Bổn phận của người Phật tử đối với bổn sư
Sau khi phát nguyện tham dự lễ quy y Tam bảo và thọ trì năm giới thì bạn chính thức trở thành Phật tử. Vị Tăng (Ni) làm lễ quy y Tam bảo cho bạn và ấn ký phái quy y chính là bổn sư của bạn.
Hỏi: Xin hỏi, bổn phận của người Phật tử đối với vị bổn sư của mình là những gì? Phật tử quy y chùa này rồi tu học chùa khác với thầy khác được không?
Đáp:
Sau khi phát nguyện tham dự lễ quy y Tam bảo và thọ trì năm giới thì bạn chính thức trở thành Phật tử. Vị Tăng (Ni) làm lễ quy y Tam bảo cho bạn và ấn ký phái quy y chính là bổn sư của bạn. Trong trường hợp vị Tăng (Ni) làm lễ quy y khác với vị Hòa thượng (Ni trưởng) ấn ký trong phái quy y thì chính chư vị Hòa thượng (Ni trưởng) ấy mới là bổn sư. Sở dĩ có trường hợp này là do chư tôn đức Hòa thượng (Ni trưởng) tuổi cao sức yếu hoặc bộn bề Phật sự nên đã ủy nhiệm cho vị Tăng (Ni) trong tự viện trực tiếp làm lễ, các ngài chỉ mật niệm chú nguyện gia trì và ban pháp danh cho bạn mà thôi.
Bổn sư là vị thầy đầu tiên, trợ duyên đưa mình chính thức vào đạo. Có thể trước đó bạn đã tìm hiểu Phật pháp với nhiều vị thầy nhưng chưa phải là bổn sư. Khi hội đủ duyên lành, vị Tăng (Ni) đã như pháp tác thành nên tư cách Phật tử, là người đặt nền móng căn bản về đạo đức và tâm linh cho bạn nên xem là thầy gốc, bổn sư. Về sau, trong tiến trình tu học dài xa bạn sẽ có thêm nhiều các vị thầy khác nữa nhưng gốc rễ đậm dấu ấn sơ nguyên vẫn là vị thầy đưa mình vào đạo.
Điều rất quan trọng là ngay trong lễ quy y Tam bảo, vị bổn sư đã như pháp giáo huấn tân Phật tử rằng: Sau khi đã quy y Tam bảo, người Phật tử phải xem bất cứ vị Tăng (Ni) nào trên thế gian này cũng đều là thầy của mình, bất cứ tự viện nào cũng là chùa của mình, tùy duyên mà nương tựa Tam bảo để tu học.
Ngay đây, Đức Phật đã thiết định: Vị bổn sư chính là thầy của Phật tử, chư Tăng (Ni) trong mười phương cũng đồng là thầy. Người Phật tử luôn tùy duyên và tùy thuận quy hướng Tăng-già trong mười phương để tu học. Kết duyên mà không bị ràng buộc, cũng không có trách nhiệm cụ thể nào với bổn sư của mình. Có chăng là dấu ấn sâu đậm của niềm tôn kính, lòng biết ơn vô hạn đối với vị thầy đầu tiên đã trợ duyên cho mình nhập đạo.
Đức Phật có quy định khái quát về bổn phận của người đệ tử đối với bậc thầy (không riêng bổn sư) trong kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt (Trường bộ): “Này Gia chủ tử, có năm cách vị thiện nam tử đối xử với các vị Sa-môn, Bà-la-môn như phương Trên: Có lòng từ trong hành động về thân; có lòng từ trong hành động về khẩu; có lòng từ trong hành động về ý; mở rộng cửa để đón các vị ấy; cúng dường các vị ấy các vật dụng cần thiết. Này Gia chủ tử, các vị Bà-la-môn, Sa-môn được vị thiện nam tử đối xử như phương Trên theo năm cách như vậy, có lòng thương vị thiện nam tử ấy theo năm cách sau đây: Ngăn họ không làm điều ác; khuyến khích họ làm điều thiện; thương xót họ với tâm từ bi, dạy họ những điều chưa nghe; làm cho thanh tịnh điều đã được nghe; chỉ bày con đường đưa đến cõi Trời”.
Nói dễ hiểu, vị xuất gia ngoài bổn phận tu học là hoằng pháp, vị Phật tử tại gia ngoài bổn phận tu học là hộ pháp. Xuất gia có pháp tu và giới luật của xuất gia. Phật tử tại gia cũng có pháp tu và giới luật của tại gia. Mối quan hệ giữa thầy và trò, giữa Tăng Ni và Phật tử luôn gắn bó khắng khít trong tôn ti trật tự, ấm áp đạo tình nhưng bên trong hoàn toàn tùy duyên, tự do tự tại. Ai có duyên với vị nào, ở đâu thì kết duyên Bồ-đề mà tu học, niềm thương kính bổn sư vẫn giữ trong lòng.
Sở dĩ phải dông dài vì hiện nay một số người không tùy thuận tùy duyên mà có khuynh hướng trói buộc trong mối quan hệ thầy trò. Có vị bổn sư đã cảm thấy khó chịu, không vui khi đệ tử tu học với các vị Tăng (Ni) khác. Có vị đã quy kết nặng nề đệ tử phạm tội phản sư, thậm chí là khinh sư diệt tổ. Thật ra mọi sự trong Phật pháp đều tùy duyên. Ai không biết tùy duyên thì tự chuốc khổ đau, phiền muộn. Đã tùy duyên thì hãy thong dong trong mọi việc, nên hoan hỷ và khích lệ Phật tử cầu pháp các nơi, nhất là những bậc minh sư khả kính.
Cuối cùng, người Phật tử có bổn phận tôn kính, hộ trì vị bổn sư của mình như các vị Tăng (Ni) khác. Vạn pháp do duyên nên tất cả bốn chúng đều tùy duyên, hoan hỷ mà tu học, phụng sự và hộ trì Phật pháp.
Chúc bạn tinh tấn!
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Vì sao trong các pháp Ba la mật thì “Bố thí Ba la mật” được nói đến đầu tiên?
Hỏi - Đáp 18:40 02/12/2024Lợi ích của sự thực hành các pháp Ba la mật là gì? Vì sao trong các pháp Ba la mật thì “Bố thí Ba la mật” được nói đến đầu tiên?
Quy y Tam bảo có lợi ích gì?
Hỏi - Đáp 18:15 30/11/2024Hỏi: Thưa Thầy, quy y Tam bảo có lợi ích gì?
Là Phật tử nhưng tôi có thù với muỗi, như vậy phạm tội gì không?
Hỏi - Đáp 10:55 29/11/2024Hỏi: Chuyện là năm ngoái tôi bị sốt xuất huyết, nên giờ nhìn con muỗi tôi thù nó lắm. Đợt này khu nhà tôi lại nhiều muỗi, mỗi ngày tôi vợt điện bọn nó phải chục con. Nghĩ cứ thấy thương, nhưng tôi sợ nó đốt, nó lại gây bệnh. Như thế có tội nhiều không ạ?
Chưa quy y có thể tu tập được không?
Hỏi - Đáp 09:30 29/11/2024Hiện tại tôi ở quê, mỗi tối các già vào chùa tụng kinh, còn tôi thì do bận việc gia đình nên chưa thể đi tụng kinh được. Tôi xin hỏi là người chưa quy y có thể ở nhà tu tập, tụng kinh được không? Và nếu được thì nên tụng kinh gì, tu niệm như thế nào?
Xem thêm