Ngày xưa ông vua Phật hoàng Trần Nhân Tông đã sáng suốt đưa Phật giáo vào áp dụng trong toàn dân và phá bỏ các hủ tục, tập tục có hại đến người và vật. Một người phật tử chân chính không sát sinh hại vật thì không bao giờ giết người. Hiện nay, nhiều vụ án giết người dã man đã xảy ra làm đau lòng nhân thế. Chúng tôi có câu danh ngôn để răn nhắc chính mình: “Tiên học đạo đức làm người, hậu học chữ nghĩa kiến thức” nếu ai cũng áp dụng được câu này thì nhân loại sẽ tránh được cảnh máu đổ thịt rơi. Than ôi, một kiếp người quá mong manh, không thở là chuyển sang đời khác để làm súc sinh mà trả nghiệp si mê của mình.
Chỉ khi nào bạn tin nhân quả thật sự thì bạn mới sống đạo đức. Còn nếu bạn đã không tin rồi thì việc gì bạn cũng có thể làm, đây là một sự thật mà ít ai tin. Vì sao? Tiền và quyền đã làm bạn mờ mắt, Phật ví như kẻ mù dắt đám mù trước sau gì cũng sụp hầm sa hố, đó là bài học cuộc đời... Khi con người có đạo đức tất nhiên sẽ gương mẫu, chẳng cần phải chờ ai chỉ dạy? Khi con người không có đạo đức thì sẽ không gương mẫu. Đạo đức và gương mẫu giống như đôi cánh chim, nếu thiếu một cánh thì sẽ mất cả hai. Truyền thống đất nước Việt Nam trên 4000 năm văn hiến là truyền thống đạo đức. Thế cho nên gương mẫu sẽ gắn liền với đạo đức, giống như con chim phải có đủ hai cánh thì mới bay được.
Chủ nghĩa cá nhân là nguyên nhân hủy diệt chính mình và hủy diệt nhân loại. Chính vì vậy, con người luôn tìm đủ mọi cách để tôn vinh bản ngã của mình khi có quyền hành trong tay. Chiến tranh và thù hận sẽ không bao giờ chấm dứt, khi con người không tin nhân quả. Nỗi lòng trăn trở trong chính sách giáo dục hiện nay, học nhòi, học nhét mà không dạy đạo đức làm người thì dần hồi giết chết nền giáo dục con người. Ai cũng coi trọng điểm số và bằng cấp và con người ta quý trọng nhau qua địa vị và bằng cấp. Bằng cấp tiến sĩ và địa vị cao mà không tin nhân quả thì có giá trị gì? Chỉ vì những con điểm vô giá trị mà đã đầy biết bao số phận học sinh vào bước đường cùng, đã khiến cho mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái và giáo viên - học sinh trở nên căng thẳng, ngột ngạt và mơ hồ.
Cuộc sống của những học sinh giờ đây gần như chỉ xoay quanh việc HỌC mà không có chỗ thoát ra. Tiên học đạo đức làm người đã bị quên lãng từ thuở nào, thay vào đó là tiên học lễ của Trung Quốc là gia trưởng, là phong kiến, là phân biệt giai cấp và trọng nam khinh nữ. Vì việc nhòi nhét mà các cháu không thời gian nghỉ ngơi, thư giãn để tìm hiểu mọi vấn đề khác trong cuộc sống. Nhòi nhét bắt buộc học thêm lu sà bù mà thực tế không có giá trị đạo đức. Trong khi đó đạo đức là giá trị sống của con người, thiếu nó mọi thứ khác đều vô dụng và dần bị hủy diệt. Văn hóa đền chùa miếu phủ thì đầy ấp mê tín, giáo dục thì không quan tâm đến nhân cách sống của một con người, đó là giáo dục chết?
|
Ảnh sưu tầm |
Xưa và nay, lịch sử dân tộc Việt Nam vẫn có nhiều vị vua là minh quân sáng suốt như vua Phật hoàng Trần Nhân Tông. Sau khi dẹp tan quân Nguyên Mông, ngài đã làm một việc mà đến nay sử sách vẫn còn ghi đậm nét để lưu danh muôn thuở. Một số quan quân thời kỳ đó, đã cấu kết với giặc Nguyên Mông dâng sớ chỉ điểm bán nước nhằm làm hại dân tộc Việt Nam. Thay vì trừng phạt những người đó theo pháp luật hiện hành, vì lòng từ bi thương xót tất cả mọi người, ngài đã không truy cứu trách nhiệm tội bán nước, tội phản quốc đối với những người đó. Nhờ vậy, sau này chính những người đó đóng góp rất nhiều cho lợi ích dân tộc Việt Nam.
Kể từ khi con người có mặt trên trái đất này, chiến tranh vẫn cứ tiếp diễn không có ngày thôi dứt. Nhưng nỗi đau của nhân loại là chết vì thiếu hiểu biết, chết dần chết mòn, chết trong oằn oại đau thương vì không có tình người trong cuộc sống. Con đường duy nhất của thế gian là biết tôn trọng luật pháp và bảo vệ luật pháp. Nhưng luật pháp phải bình đẳng về các quyền tự do, không phân biệt giai cấp, tôn trọng đạo đức làm người thì đó mới là luật pháp chân chính. Luật pháp mà thiếu chất liệu đạo đức từ bi thì luật pháp đó không giúp ích vì nhiều cho con người.
Một bằng chứng lịch sử Hitler là một người có tài nhưng mà không có đức nên đã giết chết trên mười triệu con người, vết nhơ đó giờ vẫn còn mãi trong lòng nhân loại. Phật hoàng Trần Nhân Tông vị anh hùng của nước Việt, là đại cứu tinh cho cả dân tộc Việt nam, là một vị vua minh quân sáng suốt dám từ bỏ ngôi vua để xuất gia tu hành. Ngày kêu gọi phá bỏ các hủ tục giết hại, mê tín đưa đạo đức Phật giáo vào áp dụng trong toàn dân, giữ năm giới tu mười điều lành. Nhờ vậy sách sử lưu danh muôn thuở tiếng thơm giờ vẫn còn đó....ấy thế mà con cháu của Ngài lại ngoảnh mặt làm ngơ sao?
Tôi, kẻ Tăng lữ hơn nữa đời người đã từng lầm lỗi vì cho rằng chết là hết, nên đã tán tận lương tâm làm nhiều việc xấu ác. Phật pháp đã cứu đời tôi, hơn 20 năm khoác áo nâu sòng tưởng chừng..... bị gục ngã bởi những khoái lạc trần gian. Khoái lạc trần gian tuy có nhiều vị ngọt....nhưng cũng có nhiều vị đắng. Đắng nhiều ngọt ít đó là một thực tại ít ai nhìn thấy, lời thật tuy mất lòng vì đó là trách nhiệm của kẻ Tăng lữ phải truyền bá đạo đức làm người, những người không tin nhân quả, phi đạo đức có thể họ sẽ trù dập chúng tôi dưới nhiều góc độ. Nhưng vẫn cầu nguyện cho họ cùng gia đình người thân sẽ thành tựu những gì tốt đẹp nhất, vì tôi không thấy ai là kẻ thù mà chỉ có người chưa thông cảm.
Chỉ khi nào bạn tin nhân quả thật sự thì bạn mới sống đạo đức. Còn nếu bạn đã không tin rồi thì việc gì bạn cũng có thể làm, đây là một sự thật mà ít ai tin. Vì sao? Tiền và quyền đã làm bạn mờ mắt, Phật ví như kẻ mù dắt đám mù trước sau gì cũng sụp hầm sa hố, đó là bài học cuộc đời......Khi con người có đạo đức tất nhiên sẽ gương mẫu, chẳng cần phải chờ ai chỉ dạy? Khi con người không có đạo đức thì sẽ không gương mẫu. Đạo đức và gương mẫu giống như đôi cánh chim, nếu thiếu một cánh thì sẽ mất cả hai. Truyền thống đất nước Việt Nam trên 4000 năm văn hiến là truyền thống đạo đức. Thế cho nên gương mẫu sẽ gắn liền với đạo đức, giống như con chim phải có đủ hai cánh thì mới bay được. Lòng tham con người như giếng sâu không đáy không bao giờ biết chán, biết đủ, biết dừng. Người có quyền cao chức trọng thì lợi dụng chèn ép, bóc lột kẻ dưới. Người không được thì tìm cách trộm cướp, lường gạt của người khác. Kẻ bần cùng thì oán trời trách đất, oán ghét xã hội, bạn bè, người thân.
Có nhiều gia đình cha mẹ vừa nằm xuống thì trong nhà anh em ruột thịt đã tranh nhau đòi chia gia tài, so bì với nhau từ lằn ranh bờ đất, chửi bới thưa kiện nhau ra tòa để giành của về mình. Anh em ruột thịt còn như thế thì huống chi là người dưng nước lã, làm sao có thể thương yêu giúp đỡ nhau bằng tình người trong cuộc sống.
Người có tiền của còn tham như vậy thì nói gì đến người nghèo khổ, thiếu trước hụt sau. Trong cảnh túng quẫn có khi họ phải ăn trộm, cướp giật, lường gạt của người khác. Người phật tử chân chính phải biết tạo dựng cho mình một đời sống trong sạch, miễn sao có miếng ăn thức uống vừa đủ mà trau dồi đạo đức tâm linh; biết nhường cơm xẻ áo, nhín ăn bớt mặc để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh trên tinh thần của ít lòng nhiều.
Hiểu lầm chữ tu?
Trong cuộc sống của chúng ta hiện nay, phần đông không hiểu rõ ý nghĩa của chữ "tu", không hiểu rõ tu để làm gì, cho nên ứng dụng một cách sai lệch, mù mờ thật đáng thương và tội nghiệp làm sao đâu!
Phật không có ở trong thiền viện hay chùa hoặc am thất, không có ở trên non trên núi, không có ở dưới sông dưới suối, không có ở trong rừng trong hang, không có ở cội cây hòn đá. Phật không có ở trong các pho tượng vàng, đồng, xi măng hay trong các tranh vẽ. Những người tự xưng là Phật sống hay còn gọi là vô thượng sư hoặc nói rằng mình là đại diện Phật để dâng sớ cúng sao giải hạn, cầu mong đủ mọi thứ trên thế gian này đều là tà pháp.
Hiện tượng thấy một đám mây giống hình người hoặc cội cây, hòn đá có hình dáng đặc biệt, ta liền cho đó là Phật hiện, rồi tuyên truyền vận động mọi người đến để lạy lục, cầu khẩn van xin, đều không phải chính pháp, mà là do chúng ta thiếu hiểu biết và không tin sâu nhân quả, nên mới mê tín dị đoan như thế. Phật, Bồ tát chỉ thị hiện ra đời bằng thân vật chất dưới mọi hình thức là con người hoặc các loài vật có tình thức, như đúng theo tinh thần của kinh Diệu Pháp Liên Hoa nói.
Có người cho rằng tu là phải cạo bỏ râu tóc, mặc áo nâu sòng, hay áo cà sa, vào ở trong chùa, vào ở thiền viện hoặc ở thâm sơn cùng cốc, tức là phải có hình tướng ông thầy, phải là tu sĩ mới gọi là người tu. Hoặc rộng rãi hơn một chút, có người cho rằng phải biết ăn chay, thường xuyên đi chùa, sám hối, tụng kinh, niệm Phật, niệm Bồ tát, làm công quả, làm việc chùa giao gọi là phật sự, mới gọi là người tu. Không làm như vậy thì không phải là người tu.
Hiểu biết như vậy không hoàn toàn sai, nhưng chúng ta chỉ mới chú ý đến phần "sự", tức là phần hình thức, hình tướng bên ngoài của một người tu mà thôi. Hay nói cách khác, những điều đó chỉ là "điều kiện có" của một người tu, dù là tu sĩ xuất gia hay cư sĩ tại gia, chứ chưa phải là "điều kiện đủ" để thành một người tu thực sự đúng theo nghĩa của đạo Phật.
Đạo Phật không chú trọng nhiều đến hình thức, hình tướng, nhưng không phải không cần có hình thức, hình tướng bên ngoài. Tuy vẫn cần phải có hình thức, hình tướng bên ngoài, một người tu đồng thời cũng phải có chất lượng, có nội dung bên trong, gọi là phần "lý", cả hai phải được vẹn toàn, phải "lý sự viên dung" mới gọi là tu đúng chính pháp.
Trước hết nói về phần sự, tức là phần hình thức, hình tướng bên ngoài, chúng ta thảy đều đồng ý là một người tu cần phải có hình thức trang nghiêm thanh tịnh. Nghĩa là một người tu cần phải ăn mặc tề chỉnh, đi đứng đàng hoàng, thái độ chững chạc, cử chỉ khoan thai, nói năng lễ độ, hòa nhã khiêm tốn.
Không ai có thể chấp nhận một người ăn mặc lôi thôi xốc xếch, đi đứng nghiêng ngửa, nói năng hồ đồ, cử chỉ thô tháo, là một người tu chân chính, trừ trường hợp ngoại lệ các bậc thánh nhân thị hiện oai nghi thô tháo. Cũng trong phần sự, nói chung người tu là người ăn hiền ở lành, sống có nhân cách đạo đức, không làm những việc xấu ác có tính cách làm tổn hại người vật, luôn luôn giúp đỡ sẻ chia khi có việc cần đến.
Một người tu cần phải giữ gìn giới luật oai nghi tế hạnh, tụng kinh, niệm Phật, thiền quán, tu tập thiền định, đi chùa và làm tất cả mọi công việc đem lại ích lợi cho mình và người, một cách chí công vô tư, không phân biệt, không thành kiến. Chúng ta tạm gọi là một người biết tu tâm dưỡng tính.
Nếu một người tu chỉ biết lo việc trau chuốt hình tướng, chỉ biết làm những việc hình thức bên ngoài mà nội tâm vẫn bị xáo trộn bởi phiền não tham, sân, si. Một người chỉ biết tu hình thức như vậy, dù có cạo tóc vào ở trong chùa, trong tâm vẫn còn đầy dẫy những tâm niệm xấu ác, chỉ biết học những nghi lễ cúng kiến để làm kế sinh nhai, hoặc làm nghề bói toán, tướng số mà không hiểu ý nghĩa sâu xa lời Phật dạy.
Thích Đạt Ma Phổ Giác