Thứ, 13/05/2024, 20:23 PM

Công nhận Mộc bản chùa Dâu là bảo vật quốc gia

Ngày 13/5, tại chùa Dâu, phường Thanh Khương, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh diễn ra Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công nhận Bảo vật quốc gia đối với Mộc bản chùa Dâu và khai mạc Lễ hội chùa Dâu năm 2024.

Trao bằng công nhận Bảo vật quốc gia đối với Mộc bản Chùa Dâu cho nhà chùa và chính quyền phường Thanh Khương. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Trao bằng công nhận Bảo vật quốc gia đối với Mộc bản Chùa Dâu cho nhà chùa và chính quyền phường Thanh Khương. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Theo kế hoạch, Lễ hội chùa Dâu năm 2024 diễn ra từ ngày 13 - 15/5 (tức ngày 6 - 8/4 âm lịch) với các nghi thức tế lễ truyền thống tại chùa Dâu và các chùa trong hệ thống thờ Tứ pháp. Lễ khai hội và công bố quyết định công nhận Bảo vật quốc gia bộ Mộc bản chùa Dâu diễn ra ngày 13/5 tại khu vực sân chùa Dâu.

Cùng với phần lễ là các hoạt động phần hội như: Hát Quan họ trên thuyền; múa rối nước Đồng Ngư; trình diễn các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống ca trù, trống quân, hát chèo, hát văn...; giao lưu văn nghệ quần chúng, thi đấu thể thao và các trò chơi dân gian...

Lễ hội chùa Dâu là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân vùng Dâu. Bởi đây không chỉ là nhu cầu tìm về Phật tổ và hòa mình trong hoạt động văn hóa cộng đồng dân gian sôi động, tiêu biểu mà còn mang ý nghĩa quan trọng là cầu mong mọi điều tốt lành, cầu cho mưa thuận gió hòa - một ước vọng ngàn đời của cư dân nông nghiệp.

Chùa Dâu thuộc tổng Dâu xưa, nay thuộc phường Thanh Khương, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh được biết đến là ngôi chùa cổ hình thành sớm nhất tại nước ta. Đây là một trong những công trình di tích lịch sử tín ngưỡng tôn giáo đánh dấu sự khởi nguồn của đạo Phật ở Việt Nam. Vì vậy, ngôi chùa thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến hành hương chiêm bái, vãn cảnh, tìm hiểu về những giá trị lịch sử quý giá.

Hiện nay, Di tích quốc gia đặc biệt chùa Dâu được biết đến như danh lam bậc nhất xứ kinh Bắc, với giá trị nổi bật độc đáo về lịch sử kiến trúc nghệ thuật. Chùa Dâu vinh dự được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 9/12/2013; bộ tượng Phật Tứ pháp vùng Dâu được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 2090/QĐ-TTg ngày 25/12/2017. Chùa Dâu hiện còn lưu giữ nhiều tài liệu, cổ vật quý giá, tiêu biểu như bia đá, khánh đá, chuông đồng...

Mộc bản chùa Dâu. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Mộc bản chùa Dâu. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Đặc biệt, Bảo vật quốc gia - Mộc bản chùa Dâu vừa được Thủ tưởng Chính phủ công nhận tháng 1/2024. Bộ mộc bản gồm 107 ván khắc là hiện vật gốc duy nhất, độc bản, toàn vẹn và có tính xác thực với nhiều loại hình văn bản như: Truyền thuyết về Phật Tứ pháp, kể hạnh về Phật Tứ pháp, kinh Phật, các nghi lễ cầu mưa, cầu tạnh, cúng tế các vị Tổ chùa... Giới nghiên cứu tạm phân loại thành 13 bộ khác nhau gồm: Cổ Châu hạnh, Cổ châu lục, Cổ Châu nghi, Âm chất giải âm, Nhân quả quốc ngữ, Kỳ vũ kinh, Kỳ vũ hồng ân công văn, Thỉnh Long Vương nghi, Công đức, Mục Liên, Tam giáo, Phù chú và Tồn nghi là những ván chưa xác định được tên gọi.

Mỗi ván khắc có tiết diện hình chữ nhật, hầu hết đều có kích thước trung bình dài từ 40 - 47cm, rộng từ 19 - 24cm, độ dày ván từ 1,5 - 2,5cm; có 92/107 ván được khắc 2 mặt và 15/107 ván khắc một mặt. Một số ván khắc đan xen những đồ hình minh họa được bố cục chặt chẽ, hài hòa với phần văn tự.

Mộc bản chùa Dâu được san khắc vào thời Lê Trung Hưng và Tây Sơn kéo dài đến thời Nguyễn. Chữ trên mộc bản đều là chữ Hán cổ và chữ Nôm được khắc âm bản, đường nét mềm mại, có tính thẩm mỹ cao nên khi in ra giấy dó rất sắc nét. Chất liệu ván in đều được làm bằng gỗ cây thị, trải qua thời gian gần 300 năm, nhưng ván khắc ở chùa Dâu còn khá nguyên vẹn, đủ số chữ, sắc nét, rõ ràng.

Người dân chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia Mộc bản chùa Dâu. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Người dân chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia Mộc bản chùa Dâu. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Từ xa xưa, chùa Dâu và hệ thống Phật Tứ pháp gắn liền với ước vọng mưa thuận gió hòa của cư dân nông nghiệp và là một trung tâm Phật giáo với sự giao thoa, dung hội giữa Phật giáo Ấn Độ và tín ngưỡng bản địa để tạo nên hệ thống Phật Tứ pháp đặc trưng riêng của Việt Nam. Mộc bản chùa Dâu là Di sản văn hóa có giá trị to lớn giúp cho việc nghiên cứu về chùa Dâu, Tứ pháp trong lịch sử, đồng thời tìm hiểu về các vị sư Tổ chùa Dâu qua các thời kỳ. Hiện nay, 107 ván khắc gỗ ở chùa Dâu đang được bảo vệ, cất giữ cẩn trọng.

Việc công nhận bảo vật quốc gia là căn cứ pháp lý quan trọng thể hiện sự công nhận của Nhà nước đối với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật đối với bộ Mộc bản tại chùa Dâu. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để bảo tồn và phát huy giá trị bảo vật lâu dài, góp phần bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cho các thế hệ người dân; làm sáng tỏ lịch sử, truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của địa phương. Đây là cơ sở cho việc trùng tu, tôn tạo thời gian tới, thông qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp chính quyền và nhân dân trong bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, bảo vật quốc gia tại chùa Dâu.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Ni trưởng Thích nữ Bửu Hòa, Chứng minh Phân ban Ni giới H.Hóc Môn (TP.HCM) viên tịch

Trong nước 05:45 03/12/2024

Ni trưởng Thích nữ Bửu Hòa, Chứng minh Phân ban Ni giới H.Hóc Môn, viện chủ chùa Phước Thiện (xã Nhị Bình, H.Hóc Môn, TP.HCM) vừa viên tịch.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Thông chia sẻ về Giới luật Phật giáo cho gần 800 Tăng Ni

Trong nước 14:00 02/12/2024

Sáng ngày 02/12, tại trụ sở Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM (Việt Nam Quốc Tự, quận 10), Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Thông – Phó Thư ký Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Cố vấn BTS GHPGVN TP.HCM – đã chủ trì buổi thuyết giảng và thảo luận chuyên đề “Giới luật Phật giáo”.

“Hãy lấy tinh thần phụng sự làm niềm vui trên bước đường đến giác ngộ giải thoát”

Trong nước 12:15 02/12/2024

Sáng ngày 02/12/2024, Thượng tọa Thích Quảng Lộc - UV HĐTS, Trưởng BTS kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang đã có buổi thuyết trình chuyên đề “Sinh hoạt Giáo hội” đến với chư hành giả khóa Kiết Đông lần thứ 2.

Tiền Giang: Thành kính tưởng niệm Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông (1308-2024)

Trong nước 13:15 01/12/2024

Sáng ngày 01/12/2024 (nhằm mùng 1 tháng 11 năm Giáp Thìn), BTS Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Tiền Giang đã trang nghiêm tổ chức Lễ Tưởng niệm lần thứ 716 năm, ngày Đức vua Phật Hoàng nhập Niết Bàn 01/11 năm Mậu Thân (1308) – 01/11 năm Giáp Thìn (2024); đồng thời khai mạc khóa tu Kiết Đông lần thứ 2.

Xem thêm