Chủ nhật, 30/04/2023, 06:23 AM

Chứng nghiệm sự giải thoát và hạnh phúc thực sự

Khi đối diện với mọi thăng trầm của cuộc đời, mà tâm ta không lay chuyển, không than van, không tạo ra bất tịnh, luôn vững tâm; đây là hạnh phúc lớn nhất

49-800x445
 

Chứng nghiệm sự giải thoát và hạnh phúc thực sự

Sự giải thoát có thể đạt được. Ta có thể thoát khỏi mọi nghiệp chướng, mọi đau khổ. Đức Phật giảng:

“Có một cảm quan vượt khỏi toàn bộ lãnh vực tâm, toàn bộ lãnh vực thân, nó không phải là thế giới này hay thế giới kia, hay cả hai, không phải là mặt trời hay mặt trăng. Cái đó ta gọi là không sinh, không diệt, không trụ, không chết, không tái sinh. Nó tự tại, không phát triển, không nền móng. Đây là sự chấm dứt của khổ đau.”1

Ngài còn nói:

“Có một cái không sinh, không trở thành, không tạo dựng, không điều kiện. Nếu như không có cái không sinh, không trở thành, không tạo dựng, không điều kiện, thì sẽ không có sự giải thoát được biết đến từ cái sinh, cái trở thành, cái tạo dựng, cái có điều kiện. Nhưng vì có cái không sinh, không trở thành, không tạo dựng, không điều kiện, nên mới có sự giải thoát khỏi cái được sinh ra, cái trở thành, cái được tạo dựng, và những cái có điều kiện.”2

Niết bàn không phải là một trạng thái để ta đến sau khi chết. Nó là trạng thái để ta kinh nghiệm được ngay trong ta, ngay tại đây và ngay bây giờ. Nó được diễn tả bằng những từ ngữ tiêu cực, không phải vì nó là một kinh nghiệm tiêu cực, nhưng vì người ta không biết diễn tả nó bằng cách nào khác. Mỗi ngôn ngữ đều có những từ để diễn tả toàn bộ lãnh vực của những hiện tượng tâm và vật chất. Nhưng không có từ hay quan điểm để diễn tả những điều vượt ra ngoài tâm và thân. Nó thách đố mọi quan điểm, mọi khác biệt. Chúng ta chỉ có thể diễn tả bằng cách nói về những gì không phải là nó.

§  1  Udana, VIII.1.

§  2  Udana, VIII, 3.

Thật ra cố gắng mô tả Niết-bàn là vô ích. Bất cứ một sự mô tả nào cũng chỉ làm rối trí mà thôi. Thay vì thảo luận và bàn cãi về nó, ta hãy kinh nghiệm nó. Đức Phật nói: “Sự thật thánh thiện này về sự chấm dứt khổ phải do chính mỗi người tự chứng nghiệm.”1 Chỉ khi nào kinh nghiệm được Niết-bàn thì Niết-bàn mới là thật với người đó, và mọi bàn cãi về nó đều trở nên không thích hợp.

Để kinh nghiệm được sự thật tối hậu về giải thoát, điều kiện tiên quyết là phải xuyên thấu qua sự thật hiển nhiên và chứng nghiệm được sự tan rã của tâm và thân. Càng vào sâu trong thực tại hiển nhiên, ta càng bỏ được sự thèm muốn, chán ghét, bám chấp và càng tiến gần hơn đến sự thật tối hậu. Luyện tập từng bước thì dĩ nhiên sẽ đến giai đoạn chứng ngộ được Niết bàn. Chẳng có ích lợi gì mà mong cầu nó, không có lý do để nghi ngờ việc nó sẽ đến. Nó đến với bất cứ ai thực hành Pháp đúng cách. Việc nó đến tùy thuộc một phần vào sự tích tụ của nghiệp trong mỗi người, một phần khác tùy thuộc vào sự cố gắng của người đó trong việc xóa bỏ những nghiệp đó. Những gì ta có thể làm, và cần phải làm để đạt tới đích là tiếp tục quan sát từng cảm giác mà không phản ứng.

Ta không thể xác định được là khi nào ta kinh nghiệm được Niết-bàn, nhưng ta có thể chắc chắn ta đang tiến về nó. Ta có thể kiểm soát trạng thái hiện tại của tâm. Nếu ta duy trì được sự bình tâm dù chuyện gì xảy ra ở ngoài hay trong ta, thì ta vẫn đạt được giải thoát ngay trong giờ phút này. Một người đã đạt đến mục đích tối hậu nói: “Trừ tuyệt thèm muốn, trừ tuyệt chán ghét, trừ tuyệt vô minh là Niết bàn.”2 Cho tới khi tâm được như vậy thì ta kinh nghiệm được giải thoát.

§  1  S.LVI (XII).ii. 1 , Dhamma-cakkapavattana Sutta

§  2  S.XXVIII (IV). 1, Nibbana Panha Sutta. Diễn giả là Sariputta

Mỗi giây phút ta thực hành Vipassana đúng cách, ta có thể kinh nghiệm được giải thoát. Sau cùng, Pháp, theo định nghĩa, phải có kết quả ngay tại đây và ngay bây giờ chứ không phải ở tương lai. Chúng ta phải kinh nghiệm những lợi ích của sự hành thiền ở mọi bước trên con đường, và mọi bước phải đưa thẳng đến đích. Tâm vào lúc không còn nghiệp là một tâm bình an. Mỗi lúc như vậy đưa ta đến gần hơn sự giải thoát hoàn toàn.

Ta không thể cố gắng phát triển Niết-bàn, vì Niết-bàn không thể phát triển; nó đơn giản hiện hữu. Nhưng ta có thể phát triển phẩm chất dẫn ta đến Niết-bàn, phẩm chất của sự bình tâm. Mỗi khi quan sát thực tế mà không phản ứng là ta đã tiến sâu vào thực tế tối hậu. Phẩm chất cao quý nhất của tâm là sự bình tâm căn cứ trên sự ý thức hoàn toàn về thực tế.

Hạnh phúc thật sự

Có lần Đức Phật được hỏi về chân hạnh phúc. Ngài đã đề ra nhiều hành động tốt lành đưa tới hạnh phúc. Những hành động đó chia làm hai loại: Thực hành những công việc góp phần vào hạnh phúc của tha nhân bằng cách làm đầy đủ bổn phận của mình đối với gia đình và xã hội, và thực hành những hành động để thanh lọc tâm. Sự tốt lành của một người không thể tách rời khỏi sự tốt lành của những người khác. Và cuối cùng Ngài đã nói:

Khi đối diện với mọi thăng trầm của cuộc đời, mà tâm ta không lay chuyển, không than van, không tạo ra bất tịnh, luôn vững tâm; đây là hạnh phúc lớn nhất.1

1 Sutta Nipata, II.4, Maha-mangala Sutta.

Bất cứ việc gì xảy ra, dù ở trong tiểu vũ trụ của tâm và thân của chính mình hay đại vũ trụ, ta có thể đối diện nó – không phải với sự căng thẳng, hay với thèm muốn và chán ghét bị đè nén- mà với sự hoàn toàn thanh thản, với nụ cười phát xuất từ đáy lòng. Trong mọi tình huống, dù dễ chịu hay khó chịu, như ý hay bất như ý, ta không bồn chồn, mà cảm thấy hoàn toàn yên ổn, yên ổn trong sự hiểu biết về lẽ vô thường. Đây là phước lành lớn lao nhất.

Biết được mình làm chủ mình, không gì có thể khống chế mình, mình có thể chấp nhận một cách vui vẻ bất cứ chuyện gì xảy ra trong đời – đó là tâm hoàn toàn quân bình, đây là sự giải thoát thật sự. Điều này có thể thực hiện được ngay tại đây và ngay bây giờ do hành thiền Vipassana. Sự bình tâm thật sự này không phải là tiêu cực hay sự thản nhiên thụ động. Nó không phải là sự phục tùng mù quáng, hay sự thờ ơ của một người trốn tránh những khó khăn của cuộc đời, của người né tránh thực tại. Trái lại, tâm thực sự quân bình căn cứ trên sự ý thức đầy đủ về những khó khăn, ý thức về mọi tầng lớp của thực tại.

Không còn thèm muốn hay chán ghét không có nghĩa là có thái độ cứng rắn vô tình, trong đó ta hưởng sự giải thoát cho riêng mình mà không thèm để ý đến sự đau khổ của người khác. Trái lại, sự bình tâm thực sự được gọi một cách đúng đắn là “sự vô tâm thiêng liêng”. Nó là một đức tính sống động, là một sự diễn tả của tâm thanh tịnh. Khi ta thoát khỏi được tập quán phản ứng mù quáng, lần đầu tiên tâm ta có thể hành động tích cực, vừa sáng tạo, và lại vừa hữu ích cho mình và cho người. Cùng với sự quân bình, tâm thanh tịnh còn nảy sinh những đức tính khác: thiện chí, lòng thương yêu muốn giúp đỡ người khác mà không cầu mong được đền đáp; lòng từ bi đối với tha nhân trong lúc thất bại và đau khổ; sự vui mừng đầy thiện cảm đối với sự thành công và may mắn của họ. Bốn đức tính trên là kết quả tất nhiên của phương pháp thiền Vipassana.

Trước kia ta luôn giữ những gì tốt cho riêng ta, và đẩy những gì ta không thích cho người khác. Bây giờ ta hiểu được rằng hạnh phúc của chính ta không thể do sự mất hạnh phúc của người khác, rằng khi ta mang hạnh phúc đến cho người khác thì chính ta cũng được hạnh phúc. Bởi vậy ta tìm cách chia sẻ những gì tốt ta có với người khác. Đã thoát ra khỏi khổ đau, và thể nghiệm được sự bình an của giải thoát, ta ý thức được rằng đó là điều tốt lành lớn nhất. Vì vậy ta muốn người khác cũng có thể trải nghiệm sự tốt lành này, và tìm được con đường thoát khổ.

Đây là kết luận hữu lý của pháp thiền Vipassana: mettā- bhāvanā, sự phát triển thiện chí đối với người khác. Trước kia, ta có thể nói về những tình cảm đó ở đầu môi chót lưỡi, nhưng trong thâm tâm những tiến trình về thèm muốn và chán ghét vẫn tiếp diễn. Bây giờ những tiến trình phản ứng một phần nào đã ngưng, tập quán ích kỷ cũ đã mất đi, và thiện chí tự nhiên tuôn tràn tự đáy lòng. Với toàn thể sức mạnh của một tâm thanh tịnh đằng sau nó, thiện chí có thể rất mạnh trong việc tạo nên một bầu không khí an bình và hòa hợp hữu ích cho tất cả mọi người.

Có những người tưởng rằng luôn luôn ở trong trạng thái quân bình có nghĩa là không thể vui hưởng những lạc thú của cuộc đời, giống như một họa sĩ có mực họa đủ màu, nhưng chỉ dùng một màu xám. Hay như một người với chiếc dương cầm chỉ chơi một âm giai C. Đây là sự ngộ nhận về sự bình tâm. Sự thật thì cây đàn bị chùng dây, và ta không biết chơi đàn như thế nào. Chỉ gõ xuống những phím đàn để tự diễn tả sẽ chỉ tạo ra những cung đàn lỗi nhịp. Nhưng nếu ta học cách lên dây đàn, và đàn đúng, thì ta có thể tạo ra nhạc điệu. Ta dùng tất cả các phím đàn từ nốt thấp nhất đến nốt cao nhất, thì mọi nốt ta chơi là sự hòa hợp và tiết điệu.

Đức Phật nói trong việc thanh lọc tâm và đạt được “Trí tuệ ở mức độ hoàn hảo nhất”, ta chứng nghiệm được “sự an lạc, sự hoan hỉ, sự bình tâm, ý thức, sự hiểu biết trọn vẹn, và hạnh phúc thật sự”. Với một tâm quân bình, ta có thể vui hưởng đời nhiều hơn. Khi tình huống dễ chịu xảy ra, ta tận hưởng nó với sự ý thức hoàn toàn vào giây phút hiện tại. Nhưng khi kinh nghiệm đó qua đi, ta không chán nản. Ta tiếp tục mỉm cười và hiểu rằng nó phải thay đổi. Cũng vậy, khi một trường hợp khó chịu xảy ra, ta không bực mình. Thay vào đó, ta hiểu nó, và vì làm như vậy, có lẽ ta có thể thay đổi hoàn cảnh. Nhưng nếu ta không thể thay đổi được, thì ta vẫn giữ được sự bình tâm, và hiểu rõ ràng kinh nghiệm này là vô thường, rồi nó sẽ qua đi. Bằng cách giữ tâm không căng thẳng, ta có thể có một đời sống thú vị và phong phú hơn.

Có một câu chuyện ở Miến Điện, người ta thường chỉ trích các học trò của Thiền sư Sayagyi U Ba Khin, nói rằng họ thiếu tư cách nghiêm trang thích hợp của những người hành thiền Vipassana. Trong một khóa học, những người chỉ trích thừa nhận, những học trò hành thiền rất nghiêm túc đúng mực, nhưng sau đó họ luôn luôn tỏ ra vui vẻ và tươi cười. Khi lời phê bình đến tai Đại sư Webu Sayadaw, một trong những vị sư được tôn kính nhất ở Miến Điện, Ngài trả lời: “Họ tươi cười vì họ có thể tươi cười.” Nụ cười của họ không phải do ràng buộc hay vô minh, mà do Pháp. Một người tâm đã được thanh tịnh thì không cau có. Khi không còn đau khổ thì lẽ dĩ nhiên ta tươi cười. Khi ta học được con đường giải thoát, lẽ dĩ nhiên ta cảm thấy hạnh phúc.

Nụ cười phát xuất từ tâm diễn tả không gì ngoài sự bình an, quân bình, và thiện chí, một nụ cười tươi sáng ở bất cứ trường hợp nào là hạnh phúc thật sự. Đây là mục đích của Dhamma (Pháp).

Bài viết trích từ cuốn Nghệ Thuật Sống – The Art Of Living – Thiền Sư S.N. Goenka & William Hart.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Hãy nhẹ nhàng với bản thân, hãy tin rằng bạn xứng đáng

Sống an vui 17:30 22/12/2024

Bóng tối lớn nhất không phải là những gì ta đối diện bên ngoài, mà là cách ta nhìn nhận chính mình trong tấm gương của cuộc đời. Nó không đến từ thế giới xung quanh, mà từ những lời tự trách, những suy nghĩ tiêu cực, và những nghi ngờ sâu kín mà ta nuôi dưỡng trong tâm trí.

Uống nước táo đỏ và kỷ tử mỗi ngày có lợi ra sao?

Sống an vui 16:03 22/12/2024

Nước táo đỏ và kỷ tử là thức uống tốt cho sức khoẻ được nhiều người yêu thích, dưới đây là 4 lợi ích của việc uống nước táo đỏ và kỷ tử mỗi ngày.

Chuyển hóa năng lượng tắc nghẽn bằng trọn vẹn nhận biết

Sống an vui 07:45 22/12/2024

Để chuyển hóa năng lượng, ta không cần phải làm điều gì quá lớn lao, ta chỉ cần thường xuyên trở về với sự nhận biết và an trú trong nó. Điều này có thể giống như một quá trình đơn giản, nhưng lại là chìa khóa để mở ra những thay đổi lớn lao.

Thân bệnh, tâm không bệnh

Sống an vui 07:40 22/12/2024

Một khi thân bệnh mà tâm không bệnh, thì dù thân bệnh nặng cũng không vì vậy mà khổ...

Xem thêm