Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 25/02/2020, 16:44 PM

Bỏ đói cái xấu - cách giúp mỗi người có cơ hội bình an

Bình an đến từ ngoại cảnh là có, nhưng không bền vì ngoại cảnh luôn biến động. Sự bình an đích thực và lâu bền nhất chỉ nảy nở, khởi phát từ trong chính mỗi con người. Một lần biết bỏ đói cái xấu để tập trung chăm sóc cho mầm thiện là một lần chúng ta cho mình một cơ hội để bình an.

> Sống như thế nào khi bị bệnh ung thư não?

Một người bạn của tôi làm bên lĩnh vực y học cổ truyền từng tâm sự: “Thực ra với mỗi người bệnh, thân bệnh là một phần và có thể chữa lành, chữa khỏi. Nhưng cái quan trọng hơn là bác sĩ cần là người có đủ tình yêu thương, hiểu cả về lĩnh vực tâm lý, đời sống để tư vấn mà giúp họ thay đổi thói quen và bản thân để có tư duy và lối sống tích cực. Chữa tâm bệnh còn cần hơn chữa thân bệnh”.

Những suy nghĩ của anh bạn bác sĩ này tương đồng với cách nhìn cuộc sống theo quan điểm của nhà Phật. Bởi cách duy nhất để có thể chữa bệnh cho tâm hồn, cho lối sống của mỗi con người là học cách tập trung cho cái tốt, điều thiện, mà bỏ đói cái xấu, làm chủ và chế ngự những điều bất thiện.

Cuộc sống tựa một chiếc gương, soi vào đó điều gì ta sẽ nhận lại điều tương tự. Mỗi người chúng ta gặp trong cuộc đời cũng là một tấm gương phản phản chiếu, cho ta soi lại bản thân mình. Nếu ta luôn nhìn thấy những cái xấu của họ - tức là trong ta cũng đang tồn tại cái xấu đó, nên dễ dàng nhận diện, gọi tên. Mùa nóng, ta thích uống một ly nước mát lạnh thì chắc chắn họ cũng thích một ly nước mát giống như ta. Vậy cớ gì trong ứng xử hàng ngày – đôi khi ta lại đẩy một ly nước nóng giữa mùa hè cho người ta đang giao tiếp? Con người ta ở với cái tốt của nhau còn chưa hết, cớ gì cứ phải chọn ở với cái xấu của nhau?

Sự bình an đích thực và lâu bền nhất chỉ nảy nở, khởi phát từ trong chính mỗi con người - Ảnh: Lương Đình Khoa

Sự bình an đích thực và lâu bền nhất chỉ nảy nở, khởi phát từ trong chính mỗi con người - Ảnh: Lương Đình Khoa

Tôi cứ ấn tượng mãi với bức tranh được treo trong phòng trà nhỏ của vị sư thầy trụ trì chùa Địa Tạng Phi Lai ở Hà Nam: cả một khoảng trắng mênh mông chỉ có một chấm mực đen. Khi tôi hỏi, vị thầy cười sảng khoái mà nói vui rằng: “Đó là bức tranh duy nhất của cuộc đời thầy vẽ được. Chắc chắn rằng các danh họa nổi tiếng thế giới không thể đấu lại được với thầy, vì… thầy cũng chẳng dám đấu với ai.”

Rồi bên chén trà thơm, trong hương trầm thoảng phất lan bay, giọng thầy trầm ấm: “Chấm mực đen là lỗi sai của bạn con, là một lần thất hứa của anh chị con, là một lời mắng của bố mẹ thầy cô mà con chỉ nhớ chấm mực đen này, quên đi cả tờ giấy trắng là những nỗ lực, yêu thương, tình cảm họ dành cho con. Hãy luôn nghĩ rằng người này rất tốt, rất tuyệt vời, còn một lỗi nhỏ là chấm mực đen đó, con dễ dàng chấp nhận bỏ qua, để thấy rằng đây là một tờ giấy trắng có chấm mực đen, chứ không phải chấm mực đen trên một tờ giấy trắng. Nghĩ như thế lòng bao dung, thảnh thơi hơn rất nhiều và chẳng còn khổ đau”.

Theo quan điểm của nhà Phật thì trong đời sống này – một người gặp gỡ được một người không hẳn là sự ngẫu nhiên, mà đó là sự tụ hội bởi nhân duyên. Có những người có thể hôm nay gặp, sau này còn quý nhau, còn làm bạn. Nhưng có những người sau này chúng ta chẳng biết nhau là ai cả. Hết duyên ly tán là chuyện thường tình. Đến thì chào mừng, đi thì chúc phúc. Bởi vậy nên cần luôn trân quý thực tại chúng ta đang sống mỗi ngày, biết đặt tâm nhìn vào khoảng trắng, vào những điều tích cực, giá trị không chỉ của người thân, mà còn của bạn bè, của bất kỳ ai ta gặp trong cuộc đời. Nhìn thấy gì trước trong cuộc sống, nhìn thấy gì ở người con tiếp xúc – sẽ quyết định cảm xúc sau đó của con là buồn hay vui, đau khổ hay hạnh phúc

Khi nghĩ về những “khoảng trắng” đẹp nhất đã gặp trong cuộc đời, tôi hay nhớ về ngôi chùa nghèo xóm Thượng nằm chơ vơ giữa cánh đồng của một huyện ngoại thành Hà Nội, rất ít người lại qua.

Sự bình an đích thực và lâu bền nhất chỉ nảy nở, khởi phát từ trong chính mỗi con người. Ảnh: Lương Đình Khoa

Sự bình an đích thực và lâu bền nhất chỉ nảy nở, khởi phát từ trong chính mỗi con người. Ảnh: Lương Đình Khoa

Chùa nghèo, mái lợp tôn, hệ thống tượng thờ cũng ít và khá đơn giản, nhưng vẫn mang lại một cảm giác ấm cúng khi ghé thăm. Tài sản lớn nhất của chùa có lẽ là cây bồ đề cổ thụ, dễ chừng 5-6 người ôm không hết. Nghe người xưa kể trước đây là khu đất cao nhất làng, chim chóc ăn quả và bay về để rơi hạt xuống bãi đất này. Cây đủ duyên lành và cứ thế ngậm nắng gió tự lớn lên, nên được người dân lập chùa thờ Phật. Một ngày nọ, có vị sư già du ngoạn ngang qua, nhìn từ xa bắt gặp cây bồ đề lớn vút cao, cành lá lao xao trong gió như vẫy gọi, thầy tìm đường vào thăm và vãn cảnh chùa. Thầy thương chùa nghèo, nhân dân cầu pháp nên xúc động ôm cây bồ đề và khóc, và quyết định tạm dừng gót du tăng ở lại truyền pháp cho bà con.

Anh bạn tôi ở gần chùa kể rằng mỗi buổi sáng, thầy thường rời chùa đi đâu đó không ai biết – và thầy trở về vào lúc cuối chiều với một bao tải đầy những cây dại trên lưng. Hỏi ra mới biết đó là cây thuốc. Thầy đi gom các loài thảo dược mọc hoang trong vùng lại, phơi khô, sao tẩm, làm thuốc chữa bệnh miễn phí cho dân. Những ai đến xin chữa bệnh, sau một thời gian không chỉ thấy sức khỏe dần khá lên, mà tâm tính cũng ít nhiều thay đổi, thấy nhìn cuộc sống tích cực hơn, biết yêu thương gia đình và làng xóm hơn. “Hóa ra thầy không chỉ chữa thân bệnh, mà còn chữa cả tâm bệnh cho mọi người”. – Bạn tôi cười rạng rỡ.

Khuya, tôi ngồi ngoài sân uống trà cùng sư thầy chùa xóm Thượng. Tôi thắc mắc với thầy rằng sao các ngôi chùa khác tôi đến, thấy bày rất nhiều tượng khác nhau trên cùng một ban (và thú thực tôi cũng không thể phân biệt được vị nào với vị nào trên một ban thờ Phật như thế, cùng với rất nhiều cành vàng cành bạc, điện đèn nhấp nháy), còn chùa này thầy chỉ để mỗi tượng Đức Phật bằng gỗ mít và 2 vị đệ tử của ngài ở hai bên. Vị sư thầy chia sẻ rằng đã là ban thờ Phật thì cần biết lấy hoa điểm Phật, chứ không phải  lấy Phật để điểm cho hoa. Và thầy nói: “Đức Phật không có trong những tượng đồng, tượng gỗ chốn thiền môn nào đâu con, vì nếu chỉ ẩn nấp ở đó, chỉ ở trong chùa thì chẳng thể cứu độ được ai. Chỉ khi là một con người cụ thể, dấn thân vào cuộc sống,  Ngài mới có thể gặp gỡ và hóa độ từng người. Thế nên, bất kỳ người nào ta và con gặp, trong trái tim của họ có thể phát khởi lòng từ bi, chuyển hóa được cái giận, cái ghét thành bao dung và yêu thương, không muốn làm khổ đau cho người thì cũng đều có thể là hóa thân của Đức Phật cả”.

Từ câu chuyện ấy, vị sư già chia sẻ cùng tôi nhiều điều hơn về Đức Phật. Tôi giật mình nhận ra hơn 20 năm qua, tôi đã tạc giữ trong lòng mình một vị Phật phù phép và không có thật. Tôi và bao thế hệ người Việt khác đến chùa là cầu xin đủ thứ, từ tiền tài, công danh, lợi lộc, thậm chí “xui” cả Phật và Bồ  tát trừng phạt người này người kia vì những oán thù cá nhân. Những vô minh cứ trượt dài như thế.

Bỏ đói cái xấu để tập trung chăm sóc cho mầm thiện - là một lần chúng ta tự cho mình một cơ hội để bình an - Ảnh: Lương Đình Khoa

Bỏ đói cái xấu để tập trung chăm sóc cho mầm thiện - là một lần chúng ta tự cho mình một cơ hội để bình an - Ảnh: Lương Đình Khoa

Một người bạn cùng thời sinh viên với tôi mắc bệnh ung thư. Khi tôi đến thăm, đọc trong hồ sơ và phác đồ điều trị, có đề cập đến vấn đề chế độ ăn kiêng để “bỏ đói tế bào ung thư”. Bác sĩ nói, các tế bào ung thư là những con nghiện dưỡng chất, nhưng lại không có cơ chế dự trữ “thức ăn” như những tế bào khỏe mạnh. Vậy nên mình cần lựa chọn chế độ ăn phù hợp để bỏ đói những tế bào này để hỗ trợ cho quá trình điều trị”, bạn giải thích.

Ra về, trong đầu tôi cứ nghĩ về chuyện “bỏ đói” tế bào có hại. Trong tâm hồn mỗi chúng ta tiềm ẩn những tư duy xấu, cảm xúc xấu, hành vi xấu. Chúng cũng hệt như những tế bào ung thư kia, và liệu mấy ai đã lựa chọn “bỏ đói” hay là đang nuôi dưỡng những mầm bệnh ấy?

Khi chiếc điện thoại, hay xe máy, ô-tô, ngôi nhà có một chút dấu hiệu bị hỏng, ta vội vàng tìm cách đi sửa lại. Nhưng tâm chúng ta hỏng, miệng chúng ta thường hay nói những lời tiêu cực, đầu nghĩ về điều xấu, tay làm những việc xấu thì chúng ta ít có để ý mà tu sửa.

Tôi nhớ lại lời chia sẻ của vị sư chùa Thượng, rằng bất cứ người nào tôi gặp mà trong tim họ phát khởi lên tâm từ, muốn được giúp đỡ và mang lại những điều tốt đẹp cho người khác thì đều có thể là hóa thân của Đức Phật.

Chúng ta thay vì nói những lời cay đắng, than vãn, có thể lựa chọn là một người tham gia giao thông biết nâng niu sự sống của mình và không tước đoạt sự sống của bất kỳ ai khác, là bác tài lái xe điềm đạm, là người soát vé luôn mỉm cười, làm người đi đường nhưng có ý thức dừng lại mà nhặt đi  một viên gạch đỏ nằm dưới lòng đường để không có ai bị thương, là người biết  trao đi những giọt máu hồng của mình cho người bệnh, giúp họ bước gần hơn tới mặt trời…

Bình an đến từ ngoại cảnh là có, nhưng không bền vì ngoại cảnh luôn biến động. Sự bình an đích thực và lâu bền nhất chỉ nảy nở, khởi phát từ trong chính mỗi con người. Một lần biết bỏ đói cái xấu để tập trung chăm sóc cho mầm thiện -  là một lần chúng ta tự cho mình một cơ hội để bình an.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Ra đi để biết nẻo về

Phật giáo và người trẻ 13:50 01/11/2024

Có một cô bé vì làm quấy nên bị mẹ quở mắng, cô cãi lại mẹ rồi tức giận bỏ nhà ra đi. Cô đi lang thang từ sáng đến tối mà chẳng biết về đâu, bụng đói meo vì không có gì bỏ vào cả, trong túi của cô cũng chẳng có tiền.

“Thành tâm niệm Phật đi, sẽ có những điều mầu nhiệm”

Phật giáo và người trẻ 13:55 31/10/2024

Lúc còn nhỏ, không hiểu vì lý do gì mà đột nhiên tôi có khối u ở cổ, ăn uống chẳng được, cơ thể mệt mỏi, đau nhức lắm. Lúc đầu bác sĩ ở tỉnh tưởng là viêm tuyến giáp nên cho uống thuốc kháng sinh, uống được một tuần nhưng khối u càng lúc càng to.

Nhớ lại bốn kiếp luân hồi, thấm thía sự công bằng của nhân quả

Phật giáo và người trẻ 13:00 30/10/2024

Chịu những quả báo bệnh tật, tai ương, tôi không còn oán thán, than trời trách đất, mà bình thản lãnh chịu. Dù cho đau khổ có gấp nhiều lần hơn thế nữa, thì cũng là nhân quả công bằng, mình làm mình chịu.

Trì tụng chú Đại Bi, điều kỳ diệu đã xảy ra với tôi

Phật giáo và người trẻ 11:15 30/10/2024

Tôi không thể tin rằng khi tôi vô tình trì tụng Chú Đại Bi mà điều kỳ diệu sẽ xảy ra với tôi! Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi thật sự biết ơn ảnh hưởng của đạo Phật nên tôi đã kịp thời cảnh tỉnh. Chú Đại Bi đã khai mở trái tim đại bi của tôi...

Xem thêm