Cứu vật, vật trả ơn, cứu người, người trả gì
Trong dân gian có truyền tụng một câu thành ngữ: “Cứu vật vật trả ơn, cứu nhân nhân trả oán”. Câu thành ngữ này khá phổ biến trong công chúng vì có nhiều người đã từng nói hoặc đã từng nghe.
Thông thường nhất là trong giao tiếp mỗi khi bị một người có lần được ta cứu giúp rồi lại dối gạt, lừa phỉnh hoặc phản bội, lúc đó ta thường thốt lên một cách cay đắng: cứu vật vật trả ơn, cứu nhân nhân trả oán!
Câu này bản thân tôi lần từ khi đang còn đi học cũng đã từng nghe rất nhiều. Nhưng nghe mà lòng cứ thắc mắc mãi sao lại thế nhỉ, làm sao mà có chuyện ngược đời như thế, con vật thì chỉ biết sống bằng bản năng làm sao nó có lý trí để biết mang ơn ai để báo đáp, còn con người thì có lý trí biết phân biệt phải trái, biết ai giúp mình, ai hại mình để mà ứng xử cho đúng chứ, sao lại có chuyện dùng oán để trả ơn cho người đã cứu giúp mình?
Sự thắc mắc cứ đeo đẳng mãi mà không lời giải thích nên tôi cố tìm hiểu lý do thì mới biết trong chuyện cổ tích nước ta có một câu chuyện như thế, có một anh chàng trong quá khứ đã có cơ hội cứu các con vật và cứu một người, nhưng sau này chính người được anh cứu đã vì lòng tham lam nên tìm cách hại chết anh để lấy công với vua, nhưng cũng chính nhờ các con vật đã được anh cứu khi thấy anh bị hại đã tìm cách cứu và anh cuối cùng được giải oan và được vua ân thưởng. Câu thành ngữ trên là để minh họa cho chuyện đó.
Tôi cứ nghĩ đây là một trường hợp hy hữu chứ không phải thường hay xảy ra, nhưng sau này tìm hiểu thêm tôi mới biết thì ra câu chuyện trên có rất nhiều dị bản không những ở nước ta mà các nước trên thế giới kể cả trong truyện cổ Phật giáo cũng có một chuyện tương tự như thế. Như thế thì trong đời sống chuyện con người dùng oán báo ân đâu phải hiếm!
Tôi cứ băn khoăn mãi và rồi tôi tìm một lời giải thích theo ý của mình, tôi cho rằng thật ra câu này là một câu cảm thán chỉ đúng trong những trường hợp khi bị một ai đó chịu ơn ta mà lại phản bội ta thôi và chỉ đúng trong hoàn cảnh đó thôi, chứ nó không thể đúng với đa số chứ đừng nói chi đến coi nó như một phát ngôn mang tính xác quyết, hoặc xem nó như là chân lý vậy!
Đồng ý rằng chúng ta đang sống trong một thế giới tương đối, con người cũng có người này người khác, thế gian mà! bởi vậy trần gian mới có lắm chuyện xảy ra, có lắm chuyện để nói. Trong xã hội có nhiều người sống lương thiện với tâm thiện, biết làm lành tránh dữ, biết gieo nhân phước đức, nhưng cũng không ít người sống gian manh lừa thầy phản bạn, chẳng những vong ân bội nghĩa mà còn đem oán báo ân nữa!
Chính vì vậy mà nó tạo nên một xã hội muôn màu muôn vẻ, một xã hội luôn biến động không lúc nào yên lành. Nhưng xét về tổng thể, con người có lý trí, lại có cơ hội được học đạo lý nên biết nhận định để phân biệt phải trái, thiện ác mà hành xử cho đúng với lương tâm và phù hợp với đạo lý, nên bản chất của con người không phải là đem oán báo ân mà phải lấy ân báo ân. Hoặc chí ít cũng “ân đền oán trả”, đó là luật công bằng.
Thế nhưng nếu chỉ dừng lại ở việc thực hiện luật công bằng, ân đền oán trả thì oán đối sẽ kéo dài không dứt và có khuynh hướng biến sự thù oán ngày càng nghiêm trọng hơn. Nợ máu phải đền bằng máu hoặc mạng đổi mạng mới nghe qua chúng ta thấy rất sòng phẳng, thế nhưng đó là một lối hành xử rất bạo lực và tạo sự oán kết kéo dài gây ra biết bao nhiêu là hệ lụy không tốt cho con người, cho xã hội.
Giáo lý của Đức Phật không chỉ dừng lại ở luật công bằng mà dạy con người cần làm hơn thế nữa đó là: LẤY ÂN BÁO OÁN:
“Lấy ân báo oán, oán ấy tiêu tan, lấy oán báo oán, oán ấy chập chùng”. Ta thấy Đức Phật dạy con người đối nhân xử thế, hành xử về ân, oán trong đời sống như thế là rất cao thượng, rất bao dung, thể hiện lòng từ bi không bờ bến vượt lên trên tất cả các giáo thuyết của những tôn giáo khác rất nhiều. Đối với nhân thế người ta kêu gọi phải đem lẽ công bằng ra mà ứng xử tức là ân đền oán trả, Đức Phật thì kêu gọi đem lòng từ bi đối với muôn loài ra mà sống, vì chỉ có lòng từ bi và sự bao dung mới hóa giải mọi oán kết và cũng chỉ có lòng từ bi và lòng bao dung mới xây dựng cho ta cho con người, cho xã hội có một cuộc sống an lạc, hạnh phúc thực sự.
Hãy lấy lòng từ và bao dung mà đối xử với nhau, lời dạy của Đức Phật có giá trị như là một chân lý áp dụng trong đời sống mà bất kỳ ai cũng có thể áp dụng chứ không cần họ phải là một tín đồ đạo Phật.
Trong cuộc sống hằng ngày ta vẫn thấy có rất nhiều tấm lòng bao dung và độ lượng trong hành xử, có thể họ là phật tử, có thể không, nhưng với tấm lòng từ bi và bao dung ấy họ chính là những bồ-tát giữa đời thường vậy!
Đó là những tấm gương sáng cho ta noi theo. Chúng ta cũng thấy trong xã hội những con người với tấm lòng quảng đại và hành xử theo cách lấy ân báo oán cũng rất nhiều. Chính nhờ những tấm lòng nhân ái đó đã giúp xây dựng một xã hội yên bình và giúp cho “người và người sống để thương nhau”.
Thế nên bạn cứ an tâm đi cứu vật vật trả ơn, cứu nhân nhân cũng trả ơn và còn hơn thế!
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Đưa tạng chàng trai chết não đi 3 miền để ghép cứu người
Gieo mầm thiện 09:30 03/12/2024Trong 24 giờ đợi bác sĩ đánh giá chết não, chàng trai 18 tuổi chuyển biến nặng tưởng chừng tử vong, song đã giữ được nhịp tim đến cùng dưới sự hỗ trợ của máy móc để hiến tạng cứu 7 người.
Chùa Tường Nguyên khởi công xây dựng 2 cầu bê-tông nông thôn tại tỉnh Hậu Giang
Gieo mầm thiện 05:20 02/12/2024Ngày 1-12, Đại đức Thích Minh Phú, Phó Thường trực Ban Từ thiện xã hội GHPGVN TP.HCM, trụ trì chùa Tường Nguyên (Q.4, TP.HCM) tổ chức khởi công xây dựng công trình cầu nông thôn tại tỉnh Hậu Giang.
Chùa Bồ Đề - mái ấm nơi cửa Phật
Gieo mầm thiện 10:20 01/12/2024Chùa Bồ Đề ở phố Phú Viên, phường Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội) là nơi cưu mang những mảnh đời bị bỏ rơi giữa chốn nhân gian. Đây không chỉ là nơi tu hành đạo Phật mà còn là mái ấm của những em nhỏ có hoàn cảnh éo le.
Tình nguyện vá đường, hiến máu sau lần sẻ chia ở chùa
Gieo mầm thiện 18:09 30/11/2024Trong 14 năm qua, Phạm Văn Hiếu cùng nhóm tình nguyện đã lặng thầm "vá" hàng ngàn ổ gà tại các tuyến đường trong ngoài thành phố. Không những thế, anh còn hiến máu, hiến tiểu cầu hơn 80 lần và vận động được hàng trăm cùng người tham gia.
Xem thêm