Đạo Phật với sự thờ cúng

Thờ Phật, lạy Phật, cúng Phật nếu có trí tuệ, biết thực hành một cách thành tâm và thiện chí, đúng ý nghĩa thì sẽ đem lại cho Phật tử nhiều lợi ích cao thượng.

Lòng tri ân là một đức tính quý báu, là một tình cảm đáng tôn trọng giữa cuộc đời này.

Trên thế gian, những người hiểu biết, những người có trái tim nhân hậu; những người biết quý trọng đạo đức, có tâm đạo nhiệt thành, có tâm hồn cao cả, hướng thiện và hướng thượng; họ thường xem hạnh tri ân như một bổn phận tự nhiên, thiêng liêng giữa cuộc đời. Nếu một xã hội mà gồm toàn những phần tử phi ân, bội nghĩa, ăn cháo đá bát thì xã hội ấy sẽ là nơi diễn ra những bi kịch vô luân, rối loạn và thống khổ. Nó làm chán nản những kẻ có lòng. Nó làm khô cạn suối nguồn mát mẻ của nhân ái và tình thương. Nó làm mệt mỏi lòng trắc ẩn, sự hy sinh của những tâm hồn cao thượng. Vả lại, những kẻ thấy điều tốt, việc lành, người hiền mà chẳng kính trọng, xúc động hoặc ngưỡng mộ thì hạng người ấy còn được gọi là con người nữa chăng? Đấy là những kẻ coi như bỏ đi. Đấy là những kẻ thiếu căn bản đạo đức, chủng nghiệp si mê sâu dày, ác tánh, tà kiến đã ăn sâu phế phủ; hẳn chúng còn phải sống nhiều đời trong bóng tối thống khổ, còn nhiều lông lá và bản năng của thú vật khó có thể tiến bộ, thăng hoa những phẩm chất tốt đẹp của con người.

Vì những lý do trên, ta thấy nhân loại từ xưa đến nay, bất luận không thời gian nào, thời đại nào, dân tộc nào, bộ tộc nào... hễ có công đức với xóm làng thì được xóm làng tôn thờ (ví dụ: thành hoàng); hễ có công đức với dân tộc thì được dân tộc tôn trọng (ví dụ: anh hùng, liệt sĩ...); hễ có công đức lớn với nhân loại thì được nhân loại ngưỡng mộ (ví dụ: các giáo chủ, danh nhân)...

Sự thờ cúng trong các tôn giáo, cũng không ra ngoài thông lệ tự nhiên đó. Nhưng ở các tôn giáo, sự thờ cúng có tính cách thường trực, trang nghiêm, thiết tha và trân trọng hơn. Các bậc giáo chủ không những có công đức lớn với nhân loại mà còn là tấm gương sáng về đức hạnh và trí tuệ nữa. Hình ảnh của các đấng giáo chủ phải luôn luôn có mặt đối với tín đồ để họ soi sáng và dẫn đạo đời mình.

Trong các đấng giáo chủ, đức Phật Sakyā Gotama là vị được nhiều tín đồ sùng kính và ngưỡng mộ nhất. Sự sùng kính, tôn trọng và ngưỡng mộ ấy được biểu hiện trong sự thờ phượng, bái kính và lễ cúng vậy.

Ta hãy xem các nghi thức ấy của đạo Phật như thế nào?

I. Sự thờ Phật

Người Phật tử phải thờ Phật, đấy là điều hẳn nhiên. Tuy vậy, điều quan trọng của việc thờ Phật là tưởng nhớ ân đức của ngài. Thứ nữa, sự thờ phụng thường mang đến cho người Phật tử những lợi ích rất là cao quý nếu biết được ý nghĩa của việc làm ấy.

1. Về ân đức

Phật có ân đức rất lớn đối với nhân loại, chúng sanh. Xem qua những hồng danh, tức là những lời xưng tán Ngài, chúng ta đều rõ. Vậy, thờ Phật là pháp tri ân cần thiết mang ý nghĩa thiêng liêng mà mỗi người con Phật không thể xem nhẹ.

Chúng ta phải thờ Phật vì Ngài đã trải qua hai mươi a-tăng-kỳ và một ức kiếp tu hành mới thành Chánh quả. Ngài đã dày công tu tập ba-la-mật nên về phước đức, trí tuệ đều viên mãn. Ngài đã sử dụng tất cả công năng của trí đức và minh hạnh ấy để cứu độ cho tất cả chúng sanh.

Một bậc toàn thiện, toàn chân, toàn mỹ, giác ngộ cao cả và siêu phàm, xuất chúng như vậy mà chúng ta không tôn thờ để noi gương; thì thử hỏi chúng ta còn biết tôn thờ ai giữa vũ trụ nhân hoàn này nữa?

2. Về ý nghĩa

Có rất nhiều gia đình thờ Phật mà không hiểu ý nghĩa nên đã làm sai lạc mất tôn chỉ của đạo Phật:

- Có nhiều người thờ Phật lại như thờ một vị thần linh có quyền ban phúc, giáng họa hoặc thờ với mục đích cầu khẩn, van xin đủ mọi ước mơ dung tục trên trần thế.

- Có người thờ phụng Ngài chỉ với mục đích trừ tà, yểm quỷ hoặc che chở cho tai qua nạn khỏi khi họ trốn xâu, lậu thuế...

- Có kẻ thờ Phật là để cầu mong mua may bán đắt, tiến chức thăng quan, con đàn cháu đống...

Tất cả những mục đích thờ phụng ấy đều là phỉ báng Phật, làm cho Phật giáo nhuốm mùi tà khí, mê tín hoặc làm giảm giá trị của đạo giác ngộ cao cả không ít vậy.

Chúng ta phải hiểu rằng, đạo Phật chỉ với mục đích là cứu khổ cho cuộc đời, đem phương thuốc thần diệu trị liệu những căn bệnh phiền não cho chúng sanh; đem an lạc, giải thoát cho chúng hữu tình muôn nơi, muôn thuở.

Người Phật tử có đức tin trong sạch và trí tuệ sáng suốt, phải biết thờ phụng Ngài như thờ một đức Đạo Sư cao cả; thờ Ngài như là biểu tượng của chân lý, của giác ngộ, của phước đức, của trí tuệ, của từ bi hỷ xả vô lượng. Có như thế mới làm tấm gương sáng cho chúng sanh noi theo; tạo mục đích cho chúng ta tích cực, nỗ lực tu luyện; gội rửa thân tâm, tam nghiệp cho thanh tịnh, trọn lành... Đấy mới là ý nghĩa đích thực của sự thờ Phật vậy.

3. Nên thờ duy nhất Phật Sakyā (Thích-Ca)

Hiện nay, các gia đình con Phật, họ thờ rất nhiều vị Phật, rất nhiều Bồ-tát. Cách thờ như vậy đã phức tạp, rắc rối, lộn xộn; lại còn bị các bậc thức giả, học giả, các nhà nghiên cứu xem Phật giáo như đa thần giáo.

Là Phật tử Nguyên Thủy, chúng ta có duyên may mắn tu tập theo tam tạng Pāḷi văn, vốn được các nhà nghiên cứu Phật học xem là gần gũi nhất với giáo pháp uyên nguyên. Nghĩa là còn lưu giữ được gần như nguyên vẹn lời dạy chân truyền của đức Từ Phụ. Do vậy, chúng ta nên thờ duy nhất Phật Thích-ca, vì chính ngài đã đầy đủ tất cả mọi hạnh, đức của chư Phật ba đời, của chư vị Bồ-tát mười phương.

4. Cách thức và nơi chốn thờ phụng

Thờ Phật bằng tượng đồng, tượng gỗ, tượng xi-măng, thạch cao... hoặc tượng giấy đóng khung, lồng kính đều được cả. Tuy nhiên, tượng bằng chất liệu gì cũng phải tương đối đẹp theo đúng tiêu chuẩn thẩm mỹ và tiêu chuẩn nhân tướng học. Nói cách khác, tượng ấy phải biểu lộ được sự trang nghiêm, thanh tịnh, trí tuệ cùng những đức tính từ bi hỷ xả!

Sự trang nghiêm, đơn giản, trong sáng bao giờ cũng tôn lên dáng vẻ đời sống giải thoát cao cả của đức Đạo Sư.

Khi có tượng Phật rồi ta phải tìm chỗ thích hợp để tôn trí Ngài. Chỗ thờ Phật, nếu là nhà lầu thì phải thờ tầng trên cùng. Bàn thờ Phật bao giờ cũng tôn trí ở căn giữa, còn bàn thờ ông bà, cha mẹ thì phải ở phía sau hoặc hai bên. Nếu đã thờ tiên tổ, phụ mẫu hết căn giữa, thì phải làm một kệ thờ Phật ở trên cao sát tường để tôn trí Ngài. Nói tóm lại, phải tôn trí chỗ nào cao ráo, tinh tươm, trang nghiêm nhất ở trong nhà; và thường không nên thờ lẫn lộn với các vị Bồ-tát, thần thánh hoặc thần tài nào khác.

Tại bàn thờ Phật chỉ nên chưng đèn, lư trầm, hương hoa, quả phẩm mà thôi. Không nên cúng cơm, bánh, chè, xôi hoặc các loại thực phẩm linh tinh khác. Bàn thờ Phật nên luôn luôn có hương hoa, không có hoa tươi thì hoa vải, hoa ni lông đều được. Hương thì nên thường xuyên, vì mỗi lần thắp hương, đức tin của chúng ta sẽ tăng trưởng, lại còn tưởng niệm ân đức của Phật nữa. Bàn thờ Phật nên lau chùi quét dọn luôn bằng chổi lông và khăn mới. Lần đầu tiên thỉnh Phật về nhà, Phật tử nên thỉnh chư Tăng để làm lễ an vị Phật. Lễ này không nên tổ chức linh đình, ồn ào, tốn kém. Chỉ chú trọng đơn giản, chí thành, trang nghiêm và thanh tịnh. Ngày an vị, chư Tăng sẽ tụng kinh an lành cho chư thiên ngự trong nhà, chư thiên hộ trì Tam Bảo cùng hết thảy mọi người trong gia quyến.

5. Lợi ích của sự thờ Phật

Sau khi đã thờ Phật trong nhà rồi, mọi người trong gia đình đi vô đi ra mỗi ngày, được trông thấy tướng hảo quang minh, đức hạnh cao cả của Ngài để noi gương theo mà dọn sửa thân tâm mình. Mỗi ngày phải lo cải thiện cách cư xử trong nhà cũng như ngoài xã hội cho được đẹp, lành, tốt. Phải luôn luôn nghĩ đến trí tuệ, giải thoát của Ngài mà tu tập. Phải luôn nghĩ đến tâm từ bi hỷ xả vô lượng của Ngài mà nói năng và hành động. Phải có Tam qui, Ngũ giới, thỉnh thoảng thọ Bát quan trai giới mỗi tháng hai ngày, bốn ngày... Phải thường xuyên tụng kinh niệm Phật, sống đời cư sĩ tại gia chân chánh, hiền thiện.

Một gia đình hướng thiện và hướng thượng như vậy mới xứng đáng là người con Phật, là người đã hiểu đựơc trọn vẹn ý nghĩa cùng sự lợi ích thiết thực của việc thờ Phật vậy.

Cầu siêu thờ cúng tổ tiên là truyền thống hiếu đạo của dân tộc

II. Lạy Phật

Muốn lạy Phật thì chúng ta phải hiểu cách thức và ý nghĩa.

1. Ý nghĩa

Ngày xưa khi Phật còn tại thế, các đệ tử xuất gia hoặc tại gia; từ vua quan cho đến dân chúng, cả đến một số ngoại đạo tôn kính đức Phật; khi có dịp may mắn gặp Ngài, họ đều cung kính nhiễu quanh Ngài ba vòng về tay phải. Nếu là sa-môn, tu sĩ; họ đắp y chừa vai phải rồi sau đó cúi xuống đảnh lễ ôm bàn chân Phật. Cử chỉ và hành động ấy vừa để tỏ lòng tôn kính, ngưỡng mộ đức Đạo Sư, vừa biểu lộ sự khiêm tốn, nhu thuận của mình.

Sau khi Phật Niết-bàn, toàn thể tín đồ vẫn xem Ngài như còn tại thế; và cử chỉ cúi xuống đảnh lễ ôm chân Phật vẫn còn tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay. Cử chỉ ấy có ý nghĩa làm cho tín đồ bao giờ cũng hình dung đức Phật như còn ngồi trước mặt mình, chứng giám cho tấm lòng thành kính thiết tha của mình vậy.

2. Cách thức lạy Phật

Để cho đúng với ý nghĩa trên, khi lạy Phật phải quỳ xuống, năm vóc phải sát đất (đầu, hai cùi chỏ tay và hai đầu gối).

Khi lạy Phật, thân phải trang nghiêm, tâm phải chí thành. Nếu như để thân tâm hoàn toàn thư thái, buông xả thì ta cảm thấy như lắng dịu mọi nỗi ưu phiền. Trái lại, nếu lạy Phật mà hình thức cẩu thả, tâm lăng xăng, rối loạn thì thật không lợi ích gì.

Có những cách thức và lập tâm không đúng đắn khi lạy Phật, Phật tử nên tránh, vì chẳng những không có lợi ích mà còn mang thêm tội. Ví dụ:

- Tâm cống cao, ngã mạn, năm vóc không sát đất; đứng lên cúi xuống tùy tiện, thiếu niềm tin, thiếu lễ độ, thiếu sự kính trọng.

- Khi đông người thì giả vờ nghiêm trang, cung kính cốt để mọi người khen ngợi. Lúc không có ai thì biếng nhác, giải đãi; đã không thèm lễ bái mà cho chí nơi thờ Phật cũng để dơ nhớp, bụi bặm, không muốn quét dọn, lau chùi, chẳng hương hoa, quả phẩm...

- Lễ vì sợ bà con, họ hàng, xóm làng, bằng hữu chê cười. Đôi khi lại khởi lên ý nghĩ: mình chỉ lạy tượng xi-măng, gỗ đá thôi, còn Phật thì nhập diệt lâu rồi.

- Lạy Phật nhà mình, chùa mình thì thành kính, trang nghiêm; nhưng ở nơi khác thì lơ là, bất cẩn, lấy lệ, thiếu sự chí thành...

Tất cả những lập tâm và hình thức lễ lạy ấy, Phật tử nên thận trọng. Muốn cầu tiến, muốn được lợi ích, muốn đi xa trên đường đạo thì phải lễ lạy như sau:

- Lạy một cách trang nghiêm, tôn kính.

- Lạy với sự sáng suốt, định tĩnh, trong lành.

- Lạy để tưởng đến đức tính giác ngộ, giải thoát của đức Phật.

- Lạy để tưởng nhớ giác ngộ, trí tuệ, và từ bi của đức Phật.

- Lạy với tâm trí rỗng rang, thanh tịnh, buông xả.

- Lạy hoàn toàn với chánh niệm, tỉnh giác.

Đây chính là những lợi ích tối thượng.

III. Cúng Phật

Tuy gọi là cúng Phật, nhưng đầy đủ hơn phải gọi là cúng dường Tam Bảo.

1. Ý nghĩa cúng Phật

Có người sẽ hỏi: Tại sao đức Phật Niết-bàn gần ba ngàn năm rồi mà còn nói đến sự cúng dường?

Thật ra, đức Phật đã thoát khỏi sinh tử luân hồi, đã giải thoát toàn diện và toàn vẹn thì đâu còn hạn cuộc trong việc cúng dường, lễ bái? Tuy nhiên, nếu chúng ta hiểu rõ ý nghĩa thì chúng ta biết rằng, hình thức lễ bái, cúng dường này thật quan trọng.

Thời Phật tại tiền, thiện nam tín nữ đến hầu ngài thường mang theo trầm, hương hoa, hương liệu, tràng hoa để cúng dường. Trong những lúc đức Phật đi vắng thì hai hàng cận sự đặt những vật cúng ấy trước cửa tịnh thất của ngài rồi ra về. Trưởng giả Cấp Cô Độc thấy vậy bèn thỉnh cầu đại đức Ānanda bạch với Phật xem có nơi nào khác để thiện tín có thể cúng dường, đặt lễ phẩm trong lúc đức Phật bận đi du hóa phương xa hay không?

Đại đức Ānanda vào hầu Phật:

- Bạch đức Thế Tôn! Có bao nhiêu vật biểu tượng của đức Thế Tôn, của Pháp Bảo để cho chúng sanh lễ bái, cúng dường trong lúc Ngài vắng mặt? Xin đức Thế Tôn vì lòng bi mẫn giải thích cặn kẽ vì lợi ích cho chư thiên và nhân loại.

- Này Ānanda! Đức Phật đáp - Những vật liên quan đến thân thể của Như Lai như xá-lợi, liên quan đến đồ dùng riêng như y, bát và những vật tưởng nhớ thuộc về tinh thần như cây bồ-đề, đều là những vật biểu tượng có ý nghĩa nên lễ bái, cúng dường được cả.

- Bạch đức Thế Tôn! Trong lúc ngài còn tại tiền, có nên xây dựng bảo tháp không?

- Không nên thế! Vật để cho chúng sanh lễ bái, cúng dường liên quan đến thân tức là xá-lợi chỉ nên kiến tạo bảo tháp sau khi Như Lai diệt độ. Vật thuộc đồ dùng riêng cũng thế. Còn những vật để tưởng nhớ thuộc tinh thần, có giá trị biểu tượng như cây bồ-đề xưa kia đã che mưa, đỡ nắng cho Như Lai, là vật để cho chúng sanh lễ bái, cúng dường dẫu Như Lai còn tại tiền hay đã nhập diệt.

Sau khi hiểu rõ ý nghĩa và được phép Phật, đại đức Ānanda thuật lại cho các vị đại thí chủ Cấp Cô Độc và đức vua Kosala hay. Đại đức Mục Kiền Liên lấy hạt bồ-đề chín trao cho đại đức Ānanda. Đại đức Ānanda đưa hạt cho đức vua Kosala. Vua Kosala đưa hạt cho ông Cấp Cô Độc. Trưởng giả Cấp Cô Độc tự tay mình trồng tại Kỳ Viên tịnh xá rồi đặt tên là bồ-đề Ānanda.

Từ đó về sau, thiện tín thường đến chỗ cây bồ-đề ấy để lễ bái, cúng dường mỗi khi đức Phật đi vắng. Như vậy, cách cúng dường Phật đã có từ xưa, làm cho ai ai cũng cảm thấy ngài luôn có mặt, rất gần gũi và thân thiết với mọi người. Viêc làm ấy còn có lợi ích là đức tin, trí tuệ, tứ vô lượng tâm của những người con Phật mỗi ngày mỗi thăng hoa, phát triển.

2. Lễ phẩm thờ cúng

Để khỏi làm sai lạc ý nghĩa sâu xa của sự cúng dường, làm giảm mất hình ảnh thanh cao, thoát tục của đức Phật; người Phật tử không nên bày biện chè xôi, cỗ bàn linh đình trên bàn thờ, chỉ nên cúng dường hoa, trái cây và trầm hương thanh thiết là đủ.

3. Cúng dường Pháp Bảo

Muốn cúng dường Pháp Bảo, trước tiên chúng ta phải học hỏi, nghiên cứu Kinh, Luật và Abhidhamma cho thấu đáo để nương theo đó mà tu hành. Nếu chúng ta học rộng, biết nhiều thì phải nghĩ đến chuyện dịch thuật, trước tác, sáng tác hầu dễ dàng trong việc diễn giảng, bố thí Pháp đem lợi ích cho nhiều người. Nếu chúng ta có tiền bạc thì nên ấn tống, phát hành kinh sách để cho Pháp Bảo được phổ biến sâu rộng trong mọi tầng lớp xã hội.

Tất cả đấy chính là cúng dường Pháp Bảo vậy.

4. Cúng dường Tăng Bảo

Kính Phật phải trọng Tăng. Sau khi Phật nhập diệt, Tăng là bậc thừa hành Pháp Bảo; nói cách khác, hiện nay, nơi nào cũng vậy, có Tăng là có Tam Bảo.

Tăng là tập thể Tăng chúng ba đời, đắc quả hoặc chưa đắc quả, đang thực hành chánh pháp, thay thế Phật để lưu truyền Pháp Bảo từ đời này đến đời kia. Vậy nên, Tăng Bảo có công đức rất thù thắng. Cúng dường Tăng Bảo có phước báu không thua gì cúng dường Phật.

Khi cúng dường Tăng Bảo, dầu một sa-di hay tỳ-khưu; chúng ta đừng nghĩ là cúng dường cho vị ấy, vì như vậy là rơi vào trường hợp ''cá nhân thí'' vị kỷ, hẹp hòi, phước báu sẽ giảm đi. Cúng dường Tăng Bảo thì phải nghĩ đến ân đức của Tăng Bảo ba đời, nghĩ đến sự hộ trì Tăng Bảo vì sự trường tồn của chánh pháp, lợi ích sẽ rất vi diệu, cao cả vậy.

Cúng dường Tăng thì thường phải cúng dường tứ sự như vật thực, y áo, thuốc men, sàng tọa. Việc xây chùa, dựng tháp xá lợi, đúc chuông, tạc tượng, vườn tược, cốc liêu; những nhu cầu, tiện nghi sinh hoạt thiết yếu có tính cách hộ trì Tăng Chúng một cách rộng rãi, lâu dài đều mang đến phước quả như sở nguyện.

Nói tóm lại, thời mạt pháp này thì hộ độ, hộ trì Tăng rất quan trọng vì có Tăng là có tất cả.

Kết luận:

Thờ Phật, lạy Phật, cúng Phật nếu có trí tuệ, biết thực hành một cách thành tâm và thiện chí, đúng ý nghĩa thì sẽ đem lại cho Phật tử nhiều lợi ích cao thượng.

1. Lợi ích trong hiện tại

Mỗi chúng ta và gia đình chúng ta bao giờ cũng như sống trong bầu không khí yên vui, trong lành; được hưởng bóng mát cao cả và tốt đẹp do hình tượng đức Phật và uy đức Tam Bảo mang lại.

Chính nhờ tướng hảo quang minh, trí tuệ và từ bi của Ngài tỏa ra mà chúng ta được sống đời an tịnh, trên thuân dưới hòa; vì mỗi cử chỉ, mỗi lời ăn, tiếng nói hằng ngày của chúng ta đều được đức Phật nhìn ngắm. Chúng ta sẽ không dám làm xằng, làm bậy; sống bừa bãi, suy nghĩ tà vạy, quấy quá khi có đức Phật đang ngự trong nhà, đang ở trong lòng mỗi mỗi chúng ta! Nếu thiếu hình ảnh cao thượng (toàn chân, toàn mỹ), trong tâm hồn, con người dễ xa dần đạo đức, dễ bị sa ngã vào đời sống thấp kém, hạ liệt, tối tăm, bất nhân và hung ác.

Do vậy, trong gia đình mọi người con Phật, nếu muốn được hạnh phúc, an vui trong hiện tại; muốn có một đời sống có ý nghĩa, đạo vị, hướng thượng; muốn con em sau này được hiền thiện, tốt lành, thành đạt, hữu ích cho bản thân và cho cuộc đời, thì phải thiết lập, tôn trí bàn thờ Phật ngay từ bây giờ. Phải tập cho con em quen dần với sự thờ Phật, lạy Phật và cúng Phật; sau đó là thọ Tam qui, Ngũ giới để bước vào con đường học Phật chân chính vốn là căn bản của những tiến bộ tâm linh sau này.

2. Lợi ích nhiều đời kiếp

Khi lâm chung, nghiệp lành do chúng ta hun đúc, tích lũy sẽ tạo thành một sức mạnh thù thắng sẽ đưa chúng ta đến những cảnh giới mỹ toàn, sang cả; không những hưởng được phước báu trời, người mà còn sống trong duyên lành với chánh pháp.

Đấy là hai lợi ích khó có, khó được trên cuộc đời bấp bênh, bất toàn, nhiều khổ ít vui nầy.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Ít ăn ngủ, sức khỏe tốt, tinh thần minh mẫn

Phật giáo thường thức 07:08 20/12/2024

Hôm nay nhân ngày Tự tứ, tôi gợi một số ý để chúng ta hiểu giáo pháp Phật xuyên suốt từ Nguyên thủy sang Đại thừa.

Đức tin của người Phật tử

Phật giáo thường thức 17:29 19/12/2024

Một người Phật tử có đức tin - với 6 loại đức tin kể dưới đây - không những xứng đáng là người có trí, xứng đáng là một người Phật tử mà còn tin chắc, biết chắc mình đã dần dần bỏ xa những hành vi xấu ác.

Đạo Phật với sự thờ cúng

Phật giáo thường thức 16:30 19/12/2024

Thờ Phật, lạy Phật, cúng Phật nếu có trí tuệ, biết thực hành một cách thành tâm và thiện chí, đúng ý nghĩa thì sẽ đem lại cho Phật tử nhiều lợi ích cao thượng.

Phật pháp tại thế gian

Phật giáo thường thức 16:21 19/12/2024

Lục Tổ nói: “Phật pháp tại thế gian.”. Sơ Tổ Trúc Lâm nói: “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên”. Vậy Phật pháp, đạo chân thật mà chư Tổ nói có thực sự là ở trong đời, ở thế gian hay không? Hay còn ở đâu khác?

Xem thêm