Đại đức Thích Nguyên Quang: “Tự nghiệm, tôi thấy mình có ‘nghiệp’ thiện nguyện”
Đại đức Thích Nguyên Quang, trụ xứ chùa Đông Yên, xã Quỳnh Thuận, H.Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã có nhiều việc làm thiết thực nhằm cứu giúp những cảnh đời nghèo khó.
Đại đức đã nhận đươc nhiều giấy khen và bằng khen của các cơ quan, ban, ngành tỉnh Nghệ An, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Đồng Tháp, Q.Phú Nhuận (TP. HCM)… vì tích cực trong hoạt động thiện nguyện.
Trong những ngày nắng nóng, hạn mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến miền Tây, thầy dành cuộc trò chuyện với Phatgiao.org.vn. Tấm lòng và việc làm của cá nhân thầy cùng nhóm từ thiện do thầy sáng lập cho chúng tôi cảm nhận sự mát lành đầu tuần, như được tưới tắm năng lượng an lành, yêu thương…
“Nghiệp” thiện nguyện
* Thầy là trưởng nhóm Phật từ từ thiện Nguyên Quang. Cơ duyên thành lập nhóm từ thiện của thầy?
- Đại đức Thích Nguyên Quang: Giá trị nhân văn của Phật giáo là hướng về con người, lấy con người làm trung tâm. Các lĩnh vực hoạt động xã hội đều hướng tới các giá trị vì con người, giúp con người vượt qua khó khăn về vật chất, làm chỗ dựa về tinh thần. Qua đó mong muốn xây dựng một xã hội an lạc, toàn thiện và hạnh phúc.
Trên lẽ đó, năm 1993, bản thân tôi và gia đình đã thường xuyên tổ chức trao quà cho các hộ nghèo. Lúc đầu chỉ là quy mô nhỏ trong gia đình làm thiện nguyện, sau này tôi muốn giúp đỡ nhiều hoàn cảnh nên quyết định tìm kiếm những người cùng tâm nguyện làm việc thiện để cùng nhau mang tình thương đến với những người gặp hoàn cảnh khó khăn.
Nhóm từ thiện cũng được thành lập từ đó - năm 1993 - ban đầu chỉ có anh em trong gia đình và những người bạn thân.
Sau một thời gian hoạt động, đến nay nhóm đã có hơn 50 thành viên đến từ các tỉnh trong cả nước. Chúng tôi đến với nhau bằng niềm tin của người con Phật trên tinh thần tự nguyện của những người có tấm lòng nhân ái, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Sau này, trên con đường tu học và xuất gia, nghiệm thấy phải chăng đây là cái nghiệp của đời mình.
* Như vậy nhóm Phật tử từ thiện Nguyên Quang đã thành lập hơn 30 năm. Nhìn lại hoạt động mà nhóm đã đạt được thầy ấn tượng chương trình nào?
- Với tinh thần “Lấy từ bi làm lẽ sống, lấy trí tuệ làm sự nghiệp” nhóm Phật tử từ thiện Nguyên Quang đã phát huy được hết tinh thần trách nhiệm và đã gieo duyên đến bà con có hoàn cảnh nghèo khó trên các vùng miền tại Việt Nam, đồng thời mở rộng ra các nước lân cận như Lào, Campuchia.
Suốt 30 năm qua, bình quân, mỗi năm chúng tôi xây dựng từ 10-15 ngôi nhà nhân ái, mỗi căn nhà từ 30-50 triệu đồng; trao hàng ngàn suất quà cho hộ nghèo, học sinh nghèo hiếu học, gia đình chính sách; hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất trường học, trao xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật, bát cháo tình thương; chương trình khám và cấp phát thuốc miễn phí, hỗ trợ mô hình sinh kế cho phụ nữ nghèo…
Hiện nay tôi và nhóm đang nhận đỡ đầu 20 em học sinh đang học ở cấp học THCS cho đến khi các em 18 tuổi; nhận phụng dưỡng 6 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và thân nhân liệt sĩ.
Theo đó, mỗi năm nhóm chi khoảng gần 1 tỷ đồng cho các chương trình từ thiện.
* Có thể nói, hành trình từ thiện của nhóm trong thời gian qua với số tiền không nhỏ. Đại đức vận động như thế nào?
- Với những đóng góp thiết thực cho cộng đồng nên nhóm đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều nhà hảo tâm và chính quyền địa phương.
Nhóm của chúng tôi có nhiều thành viên, việc quyên góp, huy động tiền, vật chất để làm từ thiện cũng rất thuận lợi, từ nguồn hỉ tâm của cá nhân, hiến tặng bằng tiền, vật phẩm... của các doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước. Tất cả đều nhằm mục đích cứu trợ nhân đạo, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe, trợ giúp tinh thần, an ủi người gặp nạn...
Đối tượng mà nhóm hướng tới là những người yếu thế trong xã hội (hộ nghèo, người già neo đơn, trẻ em nghèo…). Chúng tôi thông qua chính quyền địa phương để lựa chọn, xác định chính xác những trường hợp đủ “tiêu chuẩn” để hỗ trợ.
Từ thiện - đem đạo vào đời
* Theo thầy, hoạt động từ thiện có phải là hoạt động mang tính “nhập thế”, “dấn thân” của Phật giáo, là hạnh cứu khổ của người xuất gia?
- Từ thiện là làm những việc lành nhằm gieo trồng những phước đức cho hiện tại và tương lai, vì lòng từ bi và để thực hành hạnh xả ly.
Tất cả các thành viên của chúng tôi là người có lòng nhân ái, sẵn lòng giúp đỡ người khác.
Tính tử tế thể hiện qua hành động giúp đỡ, chia sẻ và sẵn sàng hy sinh cho lợi ích của cộng đồng.
Trong một xã hội với nhiều người tử tế, mọi người cảm thấy hạnh phúc, gắn kết, và tôn trọng lẫn nhau.
Nhóm chúng tôi đa sắc tộc đa tôn giáo nên chúng tôi chỉ hướng đến chân-thiện-mỹ, lòng nhân ái, “lá lành đùm lá rách” - thể hiện bản chất của người tử tế. Tôi nghĩ, đã là người con Phật, tham gia từ thiện chính là phương cách thực hành hạnh bố thí. Cá nhân tôi là người xuất gia thì coi đây là hành động thiết thực nhập thế đem đạo Phật vào đời thực tại.
* Đại đức bố trí thời gian quản lý, điều hành nhóm từ thiện, tham gia các chương trình từ thiện và tu học như thế nào?
- Đối với tôi, “giờ nào việc đó”. Theo đó, thời khóa tu tập tại chùa là chủ yếu; còn công việc Phật sự chúng tôi có kế hoạch năm, kế hoạch quý, kế hoạch tháng. Nhưng công việc làm phước thiện thì luôn phát sinh thêm, không dừng ở kế hoạch. Các chương trình từ thiện chúng tôi thường tổ chức vào cuối tuần để anh chị em đang đi làm việc tại các cơ quan nhà nước, công ty, xí nghiệp có thể tham gia được.
Đối với tôi, việc tham gia từ thiện, đến với những nơi, những người cần sự giúp đỡ chính là phương cách hành hạnh bố thí. Tôi xem từ thiện cũng là kênh hoằng pháp và thực hành Phật pháp theo đúng lời Phật dạy.
Ngoài thời gian đi từ thiện, chùa tôi có những khóa tu học riêng hàng tháng, dành cho Phật tử và anh chị em có lòng mến đạo Phật tham gia. Tôi thường kết hợp khóa tu để thuyết pháp, trao quà từ thiện - chuyên tâm làm phước và cuối buổi hồi hướng.
Làm từ thiện thiết thực nhất, hãy tùy duyên
* Người ta nói của cho không bằng cách cho, của nhận cũng không bằng cách nhận, Vậy theo Đại đức làm từ thiện như thế nào cho thiết thực?
- Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, chúng sanh mỗi người một nghiệp khác nhau, không ai giống ai, trong đó có chúng tôi.
Thực tế, chuyện gì cũng có 2 mặt - thuận và nghịch - nhiều khi cũng làm mệt mỏi, chán nản lòng người nhưng chúng tôi xác định, sinh ra là để phụng sự. Chúng tôi luôn dựa vào giáo lý “tùy duyên” của đạo Phật để giải quyết hoan hỷ an lạc trong mọi tình huống.
Cho và nhận là một việc không hề đơn thuần, bao hàm nét văn hóa, sự chân thành và tế nhị của người cho, người nhận.
Cho làm sao mà người nhận không hề cảm thấy mình đang được thương hại. Người nhận sẽ vui biết bao khi nhận được thứ mình cần, khi cảm thấy mình rất được tôn trọng, mình đang được chia sẻ niềm vui, hạnh phúc. Bởi vậy, trước khi tổ chức chương trình từ thiện, điều đầu tiên, tôi trao đổi với các thành viên trong nhóm, rằng trong lúc trao quà cần tế nhị và quan tâm đến đối tượng - để họ cảm nhận được sự yêu thương, ấm áp từ mình.
Nhóm Phật tử từ thiện Nguyên Quang làm từ thiện không hỗ trợ dàn trải hay chạy theo “xu hướng”. Chúng tôi xác định đúng đối tượng, đúng thời điểm và hình thức trợ giúp phù hợp và có hiệu quả rõ ràng. Tôi nhất quán tư tưởng: cho đúng cách và có lý trí, để không biến những người cần sự trợ giúp thành gánh nặng của chính họ và của xã hội.
Từ thiện là "nhu cầu" sâu xa của mỗi người
* Có nhiều ý kiến cho rằng an sinh xã hội phải là công việc của nhà nước, của chính quyền địa phương, người dân không thể làm thay?
- Đại đức Thích Nguyên Quang: Thực tế, phải hiểu rằng đất nước ta còn nhiều khó khăn nên việc chăm sóc cộng đồng, an sinh xã hội là việc ai cũng nên mở rộng tấm lòng theo truyền thống “lá lành đùm lá rách” - cùng với nhà nước sẻ chia, giúp đỡ đồng bào nghèo - để họ ấm áp hơn, có thêm cơ hội để thoát nghèo, vượt khó. Thêm một người thoát nghèo xã hội thêm bình an, trong đó có bình an của chính chúng ta và gia đình mình.
Theo tôi biết, ở các nước tiên tiến, trong công tác an sinh, người dân cũng rất nhiệt tình tham gia ủng hộ - thông qua các tổ chức phi chính phủ, hội đoàn, các tôn giáo... mặc dù người nghèo ở họ đã được nhà nước cơ bản quan tâm.
Đâu đó, có thể thấy, từ thiện cũng là một “nhu cầu” sâu xa, mang tên lòng trắc ẩn, hiện diện trong mỗi người, không cần bạn ở phương Đông hay Tây, Việt Nam hay người nước ngoài.
* Đại đức trăn trở điều gì nhất hiện nay?
- Tôi luôn cầu nguyện cho mình đủ nhân duyên để được phụng sự, sẻ chia, giúp đỡ đồng bào nghèo, những mảnh đời bất hạnh cho đến ngày Phật rước đi.
Tôi luôn tâm niệm “Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”. Trong thời gian tới, nhóm từ thiện Phật tử Nguyên Quang sẽ tiếp tục kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ nhiều chương trình từ thiện tại các địa phương trong cả nước.
Kế hoạch, trong năm 2024, nhóm sẽ hỗ trợ xây mới 10 ngôi nhà, trao 500-600 phần quà cho hộ nghèo, học sinh, hội viên hội người mù, đỡ đầu các em học sinh mồ côi, tổ chức chương trình “Hơi ấm vùng cao” tại Nghệ An.
Ngoài ra, hàng tháng nhà chùa và nhóm từ thiện tổ chức chương trình “Bát cháo tình thương” tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An)…
* Theo thầy, khi tổ chức các chương trình thiện nguyện, làm sao để đạt kết quả cao nhất?
- Trên cương vị trưởng nhóm, tôi thấy cá nhân mình phải sống tốt, chân thành, tôn trọng, việc thu, chi luôn được ghi chép, thống kê đầy đủ, công khai, minh bạch, rõ ràng. Đặc biệt, các thành viên trong nhóm phải đoàn kết. Từ đó cảm hóa được đạo hữu Phật tử có chung tầng sóng từ bi, cùng nhau xây dựng kế hoạch và thực hiện kế hoạch từ thiện.
Khi phụng sự cũng phải rải tâm từ bi hoan hỷ thì thiện nguyện nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua và Phật sự nào cũng viên mãn.
* Xin cảm ơn Đại đức!
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Jun Phạm: "Tôi thích truyện tranh và đọc về Phật giáo"
Phỏng vấn 11:25 17/12/2024Đối với ca sĩ Jun Phạm, các cuốn sách như những người bạn đã đồng hành cùng anh từ khi còn là cậu bé đến khi trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng.
Á hậu Hạnh Nguyên chuyển hóa nội tâm nhờ sách về Phật pháp
Phỏng vấn 09:37 12/12/2024Á hậu Hạnh Nguyên chia sẻ về hành trình ăn chay đến tìm hiểu Phật pháp, thói quen đọc 5-20 trang sách mỗi ngày, cùng những tác động từ sách Phật pháp đến tư duy, cách sống và công việc.
Đỗ Thành Tín: “Âm thanh có khả năng giúp kết nối, hồi sinh…”
Phỏng vấn 11:39 11/12/2024Đỗ Thành Tín, chuyên gia chuông xoay, nghệ sĩ và là người tổ chức liveshow “Thanh âm mùa tái sinh” diễn ra vào lúc 12h ngày 12/12 sắp tới tại TP.HCM…
Trò chuyện với một người trẻ tập "thiền động", yêu cây
Phỏng vấn 15:56 07/12/2024Ở Đà Nẵng, có một bạn trẻ vô cùng yêu cây, mơ góp sức mình cho màu xanh đất mẹ - vị Bồ-tát từ bi nuôi dưỡng vạn loài. Đó là nhiếp ảnh gia 9x Đặng Công Lợi. Anh là chủ nhân của Fanpage “Thành phố màu xanh” và một kênh Vlog lan tỏa lối sống xanh.
Xem thêm