Chúng ta nên biết! Phật và chư Bồ tát ở khắp mọi nơi, hễ chúng ta có tâm thành kính, làm việc công đức, cầu nguyện đến các Ngài thì ngay lập tức các Ngài hiện diện lắng nghe lời cầu nguyện của các bạn là chứng minh, phù hộ cho. Việc các bạn cúng dường chùa lớn, giàu có mà chẳng hoằng dương Phật pháp thì lợi ích chẳng được bao nhiêu? Vì sao? Vì mọi người đến đó đâu có được học giáo lý kinh điển của Phật, chẳng biết tìm ra cho mình con đường để cầu giải thoát khỏi bể khổ của sinh tử luân hồi.
Ngày nay nhiều nơi xây chùa muốn xây cho hoàng tráng, tốn kém đó không phải là để hoằng dương Phật pháp, để là nơi cho mọi người đến đó học Phật pháp, tụng kinh niệm Phật mà là để kinh doanh, kiếm tịnh tài.
Có nhiều người thường khoe với mọi người là tôi đã đi gần như hết các chùa lớn ở Việt Nam và cả chùa nổi tiếng trên thế giới và chụp ảnh lia chia như là một chiến tích để minh chứng mình đã đến đó, nhưng đến để làm gì mới là điều đáng nói.
Họ đến chùa mà giáo lý nhà Phật một chữ bẻ đôi không biết, vì đến chùa không phải là để tu học Phật pháp, để thoát ly sinh tử luân hồi mà là thói quen du lịch thư giãn hay đến xin Phật cho bổng lộc, công danh v.v… và để xả hết những điều ấp ủ không nói ra được mà các thầy cũng chẳng thể giúp được, vì "Thầy ăn thầy no, ai tu nấy chứng". Tất cả cách hóa giải nó, những cái đó chỉ có thể tìm trong giáo lý kinh điển là bản thân phải tự mình tu học rồi thực hành để diệt trừ tham, sân, si… làm điều công đức, giải nghiệp, tạo phước cho mình, để khi mãn báo thân được Phật A Di Đà tiếp dẫn về Tây phương Cực lạc.
Nhưng thật đáng buồn là họ chẳng làm mà muốn Phật làm hộ, lại đem đến cho họ quả ngọt mà chẳng phải trồng, nhà cao, bổng lộc, chức quyền mà chẳng phải mất công phấn đấu mà có, nó như tự nhiên Phật sẽ mang đến. Phật đâu làm việc đó?
Họ đâu biết, Phật chỉ là người đem những gì Ngài đã tu hành chứng được chia sẻ lại cho chúng ta để tự mình noi theo tu hành tìm về hạnh phúc đích thực.
Vì cách nghĩ, cách làm này nên Hòa thượng Tịnh Không nói: “Các thầy ở chùa to lớn đó chẳng có thời gian mà tu hành vì chỉ riêng tiếp khách và nhặt rác khách du lịch vứt ra cũng đã quá mệt rồi, còn người đến thăm chùa kiểu này thì suốt đời giáo lý nhà Phật một câu cũng không biết”.
Làm công đức cũng cần phải có trí tuệ
Chúng ta nên biết! Phật và chư Bồ tát ở khắp mọi nơi, hễ chúng ta có tâm thành kính, làm việc công đức, cầu nguyện đến các Ngài thì ngay lập tức các Ngài hiện diện lắng nghe lời cầu nguyện của các bạn là chứng minh, phù hộ cho. Việc các bạn cúng dường chùa lớn, giàu có mà chẳng hoằng dương phật pháp thì lợi ích chẳng được bao nhiêu? Vì sao? Vì mọi người đến đó đâu có được học giáo lý kinh điển của Phật, chẳng biết tìm ra cho mình con đường để cầu giải thoát khỏi bể khổ của sinh tử luân hồi.
Các bạn quán xét sẽ thấy, có tiền làm công đức là rất quý, nhưng không dễ dàng đâu nhé! Vì sao? Vì dù ta có tiền nhưng có người tốt để ta cúng dường, đem tiền đó mà làm phật sự, làm việc có ý nghĩa hay không lại là một chuyện quan trọng nữa. Như các bài báo đã đăng hàng ngày mà tôi đã chia sẻ trên làng Phổ Đà thì các bạn đã thấy, có biết bao người cúng dường nhưng chẳng khôn ngoan, khi cúng dường không có quán xét xem người ta cúng dường là người thế nào? Có giữ giới hay không? Có chăm lo hoằng pháp lợi sinh không? Vì vậy, cứ nhắm mắt mà đưa tiền, nên có thầy đã dùng tiền này mua xe ô tô mấy tỉ đồng để đi, phá chùa cổ đẹp trang nghiêm mà xây chùa mới, thậm chí lấy tiền uống rượu Tây, ăn tiết canh, làm chuyện buông lung, ăn nói lộ cộ như người ngoài xã hội, kinh không tụng, giáo lý nhà Phật không biết, tạo nghiệp chẳng lành.
Lại có tình trạng sư khoe có bằng tiến sĩ mà kinh Đại thừa không nghiên cứu, chẳng tụng lại còn phỉ báng chính pháp xuyên tạc kinh điển Phật, nói không có Phật A Di Đà và Tây phương Cực Lạc. Vậy người như vậy có xứng đáng để bạn cúng dường hay không?
Như vậy làm công đức mà không có trí tuệ khiến đồng tiền mồ hôi nước mắt khó nhọc làm ra không được dùng vào lợi ích tốt, lại làm hỏng họ. Trong khi chùa nghèo nơi miền quê chỉ cần một phần tiền mua xe ô tô kia có thể xây xong một ngôi chùa giúp tượng Phật không bị ướt, sư tăng có chỗ tu hành tụng kinh niệm Phật hàng ngày.
Lại nữa, có người ta cúng dường kinh sách, các thầy không có tâm tu hành tụng kinh niệm Phật, các vị này nói thẳng là chỉ thiếu tiền chứ kinh thầy không thiếu. Khá hơn chút, có thầy miễn cưỡng nhận nhưng đem cất vào tủ vào hòm. Cho nên, tìm được một người có duyên Đại thừa, cầu giải thoát và có lòng chăm lo hoằng pháp, lợi sinh thì đó là phước lớn của họ mà cũng là của chính chúng ta.
Như vậy, có tiền, có tâm cúng dường tìm được người như vậy không phải là dễ. Tôi nói lời chân thật, kinh nghiệm về Việt Nam làm phật sự đã 15 năm, tôi đã gieo duyên, kết nghĩa với bao nhiêu là người, thầy tăng có, mà thầy ni cũng có, nhưng tìm ra người đáng để cùng mình làm phật sự, hoằng dương Phật pháp thì chỉ thấy có một mà thôi. Tôi không nhớ tên thầy ra thì các bạn cũng đã biết là ai phải không?
Tất nhiên, thầy còn trẻ, trên con đường tu hành chưa hoàn hảo, còn phải tự trang nghiêm thân, nhưng tâm Đại thừa chăm lo hoằng dương Phật pháp là rất tinh tấn, rõ nét. Tôi nghĩ, chúng tôi hàng năm về Việt Nam đem chút ít tịnh tài cùng các bạn đồng tu làng Phổ Đà cúng dường thầy để thầy làm việc phật sự, hoằng dương Phật pháp, thực từ đáy lòng mình chúng tôi cũng phải cảm ơn thầy, đã cho chúng tôi và gia đình có cơ hội để cúng dường đúng nơi, đúng chỗ như mình mong muốn, đó là vì sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh. Kinh in ra bao nhiêu thầy rất trân trọng nâng niu, thành tâm mong cầu để đưa đến tận tay cho phật tử ở sáu chùa Thủy Nguyên, Hải Phòng tụng niệm hàng ngày. Vậy ta ơn thầy, hay thầy ơn ta đây?
Các bạn đồng tu thân mến!
Tôi xin kể các bạn một câu chuyện để các quán xét nhé. Tôi ngày đầu về Việt Nam cách đây 15 năm trước, đã cùng phật tử làng Phổ Đà đi đến một ngôi chùa rất nghèo ở Bắc Ninh. Ngày ấy, quý thầy là một ni cô chân ướt chân ráo về trụ trì ở ngôi chùa dột nát, tượng Phật bị nắng mưa hư hoại. Thầy lăn lộn tự tay đóng gạch xây lại và nói muốn tu bổ lại chùa làm nơi để phật tử về học Phật pháp. Thấy cảnh đó, ai cũng cảm phục, thương xót, tôi đã phát động cùng mọi người phật tử ở thành phố Hạ Long và thành phố Hải Phòng cúng dường tịnh tài xây dựng ngôi chùa.
Sau ba năm, ngôi chùa đã rất khang trang chúng tôi dời đến để ủng hộ chùa nghèo khác. Tôi đã nói, Phật pháp bình đẳng nên chùa nay đã đẹp đẽ thanh tịnh, mọi người nên đi cúng dường chùa nghèo khác. Nhưng nhiều người vì cứ lân mẫn đi lại và lại vận động nhiều người quen thân khác đến cúng dường nên đã có một sự cố đau lòng xảy ra. Chùa từ lúc nghèo thì mọi cái đều tốt, nhưng khi có nhiều người đến cúng dường, thầy có nhiều tiền bỏ chùa đi xây một chùa khác to lớn hơn nhiều.
Bẵng đi một thời gian, tôi được biết, do nhiều người đến cúng dường, thầy lại đi cúng bái khắp nơi nên rất nhiều tiền. Thế là thầy bỏ không đi xe máy nữa, cũng bỏ đi những lời thệ ban đầu, chẳng mời thỉnh các thiện tri thức đến giảng kinh thuyết pháp cho người dân nơi đây, có nhiều tiền thầy bỏ ra hàng tỉ đồng mua xe ô tô đẹp để đi. Ngày thầy nhận xe ô tô mới, tự tay thầy lái vừa ở xưởng xe ra thì thầy đâm chết hai mạng người luôn. Thầy phải bỏ ra khoản tiền lớn bồi thường gia đình nạn nhân để nuôi con thơ. May là gia đình hai người tử nạn đều là phật tử thương xin với cơ quan pháp luật không truy cứu thầy nữa. Từ đó, phật tử hết lòng tin không còn lai vãng đến chùa thầy nữa.
Qua câu chuyện trên chúng rút ra bài học là cúng dường chùa chúng ta cũng phải có trí tuệ, nếu chùa nào mà thầy ở đó có tâm Bồ đề, giữ giới, phát tâm Đại thừa, chỉ một lòng hoằng dương Phật pháp, làm lợi ích muôn người thì chúng ta hết lòng cúng dường với khả năng của mình. Khi chùa đã khang trang là nên đi chùa nghèo khác để cúng dường, đừng để tình trạng như ở trên lặp lại nữa.
Cho nên có thơ sau:
Đi chùa mà chẳng tụng kinh
Là đi du lịch tâm linh cái gì?
Cuộc đời là cái chi chi
Cứ đi mà chẳng hiểu gì khổ ghê!
Bao giờ ra khỏi bến mê
Ngơ ngơ ngác ngác một đời luống qua.
Cho nên cưỡi ngựa xem hoa
Đến khi mãn báo biết là về đâu?
Bây giờ đã bạc mái đầu
Dù tu đạo Phật bao năm
Vì không vào định, phan duyên dài dài
Không giữ giới, trượt chân hoài
Hộ pháp dời bỏ, nên ma kéo về,
Bạn hiền từ đó rời xa
Với ma kết đảng giao du ngày ngày
Đường tu tan biến khói mây
Thật là uổng phí một đời luống qua!
Quảng Tịnh