Cội nguồn và nguy hại của tà kiến
Ngày nay, chiến tranh, hận thù, thương yêu, ghét bỏ, kỳ thị trên thế giới… đều do tà kiến mà ra. Nhưng thế nào là tà kiến? Tà kiến là cái nhìn sai lệch, không bằng trí tuệ mà bằng thương - ghét. Khi đó cái chúng ta nhìn (nhãn trần) không đúng sự thực, không đúng ở thể chân như của nó.
Lấy thí dụ, mặt hồ phẳng lặng kia ẩn dụ cho chân tâm hay Phật tánh. Với mặt hồ phẳng lặng này, mọi vật phản chiếu trên mặt hồ đều “như thị, như thị” tức ở thể chân như. Khi ta ném một cục đá xuống hồ khiến mặt hồ dao động, mọi hình ảnh đều méo mó và không còn đúng ở thể chân như nữa. Nếu ta chấp trước vào hình ảnh méo mó này… lập lập tức tà kiến hay cái nhìn lệch lạc nảy sinh. Vậy thì thủ phạm sinh ra tà kiến (false views, unjust views) chính là cục đá kia.
Thế nhưng cục đá chỉ là ẩn dụ. Trong hầu hết các bộ kinh, Đức Phật đều chỉ cho chúng ta thấy cái Ngã, hay Cái Tôi chính là cục đá. Chính Cái Tôi là cội nguồn sinh ra mọi phiền não, tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Chính vì sợ hãi cái Tôi (le moi) mà ngạn ngữ Pháp có câu, “le moi est haissable” (Cái Tôi thật đáng ghét) vì cái Tôi khinh mạn, kiêu căng và gây tội lỗi. Trong Kinh Viên Giác, Phật chỉ cho chúng ta thấy cái Ngã là một tập hợp của Cái Ta và Cái Ta Thích tức bao gồm thân xác này và những gì bám chung quanh thân xác nhưng ta yêu thích.
1)Về cái Ta: Nó chính là thân xác, hình hài của ta đây. Khi thân thể này được mơn trớn nó cũng sinh tà kiến. Khi nó bị xâm hại nó cũng sinh tà kiến. Thật khó lòng mà chúng ta nghĩ tốt về kẻ nào đó xâm phạm đến thân thể của chúng ta. Một cậu con trai hay cô gái bị ai đó chê xấu… liệu cô/cậu ấy phản ứng như thế nào?
2) Về Cái Ta Thích: Nó không phải là Ta. Nó nằm ngoài thân thể này, nhưng nó lại là cái mà ta yêu mến. Thí dụ:
- Vợ con, người tình của chúng ta.
- Người mà chúng ta mê đắm, dù không phải là sở hữu của ta. Thí dụ: Một cậu trai/cô gái yêu trộm nhớ thầm một anh chàng/cô hàng xóm. Dù không được yêu lại, nhưng ghen ghét tất cả những ai đến gần cô/cậu hàng xóm này. Như vậy chính sự say mê, yêu thích đã sinh ra tà kiến.
- Của cải: Như căn nhà, chiếc xe, ruộng đất, tài sản, công ty... cơ sở làm ăn của chúng ta. Thử ai cọ quẹt hay đụng vào chiếc xe của chúng ta, thậm chí đá hay đánh con chó, con mèo mà chúng ta thương mến… xem chúng ta phản ứng như thế nào?
- Những vật trang trí như kim cương, nhẫn, bông tai, nữ trang, gấm vóc lụa là… chúng không phải là vật nuôi dưỡng sinh mạng ta. Nhưng chúng ta nghĩ rằng nó làm đẹp cho Ta, nó phục vụ thân xác này nên chúng ta yêu mến nó. Và có khi yêu mến hơn cả sinh mạng mình. Yêu mến những vật trang trí cho vẻ đẹp của mình là tà kiến. Nữ trang không hề làm tăng thêm phẩm giá hay vẻ đẹp của con người. Chỉ có phẩm hạnh là trang sức quý giá nhất.
- Không phải chỉ của cải ở trước mắt hay quanh ta, mà của cải đó có thể ở nơi rất xa. Thí dụ: Một người ở Việt Nam nhưng đầu tư, làm ăn buôn bán ở Mỹ. Nếu có ai đụng vào những thứ này tức đụng vào Cái Ta Thích của ông ta. Có thể nói không sợ sai lầm rằng, nếu ai đó có người yêu ở Cung Trăng thì cái hồn của người đó, cái Ngã của người đó cũng nằm ở Cung Trăng luôn.
- Cái ta thích nhiều khi nó không có hình hài và rất đa dạng. Thí dụ cái tên của chúng ta, danh vọng, chức vụ của chúng ta. Thử ai đó đem cái tên của chúng ta ra bêu xấu, đem tư cách của chúng ta ra bình phẩm, đem bài hát, bài thơ, cuốn sách, cô ca sĩ, người mẫu mà chúng ta thích hay tôn làm thần tượng ra chê bai, thì chúng ta nghĩ thế nào về người đó? Đối với một vị tu hành là hòa thượng, mà người giới thiệu chương trình xướng lầm là thượng tọa. Liệu vị tu hành đó có “hỉ xả” vui vẻ bỏ qua không ? Hay trong bụng nổi cáu và nghĩ rằng mình bị xúc phạm? Nổi cáu và nghĩ rằng mình bị xúc phạm thì tà kiến sẽ nảy sinh tức thì .
- Cũng nên nhớ rằng càng quyền thế, giàu có, siêu cường (mạnh vô địch)… thì Cái Ta Thích càng nhiều, càng vĩ đại và ở khắp mọi nơi, có thể bao trùm cả vũ trụ này.
- Một cách tự nhiên, Cái Ta và Cái Ta Thích quyện vào nhau thành cái Tôi hay Cái Ngã mà thuật ngữ nhà Phật còn gọi đó là cái Tâm - tâm chúng sinh. Khi cái Ta và Cái Ta Thích bị tổn thương, bị đụng chạm, bị chê bai… thì lập tức tâm ta bị dao động, không còn giữ được chánh kiến nữa và tà kiến hay cái nhìn sai lệch nảy sinh.
Về tai hại của tà kiến
- Tà kiến khiến trí tuệ bị lu mờ. Khi trí tuệ bị lu mờ thì vô minh nảy sinh. Từ vô minh mà sinh vọng động. Vọng động bao gồm ghen ghét, đố kỵ, tỵ hiềm, kỳ thị, thù hận, xa hơn là loại trừ, giết hại. Người Phật tử, tu gì thì tu, pháp môn này hay pháp môn kia, theo thầy này hay thầy kia…muốn theo đúng lời Phật dạy phải tránh xa tà kiến.
- Tà kiến đẻ ra tà sư. Tà sư hành tà đạo. Tà đạo gây nguy hại cho sinh mệnh, tài sản và cuộc sống của tín đồ. Nếu tín đồ đông sẽ gây nguy hại cho đất nước. Kẻ nào kích động tín đồ bỏ cả gia đình, vợ con, của cải và cuộc sống để mơ ước một thiên đường ảo ảnh là kẻ đang hành tà đạo. Chánh đạo là xây dựng con người và xã hội có đạo đức, một đất nước có đạo đức, biến đất nước thành Cực Lạc Tại Thế, hòa bình và an vui. Chánh đạo là đem đạo vào đời để làm đẹp cho đời. Tà đạo làm rối mù cuộc sống và hủy hoại cuộc sống. Tà đạo làm cho cuộc sống này vốn đã khổ đau vì Sinh-Lão-Bệnh-Tử lại càng rối rắm thêm.
- Hiểu sai kinh Phật và lời dạy của chư Tổ cũng là tà kiến. Ngày nay xuất hiện khá nhiều tà sư, bản thân không chịu tu hành mà lại tập trung vào việc bươi móc và cho rằng rất nhiều kinh điển đại thừa là ngụy kinh. Nào là không có Phật A Di Đà, không có Quán Thế Âm Bồ Tát. Thậm chí bộ kinh vĩ đại như Pháp Hoa mà người Nhật coi như quốc bảo cũng là ngụy kinh. Nếu bảo đây là “ngụy kinh” thì tại sao bao nhiêu thánh tăng, bao đại sĩ của Trung Hoa và Việt Nam tu theo những kinh này mà đắc quả? Còn những kẻ đang lớn tiếng chỉ trích kia tu theo kinh nào và đắc quả gì? Theo tôi những tà sư này đã “đắc quả phá hoại”.
Sau đây là một số điển hình của tà kiến:
- Cho rằng trái đất này do thần linh tạo ra và quyết định cuộc sống và mạng sống của con người…là tà kiến.
- Cho rằng chủng tộc này văn minh, đáng trọng hơn chủng tộc khác… là tà kiến.
- Cho rằng loài vật là do thần linh tạo ra để làm thực phẩm cho con người…là tà kiến. Hiện nay các luật sư bảo vệ thú vật nói rằng, loài vật không phải là Con Người nhưng chúng nó được hưởng một số quyền của con người như: Không bị tàn sát, không bị loài người săn bắt để mua vui, không trở thành vật giải trí cho loài người như đá gà, đấu bò, đua ngựa, không bị hành hạ và bóc lột sức lao động, không bị giam nhốt trong sở thú, không bị lột da để làm áo lông thú cho phụ nữ.
- Cho rằng khác tôn giáo, niềm tin với mình là ma quỷ và tìm cách giết hại…là tà kiến.
- Cho rằng dâng gái trinh, giết trâu, bò, dê, cừu để cúng tế thần linh là có thể giải được nghiệp, rửa được tội… là tà kiến.
- Tin vào lời truyền tụng, sấm ký, sấm truyền, về tương lai, về ngày tận thế…là tà kiến.
- Truyền bá, phổ biến những điều sai trái là gieo rắc tà kiến.
- Cho rằng phước đức do cầu xin mà có…là tà kiến
- Cho rằng vạn pháp đều thường còn, bất diệt, bất tử…là tà kiến.
- Không tin vào Nhân-Quả là tà kiến.
- Cho rằng có một cái Ngã thực sự hiện hữu…là tà kiến.
- Cho rằng có một linh hồn bất biến sau khi chết…là tà kiến.
- Cho rằng đạo Phật hư vô hóa cuộc sống…là tà kiến. Hương Hải Thiền Sư đời vua Lê Dụ Tông dạy rằng, “Chúng sinh mê mờ đạo Phật chứ đạo Phật không bao giờ mê mờ chúng sinh.”
- Đem tiền cúng vào chùa này chùa kia, thầy này thầy kia mà không chịu trau giồi đạo đức (Giới), không chịu lắng đọng tâm tư (Định), không chịu mở mang trí tuệ (Huệ) mà tưởng mình sẽ được vãng sinh, giải thoát hay đắc quả… là rớt vào tà kiến. Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật dạy ngài Tu Bồ Đề rằng, “Những kẻ dùng âm thanh cầu ta, dùng sắc để thấy ta, kẻ ấy hành tà đạo, không thể thấy Như Lai.”
- Cho rằng pháp môn này hay hơn pháp môn kia, tiểu thừa cao hơn đại thừa hoặc đại thừa cao hơn tiểu thừa…đều rớt vào tà kiến. Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật dạy rằng, “Pháp của Như Lai không có thấp có cao.”
Nếu Phật pháp có thấp - cao thì sẽ đi ngược với yếu chỉ của Bát Nhã “Bất tịnh, bất cấu, bất tăng, bất giảm”. Pháp Phật không hề có thấp - cao. Tất cả tùy thuộc căn cơ mỗi người và yếu tố địa lý, lịch sử của từng quốc gia khiến thích nghi với pháp môn nào đó. Pháp môn nào cũng thành Phật nếu chúng ta tu tới nơi tới chốn. Pháp môn nào cũng hỏng nếu chúng ta tu theo thị hiếu thời trang, kiểu cọ hay a dua bắt chước.
Hiện nay tại Việt Nam có một vài giảng sư tăm tiếng đã chê trách chư Tổ là đã triển khai giáo lý Đại Thừa mà quên hoặc không biết gì về giáo lý Tiểu Thừa mà Phật dạy về thuật trị quốc cùng những vấn đề của gia đình và xã hội. Vị giảng sư này quên mất khi Phật pháp tràn vào Trung Hoa thì Trung Hoa đã nở rộ rất nhiều tư tưởng vĩ đại, xây dựng được rất nhiều học thuyết về thuật trị quốc, tu dưỡng bản thân, gia đình, điều hòa xã hội như Khổng Tử, Lão Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử, Mặc Tử, Hàn Phi Tử cùng Bách Gia Chư Tử. Những lời giảng dạy như: “Chính tâm, thành ý, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” đều đã có trước khi Phật pháp vào và đã thấm vào máu dân tộc này trước đó mấy trăm năm. Rồi những tư tưởng về đạo hiếu, về tương quan trong gia đình (Gia Huấn Ca của Nguyễn Trãi), làng nước, xã hội đều đã thành nề nếp và truyền thống khắp Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Những tư tưởng như:
“Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”,
“Ý dân là ý trời”,
“Tru bạo quốc nhược tru độc phu” (Giết một ông vua bạo ngược là giết một kẻ ác độc chứ không phải giết vua),
“Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong” (Thuận theo Trời thì còn, nghịch ý Trời thì chết)
“Thiên căng vu dân, dân chi sở hiếu thiên tất tòng chi” (Trời rất thương dân, dân thích gì Trời sẽ chiều theo)
“Dân chi sở hiếu, hiếu chi. Dân chi sở ố, ố chi. Xử chi bỉ dân chi phụ mẫu” (Dân thích cái gì mình thích cái đó. Dân ghét cái gì mình ghét cái đó. Làm được như vậy là cha mẹ dân). Rồi khi đất nước có dịch bệnh, động đất, lụt lội, hạn hán, mất mùa… các vị vua nhân đức đều quy trách nhiệm về mình và phải ăn chay, nằm đất tế cáo trời đất để tạ tội.
Trước thực tế như vậy, phổ biến các lời dạy của Phật về thuật trị quốc, giải quyết những vấn đề của gia đình và xã hội là dư thừa và không hợp thời và giới hạn Phật Giáo trong khuôn khổ xã hội và chính trị. Chư Tổ thấy rằng cái mà nước Trung Hoa lúc bấy giờ thiếu là sự giải thoát trí tuệ và an lành cho con người… điều mà các triết gia nói ở trên không có hoặc không nói tới. Với gương Thập Nhị Tứ Hiếu và với câu ca dao, “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” thì đâu phải đợi tới sự tích Mục Kiền Liên mới có đạo hiếu ở Việt Nam và Trung Hoa?
Vậy thì ngày nay, phổ biến kinh điển Tiểu Thừa mà Phật dạy về các vấn đề trị quốc, xây dựng mối liên hệ trong gia đình và xã hội là điều tốt lành và hợp thời, nhưng cũng đừng chê trách chư Tổ trong quá khứ chỉ phổ biến tư tưởng Đại Thừa mà quên hoặc không biết gì về tư tưởng Tiểu Thừa.
- Giữ tâm kỳ thị, ghen ghét, hận thù, đố kỵ, chỉ nghĩ về mình… là nuôi dưỡng tà kiến trong người.
- Cùng là một chuyện, nếu đó là vợ con, anh em, bạn bè, phe nhóm của mình thì cho là đúng. Còn người khác làm thì cho đó là sai. Đó là tà kiến.
- Cùng là một chuyện, nếu là nước chư hầu, tay sai, đồng minh của mình thì ỉm đi. Còn nếu là nước mình ghét, thù nghịch thì làm ầm lên rồi o ép, cấm vận, lật đổ. Tiếng Anh gọi đó là “Double standard” tức “Trò chơi hai mặt”. Trò chơi hai mặt hay chính sách hai mặt đều là tà kiến.
- Vì tự ái mà hành động là bị dẫn dắt bởi tà kiến. Trong Kinh Viên Giác, Đức Phật dạy rằng tu hành rất siêng năng, công phu, nhưng nếu có người chê bai mình bèn nổi giận thì cái Ngã vẫn còn nguyên đó. Trong đời này, có khi càng tu lại càng tô bồi thêm cái Ngã. Nếu một nhà tu hành nghĩ rằng, “Tôi như thế này, tôi như thế kia, công trạng tôi như thế này, chức vụ tôi như thế này, bằng cấp của tôi như thế này, đệ tử tôi nhiều như thế này…” Suy nghĩ như thế là xa lìa tự tánh và rớt vào tà kiến. Nếu có tu thêm 500 năm nữa thì cũng giống như con rùa trong truyện Tây Du Ký nổi cáu khi Đường Tăng quên không hỏi dùm Phật Tổ tại sao rùa tôi tu mãi mà không thành Phật. Còn chấp vào Ngã Tướng thì làm sao thành Phật? Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật dạy ngài Tu Bồ Đề, “Nếu Bồ Tát chấp có tướng mình, tướng người, tướng chúng sinh, tướng mạng số, tức chẳng phải Bồ Tát.”
Khi đã hiểu tà kiến nguy hại như thế, vậy có cách gì xa lìa tà kiến? Theo lời dạy của chư Tổ thì những phương tiện sau đây có thể giúp chúng ta phá bỏ hoặc lánh xa hoặc kiềm chế được tà kiến:
- Đối cảnh mà “vô tâm” thì tà kiến không nảy sinh.
- Đối cảnh mà tâm Định như thiền sư thì tà kiến không nảy sinh.
- Đối cảnh mà giữ gìn chánh niệm thì tà kiến không nảy sinh.
- Đối cảnh mà niệm Phật thì tà kiến khó nảy sinh.
- Đối cảnh mà quán chiếu bằng Từ Bi thì tà kiến không nảy sinh.
- Đối cảnh mà từ từ quán xét, chớ vội kết luận thì tà kiến không nảy sinh.
- Gần gũi thiện tri thức, xa lánh kẻ xấu ác cũng giúp vun bồi chánh kiến, từ đó có nhiều cơ may xa lìa tà kiến.
- Thường xuyên tụng kinh, niệm Phật hoặc thường xuyên ngồi tĩnh lặng mà quán chiếu sự vật. Quán chiếu và suy nghĩ tới chỗ tận cùng của nó thì trí tuệ sẽ sáng và tà kiến từ từ diệt mất.
- Phải thấy cái Tôi, Cái Ngã hay Thân này là hư dối. Nó do Ngũ Uẩn giả hợp mà thành. Nó không có thực thể cho nên mọi tác động đến nó đều giả, không thực. Bằng tâm niệm như thế, chắc chắn có chánh kiến và xa lìa tà kiến.
Để kết luận, là người Phật tử chúng ta nên nhớ rằng:
Nếu nhìn bằng tà kiến, tức chỉ quan tâm đến cái Tôi, Cái Tôi Thích và Cái Tôi Đúng… thì sáu tỉ người trên trái đất này đều đáng ghét và là kẻ thù của chúng ta như triết gia Jean Paul Sartre nói, “Tha nhân là địa ngục” (L'enfer c'est les autres). Biết bao đau thương, nghiệt ngã, chết chóc xảy ra cho nhân loại - ít ra là 2000 năm nay, đều do tà kiến mà ra.
Nếu nhìn bằng chánh kiến tức thấy Cái Tôi này vô thường và giả dối… thì sáu tỉ người trên trái đất này là bạn của ta. Phật Giáo với chánh kiến, không nhìn thấy ai là kẻ thù, mà chỉ nhìn thấy chúng sinh từ vô lượng kiếp đầy dẫy khổ đau và cần cứu độ.
Thiện Quả Đào Văn Bình
(California ngày 20/7/2019)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Làm thế nào để tiêu trừ tội nạo phá thai?
Nghiên cứu 15:36 02/11/2024Trong kinh Phật Thuyết Trường Thọ Diệt Tội Hộ Chư Đồng Tử Đà La Ni có nói rằng, nạo phá thai là một tội sát sinh vô cùng lớn, quả báo cũng rất nặng. Tại sao trong cuốn Hiện Đại Nhân Quả Thực Lục do thầy viết lại không có ví dụ nào về việc này?
Thai nhi thích nghe Kinh Địa Tạng
Nghiên cứu 15:06 02/11/2024Một người hàng xóm nói với tôi rằng, con gái bà ấy đang mang thai tám tháng rồi, phản ứng thai nghén rất mạnh. Trong mấy tháng gần đây, thai nhi thường xuyên đấm đá trong bụng, khiến con gái bà ấy rất đau đớn.
Lối sống mang lại hạnh phúc từ triết lý tiết độ trong kinh Trung A Hàm
Nghiên cứu 08:10 01/11/2024Phật dạy phải biết tinh tấn tu tập. Để làm được như thế, con người phải biết làm chủ mình trong cuộc sống thông qua tinh thần kỷ luật, mà trong Phật học gọi là Giới. Đó là “những điều răn cấm do Đức Phật chế định cho hàng xuất gia và tại gia để ngăn ngừa tội lỗi của ba nghiệp”.
Chuyện vãng sanh của thân phụ Sư cô Huệ Tâm ở Biên Hòa
Nghiên cứu 13:20 29/10/2024Tôi thấy công đức niệm Phật thậm thâm vi diệu. Cha mẹ tôi thuở sanh tiền là một thương gia ở chợ Biên Hòa, công việc rất bận rộn, ông bà chỉ dành ít thời gian để đi chùa, phần lớn là niệm Phật và bố thí. Hơn 60 năm, đêm nào trước khi đi ngủ, ông cũng niệm Phật cho đến khi ngủ quên.
Xem thêm