Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 06/11/2022, 08:52 AM

Đạo Phật và tôi

Tôi có duyên tiếp cận với Đạo Phật từ khi còn rất trẻ. Khi tôi thi đậu Tiểu học, cậu tôi khi đó là giám thị của trường trung học tư thục Nguyễn Văn Khuê đã ghi danh tôi vào học lớp đệ thất (bây giờ là lớp 6) của trường này.

Vào năm sau, tôi lên lớp đệ lục thì khi ấy trường Nguyễn Văn Khuê đổi thành trường Bồ Đề Sài Gòn (bây giờ là trường Đồng Khởi nằm gần chợ Cầu Muối), hiệu trưởng là thầy Thượng Tọa Thích Quảng Liên.

Gần như cả thời học trung học tôi đã học trường của Phật Giáo. Và thế là, tư tưởng và văn hóa Phật Giáo từng bước thấm nhuần vào trong tôi. Tôi có nhiều bạn học cùng lớp là tu sĩ Phật Giáo. Thân nhất là sư Nguyễn Nghị ngồi cạnh tôi dùi mài kinh sử với tôi trong nhiều năm. Sư Nghị tu theo Phật Giáo Tiểu Thừa Theravada. Trong suốt thời gian học trung học đệ nhất cấp (tức từ lớp đệ thất đến lớp đệ tứ), các lớp của trường Bồ Đề một tuần đều có mấy giờ học giáo lý Phật Giáo. Nhờ thế, tôi mới làm quen với những điều căn bản của giáo lý như Đức Phật có nghĩa là “Người đã giác ngộ” về chân lý, bản chất của thực tại, là người muốn giúp đỡ, độ trì tất cả con người chúng ta đang sống trong sương mù ảo vọng do nhận thức sai lầm và do “ba độc”- tham, sân, si. Hoặc tôi đã biết Tứ Diệu Đế là Bốn Sự Thật Diệu Kỳ, gồm có: Sự thật thứ nhất là Khổ Đế, là thực trạng đau khổ của con người; Sự thật thứ hai là Tập Đế, là nguyên nhân dẫn đến thực trạng đau khổ do lòng tham của con người; Sự thật thứ ba là Diệt đế, là sự chấm dứt đau khổ; Sự thật thứ tư là Đạo đế, là phương pháp thực hành dẫn đến chấm dứt đau khổ. Phương pháp thực hành đó là Bát Chánh Đạo v.v… Không chỉ nhờ học giáo lý mà qua trao đổi với các bạn tu sĩ, nhất là với sư Nghị mà tôi hiểu biết thêm những điều về cuộc sống hằng ngày, về chữ “hiếu”, về lòng “từ bi”, và nhất là “chánh niệm”. Cần phải “chánh niệm” tức không suy nghĩ vẩn vơ, không để quá khứ ràng buộc cũng như tương lai lôi kéo, mà nhìn thấu, lắng nghe mọi sự như chúng đang là trong hiện tại. Cần có “chánh niệm” vì như thế mới mong giải thoát khỏi sự ham muốn, bám chấp, ích kỷ của cái “ngã” được tạo ra do sự suy nghĩ, tư tưởng vẩn vơ đó…

Ảnh chính quyền ông Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo năm 1963 tại Sài Gòn. Ảnh tư liệu.

Ảnh chính quyền ông Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo năm 1963 tại Sài Gòn. Ảnh tư liệu.

Sư Nghị rất thường dẫn tôi đến Kỳ Viên Tự ở đường Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu) là nơi sư trú ngụ. Ở đây, sư thường lấy sách do chùa in ấn tặng tôi để đọc mà hiểu biết.

Học trung học tại trường Phật Giáo, thế tôi có bị ảnh hưởng bởi tư tưởng đạo đức của Đạo Phật hay chăng. Tôi chắc là có. Nhớ lại một sự kiện đã xảy ra khi tôi học đại học như sau. 

Khi ấy tôi đang là sinh viên năm thứ tư của trường Đại học Dược Khoa Sài Gòn. Khi đó tôi còn nhớ rõ, tôi đang trên đường từ nhà đến trường Dược. Đến đầu đường Lê Lợi gần chợ Bến Thành, tôi chứng kiến một rừng người đang tuần hành biểu tình mà đi đầu là các ký giả với chiếc bị quàng vai, tay cầm gậy (trông giống đội quân đi ăn mày thật!), trước ngực có đeo bảng ghi: “10-10-74, ký giả phải đi ăn mày vì sắc luật 007”. Trong rừng người bừng bừng khí thế đang hô vang các khẩu hiệu có đủ hạng người: sinh viên học sinh, tiểu thương, công nhân, trí thức, đặc biệt có nhiều vị tu sĩ mà phần lớn là ni sư. Tự nhiên trong tôi có sự thôi thúc, tôi phóng mình hòa nhập vào dòng người đang tràn ngập trên đường phố.

Khi đoàn người biểu tình chiếm lĩnh gần như trọn đường Lê Lợi thì cảnh sát chìm, cảnh sát nổi, cảnh sát dã chiến bắt đầu ra tay đàn áp. Đoàn biểu tình vỡ ra và rất nhiều người chạy nhanh vào khuôn viên của Hạ Nghị Viện được đánh dấu bằng hàng rào sơn trắng đỏ bao quanh, nơi mà cảnh sát không thể xông vào đánh đập hay bắt bớ. Tôi cũng chạy theo dòng người. Đứng trong đó chưa lâu, tôi đã vội chạy trở xuống để phụ giải vây các ni sư đang bị các công an chìm lôi ra khỏi hàng rào để đánh đập. Kéo được các vị ni sư vào trong khuôn viên của Hạ Nghị Viện, mọi người ổn định đội ngũ để tiếp tục biểu tình. Trong khi bà luật sư Ngô Bá Thành, ni sư Hùynh Liên đang hùng hồn phát biểu ở tiền sảnh trên kia thì dưới đây cạnh hàng rào có một người đàn ông lớn tuổi, dáng vẻ đạo mạo tự nhận là một người dân đang biểu tình cũng lớn tiếng phát biểu. Ông ta gào thét với lời lẽ ngụ ý rằng muốn có hòa bình Mỹ phải viện trợ thật nhiều cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa để tiêu diệt Việt Cộng. Trước những lời lẽ “đâm bị thóc thọc bị gạo” quái ác kia, tôi buột miệng nói lớn gần như là phản xạ, đại ý: “Điều mọi người tha thiết cần là chấm dứt chế độ bám gót ngoại bang, chỉ biết đàn áp đồng bào, tham nhũng và bóc lột đến độ làm ký giả phải ăn mày!”. Sau lời nói của tôi là hàng tràng pháo tay vang lên.

Niềm vui vì vô hiệu hóa kẻ “phá đám” mới lóe lên thì một tay công an chìm với thân hình vạm vỡ đã ôm chặt lấy tôi lôi đến hàng rào, và sau đó ném tôi ra bên ngoài vòng rào. Đám công an chìm chạy tới và vây quanh tôi. Một cuộc đấm đá gọi là “bề hội đồng” xảy ra chớp nhoáng. Tôi không thấy đau cũng chẳng thấy sợ hãi mà chỉ có phản ứng tự nhiên là đưa tay ôm đầu để cản bớt lực những cú đấm đang dội vào đó. Nằm trên đất, tôi vẫn tỉnh táo để cảm nhận những cái đá, cái đạp hung hãn tống mạnh vào thân mình. Đến lượt các ni sư nhào ra giải vây, cứu thoát và đưa tôi trở vào khuôn viên của Hạ Nghị Viện. Tôi được dìu lên các bậc thang, đứng ở tiền sảnh và được lau chùi máu trên mặt. Tôi nhìn quanh để thấy trên lan can ở tầng cao khách sạn Caravelle, phóng viên nước ngoài đang đặt máy quay phim quay cảnh biểu tình dưới đây; để thấy tượng hai thủy quân lục chiến khổng lồ sơn đen thui đặt tại công viên trước mặt như đang hùng hổ tấn công chúng tôi. Một lúc sau, linh mục Nguyễn Nghị lái chiếc xe con cùng với dân biểu Hồ Ngọc Nhuận đích thân đưa tôi cùng một bà mẹ tham gia biểu tình về tòa sọan báo Điện Tín. Ở tòa soạn báo một lúc, bà mẹ mà tôi không biết tên và giờ đây không sao nhớ mặt kêu tắc xi đưa tôi về tận nhà và dặn tôi phải giữ mình. Tôi chào từ giã mẹ tôi, nói là về miền Tây ăn đám giỗ nhà người bạn trong mấy ngày. Tối hôm đó, tôi tá túc ở nhà trọ của một người bạn học rất thân có gia đình ở Cần Thơ, đang lên Sài Gòn ăn học. Cũng tối hôm đó, tôi viết vội lá thư kể rõ vì sao tham gia biểu tình nhằm tố cáo sự tàn ác của chế độ Sài Gòn của “một sinh viên bị đàn áp”. Tôi dặn dò người bạn gửi lá thư đến tòa sọan báo Điện Tín vào ngay tối hôm ấy, và vào rạng sáng hôm sau, tôi đón xe đi Cần Thơ để tạm lánh ở nhà người bạn vài hôm. Buổi trưa ở Cần Thơ tôi mua tờ báo Điện Tín, thấy ảnh mình bị đánh nằm sõng soài và lá thư tố cáo của “một sinh viên bị đàn áp” đăng trên báo.

Thú thật khi đang tham gia biểu tình, chính hình ảnh các vị ni sư Phật Giáo hiền từ nhưng rất cương quyết không khuất phục trước đàn áp của bạo lực đã chiếm trọn tâm tưởng của tôi.

* Bài viết trên được gửi từ Phật tử Nguyễn Hữu Đức; địa chỉ: 145 Nhật Tảo, Phường 8, Quận 10 TP. HCM.

Bài tham gia cuộc thi viết “Đạo Phật trong trái tim tôi” do Ban TT-TT TW & Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam phát động. Đạo hữu, Phật tử hoan hỉ gửi bài viết dự thi về email: info@phatgiao.org.vn.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Viết về Đức Phật Dược Sư - thành Quảng Nghiêm một thuở…

Đạo Phật trong trái tim tôi 16:50 31/10/2024

Theo tinh thần của Phật giáo Mahayana (Phật giáo Phát Triển) và Phật giáo Vajrayana (Phật giáo Kim Cương thừa) thì Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang là một vị Phật-đà với hạnh nguyện rộng lớn, sẵn sàng xoa dịu những trái tim cằn cỗi đau thương, luôn luôn dang tay cứu độ hết thảy muôn loài trầm kha ngũ thú.

Thiền sư Yantra Amaro - người không nói gì mà pháp tự tuôn chảy

Đạo Phật trong trái tim tôi 10:23 18/10/2024

Cũng như bao người trong khán phòng, tôi ngồi đợi từ sớm, rồi cảm giác như có một ngọn gió nào vừa nhẹ đến lan vào trong phòng, trong những tiếng thì thào rất khẽ của những người đang ngồi quanh tôi. Ô, thì ra ông đã đến.

Thiền sư Nhất Hạnh kể chuyện “chiếc áo ba mươi bảy kiếp khổ hạnh”

Đạo Phật trong trái tim tôi 11:09 16/10/2024

Có những chiếc áo không bao giờ xấu và cũ. Tôi có một chiếc áo nâu đã sờn rách và bạc màu, nhưng tôi quý hơn tất cả những chiếc áo khác của tôi.

Cuộc đời màu nhiệm của cô gái 9x Hà thành

Đạo Phật trong trái tim tôi 12:00 05/10/2024

Tôi biết tác giả Thanh Cầm qua một nhóm những người yêu văn chương và rất ấn tượng với những truyện ngắn em viết cho thiếu nhi. Ngôn từ đẹp, cách xây dựng nhân vật gần gũi và nội dung luôn mang những thông điệp giàu ý nghĩa nhân văn.

Xem thêm