Thứ sáu, 16/08/2024, 13:18 PM

Cầu siêu thờ cúng tổ tiên là truyền thống hiếu đạo của dân tộc

Có một số người vào chùa, ghi hình nhà thờ vong linh và lễ cầu siêu của các gia đình Phật tử cúng giỗ các hương linh thân nhân thờ cúng tại chùa. Những người làm các clip này có những bình luận xuyên tạc việc thờ cúng vong linh là mê tín, giúp nhà chùa trục lợi rồi tung lên mạng xã hội.

Hỏi: Gần đây, có một số người đã vào các chùa, ghi hình nhà thờ vong linh và lễ cầu siêu của các gia đình Phật tử cúng giỗ các hương linh thân nhân thờ cúng tại chùa. Sau đó, những người làm các clip này có những bình luận xuyên tạc việc thờ cúng vong linh ở chùa là mê tín dị đoan, giúp nhà chùa trục lợi rồi tung lên mạng xã hội.

Sự kiện này xảy ra ở nhiều chùa, gây ảnh hưởng xấu đến Phật giáo và xúc phạm tín ngưỡng thờ cúng thân nhân của Phật tử. Trong khi, việc thờ cúng tổ tiên, cầu siêu cho người đã mất là truyền thống hiếu đạo của Phật tử và của dân tộc Việt Nam. Tôi là Phật tử, ông bà cha mẹ đều thờ ở chùa, các ngày giỗ gia đình đều cầu siêu và cúng kính tại chùa nên tôi rất bức xúc về việc này. 

292246904_2230968183728535_2016606835140513770_n

Đáp: 

Ở nước ta, việc thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ, các thân nhân là truyền thống quý báu, phong tục tốt đẹp, có từ lâu đời. Người người, nhà nhà đều thờ cúng tổ tiên, gọi là đạo ông bà. Người Phật tử Việt Nam theo đạo Phật (có nguồn gốc Ấn Độ) vẫn duy trì truyền thống hiếu đạo, nhớ về nguồn cội, hàng năm đều cúng giỗ để tưởng niệm, báo hiếu, tri ân các đấng sinh thành.

Việc các Phật tử thờ - cúng vong linh thân nhân tại chùa có từ xa xưa. Mặc dù tại tư gia đã có thờ Phật và gia tiên nhưng việc gửi vong linh vào chùa để nghe kinh hoặc tổ chức cầu siêu, cúng cơm cho vong linh vào ngày giỗ ở chùa vẫn là tâm nguyện của nhiều người. Đây là ước nguyện chân thành của con cháu, tạo chút phước duyên, mong vong linh ông bà cha mẹ sớm siêu thoát.

Chùa Việt từ bao đời nay mở bày phương tiện siêu độ vong linh. Khi Phật tử có tang gia hay hiếu sự, chư Tăng có mặt để thăm viếng, sẻ chia, cầu nguyện là chuyện bình thường. Trong những ngày tuần thất hay giỗ chạp, Phật tử đến chùa xin lễ cầu siêu hay cúng cơm cho vong linh cũng là chuyện bình thường.

Lâu nay chẳng ai phê phán hay chỉ trích về việc này. Phật tử tự nguyện phát tâm, nhà chùa thì tùy duyên phụng sự, nhờ việc hiếu mà có sự kết nối chặt chẽ hơn mối quan hệ giữa Phật tử và nhà chùa. Lễ Vu lan - Rằm tháng Bảy là mùa hiếu, kết tinh của tinh thần “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”.

Gần đây, trên mạng xã hội nổi lên phong trào chỉ trích, phê phán, phỉ báng chùa chiền và người tu. Lợi dụng một vài vị tu hành có hành vi và lời nói thiếu chuẩn mực, nhóm người này tận lực công kích, gây tổn hại nhiều phương diện cho đạo Phật và xã hội. Những người chỉ trích hiếu sự cúng kính của Phật tử là mê tín đã bộc lộ bản chất vong bản, vô ơn, bất hiếu. Trong khi, truyền thống văn hóa và phẩm chất căn bản đạo đức của người Việt là thờ cha, kính mẹ; là uống nước nhớ nguồn.

Vấn đề nhà chùa nhận lễ phẩm hoặc chi phí vừa đủ để làm cơm nước, mua hương hoa cúng giỗ cũng là chuyện bình thường. Những Phật tử tham gia cúng kính ở chùa đều biết rõ bổn phận, ai cũng sẵn lòng hoan hỷ, và nhà chùa cũng không hề trục lợi từ việc này. Phật tử có thể cúng kính ông bà cha mẹ tại tư gia, nếu muốn cầu siêu cúng giỗ tại chùa thì được chư Tăng yểm trợ. Những người xuyên tạc việc này rõ ràng là có ác ý chống phá Phật giáo, xúc phạm đến niềm tin và hiếu đạo của Phật tử.

Thiết nghĩ, hiếu đạo trong đó có kính thờ thân nhân đã mất là nền tảng đạo đức, là truyền thống văn hóa của dân tộc cần được gìn giữ và tôn vinh. Những ai chủ trương đi ngược với nền tảng đạo đức xã hội, trái với truyền thống văn hóa dân tộc cần được cộng đồng lên án mạnh mẽ.

Theo Báo Giác Ngộ. 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Theo Phật giáo, con người từ đâu đến và rồi sẽ đi về đâu?

Hỏi - Đáp 17:46 18/12/2024

Thưa Ngài, theo triết học cuả Phật giáo thi con người từ đâu đến và rồi sẽ đi về đâu?

Cảnh giới của "Lâm chung mộng kiến bỉ Phật” như thế nào?

Hỏi - Đáp 12:27 18/12/2024

Kinh Vô Lượng Thọ có đoạn: “Lâm chung mộng kiến bỉ Phật” (mạng chung mộng thấy Đức Phật A Di Đà), xin giải thích cảnh giới này như thế nào? Nếu ở trong mộng gặp A Di Đà Phật, chẳng may bị người thân quyến thuộc gọi tỉnh giấc, có phải là đánh mất cơ hội vãng sanh rồi không?

Lưu thông sách về Tây phương cực lạc sẽ tạo nghiệp ác?

Hỏi - Đáp 12:15 18/12/2024

Con đem sách Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Du Ký giới thiệu nhưng có đồng tu nói sách đó nói không đúng sự thật, lưu thông sẽ tạo nghiệp, xin lão Hòa thượng khai thị.

Dọn cơm cúng thế nào cho đúng?

Hỏi - Đáp 11:14 08/12/2024

Tôi thường thấy lúc cúng vong, có ba chén cơm để ngang nhau...

Xem thêm