Đại đức Thích Tuệ Minh: “Trẻ không đến chùa, không tu tập thì bao giờ mới tu?”
Trong những năm gần đây, nhiều trường học trên địa bàn Nghệ An nói riêng và các tỉnh, thành, thị nói chung đã chọn các điểm chùa là di tích lịch sử văn hóa để học sinh học tập tham quan thực tế và tham dự các khóa tu, trải nghiệm đời sống tu hành.
Để mỗi ngôi chùa có thể trở thành điểm đến hấp dẫn bạn trẻ trong hành trình trải nghiệm, khám phá lịch sử các ngôi chùa và trong hoạt động tham quan, trải nghiệm “đời sống thiền môn” của học sinh cũng là câu chuyện khiến nhiều phụ huynh quan tâm.
Xung quanh vấn đề này, Đại đức Thích Tuệ Minh, Phó Văn phòng Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh Nghệ An, trụ trì chùa Chí Linh (H.Yên Thành, Nghệ An) - người nhiều năm hướng dẫn học sinh nhiều trường tại địa phương đến trải nghiệm ngoại khóa ở chùa - đã có trò chuyện với Phatgiao.org.vn.
Vì sao chùa Chí Linh là điểm đến trải nghiệm thú vị của học sinh?
* Thời gian gần đây, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã chọn chùa Chí Linh (Yên Thành) là điểm đến tham quan, trải nghiệm cuộc sống thiền môn, Đại đức có “bí quyết” gì để chùa Chí Linh trở thành điểm đến hấp dẫn?
- Đại đức Thích Tuệ Minh: Thật ra bản thân tôi chẳng có “bí quyết” gì cả ngoài tinh thần phụng sự hết lòng vì Phật pháp.
Đất nước ta đang dần phát triển theo hướng hiện đại hóa. Trong sự hội nhập để phát triển đó sẽ có rất nhiều luồng văn hoá đa dạng được tiếp thu. Đồng nghĩa, sẽ có rất nhiều nghịch lý: từ sự phức tạp trong các mối quan hệ giữa con người với con người; con người với xã hội bên ngoài…, để rồi hình thành ra nhân cách đạo đức của mỗi cá nhân. Trong đó các em học sinh, giới trẻ là nhân tố chịu tác động nhanh nhất và dễ bị tác động nhất.
Đi trải nghiệm thực tế là một trong những cách định hình lại những giá trị căn bản nhất của con người và hơn hết, chốn Thiền môn, tức các ngôi chùa có thể xem là điểm đến lý tưởng nhất cho các hoạt động trải nghiệm này.
Chùa Chí Linh (huyện Yên Thành, Nghệ An) do tôi trụ trì là một trong các điểm đến của các học sinh các trường trong tỉnh. Tôi có thể rút ra 4 yếu tố cơ bản sau đây khi các trường chọn chùa làm nơi trải nghiệm cho học sinh:
Thứ nhất, về địa điểm. Chùa Chí Linh là một trong các địa chỉ về điểm du lịch tâm linh sinh thái của tỉnh Nghệ An, nên các hoạt động tham quan tìm hiểu học tập luôn được tuyên truyền và chú trọng đến các tầng lớp nhân dân trong và ngoài địa phương.
Thứ hai, về giao thông. Giao thông phải thuận tiện, không quá xa so với điểm xuất phát để đỡ mất nhiều thời gian di chuyển. Chùa Chí Linh cách trung tâm TP.Vinh khoảng 60km, với quãng đường này theo tôi là hợp lý!
Thứ ba, về ăn uống, nghỉ ngơi. Nơi trải nghiệm có cảnh quan sinh thái rộng rãi - thích hợp cho các em hoạt động và việc ăn uống đáp ứng các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm. Mặc dù sẽ là ăn chay nhưng tinh thần chế biến vẫn ngon không kém các thực phẩm ăn mặn để các em dễ ăn (cười).
Thứ tư, về nội dung các hoạt động. Các hoạt động trải nghiệm phong phú, hướng đến cả thể chất và tinh thần. Từ việc giới thiệu lịch sử chùa; cách thức vào trong đền chùa và những chỗ linh thiêng; nghi thức chào hỏi theo nhà chùa; cách thức ngồi thiền theo nhà chùa; thực tập ăn trong chính niệm; cách nghỉ trưa hiệu quả nhất; đan xen là các hoạt động trò chơi dân gian; đặc biệt là buổi nghe đạo lý và tìm hiểu về tinh thần đạo đức của nhà Phật dành cho cuộc sống như Nhân quả; lòng biết ơn…
* Thầy cho biết thêm các nội dung, hoạt động chủ yếu trong thời gian trải nghiệm tại chùa?
- Thông thường mỗi trường khi đưa học sinh về trải nghiệm sẽ liên hệ trước với nhà chùa để thống nhất nội dung trải nghiệm nên sẽ có rất nhiều các chủ đề khác nhau, tuỳ vào độ tuổi và thời gian của các em. Tuy nhiên, sẽ có 4 chủ đề lớn được nhà chùa chia sẻ trong các buổi trải nghiệm:
Thứ nhất là tình yêu với Tổ quốc.
Thứ hai lòng hiếu thảo với ông bà và cha mẹ.
Thứ ba là sự tôn trọng các thầy giáo, cô giáo.
Thứ tư là sự tử tế với bạn bè và lòng biết ơn mọi người xung quanh.
* Học tập trải nghiệm ở chùa có thể được xem là kênh hiệu quả để giáo dục “Tứ trọng ân” đối với các em học sinh?
- Trước đây chúng ta vẫn thường nghe “trẻ vui nhà, già vui chùa”. Vì câu nói này mà hệ luỵ cho Phật giáo một thời gian dài, làm mai một dần những trí tuệ của giới trẻ nước nhà, làm thui chột và tụt hậu biết bao những giá trị quý báu của ông cha.
Theo tôi, nếu ngành giáo dục nước nhà mà có tư duy tiến bộ như thế thì đó chính là phúc của cả dân tộc ta!
Tại sao chúng tôi nói vậy? Lịch sử của dân tộc Việt Nam đã minh chứng rõ ràng về sự gắn bó mật thiết hàng ngàn năm cùng Phật giáo Việt Nam. Vận mệnh này vô cùng đặc biệt, nên mỗi khi nhắc đến văn hoá dân tộc, không thể không nói đến văn hoá Phật giáo và nói đến văn hoá Phật giáo thì không thể tách ra khỏi văn hoá dân tộc. Đây là lý do mà lúc sinh thời, Bác Hồ nhận được một điều bất hủ: Dân tộc Việt Nam, Phật giáo Việt Nam, tuy hai mà một, như bóng với hình, bất khả phân ly!
Trải qua những quá trình đau thương của dân tộc và tiếp biến các luồng văn hoá khác một cách thiếu chọn lọc nên chúng ta đã từng bỏ quên Phật giáo cũng như phương pháp giáo dục của nhà Phật nên mới có những định kiến và thiển cận sai lầm về Phật giáo. Đây là điều đáng tiếc nhất trong lịch sử phát triển nước nhà!
Quá sai lầm!
* Có ý kiến cho rằng, chùa là môi trường tín ngưỡng, phù hợp với vãn cảnh, phục vụ các nhu cầu tâm linh, không phù hợp đối với các em học sinh đang phát triển tâm sinh lý, kết quả sẽ là những niềm tin dị đoan?
- Sai, rất sai lầm khi đánh giá điều đó. Như đã nói ở trên thì Phật giáo chính là một di sản của dân tộc ta, nếu bỏ quên di sản này là ta có lỗi với tổ tiên ta!
Mặc dù đất nước ta hiện nay đa tôn giáo, đa tín ngưỡng nhưng Phật giáo luôn được xem là tôn giáo của dân tộc, đạo của ông bà, vậy hà cớ gì ta quên lãng? Trẻ thiếu nền tảng giáo dục đạo đức, liệu lớn lên có uốn nắn được chăng?
Do đó, theo tôi, việc giáo dục con trẻ ngoài gia đình là căn bản thì nhà trường, xã hội và nhà chùa, thậm chí các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo khác phải đồng hành với nhau một cách chặt chẽ trong tinh thần giáo dục đầy đủ cả về kiến thức, thể chất và tinh thần tâm linh mới mong đào tạo ra mẫu người lý tưởng tài đức vẹn toàn!
* Đại đức đánh giá như thế nào về chuyển biến ý thức của các em sau khi về chùa trải nghiệm hay nói cách khác giá trị mang lại của hoạt động này?
- Trong hơn 10 năm qua, bằng việc tổ chức liên tục các khoá học dành cho thanh thiếu niên thông qua các hoạt động như sinh hoạt câu lạc bộ Thanh niên Phật tử; khoá tu học mùa hè; các lớp học trải nghiệm…, tôi nhận thấy đây là một môi trường tốt với những cơ hội rộng mở để được vui chơi lành mạnh, được giao lưu học hỏi với nhau.
Và hơn hết, chùa là nơi được học hiểu những điều hay, ý đẹp về đời, trải nghiệm đời sống tu hành, được học giáo lý, được nghe giảng các bài pháp phù hợp với lứa tuổi của mình: tình yêu quê hương đất nước, lòng hiếu thảo ông bà cha mẹ, sự kính trọng thầy cô giáo, tôn trọng tử tế bạn bè và mọi người xung quanh…
Đồng thời, những khóa tu học như vậy sẽ là cầu nối yêu thương giữa các bạn và gia đình, tư vấn, tháo gỡ những khúc mắc về các vấn đề tâm lý đạo đức trong đời sống. Là cơ hội để lắng nghe, thấu hiểu, tìm lại chính mình, nhận diện cuộc sống và chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau để sống an lành hạnh phúc, giúp các bạn trẻ có một cuộc sống lành mạnh hơn, hướng thiện con người ngay từ khi ở vào độ tuổi đang phát triển cả về thể chất lẫn tâm hồn.
Đối với gia đình và xã hội, thì khoá tu học này đã đem lại hiệu quả thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tạo nền tảng tinh thần xã hội, có sức lan tỏa mạnh mẽ trên các mặt của cuộc sống, nhờ sự thay đổi tích cực từ nhận thức và hành động của các khoá sinh khi trở về với đời sống thường nhật. Khi các bạn trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước, quê hương, gia đình luôn sống có nền tảng của sự yêu thương, đạo đức thì các bậc tiền nhân đi trước sẽ yên tâm hơn.
Biết tu càng sớm càng an vui, hạnh phúc
* Theo thầy, làm sao để giới trẻ đến chùa nhiều hơn? Và làm sao để giáo lý nhà Phật thiết thực giúp người trẻ hiện đại giải quyết được các khó khăn, chuyển hóa niềm đau, nỗi khổ cho họ?
- Hoà thượng Thiền sư Thích Thanh Từ từng dạy: đạo Phật là đạo chung tất cả, nhưng thích hợp nhất là tuổi trẻ. Vì tuổi trẻ mới có đủ phương tiện thực hiện triệt để giáo lý cao siêu của Phật, và tuổi trẻ mới đủ bầu nhiệt huyết hăng hái quả cảm trên con đường tự giác, giác tha, dù gặp mọi gian nguy khó khổ.
Đức Phật dạy bốn pháp kiên cố đến quả Bồ-đề. “Tuổi trẻ biết mộ đạo tu hành” là một trong bốn điều ấy vậy. Tuổi trẻ là tuổi thích hợp với đạo Phật, vậy những bạn thanh niên không nên luống phí thời giờ, phí thời kỳ quí báu ấy, đợi đến khi sức kiệt hơi tàn, có hối tiếc cũng không kịp.
Phật dạy: “Ngươi nói: Tôi còn trẻ cần phải chơi bời vui vẻ, đến ngày già sẽ tu. Nhưng cái chết có khác nào kẻ cướp cầm gươm bén theo rình rập ngươi, một miếng mồi ngon của nó; như vậy làm sao ngươi chắc mà đợi đến ngày già đặng đưa tâm trí qua đường đạo đức”.
* Trong thời gian tới chùa Chí Linh có những hoạt động gì để thu hút, tập hợp giới trẻ?
- Chùa Chí Linh hàng ngày vẫn miệt mài trong công việc phụng sự nhân sinh, và đặc biệt luôn dành sự ưu tư tâm huyết đến giới trẻ. Do vậy, thời gian tới nhà chùa vẫn luôn tạo các cơ hội tốt nhất để giới trẻ có môi trường tiếp cận Phật pháp càng sớm càng tốt bằng các khoá học trải nghiệm, các khoá tu, thành lập các Câu lạc bộ Thanh niên Phật tử.
Ngoài ra, chùa sẽ kết hợp cùng các tổ chức chính trị - xã hội bên ngoài như đoàn thanh niên, các trường học để giao lưu, tạo sự gần gũi đến các em. Từ đó giúp giới trẻ tiếp cận được với Phật pháp một cách dễ dàng nhất.
Giữ gìn được những giá trị văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh, phong tục tập quán tốt đẹp đang là ưu tư hàng đầu của nhà chùa để giới trẻ có thể không bị ngăn ngại bởi một lý do nào khi đến với đạo Phât.
* Thầy cũng là vị giáo phẩm nhiều năm công tác trong lĩnh vực hướng dẫn Phật tử, thầy có ưu tư gì trong công tác này? Những hạn chế cần khắc phục và cả ưu điểm cần phát huy?
- Hiện tôi đang được Tăng sai giữ chức Phó Văn phòng Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh Nghệ An, làm công tác trong ngành Hướng dẫn Phật tử hơn 10 năm qua, nhận thấy một vài những điểm sau:
+ Số lượng tín đồ hiện tại ở nước ta đang già hoá. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
+ Thiếu chiến lược cụ thể để phát triển Phật tử.
+ Tập trung Phật tử ở vùng đồng bằng là chủ yếu, thiếu liên kết và hướng đến các Phật tử đồng bào các dân tộc hầu như bị bỏ ngỏ.
Cho nên để có thể khắc phục được các nhược điểm trên của ngành Hướng dẫn Phật tử nói riêng và của Phật giáo nói chung thì yếu tố con người vẫn là chủ chốt.
Nhiều người cho rằng đạo Phật phải thay đổi để phù hợp với xu thế hiện đại phát triển của nhân loại nói chung, nhưng theo chúng tôi thì giáo lý đạo Phật vốn dĩ không cần làm gì mới cả, có chăng là làm mới con người, cần có đội ngũ con người chân thật vì đạo, chân thật vì chúng sinh và chân thật đến với đạo, bởi những gì là chân thật sẽ bất hư!
* Xin cảm ơn Đại đức!
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Jun Phạm: "Tôi thích truyện tranh và đọc về Phật giáo"
Phỏng vấn 11:25 17/12/2024Đối với ca sĩ Jun Phạm, các cuốn sách như những người bạn đã đồng hành cùng anh từ khi còn là cậu bé đến khi trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng.
Á hậu Hạnh Nguyên chuyển hóa nội tâm nhờ sách về Phật pháp
Phỏng vấn 09:37 12/12/2024Á hậu Hạnh Nguyên chia sẻ về hành trình ăn chay đến tìm hiểu Phật pháp, thói quen đọc 5-20 trang sách mỗi ngày, cùng những tác động từ sách Phật pháp đến tư duy, cách sống và công việc.
Đỗ Thành Tín: “Âm thanh có khả năng giúp kết nối, hồi sinh…”
Phỏng vấn 11:39 11/12/2024Đỗ Thành Tín, chuyên gia chuông xoay, nghệ sĩ và là người tổ chức liveshow “Thanh âm mùa tái sinh” diễn ra vào lúc 12h ngày 12/12 sắp tới tại TP.HCM…
Trò chuyện với một người trẻ tập "thiền động", yêu cây
Phỏng vấn 15:56 07/12/2024Ở Đà Nẵng, có một bạn trẻ vô cùng yêu cây, mơ góp sức mình cho màu xanh đất mẹ - vị Bồ-tát từ bi nuôi dưỡng vạn loài. Đó là nhiếp ảnh gia 9x Đặng Công Lợi. Anh là chủ nhân của Fanpage “Thành phố màu xanh” và một kênh Vlog lan tỏa lối sống xanh.
Xem thêm