Có khổ nhưng không có người khổ
Lý thuyết Duyên khởi (Paticcasamuppàda) của đạo Phật chỉ ra rằng hết thảy mọi sự vật và hiện tượng hiện hữu trên cuộc đời đều do nhân duyên, không do ai tạo ra, không tự hiện hữu, không tồn tại độc lập, thường xuyên thay đổi, không có tính cách trường cửu.
Đạo Phật xem những gì do nhân duyên sinh, bị lệ thuộc, chịu sự thay đổi, biến diệt, không có tính cách trường cửu như vậy là vô ngã (anatta), tức không có thực thể độc lập, thường hằng, không thuộc của ai, không ai nắm bắt được, không ai làm chủ được.
Theo cách nhìn này thì con người là một hiện tượng tâm-vật lý do nhân duyên sinh, hiện diện do sự nhóm họp của năm yếu tố lệ thuộc gồm sắc (thân thể), thọ (cảm giác), tưởng (hiểu biết) hành (ý chí), thức (tri thức), không do ai tạo ra, không tự hiện hữu, không tồn tại độc lập, chịu sự thay đổi, biến diệt, không có tính cách thường hằng và do vậy con người là vô ngã. Tương tự như thế, khổ (dukkha) là một hiện tượng tâmvật lý (cảm thọ) phát sinh do duyên, không do ai tạo ra, không tự hiện hữu, thay đổi liên tục, không tồn tại mãi và vì vậy khổ đau cũng là vô ngã. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức đã là vô thường, vô ngã, không phải của mình, thì khổ phát sinh do duyên sự thay đổi, biến diệt của sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng vô thường, vô ngã, không phải của mình. Đó là lý do vì sao trong tác phẩm Thanh tịnh đạo Buddhaghosa bảo là có sự kiện khổ nhưng không có người đau khổ (1).
Thế nào là khổ do duyên sinh, không do ai tạo ra, không thuộc của ai và do vậy có khổ mà không có người khổ?
Hãy nghe và suy ngẫm cuộc đối thoại giữa du sĩ lõa thể Kassapa và Đức Phật, bậc Giác ngộ: “Lõa thế Kassapa bạch Thế Tôn:
- Thưa Tôn giả Gotama, có phải khổ do tự mình làm ra?
- Không phải vậy, này Kassapa.
- Thưa Tôn giả Gotama, có phải khổ do người khác làm ra?
- Không phải vậy, này Kassapa.
- Thưa Tôn giả Gotama, có phải khổ không do tự mình làm ra, không do người khác làm ra, khổ do tự nhiên sanh?
- Không phải vậy, này Kassapa.
- Thưa Tôn giả Gotama, có phải khổ không có?
- Này Kassapa, không phải khổ không có. Khổ có, này Kassapa.
- Như vậy, Tôn giả Gotama không biết, không thấy khổ.
- Này Kassapa, không phải Ta không biết, không thấy khổ. Này Kassapa, Ta biết khổ, này Kassapa, Ta thấy khổ.
- Được hỏi: “Tôn giả Gotama, khổ có phải tự mình làm ra”, Ngài trả lời: “Không phải vậy, này Kassapa”. Được hỏi: “Tôn giả Gotama, khổ có phải do người khác làm ra?”, Ngài trả lời: “Không phải vậy, này Kassapa”. Được hỏi: “Tôn giả Gotama, khổ có phải do tự mình làm ra và do người khác làm ra?”, Ngài trả lời: “Không phải vậy, này Kassapa”. Được hỏi: “Tôn giả Gotama, có phải khổ không do tự mình làm ra và không do người khác làm ra, khổ do tự nhiên sanh?”, Ngài trả lời: “Không phải vậy, này Kassapa”. Được hỏi: “Tôn giả Gotama, có phải khổ không có?”, Ngài trả lời: “Không phải khổ không có. Khổ có, này Kassapa”. Được hỏi: “Như vậy Tôn giả Gotama không biết, không thấy khổ?”, Ngài trả lời: “Này Kassapa, không phải Ta không biết, không thấy khổ. Này Kassapa, Ta biết khổ, này Kassapa, Ta thấy khổ”. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy nói lên cho con về khổ, bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết cho con về khổ.
- Một người làm và chính người làm ấy cảm thọ (kết quả). Này Kassapa, như Ông gọi ban đầu “khổ do tự mình làm ra”, như vậy có nghĩa là thường kiến. Một người khác làm và một người khác cảm thọ. Này Kassapa, như vậy đối với người bị cảm thọ, được xảy ra như: “khổ do người khác làm ra”, như vậy có nghĩa là đoạn kiến. Này Kassapa, từ bỏ hai cực đoan ấy, Như Lai thuyết pháp theo con đường trung đạo. Vô minh duyên hành, hành duyên thức… Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi. Nhưng do ly tham và đoạn diệt hoàn toàn vô minh, các hành diệt. Do các hành diệt nên thức diệt… Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt” (2) . Mẩu đối thoại trên cho chúng ta câu trả lời rõ ràng về khổ và về cách thức đi ra khỏi khổ đau. Đức Phật xác nhận với Kassapa rằng khổ có mặt trên cuộc đời và do duyên sinh, không do ai làm ra, cần phải nhìn cho thật đúng thì mới dứt trừ được mê lầm, mới ra khỏi khổ đau.
Các câu hỏi của Kassapa liên quan đến khổ nghe ra rất hợp lý, vì giống như bao vấn đề khác xảy ra trên cuộc đời, khổ xảy ra, hoặc là do tự mình làm hoặc là do người khác làm, chứ đâu có phải tự nhiên mà khổ hiện diện? Đức Phật cũng xác nhận khổ không phải do ngẫu nhiên mà sinh, nhưng Ngài cũng không cho rằng khổ do tự mình làm hoặc do người khác làm hoặc do cả hai. Vì theo tuệ giác của Phật thì không có một cái ngã (atta) hay một chủ thể thường hằng nào tạo ra và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự hiện hữu và biến mất của một sự vật hay hiện tượng. Mọi sự đều do nhân duyên.
Khổ duyên sinh; do duyên sự sinh khởi và vận hành của vô minh (nhận thức sai lầm), ái (lòng tham), thủ (tập quán khao khát muốn ôm ấp nắm giữ mọi thứ mình thích, xem chúng là của mình) nên khổ phát sinh. Nói cách khác, do sự sinh khởi và vận hành của 12 chi phần duyên khởi mà các hình thái khổ đau như sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, cầu bất đắc, ái biệt ly, oán tắng hội sinh khởi và hiện diện. Như vậy, khổ do nhiều nhân duyên tương tác với nhau mà có mặt, không phải do một nguyên nhân nào, một cái “ngã” nào hay cá nhân người nào tạo ra, vì thật sự không có cái “ngã” hay chủ thể độc lập hiện diện trên cuộc đời. Tất cả đều do duyên sinh, vô thường, vô ngã.
Nói khác đi, khổ là một thuộc tính của hiện hữu, một thực tại hiện diện và trôi chảy trong mọi sự vật và hiện tượng, trong năm yếu tố hình thành nên con người là sắc, thọ, tưởng, hành, thức, hoàn toàn do duyên sinh và do duyên diệt, không do ai tạo ra, không phải của con người, không dính dáng gì đến con người, vì con người cũng do duyên sinh và do duyên diệt, không phải là một chủ thể độc lập và thường hằng. Khổ là trạng thái chuyển biến (vô thường) xảy ra trong tất cả mọi sự vật và hiện tượng; và khi nó xảy ra do duyên sự thay đổi và biến hoại của sắc, thọ, tưởng, hành, thức thì con người nhận biết (thức tri) là khổ. Nó chỉ là sự sinh khởi và vận hành của thọ uẩn (vedanàkkhandha), một loại cảm giác (vedanà) bất thường phát sinh do duyên sự xúc chạm (phassa) không thích hợp hoặc do sự thay đổi và biến diệt của sắc, thọ, tưởng, hành, thức mà bản thân con người không can thiệp được. Rõ là chẳng ai chống lại được quy luật già, bệnh, chết cả. Bậc Giác ngộ thường đặt các câu hỏi như thế này để nhắc nhở và thức tỉnh cho các học trò mình:
- Này các Tỳ-kheo, sắc, thọ, tưởng, hành, thức là thường hay vô thường?
- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
- Này các Tỳ-kheo, cái gì vô thường là khổ hay lạc?
- Là khổ, bạch Thế Tôn.
- Này các Tỳ-kheo, cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, thời có hợp lý chăng khi xem cái ấy: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi?”.
- Thưa không vậy, bạch Thế Tôn. Như vậy, khổ có mặt và xảy ra thường xuyên trong sắc, thọ, tưởng, hành, thức nhưng không phải của con người, không dính dáng gì đến con người, vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức thường xuyên thay đổi, biến hoại, đi đến đoạn diệt. Nói cách khác, khổ có mặt trong con người nhưng không phải của con người, không ảnh hưởng đến con người, vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức không tồn tại, không phải của con người. Chỉ khi nào con người mê lầm rơi vào chấp ngã, ôm ấp ý tưởng sắc, thọ, tưởng, hành, thức là “tôi” và “của tôi” thì khổ đau mới tìm đến và đeo bám người ấy. Trái lại, không chấp ngã (không xem sắc, thọ, tưởng, hành, thức là “tôi” và “của tôi”) thì khổ đau có hiện hữu đấy nhưng chẳng dính dáng gì đến con người, chẳng quấy rầy con người, vì không có “ai” hay “người nào” cảm thọ (3), chỉ có cảm giác sinh và diệt do duyên. Chính vì thế mà Buddhaghosa mới bảo là có sự kiện khổ nhưng không có người đau khổ.
Thông thường, con người sống ở đời suy nghĩ và hành xử theo thói quen mang tính quy ước. Khi con người tiếp xúc với thế giới chung quanh, những gì mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân xúc chạm, ý nhận thức đều gắn liền với ý niệm “tôi” và “của tôi”. Nào là “tôi thấy”, “tôi nghe”, “tôi biết”, “tôi vui”, “tôi buồn”, “tôi thành công”, “tôi thất bại”… tất cả chỉ là ý niệm đặt để của con người liên quan đến quá trình hiện hữu. Thực sự thì có sự thấy, nghe, biết, vui, buồn, thành công, thất bại phát sinh do nhân duyên nhưng không có ai thấy, ai nghe, ai biết, ai vui, ai buồn, ai thành công hay ai thất bại4 . Tất cả những thứ ấy đều do duyên mà sinh và khi hết duyên thì chúng diệt, không phải của con người, vì con người hoàn toàn không nắm bắt được, không làm chủ được, không can thiệp được. Nói cách khác, những gì mà con người cho là “tôi” hay “của tôi” chẳng qua chỉ là các hiện tượng có mặt do duyên và kết thúc cũng do duyên, không phải của ai, không dính dáng đến người nào, vì con người hoàn toàn bất lực, không nắm bắt được chúng, không làm chủ được chúng (5).
Tự bản thân mỗi người, nghĩa là sắc, thọ, tưởng, hành, thức, mà còn không làm chủ được thì nói gì đến những thứ ở bên ngoài con người? Kinh Pháp Cú dạy như vậy:
Con tôi, tài sản tôi,Người ngu sanh ưu não;Tự ta, ta không có,Con đâu, tài sản đâu? (6)
Bậc Giác ngộ nêu rõ khổ do duyên sinh, không do ai tạo ra, không phải của người nào; chỉ vì thiếu hiểu biết, mê lầm, chấp sắc, thọ, tưởng, hành, thức là “tôi” và “của tôi” nên kẻ vô văn phàm phu tự mời gọi khổ đau:
“Ở đây, này Gia chủ, có kẻ vô văn phàm phu không thấy rõ các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không thấy rõ các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc. Vị ấy bị ám ảnh: ‘Sắc là ta, sắc là của ta’. Do bị ám ảnh: ‘Sắc là ta, sắc là của ta’, khi sắc biến hoại, đổi khác, vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu não.
Vị ấy quán thọ như là tự ngã, hay tự ngã như là có thọ, hay thọ ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thọ. Vị ấy bị ám ảnh: ‘Thọ là ta, thọ là của ta’. Do bị ám ảnh: ‘Thọ là ta, thọ là của ta’; khi thọ biến hoại, đổi khác, vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não. Vị ấy quán tưởng như là tự ngã, hay tự ngã như là có tưởng, hay tưởng ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong tưởng. Vị ấy bị ám ảnh: ‘Tưởng là ta, tưởng là của ta’. Do bị ám ảnh: ‘Tưởng là ta, tưởng là của ta’; khi tưởng biến hoại, đổi khác, vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.
Vị ấy quán các hành như là tự ngã hay tự ngã như là có các hành, hay các hành ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong các hành. Vị ấy bị ám ảnh: ‘Các hành là ta, các hành là của ta’. Do bị ám ảnh: ‘Các hành là ta, các hành là của ta’; khi các hành biến hoại, đổi khác, vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu não.
Vị ấy quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Vị ấy bị ám ảnh: ‘Thức là ta, thức là của ta’. Do bị ám ảnh: ‘Thức là ta, thức là của ta’; khi thức biến hoại, đổi khác, vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não” (7).
Trái lại, người có hiểu biết, không chấp sắc, thọ, tưởng, hành, thức là “tôi” và “của tôi” thì không rơi vào khổ đau, không bị khổ chi phối, dù sự kiện khổ đau có xảy ra:
“Ở đây, này Gia chủ, vị đa văn Thánh đệ tử hiểu rõ các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh, hiểu rõ các bậc Chân nhân, thuần thục pháp các bậc Chân nhân, tu tập pháp các bậc Chân nhân, không quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc. Vị ấy không bị ám ảnh: ‘Sắc là ta, sắc là của ta’. Do vị ấy không bị ám ảnh: ‘Sắc là ta, sắc là của ta’; khi sắc biến hoại, đổi khác, vị ấy không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.
Không quán thọ như là tự ngã, hay tự ngã như là có thọ, hay thọ ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thọ. Vị ấy không bị ám ảnh: ‘Thọ là ta, thọ là của ta’. Do vị ấy không bị ám ảnh: ‘Thọ là ta, thọ là của ta’; khi thọ biến hoại, đổi khác; vị ấy không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.
Không quán tưởng như là tự ngã, hay tự ngã như là có tưởng, hay tưởng ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong tưởng. Vị ấy không bị ám ảnh: ‘Tưởng là ta, tưởng là của ta’. Do vị ấy không bị ám ảnh: ‘Tưởng là ta, tưởng là của ta’; khi tưởng biến hoại, đổi khác, vị ấy không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.
Không quán các hành như là tự ngã, hay tự ngã như là có hành, hay các hành ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong các hành. Vị ấy không bị ám ảnh: ‘Các hành là ta, các hành là của ta’. Do vị ấy không bị ám ảnh: ‘Các hành là ta, các hành là của ta’; khi các hành biến hoại, đổi khác, vị ấy không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não. Không quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Vị ấy không bị ám ảnh: ‘Thức là ta, thức là của ta’. Do vị ấy không bị ám ảnh: ‘Thức là ta, thức là của ta’; khi thức biến hoại, đổi khác, vị ấy không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não” (8).
Sắc, thọ, tưởng, hành, thức là khổ mà biết cách buông bỏ chúng, không xem chúng là “tôi” và “của tôi” thì không ôm ấp khổ, khổ không chạm đến mình. Bậc Giác ngộ dạy cho các học trò mình cách buông rơi khổ như vầy:
“- Chư Tỳ-kheo, các thầy nghĩ thế nào? Trong rừng Jetavana này, nếu có người thâu lượm cỏ, cây, nhành, lá rồi đốt chúng hay làm với chúng tùy theo ý muốn, các thầy có nghĩ người ấy thâu lượm chúng ta, đốt chúng ta hay làm với chúng ta tùy theo ý muốn?
- Bạch Thế Tôn, không.
- Vì sao vậy?
- Bạch Thế Tôn, vì nó không phải tự ngã hay không phải sở thuộc của ngã.
- Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, cái gì không phải của các thầy, các thầy hãy từ bỏ. Các thầy từ bỏ sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc lâu dài cho các thầy. Chư Tỳ-kheo, và cái gì không phải của các thầy? Chư Tỳ-kheo, sắc không phải của các thầy, hãy từ bỏ sắc. Các thầy từ bỏ sắc sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc lâu dài cho các thầy. Chư Tỳ-kheo, thọ… tưởng… hành… Chư Tỳ-kheo, thức không phải của các thầy, hãy từ bỏ thức. Các thầy từ bỏ thức sẽ đem lại hạnh phúc, an lạc lâu dài cho các thầy” (9) .
Nhìn chung, khổ là một thực tại hiện hữu trong cuộc đời, trong sắc, thọ, tưởng, hành, thức của mỗi người. Nó sinh khởi do nhân duyên và rồi kết thúc cũng do nhân duyên, không thuộc của ai, không ai làm chủ được, không ai thay đổi được. Con người có cảm thức về khổ, như hiện tượng già, bệnh, chết, các diễn biến tâm lý như sầu, bi, khổ, ưu, não hay các phản ứng tâm thức như mong cầu mà không được, yêu mến mà phải xa lìa, không thích mà bị ràng buộc… nhưng hết thảy các hình thái khổ đau ấy không phải của con người; chúng do duyên sinh, không do ai tạo ra, không thuộc về người nào. Chúng hiện hữu do duyên sanh (sự nhóm họp của năm uẩn hay sự xuất hiện của con người trên cõi đời) và xảy ra do sự thay đổi và biến hoại của sắc, thọ, tưởng, hành, thức mà không do ai tạo ra và không thuộc về ai cả.
Vì khổ do duyên sinh, thay đổi, không thuộc của ai, không có tính cách trường cửu nên khổ mới đi đến chấm dứt và con người mới tự do, mới thoát khỏi khổ. Đây là quan điểm về khổ và diệt khổ của đạo Phật, theo đó người học Phật được khuyên nỗ lực thực hành Bát Thánh đạo hay con đường Giới-Định-Tuệ để ra khỏi khổ đau, nhờ chuyển hóa lối sống, từ mê lầm khổ đau do chấp năm uẩn là ngã trở thành hiểu biết thanh thản vì không còn xem sắc, thọ, tưởng, hành, thức là “tôi” và “của tôi”. Không có “tôi” và “của tôi” thì khổ chỉ là một hiện tượng vận hành vô chủ, không dính dáng gì đến mình. Có khổ mà không có ai khổ là vậy.
Tài liệu Mahàvagga thuộc Luật tạng Pàli chép câu chuyện Đức Phật độ cho chàng thanh niên Yasa giàu có người xứ Bàrànasì (10), thuật rằng hôm ấy sau khi nhìn thấy các ca nữ và vũ nữ nằm la liệt trên sàn sảnh sau cuộc yến tiệc linh đình được tổ chức tại tư dinh trông giống như những thây chết, công tử Yasa chán ngán cảnh đời hư huyễn bỏ đi lang thang ngoài đường, vừa đi vừa lẩm bẩm: “Ôi sầu khổ thay; ôi nguy hiểm thay!”. Gặp Đức Phật ở vườn Nai với lời khẳng định: “Ở đây không có sầu muộn; ở đây không có nguy hiểm”, Yasa bừng tỉnh và lặng lẽ ngồi xuống nghe bậc Đạo sư thuyết pháp. Nghe xong, Yasa cầu xin Đức Thế Tôn cho mình được xuất gia và sau đó trở thành vị A-la-hán, một con người hoàn toàn thức tỉnh, không còn bị khổ chi phối.
Đức Phật đã thức tỉnh cho Yasa ra khỏi khổ đau. Khổ chỉ là ý niệm ôm ấp mê lầm của chúng sinh. Dứt ý niệm “tôi” và “của tôi” thì khổ rơi rụng, vì khổ do duyên sinh và do duyên diệt, là pháp hư huyễn, không phải của mình.
Chú thích:
1. Thanh tịnh đạo, tập 2, tr.324, Thích nữ Trí Hải dịch, Nxb Hồng Đức, 2014.
2. Kinh Lõa thể, Tương Ưng Bộ.
3. Kinh Moliya Phagguna, Tương Ưng Bộ.
4. Kinh Moliya Phagguna, Tương Ưng Bộ; Thanh tịnh đạo, tập 2, tr.324, Thích nữ Trí Hải dịch, Nxb Hồng Đức, 2014.
5. Đại kinh Saccaka, Trung Bộ.
6. Kinh Pháp Cú, kệ số 62.
7. Kinh Nakulapita, Tương Ưng Bộ.
8. Kinh Nakulapita, Tương Ưng Bộ.
9. Kinh Ví dụ con rắn, Trung Bộ.
10. Vinaya Pitakam, Vol. 1, tr.15
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thân và tâm chính là cánh cửa để người học Phật bước vào chân lý
Kiến thức 17:05 22/11/2024Người học Phật phải lấy thân này làm nơi để thực hành giới, lấy tâm này làm nơi để thực tập định và tuệ. Khi thân và tâm được thanh lọc qua quá trình thực hành, thì người học Phật cũng từng bước đi đến sự giác ngộ và giải thoát.
Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?
Kiến thức 10:00 22/11/2024Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?
Bố thí sinh phiền não
Kiến thức 09:32 22/11/2024Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.
Tâm là gì?
Kiến thức 09:16 22/11/2024Trong chữ Hán, chữ (心) được mô tả bằng bốn câu thơ như sau: “Tam điểm như tinh tượng/ Hoành câu tợ nguyệt tà/ Phi mao tùng thử đắc/ Tố Phật dã do tha”.
Xem thêm