩa là khi đã qua giờ ngọ (12 giờ trưa) không được ăn. Vậy "Bát quan trai giới" là sự giữ gìn cho thân tâm được thanh tịnh trong 24 giờ bằng cách ngăn chặn 8 điều tội lỗi:

1. Không sát sinh;
2. Không trộm cướp;
3. Không dâm dục;
4. Không nói dối;
5. Không uống rượu;
6. Không trang điểm, dầu thơm, múa hát và xem múa hát;
7. Không nằm ngồi giường cao rộng đẹp;
8. Không ăn quá giờ ngọ;

Hội đồng giới sư truyền giới
 
Theo Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ thì: “Bát quan trai, theo nghĩa đen là tám điều kiêng cữ, như là tám cửa ải chận đứng các pháp bất thiện. Giới bát quan trai chính xác được gọi là giới cận trụ. Nghĩa là, sống gần đời sống xuất gia, gần chùa chiền, gần nơi thanh tịnh. Tập quen với đời sống thanh tịnh.

Còn cao hơn nữa, cận trụ được hiểu là tập sống gần đời sống một vị A La Hán, là bậc Thánh xuất thế gian.

Ngoài nghĩa cận trụ, giới bát quan trai còn được gọi là giới bố tát hay trưởng tịnh: trì giới làm phát triển phần thanh tịnh, những đức tính tốt trong mình.

Cùng một chữ nhưng hai nghĩa: cận trụ, sống gần gũi đời sống cao thượng của một bậc Thánh. Với người xuất gia tất cả giới luật là khuôn mẫu đạo đức đều noi gương đời sống của một vị A La Hán. Mặc dù tâm tư của người ấy có thể còn nhiều hờn giận, ham muốn, nhưng bên ngoài, đi đứng nằm ngồi, tác phong đạo đức thường xuyên noi theo gương mẫu của Thánh nhân, học tập theo Thánh nhân. Người tại gia không thể làm được như vậy, mà chỉ có thể tập gần, tập làm quen. Gần như vậy sẽ thấy có một niềm tin rằng thế gian này chắc chắn có bậc thánh, có vị A La Hán, là bậc Chân nhân đạo đức toàn vẹn, dứt sạch tham, sân, si; sống luôn luôn an lạc, không còn bị chìm đắm trong cõi luân hồi đau khổ. Đó là niềm tin hướng thượng, từ đó mà tìm thấy ý nghĩa và hướng đi cho đời sống của mình.

Từ chỗ tin tưởng này, có thể phát triển tính lành, không cần cấm sát sanh, không cần cấm trộm cắp, mà tự nhiên mình sẽ không làm việc đó vì tin tưởng có một giá trị rất cao mà mình đang học. Đó là nghĩa tích cực của giới. Cho nên, giới không đơn giản có ý nghĩa tiêu cực là sự cấm đoán. Tuy rằng, khi học giới người học được dạy là không nên làm điều  này, hãy nên làm điều kia. 

Người khôn ngoan, có trí trong đời, biết rõ đâu  là con đường chí thiện, là đường tốt để mình đi. Đâu là con đường xấu, tự mình tránh; không cần ai cấm. Đó là học giới cho người hiểu biết; có trí tuệ. Còn đối với người không đủ năng lực để phân biệt những gì là cao thượng và thấp kém, thì những sự cấm cản  là cần thiết. Như người lớn khôn ngoan khi thấy lửa, thấy thuốc độc, không bao giờ thò tay lấy và xử dụng một cách vô ý thức.  Nhưng trẻ nít hay người chưa hiểu biết thì gặp gì cũng ăn, cũng uống, rất nguy hiểm. Với những người như vậy tất nhiên cần phải có sự cấm cản; quy định rõ những điều nên làm và không nên làm…”
Thượng tọa giới sư truyền giới
1. Giới thứ nhất Không sát sinh. 
 
Dứt mạng sống gọi là sát, loài hữu tình là sinh. Chúng sinh có hình dáng khác nhau, nhưng cùng tham sống, sợ chết, biết đau khổ, vui mừng. Là Phật tử , nghĩa là những người theo đạo Từ bi, cần phải cố gắng không sát hại sinh vật. Sát hại người, trong Ngũ giới Phật đã tuyệt đối cấm. Do đó khuyến khích người Phật tử ăn chay, không giết hai sinh vật. Trong ngày thọ Bát quan trai, chúng ta hãy giữ giới không sát sinh. Ta không giết, không trù tính mưu mô giết, cũng không nên bảo người khác giết, không vui khi thấy người giết.
 
Được như thế là ta giữ được trọn vẹn giới sát, mặc dù chỉ trong một ngày đêm, nhưng lợi ích sẽ lớn lao vô cùng cho việc tu hành.
Trang nghiêm thanh tịnh nghe Giới sư truyền giới
2. Giới thứ hai Không trộm cướp. 
 
Những vật thuộc quyền sở hữu của người khác, từ vàng, bạc, châu báu, đất ruộng nhà cửa, cho đến đồ đạc, cây kim sợi chỉ, cọng rau, người ta không cho mà mình lấy, là trộm cướp. Lường thăng tráo đấu, đo thiếu lấy thừa, đi làm trễ giờ, boc lột công nhân, lấy của công, ăn hối lộ, được của người không trả lại, đều là trộm cướp. Ngày thọ Bát quan trai giới, chúng ta hãy quyết không trộm cướp đã đành, mà cũng không được để cho một ý nghĩ tham lợi móng lên trong tâm. 
 
Giữ được giới này, dù thời gian ngắn ngủi trong 24 giờ, chúng ta cũng đã gieo được những nhân lành tốt đẹp cho sự tu hành. 
 
3. Giới thứ ba Không dâm dục. 
 
Dâm dục là cái gốc của sinh tử luân hồi, Phật tử tại gia, chưa có thể hoàn toàn đoạn trừ dâm dục, Phật chỉ cấm tà dâm, nghĩa là ngoài vợ chồng, không được ngoại tình. 
 
Ngày thọ Bát quan trai giới, phải giữ giới tịnh hạnh, không được hành động dâm dục, cũng không được nghĩ đến những điều dâm dục.
Thọ trai chánh niệm
4. Giới thứ tư Không nói dối.

Nói dối là tâm nghĩ miệng nói trái nhau. Nói dối có 4 cách, đó là: nói không thật, nói thêu dệt, nói lưỡi hai chiều, nói lời hung ác.

Nếu thực hành giới cấm này, thì dù chỉ trong một ngày đêm, chúng ta cũng đã gieo được một hột nhơn quý báu rất hiếm có trong đời này là: lòng chân thật.

5. Giới thứ năm Không uống rượu. 
 
Rượu làm say mê, tối tăm trí não người uống. Nó còn nguy hiểm hơn cả thuốc độc. Bởi thế, trong Kinh, Phật dạy: "Thà uống nước đồng sôi cho tan mất thân này, chứ không nên uống rượu". Là Phật tử , những người đang trau dồi Trí tuệ để được sáng suốt, chúng ta không được uống rượu. Chúng ta không uống rượu, mà cũng không khuyên mời người uống rượu. Tự mình uống rượu tội còn nhẹ, khuyên mời người khác uống, tội lại nặng hơn. 
 
Ngày thọ "Bát quan trai giới", chúng ta  không được uống đã đành, mà còn khuyên răn người khác đừng uống rượu.
Giới sư giảng giải ý nghĩa bát quan trai giới
6. Giới thứ sáu Không trang điểm, thoa dầu thơm, múa hát … 
 
Phật cấm phật tử trang điểm, sơn phấn, dầu thơm, múa hát… là vì muốn cho chúng ta khỏi đọa vào địa ngục. Nhưng trong đời sống hằng ngày của người Phật tử tại gia, vì còn tiếp xúc với đời sống xã hội, nên phải ăn mặc tề chỉnh trang nghiêm, đôi khi cũng phải đi dự những buổi hòa nhạc, hay múa hát… 
 
Ngày thọ giới Bát quan trai, chúng ta không được trang điểm, múa hát hay đi xem múa hát…Đưọc như thế, thì tuy thời gian chỉ ngắn ngủi có 24 giờ, ảnh hưởng tốt đẹp của nó vô cùng quý báu cho sự tu hành của chúng ta. 

7. Giới thứ bảy Không được nằm ngồi giường cao đẹp. 
 
Noi gương người xưa, các vị xuất gia chỉ nằm trên một cái giường nhỏ hẹp, vừa ngủ, chứ không bao giờ dùng giường rộng nệm cao. Kẻ tại gia cũng nên tập dần đức tánh giản dị đạm bạc ấy. Nếu chưa làm được trong ngày thường, thì ngày thọ giới Bát quan trai, cũng phải thi hành giới thứ bảy này.
Cúng dường
8. Giới thứ tám Không được ăn quá giờ ngọ.
 
Trong luật Phật dạy: "Chư thiên ăn sớm mai, Phật ăn giờ ngọ, súc sanh ăn sau giờ ngọ, ngạ quỷ ăn tối, chư Tăng học theo Phật, phải ăn đúng giờ Ngọ". 
 
Vì những lợi ích thiết thực nói trên, nên người xuất gia cần phải thực hành. Còn phật tử tại gia, khi tu Bát quan trai giới cũng phải giữ đúng giới này. 
 
Tóm lại “Bát quan trai giới” là một pháp tu rất lợi ích cho Phật tử tại gia. Trong thời gian tu hành thân, khẩu, ý của người thọ giới được hoàn toàn thạnh tịnh, tuy chỉ có 24 giờ đồng hồ, nhưng 24 giờ ấy còn quý báu hơn cả một đời của người không tu hành. Tuy lượng rất ít, mà phẩm lại nhiều. Nó chỉ là giọt nước, nhưng là một giọt nước trong sạch hoàn toàn, cho nên nó còn quý hơn cả một ao nước đục bùn nhơ, nó chỉ là một viên ngọc nhỏ xíu, nhưng đó là viên ngọc Ma ni, nên còn quý hơn trăm ngàn châu báu khác.
Chư tôn đức giối sư
Giới bát quan trai được Phật thuyết cho các Thánh đệ tử; những người tuy sống đời tại gia, hưởng thụ ngũ dục của thế gian, nhưng tâm tư đã vững chắc trên Thánh đạo. Trong ý nghĩa này, tu có nghĩa là phát triển, làm cho bản thân càng lúc càng cao thượng ngang tầm Thánh đạo, để càng lúc càng nhìn thấy rõ dấu chân dẫn đến Niết bàn. Tu như vậy là tu giới, tu định và tu huệ. Ba khoản tu tạo thành một chuỗi quan hệ liên tục.
Cúng dường trước khi thọ trai chánh niệm
 
Trí Bửu - Ủy viên Ban TTTT T.Ư GHPGVN

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn

Kiến thức 10:57 12/12/2024

Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.

Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?

Kiến thức 09:11 11/12/2024

Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.

Vì sao ngày 17/11 âm lịch hằng năm là ngày vía Phật A Di Đà?

Kiến thức 08:00 11/12/2024

Những hành giả tông Tịnh Độ hiện nay gần như ai cũng biết và tham gia lễ kỷ niệm vía Phật A Di Đà đản sanh vào ngày 17 tháng 11 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, trong các kinh văn có đề cập đến lịch sử Phật A Di Đà thì tuyệt nhiên không thấy nói chính xác ngày Đản sanh của Ngài.

Trước khi tụng Kinh, trì chú, nên đọc nghi thức như thế nào?

Kiến thức 09:15 04/12/2024

Thực ra mỗi tông môn, thậm chí mỗi chùa sẽ có cách thức khác nhau, nên Nghi thức sau chỉ mang tính tham khảo. Đạo hữu nào thấy phù hợp có thể áp dụng, xong bạn cần hiểu đây không phải quy định bắt buộc, thậm chí không có nghi thức khai Kinh chú thì vẫn cứ trì tụng không vấn đề gì.

Xem thêm