Chuyện vãng sanh của ông Lê Văn Hiếu (1940 - 2001)
Sư Cô cùng mọi người tiếp tục hộ niệm. Vài phút sau, bỗng ông thở ra ba hơi dài, mỗi hơi cách khoảng vài giây; mặt hơi ngẩng lên, nửa như từ giã, nửa như cám ơn mọi người, rồi trút hơi thở sau cùng, lúc 5 giờ 53 phút chiều ngày mùng 8 tháng 2 năm 2001. Ông hưởng thọ 61 tuổi.
Ông Lê Văn Hiếu sinh ngày 23 tháng 11 năm 1940, trong một gia đình trung lưu tại Long An. Sau, dời về Xóm Củi ở Chợ Lớn và thường đi chùa Long Vân với bà ngoại và biết tụng kinh hồi nhỏ.
Hơn 10 tuổi, đã đi theo Sư Ông chùa Long Vân hộ niệm cho người hấp hối hoặc dự các đám tang.
Là một thanh niên có tâm đạo nên dù ở đâu, hễ rảnh là đến chùa lễ Phật, nghỉ phép về nhà, lại theo bà ngoại đi chùa.
Mấy năm sau giải ngũ, Hiếu lập gia đình với Nguyễn Ngọc Nuôi. Có tất cả là tám người con, một trai, bảy gái. Sinh sống bằng nghề buôn bán ở Chợ Lớn.
Vào các ngày rằm, ngày lễ, Hiếu thường theo đoàn hành hương viếng các chùa Ấn Quang, chùa Trà Cú, Bến Tre, Mỹ Tho, Núi Bà…
Năm 1982, ông cùng vợ con quy y Tam Bảo với Hòa Thượng Thích Thành trụ tại chùa Đông Hưng ở Thủ Thiêm. Hiếu được Pháp danh Đồng Hưng và vợ là Đồng Thịnh.
Hiếu là một người có tâm đạo, buôn bán thì luôn bán rẻ cho mọi người, không hề nói thách. Đi chùa nào, thì lo tiếp tay với các Sư xây dựng sửa sang chùa ấy.
Năm 1992, ông qua Mỹ, dành dụm tiền gởi về Việt Nam tu bổ chùa Long Vân. Các con ông muốn xin vô làm việc ở sòng bài, ông cấm ngặt không cho.
Cuộc đời và ký sự vãng sanh của ba tôi, biết trước một tháng ngày vãng sanh
Chẳng bao lâu, Hiếu bị bệnh tiểu đường. Bệnh này thường kéo theo huyết áp cao, lá lách sưng và thận bị hư nặng. Sau đó, chân ông bị liệt, không còn đi được nên không thể quỳ lạy Phật.
Thấy ông bị bệnh nặng, ngồi một chỗ buồn bực, bà sợ chồng mình tự vận để khỏi phải đau đớn, nên thường đến bên cạnh khuyên rằng:
- “Mẹ con em sẽ tận tâm chăm sóc cho anh, anh đừng nên nghĩ đến hủy hoại thân. Anh hãy ráng tĩnh tâm rửa sạch nghiệp. Chỉ có Phật A Di Đà mới cứu độ được anh. Anh hãy ráng lo niệm Phật.”
Ông trả lời:
- “Tôi biết mà bà, tôi lúc nào mà không niệm Phật!”
Mỗi ngày sáng và chiều, ông đều thắp nhang xá Phật, vì không lạy được. Đúng giờ, ông đều nhắc vợ con chuẩn bị thắp nhang. Những giờ khác, ông nín lặng ngồi nghe băng giảng, hoặc lặng lẽ ngồi nghe máy niệm Phật và niệm theo.
Ông âm thầm hành trì như thế, mãi đến cuối tháng giêng năm 2001, bệnh bắt đầu trở nặng; gia đình đưa ông đến bệnh viện Fairfax. Tại đây, ông hoàn toàn đi vào cơn hôn mê. Vợ ông cấp tốc cung thỉnh Sư Cô Luân Liên, Trí Liên cùng các liên hữu đến để tụng kinh cầu nguyện và trợ niệm cho ông.
Khi đoàn người đến bệnh viện, khắp thân ông toàn là dây sợi chằng chịt của các biểu đồ theo dõi lâm sàng, và ống tiếp trợ từ bình dưỡng khí. Bạn của ông là Thiện Viên, nhìn thấy ông bất động liền ứa nước mắt, đến bên cạnh nói khẽ:
- “Anh hãy cố phấn đấu trong cơn bạo bệnh, vắng anh các cháu sẽ khổ lắm!”
Sư Cô Luân Liên liền ngắt:
- “Trong tình huống này, tuyệt đối không được khơi động tình cảm gia thê của chú; nó sẽ làm trở ngại rất lớn trong việc hộ niệm cho chú ấy.”
Nói xong, Sư Cô tiến đến bên giường bệnh nhân; bằng âm điệu đều đều và nhẹ nhàng:
- “Chú Đồng Hưng, hôm nay Sư Cô đến đây để niệm kinh cầu nguyện cho chú, chú hãy tịnh tâm gạt bỏ mọi tình cảm thế gian, dứt bỏ mọi tạp niệm, nhứt tâm niệm Hồng Danh A Di Đà, cầu nguyện lực của Ngài tiếp độ cho chú.”
Mặc dù trong cơn nửa tỉnh nửa mê, nhưng sau những lời pháp nhẹ nhàng từ ái của Sư Cô, toàn thân ông chấn động, môi mấp máy, mi mắt cùng mấy ngón tay rung động, chiếc giường chuyển động lên xuống mấy lần.
Sư Cô cho biết là ông đã cảm nhận được, mặc dù trong cơn hôn mê; Sư Cô hướng dẫn mọi người niệm chú Dược Sư và niệm Hồng Danh Phật A Di Đà.
Sau thời trợ niệm, trước khi về, Sư Cô để lại một máy niệm Phật trầm bổng của Thầy Thích Giác Sơn bên tai, vừa đủ cho ông nghe.
Liên tục nhiều lần trợ niệm, Sư Cô đề nghị với gia đình:
- “Chú Đồng Hưng đến giai đoạn hết cách cứu chữa. Bác sĩ cho biết rằng, bệnh nhân cần phải phẫu thuật để dẫn sữa từ ngoài vào dạ dày để cung cấp dinh dưỡng, nhưng tình trạng sức khỏe không đảm bảo an toàn sau thời kỳ hậu phẫu thuật. Vậy nên đưa chú Đồng Hưng trở về nhà!”
Mọi người đều tán đồng, để tiện lợi cho việc hộ niệm và cầu nguyện. Tuy bệnh trạng rất trầm trọng nhưng nhờ hộ niệm nên ông rất tỉnh táo nhẹ nhàng. Khi hiểu được ý định mình sẽ được đưa về nhà lo trợ niệm, ông đã biểu hiện phấn khởi, tay chân mi mắt rung động, nhép miệng với thần thái an tịnh.
Lúc 11 giờ trưa ngày mùng 8 tháng 2 năm 2001, ông xuất viện, với bộ phận tiếp trợ dưỡng khí và y tá đi theo.
Về đến nhà, Sư Cô Luân Liên lại gần bên khai thị.
- “Chú Đồng Hưng, Sư Cô, Ni Cô cùng quý đạo hữu và gia đình đồng cầu nguyện, hộ niệm cho chú được nhẹ nhàng an lạc. Chú hãy gạt bỏ mọi vọng niệm; nhớ niệm Phật theo, ráng nhứt tâm, đừng gián đoạn, Chư Phật sẽ tiếp độ cho chú.”
Một lần nữa, mi mắt, bàn tay ông rung động nhẹ, hơi thở mạnh hơn, như muốn gắng gượng ngồi dậy.
Toàn thể gia quyến gồm vợ ông, tám con, hai rể cùng Ban trợ niệm đồng hộ niệm cho ông. Sư Cô Luân Liên khuyên bảo mọi người không nên có một lời than khóc thường tình, hay biểu lộ buồn thảm. Sau đó, Sư Cô phát cho mỗi người một quyển kinh và hướng dẫn cùng niệm theo Sư Cô và Ni Cô Trí Liên.
Tất cả niệm kinh trong bầu không khí trang nghiêm, thanh tịnh từ 12 giờ trưa. Đúng 2 giờ rưỡi chiều, Sư Cô ra hiệu cho cô y tá bệnh viện rút ống tiếp hơi dưỡng khí, ông thở từng chập gián đoạn rất khó khăn.
Âm thanh trợ niệm cứ vang rền, chí thành và miệt mài. Tiếng Sư Cô niệm mỗi lúc một to hơn, mọi người tập trung niệm mãnh liệt hơn, hơi thở bệnh nhân từ từ yếu dần…
Hơn 5 giờ chiều, mặt của ông trở nên hồng hào như người khỏe mạnh, thần sắc an tĩnh từ hòa lộ nét vui tươi.
Cụ bà Diệu Ngọc (Ngô Thị Sơn), nhạc mẫu của ông, đã hơn 85 tuổi, thấy thế liền thốt lên:
- “Thằng Hiếu mặt đỏ hồng như thế nầy, chắc nó chưa đi trong ngày nay”.
Buổi hộ niệm kéo dài đến 5 giờ 48 phút, Sư Cô vì nhận thấy bệnh nhân rất tươi tắn và thở đều đặn nên nghĩ rằng, có thể còn kéo dài nhiều giờ. Để hộ niệm cho một buổi lễ cúng một Phật tử khác đã hứa trước, Sư Cô chuẩn bị đi, xong sẽ trở lại, nhưng xe vừa ra đến cổng, vợ ông hấp tấp gọi Sư Cô quay trở lại. Ông bắt đầu phun nước bọt.
Tiến nhanh đến bệnh nhân, Sư Cô dặn:
- “Chú Đồng Hưng! Ráng nhứt tâm niệm Phật!”
Sư Cô cùng mọi người tiếp tục hộ niệm. Vài phút sau, bỗng ông thở ra ba hơi dài, mỗi hơi cách khoảng vài giây; mặt hơi ngẩng lên, nửa như từ giã, nửa như cám ơn mọi người, rồi trút hơi thở sau cùng, lúc 5 giờ 53 phút chiều ngày mùng 8 tháng 2 năm 2001. Ông hưởng thọ 61 tuổi.
Lúc ấy, con gái ông tên Thu Vân, bỗng nhiên thoáng ngửi một mùi hương lạ ngạt ngào, khiến trong người cảm thấy khỏe khoắn khác thường.
Tiếng niệm Phật vẫn tiếp tục vang đều. Sắc mặt ông đỏ hồng từ từ tái xanh, Sư Cô thăm dò khí đạo, sờ nhẹ các nơi và cho biết:
- “Chú Đồng Hưng đã xuất thần lưu lại hơi ấm nơi đảnh đầu trong trạng thái an tĩnh.”
Sư Cô còn dặn thêm:
- “Phật tử Đồng Hưng đã vãng sanh. Sau buổi lễ hỏa táng, nên dặn dò nhà quàn, đừng dùng máy nghiền, hãy giữ nguyên xương cốt còn lại để kiểm nghiệm”.
Thi thể của ông vẫn còn mềm dịu mãi đến khi nhà quàn đến chở đi hỏa thiêu.
Hai ngày sau, thân nhân ông mang hết hài cốt về chùa cho Sư Cô kiểm nghiệm.
Ông Lê Văn Hiếu pháp danh Đồng Hưng đã lưu lại rất nhiều xá lợi đủ loại, đủ cỡ, đủ màu sắc đẹp đẽ.
Trích sách "Chuyện Vãng Sanh" - Nhóm Liên Hữu Miền Nam Đất Việt - Hiệu đính: Nguyễn Minh Tiến.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Luận bàn hai chữ “Cuộc đời” trong bài kệ của Thiền sư Pháp Loa
Tư liệu 13:32 21/11/2024“Cuộc đời của mỗi con người chỉ như một giấc chiêm bao – vô thường. Nếu không có hiểu biết, không tìm thấy cái ta chân thật, thì dù làm bao nhiêu việc cũng chỉ là làm mộng, bao nhiêu cái biết, cũng chỉ là cái biết hư vọng”.
Mối quan hệ giữa đời sống và việc tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông
Tư liệu 14:05 20/11/2024Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn nhấn mạnh quan niệm tiến bộ của Phật giáo Đại Việt rằng “Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách li, phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân lý.
Tiếc là con người chỉ có hai tay
Tư liệu 08:20 19/11/2024Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái đến tuổi gả chồng, có hai gia đình Đông gia và Tây gia cùng đến cầu thân.
Bay qua miền hạnh phúc
Tư liệu 17:30 18/11/2024Phật pháp chính là diệu pháp, đã chắp cho tôi đôi cánh, giúp tôi bay lên cao, ra khỏi vực thẳm tuyệt vọng, đi đến miền hạnh phúc…Tôi xin cảm tạ Chư Phật Bồ Tát, cảm tạ tất cả những thiện hữu đã nhọc nhằn tâm lực, công sức vì tôi.
Xem thêm