Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 12/08/2022, 15:34 PM

Chim lợn kêu có phải điềm báo về cái chết?

Chim lợn (hay còn gọi là chim cú lợn) được biết đến trong dân gian là loài chim của sự chết chóc. Nhiều người cho rằng, chim lợn xuất hiện ở đâu sẽ mang đến sự tang thương, chết chóc ở đó, vậy sự thật có đúng như vậy không?

Vì lý do này, từ xưa đến nay, chim lợn thường bị xua đuổi, ném đá mỗi khi chúng xuất hiện. Vậy quan niệm chim lợn mang đến điềm xui xẻo có đúng không? Kính mời quý Phật tử đón đọc bài viết dưới đây qua lời chia sẻ của Đại đức Thích Trúc Thái Minh để tìm hiểu thực hư về loài chim này nhé!

Chim lợn kêu không phải là mang điềm gở đến cho chúng ta.

Chim lợn kêu không phải là mang điềm gở đến cho chúng ta.

Điềm là gì? Chim lợn kêu là điềm báo xấu?

“Cơn đằng đông, vừa trông vừa chạy

Cơn đằng nam, vừa làm vừa chơi”

Từ xa xưa khi khoa học chưa phát triển, theo kinh nghiệm dân gian, để dự báo thời tiết, khí hậu, người ta thường quan sát các hiện tượng của loài vật, mây, trời, cỏ cây. Ví như thấy cỏ gà mọc thì cho rằng trời sắp có mưa bão; thấy nhật thực, nguyệt thực thì cho đây là hiện tượng không tốt… Trong chương trình vấn đáp Phật Pháp của Pháp thoại “Cửa bại vong”, Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã chia sẻ: “Nói về điềm, trong Phật giáo, chúng ta có bài kinh Điềm Lành. Khi những điều nào đó xuất hiện thì điềm lành sẽ tới, khi điều nào đó xuất hiện thì điềm lành không tới; nghĩa là có điềm. Điềm là một thứ rất tự nhiên và như Pháp; giống như hôm nay thấy trời mây kéo đến và oi bức thì biết điềm sắp mưa; thấy chuồn chuồn bay thấp thì sắp mưa nên có bài thơ là “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao là nắng bay vừa thì râm”. Nếu sắp sửa có lũ lớn hoặc mưa lớn thì những loài côn trùng biết trước, con kiến biết tha tổ lên cây cao. Đó là các hiện tượng ở giới tự nhiên”.

Từ lời giảng của Đại đức, chúng ta biết rằng loài vật cũng có linh tính, thông qua hoạt động bất thường của chúng, chúng ta cũng có thể dự đoán được những hiện tượng tự nhiên sắp xảy ra. Bên cạnh đó, để chúng ta hiểu thêm về điềm, Đại đức cũng chia sẻ: “Nơi thân thể chúng ta cũng có điềm. Ví dụ trên mặt xuất hiện một vết gì đó thì biết rằng người này sắp bị bệnh, các vị thầy thuốc giỏi nhìn là người ta biết được. Ở trán, cằm xuất hiện cái gì là báo hiệu chỗ đó sắp xuất hiện bệnh. Điềm sắp sửa phát quang hay đột tử người ta cũng biết được. Vậy nên điềm là điều tự nhiên, xuất hiện trước để báo hiệu sự vật, hiện tượng ấy sắp sửa xảy ra. Và cái gì cũng có điềm hết, không cái gì là không có điềm”.

Theo như lời Đại đức, vạn vật đều có điềm và đó là một điều tự nhiên. Chim lợn kêu cũng không ngoại lệ, đây chỉ là một hiện tượng bình thường, một việc làm quen thuộc của các loài vật trong tự nhiên. Tuy nhiên, khi nghe tiếng kêu eng éc của chúng, nhiều người thấy rùng mình, sợ hãi và cho rằng điềm báo xui xẻo sẽ đến. Nhiều người truyền tai nhau rằng, chim lợn kêu chỗ nào thì chỗ ấy sẽ có người chết. Chết chóc là một điều không ai muốn, cho nên khi thấy chim lợn và nghe tiếng kêu của chúng, người ta thường xua đuổi chúng đi.

Sự thật về tiếng kêu của chim lợn

Chim lợn có khứu giác rất đặc biệt, có thể ngửi được mùi của người sắp chết. Giải đáp thắc mắc về điều này, Đại đức Thích Trúc Thái Minh đưa ra lời nhận định: “Thầy có tìm hiểu thì các nhà khoa học nghiên cứu con chim lợn rất thính mùi, đặc biệt là mùi tử khí. Người sắp chết có toát ra một cái mùi thì người ta gọi là mùi tử khí. Chết rồi thì có mùi tử khí rất nồng nặc, trước khi chết hoặc sắp chết thì có thể có khí amoniac hoặc khí nitơ chẳng hạn bốc ra thì con chim lợn nó phát hiện được và nó bay đến”. Cũng giống như chim lợn, quạ, kền kền cũng có khứu giác rất nhạy bén, có thể phát hiện được mùi xác chết và bay đến rất nhanh.

Trong buổi giảng Pháp, Đại đức cũng giải thích tại sao chim lợn kêu là điềm báo có người chết: “Khi chim lợn bay đến thì nó kêu, bản tính của nó là kêu. Và mấy hôm sau, chúng ta thấy ở đó có người mất thì đấy là do ở đó mùi tử khí bốc ra mà con chim lợn đến. Giống như con ong bay đến chỗ có hoa, có mật là bình thường; vì hoa có mật nên dụ ong đến. Vậy nên chim lợn không phải là loài chim đem đến những điềm xấu ác cho chúng ta”.

Từ lời giảng của Đại đức, chúng ta biết rằng mỗi loài vật có một đặc tính khác nhau; chim lợn bị thu hút bởi mùi tử khí và bay đến nơi có người mất hoặc sắp mất.

Bên cạnh đó, Đại đức cũng chia sẻ thêm, chim lợn bay đến và kêu còn là vì miếng ăn; bởi chúng rất hay bắt chuột, chồn, hoặc động vật nhỏ để ăn. Qua đó, cũng khẳng định rằng, chim lợn kêu không phải là mang điềm gở đến cho chúng ta.

Không phụ thuộc vào tiếng kêu của chim lợn – điềm xấu hay tốt do phước quả của chúng ta

Theo giáo lý nhân - duyên - quả của đạo Phật, vạn vật vạn loài, kể cả cuộc đời chúng ta đều vận hành theo luật nhân quả. Vậy nên, quan niệm về chim lợn mang đến sự chết chóc cho con người là không phù hợp với đạo lý nhân quả. Xui xẻo hay may mắn, sống thọ hay chết yểu đều phụ thuộc vào nhân quả, nghiệp báo của mỗi người như trong bài giảng “Phước đức không ai cho!”, Đại đức từng giảng giải: “Chúng ta phải tin chắc ở trên đời này, mọi cái chúng ta được thọ hưởng là do chính phước quả của mình. Chứ không có cái gì khác”.

Bên cạnh đó, Đại đức cũng chia sẻ thêm về cách tạo điềm lành bằng việc thực hành lời Phật dạy: “Điềm gở hay điềm lành là do chúng ta tạo, nếu chúng ta muốn điềm lành thì hãy tụng và thực hành theo kinh Điềm Lành. Không phải do con vật, không phải do cái này, cái kia mang điềm gở đến cho chúng ta; nó chỉ là dấu hiệu báo trước sự việc hiện tượng sắp diễn ra với chúng ta thôi”.

Những lời chia sẻ sâu sắc của Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã giúp chúng ta có thêm tri kiến đúng đắn, đó là không có gì nằm ngoài nhân quả của mình. Vậy nên, để tạo điềm lành cho chính mình, chúng ta nên học và thực hành theo lời Phật dạy trong kinh Điềm Lành. Khi chúng ta sống tốt đời, đẹp đạo như trong kinh Điềm Lành mà Đức Phật dạy thì phước báu sẽ được tăng trưởng và những điều tốt đẹp, may mắn sẽ đến với chúng ta.

Chúng ta đã biết chim lợn không phải là loài chim mang dấu hiệu của cái chết, sự tang thương mất mát. Chim lợn bay đến và kêu là vì tìm mồi hoặc do ngửi được mùi tử khí. Là người đệ tử Phật, chúng ta cần tìm hiểu kỹ trước khi đưa ra đánh giá về một sự việc, hiện tượng để tránh rơi vào tà kiến, chấp trước. Từ đó, nương theo lời Phật dạy, tùy duyên thực hành Pháp theo đúng luật nhân quả để có được lợi ích thù thắng nhất.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Bước đầu học Phật: Cốt lỗi của đạo Phật

Kiến thức 13:00 18/03/2024

Chủ yếu đạo Phật là chỉ dạy chúng sanh giải thoát mọi khổ đau. Song lâu đài giải thoát phải xây dựng trên một nền tảng giác ngộ. Trước phải giác ngộ nhiên hậu mới giải thoát, như nói “biết đúng mới làm đúng”.

Chỉ cần chân thật tu hành có thể vượt qua được cửa sinh tử

Kiến thức 09:30 18/03/2024

Tu hành thì hàng ngày phải giữ trạng thái quân bằng như cái cân vậy. Làm thế nào để quân bằng?

Thực tập đón nhận, chuyển hóa và trao truyền hạt giống của tổ tiên huyết thống

Kiến thức 08:00 17/03/2024

Con biết ơn chư vị tổ tiên huyết thống trong dòng chảy gia tộc đang có mặt trong con, đang yểm trợ con, đang đồng hành cùng con trên con đường chuyển hoá tươi đẹp này.

Bước đầu học Phật: Làm sao tu theo Phật?

Kiến thức 19:00 16/03/2024

Chỉ dạy chúng sanh tu hành thành Phật là bản hoài của chư Phật. Vì trình độ khả năng sai biệt của chúng sanh, không thể đồng tu theo một môn và đồng kết quả như nhau được, Phật phải dạy nhiều phương pháp tu khác nhau. Trong đó đại khái chia làm hai loại: tu còn luân hồi, tu ra khỏi luân hồi.

Xem thêm