Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền và Hội Phật học Nam Việt trong việc chấn hưng Phật giáo
Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, vai trò của người cư sĩ đã có một vị trí nhất định, trực tiếp tham dự cũng như tích cực ngoại hộ chư Tăng làm nên công cuộc chấn hưng Phật giáo nước nhà.
Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền (1905-1973), người sáng lập Hội Phật học Nam Việt, được biết đến là một trong số những vị cư sĩ lỗi lạc, có đóng góp lớn lao cho công cuộc chấn hưng Phật giáo nước nhà, đặc biệt là ở miền Nam.
Năm 1867, thực dân Pháp đánh chiếm toàn bộ 6 tỉnh Nam Kỳ. Sau khi biến nơi này thành thuộc địa, chính quyền mới nỗ lực phổ biến văn hóa phương Tây, đặc biệt ưu ái truyền bá đạo Thiên Chúa. Phật giáo dần suy đồi, trở thành tín ngưỡng dân gian phục vụ nhu cầu cúng tế, tang ma cho dân chúng bản xứ.
Đến thế kỷ XX, phong trào Chấn hưng Phật giáo do Đại sư Thái Hư lãnh đạo ở Trung Hoa đã ảnh hưởng đến Việt Nam. Năm 1923, Đại sư Khánh Hòa cùng các vị tôn túc Tăng-già ở miền Nam họp mặt tại chùa Long Hòa (Trà Vinh) thành lập Hội Lục hòa Liên hiệp, chuẩn bị tinh thần cho việc xây dựng một tổ chức Phật giáo cả nước.
Hội cử sư Thiện Chiếu đi thăm dò ý kiến giới Tăng sĩ và cư sĩ miền Bắc. Năm 1928, Đại sư Khánh Hòa đích thân ra giảng kinh mùa an cư tại chùa Long Khánh (Bình Định) nhằm tạo cơ hội cho việc liên lạc, đàm luận với các vị cao tăng miền Trung. Tuy nhiên, do chưa hội dủ nhân duyên nên công cuộc thống nhất chưa thể thành tựu. Đại sư Khánh Hòa quay về miền Nam ra sức vận động, thuyết phục Tăng sĩ, tín đồ lo liệu việc canh tân, chấn hưng Phật giáo để theo kịp sự tiến bộ của thời đại.
Vượt qua nhiều chướng duyên, năm 1931, Đại sư Khánh Hòa cùng các pháp lữ đồng chí hướng như chư vị Đại sư Huệ Quang, Từ Nhãn, Chơn Huệ,… cùng các cư sĩ có địa vị xã hội như Trần Nguyên Chấn, Phạm Ngọc Vinh, Huỳnh Văn Quyền, Ngô Văn Chương,… thành lập Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học, cung thỉnh Hòa thượng Từ Phong làm Hội trưởng, trụ sở đặt tại chùa Linh Sơn, Sài Gòn.
Phật sự tiến triển tốt đẹp theo đúng định hướng:
- Giáo dục đào tạo Tăng Ni (mở Thích học đường);
- Phiên dịch kinh điển chữ Hán ra Quốc văn;
- Truyền bá Phật pháp (xuất bản tạp chí Từ Bi Âm).
Tiếc thay, ông Trần Nguyên Chấn (Đốc phủ sứ, giữ chức Phó nhì Hội trưởng) lại muốn lèo lái Hội đi theo hướng thân thiện chính quyền thuộc địa. Do bất đồng ý kiến nên hai vị Đại sư Khánh Hòa và Huệ Quang rời bỏ Hội quay về miền Tây, cùng các Hòa thượng Pháp Hải, Khánh Anh,… và các cư sĩ Trần Văn Giác, Nguyễn Văn Khỏe, Huỳnh Thái Cửu ở Trà Vinh thành lập Hội Lưỡng Xuyên Phật học nhằm tiếp tục nguyện vọng chấn hưng Phật giáo. Hội hoạt động đến năm 1945 thì đình chỉ.
Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền và Hội Phật học Nam Việt
Cư sĩ Mai Thọ Truyền sinh ngày 1-4-1905, nguyên quán làng Phú Long (sau đổi thành Long Mỹ) tổng Bảo Thành, tỉnh Bến Tre. Thân phụ của ông là cụ Mai Thành Cần, thân mẫu là cụ bà Võ Thị Sô. Thời niên thiếu, ông theo học tại Trường sơ học Pháp-Việt Bến Tre, Trung học Mỹ Tho, sau chuyển lên Trường Chasseloup Laubat, Sài Gòn (nay là Trường PTTH Lê Quý Đôn, TP.HCM).
Năm 1924, ông đậu ngạch Thư ký Hành chánh, năm 1931, đậu ngạch tri huyện. Trải qua nhiều chức vụ tại địa phương đến trung ương, ông luôn giữ được tư cách, đạo đức, luôn bảo vệ quyền lợi của dân chúng để lại tình cảm, danh tiếng tốt đẹp trong lòng người Nam Bộ.
Thời gian làm việc ở Sa Đéc (1946 - 1947), Mai Thọ Truyền có duyên lành gặp gỡ Đại sư Hành Trụ tại chùa Long An. Ngưỡng mộ đạo phong và trí tuệ của ngài nên ông phát tâm quy y Tam bảo, nguyện giữ năm giới tại gia, được ban pháp danh là Chánh Trí. Năm 1948, cư sĩ Chánh Trí thuyên chuyển lên Sài Gòn làm việc cho đến năm 1960 thì nghỉ hưu, ông về an dưỡng tại căn nhà số 85 cư xá Cách Mạng 1/11, Phú Nhuận, Sài Gòn cho đến cuối đời.
Năm 1950, cư sĩ Chánh Trí cùng các đạo hữu thuộc Hội Lưỡng Xuyên Phật học cũ liên lạc vận động thành lập Hội Phật học Nam Việt (HPHNV) tại đô thành Sài Gòn (19-9-1950). Trụ sở của Hội đặt tạm tại chùa Khánh Hưng (Hòa Hưng), sau đó chuyển về chùa Phước Hòa. Hội trưởng lâm thời là cư sĩ bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe. Cư sĩ Chánh Trí làm Tổng Thư ký.
Từ năm 1951 - 1954, Thượng tọa Quảng Minh được cử làm Hội trưởng. Sau khi Thượng tọa Quảng Minh sang Nhật Bản du học, bác sĩ Nguyễn Văn Thọ đảm nhận chức Hội trưởng (1954 - 1955). Từ năm 1955, cư sĩ Chánh Trí được suy cử giữ chức Hội trưởng HPHNV cho đến ngày mạng chung (17-4-1973; nhằm ngày rằm tháng 3 năm Quý Sửu).
Trong suốt 18 năm đem hết tài năng, tâm trí phục vụ đạo pháp, lãnh đạo HPHNV, cư sĩ Chánh Trí luôn giữ đúng theo đường hướng ban đầu:
- Tôn kính Tam bảo: HPHNV luôn cung thỉnh các bậc cao tăng, đại đức vào ngôi vị Chứng minh đạo sư của Hội (các ngài từ Liễu Thoàn, Hưng Long, Giác Ngộ,… đến Khánh Anh, Thiện Hòa, Hành Trụ). Lập Ban hộ Tăng, cúng dường tứ sự cho Tăng Ni các trường Phật học, trường hạ ở miền Nam. Hỗ trợ các Tăng sĩ lỗi lạc trong nước xuất ngoại du học.
- Cung thỉnh các bậc Pháp sư trong nước, ngoài nước không phân biệt hệ phái đến diễn giảng tại chùa Xá Lợi để quần chúng Phật tử có cơ hội học hỏi mở rộng kiến thức về kinh điển Nam, Bắc truyền, lịch sử phát triển của Phật giáo xưa nay. Trong đó, đặc biệt có Pháp sư Diễn Bồi (TQ) và Đại đức Narada Mahathera (Sri Lanka) là hai vị tôn túc có nhân duyên lâu dài với Hội.
- Ủng hộ các Phật sự chung của Giáo hội Tăng-già, Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Trong cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng tôn giáo năm 1963, HPHNV đã nhất tâm hoan hỷ cho Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo đặt văn phòng ngay tại chùa Phật Học Xá Lợi, lãnh đạo cuộc đấu tranh với chính quyền Ngô Đình Diệm cho đến ngày thành công.
Qua 25 năm hoạt động (1950-1975), HPHNV đã thành lập được hơn 40 tỉnh hội, chi hội khắp vùng Nam Bộ. Mục đích duy nhất là phổ biến chánh pháp, hướng dẫn Phật tử tu học đúng theo giáo lý của Đức Phật nhằm hoàn thiện đời sống cá nhân, gia đình, xã hội, đạt hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại và tương lai. Chính tạp chí Từ Quang của HPHNV do cư sĩ Chánh Trí trực tiếp đảm trách đã hỗ trợ đắc lực cho việc hoằng pháp của hai giới Tăng sĩ và cư sĩ đương thời.
Gần 50 năm cư sĩ Chánh Trí vắng bóng, hơn 40 năm HPHNV hòa nhập vào GHPGVN, đáng mừng thay, tại ngôi chùa lịch sử Xá Lợi, Hòa thượng viện chủ Thích Hiển Tu, một bậc cao tăng đồng hương với cư sĩ Chánh Trí cùng Ban trụ trì vẫn cố gắng duy trì “môn phong” chùa Phật Học Xá Lợi.
Các vị Pháp sư trong và ngoài nước, đủ mọi tông phái vẫn thường xuyên được cung thỉnh đến giảng đường Chánh Trí để diễn giảng giáo lý hay chỉ dạy các pháp tu cho quần chúng Phật tử. Ban Phật học được thành lập để các cư sĩ trao đổi kinh nghiệm tu tập, chuyển tải Phật pháp phù hợp đến với giới trẻ đang có nhu cầu tìm hiểu và ứng dụng vào đời sống hiện tại. Song hành với hoạt động tu học, hoạt động từ thiện cũng được Phật tử chùa Xá Lợi quan tâm để giúp đỡ chia sẻ với đồng bào đang gặp khó khăn túng thiếu.
Ngày nay, từ ngoài cổng chính bước vào sân chùa Xá Lợi, vườn cảnh bên trái có dựng bức tượng bán thân của cư sĩ Chánh Trí với thần thái an nhiên tự tại đúng với câu đối mà cư sĩ Lý Học điếu viếng cư sĩ Chánh Trí:
“Cụ trượng phu tướng, cụ phúc đức tướng, cụ từ bi tướng, tướng tướng viên mãn/Hiện cư sĩ thân, hiện tể quan thân, hiện trưởng giả thân, thân thân trang nghiêm.”
Có thể nói, cư sĩ Chánh Trí là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần dấn thân phụng sự của một người Phật tử tại gia đối với đạo pháp, đặc biệt trong giai đoạn Phật giáo Việt Nam đang tìm một hướng đi mới, canh tân và thích hợp với những biến chuyển của thế cuộc. Chính từ tư tưởng, hành động của các bậc cao tăng đương thời mà tiêu biểu nhất là Đại sư Khánh Hòa, cùng với sự hộ trì, góp sức của các vị cư sĩ như Tâm Minh Lê Đình Thám, Chánh Trí Mai Thọ Truyền, đã khơi lại sức sống mãnh liệt của Phật giáo Việt Nam, tiếp bước vào thời đại mới. Trong tác phẩm Việt Nam Phật giáo sử luận, tác giả Nguyễn Lang, tức Thiền sư Thích Nhất Hạnh đánh giá cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền là “một trong những khuôn mặt Phật tử cư sĩ lớn của thời đại”. Và với những di sản còn lại, con đường cư sĩ Chánh Trí vạch ra vẫn được người sau tiếp bước: Học - Tu - Hành.
Nhìn lại lịch sử, chúng ta cần nhận thức đúng vai trò của giới xuất gia (Tăng, Ni) trong khuôn khổ của giới luật và chức năng linh hoạt của giới cư sĩ để có sự phân công trong tổ chức Giáo hội, đặc biệt đối với các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa…; Theo đó, Giáo hội phát huy được sức mạnh tiềm năng của người Phật tử với ý nghĩa thực sự của danh xưng này là bao gồm cả xuất gia và tại gia, ở xã hội hiện đại và cả sau này.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Phật pháp trường tồn dưới nhãn quan của bậc minh quân
Tư liệu 15:27 15/11/2024Trong bài kệ “Bát Nhã” vua Lý Thái Tông đã khẳng định, để có được trí tuệ thì bản thân mỗi người phải tự thân tu luyện chứ không phải nhờ cầu viện kiến thức bên ngoài. Trong đạo Phật, để đạt tới cảnh giới giác ngộ thì cũng không có con đường nào khác ngoài chính bản thân phải tu tập.
Thiền sư Vạn Hạnh: Như sương trên cỏ, thịnh suy tĩnh lòng
Tư liệu 11:13 15/11/2024Thiền sư Vạn Hạnh là người rất chăm chỉ đèn sách, “học hỏi không biết mệt” (TUTA). Sau khi Thiền Ông tịch diệt, ông đã chuyên tâm tu về các loại thiền, đặc biệt là tập kinh Tổng trì tam ma địa, lấy đó làm sự nghiệp.
Cuộc đời vô thường, bướm hoa chỉ là huyền ảo
Tư liệu 09:46 14/11/2024Sự sống và cái chết, sinh lão bệnh tử là sự tuần hoàn không thể thay đổi được của quy luật tự nhiên, là lẽ thường ai cũng phải trải qua. Quan niệm cuộc đời là huyễn ảo một lần nữa được đề cập tới trong bài kệ “Thị tật” - “Dạy khi có bệnh” của Thiền sư Giác Hải khi răn dạy đệ tử.
Tất cả các pháp đều từ tâm sinh
Tư liệu 13:19 13/11/2024Trong bài kệ cho đệ tử Cảm Thành, Thiền sư Vô Ngôn Thông mong muốn đệ tử giác ngộ vô thường và nhận biết cái chân thật để từ đó tùy căn cơ mà chú tâm vào việc truyền dạy Phật pháp.
Xem thêm