Đường vòng
Anh bạn tôi - một giáo viên cấp III ưa bàn chuyện thời sự - kể lại cho tôi về một phát hiện của cánh nhà báo Hà Nội làm phóng sự, điều tra về hoạt động taxi ở đấy.
Họ nhận thấy hầu hết anh tài taxi đều tìm cách chở khách đi đường vòng, không mấy khi "trực chỉ" từ A đến B theo đường ngắn nhất. Ðoạn đường, do vậy, có khi dài gấp đôi gấp ba đoạn đường cần đi. Và lẽ dĩ nhiên tiền khách phải trả cũng (đành) gấp đôi, gấp ba. Chẳng thể có tên gọi gì khác cho cách làm đầy "sáng tạo" này ngoài việc ngậm ngùi gọi nó là "làm ăn gian dối hợp pháp".
Cái thói ưa đường vòng để kiếm lợi ấy có những "người anh em" của nó, trong nhiều lĩnh vực. Học hành lôm côm không thể thẳng tiến đường hoàng vào giảng đường đại học được thì đi đường vòng, trung cấp, liên thông, rồi cũng có cái đại học như ai, chỉ có điều - như cách cánh tài xế taxi áp dụng - thời gian dài ra.
Ăn nói bây giờ cũng lòng vòng, cuối cùng cũng phải đụng đến chuyện cần nói, chuyện tế nhị, nhưng nhất định trước đó vẫn phải xa xôi, bóng gió. Cách này làm loãng ra sự "nhạy cảm", hòng dễ làm cho đối phương chấp nhận. Những chuyện tiêu cực không "thảo luận" ở cửa quan người ra kẻ vào tấp nập được, người ta đi cửa sau, gặp "bà tri huyện" để tỉ tê, cũng lại là đường vòng. Lắm khi không vòng không xong.
Tôi có nhiều bạn là giáo viên, mà tiếc thay chuyện giáo dục lại thường buồn. Môn ngữ văn học sinh lắp ghép, mượn ý bậc này bậc nọ cho xong bài văn. Rồi một ngày một em viết đại ra sự thật, viết tuốt sự thật, về cái nghèo, cái khổ có thật của gia đình mình, thế là thành hiện tượng. Nhiều em đã nghĩ và nói: con cũng viết được như thế. Vậy sao không viết? Vì không dám. Trẻ thơ đã chịu bệnh "đường vòng" như vậy đó. Anh bạn giáo viên cấp III của tôi, người cũng đi đường vòng, nay có một xấp bằng cấp song cứ thấy hụt hẫng, khập khiễng suốt, và rất mực khổ sở.
Tiến bộ khoa học làm cho sản xuất ít hao tốn nhân công, nhiên liệu, nguyên liệu hơn, giá thành hạ xuống, sản phẩm rẻ. Nhưng ở thế kỷ 21 mà ở ta vẫn thịnh hành "phương pháp đường vòng", âu cũng là một sự sáng tạo... ngược! Thành ra có lúc người muốn đi đường thẳng cũng đành thúc thủ, cả thiên hạ đi vòng, phải chịu thôi.
Bệnh này có từ lúc nào chẳng rõ. Hẳn là từ lúc ta không còn dám nhìn vào sự thật, không dám nói sự thật, không thẳng thắn được, ngay cả với chính mình. Từ lúc ta thấy đối phó, làm cho qua, hay luồn lách một chút lại có lợi trăm bề, lại dễ dàng trót lọt quá...
Ðạo Phật thường nói về "nghiệp" và "tạo nghiệp". Nôm na mà hiểu, hành động, suy nghĩ, lời nói lặp đi lặp lại sẽ tạo thành nghiệp, và có nghiệp lực. Nghiệp lại có nghiệp thiện và nghiệp ác. Vậy biết đâu lại có cái nghiệp vòng vo tam quốc, nghiệp lẩn tránh sự thật, tạo thành lối mòn tai hại, nhiều người đi trên lối ấy, ta cũng trên lối ấy, đi lâu quên mất cách đi đường thẳng, nhận chân được sự vật sự việc thành ra chuyện bất khả.
Ði khám bảo hiểm y tế gặp một vị là chủ tịch huyện vừa về hưu. Cùng nhìn đông nghịt bà con ngồi chờ được khám, tôi đùa "ai có sức khỏe tốt mới đi khám bảo hiểm y tế được, người bệnh không chờ nổi". Vị cựu chủ tịch thốt lên "ai ở đâu trả về ở đó (khám) thì nhanh thôi". Cái câu đáp tưởng như lạc đề ấy biết đâu lại là câu trả lời "trúng" cho bệnh "đường vòng": Ở đâu trả về ở đấy, chính danh chính ngữ chính nghiệp, sống với lẽ thật, không đi vòng vo nữa.
Trị bệnh đường vòng, cũng như bất cứ sự điều trị nào khác, ắt có đớn đau bởi sự thật có lúc không ngọt ngào, có người không chịu nổi, một phần vì đã trót quen ở lâu trên đường mòn vòng vèo, lẩn tránh. Giờ phải học cách nhìn thẳng, nói thẳng, không lẩn tránh. Làm được bao nhiêu báo cáo bấy nhiêu. Học tới đâu nói tới đấy. Có gì nói nấy. Không tô hồng, không ngụy biện. Thẳng trong tư duy, trong nhận thức sự thật, thẳng trong phát ngôn, trong hành xử với người. Cũng khó lắm thay. Nhưng trị bệnh đường vòng có cách nào khác?
NGUYỄN THÀNH CÔNG
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Truyện ngắn: Điều hạnh phúc nhất
Góc nhìn Phật tử 13:50 14/11/2024Bé Sony đã ngủ từ lâu. Nằm trên giường, môi con mím lại, chúm chím, trông đáng yêu vô cùng.
Mẹ là chính một kỳ quan
Góc nhìn Phật tử 16:30 13/11/2024Mẹ là vằng vặc trăng rằm/ Cho con ánh sáng soi thềm bóng đêm/ Mẹ là điểm tựa trước đèn/ Cho con tỉnh giấc ngủ quên giữa đường...
Tu tập đúng mang lại sự cân bằng và hài hòa cho gia đình
Góc nhìn Phật tử 11:20 13/11/2024Sự tu tập đòi hỏi một trái tim sâu sắc và ý thức nhạy bén để hiểu rõ về cân bằng giữa gia đình và phụng sự. Sự cân bằng này sẽ giúp người chồng và người vợ cảm nhận được sự liên kết mạnh mẽ giữa việc phục vụ xã hội và hạnh phúc gia đình.
Nhàn hạ đích thực
Góc nhìn Phật tử 20:08 12/11/2024Trong một buổi chiều mùa thu yên ả, khi ánh mặt trời dịu dàng rải xuống từng tia nắng ấm, tôi ngồi dưới bóng cây bồ đề trong sân chùa, lặng lẽ quan sát những chiếc lá rụng lác đác trên mặt đất.
Xem thêm