Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 17/02/2023, 11:40 AM

Chăn nuôi rồi bán cho người ta giết thịt thì tội nghiệp có nặng không?

Có phải tôi làm nghề chăn nuôi như vậy về sau phải bị đọa? Nếu tôi thành tâm sám hối thì tội của tôi có giảm bớt không? Và tôi nên sám hối như thế nào? Tôi bận con nhỏ quá không đi chùa được mà ở nhà thì không có bàn thờ Phật, vậy tôi phải làm sao?

Hỏi: 

Tôi trước vì vô minh nên đã cùng người quen chăn nuôi chim cút lấy trứng. Theo quy trình, đến lúc chim đẻ không đạt thì tôi bán cho người mua để giết thịt. Tôi cứ nghĩ là mình không giết thì không có tội. Sau hơn 5 năm làm nghề, nay tôi sinh con tuy mặt mày cháu sáng sủa nhưng lại bị tật một bên tai.

Tôi rất sốc về khuyết tật của con, tìm hiểu Phật pháp mới biết được quả báo này là do phạm tội sát sinh và cảm thấy ân hận vô cùng. Giờ tôi còn vướng một lứa chim cút cuối cùng nữa mà không biết phải xử lý thế nào? Nếu bán thì sợ tội chồng thêm tội mà phóng sinh thì chắc gì chúng đã sống an toàn ngoài tự nhiên, mặt khác tôi cũng rất cần hoàn vốn để tìm việc khác mưu sinh.

Xin hỏi, trường hợp của tôi chăn nuôi rồi bán cho người ta giết thịt thì tội nghiệp có nặng không? Nếu tôi thành tâm sám hối thì tội của tôi có giảm bớt không? Và tôi nên sám hối như thế nào? Tôi bận con nhỏ quá không đi chùa được mà ở nhà thì không có bàn thờ Phật, vậy tôi phải làm sao? Có phải tôi làm nghề chăn nuôi như vậy về sau phải bị đọa? Hiện tôi rất đau khổ, dằn vặt, mong được sẻ chia và chỉ bày giúp tôi.

Mưu sinh đúng gọi là chánh mạng

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đáp: 

Giới Không sát sinh chính xác là “Cố ý tránh xa sự sát hại chúng sinh”. Bởi “Không sát sinh” trong thực tiễn là điều bất khả nên có thể vô tình sát hại (ví dụ đi đứng vô ý giẫm đạp côn trùng) hoặc vì hoàn cảnh mà sát hại (ví dụ cuốc xới đất đai làm tổn thương giun dế sâu trùng) vì thế nên cần sám hối mỗi nửa tháng là vậy.

Mặt khác, người Phật tử thọ giới Không sát sinh thường bị khuyết giới và ít khi phạm giới. Giới luật đã quy định, phạm giới Không sát sinh cần hội đủ năm yếu tố: 1- Có một sinh vật (người hay động vật), 2- Sinh vật ấy còn sống, 3- Khởi tâm giết hại, 4- Tìm mọi cách để giết hại, 5- Sinh vật ấy bị chết. Nếu không hội đủ các yếu tố kể trên thì chỉ bị khuyết giới chứ không phạm giới. Bạn làm nghề chăn nuôi dĩ nhiên là có tạo nghiệp (nghề nào cũng tạo nghiệp). Nhưng bạn chỉ nuôi rồi bán mà không giết nên xét theo giới luật thì chỉ bị khuyết giới chứ không phạm giới. Người bị khuyết giới nếu nỗ lực sám hối và nguyện không tái phạm thì sẽ được thanh tịnh, trong sạch.

Việc bạn sinh con có chút dị tật, theo quan điểm Phật giáo, trước hết chính là nghiệp riêng (biệt nghiệp) của cháu, kế đến là nghiệp chung (cộng nghiệp) của gia đình. Dù chúng ta không thể biết đầy đủ về nghiệp (bậc Thánh A-la-hán trở lên mới biết chính xác) nhưng cũng có thể xác định rằng những đặc điểm của cá nhân chủ yếu là do biệt nghiệp. Còn như dân gian hay nói “đời cha ăn mặn, đời con khát nước” là ám chỉ phương diện cộng nghiệp. Bạn làm nghề chăn nuôi, nếu có tạo nghiệp xấu thì chỉ ảnh hưởng đến con cái trên phương diện cộng nghiệp mà thôi. Do vậy, theo cách nghĩ của bạn, vì bạn làm nghề chăn nuôi nên con phải mang dị tật là chưa chính xác.

Hiện bạn muốn chuyển nghề, đang phân vân về cách xử lý lứa chim cút cuối cùng. Bán thì sợ mắc thêm tội, không bán thì không có vốn để mưu sinh, thả ra tự nhiên thì sợ chúng sẽ chết vì không thể thích nghi. Có câu “bần cùng sinh đạo tặc”, nghèo khốn thì sinh trộm cướp, cùng đường dễ tạo ác nghiệp. Nếu thực sự cần vốn để mưu sinh thì thà chấp nhận thêm một ít nghiệp (vì khuyết giới), hãy sang nhượng cho người làm chung hoặc bán lứa chim cút ấy rồi nghỉ hẳn. Chấp nhận tạo nghiệp nhẹ để không rơi vào tạo nghiệp nặng hơn là giải pháp phù hợp trong thực tiễn cuộc sống của bạn hiện nay.

Bạn muốn sám hối ở nhà thì lập bàn thờ Phật, sau đó lễ bái sám hối theo nghi thức. Nếu chưa đủ duyên lập bàn thờ thì thỉnh một bức hình Phật, đặt hình Phật lên bàn hoặc treo hình Phật lên tường rồi lễ bái sám hối. Quan trọng là thành tâm, tâm thành thì Phật chứng. Vì bạn chưa thực sự phạm giới nên sám hối một thời gian thì tội sẽ diệt, phước sẽ sinh. Sám hối cho đến khi nào tâm thanh thản thì chuyển sang tụng niệm đồng thời nỗ lực phóng sinh cũng như giữ năm giới, làm lành trong khả năng có thể. Cứ tu tập như thế thì chắc chắn sẽ thành tựu công đức, phước báo, nhất là không lo sợ bị đọa lạc trong ba đường ác.

Chúc bạn tinh tấn!

Theo Báo Giác Ngộ. 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Bạn phải là người đủ đầy trước

Hỏi - Đáp 10:36 01/11/2024

Hỏi: Thầy ơi, tại sao mối quan hệ của con với người yêu luôn căng thẳng, mâu thuẫn và ngột ngạt. Mà chia tay người ấy thì con cảm thấy cô đơn. Thầy giúp con với!

Người Phật tử không nên ăn thịt và không được ăn thịt chó?

Hỏi - Đáp 08:30 31/10/2024

Hỏi: Có phải những người theo Đạo Phật (Phật tử) thì phải ăn chay, không nên ăn thịt và không được ăn thịt chó? Xin hỏi quan niệm này xuất xứ từ đâu?

Vì sao phải nói Tam quy y khi phóng sanh?

Hỏi - Đáp 16:15 30/10/2024

Hỏi: Tại sao khi thực hiện phóng sanh phải nói Tam quy y cho loài vật đó?

Có thể sửa đổi vận mệnh được không?

Hỏi - Đáp 16:00 30/10/2024

Hỏi: Thưa Thầy, vận mệnh con người trong đời này có sửa đổi được không?

Xem thêm