Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 02/08/2022, 08:33 AM

Bố thí nhưng còn tâm sân hận - Quả báo ra sao?

"Tôi phải qua Quảng Châu để đền trả món nợ trong đời tiền kiếp. Thầy hiểu thâm sâu về kinh luận, lại tinh cần dụng tâm. Tuy nhiên, vì tánh tình của thầy nhiều sân hận, nên sau khi xả báo thân, sẽ bị thọ hình tướng ác quỷ. Nếu tôi chứng quả thánh thì nhất định sẽ cứu độ Thầy thoát tai ương."

Ngài An Thế Cao thường kể về nghiệp duyên tiền kiếp thần dị của mình mà người khác không thể hiểu nổi. Ngài kể rằng:

Tiền kiếp của Ngài cũng là người xuất gia. Đương thời, Ngài có một người bạn đồng tu, tánh tình rất nóng nảy. Lúc gặp thí chủ nào làm không vừa ý thì bèn nổi tâm sân hận. Đã bao lần Ngài thường khuyên nhủ, nhưng tánh tình của vị tăng đó vẫn y nguyên.

Hơn hai mươi năm sau, ngài An Thế Cao (thứ 1) từ biệt vị tăng đó rồi nói:

- Tôi phải qua Quảng Châu để đền trả món nợ trong đời tiền kiếp. Thầy hiểu thâm sâu về kinh luận, lại tinh cần dụng tâm. Tuy nhiên, vì tánh tình của thầy nhiều sân hận, nên sau khi xả báo thân, sẽ bị thọ hình tướng ác quỷ. Nếu tôi chứng quả thánh thì nhất định sẽ cứu độ Thầy thoát tai ương.

Nói xong, ngài An Thế Cao bèn đi qua Quảng Châu. Đương thời, vùng đó bị nạn loạn lạc, giặc cướp nổi lên như ong. Giữa đường, Ngài gặp một thiếu niên từ xa đi tới. Gã thiếu niên đó bèn tuốt đao ra bảo:

- A! Thầy tới đây để nạp mạng cho Ta!

Ngài bảo:

- Đời trước tôi thiếu ông một mạng, nên mới lặn lội bao dặm đường xa đến đây để đền trả. Vừa thấy tôi là ông liền khởi tâm sân hận. Đây chính là vì mối oán cừu chưa hóa giải xong!

Quả báo của việc chỉ trích, nói xấu người khác

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nói xong, Ngài an nhiên đưa đầu để bị chém, mà thần sắc chẳng chút kinh sợ. Không chút chậm trễ, gã thiếu niên bèn vung đao chém Ngài. Đương thời thần thức bay qua nước An Tức, cũng đầu thai làm thái tử, tức là An Thế Cao (thứ 2).

Trong đời Hán, hoạn quan tranh quyền. Giặc giã nổi lên không ngừng. Vì vậy, ngài An Thế Cao (thứ 2) phải rời thành Lạc Dương, đến vùng Giang Nam để tiếp tục hoằng pháp. Ngài tự bảo: "Trước tiên, Ta phải qua Lô Sơn, để hóa độ pháp lữ đồng học đời tiền kiếp".

Lúc đến Lô Sơn, Ngài cư trú tại am Đình Hồ. Theo ngài Huệ Viễn (334-417), trong quyển "Lô Sơn Lược Ký" có ghi như sau:

“Nơi đỉnh núi phía nam, dưới hồ Lâm Cung Đình, có một miếu thần. Dân chúng y theo danh tự của hồ mà đặt tên cho miếu thần là Cung Đình Hồ. Thần tại miếu Cung Đình Hồ, được ngài An Thế Cao cảm hóa. Sự tích vẫn còn ghi trong Tự Sơn Bắc Thiên”.

Tương truyền, miếu Cung Đình Hồ rất linh dị. Các thương nhân qua lại vùng đó, trước tiên phải cầu khẩn cúng bái, thì mới được bình an vô sự. Một gã nọ, lén lên núi để chặt tre, mà không chịu qua miếu lễ bái. Thuyền chở tre của gã đó vừa ra khỏi bến sông thì bị sóng đánh lật chìm. Các thương nhân thấy vậy, nên lại càng kính thờ thần miếu.

Hôm nọ, ngài An Thế Cao theo hơn ba mươi thương nhân lên thuyền để đến miếu thần đó. Đến nơi, các thương nhân đi vào thần miếu lễ bái, còn Ngài thì ở trên thuyền. Sau khi họ dâng cúng các phẩm vật để cầu được bình an xong, thần trong miếu bèn bảo họ:

- Trên thuyền có một vị hòa thượng, vậy hãy mời vị đó đến đây.

Quả báo của nghiệp giết hại chúng sanh

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thương nhân nghe thế kinh hoàng, bèn vội chạy ra thỉnh Ngài vào miếu. Vừa bước vào, Ngài nghe thần nói:

- Tiền kiếp tôi đã từng cùng với Thầy xuất gia tu đạo tại Tây Vực. Tuy thường hành bố thí, nhưng tánh khí nhiều sân hận, nên mới làm thần tại miếu Cung Đình Hồ này.

Chu vi miếu một ngàn dặm, đều do tôi cai quản. Vì nhờ đời trước thường tu hành hạnh bố thí, nên nay mới được thọ vô số tài vật trân bảo vô giá. Tuy nhiên, do tâm sân hận, nên thọ quả báo làm ác quỷ, có thân hình to lớn xấu xa. Mạng tôi sắp dứt. Lúc chết, thân thể sẽ tiết ra mùi hôi thúi khắp sông hồ. Vì vậy, tôi phải lên nơi khe suối ở vùng núi phía tây mà chết. Sau khi chết, sẽ bị đọa vào địa ngục thọ khổ. Xin Thầy từ bi, mang tất cả đồ vật trân bảo mà thay tôi cúng dường Tam Bảo, cùng xây cất chùa chiền, khiến đời sau của tôi được sanh lên cõi lành.

Nghe qua lời này, ngài An Thế Cao (thứ 2) bảo:

- Ta vốn đến đây để hóa độ ngươi. Sao không hóa hiện nguyên hình?

Thần đáp:

- Tôi vốn có hình dạng ác quỷ xấu xa. Nếu hiện hình thì dân chúng chắc sẽ kinh sợ!

- Chỉ việc hiện hình ra là đủ. Dân chúng không sợ hãi đâu!

Từ trong đền thờ, xuất hiện ra một con thuồng luồng (mãng xà) to lớn, bò đến kế bên ngài An Thế Cao (thứ 2).

Ngài bèn thuyết pháp, và tụng thần chú bằng tiếng Phạn. Một lát sau, con thuồng luồng cảm động tuôn trào rơi lệ như mưa, rồi từ từ biến mất.

Ngài bèn nhặt lấy các trân bảo, rồi cùng các thương nhân trở lên thuyền. Bấy giờ, mọi người đều thấy con thuồng luồng hiện nguyên hình trên đỉnh núi phía tây, thân dài cả mấy dặm. Vào lúc hoàng hôn, thuyền đang lướt trên sông, chợt có một thiếu niên xuất hiện, tiến đến cúi đầu đảnh lễ Ngài. Được Ngài chú nguyện ban phước lành xong, thiếu niên đó chợt biến mất. Ngài bảo các thương nhân:

- Thiếu niên kia vốn là thần miếu Cung Đình Hồ. Nay đã thoát thân ác quỷ và thăng lên cung trời.

Miếu Cung Đình Hồ từ đó không còn linh hiển nữa. Sau này, dân chúng địa phương phát hiện một xác con thuồng luồng to lớn, dài cả mấy dặm, nằm tại một khe suối về phía tây của ngọn núi Lô Sơn. Hiện nay, vùng núi đó có tên là Xà Thôn, quận Tầm Dương, ở Giang Tây.

Tháp Tự Ký ghi:

“Chùa Ngõa Quan ở Đơn Dương, do sa môn Huệ Lập kiến lập vào thời Tấn Ai Đế. Sau này, sa môn An Thế Cao đem dư vật từ Cung Đình Hồ đến sửa chữa”.

Đền trả một phần nghiệp báo xong, Ngài cũng đến vùng Quảng Châu, tìm đến người thiếu niên giết mình đời trước, rồi kể lại nhân duyên tiền kiếp, để xả bỏ mối oan khiên xưa, hầu mong cùng nhau kết tình thân hữu. Gặp mặt nhau, Ngài lại nói với người đó:

- Tôi cũng còn một món nợ, chưa trả xong. Hiện tại phải đến nơi đó mà đền trả.

Người đó biết Ngài chẳng phải là phàm phu, nên cung kính cúng dường. Hôm sau, Ngài và người đó ra phố, gặp lúc hai gã nọ đang cầm cây đánh nhau. Một gã nọ chợt đánh nhầm vào đầu của Ngài, khiến Ngài phải vong mạng. Mục kích hai lần Nhân Quả báo ứng, người đó bèn phát tâm tinh cần tu tập Phật pháp, và cũng thường kể lại câu chuyện thật này cho người khác nghe. Bất luận người nào, hễ nghe qua câu chuyện này cũng đều tin sâu lý nhân quả báo ứng trong ba đời.

 Trích "Thần Tăng Thiên Trúc"

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Chuyện kể về thần chú

Tư liệu 07:04 26/04/2024

Chuyện kể răng thuở xưa có một bà lão nghèo sống đơn độc trên một đỉnh núi ở Tây Tạng suốt ngày, ngồi dùng cơm ra, bà lão luôn lẩm nhẩm câu thần chú Lục tự đại minh của Bồ Tát Quán Thế Âm.

Quỷ thần cây tì bà cũng vãng sanh

Tư liệu 16:00 25/04/2024

Muốn xây nhà mới thì cần phải đốn bỏ cây tì bà cổ thụ, nếu không xe không vào được, có bốn cây cổ thụ cần phải đốn bỏ. Chúng tôi y theo qui luật, trước đó ba ngày thì đọc Kinh, niệm Chú, cúng dường, đề nghị họ dọn đi.

Thiện thần bảo vệ người giữ giới

Tư liệu 14:30 24/04/2024

Ngày xửa ngày xưa, ở một nước kia, nhà vua bắt buộc nhân dân phải giữ năm giới. Một người bạn ở nước khác về chơi, vô tình đem một chai rượu biểu Lam Xoa. Lam Xoa nể bạn, cùng nhau ăn uống. Tại vách mạch rừng đem chuyện đến vua. Lam Xoa bị trục xuất ra khỏi nước.

Câu chuyện có thật về sự chủ động tái sinh

Tư liệu 14:16 19/04/2024

Khoảng một ngàn năm sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, giáo pháp ngày càng phát triển trong giới trí thức Ấn Độ. Một trong những luận sư xuất sắc thời đó là Chandra, người vừa có cái thư thả của bậc giác ngộ, lại có cái tài hùng biện và lý luận sắc sảo của một người trí thức.

Xem thêm