Cảm niệm ngày Phật thành đạo
Ngày Phật Thành Đạo là dấu ấn quan trọng trong lịch sử nhân loại, là sự ra đời của đạo Phật, sự ra đời của những con người mang theo thông điệp hòa bình, góp phần xây dựng nền tảng đạo đức xã hội với chất liệu từ bi hỷ xả, nhằm giúp cho con người sống yêu thương nhau bằng trái tim hiểu biết.
Nhờ có ngày Phật thành đạo mà chúng ta ngày hôm nay mới biết được cách thức làm chủ bản thân, để sống đời vô ngã vị tha mà vẫn làm tròn trách nhiệm đối với gia đình người thân và đóng góp lợi ích cho xã hội.
Trong mười đức hiệu của Phật có một danh hiệu là Thiên Nhân Sư, tức Thầy của trời người. vì sao đức Phật lại được tôn xưng như thế?
Kinh nói “Như Lai ra đời vì hạnh phúc của số đông, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, an lạc, hạnh phúc cho chư thiên và loài người”.
Sau khi chứng Đạo, đức Phật thấy rõ chúng sinh lăn lên lộn xuống trong 3 cõi 6 đường, mãi chịu khổ đau trong sinh tử luân hồi không có ngày thôi dứt.
Sau khi chứng được Thiên nhãn minh Ngài thấy chúng sinh trôi lăn trong sinh tử từ đời này sang kiếp nọ do thói quen chi phối. Trong kinh A-hàm Phật kể, Ngài thấy chúng sinh tái sinh 3 cõi 6 đường giống như người đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã tư đường thấy người qua kẻ lại một cách rõ ràng, không nghi ngờ.
Kế đến Ngài chứng Túc mạng minh, tức là nhớ vô số kiếp về trước, từng sinh ra ở đâu, làm nghề gì, cha mẹ tên gì… nhớ rõ ràng như nhớ việc ngày hôm qua.
Cuối cùng đức Phật chứng được Lậu tận minh. Chữ lậu là rơi rớt, tận là hết, lậu tận là hết sạch những mầm rơi rớt trong 3 cõi 6 đường, Ngài an nhiên tự tại không còn bị sống chết luân hồi chi phối nữa.
Khi chứng Tam minh rồi Ngài tuyên bố thành Phật, tức là giác ngộ hoàn toàn, không còn kẹt trong sinh tử khổ đau. Sự giác ngộ này không do ai dạy cả mà nhờ Ngài giữ giới trong sạch, thiền định, tâm yên tịnh sáng suốt mà biết cách làm chủ bản thân.
Từ đó Phật dạy, khổ đau chính là do con người tự tạo ra thì cũng chính con người phải tự mình diệt khổ, tự mình triệt phá vô minh, tự mình dập tắt tham giận si mê để đi tới sự giải thoát hoàn toàn. Ngài xác định không có đấng thần linh thượng đế nào ban phước giáng họa cho ta cả. “Chỉ có ta làm điều tội lỗi, chỉ có ta làm ta ô nhiễm; chỉ có ta tránh điều tội lỗi, chỉ có ta gột rửa cho ta. Trong sạch hay ô nhiễm là tự nơi ta, không ai có thể làm cho người khác trở nên trong sạch”.
Không giống các bậc thầy đương thời luôn dạy con người phải tin nhận tuyệt đối và trung thành với các đấng bề trên. Ở cương vị là một người thầy dẫn đường, đức Phật chỉ dạy cho con người trước tiên sống, làm tròn trách nhiệm đối với gia đình người thân và dấn thân đóng góp lời ích cho xã hội.
Khi Ngài giác ngộ biết rõ con người từ đâu đến, chết rồi đi đâu và muốn hết sinh tử luân hồi phải tu như thế nào, nên bài thuyết pháp đầu tiên của Phật ở vườn Lộc Uyển với năm anh em Kiều-trần-như là bài pháp Tứ diệu đế.
Chữ đế là sự thật. Trong Tứ đế, hai đế đầu là Khổ đế là quả và Tập đế là nhân. Chữ khổ này không phải khổ theo nghĩa thông thường, mà là khổ luân hồi sanh tử. Sở dĩ chúng sanh bị quả luân hồi sanh tử không phải ngẫu nhiên, mà có nguyên nhân. Nguyên nhân là Tập đế; tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến v.v... là tập nhân để đưa tới quả khổ trong luân hồi sanh tử.
Đức Phật biết rõ nhân và quả của sinh tử rồi, Ngài tiến lên một bước nữa là nói nhân và quả thoát ly sanh tử, tức Đạo đế và Diệt đế. Diệt đế là quả, Đạo đế là nhân. Không ai bắt chúng ta sanh tử mà chính tham, sân, si, mạn, nghi… lôi mình tạo nghiệp đi trong sanh tử. Vì vậy muốn hết sanh tử phải tiêu diệt nguyên nhân Tập đế.
Muốn tiêu diệt nó phải có phương pháp, có cách thức nên Đạo đế là phương pháp đối trị các nguyên nhân sanh tử. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo là ba mươi bảy phương pháp dứt trừ nhân sanh tử. Một khi dứt sạch nhân sanh tử gọi là quả Diệt đế. Diệt đế tức tên khác của Niết-bàn an lạc.Từ đêm thành đạo thiêng liêng ấy, Phật mở ra cánh cửa giải thoát để giúp cho mọi người biết cách làm chủ bản thân mà sống đời an vui, hạnh phúc. Nhờ có ngày mùng 8 tháng 12 mà hôm nay thế giới loài người đã tôn vinh và công nhận đạo Phật là đạo của con người, vì con người mà sống thương yêu đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau bằng trái tim có hiểu biết.
Nhờ vậy, chúng con bớt si mê cuồng dại trong tối tăm mờ mịt mà gây ra biết bao điều tội lỗi, làm khổ đau cho mình và người khác. Nếu không có đạo Phật ra đời, chúng con sẽ quay cuồng theo vòng xoáy thế thế gian mà đắm chìm trong đau khổ lầm mê.
Kể từ khi hiểu được đạo Phật, chúng con biết dừng lại dù cuộc đời có đẩy xô lôi kéo với những danh vọng quyền lực, phù phiếm xa hoa, chúng con từng bước đi vào cánh cửa giải thoát thiêng liêng kia. Cánh cửa giải thoát này là ánh sáng từ bi vô ngã, để chuyển hóa bóng tối vô minh điên đảo làm cho mình và người khác khổ đau vô cùng tận. Cánh cửa giải thoát không phải ở đâu xa xôi huyền bí, mà cánh cửa này có sẵn ngay nơi thân của mỗi người. Nếu ta biết tiếp nhận thì mình sẽ bình yên hạnh phúc, ngay tại đây và bây giờ.
Không có đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời, mỗi ngày chúng con sẽ sống trong tham lam ích kỷ, oán hận thù hằn, si mê điên đảo mà gây ra biết bao điều tội lỗi. Khi theo Phật rồi, mỗi ngày chúng con từng bước chân đi trên con đường thương yêu bằng trái tim có hiểu biết, biết bao dung và tha thứ nhờ sống trong chánh niệm tỉnh giác. Chính vì vậy, cuộc đời có nhiều tiếng cười hơn, con người có nhiều niềm vui hơn, mà làm tròn trách nhiệm đối với gia đình người thân và đóng góp lợi ích cho xã hội. Thật diễm phúc thay khi theo Phật rồi, mỗi sớm mai thức dậy chúng con lòng tràn ngập niềm vui mà cố gắng gột rửa thân tâm ngày càng trong sạch, để tiến lên bờ giác ngộ bỏ lại sau lưng những ganh ghét hận thù do si mê chấp ngã mà ra.
Ánh sáng trí tuệ được xuất hiện nơi cội Bồ-đề năm xưa với chất liệu từ bi hỷ xả, đã giúp cho nhân loại ngày hôm nay thoát ra mê lầm từ muôn kiếp. Điểm đặc biệt đáng để cho chúng con ghi nhớ mãi, ánh sáng trí tuệ này ai cũng có nhờ biết cách buông xả những điên đảo vọng tưởng sai lầm.
Nhờ sự ra đời của đạo Phật với những lời dạy cao quý và thiết thực, đã giúp cho chúng con biết cách sống tốt đẹp đẹp đời với tinh thần đạo pháp và dân tộc đất nước Việt Nam. Dù chúng con chưa thật sự giải thoát hoàn toàn như vị cha già kính yêu, nhưng lý tưởng và niềm tin vào tuệ giác của Phật đã dìu dắt chúng con đang dần tiến bước đến đích điểm của an lạc hạnh phúc.
Nhân ngày kỷ niệm đức Phật thành đạo, một lần nữa tất cả chúng con lại được đảnh lễ năm vóc sát đất dưới chân Phật bằng hết lòng thành quy ngưỡng kính tin trước một bậc Thầy vĩ đại của chư Thiên và loài người.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Đức Phật đến với chúng ta
Đức Phật 09:12 05/11/2024Chúng sinh hay hữu tình là những loài bị trói, không phải bởi một giây phiền não, mà cả trăm giây phiền não, cả ngàn giây phiền não, cả vô số vô biên giây phiền não.
Đức Phật: Nơi quy ngưỡng của tâm thức nhân loại
Đức Phật 11:05 28/10/2024Trong muôn vàn những phát biểu trang trọng mà nhân loại trên hành tinh đã dành để bày tỏ lòng kính ngưỡng đối với Đức Phật, có hai nhận định quan trọng nói về cuộc đời giác ngộ của Ngài, có thể giúp chúng ta hiểu lý do vì sao Liên Hiệp Quốc quyết định chọn Vesak làm ngày kỷ niệm và tôn vinh Ngài.
Cuộc đời Tôn giả Mahã Kassapa qua kinh tạng Nikãya
Đức Phật 09:00 11/10/2024Từ khi chào đời cho đến lúc nhập diệt, Ngài luôn sống trong thanh tịnh, hoàn thành chí nguyện xuất gia cũng như lối sống phạm hạnh đầu đà của mình.
Những đức tánh của Phật
Đức Phật 17:40 02/10/2024Luận Nhiếp đại thừa viết: Đức tánh của Phật đà có 7 thứ mà ai niệm Phật cũng phải tưởng niệm những đức tánh ấy.
Xem thêm