Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 09/06/2021, 14:16 PM

Đức Phật may y cho đệ tử

Mặc dù được Đức Thế Tôn cho phép nhận y của Phật tử cúng dường, nhưng một số thầy Tỳ-kheo vẫn ưa thích đời sống phạm hạnh, đắp y phấn tảo, tức vẫn tiếp tục nhặt nhạnh những tấm vải ở bãi rác hoặc ở bãi tha ma đem về may y để mặc.

Y bát của Phật được truyền trao cho ai?

Không biết tự bao giờ, cứ mỗi độ chớm thu, lá chín trên cây, mưa ngâu giăng hạt, báo hiệu mùa Vu lan báo hiếu trở về, trong khi những người xuất gia chuẩn bị cho ngày lễ Tự tứ trọng đại, thì người cư sĩ Phật tử tại gia lại gói ghém những đồng tiền tiết kiệm được để mua mấy nếp vải hoại sắc, cẩn thận xếp thành hình hoa sen để kịp Thắng hội Vu lan, dâng lên cúng dường chư Tăng ngày Tự tứ-mãn hạ. Từ lâu, dâng y cúng dường đã trở thành truyền thống thiêng liêng đối với người Phật tử!

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Truyền thống tốt đẹp này đã có từ thời Đức Phật còn tại thế. Tuy nhiên, không phải có ngay từ những ngày đầu thành lập Tăng đoàn. Luật Tứ phần ghi rằng, sau khi Đức Phật chuyển pháp luân lần đầu tiên tại vườn Nai, độ năm anh em ông Kiều-trần-như, họ kiến đế, đắc giới, thành Tỳ-kheo. Đó là những thầy Tỳ-kheo đầu tiên trong Tăng-già Phật giáo. Năm vị Tỳ-kheo này liền bạch Đức Thế Tôn: “Chúng con nên thọ trì y gì?”. Đức Thế Tôn bảo: “Nên thọ trì y phấn tảo và những loại y đã nhuộm thành màu ca-sa”.

Y phấn tảo, tiếng Phạn là pāṃsu-kūla, có nghĩa là những tấm vải người ta vứt ở ngoài đường, trong đống rác, hay ở nghĩa trang, lấm lem bụi đất và bất tịnh, người xuất gia nhặt lấy đem về giặt sạch, rồi cắt rọc may thành y áo để mặc. Luật Ma-ha tăng kỳ, quyển 16, nói: “Y phấn tảo là những tấm vải dơ, xấu người ta vứt bên đường, lượm lấy đem về giặt, khâu vá lại thành y áo mà mặc”.

Y còn gọi là ca-sa, tiếng Phạn là kaṣāya, có nghĩa là những loại vải đã không còn giữ được màu sắc chính, bằng cách dùng các vỏ cây giã ra lấy nước rồi nhuộm vải. Những tấm vải này có màu vàng nâu, người ta gọi là hoại sắc y (không còn chính sắc vàng, trắng,…).

Kinh Mười hai hạnh đầu-đà ghi rằng, mặc y phấn tảo là một trong mười hai hạnh đầu đà ấy. Kinh Đại bảo tích, quyển 114, cho biết người mặc y phấn tảo sẽ đạt được phước đức lớn là đắc pháp tràng, đắc chủng tánh, được an trụ, được chuyên niệm, được thiện hộ, được hướng môn và được thuận pháp. Luận Thập trụ Tỳ-bà-sa, quyển 16, cho biết người đắp y phấn tảo được mười điều lợi, đó là: tàm quý; ngăn ngừa nóng, lạnh, muỗi mòng; biểu thị nghi pháp của Sa-môn; hết thảy trời người nhìn thấy pháp y đều cung kính, tôn trọng; tâm lìa nhiễm trước, không còn ham thích cái đẹp; tùy thuận tịch diệt, không bị phiền não thiêu đốt; khi mang pháp y, làm điều ác dễ thấy; không thể dùng đồ trang sức lên pháp y; tùy thuận Bát Thánh đạo; tinh tấn hành đạo, không để tâm ô nhiễm dù chỉ trong giây lát mang y hoại sắc.

Ý nghĩa và giá trị tinh thần cao quý của Y Bát Khất sĩ

Luật Tứ phần cho biết, lúc đầu, các Tỳ-kheo thường lượm những tấm vải xấu xí và cũ rách người ta vứt bỏ ở những bãi rác, hoặc ở bãi tha ma đem về giặt sạch may thành y để mặc. Các Phật tử thấy thế sanh lòng cung kính, tâm từ niệm phát sanh, lấy vải tốt quý xé ra đem bỏ ở bãi rác để cho các Tỳ-kheo nhặt lấy đem về dùng. Nhưng các Thầy không dám nhặt. Việc ấy Đức Phật biết, Ngài dạy: “Nếu họ vì các thầy Tỳ-kheo thì nên lấy”.

Đó có thể xem là hình thức cúng dường y đầu tiên của các Phật tử.

Về sau, Kỳ-đà đồng tử, một bác sĩ nổi tiếng, là cư sĩ tại gia, đến bạch với Đức Thế Tôn rằng: “Con trị bệnh cho quốc vương, trị bệnh cho đại thần, hoặc được một quốc độ, hoặc được một tụ lạc. Cúi xin Đức Thế Tôn cho con một ước nguyện”. Đức Phật nói Ngài không hề cho ai ước nguyện mà vượt quá điều nguyện. Kỳ-đà đồng tử nói rằng: “Con xin một ước nguyện thanh tịnh”. Đức Phật hỏi ước nguyện thanh tịnh ấy là gì? Kỳ-đà đồng tử thưa: “Chiếc y quý giá này, con nhận được từ vua Ba-la-thù-đề, giá trị bằng phân nửa giang sơn. Cúi xin Đức Thế Tôn ai mẫn, vì con nạp thọ. Từ nay về sau, nguyện xin Đức Thế Tôn cho phép các thầy Tỳ-kheo nào muốn khoác y của đàn việt dâng cúng, hay y phấn tảo, thì tùy ý được mặc”. Đức Thế Tôn nhận lời bằng cách im lặng. Nhân dịp này, Đức Phật tập hợp các Tỳ-kheo lại, cho phép họ từ nay về sau được phép khoác y của Phật tử dâng cúng.

Từ đó, các Phật tử thường tận tay dâng y cúng dường chư Tăng, trong đó phải kể đến kỹ nữ Am-bà-la-bà-đề, đã dâng y và thực phẩm cúng dường Đức Thế Tôn cùng với 1.250 vị Tỳ-kheo, khiến cho chủ nhân thành Vesāli, bộ tộc Licchavī hùng mạnh phải kính nể!

Phật chế ba y

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Mặc dù được Đức Thế Tôn cho phép nhận y của Phật tử cúng dường, nhưng một số thầy Tỳ-kheo vẫn ưa thích đời sống phạm hạnh, đắp y phấn tảo, tức vẫn tiếp tục nhặt nhạnh những tấm vải ở bãi rác hoặc ở bãi tha ma đem về may y để mặc. Một số Tỳ-kheo khác thì mặc y do Phật tử cúng dường. Lúc đầu Đức Phật không quy định một Tỳ-kheo được sử dụng bao nhiêu y, cho nên Phật tử cúng bao nhiêu các thầy đều nhận hết. Một hôm, Đức Thế Tôn trông thấy các Tỳ-kheo trên đường đi quảy theo nhiều y. Có vị đội y trên đầu, có vị vắt nơi vai, hoặc có vị quấn nơi thắt lưng. Thấy vậy, Đức Thế Tôn suy nghĩ: “Ta hãy chế định cho các Tỳ-kheo số lượng nhiều ít thế nào, chứ không được chứa quá nhiều y áo”.

Hôm đó, Đức Thế Tôn ngồi nơi khoảng đất trống. Đầu đêm Ngài khoác một chiếc y, đến nửa đêm cảm thấy lạnh, khoác thêm chiếc y thứ hai, đến cuối đêm vẫn thấy lạnh, nên mặc thêm chiếc y thứ ba, và cảm thấy dễ chịu, đủ ấm. Bấy giờ, Đức Thế Tôn mới nghĩ như vậy: “Đời sau, người thiện nam không chịu đựng được sức lạnh, thì nên cho phép chứa đầy đủ ba y. Ta nên cho phép các Tỳ-kheo chứa ba y, không được quá”.

Từ đó, một Tỳ-kheo chỉ được nhận đủ ba y, không nhận thêm nữa. Ba y trở thành biểu tượng của đời sống tri túc. Tri túc là thái độ sống, là nghệ thuật sống mầu nhiệm đã đưa Thế Tôn đến giác ngộ, chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Trong số đại đệ tử của Đức Phật, Tôn giả Bạc-câu-la là người có pháp vị tằng hữu thọ trì y phấn tảo suốt tám mươi năm nhưng chưa từng vì vậy mà cống cao; suốt tám mươi năm chưa từng thọ y của người cư sĩ, chưa từng cắt may y, chưa từng nhờ người khác may hộ y, chưa từng dùng kim khâu y, chưa từng dùng kim khâu túi, dù là một sợi chỉ.

Đức Phật may y cho đệ tử

Bấy giờ, ba y của Tôn giả A-na-luật-đà (do quá tinh tấn không ngủ nên bị mù mắt) đã rách hết, nên nhờ Tôn giả A-nan mời các Tỳ-kheo may giúp y mới.

Tôn giả A-nan nhận lời đi mời các Tỳ kheo may y cho A-na-luật-đà. Thế Tôn biết được, trách A-nan tại sao không nhờ Thế Tôn! Vậy là, Thế Tôn cùng với tám trăm Tỳ-kheo tập trung trong núi Sa-la-la may y cho Tôn giả A-na-luật-đà, một sự kiện mà Thế Tôn nói là trong quá khứ và tương lai sau không bao giờ lặp lại.

Khi đó, Thế Tôn muốn làm thợ cả để may y cho Tôn giả A-na-luật-đà. Tôn giả Mục-kiền-liên liền đúng như pháp tác pháp yết-ma thỉnh Thế Tôn làm người may y, các vị Tỳ-kheo sẽ cùng nhau cắt rọc, khâu vá, may chung lại thành y. Khi may y xong, Thế Tôn bảo Tôn giả A-na-luật-đà nói pháp Ca-thi-na cho các Tỳ-kheo nghe.

Tôn giả A-na-luật-đà liền nói pháp Ca-thi-na cho tám trăm Tỳ-kheo nghe, lộ trình tu tập từ khi phát tâm xuất gia cho đến lúc chứng Tam minh, Lục thông, đó được gọi là pháp Ca-thi-na.

Thế Tôn xác nhận pháp Ca-thi-na do Tôn giả A-na-luật-đà thuyết, khuyên các Tỳ-kheo ghi nhớ thọ trì, vì pháp Ca-thi-na cùng tương ưng với pháp, là căn bản phạm hạnh, đưa đến trí thông suốt, đưa đến giác ngộ, Niết-bàn.

Lễ hội dâng y

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Lục Tổ Huệ Năng và câu chuyện truyền y bát

Với chúng Tăng, đầu mùa hạ là ngày đầu năm trong đời sống đạo hạnh, và kết thúc một mùa hạ là kết thúc một năm, tròn một tuổi đạo hạnh sáng ngời. Và do đó, khi tiếng thu gọi khẽ trên cây, lác đác vài chiếc lá vội vã lìa cành, ấy là dấu hiệu của mùa hạ đã hết, mùa thu bắt đầu, cả hoàn vũ trổi khúc ca hoan hỷ, cùng với chư Phật mỉm cười đón mừng các Tỳ-kheo vừa hoàn thành ba tháng nỗ lực tu tập, nội cần khắc niệm chi công, và bắt đầu đặt bước chân trên vạn nẻo đường thực hiện công cuộc hoằng hóa độ sanh với tâm nguyện ngoại hoằng bất tranh chi đức.

Các Phật tử nhân ngày này, đem hết tâm lực và tài vật, mà đặc biệt là chắt chiu dành dụm từng đồng xu cắc bạc để sắm cho được chiếc y vàng, thành kính dâng lên cúng dường chư Tăng để được thấm nhuần công đức. Cho dẫu, như Đức Thế Tôn nói, trong quá khứ và tương lai sau không bao giờ lặp lại hình ảnh Đức Phật may y cho đệ tử, nhưng với tất cả lòng thành hộ trì Chánh pháp, kính cẩn dâng lên chư Tăng Ni tấm y vàng giải thoát cũng đủ lay động bao trái tim người con Phật trong mùa báo hiếu.

Thích Nguyên Hùng

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Đức Phật: Nơi quy ngưỡng của tâm thức nhân loại

Đức Phật 11:05 28/10/2024

Trong muôn vàn những phát biểu trang trọng mà nhân loại trên hành tinh đã dành để bày tỏ lòng kính ngưỡng đối với Đức Phật, có hai nhận định quan trọng nói về cuộc đời giác ngộ của Ngài, có thể giúp chúng ta hiểu lý do vì sao Liên Hiệp Quốc quyết định chọn Vesak làm ngày kỷ niệm và tôn vinh Ngài.

Cuộc đời Tôn giả Mahã Kassapa qua kinh tạng Nikãya

Đức Phật 09:00 11/10/2024

Từ khi chào đời cho đến lúc nhập diệt, Ngài luôn sống trong thanh tịnh, hoàn thành chí nguyện xuất gia cũng như lối sống phạm hạnh đầu đà của mình.

Những đức tánh của Phật

Đức Phật 17:40 02/10/2024

Luận Nhiếp đại thừa viết: Đức tánh của Phật đà có 7 thứ mà ai niệm Phật cũng phải tưởng niệm những đức tánh ấy.

Bốn loại biện tài của Phật

Đức Phật 11:20 24/09/2024

Biện tài của Phật vô ngại, đó là đạt đến cứu cánh viên mãn. Trên Kinh, Phật vì chúng ta giải thích biện tài có 4 loại: Nghĩa, Pháp, Từ vô ngại, Lạc thuyết.

Xem thêm