Cố Trưởng lão Thích Thanh Tứ - Hiện thân của Phật giáo nhập thế
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ là một vị chân tu nhập thế cứu đời, giúp dân hộ quốc, là người có nhiều đóng góp trong việc thống nhất các hệ phái, đi đến thống nhất các tổ chức Phật giáo trong cả nước vào ngày 7/11/1981.
Chùm ảnh về Hòa thượng Thích Thanh Tứ
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ, thế danh là Trần Văn Long, sinh năm 1927, tại thôn Miêu Nha, xã Song Mai, huyện Kim Động, Hưng Yên. Từ nhỏ ngài đã theo cha lên chùa làng làm công quả, tích phúc tạo duyên. Năm 6 tuổi, Hòa thượng được Ni trưởng Thích Đàm Ân, trụ trì chùa Nho Lâm (Kim Động) nhận về nuôi và cho đi học tại các trường trong vùng. Năm 12 tuổi cậu bé Long được xuất gia, sau đó thụ giới Sa-di tại chùa Đống Long. Và năm 1947 Ngài được thụ Đại giới Tỳ-kheo tại chùa Đống Long do Tổ đình chùa Pháp Quang, thôn Thọ Ngãi, xã Tân Minh, huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây cũ nay là thành phố Hà Nội tổ chức.
Hiện thân trong giai đoạn thực dân phong kiến, cuộc sống nhân dân lầm than, Trưởng lão Hòa thượng sớm hiểu rằng nước mất thì đạo cũng không còn. Phật tử không có cuộc sống an lành, Phật pháp không được xiển dương. Thấm nhuần tư tưởng Phật pháp bất li thế gian giác, với truyền thống hộ quốc an dân, Ngài đã hóa thân Bồ tát lúc làm tu sĩ lúc làm dân thường với lòng yêu nước với lòng nhiệt huyết yêu đời mẫn thế. Tháng 3 năm 1945, ở tuổi 18 Ngài lập kế hoạch cùng nhân dân địa phương tổ chức phá kho thóc của chế độ phong kiến và đế quốc Nhật đặt tại chùa Đống Long để cứu giúp đồng bào đang lâm vào cảnh đói khổ. Cách mạng tháng 8 thành công, Trưởng lão Hòa thượng tiếp tục tham gia lực lượng vũ trang bí mật tỉnh Hưng Yên làm công tác dân vận, vận động Tăng Ni, Phật tử tích cực tham gia lao động sản xuất ủng hộ kháng chiến, tiếp sức cho cách mạng. Với những hoạt động yêu nước đó, Ngài bị thực dân Pháp đưa vào danh sách những người đặc biệt quan tâm. Phụng sự đạo pháp, phụng sự dân tộc, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ kiên định với con đường đã lựa chọn. Xương máu của Hòa thượng đã đổ trong các nhà tù thực dân đế quốc tại Hưng Yên, Hải Dương, Hà Đông và đặc biệt tại Hỏa Lò - Hà Nội.
Tháng 10/1951, Hòa thượng bị thực dân Pháp bắt giữ trong hoàn cảnh bị giam cầm, tra tấn dã man. Với tinh thần đại hùng, đại lực, đại từ bi, Ngài đã thể hiện rõ bản lĩnh của người trượng phu, xả thân vì nước, luôn an nhiên trước mọi thử thách, dám dấn thân vào địa ngục trần gian để trải nghiệm giá trị của nhân sinh và giá phải trả của từ bi hùng lực. Cuối cùng thực dân Pháp phải trả tự do cho Trưởng lão Hòa thượng và hơn 100 chiến sĩ cách mạng khác. Ra khỏi nhà lao, Hòa thượng tiếp tục dấn thân theo con đường đã chọn cho đến ngày miền Bắc được giải phóng.
Ông Bùi Hữu Dược - Nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo - Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết: "Đối với đời sống xã hội, với các phong trào thi đua yêu nước, lúc còn sống, Hòa thượng Thích Thanh Tứ vốn đã từng tham gia quân đội. Hết chiến tranh chống Pháp, Ngài về xuất gia tu Phật theo phương châm của nhà Trần ngày xưa đó là 'tiến vi quân, thoái vi sư' - tiến thì làm người lính, làm người bảo vệ tổ quốc lúc đất nước lâm nguy nhưng khi đất nước thái bình thì sẵn sàng về làm người thầy, nhà sư tu hành để góp công giáo dục trí tuệ và giữ đất nước thái bình".
Đất nước thống nhất, non sông quy về một mối tâm nguyện của Tăng Ni, Phật tử giữa các vùng miền sau những năm chia cắt là thống nhất các tổ chức, hệ phái Phật giáo ở cả ba miền Bắc Trung Nam thành lập một tổ chức Phật giáo chung của cả nước. Với tư cách là Phó Ban Thư ký Ban Vận động thống nhất Phật giáo, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ đã thăm nhiều cơ sở tự viện, gặp gỡ tham vấn nhiều Chư Tôn giáo phẩm để đi tới đồng thuận và hòa hợp 9 tổ chức, hệ phái Phật giáo lập nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Nghiệp - Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN chia sẻ: "Hòa thượng Thích Thanh Tứ là một trong những vị có công thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đứng đầu là Hòa thượng Thích Trí Thủ. Hòa thượng Trí Thủ là vị Chủ tịch, Trưởng Ban Vận động thành lập GHPGVN tại thủ đô Hà Nội. Hòa thượng Thích Thanh Tứ là một trong những thành viên tích cực đóng góp vào xây dựng, thống nhất GHPGVN tại thủ đô Hà Nội và nhất là tại miền Bắc. Riêng về tại miền Bắc, từ Hà Nội trở vào Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình...thì Hòa thượng là người đã tích cực xây dựng GHPGVN về mặt củng cố Giáo hội cũng như thực hiện cho giáo dục, y tế... "
Bức tượng cố Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ tại chùa Quán Sứ
Với những đóng góp lớn lao cho Phật giáo nước nhà, tháng 11/ 1997, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ 4 (1997 - 2002), Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ được suy cử làm Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự GHPGVN - trở thành 1 trong những vị giáo phẩm cao cấp của Phật giáo Việt Nam kể từ đây. Năm 2001, Hòa thượng được suy cử làm Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội. Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ 5 (2002-2007) và lần thứ 6 (2007 - 2012), Hòa thượng được suy tôn là thành viên Hội đồng chứng minh GHPGVN và suy cử làm Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự GHPGVN, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội.
Trải qua các chức vụ từ Chánh văn phòng, Phó Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự GHPGVN, Hòa thượng Thích Thanh Tứ đã có nhiều đóng góp cho Đạo pháp, đặc biệt là sự phục hồi các hoạt động Phật sự của Phật giáo miền Bắc sau ngày đất nước được thống nhất.
Nhằm đáp ứng nhu cầu tham cứu, học tập của Tăng Ni trẻ, Hòa thượng đã dày công xây dựng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, đào tạo Tăng Ni, Phật tử cho các hoạt động Phật sự bằng uy tín xã hội của mình. Hòa thượng đã nhận được sự ủng hộ của chính quyền, xây dựng nên một Học viện mới khang trang, đủ điều kiện vật chất, cảnh quan, làm nơi tu học cho hàng ngàn Tăng Ni sinh trên vùng đất Sóc Sơn - Hà Nội ngày nay.
Gần 40 năm, GHPGVN hoạt động Phật sự trong lòng đất nước và dân tộc, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ trở thành cầu nối giữa đạo và đời, giữa Phật giáo miền Bắc với Phật giáo miền Trung và Phật giáo miền Nam. Đặc biệt Hòa thượng có công lớn trong việc xúc tiến thành lập Ban trị sự GHPGVN tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đẩy mạnh việc hoằng pháp tới bà con dân tộc vùng sâu vùng xa. Là thành viên tích cực trong khối đại đoàn kết dân tộc, Hòa thượng được tín nhiệm cử tham gia Đoàn chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn tôn giáo của Ủy ban Trung Ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Lễ húy kỵ Hòa thượng Thích Thanh Tứ tại chùa Bái Đính
Với tinh thần phụng sự chúng sinh là thiết thực cúng dường chư Phật, Hòa thượng Thích Thanh Tứ chuyên đến thăm hỏi và tặng quà động viên, nuôi dưỡng các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật, ảnh hưởng chất động da cam, nuôi dưỡng người không nơi nương tựa, khó khăn, xây dựng các nhà đại đoàn kết, nhà tình thương, tham gia các hoạt động xóa đói giảm nghèo. Với những đóng góp to lớn với Đạo pháp và dân tộc, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ luôn được Tăng Ni, Phật tử, nhân dân quý mến và tin tưởng, được TƯ Giáo hội cử làm đại diện giới Tăng Ni, Phật tử tham gia ứng cử Đại biểu quốc hội và được cử tri bầu trúng cử hai khóa Quốc hội (khóa XI, XII), làm thành viên Ủy Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội. Dù là Đại biểu lớn tuổi nhất của Quốc hội, Hòa thượng vẫn luôn tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri, thực hiện chức năng nhiệm vụ của người Đại biểu Nhân dân, đóng góp nhiều ý kiến, tâm huyết tại các kỳ họp và các phiên thảo luận. Dù ở vị trí cương vị nào, Trưởng lão Hòa thượng luôn nhận được tình cảm kính trọng đặc biệt của Tăng Ni, Phật tử GHPGVN cũng như cộng đồng xã hội. Xã hội tôn vinh Ngài là vị Cao Tăng vì dân, vì nước. Nhà nước Việt Nam trao tặng Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ nhiều giải thưởng vô giá, cao quý nhất là tấm huân chương Hồ Chí Minh vì những công lao to lớn, những đóng góp quan trọng cho Đạp pháp và Dân tộc.
Trong tinh thần xuyên suốt của một bậc danh Tăng, trong những lẽ thuận nghịch của cuộc sống đa chiều phải đi hết các chiều cảm xúc hỉ nộ ái ố, Hòa thượng lựa chọn cho mình con đường đi riêng vì những gì lợi ích nhất cho dân tộc, cho Phật pháp mà suốt đời Hòa thượng hằng theo đuổi.
Trích theo phóng sự của kênh truyền hình An Viên
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Ni trưởng Diệu Không và một đời bát kỉnh thị y
Chân dung từ bi 16:39 23/10/2024Ni trưởng Thích nữ Diệu Không là một trong những bậc danh Ni thời hiện đại của Phật giáo Việt Nam. Tuy xuất thân từ gia đình danh gia vọng tộc, nhưng Sư trưởng đã một lòng xả tục cầu chơn, xuất gia đầu Phật, hành Bồ-tát đạo.
Ni trưởng thượng Giác hạ Nhẫn và sự nghiệp “trồng người”
Chân dung từ bi 09:20 23/10/2024Vốn là một bậc thầy mô phạm của nhiều thế hệ Ni lưu suốt những năm tháng dài tại thế, Ni trưởng thượng Giác hạ Nhẫn (1919-2003) được biết đến như một ngôi sao sáng của Ni bộ Bắc Tông giữa thế kỷ XX.
Giáo sư Angraj Chaudhary: Ngài Thích Minh Châu mà tôi biết
Chân dung từ bi 10:45 22/10/2024Thư của Giáo sư Angraj Chaudhary được dịch và đọc tại Hội thảo về Trưởng lão HT. Thích Minh Châu (1918-2012) vào ngày 20/10/24 tại Pháp viện Minh Đăng Quang, nhân dịp Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (1989-2024) vào ngày 19-20/10/2024.
Nhớ về Hòa thượng Thích Minh Châu - Đường Tăng của Việt Nam
Chân dung từ bi 08:05 19/10/2024Những ngày này tôi dành trọn thời gian để đọc lại, tư duy, suy ngẫm, trải nghiệm một số bản Kinh trong Nikaya gồm Trường Bộ, Trung Bộ, Tương Ưng Bộ, Tăng Chi Bộ và Tiểu Bộ.
Xem thêm