Chơn tâm sờ sờ
Chúng ta vì chỉ biết sống với phần thức biểu hiện bên ngoài, mà không hề biết đến phần thức thuộc về năng lực luôn tiềm ẩn bên trong, nên sự hiểu biết của chúng ta cũng rất là hạn chế, và chúng ta luôn luôn phập phồng lo sợ mất nó, thiếu nó.
Nói đến tâm hay cái biết, thì hẳn là chúng ta ai mà không có?
Dù kẻ thông minh hay người ngu độn, kẻ câm điếc hay mù lòa, tàn tật cả đến kẻ say rượu, người điên cuồng… đã sinh ra đời ai ai cũng đều có đủ như nhau.
Nếu không thì đã thành khúc cây hay hòn đá còn đâu.
Vừa mới sinh ra, thì "biết oa oa" khóc ré lên, rồi lúc khát sữa thì biết đòi bú.
Tiếp theo, biết bò, biết đi, biết nói.
Hơi lớn lên thì biết buồn, biết giận, biết yêu, biết ghét, biết hơn, biết thua…
Cho đến trong cơn "thập tử nhứt sanh", thì cũng vẫn còn biết sợ, biết trối trăng.
Có thể nói, từ lúc mới sinh ra cho đến khi sắp chết, cái biết này nó chưa từng thiếu vắng với chúng ta bao giờ.
Cho dù anh là người Việt, người Lào, người Trung Hoa, người Pháp, người Anh, hay người Mỹ…, hoặc anh là người Phật giáo, người Thiên Chúa giáo, người Hồi giáo, hay người Ấn Độ giáo… cái biết này cũng vẫn có đủ như nhau, không phân biệt màu da chủng tộc, không phân chia giai cấp tôn giáo hay đảng phái.
Vậy thì tại sao chúng ta ai ai cũng đang lo chạy đuổi tìm hiểu biết?
Kẽ hở đó là ở tại chỗ nào?
Ồ! Có gì lạ lùng đâu, chỉ vì chúng ta ai ai cũng cứ lo nhìn theo những làn sóng nhấp nhô lên xuống hấp dẫn kia, rồi mặc tình lặn hụp mệt nhoài trong đó.
Cứ bị hết lượn sóng biết này tiếp nối lượn sóng biết kia lôi kéo mà chạy mãi không phút giây dừng nghỉ.
Rồi có khi cơn gió tạm yên, những lượn sóng nhẹ dừng đôi chút, thì chúng ta liền chới với, quơ tay tìm kiếm lại, mà quên mất rằng "nước vẫn còn đây!"
Quả thực tự đáng thương cho chúng ta vô cùng.
Anh hãy nhìn kỹ lại xem, nếu bảo rằng chúng ta không có nó, thì khi gió thổi "cảm nghe mát rượi" làn da đó là gì?
Ngay khi này chúng ta có suy nghĩ chi đâu?
Nhưng nó vẫn hiện hữu ra đó không ai ngăn cản được.
Còn kia, anh đang đi bình thản, bất chợt nghe tiếng gọi tên mình, tức liền quay đầu ngó lại, đâu có suy nghĩ cái gì phải không?
Vậy thì đã có cái gì trong đó mà khiến ra như thế ?
Và đây nữa, khi nghe tiếng bảng đánh lên, cũng nào có suy nghĩ gì đâu, vậy thì sao lại BIẾT mặc áo đi ăn cơm?
Có cái gì kỳ đặc trong đó?
Phải nói rằng, lâu nay chúng ta đã sống mà chưa từng biết sống chi cả.
Chỉ sống bằng cái sanh diệt chập chờn không đâu, sống bằng những cái bóng dáng "ở nơi nào", "của thuở ấy" mà chưa từng bao giờ sống thực với "cái đang là!", "cái hiện tiền đang sáng rực" nơi ta.
Đó là chỗ người xưa bảo, chỉ sống với vọng thức mà bỏ quên chơn thức.
Tuy nhiên, từ trước đến giờ chúng ta đã bị những danh từ che mờ quá nhiều mà không thông được nghĩa thật.
Nghe nói vọng thức, chơn thức, thức này thức nọ, sáu thức, tám thức…rồi cứ lo định nghĩa những danh từ đó thôi, chứ nào nhận thấy đâu là sự thật.
Giờ đây, chúng ta hãy gạt qua hết những danh từ phiền phức đó đi, không nói chân nói vọng gì nữa cả, mà chỉ tóm lại có hai phần đơn giản cho dễ nhận:
Một là phần nổi, tức phần biểu hiện ra bên ngoài mà chúng ta hằng sống bấy lâu nay.
Phần này năng lực của nó rất là hạn cuộc, nhỏ nhoi không đáng kể gì, nhưng chính chúng ta lại lấy đó làm lẽ sống quan trọng nhất của đời mình.
Hai là phần tiềm ẩn bên trong, chính đây là "nguồn sống vô biên", là năng lực dự trữ không cùng tận, mà trái lại chúng ta vẫn hằng bỏ quên, chưa từng có giây phút nào nhớ lại.
Chỗ này xin đơn cử một thí dụ: như điện cũng có hai phần, phần biểu hiện ra ngoài và phần dự trữ vô biên trong vũ trụ.
Chúng ta thường chỉ biết điện ở bóng đèn, ở quạt máy, ở radio, ở tivi, ở tủ lạnh v.v... mà ít ai biết đến nguồn điện tràn đầy trong vũ trụ vô biên kia.
Vì vậy, đối với chúng ta, khi mất điện thì chỉ lo chạy đi tìm điện.
Còn đối với các nhà khoa học thì họ biết được nguồn điện này, nên họ biết điện luôn luôn sẵn có ở khắp nơi và họ nghiên cứu tìm nhiều phương tiện phát ra điện.
Xa hơn nữa, họ còn biết khai thác nguồn điện này thành những năng lực phi thường mà ít ai ngờ tới được.
Đó là những nhà khoa học vật chất.
Cũng vậy, chúng ta vì chỉ biết sống với phần thức biểu hiện bên ngoài, mà không hề biết đến phần thức thuộc về năng lực luôn tiềm ẩn bên trong, nên sự hiểu biết của chúng ta cũng rất là hạn chế, và chúng ta luôn luôn phập phồng lo sợ mất nó, thiếu nó.
Đó là lý do mình cứ săn tìm hiểu biết không thôi.
Còn đối với chư Tổ, các Ngài như những "nhà khoa học tâm linh" phát hiện và sống được với "nguồn sống" bên trong của thức, nên các Ngài có những hiểu biết vượt xa cái hiểu biết tầm thường của chúng ta, đồng thời có sức diệu dụng không thể nghĩ bàn.
Các Ngài cũng là người, các Ngài đã làm được việc đó, chúng ta cũng là người vậy thì tại sao chúng ta không thể làm được?
Sao chúng ta không là những nhà khoa học tâm linh, để khai thác nguồn năng lực dự trữ vô biên đang tiềm ẩn ở phần thức bên trong kia?
Bởi vậy, chư Tổ hết lòng thương xót dùng đủ mọi phương tiện hay khéo để đánh thức cho ta giật mình tỉnh lại.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Ngày Phật thành đạo là dấu ấn quan trọng trong lịch sử nhân loại
Kiến thức 08:30 07/01/2025Nhờ có ngày mùng 8 tháng 12 mà hôm nay thế giới loài người đã tôn vinh và công nhận đạo Phật là đạo của con người, vì con người mà sống thương yêu đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau bằng trái tim có hiểu biết.
Bài học đáng quý nhân ngày Đức Phật Thích Ca thành đạo
Kiến thức 13:00 06/01/2025Chúng ta thấy không có kết quả tốt đẹp nào đến ngẫu nhiên cả, tất cả đều nhờ công phu cực khổ mới được. Bây giờ chúng ta kính phục lễ lạy Phật, đó là kết quả Ngài đã từng trả giá rất đắt trên bước đường tầm tu, không phải chuyện dễ dàng.
Nghi thức hồi hướng tiêu trừ nghiệp chướng bệnh tật
Kiến thức 12:05 06/01/2025Hết thảy chúng sinh, vì vọng động từ vô thỉ kiếp mà có vô minh, mê lầm đã trải qua số kiếp nhiều như cát bụi. Khởi tâm động niệm tạo biết bao ác nghiệp nên che mất Phật tánh của mình. Nghiệp chướng không trừ thì Phật tánh không thể hiện tiền.
Ý nghĩa thâm diệu và công đức của Bát Nhã Tâm Kinh
Kiến thức 10:57 04/01/2025Người Phật tử còn đang tại thế nghĩa là còn đang sống với đời không thể nào tách rời cuộc sống với việc tu hành để đạt thành đạo quả, nghĩa là phải kết hợp hòa nhuyễn đạo và đời như Phật hoàng Trần Nhân Tông đã nói trong Cư trần lạc đạo phú.
Xem thêm