Hình tượng Đức Phật Đản sanh và đi bảy bước trên bảy đóa sen
Cách đây hơn 25 thế kỷ, nhân gian đã hân hoan chào đón một vị Thái tử với hạnh nguyện lợi tha, vì chúng sanh mà xuống nhân gian hóa độ. Đó chính là Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni của chúng ta là người khai sáng ra Đạo Phật tại Ấn Độ và hiện hữu trên khắp thế giới.
DẪN NHẬP
Cách đây hơn 2.500 năm tại tiểu lục địa Ấn Độ, một bậc Thầy của trời và người đã ra đời, chính là Thái tử Siddhartha, con của vua Suddhodana (Tịnh Phạn), mẹ là Hoàng hậu Maya (Ma-da). Vì tầm cầu con đường giải thoát khỏi sự sanh, lão, bệnh, tử cho chúng sanh nên Ngài đã rời bỏ cung vàng điện ngọc để đi tìm chân lý rốt ráo. Sau 06 năm tu khổ hạnh và 49 ngày hành thiền dưới cội cây Bồ đề, Ngài đã đạt thành quả Chánh Đẳng Chánh Giác cùng với trí tuệ siêu việt, là một bậc Thầy của trời người. Từ khi mới sinh ra, Đức Phật đã có những điểm khác biệt với bao đứa trẻ khác, đó chính là hình ảnh hài nhi khi vừa sinh ra đã đi bảy bước trên bảy đóa sen.
NƠI ĐỨC PHẬT ĐẢN SANH
Xứ cộng hòa của bộ tộc Sakya thủ đô là Kapilavatthu [1] (và vùng lãnh thổ cổ sơ hiện nay nằm giáp ranh ở biên giới Ấn Độ – Nepal chia cắt) chính là quê hương của Đức Phật [2]. Theo văn hóa đương thời tại đây, người phụ nữ mang thai đứa con đầu lòng phải trở về quê ngoại để sinh [3], Hoàng hậu Maya cũng tuân theo lệ đó. Theo tác phẩm Đức Phật lịch sử [4], khi đến thời kỳ sắp sinh Thái tử, Hoàng hậu đã khởi hành từ Kapilavastu về quê ngoại ở Devadaha [5] để sinh con. Cuộc hành trình bằng xe ngựa hay xe bò cóc cách đã làm cho việc lâm bồn của bà xảy ra trước khi về đến Devadaha. Gần làng Lumbini [6] (nay là Rumindai), nơi đây không có nhà cửa, thầy thuốc nào lo việc hộ sản, chỉ có tàng cây Vô Ưu. Theo Lược sử Phật giáo Ấn Độ [7] cho rằng Đức Phật sinh ngày mùng 08 tháng 4 năm 624 trước Công nguyên. Bên cạnh đó, các nước như Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan thường lấy năm Đức Phật nhập Niết bàn là năm 544 TCN để làm lễ kỷ niệm [8] Hội Phật giáo thế giới năm 1952 đã thống nhất lấy năm Đức Phật diệt độ đó làm năm kỷ niệm “Phật lịch”, tức là Đức Phật sinh năm 624 TCN.
Vào năm 1896, Lumbini đã được các nhà khảo cổ học khai quật. Họ tìm thấy di chỉ quan trọng nhất chính là một thạch trụ cao 6,5m do Hoàng đế Asoka dựng năm 245 TCN ghi rằng: “Hai mươi lăm năm sau khi lên ngôi, quốc vương Devànampiya Piyadasi (Thiên Ái Thiện Kiến) ngự đến đây chiêm bái, vì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, bậc hiền nhân của bộ tộc Thích Ca đã Đản sanh tại đây. Nhà vua ban lệnh khắc một tượng bằng đá (?) và dựng một thạch trụ. Ngài miễn thuế đất ở làng Lumbini và giảm thuế hoa lợi từ 1/4 theo lệ thường xuống 1⁄8)” [9].
Cho đến ngày nay, những di tích gắn với cuộc đời của Đức Phật từ lúc Đản sanh vẫn còn được các nhà khoa học nghiên cứu và bảo tồn. Đức Phật với một con người bằng xương bằng thịt, được sinh ra và có bằng chứng chứ không phải một nhân vật hư cấu, truyền thuyết.
Ý NGHĨA HÌNH ẢNH ĐI BẢY BƯỚC TRÊN BẢY ĐOÁ HOA SEN
Ý NGHĨA 7 ĐOÁ HOA SEN
Hoa sen chính là loài hoa tượng trưng cho Phật giáo. Hoa sen là một loài hoa tinh khiết, đẹp với năm điều đặc biệt được Đức Phật khen ngợi. Kinh Pháp Hoa [10] đã đề cập đến vẻ đẹp của hoa sen như sau:
Một, có hoa là có gương, đó là nhân quả đồng thời.
Hai, mọc trong bùn lầy mà vẫn trong sạch thơm tho.
Ba, cọng bông từ gốc tách riêng, không chung cành với lá.
Bốn, ong và bướm không bu đậu.
Năm, không bị người dùng làm trang điểm.
Như vậy, hoa sen có năm đặc tính tốt đẹp mà các loài hoa khác không có. Đó là hình ảnh của hoa sen. Nhưng tại sao truyền thống kể lại rằng Ngài đã bước đi trên bảy đóa sen mà không phải là con số khác?
Trong kinh Trường A Hàm Đức Phật đã nêu rõ, sở dĩ Đức Phật bước đến bước thứ bảy rồi ngừng lại nói:
Thiên thượng thiên hạ
Duy Ngã độc tôn
Nhứt thiết chúng sinh
Giai hữu Phật tính.
Vì mỗi một hoa sen là một Đức Phật trước đó, hiện tại Ngài là Đức Phật thứ 07. Trong kinh Sơ Đại Bổn Duyên (Nhân duyên giáng sanh, thành đạo, giáo hóa của bảy Đức Phật trong thế giới Ta bà) thuộc Trường Bộ Kinh, kể lại có ba Đức Phật của kiếp quá khứ (Trang nghiêm kiếp) và bốn Đức Phật của kiếp hiện tại (Hiền kiếp). Kinh không nói đến kiếp vị lai (Tinh tú kiếp). Bảy Đức Phật gồm [11]: Một là Đức Phật Tỳ Bà Thi của kiếp quá khứ. Hai là Đức Phật Thi Khí của kiếp quá khứ. Ba là Đức Phật Tỳ Xá Bà của kiếp quá khứ. Bốn là Đức Phật Câu Lưu Tôn của kiếp hiện tại. Năm là Đức Phật Câu Na Hàm của kiếp hiện tại. Sáu là Đức Phật Ca Diếp của kiếp hiện tại. Bảy là Đức Phật Thích Ca của kiếp hiện tại giáo hóa chúng sanh trong thế giới Ta bà.
Sở dĩ Đức Phật dừng lại ở hoa sen thứ 07 và đọc bài kệ vì hoa sen thứ 07 chính là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hiện tại vừa giáng sinh để giáo hóa chúng sanh trong cõi Ta bà này. Đó chính là ý nghĩa của bảy đóa hoa sen xuất hiện trong lúc Đức Phật Đản sanh.
Ý NGHĨA 7 BƯỚC ĐI CỦA ĐỨC PHẬT
Chắc hẳn ai cũng biết khi Đức Phật vừa giáng sinh đã đi 07 bước, sau đó Ngài chỉ ngón tay lên trời, ngón tay chỉ xuống đất và đọc bài kệ vừa nói trên. Với trí tuệ siêu việt, phương tiện thuyết pháp cho chúng sanh, những cử chỉ của những bậc xuất thế thường khác với những người thường và mang giá trị giáo lý cao. Hình tượng Đức Phật vừa sinh ra đã đi 07 bước mang một ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Sự xuất hiện của một vị Phật là cả một quá trình trải qua nhiều kiếp, từ một người phàm phu phải tu nhiều đời nhiều kiếp để được thành Phật và dấu hiệu của một vị Bồ tát tái sanh để trở thành Phật chính là vừa giáng trần đã đi 07 bước, 07 bước đó thể hiện cho việc đắc được 07 đạo Bồ đề. Việc đó được dẫn chứng trong kinh Ưu Bà Di Tịnh Hạnh Pháp Môn như sau:
Bước đi thứ nhất, chỉ về phương Ðông, vì làm người dẫn đường cho các chúng sanh [12]. Phương Đông là phương của mặt trời mọc, tượng trưng cho trí tuệ của chúng sanh. Trong kinh Pháp Hoa có nói: “Các Đức Phật Như Lai chỉ giáo hóa Bồ tát, những điều làm ra thường vì một việc: Chỉ đem tri kiến Phật cho chúng sanh tỏ ngộ thôi” [13]. Và Đức Phật tái sanh để giáo hóa, giúp chúng sanh được khai mở trí tuệ, ngộ nhập tri kiến Phật vốn có của chính mình.
Bước đi thứ hai, chỉ về phương Nam vì làm ruộng phước lành cho chúng sanh [14]. Đức Phật là một bậc Đại Giác Lưỡng Túc Tôn, Ngài đã huân tập tu hạnh nhẫn nhục, bố thí một cách Ba-la-mật từ vô thỉ kiếp. Bố thí cả cung vàng điện ngọc, vợ đẹp, con ngoan, cả mắt, tai, mũi, lưỡi… Ngài nhận ra rằng, muốn giải thoát thì trí tuệ thôi chưa đủ, phải có thêm phước đức. Nếu thiếu một trong hai thì như chim chỉ có một cánh không thể bay được. Vì thế, Ngài cần có đầy đủ phước đức và trí tuệ để làm ruộng phước cho chúng sinh nương vào đó mà gieo hạt.
Bước đi thứ ba, chỉ phương Tây vì đời này của Bồ tát đã tận, đây là thân cuối cùng [15]. Nhắc đến phương Tây, người ta sẽ nghĩ đó là nơi yên nghỉ lặng lẽ. Thân của Đức Phật sẽ đi vào cõi vô sanh bất diệt hay gọi là Niết bàn khi Phật pháp có người truyền thừa, nhưng trí tuệ và phước đức vô biên của Đức Phật vẫn còn hiển hiện nơi đây để cho chúng sinh gieo phước cúng dường.
Bước đi thứ tư, chỉ về phương Bắc, vì với tất cả chúng sanh thì Bồ tát đã đắc Vô thượng Bồ đề [16]. Trong quá trình tu tập để đạt đến đạo quả Bồ đề, với trí tuệ siêu việt. Ngài nhận ra tâm Phật và chúng sanh vốn không sai biệt, nhưng muốn đạt được sự cứu cánh giải thoát thì chúng sanh phải bỏ qua tâm ích kỷ, hẹp hòi của mình, biết thực hành Lục Độ Ba-la-mật như Bồ tát Địa Tạng đã phát nguyện: “Địa ngục vị không thệ bất thành Phật, chúng sanh độ tận phương chứng Bồ đề”. Nhưng không dừng lại ở hạnh nguyện đó, phải tiếp tục hạnh nguyện độ tha cho đến khi đạt đến Phật quả mới thôi. Vì lòng từ bi vô lượng, Đức Phật đã tu tập đến quả vị Vô Thượng Bồ đề để cho chúng sanh nương nhờ mà lấy đó làm gương.
Bước đi thứ năm, chỉ phương dưới vì muốn phá tan binh ma để chúng thối lui [17]. Phương dưới là những nơi u tối, ví như những phiền não chướng và sở tri chướng. Không những thế, còn có những cám dỗ ngoại ma bên ngoài tác động, làm cho chúng sanh vướng phải, là nguyên nhân của việc sanh tử luân hồi. Thấy được điều đó, Ngài đã phát nguyện tu hành vì chúng sanh mà hàng phục những ma chướng đó. Đó là quá trình Bồ tát phát khởi tu tập xả bỏ chấp trước nội tâm hay ngoại cảnh để thành tựu “Tứ vô lượng tâm” (từ, bi, hỷ, xả). Bởi chỉ khi đạt được chánh quả thì mới hàng phục được những ma chướng này, mới làm thầy dẫn đường cho chúng sanh đạt được giải thoát cứu cánh.
Bước đi thứ sáu, chỉ phương trên vì làm chỗ quy y cho trời, người [18]. Đức Phật thấy được chúng sanh tuy phát tâm tu hành, dùng trí tuệ Bát nhã để quán chiếu dẹp trừ ma chướng cho chính mình. Đồng thời, Ngài cũng thấy rằng, trên lộ trình giải thoát sanh tử đó chúng sanh khi ý chí mỏi mệt rất cần nơi nương tựa, cần có một bậc giác ngộ toàn năng chỉ đường. Là Người cha lành của muôn loài, đã vì chúng sanh mà phát hạnh nguyện lợi tha. Vì lòng từ bi bao la đó, Đức Phật sẽ là người cho chúng sanh nương tựa, tiếp thêm sức mạnh, nghị lực cho chúng sanh, dẫn dắt chúng sanh trên con đường tìm cầu Phật đạo, giải thoát cho chính mình.
Bước đi thứ bảy, rống tiếng Sư tử vì là bậc tối thượng, tối tôn trong trời người tất cả chúng sanh không ai sánh bằng [20]. Trong kinh Trường A Hàm cũng đã đề cập đến:
“Thiên thượng thiên hạ – Duy Ngã độc tôn
Nhứt thiết chúng sinh – Giai hữu Phật tính”.
Có nghĩa là khắp trong thế gian chỉ có ta tôn quý. Chúng sanh trong thế gian đều bị chi phối bởi sinh, già, bệnh, chết. Hay nói cách khác rõ hơn, trên trời dưới đất chỉ có chân ngã, chính là bản tâm thanh tịnh là đáng tôn kính. Chính cái chân thể độc tôn này là viên ngọc Phật tánh thường hằng, thanh tịnh bất biến trong mỗi con người. Tất cả chúng sanh ai cũng có Phật tánh. Chỉ có cái chân thể độc tôn này mới cho chúng sanh an lạc, giải thoát cứu cánh.
Qua đó thấy được, Đức Phật ra đời và đi 07 bước trên 07 đóa sen để cho chúng sanh thấy rằng Ngài xuất hiện trên thế gian này với tâm, trí tuệ vô nhiễm. Xuất hiện để giáo hóa chúng sanh, để làm nơi nương tựa, dìu dắt chúng sanh ra khỏi biển luân hồi đạt đến cứu cánh giải thoát.
KẾT LUẬN
Cách đây hơn 25 thế kỷ, nhân gian đã hân hoan chào đón một vị Thái tử với hạnh nguyện lợi tha, vì chúng sanh mà xuống nhân gian hóa độ. Đó chính là Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni của chúng ta là người khai sáng ra Đạo Phật tại Ấn Độ và hiện hữu trên khắp thế giới, là một Bồ tát giáng trần, khi vừa mới sinh ra Ngài đã bước đi 07 bước trên 07 đóa sen. Hình tượng đó mang một ý nghĩa vô cùng to lớn và sâu sắc. Hình tượng 07 đóa sen chính là Đức Phật muốn cho chúng sanh biết được bảy Đức Phật trong quá khứ và Ngài là vị Phật thứ 07. Còn hình ảnh bước đi 07 bước rồi chỉ tay lên trời đọc bài kệ chính là sự khẳng định lúc đó Ngài là một vị Bồ tát đã đắc được bảy đạo Bồ đề và giờ đây sẽ thị hiện nơi nhân gian để giáo hóa chúng sanh, sẽ là ruộng phước điền cho chúng sanh gieo hạt giống phước báu, là nơi cho chúng sanh nương tựa trên lộ trình tu tập giải thoát của mình. Với lòng từ bi vô thượng. Đức Phật đã giáng sanh vào cõi nhân gian để thực hiện hạnh nguyện lợi tha cao cả của mình. Để tưởng nhớ đến ngày kỷ niệm của Đức Thế Tôn Đản sanh, hằng năm, mỗi chùa thường tổ chức lễ Phật đản để tưởng niệm đến Người cha hiền đã đem chánh pháp đến nhân gian độ chúng sanh còn u mê, lầm lạc.
Chú thích và tài liệu tham khảo:
[1] Phiên âm là Ca-tỳ-la-vệ
[2] H.W.Schumann – Trần Phương Lan (dịch), Đức Phật lịch sử, Nxb.. Thành phố Hồ Chí Minh, 2000, tr.34-35
[3] Viên Trí, Ấn Độ Phật giáo sử luận, Nxb. Phương Đông, 2014, tr.56
[4] H.W.Schumann – Trần Phương Lan (dịch), Sđd, tr.40-41
[5] Một thị trấn lớn thuộc bộ tộc Sakya
[6] Phiên âm là Lâm-tỳ-ni
[7] HT. Thích Hạnh Kiểm, Lược sử Phật giáo Ấn Độ, Nxb. Tôn giáo, 2014, tr.32
[8] HT. Thích Hạnh Kiểm, Sđd, tr.33
[9] W.Schumann – Trần Phương Lan (dịch), Sđd, tr.40-41
[10] HT. Thích Trí Tịnh (dịch), Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Nxb.. Tôn giáo, 2005, tr.93
[11] Kinh Trường A Hàm, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1991, tập 1, tr.13-84
[12] Sđd, tr.68
[13] HT. Thích Trí Tịnh, Sđd, tr.66
[14] Ns. Diệu Châu, Kinh Ưu Bà Di Tịnh Hạnh Pháp Môn, 2009, tr.68, PDF
[15] Sđd, tr.68
[16] Sđd, tr.68
[17] Sđd, tr.68
[18] Ns. Diệu Châu, Kinh Ưu Bà Di Tịnh Hạnh Pháp Môn, 2009, tr.68, PDF
[19] Sđd, tr.68.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Đức Phật là người Thầy giáo vĩ đại
Đức Phật 12:00 20/11/2024Bản chất của đạo Phật là một nền giáo dục trí tuệ nhân văn vĩ đại, đức Phật là người thầy giáo vĩ đại của nhân loại.
Đức Phật lịch sử
Đức Phật 08:45 20/11/2024Đức Phật là bậc đạo sư của Phật giáo, tuy nhiên, không giống những vị giáo chủ các tôn giáo khác gắn liền phần tiểu sử của mình với những huyền ảo bí ẩn, cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có cả phần huyền sử và phần lịch sử.
Đức Phật đến với chúng ta
Đức Phật 09:12 05/11/2024Chúng sinh hay hữu tình là những loài bị trói, không phải bởi một giây phiền não, mà cả trăm giây phiền não, cả ngàn giây phiền não, cả vô số vô biên giây phiền não.
Đức Phật: Nơi quy ngưỡng của tâm thức nhân loại
Đức Phật 11:05 28/10/2024Trong muôn vàn những phát biểu trang trọng mà nhân loại trên hành tinh đã dành để bày tỏ lòng kính ngưỡng đối với Đức Phật, có hai nhận định quan trọng nói về cuộc đời giác ngộ của Ngài, có thể giúp chúng ta hiểu lý do vì sao Liên Hiệp Quốc quyết định chọn Vesak làm ngày kỷ niệm và tôn vinh Ngài.
Xem thêm