Diệt trừ nghiệp ác do lời nói gây ra
Vọng ngữ (hay nói lời dối trá) là một giới cấm đối với người Phật tử. Khi bước vào con đường học Phật, muốn trở thành Phật tử cần phải thọ tam quy ngũ giới. Tam quy là quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Ngũ giới là năm giới cấm trong đó giới cấm thứ tư là không nói dối.
Chớ nói lời làm tổn thương người, ác khẩu ắt chiêu mời quả báo
Trong cuộc sống, ta thấy có người khi nói dù chỉ một lời, ai nghe thấy cũng ưa, cũng thương mến, có cảm tình, tin tưởng được và cũng đều nghe và làm theo. Cũng có người khi mở miệng nói, dù có nói nhiều cũng không ai tin, không ai muốn nghe, không ai ưa thích. Có những người khi nói thường đem lại sự êm ái, mát dịu trong tâm hồn người nghe, làm cho người nghe có cảm giác như vừa uống được một dòng nước mát. Cũng có những người khi nói làm cho người nghe phải khó chịu, bực bội. Do đó lời nói rất quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn trong cuộc sống hằng ngày của tất cả mọi người chúng ta. Vì vậy Đức Phật dạy chúng sinh phải thực hành khẩu nghiệp sao cho không gây nên nghiệp ác, tức là ăn nói phải đúng pháp để tránh nghiệp dữ do lời nói gây ra, tức là phải thực hành các điều lành về khẩu nghiệp.
Vậy, khẩu nghiệp là nghiệp do lời nói gây ra, tác động lợi hoặc hại, tốt hay xấu có thể sảy ra ngay tức thì, cũng có thể để lại hậu quả cho sau này hoặc cho kiếp sau. Khẩu nghiệp có thể là nghiệp lành nếu điều nói ra gây ra những hậu quả tốt lành do làm lợi cho người khác hoặc cho cộng đồng. Khẩu nghiệp có thể là nghiệp ác nếu lời nói gây ra những hậu quả xấu làm hại người khác hoặc làm hại cho cộng đồng.
Khẩu nghiệp tạo ra tốt hay xấu có thể do nội dung lời nói, do sắc thái giọng nói và có thể do cả thái độ khi nói. Do nội dung lời nói không chính pháp gây ra những nghiệp xấu. Bản thân mỗi nghiệp nói ấy còn được biểu hiện dưới nhiều vẻ, nhiều hình thái khác nhau như thái độ và nét mặt khi nói không đúng đắn, như nói với sắc thái giọng nói không đúng đắn. Những điều đó phụ thuộc vào động cơ, mục đích của người nói, tùy theo hoàn cảnh, thời gian và điều kiện khi nói.
Có thể thấy rằng nếu ai đó cảm thấy cuộc đời nhiều đau khổ, không vui vẻ, chẳng bình yên, tức là chính người đó cần phải điều chỉnh lại lời nói, cho vừa dễ nghe, cho vừa dễ thương. Tại sao như vậy? Bởi vì, chính người đó cũng muốn nghe những lời nói dễ nghe, dễ thương như vậy. Hoặc là, người đó cần phải điều chỉnh lại âm thanh, sắc thái giọng nói sao cho vừa đủ nghe, sao cho để khỏi làm phiền lòng người khác ở xung quanh đang cần sự yên tĩnh, để tâm hồn được thanh tịnh, hay để được nghỉ ngơi thoải mái.
Giải trừ khẩu nghiệp do vọng ngữ (nói dối)
Vọng ngữ (hay nói lời dối trá) là một giới cấm đối với người Phật tử. Khi bước vào con đường học Phật, muốn trở thành Phật tử cần phải thọ tam quy ngũ giới. Tam quy là quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Ngũ giới là năm giới cấm trong đó giới cấm thứ tư là không nói dối.
Không nói dối theo nghĩa rộng của Tam quy Ngũ giới bao gồm không nói đúng sự thật, không nói lưỡi hai chiều, không nói lời độc ác và không nói lời thêu dệt. Theo nghĩa hẹp chỉ là nói dối, tức là nói không đúng với sự thật.
Có nhiều loại nói dối : Nói dối vì đùa vui, nói dối với mục đích lừa phỉnh, nói dối để khoe khoang, nói dối vì sợ hãi khiếp nhược, nói dối để thu lợi bất chính…Tùy theo mục đích của nói dối mà tạo ra nghiệp tội nặng nhẹ khác nhau. Tuy nhiên, có những trường hợp nói dối với mục đích cứu khổ, độ sinh, giải cứu nguy nan tính mạng cho chúng sinh, cho người và vật thì mới không phạm tội.
1. Người hay nói dối không ác ý mà chỉ có tính đùa vui cũng gây ra nghiệp quả không tốt vì nó làm cho họ quen với thói xấu ấy, và làm cho người chung quanh không tin ở lời nói của họ nữa, dù đôi khi họ nói thật. Có câu chuyện kể về một anh chàng thích trêu đùa người khác để mua vui, anh nói dối làm nhiều người bị lừa. Một lần, hai lần rồi nhiều lần bị lừa làm người ta không tin những lời anh nói ra nữa. Cho đến một lần nhà bị cháy, anh kêu cứu nhưng mọi người cho rằng anh lại nói đùa và không ai đến cứu, kết quả là ngôi nhà anh cháy ra tro. Đó là cái nghiệp sinh báo cho anh trong ngay đời này. Người hay nói dối dù chỉ để đùa vui cũng tạo ra nghiệp ác, họ làm nhiều người không tin tưởng, dễ bị xếp vào hạng người lừa lọc, không đạo đức. Người đời thường xa lánh những người ăn nói không có nhân cách đúng đắn gây bất lợi cho cuộc sống bình thường.
2. Người nói dối vì sợ hãi khiếp nhược thường là người thiếu bản lĩnh. Những người như thế thường không có chí khí, thiếu nghị lực. Họ bị khuất phục trước uy quyền hoặc trước sức mạnh nên phải nói dối, nói không đúng sự thật gây ra nhiều tội lỗi cho mình và cho người khác như trường hợp bị người xấu ép khai khống hoặc vu khống đổ tội cho người khác.
Trái lại, những người chiến sĩ chiến đấu vì chính nghĩa không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù nên không bao giờ khai sự thật những hoạt động của tổ chức của mình. Và nếu có khai thì khai không đúng sự thật, đó tuy cũng là nói dối, nhưng việc nói dối này là chính nghĩa đã cứu nguy cho biết bao tính mạng của đồng bào đồng chí. Sự nói dối này không có tội mà lại còn có phúc. Người hay nói dối vì sợ hãi khiếp nhược luôn tạo ra nghiệp ác, tự làm cho họ quen tính che giấu tội lỗi và không chịu sửa chữa, làm cho người chung quanh không tôn trọng và tin tưởng.
3. Người nói dối vì khoe khoang thường là kẻ ham danh, thích địa vị, thích mọi người nể phục mình, cho là mình thông minh, tài giỏi, hơn người. Nói dối vì khoe khoang xuất phát từ lòng tham (tham danh) là phạm vào điều thứ 4 (không nói dối) mà cũng phạm vào điều thứ 8 (tham lam) trong Hành Thập thiện. Khoe khoang tài giỏi ngoài đời để được tiếng thơm giả tạo cũng tạo ra nghiệp ác. Và theo kinh Phật nếu người theo Đạo mà nói dối mình đã thành Pháp sư, đã chứng quả Thánh, hay đã đắc đạo để cho mọi người kính phục, sùng bái mình thì lại càng mắc tội đại vọng ngữ và sẽ bị đọa vào ba đường ác (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh).
4. Người nói dối vì vụ lợi thường là kẻ tham lam, thích tiền tài, ham làm giàu một cách không chính đáng, làm giàu không bằng sức lao động và tài năng trí óc của mình. Họ ham lợi, chỉ vì lợi nhuận mà mắc tội nói dối, tội lừa lọc. Nhẹ là tội buôn bán gian tham, cân điêu, nói thách. Nặng là tội kết bè kéo cánh lừa dối chiếm đoạt của cải của tập thể hoặc của công. Tội dối trá trong thanh quyết toán công trình, rút ruột công trình, tội lợi dụng lòng tin lừa lọc người ngay để chiếm đoạt tiền của đều là tội nặng. Tội nói dối lừa gạt chiếm đoạt tiền bạc, của cải của người khác đều xuất phát từ lòng tham (tham tiền tài) cũng là một điều phạm vào nghiệp thứ 8 trong Hành Thập thiện nghiệp.
5. Trường hợp nói dối vì lợi ích cho chúng sinh, cứu khổ độ nguy là không mắc tội. Ví dụ trường hợp một toán người đi săn trong rừng đang săn đuổi một con hươu. Con hươu chạy qua trước mặt một người đang ngồi bên bìa rừng. Toán người đi săn đến hỏi người đang ngồi xem có thấy con hươu chạy qua không, ông ta trả lời là không thấy hoặc ông ta chỉ hướng khác với hướng hươu chay. Sự nói dối ấy cứu được một sinh mạng sẽ được hưởng phước cứu mạng mà không mắc tội nói dối.
Đức Phật nói về nguyên nhân thất bại ở đời
Thời vua Quang Trung, khi quân lính của triều đình Nhà Tây Sơn truy lùng Nguyễn Ánh, trước tình hình khốn quẫn không có lối thoát, ông phải chạy vào một ngôi chùa, xin nhà sư cứu mạng. Ngôi chùa rất nghèo và rất đơn sơ, vị sư đành cho khiêng một trong ba tượng Phật xuống đất và bảo Nguyễn Ánh lên ngồi trên bàn thờ, thế chỗ tượng Phật ấy. Khi quân lính đến hỏi: Nãy giờ ông có thấy ai chạy vào chùa không, thì nhà sư bình tĩnh trả lời: A Di Đà Phật! Bần đạo bận tụng kinh, niệm Phật nên không thấy ai cả. Quân lính đã bỏ đi. Nhà sư đã nói dối để cứu mạng người, người ấy sau này là vua Gia Long. Việc nói dối cứu người như vậy được xem là không phạm tội.
Để giải trừ khẩu nghiệp đối với tất cả các loại hình nói dối trên đây, theo giáo lý đạo Phật, Đức Phật dạy nên thực hành theo chính pháp tức là theo chính ngữ. Cụ thể là để giải trừ khẩu nghiệp (tội do lời nói gây ra), hành giả phải thực hành giới định tuệ. Giới là để ngăn trừ các tội đã được ngăn cấm, định để tĩnh tâm để tư duy xác định tâm và ý của mình khi nói, tuệ là đủ trí tuệ để nói lên những điều đúng chính pháp. Ví dụ trong trường hợp câu chuyện toán thợ săn đuổi con hươu chạy qua trước măt một người đang ngồi thiền. Người đang ngồi thiền đó là một hành giả có chính pháp, ông đã đứng lên trả lời toán thợ săn : Từ khi tôi đứng đây, tôi không thấy con hươu nào chạy qua. Toán thợ săn đã bỏ đi không truy đuổi con hươu nữa. Vị hành giả đó không nói dối vì ông vừa mới đứng lên và từ lúc ông đứng lên ông không thấy con hươu nào chạy qua thật. Như vậy, ông đã cứu được một sinh mạng. Đó là cái trí của người tu hành theo chính pháp.
Giải trừ khẩu nghiệp do lưỡng thiệt (nói lưỡi hai chiều)
Lưỡng thiệt tức là nói lưỡi hai chiều, nói lật lọng, lời nói lúc thế này, lúc thế khác, nói tráo trở, lấy trái làm phải, lấy phải làm trái. Những người loại này thường đem chuyện người này nói ra nói vào dèm pha với người khác với tính chất nói xấu và khiêu khích, nhạo báng, khinh chê, gây ác cảm để hai bên đi đến bất hòa, mâu thuẫn và thù hận lẫn nhau. Họ còn nói lật lọng, trước nói thế này, sau lại nói thế khác nhằm mục đích thay đổi đen trắng, có lợi cho mình.
Người nói lưỡi hai chiều thì một lời họ nói ra có thể làm cho tan vỡ hạnh phúc gia đình của người khác, có thể làm cho mọi người, nghi ngờ lẫn nhau. Đó là những lời nói mập mờ không rõ, đặt điều thêm bớt, đúng nói sái, sai nói đúng, có lại nói không, không lại nói có. Nhiều khi nói lời cố ý hại người, người chưa bị hại, mình đã lĩnh đủ, hậu quả tức thì.Trong cuộc sống cũng có những người thường tạo khẩu nghiệp nặng, họ ăn nói như ngậm máu phun người, bới chuyện thiên hạ, kích động bên đông, kiếm chuyện bên tây, đâm bị thóc, chọc bị gạo, tròng ghẹo mọi người. Người ăn nói lật lọng, nói lưỡi hai chiều thường bị người đời không tin tưởng, bị khinh thường và xa lánh.
Con người là chủ nhân của nghiệp
Người nói lật lọng, nói lưỡi hai chiều thường có cái tâm không trong sáng, ưa gây lộn, thích làm hại người khác bằng cái tâm ác độc có thể vì mục đích vụ lợi và cũng có thể do tâm sận hận một điều gì mà không giải quyết được.
Người nói lật lọng, nói lưỡi hai chiều có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau:
1. Nói lưỡi hai chiều vì lòng tham. Đó là trường hợp có dụng ý muốn chiếm đoạt một cái gì đó, đã đang tâm đặt chuyện xấu cho người này rồi đem nói cho người khác nhằm chia rẽ họ để đoạt được mục đích của mình. Có câu chuyện trong kinh Pháp cú kể rằng:
Một vị tỳ kheo nọ trong một chuyến du hành dừng chân tại một tu viện do hai vị tăng khác trụ trì. Vị tỳ kheo này đăng đàn giảng pháp, được dân chúng hoan nghênh, liền nổi ý xấu muốn chiếm tu viện cho riêng mình. Vị tỳ kheo đó bèn có những lời nói gây chia rẽ hai vị tăng trụ trì kia, vốn là huynh đệ thân thiết với nhau, để hai vị này hiểu lầm nhau mà cùng bỏ đi khỏi tu viện. Vị tỳ kheo chiếm được tu viện, nhưng về sau, khi viên tịch, tỳ kheo đó tái sinh làm ngạ quỷ có hình thù xấu xa, trong miệng mọc ra một cái đuôi đầy ròi bọ lúc nhúc. Ðức Mục Kiền Liên gặp ngạ quỷ này, trở về bạch với Ðức Phật. Ðức Phật giảng giải về hậu quả tai hại của lời nói đâm thọc, gây chia rẽ bằng một bài kệ trong kinh Pháp cú[1]. Tội nói lưỡi hai chiều của vị tỳ kheo kể trên đã gây ra nghiệp ác bị đọa làm ngạ quỷ.
2. Nói lật lọng hay nói lưỡi hai chiều do ác ý vì hiềm thù thường sảy ra trong trường hợp người nói mang sẵn trong tâm một mối sân hận thù hằn với một người nào đó, nhưng không trực tiếp hại người ấy mà lại dùng người khác làm hại. Họ đem tâm bịa đặt chuyện xấu cho người đó rồi đem nói với người kia để hai người hiểu lầm nhau, kích động hai bên mâu thuẫn nhau dẫn đến kết quả tác hại xấu cho người mà họ thù hằn, thậm chí đi đến khuynh gia bại sản hoặc mất mạng.
Người không nói lưỡi hai chiều, không nói lật lọng, thường được thân bằng quyến thuộc, kẻ xa, người gần đều kính mến. Người không nói lưỡi hai chiều thường dùng lời lẽ dịu dàng, êm ái, an ủi, khuyên giải và giúp cho anh em, bà con, hàng xóm được hòa thuận, khiến cho ai nấy cũng vui vẻ, an lòng, đến đâu cũng được mọi người kính yêu.
Để giải trừ khẩu nghiệp do nói lật lọng, do nói lưỡi hai chiều, người Phật tử phải thực hành chính pháp, nói lời chân thật, diệt trừ lòng tham, diệt trừ ác ý. Cần thực hiện giới định tuệ và trước khi nói điều gì cần phải định tâm lại xem nói điều đó ra có được hay không, dùng trí để xét đoán nếu nói lật lọng như thế thì dẫn đến tác hại như thế nào. Hơn nữa trong định, dùng tứ niệm xứ để quán chiếu thân tâm, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã để loại trừ ác ý gây nên khẩu nghiệp xấu.
Chú thích: [1] Kinh Pháp cú (trong Tiểu Bộ Kinh) tập hợp 423 bài kệ do đức Phật nói ra trong nhiều dịp khác nhau, trong suốt 49 năm hoằng dương Chánh Pháp của Ngài.
Còn nữa...
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp
Kiến thức 14:50 02/11/2024Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.
Thứ lớp quả vị của Bồ tát Thập địa
Kiến thức 13:29 02/11/2024Nhờ có trí tuệ thấy rõ khổ đau và thực hành Bát chính đạo cùng giáo lý Trung đạo, hành giả phát khởi Bồ đề tâm, hành trì Lục độ Ba la mật để dần đạt các cấp độ thành tựu trên con đường Giác ngộ.
Nói về Tứ niệm xứ
Kiến thức 10:40 02/11/2024Học, hiểu và tu tập Tứ niệm xứ là rất cần thiết dù tu sĩ hay cư sĩ giúp ta sống chất lượng, sâu sắc ý nghĩa, thanh tịnh thân tâm, thành tựu đinh lực trí tuệ hướng đến an vui giác ngộ giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi nỗi khổ niềm đau.
Bài học nhân sinh từ những cơn bão
Kiến thức 09:00 02/11/2024Bão tố dạy ta về sự vô thường - một bài học căn bản mà ta vẫn thường quên trong cuộc sống hằng ngày. Đời sống là một chuỗi những đổi thay liên tục, không có gì là vĩnh cửu, không có gì là bất biến.
Xem thêm