Chùa Trầm, chốn bồng lai tiên cảnh trên đất Long Châu
Quần thể di tích và danh thắng chùa Trầm nằm ở khu vực núi Trầm, thôn Long Châu, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Chùa là một trong "tứ đại danh thắng của xứ Đoài".
Nơi đây gồm nhiều địa điểm lịch sử, văn, kiến trúc và danh lam thắng cảnh, tựa như “chốn bồng lai tiên cảnh”: Chùa Trầm, Chùa Vô Vi, Chùa Hang, Chùa Ba Làng, Chùa Cao...
Chốn bồng lai trên nhân gian
Các cụ già ở thôn Long Châu vẫn kể lại cho con cháu về truyền thuyết núi Trầm thưở xa xưa: Có một ngôi sao sáng, đẹp nhất thiên đình là Tử Vi tinh, tự nhiên rơi xuống trần gian và hóa thành dãy núi đá Tử Vi tinh. Dãy núi đá này gọi là Tử Trầm Sơn. Nguyên xưa, Tử Trầm Sơn gồm đỉnh lớn như con phượng hoàng khổng lồ nhô đầu lên, vì vậy còn gọi là Ngũ Nhạc Sơn. Đến thời Lý, Trần thì đổi tên theo truyền thuyết là Tử Trầm Sơn.
Theo sách "Đại Nam nhất thống chí" miêu tả phong cảnh núi Trầm: Giữa đất bằng nổi lên mấy ngọn núi đá cao chót vót, dưới có động, trên có chùa Vô Vi (xây dựng năm 968), núi nước quanh nhau, xưa vua Lê dựng hành cung ở đây, đào hồ ven núi để tiện đi thuyền, vì thế gọi là Long Châu. Trên núi có đá âm, đá dương, tương truyền khi nào đá dương kêu thì trời nắng, đá âm kêu thì trời mưa.
Toàn bộ khu vực Tử Trầm Sơn xưa kia được dòng sông Hát uốn lượn bao quanh gần hết ba mặt, thiên tạo hùng vĩ. Dưới thời trị vì của vua Lê Trang Tông (1516 - 1522), đã cho dựng hành cung vào năm 1516 dưới chân núi Bút. Thời này nhà vua đã sai dân khai sông suối quanh núi để ngự thuyền rồng ngắm cảnh tạo nên cảnh sơn thủy hữu tình, sơn kỳ thủy tú. Tiếc rằng, tháng 4 năm 1993, núi Bút bị sập do phá đá nung vôi, cho đến thời điểm này, khu hành cung núi Bút đã bị san phẳng.
Hiện nay, trải khắp các vách động là hàng loạt bia ma nhai, khắc chìm nhiều văn bia quý giá cho di sản Hán Nôm của dân tộc. Dựa trên tư liệu văn bia cho ta biết chùa hiện tồn do Thiền sư Nguyễn Tiến Chiêu, tự Đạo Ngạn, hiệu Huyền Minh đứng ra hưng công, thập phương đóng góp bắt đầu từ tháng 3 năm Mậu Thân (năm 1668) trùng tu, tôn tạo để rồi đến ngày 14 tháng 12 (nhuận) năm Cảnh Trị thứ 7 (năm 1669) cho khắc bia để lưu truyền hậu thế:
“Thường nghe, chính sách đưa việc phúc vào chùa để mọi người đều đem tâm sáng lập giữ gìn làm việc phúc dù nhiều ít thảy đều được hưởng phúc vậy. Nay có Phật tích sơn ở chùa Long Tiên, ngọn núi có hình thứu lĩnh (cảnh Phật), cảnh trí tựa chốn Bồng Côn (cảnh tiên), phía Bắc có dòng sông Hát uốn khúc, phía Tây có dãy núi Tản trập trùng, trên chùa có núi đá, dưới am có ao sâu, giữa là nơi đất bằng phẳng xây dựng lâu đài đẹp đẽ, thắng cảnh thật là chốn danh lam đệ nhất. Trước chùa là những dấu tích của trời đất nguy nga tạo dựng. Sau chùa là hang sâu, bao đời các Thánh tổ đã để lại cảnh trí Phật tiên xuất thế mà ức vạn năm hương lửa phụng thờ, nước cầu dân chúc thật là linh thiêng muôn thuở vậy. Trải qua biết bao đời kể từ lúc hoang sơ đến nay đã bao lần tại dựng trùng tu để lại thành quả cho ngày nay thật là công đức vô lượng”.
Hiện nay, trong động Long Tiên danh lam, cổ tích dưới thời Lê, Nguyễn hiện vẫn còn 48 pho tượng được vua Lê Hy Tông sai thợ đục, tạc vào năm Chính Hòa thứ 17 (1696). Động Long Tiên có lỗ thông thoáng từ trên đỉnh núi chiếu ánh sáng tự nhiên vào các pho tượng Phật tạo nên một không gian ba chiều huyền ảo, như đưa du khách tới chốn mộng của cõi tiên.
Nơi ghi dấu trong lịch sử Cách mạng Việt Nam
Thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, động Long Tiên là nơi tạm trú ít ngày của Chính phủ trước khi di chuyển lên chiến khu Việt Bắc. Ngày 19 tháng 12 năm 1946 là ngày bắt đầu Toàn quốc kháng chiến thì tại hang Trầm, một ngày sau đó, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi đây, hiện vẫn còn dấu tích ghi lại sự kiện này.
Tại đây còn ghi dấu nhiều sự kiện gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo nhật ký của đồng chí Vũ Kỳ trong sách "Thư ký Bác Hồ kể chuyện" - Những bức thư kể chuyện Bác Hồ: ngày 30 Tết năm 1947, hồi 22 giờ 30 phút, Bác từ Quốc Oai về chùa Trầm qua Đài Tiếng nói Việt Nam và Người đã đọc bài “Thơ chúc Tết Xuân Đinh Hợi - 1947”, gửi tới đồng bào Tết đầu kháng chiến:
Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng. Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào! Sức ta đã mạnh, người ta đã đông Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi! Thống nhất độc lập, nhất định thành công!
Đây là bài thơ chúc Tết đầu tiên của Bác Hồ sau khi cả nước cầm súng đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Từ đó trở đi, đêm 30 Tết mọi người lại chờ mong nghe Bác đọc thơ mừng năm mới. Hôm ấy, Bác Hồ nói chuyện thân mật với anh em cán bộ, nhân viên Đài Phát thanh, khuyên mọi người hết sức tiết kiệm để kháng chiến lâu dài. Bác hẹn “bao giờ kháng chiến thắng lợi, độc lập thành công, chúng ta cùng nhau ăn Tết vui vẻ”. Sắp ra về, sư trụ trì chùa Trầm xin được gặp Bác. Bác chúc sức khỏe và viết tặng nhà sư trụ trì đôi câu đối viết bằng chữ Hán.
Phiên âm: Cao sơn hữu ý thiên niên bút Lưu thủy vô thanh vạn cổ cầm Dịch nghĩa: Núi cao cảnh đẹp không bút nào tả hết Nước chảy trong hang hay hơn tiếng đàn Dịch thơ: Núi cao hàm ý ngàn năm viết Nước chảy êm ngân vạn tiếng đàn. (GS. Nguyễn Tri Niên - Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
GS. Nguyễn Tri Niên cho rằng: “Chỉ với hai câu thơ đó, chúng ta thấy được một tâm hồn phương Đông ung dung tự tại, tiên phong đạo cốt, trầm tĩnh mặc dầu tình hình đất nước đang ở thế nghìn cân treo sợi tóc”.
Chùa Trầm trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước là nơi đóng quân của nhiều đơn vị quốc phòng. Ngày 3 tháng 7 năm 1966, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân Việt Nam vinh dự đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm nơi đóng quân tại đây. Bác làm việc cả ngày, Người tĩnh tâm suy nghĩ việc nước, viết tài liệu rồi đi thăm nơi huấn luyện, làm việc, nơi ăn chốn ngủ của bộ đội. Chiều hôm đó, trước khi ra về, Bác Hồ nhắn gửi: “Các chú cần phải làm tốt nhiệm vụ của mình... đoàn kết với nhân dân, được dân tin, dân mến mới bảo vệ được mình...”. Sau vài ngày đơn vị bộ đội đã đắp con đường đặt tên là đường Quyết Thắng để cho nhân dân đi làm đồng được thuận tiện, trở thành dấu ấn cho cuộc gặp với Người.
Đêm 18.12.1972, chùa Trầm là trung tâm chỉ huy chiến dịch đánh trả B-52 tập kích miền Bắc, tạo nên bản hùng ca lịch sử, chiến thắng của 12 ngày đêm khói lửa. Các đơn vị quốc phòng đóng quân ở chùa Trầm đều vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Chính phủ về thăm như: Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp... để lại dấu tích lịch sử đáng ghi nhớ.
Quần thể di tích và danh thắng chùa Trầm đã được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao - Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1964.
Nguồn: Báo Lao Động
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Bảo vật quốc gia chuông chùa Thiên Mụ
Chùa Việt 09:28 19/12/2024Chùa Thiên Mụ, nằm bên bờ sông Hương thơ mộng, không chỉ là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của thành phố Huế mà còn là một công trình kiến trúc và văn hóa có giá trị lịch sử sâu sắc.
Độc đáo ngôi chùa cổ ở TP. HCM được trang trí bằng 30 tấn mảnh sành, sứ
Chùa Việt 09:37 18/12/2024Mất khoảng 20.000 ngày công để gắn hơn 30 tấn mảnh sành, sứ phế liệu lên toàn bộ công trình, chùa An Phú sở hữu nhiều kỷ lục Việt Nam, trở thành ngôi chùa có kiến trúc độc đáo bậc nhất TPHCM.
Truyền thuyết ly kỳ ở ngôi chùa cổ có mái xanh nổi bật TPHCM
Chùa Việt 10:02 09/12/2024Không chỉ là một trong những ngôi chùa cổ nhất TPHCM, chùa Huê Nghiêm còn lưu truyền truyền thuyết ly kỳ về người phụ nữ giàu có, sau khi chết tái sinh thành công chúa.
Chiêm ngưỡng nhiều cảnh “độc, lạ” ở chùa Linh Sơn
Chùa Việt 09:37 07/12/2024Nằm trên gò cao bên triền núi Ba Thê, chùa Linh Sơn có kiến trúc nghệ thuật độc đáo trong quần thể di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê (thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn). Từ lâu, nơi đây được xem là địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng khắp vùng. Tham quan ngôi chùa trăm năm tuổi, chúng ta sẽ cảm nhận vẻ đẹp an yên, thanh tịnh ở đây.
Xem thêm