Chợp mắt chùa làng
Tôi lâu nay có thói quen đi tìm những ngôi chùa… “nghèo nhất Việt Nam”. Để tìm xem cội rễ tâm linh của cha ông còn nguyên bản những nơi ấy chăng?
Lang thang qua nhiều xóm làng miền Trung Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… để rồi một chiều cuối đông dừng bước ngay chính ngôi chùa làng mình - nơi cha tôi chôn nhau cắt rốn tròn 100 năm trước. Chùa Diêm Điền, xã Tịnh Hòa xưa thuộc huyện Sơn Tịnh, nay quy về TP.Quảng Ngãi.
Đêm ấy nơi chánh điện rộng chưa đầy hai chục thước vuông tường ốc vôi vữa loang lổ màu thời gian, nghe gió mưa bay qua hàng hiên tôi ngồi với sư thầy Thông Đạo rì rầm biết bao chuyện đạo đời.
Tu hành từ nhỏ ở Trị Thiên quê nhà, đến tuổi thanh niên vào Sài Gòn tu tập Phật pháp thì bị bắt lính ra đóng ở Quảng Ngãi, rồi lập gia đình, rồi mải miết làm đủ thứ nghề mưu sinh nuôi vợ con kể từ sau năm 1975, đến khi đã ngoại ngũ tuần người đàn ông có tên Nguyễn Văn Hiệp ấy mới lại quy y cửa Phật lần hai, thành Đại đức Thích Thông Đạo bây giờ.
Làm sao để cái tâm không vọng động giữa thời buổi quá ồn ào, nhiễu nhương này? Làm sao giác ngộ ở ngay trong cuộc đời ngũ trược này?
Thầy bảo “chùa nghèo lắm”, ý muốn xin lỗi tôi về cái sự cũ kỹ, ẩm mốc chốn cửa thiền giữa làng này, chứ không được “chuông to chùa lớn” như khắp nơi nơi. Tôi cười, thưa với thầy rằng đến như Phật hoàng Trần Nhân Tông thời xưa còn hài lòng với “gia phong” của mình, là “Áo rách ôm mây, mai húp cháo” mà.
Nhưng cũng có chút chạnh lòng khi thấy cảnh vị sư đã ngoài bảy mươi tuổi xe máy gió mưa lướt thướt vừa đi đặt thước Lỗ Ban mở cổng cho người ở làng bên rồi ăn uống qua quýt ngoài đường trước khi về chùa. Để nhớ tới khu văn hóa tâm linh đang hối hả vươn cao ở xã bên, mà riêng chánh điện ngôi chùa nơi ấy đã rộng tới gần 11 ngàn mét vuông...
Ký ức sâu nặng nhất tuổi thơ tôi là ngôi chùa làng nơi tôi học đánh vần những chữ cái đầu tiên. Ngày ấy máy bay Mỹ tăng cường đánh phá thủ đô, anh em tôi cùng bà ngoại sơ tán về vùng Vĩnh Tuy ngoại thành Hà Nội. Lũ chúng tôi vào học lớp cô giáo Thêm trong một ngôi chùa nhỏ bé rêu phong tọa lạc trên một gò ruộng cao chìm khuất dưới bóng sấu cổ thụ.
Xung quanh chùa là những hào giao thông và hầm tránh bom mới đào, còn trên vách chùa là những chiếc mũ rơm lũ nhóc chúng tôi đội đến trường để tránh mảnh bom… Trên nền đất mát lịm ngôi chùa chúng tôi bày ra biết bao thứ trò chơi tinh nghịch. Nhớ những lần áp má trên nền đất để ngắm những con cù (con quay bằng gỗ) xoay tít. Hơi mát của nền đất chùa những buổi trưa hè khiến tôi cứ thèm được thiếp đi…
Sau này lớn lên, tôi thường về quê ngoại Phú Xuyên hồi ấy còn thuộc tỉnh Hà Tây. Có lần lang thang qua ngôi chùa Giáng ở làng bên, tôi gặp sư ông trụ trì vóc dáng cao lớn mà gầy gò khắc khổ, cung cách nói chuyện thật giản dị.
Cũng đã 40 năm có lẻ rồi. Chứng kiến cảnh thầy cày cấy như một nông phu trên cánh đồng chùa… Hai năm trước, hay tin sư trụ trì chùa Giáng (còn gọi là Viên Minh tự) viên tịch ở tuổi 105, tôi giật mình sực nhớ. Thì ra đó chính là Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, một bậc cao tăng lừng lẫy.
Để rồi sực nhớ chốn cửa thiền cũng ở ngay quê tôi có tên Viên Giác tự mà dân gian không biết tự bao giờ gọi bằng cái tên chùa Thình Thình. Chùa tọa trên đỉnh núi Thình Thình (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cao hơn 170 mét ngó xuống làng xóm thôn trang.
Mỏm núi này như một mảnh làng cô đơn bị đẩy dạt lên và ngôi chùa cũng khuất nẻo mang dáng dấp chùa làng. Có lẽ cô đơn quá chăng, nên trên đỉnh núi này nhiều chỗ nếu giậm mạnh chân sẽ phát ra tiếng vọng rất rõ? Như sách “Đại Nam nhất thống chí” đã chép, rằng “Trên núi gò chòm đứng sững, người ta lên núi giậm châm hoặc đẵn cây đều nghe có tiếng ầm ầm như sấm, nên tục gọi núi Thanh Thanh”.
Nhớ cái lưng còng của Đại lão Hòa thượng Thích Hạnh Diên năm ấy đã ngót trăm tuổi chống gậy trúc bước trên thềm rêu phủ hờ khắp chốn sân chùa. Đầu gậy trúc vỗ mạnh những tiếng “binh binh”. Một mình một chùa, sư thầy hầu như tự mình lo chuyện cơm nước. Hồi năm ngoái tôi lên lại thăm mộ thầy, sư trụ trì mới Thích Đồng Lộc cho biết tiếng vỗ vọng động nơi sân chùa nay đã không còn nữa. Quá tiếc nuối. Đời sống nay đã quá thừa ồn ào rồi chăng?
Nhớ một bữa trên boong tàu hải trình ngang dọc Trường Sa hồi giữa năm ngoái, câu chuyện giữa tôi và Thượng tọa Thích Quảng Tiếp cứ xoay quanh “chùa nghèo”, “chùa giàu”.
Đó là chuyến hành hương khắp 9 ngôi chùa nơi quần đảo Trường Sa, cùng với gần bốn chục vị cao tăng cả nước. Thầy Quảng Tiếp dạy học, làm Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vừa trụ trì một ngôi chùa nhỏ ở Gia Lâm (Hà Nội). Làm Tiến sĩ Phật học về các thiền sư thời Lý - Trần, thầy nhiều năm cùng các giáo sư điền dã khắp các ngôi chùa lớn nhỏ, nên đã nghe và thấy biết bao chuyện.
Thầy kể khi làm cố vấn cho bộ phim về Phật giáo đã gặp 5 chị thanh niên xung phong ở Thái Bình tu tại ngôi chùa nghèo mục nát. Khi trở nên “nổi tiếng” được cả nước biết đến, nhiều cá nhân tổ chức muốn phát tâm xây dựng lại chùa, các ni sư tỏ ý không muốn, bởi sự thay đổi cơ ngơi, vật chất và sự ồn ào người đi kẻ đến sẽ dễ làm xáo động cái tâm…
Ừ, làm sao để cái tâm không vọng động giữa thời buổi quá ồn ào, nhiễu nhương này? Làm sao giác ngộ ở ngay trong cuộc đời ngũ trược này? Như buổi trà sáng hôm ấy tôi cùng sư thầy Thông Đạo ngồi hiên chùa nhìn ra rộc (ruộng) chùa ngập lũ trước mặt.
Tên chùa cũng là tên của làng Diêm Điền, nghĩa là ruộng muối, mặn chát như ngàn đời cần lao cấy cày nơi đây. Để “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực” (Một ngày không làm, một ngày không ăn) theo lời chư tổ. Như tuổi thơ tôi đã chứng kiến ông sư bà vãi cấy cày làm ra hạt gạo tự nuôi mình.
Nhắc tới tuổi thơ, bỗng ao ước được quay trở lại, được áp mặt xuống nền đất nện nhẵn thín sậm màu nơi ngôi chùa làng xưa, để thiếp đi một chốc…
Nguồn: Báo Quảng Nam
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Huyền tích Phù Sơn tự
Chùa Việt 11:16 04/11/2024Giữa cánh đồng mênh mông bát ngát, từ xa đã nhìn thấy tượng Phật Quan Âm và Phật Di Đà cao chừng 30 m, uy nghi sừng sững. Đó là Phù Sơn tự (còn gọi là Núi Nổi), tọa lạc tại giồng Trà Dên, thuộc xã Tân Thạnh, TX.Tân Châu, An Giang.
Ngôi chùa nằm giữa lưng chừng trời
Chùa Việt 20:34 03/11/2024Ngôi chùa Khmer mang tên Phnom Ta Pa nổi danh bởi vẻ đẹp độc đáo và tọa lạc trên ngọn núi Tà Pạ (xã Núi Tô, H.Tri Tôn, An Giang), với độ cao 45 m so với mặt đất.
Ngôi chùa nghìn năm tuổi ở Hà Nam, nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý giá
Chùa Việt 09:15 03/11/2024Chùa Bầu tên chữ là Thiên Bảo Tự, tọa lạc tại đường Nguyễn Văn Trỗi, phường Hai Bà Trưng, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam có tuổi đời hơn 1.000 năm tuổi còn lưu giữ nhiều hiện vật quý giá từ triều Vĩnh Thịnh năm thứ 6.
Chùa Côn Sơn: Một trong ba trung tâm Thiền phái Trúc Lâm
Chùa Việt 14:07 01/11/2024Chùa Côn Sơn gắn với Thiền phái Trúc Lâm, cả ba vị Tổ của thiền phái đã từng tu hành và thuyết pháp ở đây. Cùng với chùa Yên Tử và chùa Quỳnh Lâm, chùa Côn Sơn là một trong ba trung tâm của Thiền phải Trúc Lâm.
Xem thêm