Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 08/06/2016, 09:32 AM

Đơn sơ, lặng lẽ, rỗng rang, gương sáng…(Phần cuối)

Nếu có ai chất vấn bạn  rằng cõi cực lạc không có thực… có lẽ, nên trả lời thế này: “Ngày hôm qua, bạn đứng ở góc rừng này, mưa ào ạt và gió tung bay tứ phương, cây nghiêng đổ lá, lạnh buốt người… Bây giờ cảnh đó ở đâu?”

Ảnh minh họa (Nguồn Internet
Nếu người kia nói rằng cảnh hôm qua có thực và hôm nay không còn nữa vì là vô thường hay vì bất cứ lý do gì… bạn hãy tin rằng nói như thế là sai ý đức Phật rồi. Trong bài đức Phật dạy pháp thấy tánh ở link (1) đã nói về tính bất nhị của cảnh và tâm (để dễ nhớ: của tiếng chim kêu và tâm)… Không phải là không có cảnh, nhưng không thể gọi có cái gì là có.


Tất cả những cảnh mưa gió ào ạt nơi góc rừng không lìa tâm mà có, và thực sự ngay lúc đó (như Kinh Bahiya nói, hay như Kinh Tất Cả và Kinh Thế Giới nói) cảnh đó chỉ là những cái được nghe, những cái được thấy, những cái được cảm thọ, những cái được thức tri… Không phải thực có, không phải thực không… chỉ là hiện lên trong tâm rỗng rang gương sáng thôi.

Cảnh nơi góc rừng đó dù hôm qua hay hôm nay vốn đã xa lìa ngôn thuyết, sao lại thắc mắc gì chuyện cõi Phật A Di Đà có thực hay chỉ là hư ảo?

Thêm nữa, người tu tịnh độ phải giữ giới nghiêm trì, niệm niệm tỉnh giác nhận ra âm vang hiện rồi biến trong tâm, tất nhiên sẽ thấy không nơi nào vọng niệm khởi lên được. Đó là thành tựu rồi, vì xa lìa tham, xa lìa sân tức nhiên (theo Tạng Pali) là tự thân đã vào cõi tịnh độ rồi.

Tu học tới mức tâm bất thiện biến mất là tuyệt vời. Câu niệm Phật như thế sẽ làm thành tựu các pháp.

Trong Kinh Pháp Cú ở Kệ 25, đức Phật nói rằng: “Nhờ tinh tấn, chánh niệm, nghiêm minh trì giới, người trí sẽ trở thành một hải đảo, nơi không trận lụt nào gây hại được.” (5)

Bản ghi chú của Piya Tan nói rằng “trở thành hải đảo” là nhóm chữ chỉ cho “đắc thánh quả A La Hán” vì người đó đã thoát được sóng gió bão tố của cõi luân hồi (tức, không còn tái sanh nữa).

Kệ 25 Pháp Cú kể về Ngài Culapanthaka, em của Ngài Mahapanthaka. Người anh đã xuất gia, trở  thành A La Hán. Người em theo anh, xuất gia làm tỳ kheo. Tuy nhiên vì nghiệp xa xưa, thời Đức Phật Ca Diếp, Ngài Culapanthaka cười, giễu một nhà sư rất khù khờ chậm chạp, nên kiếp này Culapanthaka trở thành một vị sư rất khù khờ chậm chạp. 

Trong vòng bốn tháng, Ngài Culaphanthaka không nhớ nổi một câu kệ. Ông anh Mahapanthaka thất vọng với em mình, và nói với em rằng em không xứng đáng ở trong tăng đoàn.

Lúc đó, Cư sĩ Jivaka tới tự viện, cung thỉnh Đức Phật và các sư nơi này tới nhà dự trai tăng. Ngài Mahapanthaka giữ nhiệm vụ lập danh sách các sư dự trai tăng, bèn gạch tên em mình. Ngài Culapanthaka thấy bị anh gạch tên khỏi các sư theo Đức Phật dự trai tăng, rất là phiền não, mới quyết định sẽ về lại đời thế tục. Đức Phật biết ý định đó, mới gặp nhà sư trẻ Culapanthaka, cho ngồi phía trước hội trường Gandhakuti. Đức Phật trao một miếng vải sạch cho Ngài Culapanthaka và bảo ngồi đó, hướng mặt về hướng Đông, và chà miếng vải lau bụi. Cùng lúc, nhà sư trẻ này phải lập lại chữ "Rajoharanam", nghĩa là "taking on impurity" (lau bất tịnh). Rồi Đức Phật đi tới nhà Jivaka cùng với các sư dự trai tăng.

Trong khi đó, Ngài Culapanthaka cứ tiếp tục chà vào miếng vải, liên tục đọc thì thầm chữ "Rajoharanam". Thế rồi, miếng vải dính bụi đất. Thấy miếng vải biến đổi, Culapanthaka trực nhận tánh vô thường của tất cả các pháp hữu vi. Từ nhà của Cư sĩ Jivaka, Đức Phật biết qua thần thông về bước tiến của Culapanthaka, mới phóng quang để hiện thân Đức Phật ngồi trước mặt nhà sư Culapanthaka, và nói:

“Không phải miếng vải riêng bị bụi đất làm dơ; chính trong chúng sanh cũng có bụi tham, bụi sân, bụi si, tức là không thấu hiểu Tứ Diệu Đế. Khi xóa các bụi này, mới hoàn tất, và thành bậc A La Hán.”

Ngài Culapanthaka nhận được lời dạy của Đức Phật, tiếp tục thiền định, trong thời gian ngắn đắc quả A La Hán cùng với Tuệ Phân Tích (Analytical Insight). Như thế, Culapanthaka không còn là kẻ khù khờ chậm chạp nữa.

Tại ngôi nhà của Jivaka, khi người ta sắp rót nước uống để cúng dường, nhưng Đức Phật lấy bàn tay che bình bát lại, và hỏi là có vị sư nào còn ở tu viện chăng. Khi được trả lời là không còn ai, Đức Phật mới nói là còn một nhà sư, và yêu cầu phải cho người tới cung thỉnh Culapanthaka. Khi người triệu thỉnh từ nhà Jivaka tới tự viện, thấy là không chỉ một nhà sư, nhưng là 1,000 nhà sư y hệt nhau. Tất cả đều tạo ra bởi Culapanthaka, người đã chứng được thần thông. 

Người triệu thỉnh kinh hoảng, quay lại, báo cáo cho Jivaka. Người này được lệnh tới tự viện lần nữa, và được dạy là phải nói rằng Đức Phật gửi lời gọi nhà sư có tên Culapanthaka. Khi người này tới nói như thế, một ngàn tiếng nói vang lên, "Tôi là Culapanthaka." Một lần nữa, kinh hoảng, người này quay lại lần thứ nhì. Rồi lại được dạy phải tới lại tự viện, lần thứ ba. Lần này, người này được dạy là phải nắm lấy nhà sư nào nói đầu tiên rằng sư là Culapanthaka. Ngay khi nắm nhà sư đó, tất cả các sư còn lại biến mất. Và Culapanthaka đi với người triệu thỉnh tới nhà của Jivaka. Sau bữa ăn, theo chỉ thị từ Đức Phật, Culapanthaka nói lên một thời pháp tự tin và can đảm, y như tiếng gầm của một con sư tử trẻ.

Về sau, khi đề tài về Culapanthaka khởi lên giữa các sư, Đức Phật nói rằng những ai tinh tấn tu học, chắc chắn sẽ thành quả A La Hán. Và rồi, Đức Phật nói Kệ 25.

Tuyệt vời, tâm trí chậm chạp và chỉ nhớ lời Đức Phật chỉ có hai chữ “lau bụi” là giây lâu sau đã xa lìa mọi trói buộc muôn kiếp ngàn đời. Thứ nhất, Pháp Cú Kệ 25 cho chúng ta tin sâu vào nhân quả, thấy những nghiệp đời trước buộc mình; do vậy cần phải sám hối. Thứ nhì là kiên tâm, chỉ đơn giản lau bụi và thấy tấm vải từ sạch biến ra dơ là ngộ vô thường. 

Đây là kinh nghiệm, không phải lý luận. Trực nhận vô thường sẽ làm chúng ta ngây ngất, từ đó về sau sẽ không còn như những ngày hôm qua nữa. Từ đó về sau, bất kỳ niệm tham, niệm sân nào chợt nổi lên, cũng thấy ngay đó là từ gương tâm rỗng sáng hiện ra và lập tức các niệm biến đi vào rỗng rang vô tứơng. Đó là pháp thấy tánh của Thiền Tông, nhận ra tất cả các pháp đều từ biển tánh hiện ra và rồi sóng tham và sân sẽ tan lập tức trở lại biển.

* *

Một số người ngộ nhận rằng Thiền Tông là do người Trung Quốc chế tạo ra, rằng Đức Phật không dạy như thế. Trong link (1), chúng ta đã chứng minh rằng Thiền Tông thực ra là pháp cốt tủy do Đức Phật dạy. Bây giờ, chúng ta thử đọc lại mấy dòng thơ của Thiền Sư Tông Diễn (Đời pháp thứ 37, tông Tào Động) thời vua Lê Hy Tông.

Ngài Tông Diễn trình với Thầy là Thiền Sư Thông Giác bằng bài thơ chữ Hán:

Ưng hữu vạn duyên hữu 
Tùy vô nhất thiết vô 
Hữu vô câu bất lập 
Nhật cảnh bổn đương bô.

Bản dịch của Thiền sư Thích Thanh Từ trong sách Thiền Sư Việt Nam là:

Cần có, muôn duyên có 
 Ưng không, tất cả không 
 Có không, hai chẳng lập 
 Ánh nhật hiện lên cao. 

Thế rồi, Thầy Thông Giác mới nói kệ trao pháp cho Ngài Tông Diễn: 

Nhất thiết pháp bất sanh 
 Nhất thiết pháp bất diệt 
 Phật Phật, Tổ Tổ truyền 
 Uẩn không liên đầu thiệt.

Bản dịch của Thầy Thích Thanh Từ:

Tất cả pháp chẳng sanh 
 Tất cả pháp chẳng diệt 
 Phật Phật, Tổ Tổ truyền 
 Uẩn không sen đầu lưỡi. 

Tất cả ngôn ngữ “hữu, vô, pháp bất sanh, pháp bất diệt” dường như là đặc biệt Thiền Tông, thực ra đã có trong Kinh Bahiya như đã nói qua nhiều thí dụ ở trên, và trong nhiều kinh đã dẫn trong bài trước. 

Nơi đây, chúng ta dẫn ra Kinh Phật Tự Thuyết Udana 3.10, sẽ thấy Đức Phật từ xa xưa đã dạy y hệt Thiền Sư Tông Diễn. Nghĩa là, Ngài Tông Diễn đã chú giải tuyệt vời lời Đức Phật trong Tạng Pali. 

Bản Anh dịch của Thanissaro Bhikkhu, trích: 

“Whatever contemplatives or brahmans say that liberation from becoming is by means of becoming, all of them are not released from becoming, I say.

And whatever contemplatives or brahmans say that escape from becoming is by means of non-becoming, all of them have not escaped from becoming, I say.” 

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt, trích:

“Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào đã tuyên bố rằng sự giải thoát khỏi hữu là do hữu. Ta nói rằng tất cả những vị ấy không giải thoát khỏi hữu.

Những Sa môn hay những Bà-la-môn nào đã tuyên bố rằng sự xuất ly khỏi hữu là do phi hữu, tất cả những vị ấy, Ta tuyên bố rằng chúng không nương tựa nơi hữu.” (6)

Có đọc Ud 3.10 mới thấy Ngài Tông Diễn tuyệt vời. Rất ngắn gọn, không dài dòng, mấy chữ thôi: "Hữu vô câu bất lập."

Thế thôi. Vài chữ này là đủ để giải thoát. Vì hữu hay vô cũng là cõi của sắc thọ tưởng hành thức. Hãy rời xa các cõi đó. Không cần tu gì, không cần niệm gì. Đó là lời Phật dạy. Không thể nào giải thoát, nếu dính vào hữu hay dính vào vô. Chỉ có mấy chữ thôi. Thiền Tông Việt Nam đã chú giải lời Đức Phật siêu đẳng như thế.

* *

Trong một đoạn trên, chúng ta đã dẫn lời Đức Phật dạy  rằng phải đập cho tan tành cái ý thức để nó không còn cựa quậy gì nữa. Câu hỏi rằng, khi đập tan tành ý thức như thế, chuyện gì sẽ xảy ra? Trong Thiền Tông, giải thích rằng lúc đó (có khi dùng nhiều chữ như: vô niệm, vô tâm, vô sở trụ, vô tác…), chính khi ý thức bị đập tan tành, các pháp sẽ hiển lộ trong Tánh Không của gương tâm rỗng sáng. Trực tiếp. Vì ý thức chỉ là cây cầu của quá khứ, vì ý thức hiện ra vài sát na sáu cái được nghe, sau cái được thấy.

Bạn có thể cảm nghiệm, hãy tỉnh tỉnh lặng lặng, sẽ thấy: trong cái được nghe, trong cái được thấy, trong cái được cảm thọ… không hề có ý thức, không hề có ngôn ngữ. Khi đột nhiên mưa rào, bạn ướt mèm và thấy lạnh  tức khắc, hay khi vô ý ngón tay bị kim đâm: cái lạnh và cái đau đó không có chữ nào kèm theo, không có ý thức nào bên cạnh.

Do vậy, Thiền Tông nói rằng khoảnh khắc đó vắng bật tham sân si, và đó là giải thoát.
Giải thích đi xa hơn: khi nhìn vào tâm, sẽ thấy tất cả các tâm phiền não khi nào khởi lên, bị nhận ra là  tức khắc biến mất, từ gương tâm rỗng rang hiện ra và rồi biến diệt trong rỗng rang gương tâm – các tâm phiền não đó, thực tướng cũng chính là Niết Bàn rỗng lặng, tức là thấy ngay đương xứ tức chân. 

Đức Phật dạy rằng tất cả thế giới này là hiện lên trong cõi sắc thọ tưởng hành thức, và khi chúng ta đập tan tành cõi sắc thọ tửơng hành thức để không còn thứ nào cựa quậy nữa, lúc đó theo Kinh MN 72 (Aggi-Vacchagotta Sutta: To Vacchagotta on Fire) là “khi xa lìa mọi phân loại của ý thức, hỡi Vaccha, Như Lai là rất sâu thẳm, vô biên vô tận, khó hiểu nổi, hệt như biển. ‘Nói ‘Tái xuất hiện” là không đúng. Nói ‘Không tái xuất hiện’ cũng không đúng. ‘Cả hai có và không tái xuất hiện’ cũng không phải. ‘Không tái xuất hiện mà cũng không không tái xuất hiện’ cũng không phải.” (7)   

Va đó là pháp Như tối thượng, sau khi đập vỡ tan tành ý thức.

Đập vỡ tan tành ý thức, quăng bỏ thấy nghe hay biết… không có nghĩa là không thấy nghe hay biết. Nhưng chính ngay mới hiển lộ Tâm Chói Sáng – tâm này được Đức Phật mô tả là bụi bám từ ngoài, Aṅguttara Nikāya, chương Một Pháp viết:

“Chư tăng, tâm này chói sáng, nhưng bị nhiễm ô bởi bụi bên ngoài tới. Người không được chỉ dạy không hiểu việc này như nó thực sự là; cho nên với người không được chỉ dạy, sẽ không có thăng tiến tâm.

Chư tăng, tâm này chói sáng, và tâm này xa lìa các bụi bên ngoài tới bám. Các đệ tử bậc thánh được chỉ dạy hiểu tâm này như nó thực sự là; do vậy, với đệ tử bậc thánh, có sự thăng tiến tâm.” (8)

* *

Chúng ta có thể đối chiếu một số ý kinh nơi đây.

Trong Kinh Pháp Cú, Kệ 381, phần tích truyện, có ghi rằng Đức Phật nói với ngài Vakkali rằng, "Người nào thấy Pháp sẽ thấy ta. Người nào không thấy Pháp, sẽ không thấy ta."

Trong Kinh MN 28, Đức Phật nói, "Người nào thấy Lý Duyên Khởi, sẽ thấy Pháp. Người nào thấy Pháp, sẽ thấy Lý Duyên Khởi."

Như thế, hễ thấy Lý Duyên Khởi, tức là thấy đức Phật.

Trong các phần trên, qua các thí dụ về nghe và thấy - ngay khi chỉ nhận qua cái được nghe và cái được thấy - lúc đó chỉ cần nghe tiếng chim kêu, thấy lá cờ bay, dự buổi hòa nhạc, thấy cảnh núi rừng mưa bay... là  nhận ra Lý Duyên Khởi, và lúc đó hoàn toàn không thấy gì  là "ai" và "của ai"... 

Tức là ngay lúc đó, là thấy Pháp, là thấy Phật. Là toàn cảnh, khi nhìn hoa sẽ thấy “người, hoa vô biệt.”

Nói theo thiền tông, lúc đó là nhận ra pháp thân, tức là thân chân thật của Pháp, thân chân thật của đức Phật. Phật giáo Tây Tạng giải thích về Pháp thân (Dharmakaya) rất phức tạp khi nói về tam thân, trong khi thiền tông lại nói rất kiệm lời.

Nơi Kinh MN 72 dẫn trên, nói rằng Như Lai rất mực sâu thẳm, hệt như biển, xa lìa mọi tư lường của ý thức...

Câu hỏi là, nếu tu theo Kinh Bahiya, nghĩa của Pháp thân là gì? Và chứng ngộ Pháp thân là gì?

Chỗ này, người viết chỉ ghi theo cảm nghiệm đơn giản (và ai cũng cảm nghiệm được) rằng: bản tâm vốn vô hình, vô tướng, và chỉ có thể hiển lộ qua Lý Duyên Khởi, lúc đó sẽ hiển lộ qua thế giới sắc thọ tưởng hành thức, lúc đó sẽ phải duyên vào cảnh để làm thân. Và như thế, toàn cảnh tiếng kêu của chim và người ngồi nghe tiếng kêu sẽ là thân của pháp, lá cờ bay (được thấy và thấy) là thân của pháp, toàn cảnh ca sĩ đứng hát và người ngồi nghe là thân của pháp, toàn cảnh núi rừng mưa gió (và người đứng ướt mèm dưới mưa) là thân của pháp. Các bộ luận nói phức tạp hơn, nhưng nơi đây, chúng ta nói trong cách thực dụng của thấy và nghe tức khắc.

Như thế, pháp thân hiển lộ qua cảnh (và bao trùm cảnh) cho bất kỳ ai thấy rằng tâm và cảnh không lìa nhau, tức là pháp thân là rỗng rang gương sáng luôn luôn hiện ra khi cảnh hiển lộ. Và thấy pháp thân, tức là thấy Phật. Tức là, đương xứ tức chân.

Nói gương sáng là tiếng Việt, trong Kinh Pháp Bảo Đàn là chữ minh kính, trong các sách về phật giáo Tây Tạng viết bằng  tiếng Anh là "clear light" (ánh sáng trong trẻo)...

Nếu có ai niệm Phật trong toàn cảnh nhận ra Pháp thân như thế sẽ là tức khắc thấy Đức Phật A Di Đà.

Cố Ni trưởng Hải Triều Âm là một bậc tôn túc như thế. Lời dạy của vị trưởng lão ni này chỉ rõ rằng pháp giải thoát là ngay ở chỗ thấy và chỗ nghe. Xin mời nghe lời dạy của cố Ni trưởng Hải Triều Âm từ phút thứ 42:10 của băng hình:


Trích lời như sau:

“Hễ mắt mình thấy hình tướng gì, phải tập thói quen nhìn, biết đấy là Như lai tạng; chỗ ấy là Đức Di Đà, chỗ ấy là Đức Quan Thế Âm... nơi âm thanh cũng thế. Phải thấy tướng là hư vọng, do nghiệp báo của mình hiện lên, mà Tánh là Phật, là Tổ, là Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh...

Làm thế nào mắt mình nhìn chỗ nào cũng khởi lòng từ bi, tai nghe gì, cũng chỉ khởi lòng từ bi, sự an hòa… Hòa với người thiện thì dễ... nhưng hòa với những người ác thì thế nào? Cho nên phải thấy khía cạnh thể tánh của người ta là Tánh Phật, đồng thể với mình, bây giờ phải tập như thế… phải thấy nơi nơi, ở nơi mỗi người, mỗi vật, đâu đâu cũng là Đức Phật A Di Đà đang đứng tại đấy...”(hết trích)

* *

Nhìn lại những thập niên vừa qua, đã thấy rất nhiều vị tôn túc thực hiện các công trình ghi chú xuất sắc, rất mực công phu – trong đó có 2 Trưởng lão Thiền sư là quý ngài Thích Thanh Từ Thích Duy Lực, mà người viết đã trích dẫn nhiều lần qua các bài đã viết. 

Nơi đây, xin trích thêm từ một số vị tôn túc khác để làm sáng tỏ pháp tu Thiền Tông.

Nhà sư có bút danh Nguyễn Thế Đăng trong bài viết tựa đề "Nhất Tâm" đã viết, trích:

"Nhất tâm là tánh Không, quang minh và như huyễn. Cả ba cái ấy là đồng thời, đồng hiện hữu. Nơi nào cũng là tánh Không nên nơi nào cũng có quang minh; và nơi nào có quang minh, nơi ấy có ảnh hiện các sự vật như huyễn. Cả ba cái ấy là một, tức là cả ba thân, Pháp thân (tánh Không), Báo thân (quang minh), Hóa thân (như huyễn) là một.

Thấy Nhất Tâm là thấy “cả ba tức là một” ấy hiển hiện khắp nơi, khắp chốn. Sở dĩ người ta không thấy được, sống được pháp giới Nhất Tâm vì con người tự tạo ra một trung tâm giả tạo là cái tôi, và xung quanh liền có những trung tâm giả tạo khác là những cái khác với tôi. Trong khi pháp giới “cả ba là một” thì không có một trung tâm, nghĩa là đâu cũng là trung tâm, tất cả là trung tâm.

Văn, tư, tu cái ‘không có một trung tâm nên tất cả là trung tâm’ này, thì đến một lúc nào, chúng ta thấy được Nhất tâm đang ảnh hiện thành muôn vàn sắc tướng, âm thanh, hương vị… như huyễn tạo thành pháp giới. Đây chính là ý nghĩa của đời sống. (9)

Hay như thầy Thích Đức Thắng, nổi tiếng là một dịch giả các bộ A Hàm nhưng cũng là một bậc tôn túc trong nhà Thiền, qua bài "Niết bàn" đã viết, nói về quăng bỏ sắc thọ tưởng hành thức là thấy Niết Bàn, trích: 

"Trong sự hiện hữu sinh-tử này, chúng nói lên được liên hệ nhân quả từ sinh đến tử, giai đoạn này chúng ta vừa là người thọ quả của quá khứ, vừa là kẻ tạo nhân cho vị lai. Và cũng vì lẽ đó cho nên khi chúng ta biết rõ cái quả hiện tại của nhân quá khứ chúng là năm thọ uẩn, thì cũng trong hiện tại chúng ta tạo nhân cho vị lai bằng cách đoạn tận năm thọ uẩn vọng này để không có cái nhân vọng cho vị lai nữa, nghĩa là không sinh ra quả vọng cho vị lai; khi quả vọng vị lai không sinh, thì nhân vị lai cũng không sinh, và cứ như vậy vòng xích nhân quả vọng sẽ bị diệt. Đến đây năm thọ uẩn không sinh ra nữa, khi năm thọ uẩn đã không sinh, thì có gì để diệt, nên không diệt."

Vậy Niết-bàn chúng sẽ hiện hữu ngay trong cõi này, ngay trong xác thân này, nếu ai giải thóat được mọi trói buộc đau khổ của tập khởi, của đoạn diệt, bằng cách không khởi tâm điên đảo, phân biệt chấp trước đối với cuộc sống, thì người đó sẽ đạt được Niết bàn ngay trong cuộc sống này. Từ những ngộ nhận sai lầm như vậy, cho nên những gì đức Phật đã phương tiện dạy cho chúng ta con đường  đi đến giải thoát, thì họ đã biến chúng  thành con đường nô lệ trói buộc.

Niết-bàn cùng thế gian
Không có tí phân biệt
Thế gian cùng Niết-bàn
Cũng không tí phân biệt."(9)

Đó là các vị tu sĩ. Về phía cư sĩ, có nhà văn Đỗ Hồng Ngọc - một trong vài người viết tản văn xuất sắc nhất trong làng văn học Việt Nam, nếu không nói là hay nhất - trong bài "Tôi Học Kim Cang - Ưng Vô Sở Trụ" đã viết những dòng cực kỳ thơ mộng, trích:

"...Phật nói rõ hơn: Vô sở trụ nghĩa là... đừng có trụ vào sắc bố thí, đừng có trụ vào thanh, hương, vị, xúc, pháp... Tóm lại, đừng có trụ vào tướng! Bất trụ tướng bố thí. Trụ là dựa, là dính, là mắc. Bố thí mà dính mà mắc, mà dựa vào “tướng”, vào hình thức thì chưa phải là bố thí đúng nghĩa! Bố thí mà còn thấy có kẻ cho người nhận, có quay Truyền hình để lăng xê tên tuổi, để “đầu tư” kiếm danh, kiếm lợi, kiếm phước thì chưa phải bố thí đúng nghĩa. Đúng nghĩa là bố thí... bất vụ lợi, bố thí không thấy có ta có người có vật bố thí; bố thí được như vậy mới... thực là hạnh phúc. Đó là cách bố thí vô tướng, bố thí không dính mắc, không toan tính."

"Một đời lận đận đo rồi đếm
Mỏi gối người đi đứng lại ngồi!"
(Bùi Giáng)

Cái bố thí mà Phật dạy để có huệ chính là cái bố thí vượt qua, vượt ra, vượt lên, bố thí ở bờ bên kia, bờ của tuệ giác, bố thí Ba-la-mật đó vậy.

Một lần nọ, tôi hỏi vị sư: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” có phải là câu hay nhất trong kinh Kim Cang không thì sư nhẹ nhàng bảo không, trong kinh Kim Cang câu nào cũng hay! Quả thật, dần dần tôi cũng thấy ra kinh Kim Cang chỗ nào cũng hay cả, mà hình như ngày càng hay hơn, nhất là khi... áp dụng vào đời sống hằng ngày... Đừng trụ vào đâu cả? Đừng trụ vào đâu cả... ư? Ờ, mà có lý." (9) 

Và cuối cùng, nơi đây xin sáng tác vài dòng thơ để cúng dường Tam Bảo và cũng để cảm ơn độc giả đã đọc tới những lời vụng về này: 

Cúi đầu đi biền biệt
tóc rất xanh một thời 
như dường qua trăm kiếp
nhìn lại tóc trắng rồi
 
Trân trọng ghi từng chữ
làm mới những dòng thơ
thắp hương trăm nghìn chữ
thành hoa qua kia bờ.

Nguyên Giác

Ghi chú:

(1) Đức Phật Dạy Pháp Thấy Tánh: http://thuvienhoasen.org/a24741/duc-phat-day-phap-thay-tanh 
(2)  Rebirth And The In-Between State In Early Buddhism – by Bhikkhu Sujato
Is Rebirth Immediate? – by Piya Tan
Reincarnation - Đức Đạt Lai Lạt Ma (có nói về tương lai)
The Selfless Mind: Personality… – by Peter Harvey (sách này có thể mua ở Amazon)
The Truth of Rebirth And Why it Matters for Buddhist Practice - by Thanissaro Bhikkhu
Should I Believe in Rebirth? - by Gil Fronsdal
Stephen Batchelor: The Buddhist Atheist (phỏng vấn)
Thich Nhat Hanh: Be Beautiful, Be Yourself (phỏng vấn)
Đọc thêm, xin vào www.google.com và gõ “rebirth debate”…
(3) Kinh Bahiya. Bản Việt dịch của HT Thích Minh Châu: http://thuvienhoasen.org/a25130/kinh-bahiya 
(4) Kinh Satta Sutta: "…You should smash, scatter, & demolish consciousness and make it unfit for play. Practice for the ending of craving for consciousness — for the ending of craving, Radha, is Unbinding." (Bản dịch của Thanissaro Bhikkhu: http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/sn/sn23/sn23.002.than.html) 
Bản dịch của Thầy Thích Minh Châu: https://suttacentral.net/vn/sn23.2 
Kinh tương tự bên Tạp A Hàm, bản dịch của Thầy Thích Đức Thắng: https://suttacentral.net/vn/sa122 
(6) Kinh Ud 3.10, bản của Thanissaro Bhikkhu:
Bản của Bhikkhu Anadajoti
“For whatever the ascetics or brāhmaṇas say about freedom from continuity being through further continuity, all of them are not free from continuity, I say. Or whatever the ascetics or brāhmaṇas say about the escape from continuity being through discontinuity, all of them have not escaped from continuity, I say.”
Bản của John D. Ireland, trích từ sách “Udana and the Itivuttaka: Two Classics from the Pali Canon” (ấn bản 2007, trang 46):
“Whatever recluses and brahmins have said that freedom from being comes about through some kind of being, none of them, I say, are freed from being. And whatever recluses and brahmins have said that escape from being comes about through non-being, none of them, I say, have escaped from being.” 
Bản của Peter Masefield, sách “Sacred Books of the Buddhists” (ấn bản 1994, trang 54-55):
“Some who are recluses or brahmins said the complete freedom from becoming is by way of becoming - all of these, I say, are not completely released from becoming. Moreover, some who are recluses or brahmins said the escape from becoming is by way of non-becoming - all these, I say, are not escaped from becoming.”
Bản của HT Thích Minh Châu: http://thuvienhoasen.org/a1277/chuong-01-03
(8) Bản Anh dịch của Nyanaponika Thera và Bhikkhu Bodhi:
(9) Nguyễn Thê Đăng, "Nhất Tâm" - http://thuvienhoasen.org/a24191/nhat-tam 
TT Thích Đức Thắng, "Niết Bàn" - http://www.tuvienquangduc.com.au/triet/36nietban.html 
Đỗ Hồng Ngọc, "Tôi Học Kim Cang" -
http://thuvienhoasen.org/a24560/toi-hoc-kim-cang-ung-vo-so-tru 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Sư cô Suối Thông: Sách có thể chữa lành tâm hồn

Sách Phật giáo 10:47 19/04/2024

Với sư cô Suối Thông, việc dùng cụm từ "chữa lành" để nói về sách là khá chính xác. Có lúc cơ thể không khỏe thì mình phải chữa bệnh, thì tâm hồn cũng vậy.

Thân thể và hơi thở

Sách Phật giáo 20:18 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Sinh và tử

Sách Phật giáo 15:50 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà Ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Thầy Đồng Tâm ra mắt bộ 3 cuốn sách giúp bạn đọc lắng lại để nhìn sâu

Sách Phật giáo 23:26 10/04/2024

Đó là ba cuốn gồm Đủ duyên ta lại tương phùng, Sát-na này là thiên thu và Tịch tịnh do First News và NXB Dân Trí ấn hành. Trong đó, 2 cuốn đầu tái bản và làm mới, còn Tịch tịnh là tác phẩm in lần đầu.

Xem thêm