Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 31/10/2016, 11:13 AM

Đề xuất cách gọi khác cho danh xưng Giáo phẩm Phật giáo

Hiện nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang sử dụng các danh xưng hòa thượng, thượng tọa, đại đức để gọi các bậc tu hành trong Phật giáo. Đối với ni giới, thì giáo phẩm có các danh từ như ni sư, ni trưởng. Trong đó, các danh từ thượng tọa, hòa thượng, ni sư, ni trưởng dùng để gọi riêng hàng giáo phẩm.

Theo tác giả Nguyễn Đại Đồng, bài “Danh xưng hòa thượng, thượng tọa và đại đức”, đăng trên ấn phẩm định kỳ “Suối nguồn”, Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang, số 12, tháng 11/2013, (trang 162), văn bản quy định các chức danh giáo phẩm như thế là Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất năm 1964.

Sau này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có sự kế thừa khi sử dụng các danh xưng đó. 

Trong hệ thống danh xư như đang dùng, cứ 20 năm thì lên một cấp, nhưng đợi giáo phẩm hòa thượng, trên 60 tuổi đời, thì đến các vị trên 80 tuổi, không có quy định phù hợp trong Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Có nơi gọi trưởng lão hòa thượng, có nơi gọi đại lão hòa thượng.

Việc sử dụng những danh từ tôn xưng thượng tọa, hòa thượng… đã tạo nên sắc thái trang trọng đối với các bậc tu hành Phật giáo, theo tuổi tác, theo hạ lạp. Những danh từ như thượng tọa, hòa thượng, người tu sĩ Phật giáo có vẻ được tôn trọng hơn trước.
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Tuy nhiên, hệ thống danh xưng giáo phẩm hiện dùng cũng có những hạn chế, thử cùng phân tích một số ý sau:

Hạn chế thứ nhất, như tác giả Nguyễn Đại Đồng đã chỉ ra, là xuất xứ của những danh xưng trên là từ Phật giáo Trung Quốc. Bài viết đã dẫn nêu câu hỏi, “Phải chăng chúng ta vận dụng Tì ni mẫu và Hành sự sao của Phật giáo Trung Quốc ngày xưa, mà Phật giáo các nước không theo mẫu này nữa?” (1).

Ngay cả Phật giáo Trung Quốc cũng không còn sử dụng các danh xưng này.

Ngược dòng lịch sử, có thể hiểu rằng những vị tôn túc soạn thảo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất khi sử dụng các danh từ đại đức, thượng tọa, hòa thượng chỏ có ý mượn những từ Hán Việt có sẵn, rồi đưa ra các tiêu chuẩn mới về tuổi đời, hạ lạp để thiết lập hệ thống giáo phẩm mới, với những từ xưng hô danh hiệu trang trọng.

Không phải tác giả của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất “học tập” và sao chép từ danh xưng của Phật giáo Trung Quốc!

Hạn chế thứ hai là hệ thống giáo phẩm mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thiết lập chưa có sự thống nhất với Phật giáo thế giới, thành ra bất tiện khi sử dụng. Hai trường hợp đã xảy ra. Trường hợp không dùng đến danh xưng thượng tọa, hòa thượng, như trường hợp Phật tử Việt Nam gọi Đại đức Narada, dù vị cao tăng này phải được gọi là hòa thượng và ngài đã ở Việt Nam lâu năm.

Hạn chế thứ ba là tôn xưng các vị tu sĩ nước ngoài theo hệ thống giáo phẩm Việt Nam căn cứ vào việc áng chừng số tuổi. Thành ra, Phật tử Việt Nam tự… phong giáo phẩm cho chư tăng nước ngoài.

Hạn chế thứ tư là việc gây nhiễu cho hệ thống giáo phẩm Việt Nam từ phim Hồng Kong, Đài Loan, Trung Quốc chiếu dày đặc trên các kênh truyền hình trong nước. Trong các phim này, người xuất gia tu Phật được gọi là hòa thượng, người xuất gia nhỏ tuổi là tiểu hòa thượng. Xem quen những phim cổ trang Trung Quốc, Đài Loan, Hong kong, người xem thấy từ hòa thượng không còn trang nghiêm. Từ đó, một số không ít người trong xã hội rối loạn với những danh xưng giáo phẩm Phật giáo. 

Kết quả là các nhà báo dùng những danh từ chung chung không phải là chính thức trong Phật giáo như nhà sư, sư thầy. Gọi nhà sư, sư thầy thì ai cũng hiểu, không sợ gọi sai, nhưng người phật tử lại nghe không quen tai.

Hạn chế thứ năm là vì quá tôn xưng trang trọng, cho nên các từ tôn xưng đại đức, thượng tọa, hòa thượng tạo nên sự ngăn cách, không thân mật. Từ thầy lại là từ chung, gọi người mới xuất gia là thầy, cũng như gọi hòa thượng là thầy thì không thích hợp.

Để giải quyết các hạn chế như kể trên, người viết đề xuất một hệ thống danh xưng giáo phẩm mới cho Phật giáo Việt Nam kế thừa truyền thống dân tộc, vừa bảo đảm sự trang trọng, vừa bảo đảm sự gần gũi, thân mật.

Hệ thống danh xưng giáo phẩm được đề xuất có thể sử dụng song song với hệ thống đã có và được chính thức hóa bằng cách ghi kèm vào hiến chương sửa đổi.

Trong truyền thống dân tộc ta, các từ như sư thầy, sư bác, sư ông, sư cụ, sư cố là những từ vừa gần gũi, vừa kính trọng có thể dùng trong hệ thống giáo phẩm kế thừa truyền thống Phật giáo Việt Nam. Dưới đây là một gợi ý:

Đại đức = sư thầy
Thượng tọa = sư bác
Hòa thượng = sư ông
Đại lão hòa thượng = sư cố
Ni sư (giữ nguyên)
Ni trưởng = sư bà

Ngoài ra, điều rõ ràng là hệ thống cấp bậc giáo phẩm thượng tọa, hòa thượng, ni sư, ni trưởng không có trong kinh Phật, không phải do pháp Phật định ra, mà chỉ mới định ra ở Việt Nam hơn 50 năm nay.

Do vậy, nếu có gì đó chưa phù hợp, Phật giáo Việt Nam hoàn toàn có thể có sự sửa đổi về danh xưng và tên gọi.

Minh Thạnh
-
(1) DANH XƯNG HÒA THƯỢNG, THƯỢNG TỌA VÀ ĐẠI ĐỨC

Nguyễn Đại Đồng

“Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức là những từ thường gặp hiện nay trên các phương tiện truyền thông cũng như trong đời sống xã hội liên quan tới Phật giáo. Nhưng các từ trên có nguồn gốc từ đâu, được sử dụng tại nước ta từ bao giờ v.v. lâu nay vẫn chưa được đề cập tới.

I. Nguồn gốc
1. Hòa thượng

Theo Từ điển Bách khoa mở Wikipedia: Hòa thượng (zh. héshàng 和尚[上], sa. upādhyāya, pi. upajjhāya, ja. ōshō, bo. mkhan po མཁན་པོ་), dịch âm Hán-Việt là Ưu-ba-đà-la, Ô-ba-đà-na (zh. 鄔波駄耶). Hòa thượng có những nghĩa sau:

Là bậc tôn sư thân cận dìu dắt các Sa-di hoặc Tỉ-khâu, vì vậy cũng được gọi là Thân giáo sư (zh. 親教師) hoặc Lực sinh (zh. 力生). Trong thời gian đầu của Phật giáo tại Ấn Độ, người ta phân biệt hai vị thầy của một người mới nhập Tăng-già, đó là Hòa thượng và A-xà-lê (hoặc Giáo thụ, sa. ācārya, pi. ārcāriya). Hòa thượng là người dạy các đệ tử biết trì Giới, thực hành nghi lễ, và vị Giáo thụ là người giảng Pháp, ý nghĩa của kinh sách. Vì thế mà danh từ Hòa thượng đồng nghĩa với từ Luật sư hoặc Giới sư trong thời này.[1]

Vị trụ trì, Tăng sĩ Phật giáo. Ở Nhật Bản, từ nầy được phát âm theo nhiều cách khác nhau: Thiền tông gọi là ōshō, Thiên thai tông gọi là kashō, Chân ngôn tông gọi là washō.

Theo Từ điển Phật học Hán Việt (1), mục Hòa thượng: 和尚[上, Upadhyaya (thuật ngữ). Các luật gia dùng chữ thượng (上, trên), còn lại phần nhiều dùng chữ thượng (尚, chuộng). Nguyên tiếng nói thế tục của người Ấn Độ gọi thầy của mình là Ô xã, các nước như Điền quốc thì gọi là Hòa xã (Khosha), Hòa xà… Phiên là Hòa thượng là chuyển ngữ nhầm. Trong Ký quy truyện, quyển 3, Tam tạng pháp sư Cưu Ma La Thập dịch là Lực sinh với ý nghĩa là nhờ có thầy mà đạo lực của đệ tử được sinh ra.

Sách cho biết các sách Tấn thư, Phật Đồ Trừng truyện viết: Pháp Thường và Pháp Tá ban đêm đi hai cỗ xe song hành nói chuyện với nhau, câu chuyện có nói đến hòa thượng Đồ Trừng. Đến sáng, Pháp Tá vào yết kiến Đồ Trừng thì Đồ Trừng đã biết chuyện hết đấy. Như vậy, đó là lần đầu tiên chính sử Trung Quốc dùng từ Hòa thượng. Theo Ngụy thư, Thích Lão Chí, Phật Đồ Trừng được Thạch Lặc (2) sùng tín, tôn là Đại hòa thượng, đó cũng là lần đầu tiên chính sử dụng từ Đại hòa thượng.

Còn ở Việt Nam, chúng tôi thấy từ Hòa thượng lần đầu tiên xuất hiện trong sách Tam tổ thực lực (3) trang 23: Có một vị tăng hỏi:

- Xưa kia có vị tăng hỏi hòa thượng Lang Gia câu: “Cái bản thể thanh tịnh vì sao bỗng sinh ra đất đai sông núi?” ý chỉ ấy thế nào?

(Điều Ngự đáp:)

- Tựa hồ thuyền chài ra bể.

Ý nghĩa này thế nào?

Ai biết được nơi khói sóng xa xôi lại có việc đáng bàn luận.

Như vậy hơn 900 năm sau thời Thạch Lặc (vua nước Hậu Triệu 319-333, Trung Quốc), từ Hòa thượng mới được dùng ở Việt Nam.

2. Thượng tọa

Theo Từ điển Nho Phật Đạo (4) thì Thượng tọa là danh hiệu Phật giáo.

Theo Tì bà sa luận thì Thượng tọa có ba loại: sinh niên thượng tọa, thế tục thượng tọa và pháp tính thượng tọa. Sinh niên thượng tọa chỉ các bậc tôn trưởng có đủ giới danh chân chính. Thế tục thượng tọa chỉ các vị trí pháp phú quý, đại tài (có của cải lớn), đại vị, đại lộc, đại lực, đại quyến thuộc, tuy mới 20 tuổi nhưng phải suy tôn làm thượng tọa. Pháp tính thượng tọa chỉ các vị có đủ giới trí, chính niệm, tịch tĩnh, tâm giải thoát và có thể quán được về pháp.

Thập tụng luật ghi: Có đủ mười pháp dưới đây thì được gọi là Thượng tọa. Tức là có trụ xứ (có thể khiến thân tâm an trụ bất động), vô úy, vô phiền não, đa tri thức, đa văn, biện ngôn cụ túc, nghĩa thú minh liễu (hiểu rõ nghĩa lý), văn giả tín thụ (người nghe tin theo), dưỡng năng an dưỡng (có khả năng an dưỡng), vào nhà người khác có thể thuyết pháp cho người tại gia và khiến họ theo thiện bỏ ác, tự mình có đủ pháp lạc tứ đế, không giận dữ.

Sách Tì ni mẫu viết: Từ 0 hạ đến 9 hạ thì là Hạ tọa. Từ 10 hạ đến 19 hạ là Trung tọa. Từ 20 hạ đến 40 hạ thì là Thượng tọa. Từ 40 hạ trở lên thì được hết thảy sa môn cung kính, gọi là Kỳ túc.

Ngoài ra, trong luật cũng có Tứ thượng tọa, tức là Tăng phường thượng tọa (Tam cương thượng tọa), Tăng thượng tọa (tức Đường thượng thượng tọa, Đường trung thủ tọa), Biệt phường thượng tọa (tức Thiền cư chư liêu thủ tọa), Trụ gia thượng tọa (tức Kế trai tự thượng tọa).

Còn Từ điển Phật học Hán Việt viết: Thượng tọa (thuật ngữ). Hành sự sao, quyển hạ ghi: “Tì ni mẫu nói rằng từ 0 hạ tới 9 hạ thì là Hạ tọa. Từ 10 hạ tới 19 hạ thì gọi là Trung tọa. Từ 20 hạ tới 49 hạ thì gọi là Thượng tọa. Từ 50 hạ trở lên thì được tất cả sa môn, quốc vương đều tôn kính. Đó gọi là trưởng lão kỳ cựu”.

Có lẽ, từ Thượng tọa lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam vào thập niên 1930. Hồi kỳ thành lập Hội Phật giáo Việt Nam của sa môn Trí Hải viết: “chuyển sang thành lập Phật học tùng thư (1932), bên xuất giá có thượng tọa Thái Hòa, sư ông Hải Châu (Vũ Đình Ứng) và tôi (Trí Hải)…” (5).

3. Đại đức

Cũng theo Từ điển Nho Phật Đạo thì Đại đức là từ xưng hô trong Phật giáo. Người có hạnh tốt, đức cao là Đại đức. Từ Đại đức bắt đầu được dùng từ thời Đường. Ngày 5 tháng 5 năm Đại Lịch thứ 6, đời Đường Đại Tông (771), vua hạ sách cho tăng ni kinh thành chọn Lâm đàn đại đức, số lượng hạn chế là 10 người, khuyết thì bỏ. Trên lâm đàn có hai chữ “đại đức”. Sách Trí độ luận ghi: Tiếng Phạn “Sa đàn đà”, tiếng Hán là “Đại đức”. Về sau cũng thường gọi tì khiêu là Đại đức.

Từ Đại đức xuất hiện ở nước ta có lẽ vào thời Trần, với ý nghĩa chỉ những vị tăng hạnh tốt, đức cao.

II. Việc sử dụng các từ Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức

1. Phật giáo Nam tông

Phật giáo Nam tông (Nam truyền, Tiểu thừa) ở các nước Sri Lanka (Tích Lan), Myanmar (Miến Điện), Thái Lan 6 (Xiêm La), Campuchia, Lào chỉ dùng từ Sãi cả, Sãi, Đại đức. Người đứng đầu Phật giáo cả nước gọi là “Vua sãi” (Việt dịch là Tăng thống), Phật giáo Nam tông Khmer ở Việt Nam hay dùng từ Sãi, Sư nhưng báo chí ta vẫn cứ phân ra Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức. Đại đức có nghĩa là bậc cao tăng đức cao đạo trọng như Đại đức Narada (người Sri Lanka).

2. Phật giáo Bắc tông (Bắc truyền, Đại thừa)

Tại Đông Bắc Á và Đông Nam Á, danh hiệu hòa thượng là chức vị cao nhất mà một người tu hành có thể đạt được, cao hơn cải vị A xà lê. Muốn mang danh hiệu này, một vị tăng phải đạt được những tiêu chuẩn đạo đức, thời gian tu tập (tuổi hạ) v.v. Và danh hiệu này được ban trong một buổi lễ long trọng. Về sau, danh hiệu này cũng được dùng để chỉ những vị tăng cao tuổi, trụ trì một ngôi chùa, có đức hạnh, tư cách cao cả, mặc dù chưa được chính thức phong hiệu.

Trong Thiền tông, danh hiệu “Đại hòa thượng” cũng thường được sử dụng để chỉ những vị thiền sư. Theo những nghi thức tụng niệm ở một thiền viện tại Nhật Bản, thiền sinh phải tưởng niệm đến hệ thống truyền thừa từ Phật Thích Ca Mâu Ni đến vị Lão sư đang trụ trì và tụng danh hiệu của chư vị. Tên của chư vị thường được gắn thêm danh hiệu “Đại hòa thượng” phía sau để tăng thêm vẻ uy nghiêm.

Phật giáo Trung Quốc không phân chia Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức mà chỉ gọi chung là Hòa thượng để chỉ “nhà sư nam đã thụ giới cụ túc sau khi xuất giqa. Sau, dùng lẫn với “tì khiêu”7. Nghĩa là những người đã thụ giới cụ túc trở lên gọi chung là Hòa thượng, nhiều trường hợp gọi là Pháp sư, Đại sư, như pháp sư (đại sư) Thái Hư, Đại sư Tinh Vân v.v. Còn lại gọi là Tiểu hòa thượng chứ không có thượng tọa.

Phật giáo Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan cũng có cách gọi tương tự như Trung Quốc.

3. Phật giáo Việt Nam

Việt Nam khác hẳn các nước nói trên về sử dụng các danh xưng Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức.

Nghiên cứu điều lệ, nội quy các hội Phật học được thành lập từ 1931 đến 1949 như Hội Nghiên cứu Phật học Nam Kỳ, Hội Lưỡng Xuyên Phật học, Hội An Nam Phật học, Hội Phật giáo Bắc Kỳ v.v., chúng tôi thấy không có văn bản nào phân định các danh xưng trên, mặc dù bên cạnh từ Hòa thượng (đã dùng từ lâu), năm 1937 xuất hiện từ Thượng tọa, tới năm 1949 thêm từ Đại đức.

Vào thập niên 1950, Phật giáo Việt Nam đã cùng một lúc dùng các từ Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức theo nghĩa xưng hô trong Phật giáo. Ví dụ, tại Hội nghị Thống nhất Phật giáo Toàn quốc, tháng 5 năm 1951 (Tân Mão), hòa thượng Thích Tịnh Khiết chùa Tường Vân (Huế) được bầu làm Hội chủ, thượng tọa Trí Hải và cư sĩ Chơn An Lê Văn Định là Phó Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, sư ông (đại đức) Định Tri là Phó Tổng Thư ký, sư ông (đại đức) Trí Quang là Ủy viên Hoằng pháp kiêm Duyệt giáo lý v.v.

Đến năm 1964, ở miền Nam, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (thành lập ngày 4.1.1964) quy định những tăng sĩ đã thụ giới tỳ khiêu có tuổi đời từ 20 đến 40 tuổi là Đại đức, từ 40 đến 60 tuổi đời là Thượng tọa và từ 60 tuổi đời trở lên là Hòa thượng. Hòa thượng là các vị đã thụ giới tỳ khiêu và có 60 tuổi đời sắp lên, trong đó có 30 tuổi hạ và phải qua một tiến trình đề cử, suy tôn của đại hội toàn quốc hay do giáo lệnh của đức Tăng thống phê chuẩn8. Hiến chương xếp các vị hòa thượng (trưởng lão) và thượng tọa thuộc hàng giáo phẩm.

Hiện nay, Điều 37, Chương VIII: Giáo phẩm của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam quy định: “Được tấn phong Hòa thượng những Thượng toạ từ 60 tuổi đời, 40 tuổi đạo trở lên, có đạo hạnh, có công đức với Đạo pháp và Dân tộc, do Ban Trị sự Tỉnh hội, Thành hội đề nghị lên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự để xét duyệt, đệ trình Thường trực Hội đồng Chứng minh phê chuẩn, được Đại hội Trung ương thông qua hay Đại hội Phật giáo Toàn quốc tấn phong với một Nghị quyết và một Giáo chỉ do đức Pháp Chủ ban hành”.

Điều 38 quy định: “Được tấn phong Thượng toạ những tăng sĩ từ 45 tuổi đời, 25 tuổi đạo trở lên có đạo hạnh, công đức với Đạo pháp và Dân tộc do Ban Trị sự Tỉnh hội, Thành hội đề nghị lên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội xét duyệt, đệ trình Thường trực Hội đồng Chứng minh phê chuẩn và tấn phong tại Đại hội Trung ương Giáo hội và Đại hội Phật giáo Toàn quốc, với một Nghị quyết và một Giáo chỉ do đức Pháp chủ ban hành.”9

Như vậy, tại Việt Nam, văn bản sớm nhất quy định Hòa thượng, Thượng tọa thuộc hàng giáo phẩm có lẽ là từ năm 1964. Và hiện nay chúng ta đang áp dụng quy định của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc phân định tôn ti trật tự (tức cấp bậc, phẩm hàm) trong Phật giáo nước ta. Phải chăng chúng ta vận dụng Tì ni mẫu và Hành sự sao của Phật giáo Trung Quốc ngày xưa, mà Phật giáo các nước không theo mẫu này nữa?”

1. Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, Từ điển Phật học Hán Việt, Nxb. Khoa học Xã hội, tái bản năm 2004.

2. Thạch Lặc sinh năm 274, người dân tộc Yết. Ông là một tướng giỏi của Lưu Diệu, vua nhà Tiền Triệu. Tháng 11 năm 319, ông li khai khỏi nước Tiền Triệu, tự xưng là Triệu Vương, Đại Thuyền Vu, lập nên nhà Hậu Triệu thời Ngũ Hồ Thập lục quốc (Trung Quốc).

3. Thích Phước Sơn dịch, Tam tổ thực lục, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1995.

4. Lao Tử - Thịnh Lê, Từ điển Nho Phật Đạo, Nxb. Văn học, 2001.

5. Sa môn Trí Hải, Hồi ký thành lập Hội Phật giáo Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, 2004.

6. Sách Tăng già sử của Thái Lan có chép: “Tăng tước của Thái Lan thời vua Li Thay (1354-1376) có Tăng Vương, Tăng già tôn trưởng, Đại Trưởng lão, Thượng tọa”. Tăng vương là Tăng chức cao nhất trong cả nước. Tăng già là Tăng chức từng vùng. Đại Trưởng lão và Thượng tọa là những vị sư đạo cao đức trọng, có tuổi lạp cao, theo giới luật của nhà vua quy định.

7. Lao Tử - Thịnh Lê, Từ điển Nho Phật Đạo, Nxb. Văn học, 2001, viết: Tì khiêu: còn gọi là tì (tỉ) khưu, tì khâu, tì kheo. Xưng hô Phật giáo, dịch nghĩa là “khất sĩ”. Chỉ những người nam xuất gia đã thụ giới Cụ túc. Thế tục gọi là Hòa thượng.

8. Điều thứ 13 Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất: Hội đồng Giáo phẩm Trung ương gồm các vị Trưởng lão và các vị Thượng tọa thuộc các tông phái Phật giáo tại Việt Nam, giới luật thanh tịnh, có thành tích phục vụ chánh pháp, số lượng từ sau mươi (60) vị sắp lên.

Trưởng lão là các vị có sáu mươi (60) tuổi đời sắp lên, trong đó có ba mươi (30) tuổi hạ. Thượng tọa là những vị có năm mươi (50) tuổi đời sắp lên, trong đó có hai mươi (20) tuổi hạ.

Điều 34 Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất:

Tăng sĩ đã thụ giới tỳ khiêu có tuổi đời từ 20 đến 40 tuổi là Đại đức.

Còn đối với Ni giới:

1. Năm 20 tuổi đời, vị nữ xuất gia thụ giới tỳ khiêu ni được gọi là Sư cô.
2. Năm 40 tuổi đời, vị tỳ khiêu ni được 20 tuổi đạo, được gọi là Ni sư.
3. Năm 60 tuổi đời, vị tỳ khiêu ni được 40 tuổi đạo, được gọi là Ni trưởng.
Điều 39, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (được sửa đổi tại Đại hội IV, ngày 23.11.1997):

Cấp bậc giáo phẩm của Ni chúng là Ni trưởng và Ni sư. Tiêu chuẩn và điều kiện để tấn phong giáo phẩm của Ni chúng như quy định của hàng Tăng giới ở điều 37 và 38.

9. Điều 39, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (được sửa đổi tại Đại hội IV, ngày 23.11.1997):

Cấp bậc giáo phẩm của Ni chúng là Ni trưởng và Ni sư. Tiêu chuẩn và điều kiện để tấn phong giáo phẩm của Ni chúng như quy định của hàng Tăng giới ở điều 37 và 38.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Quảng Ninh "quản lý hòm công đức" và một góc nhìn!

Ý kiến – Diễn đàn 13:37 09/11/2018

Vậy thì, trước khi ban hành Công văn số 489/UB-VX1, UBND tỉnh Quảng Ninh đã được chủ sở hữu tài sản “ủy quyền” định đoạt hoặc ủy quyền được tham gia định đoạt tài sản chưa? Đã có trong tay quy định nào từ văn bản luật làm căn cứ pháp lý ban hành chưa? Nếu “chưa” thì rõ ràng là không ổn rồi!

Âm mưu phá hoại Phật giáo của Pháp Luân Công

Ý kiến – Diễn đàn 15:30 07/11/2018

Pháp Luân Công, một tổ chức ngụy trang Phật giáo, đã bóp méo giáo lý của Phật giáo. Cộng đồng Phật giáo phản đối việc đăng ký của Pháp Luân Công cũng là để làm sáng tỏ và bảo vệ Phật giáo chính thống thì lại bị buộc tội không coi trọng nhân quyền. Ai là kẻ vi phạm nhân quyền, phá hoại tôn giáo khác và ai mới là người bảo vệ tôn giáo chính thống?

Suy nghĩ đôi điều về sự cầu siêu và cúng thí thực

Ý kiến – Diễn đàn 15:10 11/10/2018

Cầu siêu là cầu mong siêu thoát, nghĩa là dùng phương pháp nào đó để giúp vong linh của người đã chết vượt qua khỏi cảnh khổ đau. Ý nghĩa thì như vậy, nhưng có siêu thoát được hay không, đây là vấn đề thuộc phương pháp siêu độ hay nói đúng hơn là Pháp thuật vi diệu nào đó mới siêu độ nổi vong linh người quá cố.

Nhà Phật có cấm đánh ghen không?

Ý kiến – Diễn đàn 05:15 09/10/2018

“Tinh tinh”... tiếng chuông tin nhắn vang lên. “Nhà Phật có cấm đánh ghen không mày?”, đọc tin cô bạn thân gửi mà tôi vừa thấy buồn cười lại vừa lo lắng. Tôi vội nhấc điện thoại hẹn gặp bạn ngay để hỏi thăm tình hình, phòng trường hợp bạn “giận quá mất khôn”.

Xem thêm