Đức Phật thọ nhận cúng dàng thức ăn cho ngựa trong suốt 3 tháng an cư
Một hôm, Đức Phật dẫn 500 vị tỳ-kheo trên đường từ nước Tu Lại Bà đi về thôn Tỳ Lan Nhã, tìm chỗ trú ngụ trong 3 tháng an cư tại một khu rừng ở ven đường.
Thôn trưởng của thôn Tỳ Lan Nhã ngày xưa vẫn tin tưởng phụng thờ đạo Bà-la-môn, về sau nghe và biết được đức Phật có đủ 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, thân phóng hào quang và diễn thuyết diệu pháp về vũ trụ nhân sinh, mới chuyển qua tin tưởng Phật giáo.
Hôm ấy, nghe đức Phật sắp đến thôn của mình, ông bèn nắm lấy cơ hội ngàn năm khó gặp này, đến khu rừng nơi đức Phật đang an trụ, đỉnh lễ mà thưa rằng:
– Bạch Thế Tôn, con là thôn trưởng của thôn Tỳ Lan Nhã ở cách đây không xa, nghe Đức Phật giáng lâm con vô cùng vinh hạnh. Vì thế con vội vàng đích thân đến đây cung thỉnh Thế Tôn và chư tỳ-kheo đến thôn của con cư trú trong ba tháng an cư mùa mưa. Con nguyện đảm trách tất cả mọi sự cúng dường, xin Đức Phật từ bi nhận lời!
Đức Phật dạy:
– Ta biết ông có lòng thành, nhưng đệ tử của ta quá đông, ta không muốn làm gánh nặng cho ông, nên ta nghĩ tốt nhất là thôi vậy, không phiền đến ông.
– Thưa không đâu, bạch Thế Tôn! Tuy làng con rất nhỏ, nhưng con tin rằng cũng đủ sức để cúng dường Thế Tôn và chư Tỳ-kheo, xin Thế Tôn đừng bận tâm, dầu sao đi nữa cũng xin cho con được phép cúng dường.
Thôn trưởng một mực nài nỉ van xin, Đức Phật từ bi cách gật đầu ưng thuận. Thôn trưởng vui mừng cưỡi ngựa về làng lo chuẩn bị mọi thứ.
Ngoại đạo biết được chuyện này, vừa sợ hãi vừa oán giận, bèn dùng nữ sắc đưa vào nhà của thôn trưởng, bày hoa thơm cỏ lạ, hương thơm ngào ngạt, rồi lại bày cỗ bàn rượu thịt ê hề, thắp đèn ánh sáng mờ ảo, người đẹp như mây trời khiến một khi thôn trưởng bước chân vào nhà là tâm trí hoàn toàn ám độn. Trải qua một đêm, sáng hôm sau thôn trưởng căn dặn người nhà rằng:
– Đương lúc thiên hạ thái bình, từ hôm nay cho tới hết ba tháng mùa mưa ta sẽ ở trên lầu cao này nghỉ ngơi, bất cứ chuyện gì, dầu vui hay buồn ta cũng đều không muốn nghe đến.
Thôn trưởng bị lọt vào bẫy của ngoại đạo nên hoàn toàn quên bẵng chuyện phải tiếp đãi Đức Phật.
Nhân duyên của làng này đối với Đức Phật hãy còn cạn cợt, lại trúng nhằm một năm mà côn trùng làm hại mùa màng, cả làng bị sa vào cảnh thiếu thốn nên không một người nào chịu bố thí cho Đức Phật hay chư Tỳ-kheo một chút gạo hay một chút nước. Đức Phật và chư Tỳ-kheo chỉ còn biết nhẫn nhục chịu đựng ở phía bên ngoài thôn Tỳ Lan Nhã.
Lúc ấy, có một người buôn ngựa dẫn theo 500 con ngựa từ nước Ba Lợi đi ngang qua chỗ ấy, thấy vậy bèn thưa với các vị Tỳ-kheo rằng:
– Con không có bao nhiêu lương thực để cúng dường quý Thầy, chỉ có xác lúa mạch cho ngựa ăn, quý Thầy có dùng được không?
– Chúng tôi rất cảm tạ thịnh tình của ông, nhưng chưa được Đức Phật hứa khả thì chúng tôi không dám nhận thức ăn của ngựa. Xin đợi chúng tôi vào thỉnh ý Đức Phật rồi mới dám quyết định.
Đức Phật tán thán rằng:
– Đã lâm vào cảnh đói khát như thế này mà các ông còn ít mong cầu và biết đủ, không dám làm ngược lại lời giáo huấn của ta, ta rất an lòng. Các ông có thể thọ nhận thức ăn của ngựa mà ông lái buôn cúng dàng.
Lúc ấy các vị Tỳ-kheo mới thuận tiếp nhận thức ăn của ngựa. Tôn giả A Nan cũng được một phần, bèn đem lúa mạch ra nghiền thành bột hòa với nước nấu thành cháo đem lên cúng dường Đức Phật. Các vị Tỳ-kheo cũng xay xác lúa mạch ra rồi nấu lên mà ăn.
Ngài Mục Kiền Liên thấy tình trạng đáng thương ấy bèn thưa với Đức Phật rằng:
– Bạch Thế Tôn! Con suy nghĩ thật kỹ rồi, ở chỗ này không thể có thức ăn được, con muốn dùng thần thông đi chỗ khác mang ít lúa gạo về!
Đức Phật dạy:
– Mục Kiền Liên! Không nên làm như thế. Tuy ông có thể dùng thần lực mang thức ăn về, nhưng nhân duyên túc nghiệp không thể trừ diệt được. Chỉ có nhẫn nhục là điều quan trọng nhất.
Ngài Mục Kiền Liên vâng lời dạy của Đức Phật, cúi đầu lui đi.
Ba tháng nhẫn nhục chịu đựng cực khổ đã trôi qua, Đức Phật và chư Tỳ-kheo đói khát nên tiều tụy thấy rõ, nhưng dẫu bị đói khát bức bách đến đâu đi nữa, lòng tin của các vị ấy vẫn không hề bị lay chuyển mảy may nào. Chư tăng đoàn kết, hòa hợp biết bao!
Qua hôm sau, Đức Phật bảo Ngài A Nan:
– A Nan! Hãy cùng ta đi gặp thôn trưởng thôn Tỳ Lan Nhã xem sao!
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn!
Thôn trưởng thôn Tỳ Lan Nhã đang chìm đắm trong hoan lạc ngũ dục, vừa vặn đứng trên lầu cao nhìn xuống, thấy vẻ tiều tụy của Đức Phật và A Nan trên đường đi tới. Thoạt đầu ông hoang mang như thể không hiểu tại sao, rồi trong chớp mắt, ông thấy đầu óc choáng váng, mặt mày xây xẩm. Chờ tỉnh táo lại, ông chạy như bay đến trước mặt Đức Phật, khóc lóc thảm thiết:
– Thế Tôn! Thật là đáng sợ! Con bị quỷ vương mê hoặc nên mới dám dối trá lừa gạt thánh nhân. Con đã gieo trồng vô lượng vô biên hạt giống ác quả! Xin Thế Tôn từ bi lân mẫn con, con không hề muốn điều ấy xảy ra, xin cho con sám hối!
Đức Phật trầm tĩnh đáp rằng:
– Đúng vậy! Ông đã trồng hạt giống ác nghiệp, thỉnh đại chúng mà không cúng dường. Nhưng ta đã thấy ông phát tâm lúc ban đầu ra sao rồi, nên nếu ông chân thành sám hối thì chỉ có sự sám hối ấy là đáng kể mà thôi.
– Nay con đứng trước Đức Phật tối tôn mà sám hối, xin Thế Tôn quán sát tâm con. Từ hôm nay trở đi xin cho con được cúng dàng trong vòng một tháng, cho con được lấy công chuộc tội.
– Thôn trưởng, ba tháng vừa qua ta an cư ở phía ngoài thôn này không hề dời chỗ. Bây giờ mùa mưa đã qua rồi, có rất nhiều chúng sinh đang chờ mong ta cứu độ. Ngay hiện giờ ta đã nghe họ kêu gào tên ta, nên ta phải rời khỏi nơi này lập tức.
– Xin Thế Tôn niệm tình con!
Vừa nói, thôn trưởng vừa hướng cặp mắt van nài nhìn sang Ngài A Nan đang đứng gần bên Đức Phật, nói tiếp:
– Tôn giả A Nan! Xin Ngài vào nói hộ con một tiếng! Ít nhất cho con được cúng dàng ngày mai, làm một bữa cơm đạm bạc để tiễn biệt, và cho con cơ hội sám hối với chư Tỳ-kheo!
Đôi mắt từ bi của Đức Phật phóng ra một tia sáng thương xót, Ngài chấp thuận lời cầu xin cuối cùng của thôn trưởng thôn Tỳ Lan Nhã.
Suốt ngày và suốt cả đêm hôm ấy, thôn trưởng thôn Tỳ Lan Nhã đã chuẩn bị một bữa cơm tiễn biệt rất thịnh soạn, rồi hôm sau dùng tâm tri ân và tâm cung kính đi thỉnh mời Đức Phật và chư Tỳ-kheo vào thôn. Cơm nước xong, thôn trưởng đem bốn tấm y bằng vải rất đẹp, cùng một đôi dép cỏ cúng dường lên Đức Phật, và 2 tấm y vải cùng một đôi dép cỏ cúng dàng mỗi vị Tỳ-kheo.
Thôn trưởng và tất cả mọi người trong thôn đưa tiễn Đức Phật và chư Tỳ-kheo, tay vẫy mà nước mắt ràn rụa, tự than rằng thiện căn của mình quá mỏng manh nên không cúng dàng được Đức Phật cho tử tế đàng hoàng.
Khi Đức Phật muốn ra đi thì không có thế lực, không có lời nói nào có thể ngăn trở được Ngài. Cũng như khi Đức Phật không muốn đi, thì dù bất cứ sự khốn khó bức hại nào đi nữa, Ngài cũng có thể nhẫn nhục chịu đựng được.
Trích trong truyện cổ Phật giáo
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Năm công việc hàng ngày của Đức Phật
Đức Phật 09:47 08/12/2024Trong suốt 45 năm hoằng pháp, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni luôn kiên trì thực hiện năm công việc quan trọng mỗi ngày. Những công việc này thể hiện sự tận tâm, trí tuệ và lòng từ bi vô lượng của Ngài đối với chúng sinh, nhằm hóa độ và hướng dẫn mọi người trên con đường giác ngộ.
Đức Phật chỉ ra con đường dẫn đến hòa bình thế giới
Đức Phật 10:20 02/12/2024Hạnh phúc đâu cần tìm kiếm đâu xa, ngay khi bản thân chúng ta có thể tự tạo ra nó. Lời dạy này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vun đắp sự bình yên nội tâm như một nền tảng để kiến tạo một thế giới hài hòa hơn.
Đức Phật là người Thầy giáo vĩ đại
Đức Phật 12:00 20/11/2024Bản chất của đạo Phật là một nền giáo dục trí tuệ nhân văn vĩ đại, đức Phật là người thầy giáo vĩ đại của nhân loại.
Đức Phật lịch sử
Đức Phật 08:45 20/11/2024Đức Phật là bậc đạo sư của Phật giáo, tuy nhiên, không giống những vị giáo chủ các tôn giáo khác gắn liền phần tiểu sử của mình với những huyền ảo bí ẩn, cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có cả phần huyền sử và phần lịch sử.
Xem thêm