Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 13/06/2022, 12:57 PM

Đức Phật về thăm thân quyến tại Kapilavastu

Về đến Kapilavastu, Kaludayin vào cung báo tin ngày về của Phật cho vua Suddhodana, hoàng hậu Pajapati và Yasodhara. Rồi thầy lại một mình ôm bát ra đi trở về hướng đông nam để đón Phật.

Thầy áp dụng phép khất thực của giáo đoàn khất sĩ, ngày đi đêm nghỉ, chỉ dừng lại các thôn xóm vào giờ khất thực mà thôi. Tới đâu thầy cũng báo tin là thái tử Siddhattha xuất gia thành đạo sắp trở về. Ði được chín hôm thì thầy gặp Phật và đoàn khất sĩ. Mừng rỡ, thầy gia nhập phái đoàn và cùng đi về Kapilavastu. Chỉ có đại đức Sariputta và khoảng ba trăm khất sĩ theo Phật, còn những vị khác ở lại Venuvana với đại đức Moggallana, Kondanna và Uruvela Kassapa. Ðức Phật và giáo đoàn đi đến đâu cũng được dân chúng tiếp đón niềm nở.

Sau 60 ngày đường, ngày đi đêm nghỉ, đức Phật và giáo đoàn về đến Kapilavastu, ngụ tại công viên Nigrodha (Ni-câu-đà) ngoài cổng thành phía nam. Sáng hôm sau, Phật và tăng đoàn ôm bát vào kinh thành khất thực. Cảnh tượng ba trăm vị khất sĩ khoác áo cà-sa vàng, tay ôm bình bát, lặng lẽ trang nghiêm đi khất thực trong thành phố đã gây một ấn tượng lớn trong lòng người thủ đô. Chẳng mấy chốc tin này được báo vào hoàng cung. Vua Suddhodana, hoàng hậu Pajapati và công chúa Yasodhara được báo rằng thái tử Siddhattha hiện đang đi xin ăn trong thành với hằng trăm khất sĩ khác. Vua truyền đánh xe đưa ngài đi gặp thái tử. Hoàng hậu và hai mẹ con Rahula hồi hộp ngồi chờ trong cung. Xa giá vừa đến cổng thành phía nam thì gặp đoàn khất sĩ. Vị võ quan hầu cận bên vua nhận ngay ra thái tử.

Đức Phật cứu thành Tỳ Xá Ly (Vesali) khỏi đại dịch

duc-phat 1

- Tâu bệ hạ, vị khất sĩ đi đầu kia đúng là thái tử.

Vua chợt nhận ra con mình. Dáng điệu của Phật uy nghi, từ tốn, đang ôm bình bát đứng trước một căn nhà nghèo nàn. Ngài đứng trang nghiêm, lặng lẽ, làm như việc xin ăn là việc quan trọng nhất trong đời. Một thiếu phụ ăn mặc xềnh xoàng từ trong nhà bước ra, tay cầm một củ khoai, quỳ xuống lễ dưới chân Phật rồi kính cẩn đặt củ khoai vào trong bình bát. Ðức Phật kính cẩn nghiêng mình đáp lễ, rồi lặng lẽ từ giã, bước sang ngôi nhà bên cạnh.Vua bước xuống xe đi thẳng về phía Phật. Ðức Phật cũng vừa nhận thấy nhà vua. Ðôi mắt nhìn nhau đầy tình thương trìu mến. Nhà vua không dằn được xúc động, gọi:

- Siddhattha!

- Phụ vương!

Phật trao bình bát cho thầy thị giả, rồi nắm lấy hai tay vua cha trong tay mình. Hai giọt nước mắt từ từ lăn xuống trên đôi má nhăn nheo của vua. Ðức Phật nhìn vua với đôi mắt dịu dàng, đầm ấm để an ủi người. Vua biết rằng Siddhattha bây giờ không còn là một đông cung thái tử nữa mà là một sa-môn, một đạo sư tên tuổi với hằng ngàn đệ tử. Nhà vua muốn ôm Phật vào lòng, nhưng biết làm như vậy không ổn. Cuối cùng vua chấp tay nghiêng mình đảnh lễ Phật theo thể thức của một vị quốc vương làm lễ một vị đạo sĩ. Vị võ quan hầu cận cũng bắt chước vua chấp tay nghiêng mình đảnh lễ Phật. Ðức Phật đáp lễ rồi quay sang nói với đại đức Sariputta:

- Thầy hãy tiếp tục hướng dẫn tăng đoàn đi khất thực, rồi trở về công viên Nigrodha thọ thực và an nghỉ. Như Lai và Nagasamala vào thăm hoàng gia, thọ ngọ trai tại đó và chiều nay chúng tôi sẽ trở về với quý thầy.

Ðại đức Sariputta nhận lệnh xong, nghiêng mình đảnh lễ vua và Phật rồi lui gót. Vua nhìn Phật nói với vẻ trách móc:

- Ta tưởng con về tới là vào cung ngay để thăm cha mẹ vợ con rồi ăn cơm luôn. Sao con không về thẳng hoàng cung mà lại đi khất thực ngoài phố?

- Thưa phụ vương, con đâu có đi một mình. Còn có cả giáo đoàn khất sĩ theo con, con có trách nhiệm hướng dẫn nơi ăn chốn ở và sinh hoạt của giáo đoàn.

- Nhưng sao con làm mất mặt hoàng gia như thế? Sao con lại phải xin ăn tại những nhà nghèo hèn như thế? Dòng họ Sakya từ đời vua Maha-Sammata (Ðại Mao Thảo) đến nay có ai làm như thế đâu!?

- Thưa phụ vương, dòng họ vua chúa thì không ai làm như thế, nhưng chư Phật và dòng họ khất sĩ từ đời Phật Dipankara (Nhiên-Ðăng) đến đời Phật Kassapa (Ca-Diếp) thì ai cũng làm như thế. Thưa phụ vương, đi khất thực là một phép tu nhằm thực hiện tinh thần khiêm cung và bình đẳng. Khi con nhận một củ khoai của một gia đình nghèo khổ, con cũng phải có thái độ cung kính như khi con nhận một món ăn sang trọng do một vị đế vương cúng dường, vì tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều có khả năng đạt tới giải thoát và giác ngộ. Trong xã hội có nhiều sự chênh lệch về tài sản và quyền thế. Trong giáo pháp mà con tìm ra thì mọi người đều bình đẳng vì đều có đầy đủ khả năng giác ngộ thành Phật. Thưa phụ vương, đúng vậy, chính phụ vương cũng có đầy đủ khả năng giác ngộ thành Phật, con mong phụ vương từ nay dõng mãnh thực hành lối sống thanh tịnh của thánh nhân. Bất cứ ai sống đời đạo đức thánh thiện sẽ được nhiều hạnh phúc ngay trong đời này và cả đời sau nữa[27].

Nghe Phật nói xong, vua Suddhodana liền đắc quả Tu-đà-hoàn. Vua ngạc nhiên và vui mừng nhận ra con mình bây giờ đã trở nên một vị lãnh đạo tinh thần đáng kính. Hai cha con lặng lẽ đi bên nhau trở về hoàng cung.

Trong khi ấy hoàng hậu Gotami, công chúa Yasodhara, công chúa Sundari Nanda và Rahula đang đứng trên lầu cao nhìn xuống, thấy tất cả những gì đang xảy ra. Khi vua và Phật gần đến hoàng cung, Yasodhara, một tay nắm lấy tay con, một tay chỉ Phật và bảo:

- Này Rahula, con có thấy ông thầy tu đang đi bên cạnh ông nội đó không?

- Dạ, con có thấy.

- Người ấy là cha của con đó. Con chạy xuống chào cha con đi. Cha con có gia tài quý báu lắm. Con xuống hỏi cha xin gia tài của con đi.

Rahula nghe lời mẹ chạy xuống lầu, băng qua sân chầu, chạy đến cổng hoàng cung, nắm lấy tay Phật, vừa thở vừa nói:

- Ông thầy tu ơi, mẹ con bảo xuống hỏi ông xin gia tài. Gia tài của con đâu, ông đưa cho con đi.

Ðức Phật ngồi xuống ôm Rahula vào lòng, nói:

- Gia tài của con hả? Ðược rồi, thông thả rồi cha sẽ trao cho.

Ðức Phật, tay trái nắm tay Rahula, tay phải cầm tay vua cha, cả ba người tiến vào hoàng cung.

Hoàng hậu Gotami lên tiếng bảo Yasodhara và Sundari Nanda cùng xuống sân chầu đón vua và Phật. Yasodhara thưa:

- Thưa mẫu hậu, thái tử ra đi giữa đêm khuya không một lời từ giã con. Suốt bảy năm nay cũng không hề có nhắn tin tức gì về cho con. Mọi tin tức về thái tử đều do con thăm dò mà biết. Vậy bây giờ thái tử về đây, nếu còn thương nghĩ đến con thì hãy vào cung tìm con.

Hoàng hậu Gotami tìm lời an ủi Yasodhara rồi bảo Sundari Nanda cùng mình xuống sân chầu. Vừa tới sân chầu, thấy vua và Phật đi vào vườn thượng uyển, hai người cùng đi theo vào.

Trời bắt đầu mùa nắng ấm. Trong vườn thượng, trăm hoa đua nhau khoe sắc. Chim chóc líu lo trên cành. Cảnh vật thật vui tươi mừng ngày đoàn tụ. Vừa thấy hoàng hậu Gotami và Sundari Nanda bước đến, Phật chào hỏi:

- Thưa mẹ! Em Sundari! Còn Yasodhara và em Nanda đâu?

- Em con đang đi tập võ, chắc nó cũng sắp về tới. Còn Yasodhara thì phiền trách con ra đi không một lời từ giã nó, và suốt bảy năm nay con không hề có tin tức gì về thăm nó. Nó nói nếu con còn nghĩ đến nó thì hãy vào cung mà gặp. Tội nghiệp! Yasodhara là một người đàn bà rất can đảm. Sau khi con đi, có nhiều hoàng thân quý tộc dòng Kshatriya[28] ngắm nghé đến hỏi nhưng nó đều từ chối. Khi nghe tin con sống đời tu sĩ thì nó cũng cổi hết vòng vàng châu báu và đắp y vàng. Nó thường theo dõi tin tức con và rất đau buồn trong thời gian con tu khổ hạnh tại Uruvela. Khi được biết con chỉ ăn mỗi ngày một bữa, nó cũng ăn mỗi ngày một bữa; khi được biết con không nằm giường cao, nó cũng nằm dưới thấp. Yasodhara quả là một thiếu phụ đáng thương, tiết hạnh vẹn toàn[29].

- Thưa mẹ, con biết. Mẹ và Yasodhara là hai người phụ-nữ can đảm và đức hạnh. Chốc nữa con sẽ vào thăm Yasodhara. Chà em Sundari Nanda chóng lớn quá!

- Siddhattha, vua nói, con hãy kể lại cho mọi người nghe về những năm con đi tìm thầy học đạo, tu khổ hạnh và thành đạo như thế nào. Ai cũng mong muốn biết rõ con sống như thế nào trong bảy năm qua.

Vâng lời vua, Phật bắt đầu kể sơ lược lúc ngài rời hoàng thành ra đi, lúc học với đạo sư Alara Kalama và đạo sư Uddaka Ramaputta, lúc tu khổ hạnh tại Uruvela với năm anh em ông Kondanna, lúc ngài thành đạo dưới cội cây Pippala (cây Bồ-đề), lúc ngài chuyển Pháp-luân tại Isipatana, lúc ngài gặp lại vua Bimbisara và được vua tổ chức một buổi cúng dường vĩ đại và tặng ngự-uyển Venuvana để làm tinh xá tu học cho tăng đoàn. Tiếng Phật đầm ấm. Ngài kể khái quát những gì đã xảy ra, và nhân cơ hội này ngài gieo những hạt giống chánh pháp vào lòng những người thân đang lắng nghe. Ðức Phật vừa kể xong thì nhà vua đắc quả Tư-đà-hàm (Sakadagami) và hoàng hậu Maha Pajapati đắc quả Tu-đà-hoàn (Sotapanna). Nanda, em cùng cha khác mẹ với Phật cũng vừa về tới. Ðức Phật nhìn Nanda bảo:

- Em về rồi đó à! Chà, trông em lúc nào cũng vui tươi và khoẻ mạnh. Em đã đính hôn rồi phải không? Bao giờ thì làm lễ cưới?

- Dạ, mọi người chờ anh về vài hôm sẽ làm lễ cưới. Em trông anh cũng khác xưa lắm.

- Phải đãy, hoàng hậu Gotami nói, Cha con chờ con về để làm lễ tấn phong Nanda làm thái tử cùng một lúc với lễ cưới Janapada-Kalyani làm vợ.

Hoàng hậu Gotami bảo Nanda nên chắp tay xá Phật theo cách lễ một đạo sĩ. Nanda vui vẻ làm theo. Theo lệnh của hoàng hậu Gotami, bữa ăn chay thịnh soạn được dọn ra ngay trong vườn thượng vào đầu giờ ngọ. Vua hỏi:

- Hồi nãy hai thầy đã khất thực được những gì rồi?

- Dạ, con mới được có một củ khoai. Còn thầy Nagasamala thì chưa được gì hết.

- Vậy để ta cúng dường hai thầy.

Vua đứng dậy để sớt thức ăn vào bát cho Phật và thầy Nagasamala. Ðức Phật, thầy Kaludayin và thầy Nagasamala chú nguyện xong, mọi người thọ thực trong im lặng giữa tiếng chim hót líu lo trên cành.

Cơm nước xong, hoàng hậu Pajapati Gotami khuyên Phật nên vào cung thăm Yasodhara. Ðức Phật cùng thầy Kaludayin và thầy thị giả Nagasamala đến phòng Yasodhara. Ðức Phật ngồi vào chỗ đã dọn sẵn cho ngài. Ngài nói với mọi người hãy để công chúa đảnh lễ theo ý thích, không nên nói gì. Công chúa Yasodhara và các thị nữ đều mặc y-phục màu vàng, đến đảnh lễ dưới chân Phật. Xong, công chúa cung kính ngồi lại một bên, hai giọt lệ chảy dài trên má. Ðức Phật khen ngợi đức hạnh của bà và thuật lại câu chuyện Canda-kinnara Jataka[30] về mối liên hệ giữa ngài và công chúa trong nhiều tiền kiếp, và nhắc lại lời hứa của công chúa trong một kiếp quá khứ, lúc hai người mang bảy hoa sen cúng đức Phật Dipankara (Nhiên Ðăng). Trong kiếp ấy công chúa hứa với Sumedha (tiền thân đức Phật) rằng nếu nàng được kết duyên với Sumedha thì khi chàng muốn xuất gia, nàng sẽ hết lòng giúp đỡ chứ không cản trở. Nhờ thần lực của đức Phật, Yasodhara nhớ lại rõ ràng lời hứa của mình, không còn buồn phiền nữa.

Ðức Phật, Yasodhara, thầy Kaludayin và thầy Nagasamala trở ra vườn thượng gặp lại vua và hoàng hậu. Mọi người lại có dịp hỏi Phật những điều họ còn chưa hiểu rõ về cuộc sống của Phật và giáo lý của ngài. Cuối cùng, hoàng hậu Pajapati Gotami khuyên Phật về ngụ trong hoàng cung, nhưng Phật bảo ngài phải cùng ở bên cạnh giáo đoàn khất sĩ tại công viên Nigrodha, và như vậy tiện hơn. Vua hỏi thăm Phật về cách thức sửa sang và xây cất thêm trong vườn Nigrodha để tăng đoàn có đủ tiện nghi, và ngài cũng có ý tổ chức một đại lễ cúng dường như vua Bimbisara ở nước Magadha để tất cả triều thần, nhân sĩ và đại chúng được nghe Phật giảng bày giáo pháp. Ðức Phật đồng ý.

Mặt trời đã xế bóng. Ðức Phật đứng lên từ giã để trở về công viên Nigrodha. Vua truyền đem xe tứ mã ra đưa Phật đi, nhưng ngài từ chối, bảo rằng tất cả khất sĩ đều đã lập hạnh chỉ đi bộ mà thôi.

Vua Suddhodana ra lệnh cho dân chúng treo cờ, kết hoa để làm lễ tấn phong Thái-tử và lễ cưới cho Nanda, đồng thời rước Phật và giáo đoàn đến hoàng cung thọ trai. Công viên Nigrodha được sửa sang để có đủ tiện nghi về vệ sinh, thời tiết và sinh hoạt cho giáo đoàn. Dân chúng và một số nhân sĩ đã bắt đầu lui tới công viên để cúng dường, giúp các công tác xây dựng, và học hỏi giáo lý. Thái tử Nanda đã đến thăm Phật được hai lần vào buổi chiều, và đã nghe Phật giảng dạy cho những điều căn bản trong giáo lý giác ngộ và giải thoát. Nanda rất thương kính Phật, và cảm thấy thích nếp sống an vui thanh tịnh của các vị khất sĩ. Nhưng khi về đến cung điện, được ở bên cạnh công chúa Janapada Kalyani đáng yêu đáng quý thì không còn ý nghĩ xuất gia nữa. Chàng rất phân vân tự hỏi không biết nên chọn con đường nào.

Ðến ngày đại lễ, cả thủ đô tưng bừng náo nhiệt, treo cờ, kết hoa, y phục đủ màu rực rỡ. Người ta vui vẻ, nô nức tập họp dọc theo hai bên đường mà Phật và giáo đoàn sẽ đi qua từ công viên Nigrodha đến hoàng thành. Ai cũng muốn nhìn thấy Phật. Trong hoàng cung hằng ngàn tân khách gồm các nhân sĩ chính trị, văn hóa, tôn giáo đã tề tựu đầy đủ. Hoàng hậu Gotami và Yasodhara đích thân điều khiển cuộc tiếp đãi. Mọi người đều trang phục lộng lẫy.

Ðức Phật và ba trăm khất sĩ mặc áo cà-sa vàng, tay ôm bình bát, im lặng, trang nghiêm, bước từng bước khoan thai, tiến dần đến cổng thành mở rộng. Vua Suddhodana và các đại thần ra tận cổng thành đón Phật. Khi đức Phật sắp đến cổng thành thì các vị cao niên ngã-mạn dòng Sakya bảo nhau:

- Vị sa-môn kia chẳng qua chỉ vào hàng con cháu của chúng ta thôi. Vậy hãy để bọn trẻ tuổi chào đón đạo sĩ, chúng ta đã già rồi, cứ ngồi yên một chỗ cũng được.

Đức Phật vì hạnh phúc con người

Ðức Phật biết được, e rằng sự cống cao ngã mạn trước một vị Phật sẽ làm cho các vị ấy mất nhiều phước đức và không còn đủ sáng suốt và chú tâm để nghe Phật giảng giáo lý cao thượng. Ðức Phật bèn dùng thần thông Yamaka Patihariya[31], bay lên giữa lừng trời, nửa thân phún ra lửa cùng một lúc nửa thân kia phún ra nước từ các lỗ chân lông, rồi ngài từ từ đi trên cầu vòng năm màu đến cổng thành đáp xuống cùng một lúc với đám mưa phùn nhẹ nhàng mát mẻ.

Vua Suddhodana kính cẩn chấp tay đảnh lễ Phật và thầm nhủ rằng đây là lần thứ ba[32] cha đảnh lễ con. Tất cả các vị hoàng thân, lòng ngã mạn tiêu tan, đều noi gương vua, cung kính đến lễ Phật.

Sau lễ tấn phong Thái-tử và lễ cưới của Nanda và Janapada-Kalyani, vua Suddhodana thỉnh Phật đến ngồi trên một bành ghế cao đã dọn sẵn. Khi Phật và các vị khất sĩ đã an tọa, vua ra hiệu cho các người hầu mang thức ăn ra cúng dường. Chính tay vua sớt thức ăn vào bát của Phật và thầy Sariputta. Trong khi hoàng hậu và Yasodhara hướng dẫn quân hầu thừa tiếp các vị khất sĩ và quan khách, trong đó có nhiều đạo sĩ Bà-la-môn, các du sĩ và cả các tu sĩ khổ hạnh. Tất cả đều thọ trai trong im lặng.

Khi mọi người đã thọ trai xong, bát của Phật và chư vị khất sĩ được quân hầu rửa, lau và giao trả lại cho từng người. Vua Suddhodana đứng dậy chấp tay thỉnh Phật thuyết pháp. Ðức Phật ngồi im lặng một lát để quán chiếu tâm ý của đại chúng. Rồi ngài bắt đầu nói kinh Vessantara Jataka[33], thuật lại nhân duyên đời trước lúc Phật làm vua Vessantara (Hộ-Minh), thác sanh về cõi trời Tusita (Ðâu-suất) rồi giáng sanh tại Kapilavastu. Kế đó đức Phật nói sơ lược về ý chí tìm đạo, kinh nghiệm học đạo và tu tập của mình. Rồi ngài khai thị cho đại chúng về tính cách vô thường, vô ngã và duyên sinh của vạn vật. Khi thấy đại chúng đã tiếp nhận được quan niệm mới mẻ này rồi, ngài giảng tiếp về Tứ Diệu Ðế: nhận thức sự có mặt của đau khổ trong cuộc sống, chỉ rõ nguyên nhân của đau khổ là vô minh và tham ái, chỉ rõ sự hiện hữu của cảnh giới an lạc niết bàn, và con đường tu tập để diệt khổ hầu tiến tới cảnh giới an lạc niết-bàn. Ðó là con đường tỉnh thức, giác ngộ và giải thoát, đưa đến hạnh-phúc chân thật. Ðức Phật xác nhận rằng những điều ngài vừa trình bày đều do ngài thực chứng khi ngài đạt được túc-mạng-minh, thiên-nhãn-minh và lậu-tận-minh trong đêm thành đạo dưới cội bồ-đề. Ðó là những thực tại do ngài trực nhận bằng tam minh của trí bát-nhã, chứ không phải do óc suy luận. Ðể kết thúc, đức Phật nói tiếp:

- Thưa Ðại vương và quý vị, tất cả mọi khổ đau của ta đều bắt nguồn từ vô minh, cố chấp, tham ái. Muốn thoát khỏi khổ đau phải diệt trừ vô minh, cố chấp và tham ái bằng cách dùng trí tuệ quán chiếu muôn vật đúng như thật. Người chưa đủ trí tuệ phải thực tập từ từ bằng phép quán hơi thở (anapana-sati), minh sát tuệ (vipassana), phải trì giới để ba nghiệp thân miệng ý được thanh tịnh; nhờ ba nghiệp thanh tịnh nên tâm ý được định; nhờ tâm ý định nên trí tuệ phát sanh; nhờ trí tuệ phát sanh nên vô minh, cố chấp, tham ái không còn; đau khổ do đó cũng chấm dứt. Thưa quý vị, quán chiếu và giới, định, huệ là con đường duy nhất đưa tới giải thoát và hạnh-phúc chân thật (niết-bàn).

Khi đức Phật chấm dứt pháp thoại, một số người đã chứng được quả Tu-đà-hoàn (Sotapanna), trong đó có công chúa Yasodhara, hoàng hậu Maha-Pajapati chứng quả Tư-đà-hàm (Sakadagami),riêng vua Suddhodana đắc quả A-na-hàm (Anagami).

Sau buổi thuyết pháp đó, có rất nhiều người tới công viên Nigrodha xin xuất gia hoặc thọ trì năm giới của người cư sĩ. Nhiều thanh niên trong dòng họ Sakya cũng đến xin xuất gia. Yasodhara cũng thường đi chung với hoàng hậu Pajapati và Rahula đến thăm Phật, cúng dường chư tăng và nghe thuyết pháp.

Sự Tích Đức Phật Thích Ca - Minh Thiện Trần Hữu Danh biên soạn

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Đời sống hằng ngày của Đức Phật

Đức Phật 08:37 17/04/2024

Đức Phật có thể được xem là vị giáo chủ hoạt động tích cực và nhiệt thành nhứt trên thế gian. Ngài luôn luôn bận rộn với công việc đạo pháp trọn ngày, trừ những lúc phải để ý đến vài nhu cầu vật chất. Chương trình hoạt động của Ngài được sắp xếp rất có qui củ và mực thước.

Thời niên thiếu của Tôn giả Mục-kiền-liên

Đức Phật 19:20 26/03/2024

Tôn giả Mục-kiền-liên, bậc Thánh đứng hàng thứ hai trong mười vị Đại đệ tử của đức Phật. Ngài được đức Thế Tôn khen ngợi là vị có thần thông đệ nhất và hiếu tâm lớn nhất trong hàng đệ tử xuất gia của Phật.

Ý nghĩa ngày Đức Phật nhập Niết bàn

Đức Phật 09:04 24/03/2024

Ngày Rằm tháng Hai vào năm 544 TCN, Đúc Phật Thích Ca đã nhập Niết Bàn. Ngay lúc ấy, mặt đất rung động mạnh. Trời, người, muôn vật đều khủng khiếp kinh hoàng. Chư Thiên Trời Đao Lợi ở giữa hư không rải hoa như tuyết rơi để cúng dường Đức Như Lai.

Cả đêm, rừng Sālā không ngủ

Đức Phật 13:25 22/03/2024

Thế là đến chiều tối, đức Phật và chúng tỳ-khưu mới tới được nơi dự định. Trăng vừa lên, sương mù bàng bạc, không gian như trải một màn lụa mỏng. Đất trời thanh sạch như không nhiễm một chút bụi trần, có lẽ là do có sự hiện thân của một nhân cách siêu việt chăng?

Xem thêm