Học cách sống bình an
Nếu ngay từ nhỏ con em đã được chỉ dẫn về năm điều đạo đức, khi lớn lên, lập nghiệp, các cháu sẽ luôn hiếu thảo với cha mẹ, yêu nước, đóng góp, phụng sự chứ không phải hưởng thụ cho riêng mình.
“Chúng ta đang nỗ lực và học cách kiếm sống, nhưng ít người nỗ lực học cách sống hạnh phúc và bình an”.
Tìm kế sinh nhai là nỗi ám ảnh của phần lớn những người bước vào tuổi trưởng thành. Ở các quốc gia nghèo và lạc hậu, trẻ em vị thành niên phải lam lũ từ thuở nhỏ để giúp cha mẹ kiếm tiền. Đối với các em, tuổi thơ không phải là bầu trời xanh không gợn mây. Ngược lại, các em đã phải nếm trải sự vất vả của đấu tranh sinh tồn từ quá bé.
Tuy nhiên đối với các em sinh ra và lớn lên ở các gia đình bình thường thì không nên bận tâm về cách kiếm sống quá sớm. Tuổi nào việc ấy. Luật pháp quy định 18 tuổi mới là cái mốc của một cuộc sống tự lập. Lập nghiệp quá sớm khi mà kiến thức chưa được chín chắn là không khôn khéo tí nào. Ta cần phấn đấu học đến cử nhân là ít nhất, tốt nhất là học lên thạc sĩ, tiến sĩ. Đây là những cơ hội quý trên đường đời.
Là cha mẹ, ta nên hỗ trợ tối đa cho con em mình. Nếu ta đã từng lam lũ 10, 20, 30 năm thì giả sử bây giờ có phải lam lũ thêm vài ba năm nữa để con cái mình được học hành đến nơi đến chốn, chuyển hóa được nghiệp nghèo của cha mẹ và ông bà tổ tiên thì cũng rất đáng để làm. Nếu vì nóng lòng muốn tìm kế sinh nhai mà dở dang việc học thì con cái ta sẽ có tầm nhìn ngắn, hành động thiển cận. Thiển cận thì không thể đưa tới lối sống trọn vẹn và đầy đủ được. Kiến thức là con đường ngắn nhất để chuyển nghiệp. Trí tuệ là con đường tốt nhất để thay thế các việc xấu thành việc tốt. Chủ trương của đạo Phật là giải phóng nạn mù chữ, giải phóng mê tín dị đoan, giải phóng nô lệ vào các thần linh để con người tự tin vào tiềm năng vô tận của mình, khai thác chúng có phương pháp để biến chúng trở thành hiện thực, phục vụ cho một cuộc sống hạnh phúc và bình an.
Sinh viên ngày nay ít khi chọn các ngành triết học, văn học mà thường chen chân vào các khoa kinh tế, tài chính, kế toán, quản trị, du lịch, khách sạn, tức là những nghề dễ có cơ hội xin việc và làm ra tiền. Những nghề liên quan tới các giá trị tinh thần, giá trị khoa học có vẻ bị ế ẩm. Như vậy, con người luôn có xu hướng lo kiếm sống, mong cầu một cuộc sống vật chất, tiện nghi, hướng tới danh vọng. Nhưng kiến thức chỉ là một công cụ. Lối sống có nhân cách, có đạo đức, hòa hợp với mọi người xung quanh mình, với các quốc gia láng giềng lại rất cần thiết nhưng ít có hệ thống giáo dục nào trên hành tinh này quan tâm đến nó.
Ở Việt Nam, giáo dục trong học đường cho tới năm 2000 vẫn còn nhấn mạnh về chiến tranh, về tinh thần căm thù địch. Thời chiến thì những nhận thức này rất quan trọng. Nhưng nay đã là thời bình. Con người bây giờ phải được học về cách phát triển đất nước, muốn phát triển mà không có kiến thức, không có vốn, không có tâm thì cũng không thể thành tựu. Phát triển một đất nước đòi hỏi nhiều thứ hơn là giữ gìn đất nước khỏi tay giặc ngoại xâm.
Chúng ta phải đưa môn đạo đức vào học đường. Cần phải đưa nền triết học của đạo Phật vào hệ thống giáo dục phổ cập, để trẻ em từ nhỏ đã biết hiếu kính với cha mẹ, biết yêu tổ quốc, yêu đồng bào, biết tôn trọng thầy cô giáo, biết chung thủy một vợ một chồng, biết nhường nhịn thương yêu lẫn nhau, biết quý trọng và học hỏi tinh thần của các vị tu sĩ, đạo sư chân chính, biết tình làng nghĩa xóm để sống gần gũi thương yêu, bảo vệ lẫn nhau. Các nền tảng đạo đức đó rất cần thiết cho mỗi con người. Phép lịch sự, lòng khiêm tốn, tâm vô ngã, tính vị tha, sự năng động, thói quen dấn thân, tính cách phục vụ đều là những nhân cách cần thiết mà con người cần phải có. Chúng tô đẹp cuộc sống của con người.
Điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta bỏ quên môn đạo đức trong giáo dục học đường? Trẻ em tuổi vị thành niên sẵn sàng giết người không gớm tay, như Lê Văn Luyện. Những Lê Văn Luyện như thế còn có mặt ở một số nơi trên đất nước Việt Nam trong nhiều năm qua. Chỉ vì muốn cướp của nhau vài chục, vài trăm ngàn đồng mà án mạng có thể xảy ra. Báo động đỏ về nền đạo đức bị xuống cấp buộc ta phải xem xét lại hệ thống giáo dục nước nhà. Rất may trong vòng 10 năm trở lại đây, môn đạo đức đã được đưa lại vào học đường. Một việc làm quá chậm, nhưng thà chậm còn hơn không bao giờ.
Tuy nhiên, môi trường giáo dục nhân cách và lối sống tốt nhất là gia đình. Do đó, các Phật tử nếu thực sự nghĩ tới tương lai của con em mình thì nên cho con quy y trong chùa từ khi lên 4 hay nhỉnh hơn một chút. Các thầy cũng cần phải thoáng rộng, đừng giới hạn lễ quy y vào ngày rằm tháng giêng, tháng tư, tháng bảy, tháng mười… Nhiều người có thể dễ dàng đổi ý, hơn nữa, vô thường có đợi ai bao giờ? Do đó, mỗi chùa nên tổ chức quy y tối thiểu mỗi tháng một lần vào ngày rằm hoặc mùng một. Năm người cũng quy y, ba người cũng quy y, giúp người có duyên biết được Phật pháp càng sớm càng tốt.
Năm điều đạo đức Phật dạy là những viên đá vững giúp một người xây nên hạnh phúc cá nhân, gia đình, xã hội, quốc gia và thế giới: Không giết người, bảo vệ hòa bình, thương yêu loài vật, giữ gìn sinh thái; không trộm cắp, tôn trọng sở hữu, nhường cơm xẻ áo giúp người nghèo hơn mình; không ngoại tình, chung thủy một vợ một chồng để đảm bảo hạnh phúc và tránh được những chứng bệnh lây lan qua đường tình dục; không lừa đảo, truyền thông chân thật, nói lời hài hòa đoàn kết; không rượu bia, ma túy để giữ gìn sức khỏe, tiết kiệm chi tiêu, bảo đảm hạnh phúc gia đình.
Nếu ngay từ nhỏ con em đã được chỉ dẫn về năm điều đạo đức vừa nêu thì đảm bảo quý vị khỏi phải lo con mình bị vướng vào game điện tử, chat linh tinh trên mạng, ăn chơi sa đọa, tụ tập với bè bạn xấu, tập tành những thói quen tiêu cực. Khi lớn lên, lập nghiệp, các chau sẽ luôn hiếu thảo với cha mẹ, yêu nước, đóng góp, phụng sự chứ không phải hưởng thụ cho riêng mình.
Đừng nghĩ rằng đợi con đủ 18 tuổi, cháu sẽ sự quyết định đường đi cho mình, suy nghĩ thế là sai lầm. Mọi tôn giáo nào trên hành tinh này đều có chủ trương về tín đồ nòi, tức là giữ niềm tin từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhiều Phật tử ngộ nhận từ “tự giác” (tu tập để giác ngộ) thành tự ý thức, cho nên thiếu quan tâm, thiếu trách nhiệm với những người thân thương. Rất nhiều trường hợp cha mẹ là Phật tử, con cái không là Phật tử; chồng là Phật tử, vợ không phải Phật tử là không; vợ là Phật tử, chồng theo Thiên chúa; có người là Phật tử thuần thành, có người chống đạo Phật…
Chúng ta cần dùng chính tấm gương của bản thân để thuyết phục con, cháu, người thân, vợ chồng, anh em, bằng hữu, nhân viên trở thành Phật tử. Nên tổ chức thỉnh mời các thầy thuyết pháp để mở mang kiến thức và giải đáp cho họ những khúc mắc trong cuộc sống và công việc dưới ánh sáng tuệ giác của đạo Phật.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Sự oán hận của vong hồn thai nhi
Phật giáo và người trẻ 20:00 19/11/2024Theo đạo Phật thì ngay từ khi bắt đầu thụ thai, ý thức, thần thức đã xâm nhập vào bào thai. Bào thai đã là một mầm sống, là một sinh linh cần được nâng niu, bảo vệ.
Đi chùa sám hối?
Phật giáo và người trẻ 08:45 15/11/2024Mưa, Long ngồi trên chiếc võng trước cửa nhà, mắt nhìn ra cổng. Chiều nay, Long có hẹn với bạn gái, hai người sẽ đi chùa sám hối. Đó là thói quen mà mỗi tháng hai lần Long cùng với bạn gái đến chùa Vạn Đức.
Quỹ Vicaris gieo hạt hiểu thương đến 2 học sinh ở Gò Quao
Phật giáo và người trẻ 12:05 10/11/2024Quỹ Bảo trợ giáo dục Vicaris vừa bảo trợ 2 học sinh ở huyện Gò Quao, Kiên Giang - Đại đức Thích Tuệ Đạt, Ủy viên Ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM, chủ nhiệm Quỹ thông tin với Phatgiao.org.vn.
“Đây là lời thật lòng của tôi, người từng ở trong bùn lầy và đã ra khỏi bùn lầy”
Phật giáo và người trẻ 13:45 08/11/2024Người ta có thể phạm rất nhiều lỗi trong đời, nhưng ngàn vạn lần không nên phạm tội tà dâm! Cổ nhân nói: “Vạn ác, dâm đứng đầu!” Nhưng mãi đến hôm nay tôi mới nhận ra uy lực của câu nói này.
Xem thêm