Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 07/04/2022, 08:48 AM

Chùa Thiên Trúc – Góc nhìn từ cổ vật

Ở Kiên Giang, nhiều ngôi cổ tự đã song hành cùng thời gian và những biến thiên lịch sử. Trong các ngôi cổ tự Phật giáo, nhiều ngôi vẫn còn đến ngày nay và được trùng tu, phục dựng chỉn chu, cũng có ngôi do nhiều lý do khác nhau đã dần mai một đi, có nơi chỉ còn lại tàn tích.

Ở Kiên Giang, nhiều ngôi cổ tự đã song hành cùng thời gian và những biến thiên lịch sử. Trong các ngôi cổ tự Phật giáo, nhiều ngôi vẫn còn đến ngày nay và được trùng tu, phục dựng chỉn chu, cũng có ngôi do nhiều lý do khác nhau đã dần mai một đi, có nơi chỉ còn lại tàn tích. Song, về tổng quan, sự hình thành và duy trì các ngôi cổ tự dù ít, dù nhiều đã góp phần phản ánh bề dày văn hóa tâm linh của cư dân ven biển nơi này. Trong khuôn khổ bài viết, tác giả xin đề cập đến những cổ vật (dưới đây chúng tôi xin được gọi là hiện vật) và phản ánh của hiện vật đến đời sống xã hội đương thời xoay quanh hiện vật được tìm thấy tại chùa Thiên Trúc, đường Phương Thành, TP. Hà Tiên.

1. NHỮNG HIỆN VẬT 

Trung tuần tháng 6/2020, khi xây dựng lại ngôi Chánh điện, đơn vị thi công đã tìm thấy dưới Bồ Đoàn nhiều hiện vật có giá trị. Tuy đã bị hư hỏng nặng nhưng vẫn có thể nhận biết niên đại và bối cảnh xung quanh những hiện vật này.

Có niên đại cao nhất là hiện vật 03 viên đá Seima [1]. Đá Seima được đại diện Bảo tàng tỉnh Kiên Giang đánh giá có niên đại vào khoảng thế kỷ XVII – XVIII, dưới thời trị vì của các vị vua Cao Miên. Seima được đẽo trên đá canxit, có 03 phần, gồm: Đỉnh, đế và phần trụ nhô ra dùng để ghim xuống đất, ngang 20cm, cao 25 – 30cm, dày 06cm, đang trong tình trạng cũ, sứt mẻ cạnh, mất phần đế, trong đó: Seima bị mất mặt Phật, hình dạng thiết kế đỉnh Seima theo hình mũ ôm đầu đặc trưng của vua Khmer, trên cùng có bầu vo tròn nhọn đỉnh, phần trung tâm trên bầu dưới vuông hình miệng rắn há mỏ, giữa có tượng Phật mở mắt, hai tay chắp trước ngực, ngồi kiết già trên tòa sen, có hai đầu rắn trên vai. Đế Seima dưới tòa sen, có hình chữ nhật, cao khoảng 05cm. Trụ Seima hình chữ nhật, thon, nhỏ dần từ trên xuống dưới, do bị gãy nên khó đoán chiều dài.

49
Cổng chùa Thiên Trúc, đường Phương Thành, TP. Hà Tiên.

Cổng chùa Thiên Trúc, đường Phương Thành, TP. Hà Tiên.

Các hiện vật còn lại có niên đại vào thế kỷ XVIII – XIX, gồm có: Một số tượng Phật bằng đồng và bằng đá canxit, 17 viên gạch hoa văn, nhiều mảnh gốm, nhiều đồng tiền có chữ Hán, cơi trầu bằng đồng.

Các tượng Phật kích cỡ nhỏ, cao từ 15 – 20cm, ngang 05 – 08cm, dày 04 – 06cm, có búi tóc nhọn, mắt mở hé, trái tai dài, ngực nở, áo choàng phủ vai trái thả tà xuống giữa bụng, tay phải úp đặt trên đùi phải để lộ năm ngón tay, tay trái xếp ngửa trước bụng, hai chân chéo trước ngửa, ngồi trên toà sen. Đây là kiểu tượng Phật khá thịnh hành ở khu vực Đông Nam Á, thường thấy ở Thái Lan, theo hệ phái Nam tông.

Trong 17 viên gạch đều nhau, ngang 12cm, cao 03cm, dài 25cm; có 5 viên gạch hoa văn cây lá, 04 viên hoa văn hình tròn xếp chồng góc và 08 viên hoa văn chữ vạn. Đây là loại gạch có kỹ thuật đúc và tạo khuôn không phải do cư dân Nam bộ làm ra.

Các mảnh gốm là những mảnh vỡ của những cái chum, nồi đất, vò đất; có cái trau chuốt, bóng đẹp kèm hoa văn, có cái chỉ được làm bằng đất nung thường. Hơn 40 đồng tiền, đa số đã hoen rỉ không xác định được, chỉ còn một số ít có thể đọc được chữ “Khang Hy thông bảo”.

Để làm rõ thêm những vấn đề xung quanh những hiện vật được tìm thấy, rất cần phác họa nên bức tranh đời sống xã hội cư dân nơi đây, từ các cổ vật mang lại. Làm được vậy, sẽ giúp hiểu hơn về xã hội đương thời, chú ý là vào niềm tin và thực hành Phật giáo.

2. PHẢN ÁNH CỦA HIỆN VẬT VỀ ĐỜI SỐNG XÃ HỘI ĐƯƠNG THỜI 

Vùng đất Kiên Giang thuở ban sơ là vùng thấp dưới mực nước biển, trải qua nhiều đợt hải tiến và hải thoái đã hình thành nên những vùng đầm lầy, dần dần nước biển rút đi để lại một vùng trũng rộng lớn xen kẽ gò đồi, núi đá. Với nhiều sản vật quý hiếm, đã thu hút lưu dân về sinh cơ, lập nghiệp. Ngay từ những năm đầu Công nguyên, người Phù Nam đã lập tiền cảng ở Óc Eo, đến người Angkor đã tổ chức thành thương cảng quốc tế, kèm theo đó là những tín ngưỡng và tôn giáo được du nhập, hình thành nhiều niềm tin tâm linh đa dạng gắn liền với đời sống tinh thần cư dân. Đối với tín ngưỡng, cư dân tin và thực hành theo tín ngưỡng đa thần, cùng lúc thực hành thờ cúng nhiều vị, ở nhiều không gian khác nhau. Còn tôn giáo, người dân tiếp nhận tâm linh từ Ấn Độ thông qua giao thương truyền sang, từ Bà La Môn giáo cho đến Phật giáo, ngày nay có 12 tôn giáo đã xuất hiện ở nơi này.

51

Riêng Phật giáo, từ thế kỷ XV, nơi đây còn lưu giữ những di tích phản ánh sự truyền bá giáo pháp khá đặc trưng của Phật giáo. Đó là những kiến trúc cổ, mang đậm nét văn hóa Đông Nam Á, những tượng Phật là biểu tượng cho khu vực được cách điệu đặc sắc, những tín điều mang đậm bản sắc Phật giáo sơ khai, sử dụng chữ viết riêng biệt một cách độc lập. Trải qua 03 thế kỷ (XV – XVII), toàn tỉnh đã có 15 ngôi cổ tự được hình thành, phân bố ở nhiều huyện, thành phố, tất cả đều là hệ phái Nam tông Khmer. Thiên Trúc là một trong số những ngôi cổ tự ấy.

Về di chỉ, vị trí tìm thấy hiện vật là một đồi thấp, dốc, có lớp đất thịt và sét mới, dưới là lớp đá núi, cho thấy không còn tầng văn hóa khác nằm dưới lớp đất núi này. Phương vị nơi có hiện vật nằm ở hướng Đông Nam của ngọn núi Đề Liêm (Bạch Tháp, Bảy Tầng). Xung quanh Bồ Đoàn, trong bán kính 574m2 tìm thấy rải rác nhiều mảnh gốm cổ niên đại từ thế kỷ XVII – XIX gồm: Chén, ly, dĩa, vật dụng sinh hoạt khác… tương thích với nền chánh điện cũ, cho thấy dấu tích con người đã sinh sống trong một thời gian dài và liên tục ở vị trí này. Tại Bồ Đoàn, qua tìm hiểu được biết đã nhiều lần trùng tu, nhưng vẫn tìm thấy những viên gạch vào thế kỷ XVIII và ô dước [2] đây là chất liệu chính xây dựng các công trình kiến trúc vào thời kỳ này.

Các viên đá Seima, theo truyền thống, những viên đá này đặt bên trong hoặc các góc của những công trình kiến trúc được xây dựng phục vụ mục đích sinh hoạt và thực hành Phật giáo Nam tông, đặc biệt là những công trình chính như ngôi Chánh điện và sala tại tự viện [3]. Các viên đá ngoài tạc tượng Phật ngồi kiết già chính giữa, có 02 đầu rắn sau vai, còn có nhiều họa tiết thể hiện Tam tòng (to giữa nhỏ bìa): Bên ngoài phần chính có chóp, dưới chóp một quả cầu tròn, dưới cùng là phần chính; hoa văn bìa ngoài hình rắn há mồm 03 vòng tròn đan nhau,… Những họa tiết này thể hiện trong Phật giáo là Tam quy (quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng – Phật, Pháp, Tăng), không gian là thiên thời – địa lợi – nhân hòa, thời gian là ngày trước – hiện tại – tương lai, công ân có tiền hiền – nhân hiền – hậu hiền.

Từ kết cấu tạc đá, loại đá và đánh giá thời gian bị chôn vùi trong đất, đại diện Bảo tàng tỉnh Kiên Giang xác định niên đại vào thế kỷ XVII. Thời kỳ này, tiếp tục chứng kiến sự tranh giành ngôi vị trong hoàng tộc, khởi đầu là vị vua Phonhea An (lên ngôi năm 1599, bị hại năm 1600), trải qua 11 đời vua, đến vua Chey Chetta (1675 – 1706) kết thúc một thế kỷ trị vì nhiều biến cố. Thủ đô lúc này ở Lovea Em (Srey Santhor), năm 1618, Quốc vương Chey Chetta II (1618 – 1628) dời về Oudong [4]. Tín ngưỡng và tôn giáo của khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ và Thái Lan, nghĩa là theo hệ Nam truyền. Đá Seima cũng chịu ảnh hưởng vào hệ Phật giáo Nam tông được truyền thừa từ xa xưa, ngày nay, ngay cả các ngôi chùa Nam tông trong nước cũng duy trì việc đặt đá khi xây dựng.

Về mặt dân tộc, địa phương đã có người Việt, Hoa, Chăm, Thái, Miến, Philipines, Mã Lai, Nhật, Ấn Độ, Hà Lan, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sinh sống, giao thương với người bản xứ dọc bờ biển vịnh Thái Lan. Đa dạng chủng tộc quần cư cho thấy sự giao thoa văn hóa và tâm linh ít nhiều đã diễn ra, nhất là sự kiện “nhà vua Rama thay đổi tôn giáo” [5] và cho linh mục Chevreuil cùng giáo dân xây nhà thờ Ponhea-Lu vào năm 1665.

Các viên đá Seima đã cho thấy, ít nhất vào thế kỷ XVII đã có một ngôi tự viện được dựng lên tại vị trí này theo truyền thống Nam tông vốn phổ biến từ Nam Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Chiêm Thành cho đến các quốc gia ở Biển Đông.

Tượng Phật, đến thế kỷ XVIII, hình tượng Phật Thích Ca ở các quốc gia đã có nhiều khác biệt, có thể phân biệt được theo từng quốc gia. Ở Myanmar, tôn tượng Đức Phật thường được tạc có đeo vương miện trên trán, mắt nhìn thẳng, miệng tươi. Ở Thái Lan, Phật có búi tóc nhọn và thẳng đứng, mắt nhìn thấp, miệng cười nhẹ. Ở Campuchia, tượng Phật có búi tóc hai tầng, nhọn dần, mắt nhắm, miệng cười rộng, thường thấy có đội vương miện trùm đầu giống như tiên nữ ca hát Apsara. Đối chiếu với các tượng Phật tại Bồ Đoàn Thiên Trúc, các tượng Phật này mang tiếu tượng của Thái Lan.

Qua khảo sát 15 pho tượng cùng thời trong tỉnh, trong 03 thế kỷ, từ thế kỷ XV – XVII, hầu hết tượng Phật đều có tiếu tượng của Thái Lan, các pho tượng lớn có thể cao đến 2m ngang 1,2m, tượng nhỏ chỉ cao 12cm ngang 06cm. Từ tượng Phật chùa Láng Cát ở thành phố Rạch Giá thế kỷ XV; tượng Giồng Đá huyện Giồng Riềng, tiếu tượng ở chùa Bảy Chà Và huyện Kiên Lương, tiếu tượng ở chùa Cái Bần Gò Quao thế kỷ XVI; tiếu tượng Cù Là Cũ và chùa Khlang Ông huyện Châu Thành thế kỷ XVII, cho đến tiếu tượng chùa Sóc Xoài huyện Hòn Đất, Đồng Tranh tự ở huyện Vĩnh Thuận thế kỷ XVIII. Phật giáo Nam tông còn duy trì tiếu tượng Thái Lan về sau, điển hình có tiếu tượng ở chùa Thôn Dôn TP. Rạch Giá, chùa Giồng Kè và Tà Phọt huyện Giang Thành, chùa Tà Bết huyện Châu Thành thế kỷ XIX. Bước sang thế kỷ XX, có 36 tiếu tượng được tôn thờ đã bị biến đổi rõ nét phù hợp với mong muốn của cư dân, song vẫn còn nhiều tượng Phật vẫn giữ tiếu tượng Thái Lan. Thế kỷ XXI, lập mới 03 tự viện, những tự viện này chỉ còn giữ thế ngồi kiết già, còn phần nhiều chi tiết đã khác đi, dễ nhận thấy nhất là khuôn mặt tròn hơn, môi có phần trau chuốt hơn (sơn màu đỏ nổi bật).

Đọc lại lịch sử, ngay từ đầu thế kỷ XVIII, các hoàng thân Cao Miên dựa vào người Thái Lan và người Việt để mưu cầu phục vị. Điển hình là dưới thời Quốc vương Ang Em (1699 – 1722) cai trị lần thứ hai, chính thức lại thần phục và triều cống người Thái một lần nữa, còn ven biển phó thác việc phòng thủ các tỉnh Peam, Kampot, Kompong Som và Phú Quốc cho Mạc Cửu (chức vụ Ốc Nha tại triều), năm 1708 “… Mạc Cửu quy phục chúa Nguyễn, quốc vương Ang Em thuận cho người Việt kiểm soát bờ biển từ miền Nam đến Xiêm” [5]. Cho đến cuối thế kỷ, thế lực của chúa Nguyễn lớn mạnh, người Thái chỉ còn hỗ trợ một vài vị hoàng thân về nước phục vị không đáng kể.

Như vậy, các tượng Phật do tín đồ dâng cúng chịu ảnh hưởng từ người Thái là có cơ sở. Có thể hiểu rằng, các giai tầng người Khmer tuy vẫn bám trụ giao thương ở đây nhưng do các cuộc chiến trong hoàng tộc nên ít nhiều chịu ảnh hưởng loạn lạc, ít tích lũy nhiều tài sản giá trị. Ngược lại, người Thái sống trong yên ổn, đời sống vật chất và tinh thần phong phú nên có điều kiện phụng cúng vật phẩm có giá trị. Mặt khác, trong xã hội vẫn có người Khmer giàu có đến dâng lên nhiều vật có giá trị. Vì có niềm tin Phật giáo Nam tông như nhau, nên khi chiến tranh xảy ra các ngôi tự viện ít bị xâm hại, có thể còn là nơi trú ẩn an toàn cho những tín đồ Phật giáo, ngay cả quân người Việt và người Hoa đến đây cũng có ý gìn giữ các ngôi Phật tự, trong đó có Thiên Trúc. Các tượng Phật Thiên Trúc đều nhỏ, có thể dễ dàng mang theo khi đi đường, để gọn được trong hành lý cá nhân, di chuyển được dài ngày để dâng cúng.

Các viên gạch, theo nhà chuyên môn, những viên gạch này có niên đại khoảng thế kỷ XVIII – XIX, dưới triều đại Lê Trung Hưng – Nguyễn. Qua quan sát, các viên gạch được tạo hình bằng khuôn, khá quy chuẩn, vuông thành sắc cạnh, mang tính chuyên biệt đáp ứng nhu cầu xây dựng trong thời kỳ này. Đây là loại gạch được in đại trà trong dân gian, những viên có hoa lá cách điệu, dạng hoa dây được trang trí độc lập hoặc xen kẽ trong các trang trí để tô điểm thêm những khoảng trống trên viên gạch và tạo cho hoa văn mềm mại hơn. Những viên gạch hình 05 chữ Vạn thể hiện hình tượng biểu trưng của Phật giáo có mặt ở năm phương trời đất, thể hiện theo ngũ hành trong phong thủy (kim – mộc – thủy – hỏa – thổ), ngũ thời (xuân – hạ – cuối hạ – thu – đông), ngũ tạng (can – tâm – tỳ – phế – thận), năm xúc cảm (giận – mừng – lo – buồn – sợ), ngũ sắc (xanh – đỏ – vàng – trắng – đen), ngũ vị (chua – đắng – ngọt – cay – mặn),… những viên gạch hình năm vòng tròn cũng ngụ ý theo các phương, phong thủy, ngũ thời, ngũ sắc, ngũ vị… Ở khu vực này, đây là những viên gạch khá hiếm, ít thấy trang trí ở các dinh thự, đình chùa. Có công năng dùng trang trí hoa văn, ốp trang trí bệ thờ, ốp đường viền hay lan can. Những viên gạch trang trí này được đặt ở những vị trí ít chịu tác động bởi thời tiết và con người nên còn khá nguyên vẹn, nhìn thấy được hoa văn in trên gạch. Có lẽ vì đây là một công trình quy mô lớn nên mới có những viên gạch từ phía Bắc chuyển vào tận nơi này.

Các mảnh gốm, được xác định có niên đại vào thế kỷ XVIII – XIX, do những cư dân trong vùng nặn đốt dùng hàng ngày (nghề nặn cà ràng – người Khmer gọi là kran). Đây là những vật dụng phục vụ đời sống hàng ngày của bổn tự.

52

Các đồng tiền, tiền “Khang Hy thông bảo” do vua Khang Hy thời nhà Thanh đúc năm 1713 – 1722, đang trong tình trạng cũ, mòn, hoen rỉ. Đây là tiền do thương nhân người Trung Quốc hoặc trong lúc giao thương với họ có được những đồng tiền này đã đến phụng cúng. Cần nói rõ thêm, từ năm 1730, Mạc Cửu mới tổ chức dựng ngôi thờ cho mẹ tu học với Thiền sư Huỳnh Long từ miền Trung đi vào, còn đồng tiền Khang Hy đã có trước đó. Ngoài ra, còn vài đồng tiền trông như tiền do Mạc Thiên Tích đúc khi được tập quyền cha làm Tổng đốc Hà Tiên vào năm 1736 [6]. Vì là tiền bản xứ nên được tìm thấy tại Bồ Đoàn là việc đương nhiên [7].

Như vậy, vào thời kỳ này đã có một số đồng tiền chung, dùng làm phương tiện trao đổi hàng hóa và sinh hoạt cho nhiều quốc gia trong một số khu vực cư dân nhất định, trong đó có khu vực này. Người tin vào Phật giáo đã đến đây và cúng dường những đồng tiền này cho Thiên Trúc tự.

Tóm lại, có thể khẳng định qua các hiện vật được tìm thấy, đã chứng minh đây là dấu tích của một ngôi chùa cổ cách đây hơn 400 năm, được cúng dường và cất giữ tại chỗ cho đến ngày nay tìm thấy. Hiện vật cho thấy, có một quá trình phát triển khá liên tục qua ba thế kỷ (XVII – XIX). Vật phụng cúng là những vật có giá trị theo từng niên đại và diễn biến của lịch sử địa phương. Sự tồn tại của hiện vật tại ngôi cổ tự này đã minh chứng sự trù phú, giàu có của cư dân ở nơi này. Rất cần có sự tiếp tục tìm hiểu để minh chứng cụ thể hơn những tiến trình thành lập, tồn tại và phát triển của ngôi Thiên Trúc tự, góp phần làm phong phú thêm lịch sử Phật giáo và lịch sử địa phương.

Chú thích:

* Lê Tô Nam, Thạc sĩ Tôn giáo học

[1] Seima là trụ mốc giới xây dựng, được đặt bên ngoài hoặc bên trong công trình xây dựng.

[2] Ô dước là một hỗn hợp gồm có vôi sống, vôi tôi, vỏ nghêu sò, san hô nghiền vụn, cát, mật đường, mật ong, nhựa dây tơ hồng, than củi.

[3] Nhà nghỉ ngơi, tịnh tâm của Trụ trì.

[4] Lê Hương, Sử Cao Miên, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1970, tr.168.

[5] Lê Hương, Sử Cao Miên, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1970, tr.157.

Quốc vương Ponhea Chan (1642 – 1659) cưới vợ người Malaysia (Mã Lai) và nhờ người Malaysia đã được lên ngôi vua, nên cải đạo từ Phật giáo sang Hồi giáo, lấy tên là Ibrahim, ban bố nhiều ân huệ cho người Chăm và người Malaysia, cắt giao thương với Bồ Đào Nha. Việc làm này đã dẫn đến sự bất bình trong các quan tại triều và đối với người Bồ Đào Nha.

[6] Tháng 02/1736, sau khi Mạc Cửu qua đời được 01 năm, Mạc Thiên Tích được tập quyền cha làm Khâm sai Đô đốc Tung Đức hầu, được ban cho chiến thuyền Long bài, miễn cho lệ thuế thuyền buôn, hàng năm được đi nước ngoài mua vật quý dâng lên triều đình và ban ơn cho mở một lò đúc tiền.

[7] Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Nxb. Giáo dục, 1999, tr.120.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Ngôi chùa cổ kính giữa biển khơi

Chùa Việt 11:20 27/03/2024

Linh Quang tự nằm trên một ngọn đồi cao ở thôn Mỹ Khê, xã Tam Thanh, là ngôi chùa đầu tiên trên đảo Phú Quý, gắn chặt với đời sống văn hóa tín ngưỡng và tâm linh của các thế hệ người dân trên đảo.

Tìm về ngôi chùa cổ xưa bậc nhất TP. HCM

Chùa Việt 18:50 24/03/2024

Tọa lạc trên đường Đặng Văn Bi, thành phố Thủ Đức, chùa Huê Nghiêm (còn gọi là Huê Nghiêm cổ tự) là ngôi chùa lâu đời bậc nhất ở TPHCM, do Thiền sư Thiệt Thoại – Tánh Tường lập vào thế kỷ 18.

Viếng chùa Tân Chánh

Chùa Việt 17:35 23/03/2024

Chùa Tân Chánh toạ lạc trên diện tích khoảng 3.300m2 thuộc tổ 3 thôn Phú Lộc Đông, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà.

Thiền Viện Trúc Lâm Phú Yên, nơi tĩnh lặng và bình yên trên Cao nguyên Vân Hòa

Chùa Việt 11:00 21/03/2024

Được xây dựng trên Cao nguyên Vân Hòa, Thiền Viện Trúc Lâm Phú Yên trở thành điểm đến của nhiều Tăng Ni Phật tử cùng du khách, nơi tất cả được hòa mình vào thiên nhiên, tìm kiếm sự tĩnh lặng và yên bình trong tâm hồn.

Xem thêm