Bộ hành, vào rừng mà không tu tập Chánh pháp cũng không giác ngộ

Phật tánh có sẵn, chân lý có sẵn ở mỗi người? Phật tại tâm, đừng cố gắng tu hành đủ nắng hoa sẽ nở, chỉ cần buông tham sân si, đừng tu luyện thêm nhọc, trở lại ngay đây, trở về trạng thái tâm trong sáng thanh tịnh rỗng lặng?

Nếu chúng ta bỏ nhà lên núi, sống trong rừng nhưng không tu tập Chánh pháp, không vun bồi các phẩm hạnh parami (*), e rằng chúng ta sẽ trở thành người sống trong rừng, sẽ già trong rừng, sẽ chết ở trong rừng mà không chứng ngộ chân lý tối hậu.

Cũng vậy, nếu chúng ta bỏ nhà ra đi, xả bỏ mọi tài sản, đi bộ hành đây đó hướng đến giác ngộ giải thoát,… những việc đó rất đáng trân trọng, nhưng cũng cần hiểu rằng nếu không học và thực hành theo đúng Chánh pháp, mà chỉ ở rừng, chỉ đi bộ rồi tu tập tuỳ hứng, chặng đường ấy e rằng sẽ còn rất dài và mất thời gian, rất có thể chúng ta sẽ đánh mất cơ hội kiếp người khó có được này. Cơ hội sinh trong thời có vị Phật ra đời, có Giáo pháp còn hoằng truyền, là điều lại càng khó có được này.

Nên nhớ, thời mạt pháp này, chúng sinh dù là chư Thiên hay loài người, sau khi chết, số lượng đi xuống nhiều vô kể, số lượng đi lên hoặc đi ngang rất ít ỏi; đối với chúng sinh cõi súc sinh, ngạ quỷ và đặc biệt cõi địa ngục thì khỏi phải nói.

Bộ hành, vào rừng mà không tu tập Chánh pháp cũng không giác ngộ 1
Trên bước đường tu. Ảnh minh họa

Trước khi Đức Phật xuất hiện, ai đó cũng lên núi vào rừng, cũng xuất gia, cũng tu tập ghê gớm lắm, cũng các kiểu môn phái niềm tin triết thuyết, nhưng không thấy được chân lý tối hậu; cho đến khi có một vị Phật Chánh đẳng Chánh giác xuất hiện và vị ấy có khả năng chế định ra ngôn ngữ để truyền dạy lại phương pháp tu tập. Những ai có duyên lành gặp Phật Pháp, học và thực hành theo đúng lời chỉ dạy ấy, mới có thể thấy được chân lý tối hậu, thấy được Tứ Thánh đế, mới giải thoát khỏi tử sinh luân hồi trong tam giới (trừ trường hợp vị nào đó là một vị Bồ-tát đang tu hành và vun bồi các phẩm hạnh parami để thành Phật tương lai, vị ấy sau khi có nguyện bất thối chuyển, được thọ ký và vun bồi trọn đủ parami cần thiết trong thời gian rất rất rất dài… mới có khả năng tự mình giác ngộ mà không Thầy chỉ dạy).

Vậy nên, khi chúng ta thực hành giới-định-tuệ để tăng trưởng định lực, phát triển sức mạnh của tâm, phát triển trí tuệ, diệt trừ các phiền não từ thô thiển đến vi tế…, chúng ta cần thanh tịnh từ thân khẩu và ý, dần dần làm sáng tỏ những gì cần làm rõ, việc học và hiểu đúng Chánh pháp rất quan trọng. Thông tin có được từ Pháp học Phật giáo sẽ hỗ trợ cho Pháp hành Phật giáo.

Ngay lúc khởi sự tu tập, một mức độ Chánh kiến tối thiểu đòi hỏi phải có, bởi vì một sự hiểu biết nhất định nào đó về những sự thật của khổ, về nhân sanh của khổ, sự diệt của khổ và con đường dẫn đến sự diệt khổ, là rất cần thiết để cung cấp những lý lẽ thuyết phục, và một khích lệ cho việc thực hành đạo lộ một cách chuyên cần.

Một chừng mực chánh kiến nào đó cũng đòi hỏi phải có để giúp cho những chi đạo khác hoàn thành nhiệm vụ riêng của chúng một cách thông minh và hiệu quả trong công việc giải thoát chung.

Vì lý do đó, và để nhấn mạnh đến tầm quan trọng của yếu tố đó, Chánh kiến đã được đặt vào vị trí đầu tiên trong Bát Thánh Đạo. Tuy nhiên, sự hiểu biết tiên khởi về Pháp này vẫn phải được phát triển dần dần với sự trợ giúp của các yếu tố khác.

Bát Thánh Đạo do tám chi phần tạo thành có thể được phân thành Tam Học - đó là, Giới Học, Định Học và Tuệ Học. Mục đích của Tam Học là để diệt trừ tất cả phiền não vốn là nhân căn để của mọi khổ đau. Mục tiêu mà Tam Học nhắm tới là chứng ngộ Niết-bàn, trạng thái không còn phiền não, bình yên và an lạc thực sự; giải thoát hoàn toàn khỏi tử sinh luân hồi trong tam giới.

Mười phiền não (Kilesās) gồm: 1. Si (Moha) - không biết về các thực tại, ảo tưởng; 2. Tham (Lobha, Taṇhā) - sự khát khao, dính mắc; 3. Sân (Dosa) - tức tối, giận dữ, thù nghịch; 4. Mạn (Māna) - kiêu hãnh hay ngã mạn; 5. Tà kiến (Diṭṭhi) - tà kiến, quan niệm sai lầm; 6. Nghi (Vicikicchā) - hoài nghi; 7. Trạo cử (Uddhacca) - dao động, không yên; 8. Hôn trầm (Thina) - buồn chán, buồn ngủ; 9. Vô tàm (Ahirika) - không biết hổ thẹn (tội lỗi); 10. Vô quý (Anotappa) - không biết sợ hãi (tội lỗi).

Mười phiền não này đã được phát triển và sinh sôi nảy nở trong tâm của phàm nhân chúng ta từ thời vô thỉ, và chúng lớn nhanh giống như một cây đại thụ. Bây giờ, nếu chúng ta muốn triệt một cây đại thụ, trước tiên chúng ta phải chặt bỏ cành nhánh, sau đó chúng ta chặt đứt phần thân, và cuối cùng bứng gốc và thiêu rụi chúng hoàn toàn.

Diệt phiền não cũng vậy, trước tiên chúng ta phải thọ trì Giới Học để tẩy sạch tâm khỏi lớp phiền não thô thiển, hung hăng gọi là Vītikkama Kilesas hay Phiền Não Vi Phạm. Đây là những cành nhánh của cây đại thụ phiền não. Nếu chúng ta ngừng tu tập, lớp phiền não vi phạm này sẽ mọc lên lại giống như cái cây đâm ra những cành nhánh mới vậy.

Bây giờ, sau khi chặt đứt cành nhánh xong, chúng ta phải chặt đứt thân cây. Việc làm này cũng giống như trong sự tu tập - sau khi chúng ta đã an lập trong thiện giới xong chúng ta phải thọ trì định học. Để hoàn thành Định Học, chúng ta phải thực hành thiền chỉ (định). Việc thực hành thiền chỉ sẽ làm lắng dịu, và đè nén các phiền não đã sanh làm cho tâm bị kích động, phiền hà.

Những phiền não đã thức giấc và hoạt hóa này được gọi là pariyuṭṭhāna kilesas (Phiền Não Hiện Hành hay Triền Phiền Não). Trong đó có năm phiền não hoạt động tích cực nhất là, tham, sân, hôn trầm, trạo cử và hoài nghi - thường được gọi là năm triền cái (nīvaraṇas). Khi chúng ta đắc cận định hay định của bậc thiền cao hơn, tất cả những phiền não gồm luôn cả năm triền cái này sẽ bị trấn áp và đè nén hoàn toàn.

Tuy nhiên, sau khi chặt đứt thân cây, các rễ của nó vẫn còn cắm dưới đất, và chúng sẽ mọc lên thành một cây mới trở lại. Cũng vậy, khi những phiền não hiện hành bị đè nén, thì những phiền não ngủ ngầm gọi là tùy miên phiền não (anusaya kilesas) vẫn còn. Chúng cũng giống như những cái rễ của phiền não, có thể nhanh chóng phát triển thành phiền não hiện hành (pariyuṭṭhāna kilesās) và phiền não vi phạm (vitikkama kilesās).

Vì thế để đoạn trừ vĩnh viễn các phiền não, nhân sanh của khổ, những phiền não tùy miên cần phải được bứng gốc và tiêu hủy hoàn toàn. Nó cũng giống như việc hủy diệt vĩnh viễn một cái cây, chúng ta phải đào bứng hết mọi rễ cái và rễ con của nó và đem đốt cho thành tro vậy.

Tuy nhiên, đoạn trừ tùy miên phiền não không phải là một công việc dễ dàng. Thực sự nó là một công việc hết sức thâm sâu và khó khăn. Để hoàn thành công việc này chúng ta phải thực hành thiền minh sát một cách nhiệt tâm, nỗ lực và chính xác. Tu tập minh sát làm hoàn tất giai đoạn tuệ học. Chỉ có trí tuệ cao thượng, đó là bốn Đạo Tuệ, mới có thể tiêu diệt và đoạn trừ hoàn toàn tùy miên phiền não.

Vào lúc chúng ta đạt đến Chánh định, tâm sẽ trở nên rất mạnh mẽ. Nó phát ra một loại “ánh sáng của định” vô cùng chói lọi và thể nhập. Với sự trợ giúp của ánh sáng của định này, chúng ta có thể thể nhập vào thân và tâm của chúng ta bằng con mắt tâm để quán sát những thực tại cùng tột - tâm, tâm sở và các sắc pháp, vốn là những đơn vị căn bản của mọi hiện tượng tâm-vật lý. Các hiện tượng danh-sắc này sanh và diệt không ngừng và cực kỳ nhanh hợp với Quy luật Duyên sanh (Paṭiccasamuppāda) và Duyên Hệ (Patthāna). Và muốn đạt đến chánh định bạn phải thực hành thiền định một cách hệ thống dưới sự hướng dẫn của vị Thầy và đối chiếu với Kinh điển.

Trong thiền Minh sát chúng ta phải thực hiện Chánh tư duy (sammā saṅkappa), hay suy tư chân chánh vào những danh - sắc này và các mối quan hệ nhân quả của chúng để phát triển Chánh kiến (sammā-diṭṭhi) liên quan đến các hiện tượng tâm vật lý.

Sau khi phát triển được mười tuệ minh sát (vipassanā-ñāṇa), chúng ta sẽ đạt đến Đạo Tuệ và Quả Tuệ của nó. Đạo tuệ ở bốn giai đoạn có thể đoạn trừ hoàn toàn Vô minh. Và khi vô minh được đoạn trừ, tất cả phiền não còn lại cũng được đoạn trừ. Chúng ta sẽ chứng ngộ Tứ Thánh Đế và trở thành Thánh Nhân, người có thể thọ hưởng tối thượng lạc của Niết-bàn.

___

(*) Ba-la-mật-đa (sa. pāramitā, pi. pāramī, zh. 波羅蜜多, bo. pha rol tu phyin pa ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པ་) là cách phiên âm thuật ngữ tiếng Phạn pāramitā, cũng được viết tắt là Ba-la-mật. Ba-la-mật-đa được dịch nghĩa là Đáo bỉ ngạn (zh. 到彼岸), Độ vô cực (度無極), Độ (度), Sự cứu cánh (zh. 事究竟).

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Bộ hành, vào rừng mà không tu tập Chánh pháp cũng không giác ngộ

Phật giáo thường thức 10:49 27/03/2025

Phật tánh có sẵn, chân lý có sẵn ở mỗi người? Phật tại tâm, đừng cố gắng tu hành đủ nắng hoa sẽ nở, chỉ cần buông tham sân si, đừng tu luyện thêm nhọc, trở lại ngay đây, trở về trạng thái tâm trong sáng thanh tịnh rỗng lặng?

Cỡi trên những đợt sóng sinh tử

Phật giáo thường thức 10:03 27/03/2025

Vạn vật vô thường, bệnh tật và tai nạn có thể xảy ra cho bạn và cho những người thân của bạn bất cứ lúc nào. Sống trên đời, bạn phải chấp nhận sự thật ấy.

Lúc lâm chung ai sẽ đến đón mình?

Phật giáo thường thức 09:30 27/03/2025

Quý vị có biết lúc lâm chung ai sẽ đến đón mình không?

Hòa thượng Thích Trí Tịnh: 'Cố gắng hết sức mình, cầu đài sen thượng phẩm'

Phật giáo thường thức 08:31 27/03/2025

Sống trong cuộc đời, muốn được thong thả rảnh rang thì đừng dính đến quyền lợi. Làm việc hễ thuận duyên thì làm, không thuận thì phải khéo léo nhẫn chịu để vượt qua.

Xem thêm

Phật Giáo
Phật Giáo

Từ điển Phật giáo

Phật Giáo
Phật Giáo
Phật Giáo