Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 30/09/2019, 11:42 AM

Đọc lại văn bia lịch sử chùa Hải Ấn 

Năm 2000, phước duyên đến với tôi khi được chư vị Ni Sư trụ trì Hải Ấn Ni Tự tin tưởng giao cho trọng trách chấp bút viết "Văn Bia Lịch Sử Chùa".

>>Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về chùa Việt  

Khi viết xong bản thảo dâng trình lên chư Ni, tôi có đề nghị dùng chữ "Lược" thay chi chữ "Lịch". Sau khi đọc rồi, chư Ni vẫn quyết định dùng chữ "Lịch", vì bài viết tuy súc tích nhưng vẫn quá đầy đủ, không thiếu chi tiết nào, nếu dùng chữ "Lược" sẽ không hợp. Bản thảo được chư Ni trình lên chư tôn hòa thượng thuộc tông môn (HT. Thích Tịnh Diệu, HT. Thích Tịnh Nghiêm...) thẩm duyệt và cho phép.

DSCN3861
Bài liên quan

Vậy là "Văn Bia Lịch Sử Chùa Hải Ấn" được chạm khắc trên đá granite hoàn thành, tôi cũng là người đi chọn tìm mua đá cùng các em Phật tử Sinh Viên Mỹ Thuật... Ban đầu, Văn Bia được thiết đặt dưới Điện Quán Thế Âm giữa sân, trong bóng mát. Đến năm 2015, nhà chùa quyết định chuyển dời xuống gần khu Bảo Tháp của Sư Bà Khai Sơn Lập Tự, có ý đặt gần “Văn Bia Tiểu Sử” của Sư Bà được thiết đặt trong khu Bảo Tháp.Hôm nay, tưởng nhớ Sư Bà, nhớ chư Ni, nhớ ngôi chùa mà tôi rất gắn bó từ những năm đói khổ xa xưa, lục lọi tìm đọc lại Văn Bia, và trân trọng giới thiệu đến chư vị:

Hãy đi theo một con đường chạy bọc phía sau lưng Tháp Bà nổi tiếng, qua khu dân cư đông đúc, ngược dòng trôi của con sông Lau, chạy dài dài theo chân một ngọn núi, dẫn đến khu du lịch Suối Khoáng Nóng –Tắm Bùn đang thu hút khách, sẽ thấy cổng tam quan của một ngôi chùa nằm sát bên lề tay phải hiện ra. Sừng sững trên triền núi xanh um cây lá, chùa Hải Ấn nổi bật lên với tường màu vàng nhạt và những vòm mái cong cong màu đỏ. Dân quanh vùng cũng thường gọi chùa bằng hai tiếng thân quen mà đầy cung kính: chùa Hang, vì trong chùa có một cái hang động.

Hải Ấn Tự nhìn từ trên núi

Hải Ấn Tự nhìn từ trên núi

Năm 1968, vào một buổi chiều trời trong gió mát êm ả, Sư Bà Thích Nữ Chánh Lượng nhẹ bước khoan thai tản bộ từ chùa An Tường men theo sườn núi Sạn về phía dòng sông Lau đang lặng lờ trôi ra cửa biển Nha Trang, và dừng chân nghỉ ngơi tại một hang đá nhỏ bên dưới của chân núi này. Phóng tầm mắt tinh tường nhìn ngắm xung quanh, Sư Bà nhận ra ngay chính nơi đây đang sẵn có cảnh vật tĩnh mịch, địa thế phong quang, hòa hợp với núi sông mây gió thật là vô cùng thích hợp cho sự tu niệm của một tu sĩ xuất thế gian mà bất ly thế gian. Sư Bà khởi lên ý nguyện xây dựng một ngôi tự viện trên khu đất đá hoang sơ, ngay khi còn tĩnh tọa trong hang đá còn đẫm hơi lạnh dìu dịu này.

Bài liên quan

Ngay sau đó, Sư Bà tiến hành ngay việc mua lại khu đất lý tưởng, để bắt đầu từng bước tạo dựng một chốn già lam theo ý nguyện rộng lớn của mình. Đầu tiên, Sư Bà lập một am thờ Phật ngay bên trong hang đá. Đây là một hang đá ăn sâu lên trên đỉnh núi, những bô lão sống quanh vùng kể rằng đó là một “hổ huyệt”. Một đôi vợ chồng cọp an trú trong hang đá này, thỉnh thoảng gầm lên vang động, và vào những đêm trăng sáng chúng thường xuất động hạ sơn xuống uống nước bên bờ sông, giỡn đùa với nhau trên bãi lau sậy phía trước hang. Qua một thời gian dài sau, đến khi quân đội Nam Triều Tiên đến chiếm đóng tại khu vực núi rừng hoang vu này, một con cọp bị sát hại, con còn lại bỏ đi biệt dạng, để lại một hang động trống trơn u tối. 

Sau đó, hang động bị san bít bằng mìn, không còn ăn thông lên đỉnh núi nữa, chỉ còn lại cửa hang phía dưới dẫn lên trên lòng núi khoảng vài mươi mét. Bên trong hang không khí khác hẳn, lành lạnh, im ắng, và chừng như nghe được tiếng thì thầm của những tảng đá trắng nhám sần sùi vô tri. Sư Bà đã ở trong hang đá này suốt hai năm liền. Hằng ngày, ngoài giờ tọa thiền, Sư Bà còn trì tụng kinh Pháp Hoa, cứ mỗi chữ một lạy (nhất tự nhất bái) để cầu nguyện được lập nên một ngôi chùa mà Sư Bà ao ước. Thời gian thấm thoắt trôi qua, chùa Hải Ấn dần dần được xây dựng trên khoảng đồi phía bên ngoài cạnh hang động, và đến năm 1971 thì hoàn thành đúng như ước nguyện của Sư Bà… 

Tượng Sư Bà khai sơn chùa Hải Ấn thờ trong hang cọp

Tượng Sư Bà khai sơn chùa Hải Ấn thờ trong hang cọp

Ngày hôm nay, hang động này vẫn còn đó, nằm khép nép bên cạnh ngôi chùa nguy nga, hai bên cửa hang có bộ tượng “Khuyến Thiện –Trừng Ác” trấn giữ, vào bên trong hang có thể thấy những tượng thờ Di Lặc Tôn Phật, Quán Thế Âm và Thiện Tài Đồng Tử, Bồ Đề Đạt Ma Sư Tổ, và tượng thờ Cố Sư Bà khai sơn lập tự do chúng đệ tử phụng lập để ghi nhớ công ơn và đạo hạnh của sư thầy.

Bãi lau sậy xưa kia bên kia con lộ phía trước chùa trở thành một ruộng lát của chùa tăng gia sản xuất, sau sang nhượng cho xưởng đóng tàu. Bên phải ngôi chùa, có một chiếc tháp màu xanh của đá núi mọc lên giữa những khóm hoa lạ, những hàng cây dương liễu tỏa bóng râm, đó là bảo tháp của tổ khai sơn đã được xây sẵn lúc Sư Bà còn tại thế. 

Cửa vào hang Cọp chùa Hải Ấn

Cửa vào hang Cọp chùa Hải Ấn

Bài liên quan

Từ khi Sư Bà khai sơn lập tự viên tịch, chùa vẫn được tu bổ xây dựng thêm rất nhiều công trình mới bởi hàng đệ tử kế tục giỏi giang và đạo hạnh, tạo nên một chốn thiền môn đầy hoa sắc, rộng rãi hơn, tráng lệ hơn và trở thành một ngôi đại tự của Phật giáo tỉnh nhà. Các công trình Chánh điện, nhà hậu Tổ, Ni xá, hành đường, tường thành, cổng Tam quan… đều đã được tu sửa nâng cấp ngày càng khang trang và tiện dụng hơn trước. Một “hang động nhân tạo” nho nhỏ cũng được thiết kế và bài trí ngay bên lối đi lên “hang động thiên tạo”, tạo thêm cảnh sắc núi non hoa lá hài hòa. Phía trước hang động, bên trái còn có một tượng Phật Di Đà uy nghiêm và nhân từ được an vị trên một tảng đá cao cao ngay vị trí mà trước kia đặt tháp xá lợi. Ngoài điện Quán thế Âm ngoài sân phía trước chánh điện, còn có một đài Quán Thế Âm khác trên một tảng đá lớn trên sườn núi với lối đi lên bằng những bậc cấp bên cạnh hang động. Tượng Quán Thế Âm này lộ thiên, lớn hơn, tay niêm ấn, tay cầm cam lồ thủy, đứng trên một quả địa cầu nhìn ra hướng biển Đông như luôn sẵn sàng “tầm thanh cứu khổ” cho chúng sanh trên những chuyến tàu ra khơi xa vốn luôn đầy gian nan trắc trở… 

Đặc biệt nhất là giếng nước trong khuôn viên chùa. Giếng nằm bên ngoài phía trước dãy nhà trù, trên một tảng đá xanh rì rất lớn, giữa những cây mít thân to đã xấp xỉ ba mươi tuổi. Những ngày đầu tạo dựng ngôi chùa, Sư Bà Chánh Lượng đã cho đào một giếng nước, nhưng nước bị nhiễm mặn nên không sử dụng được, giếng này đã được lấp kín. Tất cả các giếng nước quanh vùng này đều lâm tình trạng chung như vậy vì ở gần cửa biển. Sư Bà đã rước thầy thợ chuyên nghiệp đến để thăm dò tìm nguồn nước ngọt, nhưng ai cũng cho rằng tìm nguồn nước ngọt ở địa phận này là một chuyện hết sức vô lý, viễn vông. 

DSCN3855
Bài liên quan

Không đầu hàng, nhiều đêm trăn trở, Sư Bà quyết định niệm trì “Ngũ Bách Phật Danh Kinh”(Năm trăm danh hiệu Phật, cứ mỗi lần xưng tán một danh hiệu Phật thì phải đảnh lễ một lạy), phát nguyện cầu tìm nguồn nước ngọt cho chùa cũng như cho dân chúng trong vùng. Vào một ngày trời quang mây tạnh, Sư Bà đã chỉ cho đám thợ khoan giếng địa điểm để lấy nguồn nước: ngay bên trên tảng đá khổng lồ. Ban đầu, thợ khoan giếng lắc đầu không dám nhận công việc phi lý này, vì họ đoan chắc rằng sẽ hao tài tốn của nhà chùa mà sẽ không tìm được gì, nhưng sự quả quyết của Sư Bà đã thuyết phục được họ, vậy là họ bắt đầu khoan xuống tảng đá xanh cứng.

Thật kỳ diệu, như chuyện thần thoại, khoan sâu xuống lòng đá hơn mười mét thì gặp trúng mạch nước ngọt mát lạnh và trong vắt. Giếng nước ngọt được tìm thấy, nguồn nước tràn trề quanh năm, người dân quanh khu vực ngày đêm quẩy gánh xách thùng đến xin nước về dùng từ ngày ấy cho đến nay, và dân chúng bất kể là tôn giáo nào cũng phải nghiêng mình cung kính gọi đó là Giếng Phật. Nếu không để ý, du khách sẽ không nhận ra tảng đá có giếng nước ngọt trong chùa mang dáng dấp của một con voi, cùng với một tảng đá lớn khác bên ngoài hàng rào của chùa tạo nên một cặp voi chầu, người ta gọi đó là “Hai ông tượng chầu Phật”. Hai “ông tượng” huyền thoại này được gọi tên cung kính là Hắc Đô và Hắc Giang, và còn có nhiều người bằng tuệ nhãn nhìn ra rằng tảng đá phía bên ngoài đường có hình dạng như chiếc thuyền lớn đang cập bến, nên gọi đó là Thuyền Bát Nhã.

Vườn Lộc Uyển tại Hải Ấn Ni tự

Vườn Lộc Uyển tại Hải Ấn Ni tự

Chùa Hải Ấn đã và đang mở mang thêm bằng cách xây dựng cơi nới thêm lầu chánh điện, vườn Lâm - Tỳ - Ni, tượng Thái tử cưỡi ngựa Kiền Trắc vượt sông xuất gia cùng Xa Nặc theo hầu, còn có những dãy bậc cấp dẫn lên tận phía trên đỉnh núi cho đúng nghĩa “du sơn”, để khách có thể ngắm nhìn những tượng đài Phật Thích Ca nhập Niết Bàn, vườn Lộc Uyển, đức Phật thành đạo… giữa một cảnh quan độc đáo xứng đáng là một chốn danh lam truyền lưu hậu thế. 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Chiêm ngưỡng những tượng Phật lớn nhất Việt Nam

Chùa Việt 11:55 25/04/2024

Việt Nam là quốc gia có bề dày văn hóa Phật giáo và cũng là nơi có nhiều tượng Phật lớn nhất. Những tượng Phật này không chỉ là điểm hành hương tâm linh mà còn là kiệt tác nghệ thuật đáng kinh ngạc.

Về Bình Thuận, viếng thăm ngôi chùa trên núi Tà Cú

Chùa Việt 14:40 23/04/2024

Nằm trên núi Tà Cú, chùa Linh Sơn Trường Thọ thu hút du khách bởi không gian thanh tịnh, khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ.

Một vài đặc điểm kiến trúc của ngôi chùa Việt

Chùa Việt 10:25 16/04/2024

Ngôi chùa được xem là bảo tàng nghệ thuật, là nơi lưu giữ nhiều di sản Phật giáo có giá trị. Bản thân kiến trúc chùa còn chuyển tải nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa và tôn giáo.

Ngôi chùa cổ nằm chênh vênh trên vách núi hơn 500 năm

Chùa Việt 08:30 15/04/2024

Tương truyền, chùa Vô Vi được khởi dựng từ thời Đinh (thế kỷ X), sau nhiều biến cố của lịch sử, chùa được dời lên vách núi như ngày nay đã hơn 500 năm.

Xem thêm