Bảy đoá sen vàng nâng gót ngọc
Bảy đóa sen vàng nâng gót ngọc là một thông điệp vĩ đại về tiến trình thành tựu Vô thượng giác của chính Thế Tôn và tất cả chúng ta, những người con Phật.
Ngài ra đời, bước đi trên bảy đóa sen, ngước nhìn sáu phương, buớc cuối cùng dừng lại tuyên bố, xác quyết sự thành tựu Vô thượng giác. Vào đời với bảy bước chân trí tuệ, từ bi, an lạc, vô nhiễm, chẳng dính chút bụi trần là một định pháp mà ba đời mười phương chư Phật đã đi qua, Đức Thế Tôn cũng đã đi qua và những người con Phật sẽ phải đi qua để đạt đến Giác ngộ.
Theo kinh Ưu Bà Di Pháp Môn Tịnh Hạnh-phẩm Thụy Ứng, Bồ Tát đản sanh, bước thứ nhất nhìn về phương Đông, vì chúng sanh mà làm Bậc dẫn đường tối thượng. Phương Đông, nơi phát xuất bình minh tuệ giác. Chúng sanh từ nơi tăm tối của dục vọng, vô minh muốn cất bước chân đầu tiên vào đạo lộ giải thoát phải nương theo tuệ giác, tiếp nhận ánh sáng Tam bảo để hoàn thiện nhân cách. Muốn vậy, phải kiện toàn đạo đức, tri thức thông qua học hỏi, suy nghiệm và thực hành Chánh pháp. Trước khi trở thành thánh nhân, phải nỗ lực để sống xứng đáng là một con người. Do vậy, tu tập Nhân thừa chính là bước chân đầu tiên. Bước chân nầy phải đặt trên hoa sen mới đúng nghĩa và trọn vẹn.
Cất bước thứ hai, Ngài nhìn về phương Nam thanh lương, vì chúng sanh làm ruộng phước mát mẻ. Thế Tôn đã vì chúng sanh nguyện làm ruộng phước màu mỡ để cho mọi người gieo trồng phước đức. Trong các ruộng phước thì Tam bảo là ruộng phước tốt nhất cho hạt giống trí tuệ, từ bi và giải thoát đâm chồi nẩy lộc. Vì thế, khi đã vững trong địa vị Nhân thừa, người con Phật tiếp tục nương tựa Tam bảo để chuyển hóa nghiệp lực, tu tạo phước điền, trang nghiêm phước báo cho tự thân. Phật là Đấng Phước Trí nhị nghiêm, học theo Phật thì việc thực hành chuyển hóa nghiệp ác của thân, miệng, ý thành nghiệp thiện nhằm vun bồi công đức là điều tối cần. Đây chính là giai đoạn tu tập của hàng Thiên thừa, dứt ác hành thiện, chuyển hóa mười nghiệp ác thành mười nghiệp lành. Bước chân thứ hai này là sự kế tục của bước chân thứ nhất, từ nền tảng quy y Tam bảo, thọ trì năm giới tiến lên tu mười nghiệp thiện. Đến đây, người con Phật đã đi được chặng đường ’không làm các điều ác, chỉ làm các việc lành’. Dù đã chuyển hóa nghiệp ác nhưng muốn đoạn trừ hoàn toàn cội rễ phiền não, vô minh thì người con Phật cần phải nỗ lực mạnh mẽ hơn. Vì thế, Ngài cất bước thứ ba, nhìn về hướng Tây chỉ cho chúng sanh thấy rằng đây là thân cuối cùng, chấm dứt sự sanh tử. Từ chuyển hóa nghiệp hướng đến chấm dứt nghiệp, thoát ly sanh tử là nội dung tu tập của bước chân thứ ba. Phương Tây là phương mặt trời lặn, hướng về sự vắng lặng, thanh tịnh, tịch diệt. Tâm phải nương vào thiền đînh, tập trung về một mối, định tĩnh, tịch tịnh hoàn toàn. Đầy là bước chân của hàng Thanh văn thừa, những bậc Thánh hướng đến thoát ly sanh tử. Nỗ lực thiền định, phối hợp nhịp nhàng giữa chỉ và quán, hướng tâm đến bất động, phát huy thiền quán duyên sinh để thân chứng vô ngã tính của thân tâm và vạn pháp, thành tựu Tam vô lậu học, phá tan vô minh, chứng đắc A la hán.
Bước chân thứ tư là mở đầu cho hạnh nguyện độ tha, Ngài nhìn về phương Bắc lạnh lẽo, tối tăm, vì chúng sanh mà khai mở tuệ giác tối thượng. Khi đã giải thoát sanh tử, vì chúng sanh khổ đau nên Bồ-tát không an trú Niết-bàn mà phát khởi bi nguyện nhập thế. Bồ tát đi vào cuộc đời tăm tối vô minh, mịt mờ tham ái nhưng chẳng dính chút bụi trần, vững bước thong dong trên hoa sen bất nhiễm. Vận dụng vô lượng phương tiện thiện xảo để cứu độ chúng sanh, trong đó quan trọng nhất là chỉ rõ rằng, con người có khả năng giác ngộ ngay trong cuộc đời này. Mỗi chúng ta ai cũng có Phật tánh và đầy đủ khả năng thành Phật. Chúng sanh vì vô minh sâu dày nên không đủ căn lành tin vào tâm giác ngộ vốn sẵn có nơi mình. Vì thế, thị hiện sự chứng đắc tuệ giác vô thượng trong đời sống ô trược là một minh chứng hùng hồn nhất cho khả tính giác ngộ. Dẫu rằng đạt đến giác ngộ không phải là điều có thể thành tựu trong một sớm một chiều mà có thể trải qua ba a tăng kỳ kiếp mới đến ngày công viên quả mãn. Song việc đánh thức niềm tự tín giải thoát để chúng sanh tự mình thắp đuốc lên mà đi, để thấy rằng Như Lai là Phật đã thành, chúng ta là Phật sẽ thành là bi nguyện vĩ đại của Bậc Giác ngộ.
Tiếp tục dấn thân làm lợi ích cho hữu tình, cất bước chân thứ năm-bước chân hoa sen trong bin lửa, nhìn xuống phương dưới vì chúng sanh hàng phục chướng ma. Phương dưới vốn thấp kém, quả báo của những chúng sanh ấy chịu nhiều đau khổ, nên cang cường, hung dữ, ác độc cố chấp, ti tiện, hẹp hòi... Vì thế, ma chướng rất cần được soi sáng và thương yêu, tưới tẩm cam lộ. Nguyện hàng phục chúng ma nhưng thực ra chỉ cần đem trí tuệ và tình thương đến cho họ mà thôi. Sự khổ đau rất đa dạng, trùng điệp. Khổ đau làm cho tâm hồn tăm tối và thân phận càng bi đát hơn. Vì thế, càng đau khổ đến tột cùng thì oán thù càng chồng chất và sự đày đọa thêm chập chùng, vô tận. Muốn hàng ma phải đi vào những nơi đau khổ, tối tăm, đầy hiểm nạn và nhờ đó tuệ giác, bản lĩnh, công hạnh của Bồ tát mới thậm thâm. Bồ tát Quán Âm tầm thanh cứu khổ, nơi nào có tiếng kêu than bất hạnh thì Ngài tìm đến. Bồ tát Địa Tạng nguyện khi nào chúng sanh không còn bị đày đọa trong địa ngục thì Ngài mới an trú Niết bàn.
Bước chân thứ sáu, nhìn lên phương trên vì chúng sanh làm chỗ nương tựa cho trời người. Khi đã dẹp yên ma oán, độ được những thành phần thấp kém khó độ thì hướng về những đối tượng cao hơn, có trí thức, hiểu biết và nhiều phước báo. Trời người là những chúng sanh có phước, ít đau khổ hơn so với tam đồ, ác đạo. Song, nếu không tích lũy và phát triển phước báo của mình bằng tu tập theo chánh pháp thì phước đức sẽ hết và sẽ bị đọa lạc như thường. Mặt khác, dẫu có phước báo nhưng vẫn bị vô minh chi phối, tham ái ràng buộc, phiền não hoành hành. Vì thế, trời người cấn nương tựa Tam bảo, tiếp nhận ánh sáng giác ngộ, phát huy tuệ giác vô ngã để ’an trú tâm và hàng phục tâm’, hướng vế giải thoát tối hậu. Trong sáu cõi thì trời người có nhiếu cơ hội thực hành Chánh pháp và thăng hoa tâm linh hơn các loài khác. Nương tựa Tam bảo, trời người tìm ra con đường nương tựa chính mình để tư mình thấp đuốc lên mà đi.
Khi đã tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn thì đó là thời điểm công viên quả mãn, thành Phật. Vì thế, bước chân thứ bảy là bước chân cuối cùng, công hạnh tự lợi và lợi tha đã tròn đầy, Ngài tuyên bố : Ta là bậc đã tôn quý và tối thắng trong thế gian. Đối với chúng sanh trong ba cõi, bất kỳ ai tu tập đạt đến viên mãn tự lợi và lợi tha là Bậc tôn quý nhất, thù thắng nhất. ’Một người, này các Tỳ kheo, khi xuất hiện ở đời là xuất hiện một người, không hai, không có đồng bạn, không có so sánh, không có tương tợ, không có đối phần, không có người ngang hàng, không có đặt ngang bằng, Bậc tối thượng giữa các loài hai chân. Một người ấy là ai ? Chính là Như Lai, bậc A la hán, Chánh đẳng giác’ (Kinh Tăng Chi Bộ I, phẩm Một người).
Thế Tôn đã đi qua bảy bước sen để thành Phật. Chúng ta, những người con Phật hiện đang đi và sẽ đi theo bảy bước chân ấy. Nguyện theo dấu chân xưa, thực hành tự độ và độ tha cho đến ngày công viên quả mãn. Mùa Phật đản về, hình ảnh Bảy đóa sen vàng nâng gót ngọc có mặt khắp nơi, gợi lên cho mỗi người con Phật niềm tự tín giác ngộ của tự thân. Chúng ta cũng đang bước chân trên hoa sen bằng sự nỗ lực tu tập, ứng dụng lời Phật dạy vào trong đời sống hằng ngày để từng bước thành tựu giải thoát, an vui cho chính mình và mọi người.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn
Kiến thức 10:57 12/12/2024Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.
Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?
Kiến thức 09:11 11/12/2024Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.
Vì sao ngày 17/11 âm lịch hằng năm là ngày vía Phật A Di Đà?
Kiến thức 08:00 11/12/2024Những hành giả tông Tịnh Độ hiện nay gần như ai cũng biết và tham gia lễ kỷ niệm vía Phật A Di Đà đản sanh vào ngày 17 tháng 11 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, trong các kinh văn có đề cập đến lịch sử Phật A Di Đà thì tuyệt nhiên không thấy nói chính xác ngày Đản sanh của Ngài.
Trước khi tụng Kinh, trì chú, nên đọc nghi thức như thế nào?
Kiến thức 09:15 04/12/2024Thực ra mỗi tông môn, thậm chí mỗi chùa sẽ có cách thức khác nhau, nên Nghi thức sau chỉ mang tính tham khảo. Đạo hữu nào thấy phù hợp có thể áp dụng, xong bạn cần hiểu đây không phải quy định bắt buộc, thậm chí không có nghi thức khai Kinh chú thì vẫn cứ trì tụng không vấn đề gì.
Xem thêm