Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 15/07/2014, 08:31 AM

Đôi nét về nhạc tế lễ Hàn Quốc

Đất nước Hàn Quốc không chỉ nổi tiếng là một đất nước hiện đại và năng động mà còn là một đất nước có nền văn hóa với truyền thống lâu đời được gìn giữ và phát triển qua hàng nghìn năm lịch sử.

Trong đó, âm nhạc tế lễ tại Hàn Quốc là một truyền thống đặc trưng mà chúng ta sẽ tìm hiểu đôi nét sau đây.

Theo Thông tin truyền thông gần đây, rất nhiều bộ phim truyền hình đã tái hiện những trang sử vàng, những giai đoạn từ thời Tam Quốc đến thời Joseon (Triều Tiên) của Hàn Quốc và cảm nhận được mối quan tâm đặc biệt từ khán thính giả truyền hình. Đây là cơ hội để người dân Hàn Quốc tiếp cận và nhìn lại từng bước đã qua trên chặn đường phát triển của dân tộc mình. 
 
Khi xem phim các bạn cũng từng nghe thấy câu: “Muôn tâu Hoàng thượng . . . Kính chúc Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế . . . Kính mong Hoàng Thượng chăm lo cho Tông Miếu Xã Tắc”.

Những lời thoại như thế này trong các kịch bản thường hay xuất hiện, khi các quan đại thần trong triều tiếp kiến nhà vua. Ở đây “Jongmyo” (Tông Miếu) là nơi tôn trí Linh vị thờ cúng các bậc Tiên Đế và Hoàng hậu, còn “Sajikdan” (Đàn Xã Tắc) là điện thờ Thần Thổ Địa và Thần Ngũ Cốc. 

Xưa, người Hàn Quốc quan niệm rằng: “Tông Miếu và Xã Tắc là cội nguồn và là căn bản của quốc gia. Vậy nên, Tông Miếu thường được đặt ở phía bên trái của cung thành và phía bên phải của cung thành sẽ là điện thờ thần Thổ địa và thần Ngũ cốc Xã Tắc”. Nhiều nghi thức được thực hiện trong mỗi dịp thờ cúng, trong đó có thể kể đến Jongmyo Jeryeak (âm nhạc tế lễ Tông miếu). 
 
Di sản văn hóa quan trọng nhất trong nền âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc đó là Jongmyo Jeryeak (âm nhạc tế lễ Tông miếu). 

Năm 1964, đăng ký là di sản văn hóa phi vật thể số 1 khi quy chế di sản văn hóa phi vật thể quan trọng vừa được ban hành. 

Năm 2001, Jongmyo Jeryeak (âm nhạc tế lễ Tông miếu) và Jerye Euisik (nghi lễ cúng tế) được Unesco chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. 

Nghi lễ cúng tế tại Tông Miếu là một sự kiện quan trọng của quốc gia, khi thực hiện nghi lễ này, có Vua thân lâm chủ lễ, hoàng thân quốc thích, bá quan văn võ, thần dân trăm họ cùng đến tham dự. 
 
Vào thời đầu của triều đại Joseon (Triều Tiên), nhạc Ahak của Trung Quốc đã từng được dùng làm âm nhạc của nghi lễ cúng tế. Nhưng rồi có một lần Thế Tông Đại vương, vua Sejong (Thế Tông ‘1397- 1450’ Vua Phật tử thuần thành sáng chế Quốc Ngữ) đã vời các quan đại thần trong triều tới và nói rằng : “Ahak là nhạc của người Trung Quốc, lúc sống người ta đã quen với dòng âm nhạc này rồi nên sử dụng khi cúng tế là phù hợp. Còn người Hàn Quốc chúng ta, khi sống chỉ nghe nhạc của ta mà khi chết lại tấu nhạc Ahak thì hỏi liệu có phù hợp hay không?”. Vừa nói, vua Sejong (Thế Tông Đại vương) vừa vẽ lên mặt đất bản nhạc cúng tế mà chúng ta được thưởng thức ngày nay. 

Vào thời kỳ đầu, âm nhạc Tế Lễ chỉ được tấu trong những dịp hỷ sự của triều đình. Nhưng từ đời Túc Nhân Hiếu Đại vương, vua Se Jo (Thế Tổ ‘1417 – 1468’) thì dòng âm nhạc này bắt đầu được sử dụng làm nhạc cúng tế Jongmyo Jeryeak (Nhạc Tế Lễ Tông Miếu) và được lưu truyền mãi cho đến ngày nay.

Jongmyo Jeryeak (âm nhạc tế lễ tông miếu) có 2 thể loại : 

Một là Botaepyong (Bảo Thái Bình)  ca ngợi công đức và học vấn.

Hai là Jeongdaeeob (Định Đại nghiệp) ca ngợi chiến công điều binh khiển tướng của chư vị Tiên đế. 

Cả thảy có 22 nhạc phẩm, mỗi thể loại có 11 bản. Thế nên Botaepyong (Bảo Thái Bình) thường được tấu ở đầu buổi tế lễ và kết thúc bằng Jeongdaeeob (Bảo Thái Bình). Nếu như Botaepyong (Bảo Thái Bình) tạo cảm giác an bình, thì Jeongdaeeob (Định Đại nghiệp) lại làm dấy lên không khí hành tiến bằng nhạc khí chiêng Jing và kèn Taepyongso (Thái Bình Tiêu).

Trong âm nhạc tế lễ, ngoài dòng Jongmyo Jeryeak (Tế Lễ Tông Miếu), còn có dòng Munmyo Jeryeak (Tế Lễ Văn Miếu) được tấu trong những dịp cúng tế tại điện thờ Munmyo (Văn Miếu) nơi thờ cúng bài vị của đức Thánh Khổng Tử và các môn đồ. Trong triều đại Joseon (Triều Tiên), Nho giáo và những lời giáo huấn của đức Thánh Khổng Tử rất được đề cao nên Munmyo Jehyang (Văn Miếu Tế Hương) cũng là một sự kiện vô cùng quan trọng. 
 
Munmyo Jeryeak (Âm nhạc Tế Lễ Văn Miếu) du nhập từ Trung Quốc vào Hàn Quốc trong thời Goryeo (Cao Ly). So với nhạc Jongmyo Jeryeak (Âm nhạc Tế Lễ Tông Miếu), thì lời và nhịp điệu của dòng nhạc này đơn giản hơn rất nhiều. Gần đây, Trung Quốc đang bỏ ra nhiều tiền của và công sức nhằm phục chế lại văn hóa truyền thống. Nhưng do không bảo tồn được cội rễ nghi thức và âm nhạc tế lễ của mình nên họ đang lĩnh hội lại từ Hàn Quốc văn hóa tế lễ này.

Vừa rồi chúng ta đã điểm qua một số nội dung về âm nhạc tế lễ cung đình. Người thường dân trong xã hội Hàn Quốc xưa kia có nhiều cơ hội tiếp cận hơn với các nghi thức Phật giáo, tiêu biểu nhất là nghi thức Yongsanjae (Linh Sơn Trai). Truyền thuyết tín ngưỡng Thân trung ấm của Phật giáo đã ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng vào những thời quá khứ Hàn Quốc. Trong nhân gian người ta tin rằng: “Người chết, sau khi trút hơi thở, thần hồn rời khỏi thể xác sẽ rơi vào hai trường hợp : 

1. Nếu người chết đó,  khi còn tại thế đã tạo nghiệp thiện thì sau khi trút hơi thở, thần hồn rời khỏi thể xác sẽ sinh lên Tam thiện đạo (Trời, Người, Thần). Và nếu người chết đó,  khi còn tại thế đã tạo nghiệp ác thì sau khi trút hơi thở, thần hồn rời khỏi thể xác sẽ đọa xuống Tam đồ ác đạo (Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh). 

2. Nếu người chết đó,  khi còn tại thế đối với nghiệp Thiện Ác lưỡng phân (vô ký) thì sau khi trút hơi thở, thần hồn rời khỏi thể xác sẽ rơi vào Trung ấm thân. Trạng thái Trung ấm thân tác động lực của nghiệp rất yếu nên phải có thời gian. Ước lệ của thời gian là 7 ngày sau khi chết là cơ hội quyết định nghiệp tái sinh, nếu tự khởi niệm Thiện, Ác, hay do tác động môi trường của thân nhân trên dương thế, hoặc tích cực hay tiêu cực cũng đều ảnh hưởng đến người chết. Tối đa là 7 cơ hội quyết định nghiệp (7x7=49). Do căn cứ vào Tín ngưỡng thân Trung ấm mà trở thành tục lệ nhân gian Cúng tuần Thất cho những người quá cố. . .”
 
Do Tín ngưỡng Thân trung ấm như trên và dựa vào Kinh Địa Tạng, người ta đã dựng lên những hình ảnh Thập điện Diêm vương bằng tranh ảnh và khái niệm linh hồn người chết sau 49 ngày sẽ được Diêm Vương xét xử, nên người ta mới làm cúng lễ Tuần thất 7 lần, 49 ngày cầu nguyện cho linh hồn người chết được siêu thoát luân hồi, vãng sinh Cực Lạc quốc. Trong Nghi thức Yongsanjae (Linh Sơn Trai) có lễ Cầu siêu Tuần thất 49 ngày cho những người quá cố.

Vậy trong khoảng thời gian sau khi người quá cố, hàng thân bằng quyến thuộc cần phải biết làm các việc thiện như : bố thí, phóng sinh, tạo tượng… nhằm trợ duyên cho vong linh được sinh về cảnh giới an lạc. Hay dùng Phật pháp để cứu độ thân trung ấm qua những Kim kinh Ngọc kệ của chư Tăng. Đó là triệu thỉnh thân Trung ấm đến nghe pháp, hóa giải oán kết, tiêu trừ phiền não, vãng sinh Tịnh độ. Nếu như thân bằng quyến thuộc còn mang lòng oán hận, làm các việc ác như giết trâu bò, heo,… để cúng tế vong linh hay với mục đích khoái khẩu cho bản thân như đãi đằng yến tiệc thì việc đó không giúp ích gì cho vong linh mà còn gieo thêm nghiệp lực vào họ nữa.

Thế nên các Phật sự như thiết trai cúng dường Tam bảo, tạo phước bố thí để cầu nguyện chư Phật gia hộ nhằm siêu độ vong linh trong bốn mươi chín ngày đã được truyền lại cho đến ngày nay, trở thành một hình thái đặc thù trong tín ngưỡng Phật giáo.

Theo quan niệm nhân gian, sống ở đời ai cũng tha thiết mong có được một tương lai tươi sáng. Nhưng những mong ước đó có trở thành hiện thực hay không và chúng ta có muốn né tránh đến mấy thì cái chết cũng luôn chờ đợi ở phía trước. Khi nhận thức và dám đối mặt với thực tế này, ta được coi là người hiểu biết về sự đời.

Cũng vì có sự kết thúc mà cuộc sống của con người trở nên có nghĩa hơn và từ xa xưa người ta đã thành tâm xem trọng các nghi thức dành cho người chết. Trong các nghi thức này không thể thiếu Âm nhạc. Có thể có người sẽ nghĩ rằng : “người chết mà lại còn nhạc với nhẽo”. 
 
 
Người châu Âu cũng có bản nhạc giành cho lễ cầu siêu mang tên Requiem: 

(Hợp xướng phức điệu)

Lạy Chúa, xin cho các linh hồn được yên nghỉ muôn đời và được hưởng ánh sáng nghìn thu.

(Đơn ca nữ cao)

Từ núi Sion, chúng con ca tụng Chúa
Trong đền Jerusalem phải dâng lễ vật tiến Chúa.

(Hợp xướng hòa điệu)

Xin nghe lời chúng con cầu,
Xin cho mọi người được về cùng Chúa.
Lạy Chúa, xin cho các linh hồn được yên nghỉ muôn đời
và được hưởng ánh sáng nghìn thu.

Còn người Hàn Quốc thì có điệu hò đưa tang Sangyeosori (Thưởng Âm thanh). 

Theo truyền thống lễ tang ở Hàn Quốc, dân làng khiêng kiệu đỡ quan tài và theo sau quan tài ra đồng, vừa đi họ vừa hát điệu hò đưa tang Sangyeosori (Thưởng Âm thanh).  Điệu hò đưa tang này là những lời cầu nguyện cho vong hồn người chết được siêu thoát và những ước nguyện mong được phù hộ của người sống. 

Xưa kia theo thường tục, con người được hạ sinh tại nhà và trút hơi thở cuối cùng cũng tại chính ngôi nhà của mình. Nhưng gần đây ở Hàn Quốc thì khi được sinh ra, lúc chết và đến đám tang cũng được tổ chức tại bệnh viện. Sau đó, người ta nhanh chóng quên đi người đã khuất và xem cái chết như không tồn tại trên cõi đời. Nên người sống thường ít có cơ hội để suy ngẫm về cái chết. 

Tuy nhiên,  người Hàn Quốc xưa đã có truyền thống cả làng cùng truyền nhau khiêng kiệu quan tài ra tới tận nơi chôn cất. Vừa đi họ vừa cùng nhau hát rằng:

Ngày xưa các cụ vẫn nói, ngoài cổng nhà là âm phủ
Thanh niên tuổi thanh xuân chớ có cười các cụ bạc đầu
Rồi chúng bay cũng đến lúc già
Mái đầu bạc không mời cũng đến
Phải chăng nên cầu nguyện sớm hôm

Hình ảnh đưa tang ở Hàn Quốc:

Được nghe các câu hát này từ nhỏ, lũ trẻ trong làng được nhận thức một cách tự nhiên về cái chết ở đời. Qua đám tang, giới thanh niên bắt đầu suy nghĩ rằng đến một lúc nào đó bản thân mình cũng sẽ già. Vậy thì từ nay trở đi mình sẽ phải sống ra sao. Câu ca làm cho cả người hát lẫn người nghe đều thấy thấm thía khó quên.

Cái chết là đau đớn, thê lương và mất mát nhưng đối với người sống thì cuộc sống vẫn đang tiếp diễn. Thế nên để an ủi tinh thần cho gia quyến người đã khuất, vùng đảo Jindo (Trân đảo) tỉnh Nam Jeolla (Toàn La Nam đạo) có một trò chơi hết sức độc đáo trong nghi thức tang lễ có tên gọi là Dasiraegi. Dasiraegi là trò chơi hát và diễn hài kịch vào đêm trước ngày đưa quan tài đi chôn. 

Tất cả gia quyến và những người đến dự đám tang tập trung trong sân, họ cùng bắt đầu với khúc hát Yukjabaegi, rồi hát nối tất cả các khúc hát có giai điệu nhanh, vui vẻ như Sanaji Taryeong, Dungdeongae Taryeong.... Sau đó anh hề Gwangdae sẽ xuất hiện với các vở hài kịch nơi thôn quê làm cho ai nấy đều cười như nắc nẻ. Rồi họ cùng khiêng chiếc quan tài rỗng đi một vòng quanh sân nhà bắt chước như lúc đưa đám ra đồng. Trò chơi này cũng là một hình thức tập luyện và chuẩn bị tinh thần cho gia quyến. Trong lúc tang gia bối rối, chỉ riêng việc được mọi người cùng chia sẻ đỡ đần như vậy cũng đã là một nguồn động viên vô cùng lớn lao đối với gia đình có người chết.

*Điệu hò đưa tang Sangyeosori của tỉnh Gyeonggi (Kinh Kỳ đạo) / Hội bảo tồn âm nhạc truyền thống thành phố Goyang (Cao Dương).

* Trích đoạn “Bà vợ họ Gwak của nhà ông Sim đi đưa đám” trong trường ca hát kể chuyện Pansori “Người con gái hiếu thảo Simcheong” (Simcheongga) / Seong Wu-hyang.

* Khúc hát Dasiraegi của vùng huyện Jindo (Trân Đảo), tỉnh Nam Jeolla (Toàn La Nam đạo) / Kang Jun-seop, Kim Kwi-bong

Từ thời Silla (Tân La) nghi thức này được tổ chức quy mô long trọng trên nền âm nhạc Beompae (Phạm bái) và vũ đạo Seungnyo. 

Năm 2009, nghi lễ Yongsanjae (Linh Sơn Trai-Nhạc lễ Phật giáo), được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. 

Lời của nhạc phẩm Beompae (Phạm bái) sử dụng chữ Ấn Độ cổ hoặc chữ Hán nên nghe rất khó hiểu. Đến khi nghi lễ cúng gần kết thúc, sẽ có một bài hát bằng tiếng Hàn Quốc mang nội dung cầu nguyện cho chúng sinh trong thiên hạ. Bài hát này có tên gọi là Hwacheong (Hòa thỉnh). 

Gần đây nhiều người chỉ tuân thủ nghi lễ truyền thống dưới dạng hình thức mà không hiểu được rằng nghi thức này là hành động biểu hiện tâm linh của con người. Bởi vậy, chẳng những nay mà xưa đã có, nên từ vương tướng đến thứ dân, ai ai cũng đều tuân phục mà chẳng dám sai. Tuy nhiên; Hiếu là thể, tâm vậy, lý vậy; Hiếu là dụng, sự vậy, tướng vậy! Nếu không sự tướng; Tâm lý nào tường. Cho nên khi lễ nhạc suy đồi, con người bị chê trách là chỉ biết mặc áo ăn cơm, không biết lễ giáo.

Gìn giữ và bảo tồn âm nhạc thời xưa chính là sự thể hiện lòng tôn kính, lễ nghĩa với tổ tông ông bà. 

▶ Nhạc phẩm Botaepyong (Bảo Thái Bình)/ đoàn chính nhạc Trung tâm biểu diễn âm nhạc truyền thống quốc gia Hàn Quốc.

▶ Nhạc phẩm Jeongdaeeob/ dàn chính nhạc Trung tâm biểu diễn âm nhạc truyền thống quốc gia Hàn Quốc. 

▶ Bài hát Chukwon Hwacheong/ Thiền sư Songam.

Sử Phật giáo Hàn Quốc ghi chép về nhạc lễ Phật giáo thì truyền thống Beompae (Phạm bái-梵 唄) nguồn gốc từ Ấn Độ, được Quốc sư Jin-gam (Chân Giám Quốc sư-774-850 - thời Silla thống nhất) Ngài du học từ nhà Đường Trung Quốc, rồi mang về truyền bá tại chùa Ssanggyesa (Song Khê tự) Hàn Quốc.

Vào cuối triều đại Joseon (Triều Tiên), trong một bài ca của học giả Hong Tae-yu mang tên Tức cảnh ngày xuân đã hát :

Đau ốm bệnh tật tuy nghèo thế
Xuân về Tết đến lòng hân hoan
Bà con lối xóm chung chén rượu
Cưỡi ngựa hát ca mặc sự đời.

Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc tộc Hàn Quốc hơn mười bảy thế kỷ, trải bao thăng trầm cùng sự hưng thịnh suy vong của đất nước. Phật giáo đã tác động ảnh hưởng đến đời sống thực tế hằng ngày của người dân bản địa. 

Hằng năm cứ đến ngày mồng một Tết Nguyên Đán cũng là ngày lễ vía đức Phật Di Lặc, sáng sớm người người đều trang phục chỉnh tề cùng nhau mang lễ phẩm đến các Tự viện dâng hương hoa lên cúng dường chư Phật Bồ tát,  chắp tay thầm khấn nguyện cho gia đình được an vui, phát đạt và nguyện cầu thọ cho cha mẹ ông bà bách niên giai lão; cầu siêu cho những thân nhân quá cố vãng sinh Cực Lạc; cầu nguyện cho thế giới hòa bình, đất nước bình yên, trăm họ ấm no hạnh phúc . . . Rồi thỉnh lộc từ chùa về chia cho bà con chòm xóm. Tại gia thì nhà nhà đều dọn tiệc bày mâm cổ dâng lên cúng Cửu huyền Thất tổ lịch đại tiên linh, thành kính tưởng niệm gia tiên và cầu nguyện liệt vị siêu sinh về cõi Phật và phù hộ độ trì cho con cháu luôn an lành hạnh phúc.

Trong nhạc phẩm Hapjangge (Chắp tay khấn nguyện) có đoạn:

Đôi bàn tay tựa cánh sen ấp ủ
Khói hương vàng tỏa ngát tấm lòng thành
Trong sâu thẳm lòng người hướng Phật

Nhạc phẩm Hapjangge (Chắp tay khấn nguyện) là một trong các bài nhạc Phật giáo truyền thống dòng Beompae (Phạm bái). Beompae (Phạm bái) là những bài tán âm điệu ngân nga, hòa âm phối khí nhạc lễ tán thán ca ngợi chư Phật Bồ tát hiền thánh tăng. Beompae (Phạm bái) thường được sử dụng trong những dịp lễ quan trọng như Tế lễ Yeongsanjae (Linh Sơn Trai) cầu siêu bạt độ hay Tế lễ Wuranbunjae (Vu Lan Bồn Trai). . .

Theo Sử Phật giáo Hàn Quốc thì truyền thống Beompae (Phạm bái) nguồn gốc từ Ấn Độ, được Quốc sư Jin-gam (Chân Giám Quốc sư) mang về truyền bá tại chùa Ssanggyesa (Song Khê tự), Hàn Quốc. Dòng Tế lễ Yeongsanjae (Linh Sơn Trai) của dòng nhạc Beompae (Phạm bái) được bầu chọn là di sản văn hóa phi vật thể quan trọng số 50 của Hàn Quốc. Được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại thế giới vào năm 2009.

Chữ ‘beom’ trong từ ‘Beompae’ âm Hán là “phạm” mang ý chỉ ngôn ngữ cổ Ấn Độ, còn chữ ‘pae’, âm Hán là “bái”, có nghĩa là ‘tán thán ca ngợi’. 

Nhạc phật giáo truyền thống Beompae (Phạm bái) được hát bằng ngôn ngữ cổ của Ấn Độ hoặc Hán ngữ, nên dân thường nghe rất khó hiểu. Vì vậy, khi nghi lễ gần đến đoạn kết, các nhà sư thường hát cầu nguyện và chúc tụng bằng tiếng Hàn Quốc. Bài hát này được gọi là Hwacheong (Hòa Thỉnh). Mỗi câu chữ bài hát đều thấm đượm lời chỉ dạy của thánh hiền.

Linh Sơn Lễ nhạc Phật giáo (Linh Sơn Trai-Yeongsanjae) bắt đầu với một buổi nghi lễ, cảm ứng đến  tất cả chư hiền thánh linh, tinh thần của trời đất. Và để thể hiện sự cung kính, dùng kim Kinh ngọc Kệ, hòa âm phối khí ca ngâm, bạch vịnh, tán thán ca ngợi chư Phật, Bồ tát, Hiền Thánh Tăng với các điệu múa nghi lễ khác nhau như múa chập chả, múa trống, múa khăn, và áo mão lễ nghi. Các thành phần nghi lễ khác bao gồm : nghi lễ Sái tịnh Tẩy uế, nghi lễ dâng Trà, cúng dường gạo cho Đức Phật và Bồ tát, Pháp hội giảng các Kinh Đại thừa và nghi lễ cúng thí cho người quá cố, Khai thị cho họ được chuyển hóa nghiệp thức, vãng sinh Cực Lạc Quốc. . .

Thiền phái Thái Cổ (Taegojong) Phật giáo Hàn Quốc, có trụ sở tại Thành phố Seoul, hội Linh Sơn Lễ nhạc Phật giáo (Linh Sơn Trai-Yeongsanjae) được tổ chức khắp các Tự viện Phật giáo Hàn Quốc,  để đưa tất cả chúng sinh vào thế giới an lạc hạnh phúc, qua nghệ thuật Linh Sơn Lễ nhạc Phật giáo (Linh Sơn Trai-Yeongsanjae). Lễ hội phục vụ như một không gian quan trọng để truyền đạt các giá trị Tâm linh qua hình thức nghệ thuật và giúp tăng năng lực Thiền định, phát huy Tuệ giác.

Linh Sơn Lễ nhạc Phật giáo (Linh Sơn Trai-Yeongsanjae), bao gồm các loại hình nghi lễ và khiêu vũ, là tái hiện lịch sử của Phật thuyết Kinh Pháp Hoa (Saddharma Pundarica-Sutra) tại Linh Thứu Sơn, Ấn Độ. 

Hiện nay, thông qua các nghi lễ được xem như Tài sản văn hóa phi vật thể quan trọng, những người tham gia trong nghi thức truyền thống, cầu nguyện cho đất nước Nam và Bắc Triều Tiên thống nhất, và hoà bình trên thế giới. Khán giả được một cơ hội duy nhất để trải nghiệm nhiều khía cạnh của thực tế của văn hóa Phật giáo Hàn Quốc.

Thiền sư Songam là người có công lớn trong việc bảo tồn và truyền bá dòng âm nhạc truyền thống này qua thời kỳ Nhật thuộc tại Hàn Quốc. Phụ thân của Ngài là người xuất gia nhưng sau đó hoàn tục. Vốn xuất thân từ chốn Thiền môn nên từ nhỏ, Ngài đã quen thuộc với dòng âm nhạc Phật giáo Beompae tại chùa Phụng Nguyên Cổ Tự (Bongwon-sa), 999-200 San 1, Phường Phụng Nguyên Động (Bongwon-dong), Quận Tây Đại Môn (Seodaemun-gu), Thành phố Seoul.

Thiền sư Songam sớm có nhân duyên vào cửa Phật, xuất gia từ thuở ấu thơ. Sẵn có dòng máu say mê âm nhạc Phật giáo, lại thông minh và được sự quý mến của chư Tôn thiền đức, nên đến đâu cũng được tiền bối truyền dạy nghi lễ nhạc Phật giáo. Và Ngài bắt đầu học nhạc Beompae bằng lối truyền miệng. 

Thông thường, để thuộc được 1 bài trong lối hát này dễ phải mất đến vài tháng trời. Nhưng nhờ có trí nhớ đặc biệt và tài nghệ bẩm sinh, chỉ 2 năm sau khi theo học, thiền sư Songam đã nổi tiếng khắp trong nước. Tháng 11/1973, thiền sư Songam và Thiền sư Byeok-eung đã được bầu chọn là những vị sở hữu nghệ thuật biểu diễn Tế lễ Yeongsan di sản văn hóa phi vật thể quan trọng của Hàn Quốc. 

Sau này, thiền sư Songam đã tự mua sắm trang thiết bị, ghi âm và lưu lại toàn bộ các bài hát của dòng nhạc Phật giáo truyền thống Beompae (Phạm bái). Thiền sư Songam còn thành lập hội bảo tồn âm nhạc Tế lễ Yeongsan (Linh Sơn Trai-Yeongsanjae) tại chùa Phụng Nguyên Cổ Tự (Bongwon-sa), sáng lập Trường đại học âm nhạc phật giáo Beomeum (Phạm Âm), tạo nền tảng cho Tăng ni cư sĩ Phật tử theo học dòng nhạc phật giáo truyền thống Beompae (Phạm bái) một cách có hệ thống. 

Baeompae (Phạm bái-梵 唄) không đơn thuần là âm nhạc tôn giáo, nó có ảnh hưởng khá lớn tới các nền văn hóa âm nhạc của xã hội như âm nhạc Gagok (ca khúc) của dòng nhạc phong lưu hay các bài ca được giới lão thành yêu thích như Hoesimgok (Hối Tâm Khúc), Boryeom (Báo Niệm). 

Nhạc lễ cũng được hòa âm phối khí để phục vụ cho các nghi lễ ở Hàn Quốc, những giai đoạn mà mỗi người phải trải qua trong cuộc đời, đánh dấu những thay đổi cơ bản thường được gọi chung là “Gwanhongsangje” (Quan-Hôn-Tang-Tế), bao gồm lễ trưởng thành, lễ thành hôn, tang lễ, và tế lễ tổ tiên.

Lễ trưởng thành thường rất đơn giản. Các chàng trai trưởng thành cuộn mái tóc dài thành búi trên đỉnh đầu và được tặng một chiếc mũ truyền thống của dân tộc Hàn Quốc làm từ đuôi ngựa. Các cô gái trưởng thành tết tóc thành hai bím và cài vào tóc đồ trang sức được gọi là binyeo.

Lễ thành hôn được tổ chức tại gia đình cô dâu và đôi tân hôn mới cưới thường nghỉ hai hay ba ngày tại gia đình cô dâu trước khi trở về nhà chú rể.
 
Tang lễ được cử hành theo nghi thức truyền thống Hàn Quốc rất cầu kỳ. Thời gian để tang kéo dài trong hai năm, sau hàng loạt các nghi lễ cầu khấn. Bên cạnh những nghi thức tang lễ cầu kỳ, người Hàn Quốc còn thực hiện nhiều nghi lễ thờ cúng khác liên quan giữa sự sống và cái chết. 
 
Thích Vân Phong
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Ám áp bên Thầy ngày Nhà giáo Việt Nam

Văn hóa 16:57 20/11/2018

Sáng ngày 20/11/2018 (14/10/Mậu Tuất), phật tử đạo tràng BQT chùa Đức Hòa và Thiên Bửu đã vân tập về Tổ đình Thiên Bửu (thôn Bình Thành, xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa) để chúc mừng Hòa thượng viện chủ nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.

Phật

Văn hóa 12:28 14/11/2018

Phật ngồi trên sườn núi,/Nhìn xuống đường bụi mù,/Phật đang nghĩ gì thế nhỉ!/Thương con người ngược xuôi?

Tọa đàm về tác giả bài thơ bất hủ “Em đi chùa Hương”

Văn hóa 12:18 14/11/2018

Sáng ngày 9/11/2018, Nhà xuất bản Phụ nữ và Khoa Viết văn – Báo chí, trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức tọa đàm “Đọc lại Nguyễn Nhược Pháp” về sự nghiệp văn chương, nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày mất của nhà thơ tài hoa bạc mệnh.

An lành

Văn hóa 10:12 13/11/2018

Xin cầu thấu rõ chân diệu pháp/Hiện tượng vạn vật luôn biến đổi/Muôn sự hết thảy nương nhau thành/Để tâm tịch lặng an lành nhất/An lành như thế thật an lành!

Xem thêm