Đức Phật dạy có nên giết hại sinh vật để cúng giỗ người thân đã mất không?
Chúng ta có thể thấy luật nhân quả theo dõi chúng ta như bóng theo hình, và nghiệp báo của việc sát sinh là rất nặng nề. Chưa kể những ác nghiệp khác mà chúng ta đã và đang tạo tác, nghiệp chồng chất lên nghiệp, biết chừng nào mới trả cho xong.
>>Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về Đức Phật
Tổ chức cúng giỗ để tưởng nhớ ông bà tiên tổ, người thân đã khuất là một nét thuần phong mỹ tục trong truyền thống văn hóa tâm linh của dân tộc ta. Phong tục này không chỉ thể hiện đạo lí “uống nước nhớ nguồn” nhắc nhở con cháu nên biết ơn đối với các bậc sinh thành mà còn thể hiện tinh thần hiếu đạo sâu sắc, giáo dục lòng hiếu kính cha mẹ, ông bà tổ tiên cho các thế hệ mai sau.
Hiện nay, tình trạng chung tại các đám giỗ là hội họp họ hàng, người thân, bạn bè để tổ chức ăn thịt uống rượu linh đình và đặc biệt là sát sinh rất nhiều để phục vụ cho nhu cầu ăn uống ấy. Điều này nên hay chăng? Lời dạy của Đức Phật về việc này được thể hiện trong câu chuyện sau đây:
Một ngày nọ, khi Đức Phật ngụ tại tịnh xá Kỳ Viên, một số vị Tỳ Kheo hỏi Ngài:
- Thưa Đức Thế Tôn có lợi ích gì không khi giết dê, cừu, và những sinh vật khác để cúng giỗ người thân đã qua đời.
Đức Phật trả lời:
- Này các Tỳ Kheo! Không! Chắc chắn là không có gì tốt khi ta giết chết sinh vật, dù với mục đích làm lễ cúng giỗ người chết.
Rồi Đức Phật kể câu chuyện xảy ra trong quá khứ:
Vào thưở rất xa xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở xứ Baranasi, có một vị Bà La Môn quyết định làm lễ cúng giỗ người chết và mua một con dê để giết. Ông nói với các đệ tử, "Các con hãy dẫn con dê nầy xuống sông, tắm rửa, kỳ cọ, đeo vòng hoa vào cổ nó, rồi các con lấy ngũ cốc cho nó ăn, xong mang nó về đây." "Dạ vâng, thưa Thầy," các đệ tử trả lời, rồi dẫn dê ra sông.
Trong khi họ đang tắm rửa và kỳ cọ con dê, con dê bật cười lớn, tiếng cười vang ầm lên như tiếng cái nồi bị đập vỡ nát. Rồi, lạ kỳ thay, nó lại òa khóc lớn tiếng.
Các người đệ tử trẻ đã ngạc nhiên trước hành vi này, họ hỏi con dê: "Tại sao có lúc ngươi bật cười," và “tại sao bây giờ ngươi lại òa khóc lớn tiếng?"
"Chúng ta hãy đến gặp thầy của anh, rồi anh lập lại câu hỏi trên," dê trả lời.
Các đệ tử vội vàng dẫn dê đến gặp thầy và kể lại chuyện đã xảy ra lúc ở dòng sông. Sau khi nghe xong chuyện, vị thầy hỏi con dê tại sao lúc thì nó cười, lúc thì nó khóc.
Con dê bắt đầu kể, "Nầy ông Bà La Môn, trong tiền kiếp, tôi là một người Bà La Môn dạy kinh Vệ Đà giống như ông. Tôi cũng giết một con dê làm lễ cúng giỗ người chết. Chỉ vì giết chết một con dê, đầu tôi đã bị chặt đứt 499 lần. Tôi cười vì tôi biết đây là lần tái sinh cuối cùng để làm con vật bị người giết chết. Ngày hôm nay, tôi sẽ được giải thoát khỏi sự đau khổ. Nhưng tôi khóc vì tôi biết rằng, khi ông giết tôi, ông cũng cam chịu bị chặt đầu 500 lần. Vì thương cảm, tôi đã khóc dùm ông."
Vị Bà La Môn nói: "Dê ơi, nay ta hiểu rồi, ta sẽ không giết ngươi đâu."
Con dê kêu lên: "Ông Bà La Môn, dù ông giết hay tha, tôi cũng không thoát chết ngày hôm nay."
Vị Bà La Môn trấn an con dê: "Đừng lo, ta sẽ bảo vệ cho ngươi."
Dê nói với vị Bà La Môn: "Ông không hiểu đâu, sức bảo vệ của ông thì yếu, trong khi nghiệp lực sinh ra do những việc ác tôi làm thì rất mạnh."
Vị Bà La Môn tháo giây cột dê rồi nói với các đệ tử, "Không để bất cứ ai làm hại con dê nầy." Họ vâng lời rồi theo dõi con dê để bảo vệ nó.
Sau khi con dê được thả, nó bắt đầu đi gặm cỏ. Nó cố gắng nhoài cổ ra, để gặm những chiếc lá trên một bụi cây, mọc gần đỉnh một tảng đá lớn. Ngay lúc đó, một tia sét đánh vào tảng đá, làm vỡ một mảnh đá sắc nhọn như dao, bay ra, gọn gàng chặt đứt đầu dê. Đám đông đã tụ tập quanh con dê chết, và bàn tán sôi nổi về tai nạn kinh ngạc nầy.
Một vị thần cây đã quan sát tất cả mọi chuyện xẩy ra, từ lúc mua con dê về, cho đến khi con dê bị chết, câu chuyện xem y hệt như một vở bi kịch, rồi ông lấy ra một bài học từ câu chuyện nầy, để nhắc nhở và khuyên răn đám đông: "Mọi người đều biết rằng hậu quả của việc làm ác, là kiếp sau sẽ phải chịu khổ đau, cho nên chúng ta phải chấm dứt ngay việc giết chết sinh vật. Địa ngục khủng khiếp đang đón chờ những kẻ làm việc ác đức như thế."
Sau khi vị thần cây giải thích về luật nhân quả, ông đã làm người nghe cảm thấy rùng mình kinh hãi, đớn đau cho những ai phải đọa xuống địa ngục. Vì quá hãi sợ, nên mọi người đã quyết định từ bỏ việc giết chết sinh vật để cúng giỗ người chết. Rồi vị thần cây còn dạy dỗ mọi người, học thêm về Giới Luật cùng khuyến khích mọi người làm những việc thiện lành.
Một thời gian sau, vị thần cây mất. Vì đã làm nhiều việc thiện, nên vị thần cây hưởng quả tốt lành, do đó khi ông mất, ông đi theo nghiệp tốt của ông nghĩa là về cõi tốt đẹp. Rồi qua nhiều thế hệ sau đó, mọi người vẫn tiếp tục thực hành Giới Luật, và họ đã dành nhiều thời giờ để làm việc từ thiện, cùng những việc làm lợi ích khác, thế nên, nhiều người đã được tái sinh vào cõi trời.
Đức Phật kết thúc bài giảng, rồi Ngài cho mọi người biết: "Trong kiếp đó, ta đã là vị thần cây"
Qua câu chuyện, chúng ta có thể thấy luật nhân quả theo dõi chúng ta như bóng theo hình, và nghiệp báo của việc sát sinh là rất nặng nề. Chưa kể những ác nghiệp khác mà chúng ta đã và đang tạo tác, nghiệp chồng chất lên nghiệp, biết chừng nào mới trả cho xong.
Trong Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, Phẩm thứ bảy Khuyên Tu Thánh Đạo, đức Địa Tạng Bồ Tát khi thưa cùng Phật đã khuyên bảo chúng ta rằng:
“Những chúng sanh trong cõi Diêm Phù Đề, ngày lâm chung kẻ thân thuộc phải cẩn thận chớ có giết hại và chớ gây tạo nghiệp duyên chẳng lành, cũng đừng tế lễ Quỷ, Thần, cầu cúng ma quái. Vì sao thế? Vì việc giết hại cho đến tế lễ đó, không có một mảy mún chi lợi ích cho người chết cả, chỉ có kết thêm tội duyên của người đó làm cho càng thêm sâu nặng hơn thôi.
Giả sử người chết đó hoặc là đời trước hay đời hiện tại vừa rồi, đã chứng đặng phần Thánh quả sẽ sanh vào cõi Trời, cõi người, nhưng bị vì lúc lâm chung hàng thân thuộc gây tạo những nghiệp nhơn không lành, cũng làm cho người chết đó mắc lấy ương lụy phải đối biện, chậm sanh vào chốn lành. Huống gì là người kia chết, lúc sanh tiền chưa từng làm được chút phước lành, đều theo ác nghiệp của họ đã gây tạo mà tự phải bị sa đọa vào ác đạo. Hàng thân thuộc nỡ nào lại làm cho tội nghiệp của người ấy nặng thêm!”
Việc cúng giỗ có ảnh hưởng lớn đến vong linh của người đã khuất. Vào ngày này mà chúng ta lại làm tiệc linh đình, sát sinh hại mạng để thiết đãi sẽ tạo thêm tội cho vong linh ấy. Trong tội sát sinh, Kinh Phật có dạy: tự mình giết, vì mình mà con vật bị chết, thấy người ta giết mà mình vui mừng, đều có liên quan đến tội này. Chọn những ngày giỗ chạp mà sát sinh hại vật thì vong linh ấy cũng liên can chịu tội.
Người chết lúc sanh tiền thích sát sanh hại vật để ăn. Đây là vì tham ăn mà tạo nghiệp ác. Chính vì tội sát sanh mà họ đang chịu khổ nạn. Khi bị nạn rồi, họ đang tha thiết âm thầm cầu xin con cháu thương họ mà tìm cách cứu nạn cho họ bớt khổ. Người quá cố đã vụng tu, chưa hiểu đạo bị quả báo quá đau khổ, vì sát sanh hại vật nên họ chịu đủ mọi cực hình khủng khiếp trong tam đồ ác đạo để trả nghiệp, con cháu đã không tìm cách cứu nạn cho họ, những ngày giỗ sao nỡ lòng nào lại đem máu thịt dâng cúng lên để họ bị kết thêm tội sát sanh mới.
Vì vậy, là người học Phật và hiểu Đạo, những ngày giỗ chạp chúng ta nên làm chay thanh tịnh tụng kinh Niệm Phật, phóng sinh, ấn tống Kinh sách, làm các việc thiện,… để hồi hướng công đức cho họ, giúp họ sớm siêu sanh Tịnh Độ. Nên giảm các hình thức ăn thịt uống rượu say sưa và tuyệt đối không sát hại sanh vật. Đừng làm tiệc linh đình để trả ơn nghĩa thế gian, không có ích gì cho người mất cả. Nếu có thương họ thì nên nhớ một điều chớ nên sát sinh để cúng giỗ.
Mặc dù Đức Thế Tôn đã nhập Niết Bàn cách đây hơn 2500 năm, nhưng những giáo lý tốt đẹp mà Ngài đã truyền trao cho chúng ta vẫn vẹn nguyên giá trị. Là người Phật tử, được học và lĩnh hội giáo Pháp của Ngài chúng ta nên phân biệt được đâu là Chánh kiến, đâu là Tà kiến, những việc nên làm và không nên, để ứng dụng trong thực tế cuộc sống và đem lại lợi lạc cho mình và cho chúng sinh.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Năm công việc hàng ngày của Đức Phật
Đức Phật 09:47 08/12/2024Trong suốt 45 năm hoằng pháp, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni luôn kiên trì thực hiện năm công việc quan trọng mỗi ngày. Những công việc này thể hiện sự tận tâm, trí tuệ và lòng từ bi vô lượng của Ngài đối với chúng sinh, nhằm hóa độ và hướng dẫn mọi người trên con đường giác ngộ.
Đức Phật chỉ ra con đường dẫn đến hòa bình thế giới
Đức Phật 10:20 02/12/2024Hạnh phúc đâu cần tìm kiếm đâu xa, ngay khi bản thân chúng ta có thể tự tạo ra nó. Lời dạy này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vun đắp sự bình yên nội tâm như một nền tảng để kiến tạo một thế giới hài hòa hơn.
Đức Phật là người Thầy giáo vĩ đại
Đức Phật 12:00 20/11/2024Bản chất của đạo Phật là một nền giáo dục trí tuệ nhân văn vĩ đại, đức Phật là người thầy giáo vĩ đại của nhân loại.
Đức Phật lịch sử
Đức Phật 08:45 20/11/2024Đức Phật là bậc đạo sư của Phật giáo, tuy nhiên, không giống những vị giáo chủ các tôn giáo khác gắn liền phần tiểu sử của mình với những huyền ảo bí ẩn, cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có cả phần huyền sử và phần lịch sử.
Xem thêm