Chân Không Diệu Hữu trong kinh Hoa Nghiêm
Bước vào pháp giới Hoa Nghiêm là nhờ sự chuyên cần tu hành, một ngày nào chúng ta thấy ra hạt cát của mình vẫn luôn luôn nằm trong vô số cát rực rỡ của sông Hằng, thấy ra giọt nước đơn độc là cuộc đời mình luôn luôn và tự bao giờ vẫn nằm trong đại dương toàn khắp của chư Phật.
Chân không diệu hữu có thể hiểu là bất cứ cái gì cũng đều là chân không và diệu hữu cả. Có câu: "Có thì tự mảy may, không thì cả thế gian này cũng không"
Sống trong pháp giới Hoa Nghiêm là sống trong “tánh khởi” hay trong Nhất Tâm của tất cả chúng sanh và thế giới. Tâm bất tịnh thì biến pháp giới trở thành thế giới bất tịnh, do đó sống trong chia cắt, chướng ngại, xung đột, khổ đau. Tâm thanh tịnh thì thấy và sống trong pháp giới thanh tịnh của Phật. Tâm Phật thì tạo ra cảnh giới Phật. Tùy mức độ thanh tịnh của tâm đến đâu thì chứng nghiệm được sự thanh tịnh của pháp giới đến đó.
Thế giới Hoa Nghiêm là thế giới làm bằng hoa, được trang nghiêm bằng hoa. Thế giới chúng ta đang sống ở trong biển thế giới Hoa Nghiêm, hay biển thế giới Hoa Tạng, và biển thế giới Hoa Tạng thì đồng nhất với vũ trụ, pháp giới.
Biển Hoa Tạng thế giới
Đồng pháp giới không khác
Trang nghiêm rất thanh tịnh
An trụ nơi hư không.
(Phẩm Hoa Tạng thế giới, thứ 5)
Thế giới Hoa Tạng là y báo, tức là cảnh vật, môi trường, cõi nước của Phật bổn nguyên Tỳ-lô-giá-na (phẩm Thế giới thành tựu, thứ 4; và phẩm Hoa Tạng thế giới, thứ 5). Còn chánh báo chính là Phật Tỳ-lô-giá- na (phẩm Tỳ-lô-giá-na, thứ 6).Thế giới Hoa Tạng là sự viên dung vô ngại của chánh báo và y báo của Phật Tỳ-lô-giá-na.
Thân Phật khắp pháp giới
Khắp rưới những mưa pháp
Vô sanh, vô sai biệt
Thế gian hiện tất cả.
Mười phương vi trần cõi
Lưới sáng trùm khắp nơi
Ánh sáng đều có Phật
Khắp hóa độ quần sanh.
Thân Phật vô sai biệt
Đầy khắp nơi pháp giới
Đều khiến thấy sắc thân
Tùy cơ khéo điều phục.
(Phẩm Như Lai hiện tướng, thứ 2)
Chánh báo viên dung vô ngại với y báo. Nói cách khác, Pháp thân là tánh. Không vô ngại, được trang nghiêm bằng. Sắc thân là Báo thân và Hóa thân. Cả ba thân ấy viên dung vô ngại với nhau, đến độ cả ba thân là một.
Người đã đi sâu vào “pháp giới thể tánh trí” (phẩm Thế giới thành tựu, thứ 4) như Bồ-tát Phổ Hiền thì thấy tất cả cõi là pháp giới Hoa Tạng:
Trí huệ, công đức, biển rất sâu
Hiện khắp mười phương vô lượng cõi
Được thấy tùy theo các chúng sanh
Quang minh soi khắp chuyển pháp luân
Phật vô lượng kiếp đều nghiêm tịnh
Vì độ chúng sanh khiến thành thục
Xuất hiện tất cả các cõi nước
Phật cảnh rất sâu khó nghĩ bàn
Khắp dạy chúng sanh khiến được vào
Tâm họ nhỏ hẹp chấp hữu lậu
Chẳng thông đạt được cảnh giới Phật.
Nếu có lòng tin chắc, trong sạch
Thường được gần gũi thiện tri thức
Tất cả chư Phật hộ niệm cho.
Thế mới được vào Như Lai trí.
Và pháp giới Hoa Tạng ấy ở trong thân của Bồ-tát Phổ Hiền:
Tất cả cõi nước trong thân ta
Chư Phật cũng an trụ ở đó
Chúng nên xem các chân lông tôi
Nay tôi hiện bày cảnh giới Phật
Hạnh nguyện Phổ Hiền không bờ mé
Tôi đã tu hành được đầy đủ
Cảnh giới Phổ Nhãn thân rộng lớn
Là cõi giới Phật, hãy nghe kỹ.
(Thế giới thành tựu, thứ 4)
Thế giới Hoa Tạng gồm mười biển thế giới, trong đó, ngoài những “biển tất cả thế giới, biển tất cả pháp giới, biển tất cả chư Phật, biển tất cả pháp luân chư Phật, biển tất cả tam muội, biển tất cả nguyện lực của tất cả Như Lai, và biển thần biến của tất cả Như Lai”, còn có “biển tất cả chúng sanh, biển tất cả nghiệp chúng sanh, biển căn dục của tất cả chúng sanh”.
Trong thế giới Hoa Tạng và thế giới chư Phật hoàn toàn thanh tịnh, còn có biển chúng sanh với nghiệp và căn dục, mà thế giới Hoa Tạng ấy vẫn không nhiễm ô. Sự phân biệt giữa chúng sanh và Bồ-tát, giữa sanh tử nghiệp báo và Niết-bàn thanh tịnh là sự phân biệt giữa tâm bất tịnh và tâm thanh tịnh. Nghĩa là cùng một pháp giới mà người thanh tịnh thì thấy thanh tịnh và người bất tịnh thì thấy ra bất tịnh và tạo nghiệp bất tịnh.
Chúng sanh loạn đục bởi phiền não
Phân biệt, ưa thích chẳng phải đồng
Tùy tâm tạo nghiệp vô số kể
Tất cả biển cõi từ đây lập.
Bồ-tát thường tu hạnh Phổ Hiền
Du hành pháp giới vi trần đạo
Trong mỗi trần hiện vô lượng cõi
Rộng lớn thanh tịnh như hư không.
(Thế giới thành tựu, thứ 4)
Thế nên, tất cả các pháp tu tâm trong kinh: định, quán, định-quán đồng thời, các ba-la-mật… là để đưa tâm bất tịnh trở về cội nguồn vốn thanh tịnh của nó, đó là tích tập trí huệ. Còn tích tập công đức liên hệ nhiều hơn đến người khác và thế giới bên ngoài:
Bồ-tát tu hành những biển nguyện
Khắp tùy chỗ chúng sanh mong muốn
Chúng sanh tâm tưởng rộng vô biên
Cõi nước Bồ-tát khắp mười phương
Bồ-tát thẳng đến Nhất thiết trí
Siêng tu các môn tự tại lực
Xuất sanh khắp vô lượng biển nguyện
Cõi nước rộng lớn đều thành tựu
Tu những biển hạnh rộng vô biên
Vào cảnh giới Phật cũng vô lượng
Thanh tịnh mười phương các cõi nước
Mỗi mỗi cõi trải vô lượng kiếp.
(Thế giới thành tựu, thứ 4)
Tu hành Hoa Nghiêm là tu hành các định và quán để đi vào tánh Không và như huyễn (như phẩm Thập Định, thứ 27), các trí thông (Thập Thông, thứ 28), các nhẫn (Thập Nhẫn, thứ 29)… đó là sự tích tập trí huệ, và tu hành hạnh Bồ-tát theo Bồ-tát Phổ Hiền, đó là sự tích tập công đức. Càng lên cao, hai sự tích tập trí huệ và công đức càng hợp nhất.
Hai sự tích tập trí huệ và công đức đưa người tu đạo Bồ-tát vào thế giới Hoa Tạng Chân Không Diệu Hữu của Phật. Thế giới Hoa Tạng ấy thành tựu bằng trí huệ Chân Không và công đức Diệu Hữu của Phật.
Chư Phật cảnh giới vô lượng môn
Tất cả chúng sanh chẳng vào được
Phật tánh thanh tịnh như hư không
Vì khắp thế gian khai chánh đạo.
Mỗi mỗi chân lông của Như Lai
Đầy đủ công đức như biển cả
Tất cả thế gian đều an vui
Thọ Quang vương đây đã thấy được.
(Thế chủ Diệu Nghiêm, thứ 1)
Chân Không Diệu Hữu của thế giới Hoa Tạng sâu rộng và vi tế cho đến mức độ vi trần và khoảnh khắc (niệm).
Những sự trang nghiêm trong ba thời
Trong trái ngọc sáng đều hiển hiện
Thể tánh vô sanh, không thể nắm
Đây là Như Lai tự tại lực.
Tất cả trang nghiêm mặt đất này
Đều hiện thân Như Lai rộng lớn
Đấy cũng chẳng đến cũng chẳng đi
Phật nguyện lực xưa đều khiến thấy.
Trong mỗi vi trần mặt đất này
Tất cả Phật tử đang hành đạo
Đều thấy rõ mình được thọ ký
Tùy theo ý nguyện đều thanh tịnh.
(Hoa Tạng thế giới, thứ 5)
Để có thể tương ưng, thấy và thâm nhập được thế giới Hoa Tạng, hay thế giới Chân Không Diệu Hữu, hay Trí huệ và Công đức Phật, tâm chúng ta phải tương ưng và thâm nhập tánh Không và được trang nghiêm bằng công đức tương tự như Bồ-tát Phổ Hiền.
Từ các Phật pháp mà sanh ra Cũng từ nguyện lực của Như Lai Chân Như bình đẳng tạng hư không. Pháp thân của ngài đã nghiêm tịnh. Trong chúng hội tất cả cõi Phật
Phổ Hiền ở khắp nơi trong đó
Quang minh biển trí huệ công đức
Chiếu khắp mười phương đều được thấy.
Vào trong tất cả trần pháp giới
Thân ấy vô tận không sai khác
Ví như hư không đều toàn khắp
Diễn nói pháp Như Lai rộng lớn.
Quang minh của tất cả công đức
Rộng lớn như mây lực vi diệu
Du hành trong tất cả biển chúng sanh
Nói công hạnh Phật pháp vô đẳng.
(Phổ Hiền tam muội, thứ 3)
Tâm sáng sạch của Bồ-tát được ví như vàng, càng lên những địa cao thì vàng càng được tinh lọc thành tinh khiết. Điều này được nói trong phẩm Thập Địa thứ. Tâm như vàng càng sáng sạch thì càng thấy thế giới nghiêm tịnh vốn là vàng ròng. Thế giới Hoa Tạng hay Chân Không Diệu Hữu của Phật được ví như vàng ròng, vàng tinh khiết nhất, thuần túy nhất, tinh ròng nhất. Do đó trong một hạt bụi vi trần đều đầy đặc vàng:
Mười phương cõi rộng lớn
Ức kiếp siêng tu hành
Đi trong Chánh biến tri
Biển tất cả các pháp.
Chỉ một thân bất hoại
Thấy trong mọi vi trần
Vô sanh cũng vô tướng
Hiện khắp trong các cõi.
Mười phương vô lượng Phật
Đều nhập một chân lông
Đều riêng hiện thần thông
Mắt trí xem thấy được.
(Như Lai hiện tướng, thứ 2)
Trong mỗi sát-na, mỗi khoảnh khắc, mỗi niệm đều đầy đặc vàng:
Mười phương những quốc độ
Vô lượng vô biên Phật
Đều ở trong mỗi niệm
Đều riêng hiện thần thông.
Các Bồ-tát đại trí
Thâm nhập vào biển pháp
Phật lực thường gia trì
Biết được phương tiện ấy.
Nếu người đã an trụ
Các hạnh nguyện Phổ Hiền
Thấy những cõi nước kia
Thần lực của chư Phật.
Nếu có người tin hiểu
Cho đến các đại nguyện
Đầy đủ trí huệ sâu
Thông đạt tất cả pháp.
Có thể nơi thân Phật
Mỗi mỗi quan sát được
Sắc thanh không chướng ngại
Rõ thấu các cảnh giới.
Có thể nơi thân Phật
An trụ cõi trí huệ
Mau vào Như Lai địa
Bao trùm khắp pháp giới.
(Như Lai hiện tướng, thứ 2)
Với sự tích tập trí huệ và công đức khá đủ, chúng ta bước vào thế giới Hoa Tạng vốn đã nghiêm tịnh như vậy từ xưa nay, cũng tức là bước vào thế giới Chân Không Diệu Hữu của chư Phật.
Sự tích tập trí huệ và công đức của chúng ta thì quá nhỏ, nhưng chúng ta cần luôn luôn nhớ rằng sự tích tập ấy không phải là của riêng chúng ta, không phải là công phu của chúng ta. Trí huệ và công đức Phật đã có sẵn, đầy dẫy, bằng sự thực hành của mình, đến lúc nào đó chúng ta chạm vào nó để thấy tất cả là mình, là của mình.
Bởi vì thế giới Chân Không Diệu Hữu đó đã có sẵn, đã là Quả vốn đã viên thành, cho nên sự tu hành dù đối với chúng ta là trên nhân, thì nhân đó luôn luôn ở trong Quả Phật.
Bước vào pháp giới Hoa Nghiêm là nhờ sự chuyên cần tu hành, một ngày nào chúng ta thấy ra hạt cát của mình vẫn luôn luôn nằm trong vô số cát rực rỡ của sông Hằng, thấy ra giọt nước đơn độc là cuộc đời mình luôn luôn và tự bao giờ vẫn nằm trong đại dương toàn khắp của chư Phật.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thế nào là viên tịch, tân viên tịch và thuận tịch?
Kiến thức 09:00 25/12/2024Nhân có học Tăng, khi đọc bài viết bàn về chữ "Tân viên tịch" không hiểu chắc là nói như vậy đúng hay sai....Chúng tôi cũng thấy cần nói rõ.
Luân hồi trong thần chú Lăng Nghiêm: Năng lực thần chú
Kiến thức 08:46 25/12/2024Thần chú Thủ Lăng Nghiêm còn gọi là Phật Đỉnh Quang Minh Ma Ha Tát Đát Đa Bát Đát Ra hay Bạch Tán Cái tức chỉ cho cái thể dụng rộng lớn của bản lai tự tánh. Bạch là trí tuệ. Tán cái là lòng từ bao la rộng lớn.
Đại sư, Pháp sư, Thái sư nghĩa là gì?
Kiến thức 20:26 24/12/2024Đại sư, Pháp sư, Thái sư là những danh từ chúng ta thường gặp trong các sách về Phật giáo, Đạo giáo và lịch sử.
Thần chú Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni (bản tiếng Việt)
Kiến thức 10:00 24/12/2024Thần chú Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni còn gọi là Tối Thắng Phật Đảnh Thần Chú, được đức Thế Tôn thuyết trong kinh Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni. Thần chú này rất mầu nhiệm, oai lực bất khả tư nghì, độ thoát chúng sinh trong sáu đạo luân hồi và lần lượt đều được chứng quả giải thoát.
Xem thêm