Cùng suy ngẫm về cái chết
Bằng cách thường suy ngẫm về vô thường và cái chết, mỗi chúng ta sẽ quyết tâm sử dụng cuộc sống một cách ý nghĩa, khôn ngoan và chính niệm để lợi ích cho bản thân và mọi người xung quanh.
Cái chết là chắc chắn xảy ra
Đầu tiên chúng ta có thể bắt đầu bằng việc suy ngẫm về những người trong quá khứ, dù là những nhân vật nổi tiếng như nhà văn, nghệ sĩ, triết gia, nhà khoa học, cho đến những con người bình thường nhất. Họ đã từng lao động, sáng tác, phát minh, yêu thương và thù hận, hạnh phúc và khổ đau, nhưng rồi cuối cùng tất cả đều cũng đã phải chết.
Tiếp đến, bạn hãy hướng tâm đến những người đang hấp hối mà bạn quen biết và đến những ai vẫn đang còn sống. Dù là một người bình thường hay thông minh, khỏe mạnh, giàu có, quyền lực và nổi tiếng đi nữa, cuộc sống của họ cũng sẽ phải đi đến hồi kết thúc. Đây là sự thật dành cho tất cả mọi loài. Dẫu cho khoa học và y tế có phát triển đến đâu chăng nữa, không ai có thể tìm ra phương thuốc cải tử hoàn sinh. Hãy suy ngẫm rằng rốt cuộc ai cũng phải đối diện với cái chết và bạn cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.
Thọ mạng của mỗi người sẽ liên tục giảm
Thời gian không bao giờ đứng im, mà trôi chảy liên tục. Giây biến thành phút, phút biến thành giờ, giờ biến thành ngày, ngày biến thành năm. Cứ thế thời gian trôi đi và bạn đang tiến gần hơn tới cái chết trong từng giây phút. Hãy tưởng tượng đến đồng hồ cát, cát chảy dần xuống đáy. Thời gian bạn sống cũng giống như hạt cát đang liên tục chảy cho đến khi cạn kiệt.
Chúng ta cần biết cái chết chắc chắn sẽ đến
Thời điểm chết là không định trước
Ngoài ra, sự thật là bạn có thể chết bất kỳ lúc nào. Không ai có thể đảm bảo chắc chắn là ngày mai mình có còn thở ra hít vào nữa hay không. Hãy thử tưởng tưởng, điều gì xảy ra nếu bạn rơi từ máy bay xuống mà không sử dụng chiếc áo phao cứu trợ. Mặc dù có thể bạn trẻ trung và khỏe mạnh cũng không đảm bảo thọ mạng sẽ dài lâu. Đôi khi một đứa trẻ chết sớm hơn cha mẹ mình và một thanh niên khỏe mạnh có thể chết trước những người bị ốm nặng hay những người mắc căn bệnh hiểm nghèo như ung thư… Có người bị chết trong khi ngủ, trong bào thai, trong khi đi từ nhà đến nơi làm việc, đi đến trường học, đang ở sân chơi, đang sửa soạn bữa ăn. Cái chết có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Hãy nhớ đến những ai bạn biết hoặc được nghe kể về cái chết của một ai đó và suy ngẫm xem họ đã chết như thế nào. Hãy suy ngẫm về bất kỳ điều gì vô thường đã và đang xảy đến với bạn, kiểm tra những suy nghĩ và cảm xúc trong tâm bạn.
Thân thể mỗi người rất dễ bị tổn thương và không giúp ích được gì khi chết đi
Thân thể bạn luôn đồng hành với bạn kể từ khi sinh ra. Bạn hiểu về thân thể mình nhiều hơn bất cứ một ai. Bạn chăm sóc, bảo vệ, lo lắng về thân thể, luôn giữ gìn cho thân thể được thoái mái và khỏe mạnh, cho nó ăn, tắm gội cho nó, chiều theo những điều nó ưa thích và chối từ những gì nó ghét bỏ. Thân thể bạn là tài sản quý báu và thân thương nhất. Nhưng khi bạn chết đi, nó sẽ thối rữa, bị phân hủy và trả về cho đất.
Thân thể cũng rất dễ bị tổn thương. Bạn có thể bị tổn thương hoặc bị đánh ngục trước những trận ốm một cách dễ dàng. Bây giờ bạn cảm thấy mạnh khỏe, đầy năng lượng và an toàn, nhưng chỉ cần một con virus nhỏ hoặc một cái gai nhỏ cũng có thể làm cạn kiệt sức khỏe và dẫn đến tử vong. Bạn có thể xoay sở để không bị ốm đau và tai nạn nhưng thời gian vẫn đuổi theo bạn. Cơ thể bạn sẽ suy giảm dần dần, nhan sắc sẽ phai tàn, sức sống sẽ cạn kiệt và cuối cùng bạn sẽ chết. Hãy nhớ lại thời gian khi thân bạn bị tổn thương hoặc đau nhức. Tai nạn xảy ra một cách dễ dàng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Thân nhân và bằng hữu không giúp ích được gì
Mặc dù người thân cũng như bè bạn rất yêu thương và không muốn bạn phải chết, nhưng họ không thể làm gì để ngăn chặn cái chết xảy ra. Nếu họ có mặt vào thời điểm bạn chết, họ cũng không thể giúp đỡ được nhiều cho bạn. Khi chết, bạn sẽ ra đi một mình. Không ai, ngay cả người bạn yêu thương và gần gũi nhất, có thể đồng hành cùng bạn. Hầu hết mọi người đều không chấp nhận điều này và thường bám chấp vào những người thân. Chính sự bám chấp này chỉ làm cho tâm thêm cảm xúc luyến ái khiến tâm đau khổ tuyệt vọng vì phải ra đi, điều này sẽ gây rắc rối cho tâm và tâm khó được an bình vào thời điểm chết. Hãy nhận ra rằng bạn đang bị dính mắc vào gia đình và bạn bè. Cố gắng nhận ra sự bám chấp mạnh mẽ của bạn với người thân, nó có thể làm tâm bạn bất an vào thời điểm chết. Tốt hơn hết bạn hãy giảm bớt đi sự bám chấp và học cách chấp nhận mọi thứ đã đến thì đều phải đi.
Của cải và niềm vui thế gian cũng không giúp ích được gì
Những của cải bạn sở hữu trong lúc sống khiến tâm bạn vui thích và thỏa mãn. Nhưng liệu chúng có mang đến cho bạn sự thoải mái và an lạc khi đối diện với cái chết? Sự giàu có có thể giúp mang lại cho bạn những điều kiện tiện nghi hơn, chẳng hạn, bạn có thể có một phòng bệnh riêng cùng những hỗ trợ y tế tốt nhất. Thế nhưng, bạn không thể bắt cái chết không xảy đến và khi chết bạn không thể mang theo những sở hữu vật chất, thậm chí một xu cũng không. Của cải không giúp ích cho bạn tại thời điểm chết mà chỉ khiến tâm bạn thêm lo lắng - bạn phải tính toán xem chia gia tài ra sao và khi bạn chết thì ai sẽ chiếm hữu tài sản của bạn. Vì vậy, tâm khó có thể được an bình và không dính mắc vào thời điểm chết.
Chỉ có trưởng dưỡng tâm linh mới có thể giúp bạn tự tại đối diện với cái chết
Trong cuộc sống, dù cho chúng ta tài giỏi và đạt được những thành tựu to lớn đến đâu đi nữa thì khi chết bạn chẳng mang theo được gì. Chỉ có dòng tâm thức vẫn tiếp tục trôi chảy, mang theo những dấu ấn của suy nghĩ, cảm xúc, lời nói và việc làm của chúng ta khi còn sống. Vì thế, điều quan trọng nhất là khi chết đi chúng ta có nhiều dấu ấn của thiện nghiệp - là nhân dẫn đến những trải nghiệm tốt đẹp và rất ít hoặc không có dấu ấn bất thiện nghiệp - là nhân của khổ đau. Cho nên, điều duy nhất có giá trị là làm thế nào để chết với năng lượng tích cực, mang theo những thiện nghiệp bạn tích lũy khi còn sống và tạo đà phát triển tâm linh cho đời sống kế tiếp.
Tuy nhiên, hãy suy ngẫm, trong cuộc sống bạn đã dành bao nhiêu thời gian để trưởng dưỡng tâm linh, để đối xử thân ái với mọi người, để phát triển tình yêu thương và trí tuệ? Một ngày bình quân bạn dành bao nhiêu giờ để ngủ? Bao nhiêu giờ để làm việc? Bao nhiêu giờ dành cho cho thực phẩm, ăn uống, những quan hệ xã hội? Bao nhiêu giờ bạn đã tiêu xài cho những cảm xúc thất vọng, tức giận, buồn chán, kiêu ngạo, lười nhác hoặc chỉ trích? Và cuối cùng, bạn đã dành bao nhiêu thời gian cho những nỗ lực phát triển tâm linh và rèn luyện tâm thức?
Hãy thực hành tích lũy trí tuệ và công đức một cách chân thành. Hãy đánh giá cuộc sống của bạn dưới góc độ thực hành Phật pháp để chứng minh rằng bạn thực sự đã dành nhiều thời gian làm lợi ích cho bản thân và mọi người. Điều này sẽ rất lợi ích cho tâm bạn khi đối diện với cái chết và đời sống kế tiếp.
Trích ấn phẩm "Bardo - Bí mật nghệ thuật sinh tử" - Nhà xuất bản Tôn giáo, 2013
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Trong họa có phúc
Kiến thức 20:00 07/11/2024Chuyện xảy ra khi Đức Thế Tôn ở tại tinh xá Trúc Lâm, liên quan đến một thầy Tỷ-kheo hoàn tục. Thầy vốn là đệ tử của Trưởng lão Ðại Ca-diếp, tuy đã đạt Tứ thiền nhưng một hôm đến chơi nhà ông chú làm thợ vàng, trông thấy nhiều đồ trang sức đẹp mắt liền sanh lòng tham luyến, bèn hoàn tục.
Người niệm Phật được 25 vị Bồ tát gia trì mọi lúc mọi nơi
Kiến thức 16:30 07/11/2024Đức Phật dạy: Nếu có chúng sanh niệm A Di Đà Phật, nguyện vãng sanh, đức Phật ấy liền sai 25 vị Bồ tát ủng hộ hành giả.
Chỉ tin một người
Kiến thức 14:32 07/11/2024Một thời Thế Tôn ở Kimbilà, tại Veluvana, dạy các tỳ kheo: "Có năm nguy hại này, này các tỳ kheo, trong lòng tịnh tín đối với một người. Thế nào là năm?
Người có phước huệ chân thật
Kiến thức 14:10 07/11/2024Người thế gian luôn cho rằng, ở trong xã hội có tiền tài, có địa vị, có sản nghiệp thì gọi là phước đức. Cái quan niệm này hoàn toàn sai rồi, đó không phải là phước đức chân thật, phước đức chân thật không phải ở những thứ này.
Xem thêm