Mỗi chúng ta đều có một gia đình tâm linh, tại vì mỗi người trong chúng ta đều có chiều hướng tâm linh trong cuộc sống, nếu không có nó thì cuộc sống của mình sẽ khô cằn, nghèo đói và khổ đau.
Tôi biết một anh chàng họa sĩ sống ở Hoa Kỳ, người Huế. Ngày xưa anh rời quê hương một cách rất khó khăn. Anh ta đã xin làm bồi trên một chiếc tàu thủy để đi qua một nước Tây phương. Anh ta nghĩ rằng mình sẽ có một tương lai ở đó. Cái đêm anh từ giã bà mẹ của mình, hai mẹ con đã khóc rất nhiều. Bà cụ là một người đàn bà Huế không biết đọc biết viết nhưng bà đã dặn người con trai như thế này: “Khi con qua bên nớ, mỗi khi nhớ mạ nhiều lắm thì con đưa bàn tay lên và con nhìn bàn tay con cho kỹ, con sẽ bớt nhớ mạ”. Trong suốt mấy mươi năm ở Mỹ, chưa có cơ hội trở về Việt Nam, anh ta thường đưa bàn tay lên ngắm và thấy được an ủi. Cố nhiên bà mẹ Việt Nam đó chưa bao giờ từng học triết học, chưa từng học khoa học nhưng bà có tuệ giác của cha ông để lại. Bà biết rằng mình có mặt trong bàn tay của con trai mình.
Chúng ta biết rằng tất cả gia tài di truyền của tổ tiên, của cha ông mà chúng ta được tiếp nhận và các thế hệ tổ tiên cũng như cha mẹ mình đang có mặt đích thực trong từng tế bào của cơ thể mình. Đó là một sự thực khoa học. Tất cả kinh nghiệm, trí tuệ, những hạnh phúc của tổ tiên, của ông bà và cha mẹ đã được trao truyền cho chúng ta. Tất cả những khổ đau, khó khăn, những bức xúc của tổ tiên, của ông bà, cha mẹ cũng đã trao truyền cho chúng ta. Tổ tiên chúng ta, kể cả thế hệ tổ tiên trẻ nhất là cha mẹ đang có mặt một cách đích thực trong từng tế bào của cơ thể. Vì vậy cho nên người mẹ kia, tuy không biết khoa học, không biết triết học nhưng đã nói lên tuệ giác đó, này con mỗi khi con nhớ mẹ, con chỉ cần đưa bàn tay lên, con sẽ thấy đỡ nhớ. Tuy bà không nói nhưng trong lời dặn dò với người con trai đó đã ẩn chứa ý nghĩa là mẹ đang có mặt trong từng tế bào của cơ thể con. Sự thực khoa học đó hiện bây giờ đã được mọi người chấp nhận.
Chúng ta thường nói với nhau rằng, con cái ở đâu thì ông bà ở đó. Điều này cũng là một sự thực khoa học. Ông bà đi theo con cái không phải đi theo sau lưng, hoặc đi theo bên phải, hoặc bên trái hay đi trước mặt mình, mà ông bà đi theo ngay từng tế bào của cơ thể. Chúng ta đi đâu thì chúng ta đem tổ tiên ông bà đi theo nơi đó. Điều đó có thể hiểu một cách rất khoa học. Chúng ta đi Mỹ thì tổ tiên ông bà của mình đi Mỹ. Chúng ta đi Hà Lan thì tổ tiên của mình đi Hà Lan. Chúng ta đi Úc thì tổ tiên của mình đi Úc. Chúng ta lên thiên đường thì tổ tiên của mình sẽ lên thiên đường. Chúng ta xuống địa ngục thì tổ tiên của mình cũng sẽ xuống địa ngục với chúng ta.
Xã hội chúng ta trong thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, con người có cảm tưởng là mình mất gốc, cảm thấy bơ vơ, lạc loài mà không cảm thấy được sự liên hệ giữa mình với tổ tiên, ông bà, cha mẹ mình. Có những người trai trẻ lớn lên giận cha, giận mẹ, phủ nhận văn hóa, dân tộc và đất nước của mình. Đó là vì họ phải gánh chịu quá nhiều khổ đau. Có người giận cha mình đến mức tuyên bố: “Ông đó hả, tôi không muốn có liên hệ gì đến ông đó hết! I do not want to have anything to do with him! Nói như vậy không có nghĩ là không có những người thanh niên Việt Nam có nghĩ và nói như vậy khi cảm thấy những đau khổ của mình là do cha mình, mẹ mình gây ra thì mình sẽ thù hận cha, mẹ và không muốn có sự liên hệ đến cha mẹ mình nữa. Đó là những con người phóng thế, con người không có gốc rễ. Và khi không có gốc rễ thì không thể nào chúng ta có được hạnh phúc.
Thời đại chúng ta đã chế tạo ra không biết bao nhiêu con ma đói. Những con ma đói bằng xương bằng thịt, đi trong xã hội, đi trong cuộc đời để kiếm một chút hiểu và một chút thương, kiếm một nơi nương tựa, nhưng lại hoàn toàn bơ vơ. Chỉ cần nhìn quanh, chúng ta sẽ nhận diện ra được những con ma đói đó. Họ đói nhưng không phải đói cơm áo, mà họ đói hiểu biết, đói tình thương. Cái hiểu và thương đó, gia đình không cung cấp được cho họ. Họ không tin vào nơi hạnh phúc gia đình mà nghĩ rằng hạnh phúc gia đình là một ảo tưởng không bao giờ có. Bởi vì từ lúc họ được sinh ra, họ chưa bao giờ thấy gia đình có hạnh phúc, cha làm khổ mẹ, mẹ làm khổ cha; cha đay nghiến mẹ, mẹ đay nghiến cha… Tất cả điều đó đã gây ra vết thương rất sâu đậm nơi người con trai, con gái. Và khi giữa cha mẹ không có sự truyền thông (communication), khi giữa cha con không có truyền thông, cha không nhìn mặt con được, con không nói chuyên với cha được thì làm sao có được hạnh phúc. Gia đình không phải là nơi mà người trẻ muốn trở về và người trẻ đi tìm quên lãng ở những lĩnh vực khác, và vì thế mà người trẻ sa vào hầm hố của tội ác, của tội phạm, của ma túy, trác táng…
Ở Pháp, mỗi ngày có khoảng 33 thanh niên tự tử. Họ tự tử không phải vì thiếu cơm thiếu áo mà họ lâm vào trạng thái tuyệt vọng. Trong cuộc đời của họ, họ chưa bao giờ tiếp nhận chất liệu hiểu và thương từ cha mẹ, từ xã hội. Cuộc sống đối với họ không có một ý nghĩa gì cả và họ nghĩ rằng phương pháp chấm dứt khổ đau duy nhất còn lại là chấm dứt cuộc đời của mình. Mỗi ngày có 33 thanh niên Pháp tự tử, con số đó là hơi nhiều đối với tôi. Các nước khác ở Âu châu, tình trạng cũng tương tự. Tôi không biết tại Việt Nam mỗi ngày có bao nhiêu thanh niên tự tử, nhưng số lượng các gia đình trong đó người cha không truyền thông được với người mẹ, con không truyền thông được với cha, mọi người trong gia đình cảm thấy không hạnh phúc, số lượng gia đình như vậy càng ngày càng tăng. Tỷ lệ những cặp vợ chồng ly dị cũng càng ngày càng tăng.
Tôi nghe được rằng tỷ lệ của những cặp vợ chồng ly dị ở Hà Lan là trên 50%. Cấu trúc gia đình tại xã hội Tây phương bây giờ rất là lỏng lẻo và mong manh. Cấu trúc đó có thể tan rã bất cứ lúc nào. Ngày xưa chúng ta có một cấu trúc gia đình vững chãi hơn nhiều. Khi chúng ta có những khó khăn trong gia đình của mình, mình có thể chạy qua nhà ông chú, bà thím, ông bác… để “tỵ nạn”, và sau đó chúng ta có thể trở về nhà được. Còn bây giờ gia đình trở nên nhỏ xíu, mỗi gia đình ở trong căn hộ rất nhỏ hẹp trong khu chung cư. Những gia đình như thế gọi là gia đình hạt nhân (nuclear family), chỉ gồm hai vợ chồng và một hoặc hai đứa con. Khi mà chúng ta cảm thấy rằng mình không có gốc rễ, không bám vào được gia đình mình, mình không có gốc rễ trong gia đình, không có gốc rễ trong truyền thống tâm linh và trong xã hội, trong văn hóa, trong đất nước thì lúc đó mình sẽ trở thành con ma đói. Xã hội Tây phương hiện nay sản xuất rất nhiều con ma đói như thế.
Những trung tâm tu học của chúng tôi tại Pháp quốc và Mỹ quốc luôn luôn sẵn sàng chấp nhận những con ma đói. Chúng ta chỉ nhìn ai đó qua cách họ đi, ngồi, nhìn, nói chuyện trong một phút là có thể nhận diện ra họ có phải là một con ma đói đích thực hay không, họ có phải là người đói tình thương, đói hiểu biết, đói một cái gì đó để mình có thể đồng nhất hóa, thống thuộc vào và hoàn toàn bơ vơ.
Trong những năm hành đạo tại Tây phương, chúng tôi đã giúp cho không biết bao nhiêu người Tây phương trở về được với gia đình của họ, tái lập được truyền thông với cha, với mẹ và xây dựng lại được tình thân trong gia đình. Chúng tôi đã giúp được vô số cặp vợ chồng, cha con, mẹ con hòa giải được với nhau. Chúng tôi đã sử dụng những yếu tố của văn hóa Việt Nam để làm việc đó.
Tôi đã từng nói với một thanh niên: anh nói rằng anh không muốn có một sự liên hệ gì với cha anh cả, điều đó thật là buồn cười. Bởi vì, nếu dành chút thì giờ để nhìn lại thì anh sẽ thấy rằng anh chính là sự tiếp nối của cha anh, anh chính là cha anh đó! (You are continuation of your father. You are your father!). Anh hãy nhìn một hạt bắp người ta mới gieo xuống đất, vài ngày sau hạt bắp nảy mầm, mình sẽ thấy một cây bắp con được biểu hiện bằng hai lá, ba lá. Khi cây bắp con được biểu hiện ra rồi thì mình không thấy cái tướng, hình tướng của hạt bắp nguyên sơ nữa. Hạt bắp coi như đã chết để cho cây bắp được sinh ra. Nhưng kỳ thực, hạt bắp không chết. Hạt bắp chỉ luân hồi thành cây bắp. Không có cái chết. Tự tính của hạt bắp là vô sinh, bất diệt. Khi anh là người có trí tuệ, nhìn vào cây bắp, anh sẽ thấy được hạt bắp, không phải với cái tướng cũ của nó mà với cái tướng mới, tại vì cây bắp là sự tiếp nối của hạt bắp, cây bắp chính là hạt bắp. Khi cây bắp lớn lên, có bông có trái thì đó cũng là sự tiếp nối của hạt bắp ban đầu. Khi nhìn cờ bắp, những trái bắp mới ta phải thấy được hạt bắp ban sơ.
Cũng vậy, anh hãy nhìn lại mà xem, anh là sự tiếp nối của cha anh, anh là sự tiếp nối của mẹ anh; và anh chính là cha anh, anh chính là mẹ anh. Đây là một sự thực hiển nhiên anh phải công nhận rằng cha anh, mẹ anh có mặt một cách rất hiện thực trong từng tế bào của cơ thể anh. Anh không thể nào lấy cha anh ra khỏi con người của anh được. Anh không thể tách mẹ anh ra khỏi con người của anh được. Và như vậy, khi anh giận cha anh, tức là anh đang giận chính bản thân mình. Anh không có nẻo thoát. Hãy hãy sử dụng những phương pháp mà chúng tôi đề nghị để anh hòa giải với cha anh trong anh trước. Tại vì anh biết rằng thật là vô vọng nếu anh muốn lấy cha anh ra khỏi anh. Bởi anh không thể làm điều đó được, vì anh là sự tiếp nối của cha anh, anh chính là cha anh. Chỉ có một con đường duy nhất là anh phải hòa giải với cha anh trong chính anh. Phương pháp này gọi là phương pháp quán chiếu: thấy mình là sự tiếp nối của cha mình, mình là cha mình. Có thể cha mình trong quá khứ, trong thời thơ ấu đã không được may mắn, đã bị bầm dập, không được thương yêu, không được chăm sóc và những vết thương ấy nơi cha anh không bao giờ lành cả. Cha anh chưa có cơ duyên gặp được Chánh pháp, gặp được vị hướng dẫn tinh thần giúp cho cha anh nhận diện vết thương, ôm ấp và chuyển hóa vết thương đó, vì vậy cha anh đã trao truyền cho anh nguyên vẹn vết thương mà cha anh đã tiếp thu.
Khi chúng ta có niềm đau nỗi khổ mà chúng ta không có biện pháp để trị liệu và chuyển hóa thì chắc chắn chúng ta sẽ truyền trao niềm đau nỗi khổ đó cho con, cho cháu của chúng ta. Vì vậy cho nên sự tu tập là rất quan trọng. Tu tập để nhận diện niềm đau nỗi khổ trong ta, để có thể trị liệu, chuyển hóa và để đừng có trao truyền nó lại cho thế hệ tương lai. Nếu mình là một người cha hay, một người mẹ giỏi thì mình chỉ muốn trao truyền cái hay cái đẹp, cái hạnh phúc của mình thôi. Và điều đó chỉ thực hiện được khi chúng ta có sự tu tập. Nếu mình muốn là một người thầy giỏi, thì mình chỉ trao truyền những cái hay cái đẹp, cái tuệ giác, từ bi của mình thôi; còn những yếu kém và khổ đau của mình, mình phải biết ôm ấp, chuyển hóa và trị liệu trước khi mình trao truyền cho thế hệ tương lai.
Mỗi chúng ta đều có hai gia đình: gia đình huyết thống và gia đình tâm linh. Gia đình huyết thống trong đó có ông bà, cha mẹ và di sản di truyền mà chúng ta tiếp nhận là từ cha mẹ, từ ông bà tổ tiên huyết thống. Mỗi chúng ta đều có một gia đình tâm linh, tại vì mỗi người trong chúng ta đều có chiều hướng tâm linh trong cuộc sống, nếu không có nó thì cuộc sống của mình sẽ khô cằn, nghèo đói và khổ đau.
Giả sử vua Trần Thái Tông nếu không có chiều hướng tâm linh trong đời sống thì vua không thể nào trở thành một vị vua như vua đã trở thành. Năm 20 tuổi, vua bị thái sư Trần Thủ Độ ép buộc phải bỏ người yêu là công chúa Lý Chiêu Hoàng để lấy người chị ruột của Lý Chiêu Hoàng đang có thai với An Sinh vương Trần Liễu, tại vì thái sư Trần Thủ Độ nóng lòng muốn có sự kế tiếp cho dòng dõi nhà Trần. An Sinh vương Trần Liễu rất căm thù và đã tổ chức hải quân chống lại triều đình. Triều đình nhà Trần ban đầu mặc dù Trần Cảnh tại vị nhưng quyền lực chính trị thì hoàn toàn do Trần Thủ Độ quyết định. Trong đau khổ tột cùng đó, Trần Cảnh đã bỏ ngai vàng tìm đến núi Yên Tử để muốn xuất gia với thiền sư Viên Chứng. Sau mấy ngày tìm kiếm, Trần Thủ Độ đã phát hiện ra rằng vua đang ở trên núi và ông đã đến ép vua phải trở về để làm vua. Ông dọa với thiền sư Viên Chứng rằng nếu thiền sư không khuyên được vua trở về kinh thành thì ông sẽ cho thiết lập cung điện ngay trên núi. Thiền sư Viên Chứng đã tâu với vua Trần Thái Tông rằng: Bệ hạ trong khi làm vua vẫn có thể tu tập được, vẫn có thể có được một đời sống tâm linh. Giờ đây, dân muốn bệ hạ trở về thì bệ hạ cứ trở về, và cứ làm vua, vẫn đóng vai trò chính trị của một người lãnh đạo đất nước, nhưng có một điều mà bệ hạ vẫn làm được là mỗi ngày vẫn có thể nghiên cứu và thực tập giáo lý của đức Thế Tôn. Không phải ở trong núi mới tu được, mà ở kinh thành cũng tu được. Mình là nhà chính trị, mình có thể vừa làm chính trị vừa tu. Nhớ lời khuyên ấy của quốc sư Viên Chứng, vua đã trở về kinh thành và mỗi đêm sau một ngày làm việc nặng nhọc về chính trị và quân sự thì vua đều chong đèn để học kinh và ngồi thiền.
Trần Thái Tông đã sáng tác nhiều tác phẩm, trong đó có tác phẩm Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi để vua tự thực tập bằng nghi thức của mình. “Lục thời sám hối” có nghĩa là vua đã thực tập bái sám và hành thiền sáu lần trong 24 giờ mỗi ngày. Nếu không có chiều hướng tâm linh đó thì vua không có đủ sức mạnh để hoàn tất sứ mạng của một nhà chính trị lớn như vậy. Nói một cách khác là từ hồi 20 tuổi, vua đã biết tu, đã biết đem chiều hướng tâm linh vào trong đời sống của chính mình để có đủ sức mạnh đối phó với những khó khăn dồn dập trong một nhà chính trị còn trẻ, còn thiếu kinh nghiệm, và nhờ đó chịu đựng được những đau khổ, vượt thắng được những khó khăn và trở thành một vị vua nổi tiếng thành công trong lĩnh vực dựng nước, giữ nước và giáo dục quốc dân.
Vì vậy cho nên chúng ta phải biết rằng, ngoài gia đình huyết thống, mỗi chúng ta phải có một gia đình tâm linh. Nhờ gia đình tâm linh đó, chúng ta được nuôi dưỡng trong đời sống tâm linh của mình. Chúng ta biết làm thế nào để nhận diện, ôm ấp, trị liệu và chuyển hóa nỗi khổ niềm đau của ta thì ta mới có thể phục vụ được cho gia đình, phục vụ cho quốc gia, phục vụ cho xã hội một cách thành công, vững chãi và hữu hiệu. Nếu chúng ta đọc lịch sử thời Lý thì chúng ta thấy được rằng tất cả những ông vua thời đó đều có tu, có thực tập Thiền. Các ông vua thời Trần cũng vậy. Các vị đó không đợi khi lớn tuổi, về hưu mới bắt đầu thực tập, họ thực tập ngay từ khi còn ấu thơ. Chẳng hạn như vua Trần Nhân Tông, vị vua thứ ba của đời Trần, ngay khi còn là chú tiểu đồng đã theo học thiền với Tuệ Trung Thượng sĩ, tức Hưng Ninh vương Trần Quốc Tung, anh cả của tướng Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, con của An Sinh vương Trần Liễu. An Sinh vương trước lúc chết có gọi mấy người con đến dặn dò rằng phải trả thù việc Trần Thủ Độ đã cướp vợ đang có thai gán cho Trần Cảnh. Nhưng những người con của An Sinh vương Trần Liễu đã không nghe lời cha. Từ người con gái lớn là hoàng hậu Thiên Cảm cho đến An Ninh vương Trần Quốc Tung và Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đều quay về phụ tá cho chính quyền nhà Trần. Họ có một ý hướng đoàn kết rất mạnh, điều đó nhờ sự thực tập đạo Phật. Sự thực tập đó đã giúp cho họ nối kết, tha thứ được những lỗi lầm, chuyển hóa được những khổ đau, giận hờn, thù hận để có thể cùng góp sức với nhau, cùng xây dựng một đất nước vững chãi, có khả năng chống lại sự đe dọa của phương Bắc.
Tôi nhắc lại vài sự kiện lịch sử là để chúng ta nhớ tới sự thật là mỗi chúng ta đều phải có hai gia đình, đó là gia đình huyết thống và gia đình tâm linh. Gia đình huyết thống trao truyền cho ta bằng con đường huyết thống và gia đình tâm linh trao truyền cho mình bằng con đường văn hóa. Sự trao truyền bằng con đường văn hóa tâm linh cũng đi thẳng vào từng tế bào của cơ thể.
Tây phương bây giờ thích dùng hai danh từ đi đôi với nhau, đó là nature và nurture. Nature là tiên thiên, nurture là hậu thiên. Cha mẹ sinh ra mình với hình hài này tức là tiên thiên. Còn thầy mình trao truyền cho mình nếp sống tâm linh, đạo đức là hậu thiên. Hai đường lối trao truyền đều đi thẳng vào từng tế bào của cơ thể. Tôi không có con cái huyết thống, nhưng tôi có rất nhiều con cháu tâm linh, không có ngày nào là tôi không trao truyền những gì mà tôi cho là hay nhất, đẹp nhất của cuộc đời tôi. Vì vậy cho nên, gia đình tâm linh của tôi là một gia đình rất lớn. Bất cứ một tư duy nào, một ngôn ngữ, lời nói nào hay bất cứ một hành động nào cũng đều là phẩm vật để trao truyền. Nếu tư duy của ta đi đôi được với trí tuệ và từ bi, với sự bao dung, hòa ái thì tư duy đó là một phẩm vật trao truyền cho con cháu tâm linh. Nếu lời nói của ta đi đôi với sự hòa ái, với tình thương và sự hiểu biết, sự an ủi và khả năng gây dựng niềm hy vọng, niềm tin yêu thì lời nói đó là một phẩm vật trao truyền. Nếu hành động của mình đi đôi với ý chí bảo vệ sinh mạng, muốn cứu đời giúp người thì hành động đó là một phẩm vật trao truyền. Mỗi tư duy của tôi đều mang chữ ký của tôi. Tôi không thể nói rằng đó không phải là tư duy của tôi. Nếu tư duy đó mang tính tham, sân và si thì đó là một tư duy tiêu cực, và nếu tôi trao truyền lại cho con cháu thì thật tội nghiệp cho chúng nó. Tại vì con cháu tôi là sự tiếp nối của tôi, là tôi. Vì vậy cho nên tôi rất cẩn thận để cho tư duy của tôi luôn luôn là Chánh tư duy (right thinking). Chánh tư duy là tư duy đi đôi với sự hiểu, thương và sự bao dung. Mỗi lời nói của tôi mang theo chữ ký của tôi. Tôi không thể chối bỏ những gì tôi đã nói, tại vì câu nói đó có thể gây hoang mang, gây hận thù và tôi không muốn trao truyền một lời nói như vậy, tôi không muốn được tiếp nối bằng một lời nói như vậy. Sự tu tập giúp cho tôi chỉ trao truyền những gì đi đôi với tinh thần từ bi, trí tuệ, hiểu biết, bao dung và thương yêu.
Những hành động của tôi cũng vậy, nó đều mang chữ ký của tôi, tôi không thể chối bỏ được. Hành động đó phải là hành động bảo vệ sự sống, xây dựng tình huynh đệ. Đó mới là những phẩm vật đáng để trao truyền, đáng được tiếp nối. Luân hồi là như vậy. Luân hồi là sự tiếp nối. Nếu chúng ta muôn luân hồi cho thật đẹp thì chúng ta phải chế tác những tư tưởng thiện (chánh tư duy), ngôn ngữ đẹp (chánh ngữ) và những hành động cao cả (chánh nghiệp). Chỉ có những người tu mới biết được là họ đang trao truyền chánh tư duy hay tà tư duy, họ đang trao truyền chánh ngữ hay tà ngữ, chánh nghiệp hay tà nghiệp… Vì vậy cho nên đời sống tâm linh, chiều hướng tâm linh là rất quan trọng trong mỗi người. Là người làm cha, làm mẹ, làm thầy giáo, cô giáo, thương gia, kỹ nghệ gia, chính trị gia, nhà văn học mình phải có chiều hướng tâm linh để mình chỉ trao truyền những gì tích cực và không trao truyền những gì có tính cách tiêu cực. Và vì mình muốn được tiếp nối một cách đẹp đẽ nên mình chỉ trao truyền những gì tích cực mà thôi.
Khi tôi dạy cho các người Cơ Đốc giáo tôi đã không làm như những vị giáo sĩ ngày xưa tới Việt Nam khuyên người ta theo đạo của họ và đừng thờ cúng tổ tiên. Ở Tây phương chúng tôi đã làm hoàn toàn ngược lại những điều mà các giáo sĩ Thiên chúa giáo đã từng làm ở Việt Nam trong những thế kỷ trước, Chúng tôi khuyên họ trở về truyền thống tâm linh của họ, chấp nhận tổ tiên tâm linh và huyết thống của họ. Tại vì chúng tôi biết rằng con người mất gốc là con người không bao giờ có được hạnh phúc…
Tôi đã nói với người thanh niên Âu châu: anh nhìn lại mà coi, anh thử đặt câu hỏi tại sao cha của anh có nhiều khổ đau, nhiều hận thù, có nhiều bạo động, nhiều tuyệt vọng, cha anh có muốn như vậy không hay bởi vì cha anh đã là nạn nhân của một xã hội, một gia đình trong đó người ta không chế tác được chất liệu hiểu và thương, chất liệu bao dung, nuôi dưỡng. Nếu cha của anh may mắn gặp được một người bạn hay một người thầy có đời sống tâm linh dồi dào và người đó chỉ dẫn cho cha anh phương pháp nhận diện, ôm ấp và chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau trong cha anh thì cha anh đã chuyển hóa rồi và cha anh đã không trao truyền những tiêu cực đó cho anh. Nếu cha anh chưa có điều may mắn đó thì anh phải biết nhìn cha anh với con mắt xót thương: tội nghiệp cho cha, cha chưa bao giờ có cơ hội, chưa bao giờ được ai giúp đỡ. Ông nội, bà nội đã làm khổ cha, không có khả năng để giúp cha. Bạn bè của cha cũng chưa có cơ hội để giúp cha. Riêng mình, mình đã có cơ hội tiếp xúc với những bậc đạo sư, những người anh, người chị, những người bạn có chiều hướng tâm linh tốt giúp cho mình nhận diện, ôm ấp và chuyển hóa những khổ đau trong đời sống.
Năm 20 tuổi, vua Trần Thái Tông đã ôm ấp niềm đau đó nhưng đã may mắn gặp được Viên Chứng quốc sư trên núi Yên Tử và đã được Viên Chứng quốc sư khai sinh ra đời sống tâm linh cho vua. Từ đó trở về sau, vua đã có một con đường tu học, một chiều hướng tâm linh trong đời sống của mình, đời sống của một vị vua, một nhà chính trị. Vua đã có cơ hội nhận diện, ôm ấp và chuyển hóa niềm đau đó và vì vậy vua đã tạo được sự đoàn kết trong dòng họ, trong triều đình và quốc dân và để thành công là một vị vua lớn. Chúng ta cũng vậy, nếu cha chúng ta chưa có cơ hội là vì cha của chúng ta chưa gặp may mắn. Điều đó không đáng để chúng ta giận và thù hận cha mình mà chúng ta phải phát ra lòng đại bi với cha mình. Mình phải thực tập cho được và sau khi mình thực tập thành công rồi, mình phải hòa giải với cha trong từng tế bào cơ thể thì mình có thê giúp cha mình hóa giải và trị liệu những nỗi khổ niềm đó đó một cách rất dễ dàng.
Những người thành niên như vậy đã nghe lời tôi, đã tu tập và đã chuyển hóa, đã trở về giúp cho những thân phụ và thân mẫu của họ. Khi giúp được những thanh niên như vậy chuyển hóa được khổ đau, trở về hòa giải được với cha, với mẹ của họ thì niềm vui, hạnh phúc của mình rất lớn. Cái hạnh phúc đó không nằm ở uy quyền, tiền bạc, danh vọng hay sắc dục mà ở chỗ mình thấy cuộc đời của mình có ý nghĩa, mình giúp được cho rất nhiều người chuyển hóa được nỗi khổ niềm đau và hòa giải được với người thương của họ.
Khi chúng ta nghiên cứu văn hóa Việt Nam, chúng ta thấy được rằng giáo lý đạo Phật đã đi đôi một cách tuyệt hảo với truyền thống thờ cúng tổ tiên có mặt tại đất nước này trước khi Phật giáo du nhập. Truyền thống thờ cúng tổ tiên đã có trên hai ngàn năm. Phật giáo du nhập Việt Nam vào thế kỷ đầu của kỷ nguyên Tây lịch và đến đến thế kỷ thứ ba, chúng ta có một vị thiền sư lỗi lạc là thiền sư Khương Tăng Hội. Giữa thế kỷ thứ ba, vị thiền sư Việt Nam này đã sang Trung Quốc để giảng dạy đạo thiền, thiền sư đã làm điều đó trước khi tổ Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn Độ sang Trung Quốc đến 300 trăm. Ở Việt Nam chúng ta, nếu biết lịch sử, thay vì thờ tổ Bồ Đề Đạt Ma trong các thiền viện thì chúng ta phải thờ tổ Khương Tăng Hội. Bởi vì tổ Khương Tăng Hội chính là người sáng lập thiền tông Việt Nam và chính là người đã đem thiền sang dạy ở Trung Quốc, và bởi tuổi của tổ Tăng Hội lớn hơn tuổi của tổ Bồ Đề Đạt Ma đến 300 năm.
Câu nói của bà mẹ Việt Nam chưa bao giờ từng học chữ, học triết: ‘con ơi, mỗi khi qua bên nớ con nhớ mẹ, con chỉ cần đưa bàn tay lên con nhìn thì con sẽ đỡ nhớ.’ Câu nói đó chứa đựng tuệ giác của Phật giáo và của truyền thống thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt Nam.
Trong Phật giáo, chúng ta có hệ thống văn học Bát-nhã và Trung quán. Nếu chúng ta đặt vấn đề hạt bắp sinh ra cây bắp thì hạt bắp và cây bắp đó là một thực thể hay hai thực thể khác nhau? Chúng ta nói một cũng không đúng, nói hai cũng không đúng. Chúng ta biết rất rõ cây bắp từ hạt bắp sinh khởi, cây bắp là sự tiếp nối của hạt bắp. Nhưng chúng ta nói cây bắp là hạt bắp thì có cái gì đó còn lấn cấn, nói cây bắp là một thực thể hoàn toàn khác với hạt bắp cũng không đúng. Trong triết học Trung quán có giáo lý gọi là phi nhất, phi dị, không phải một, không phải khác. Đó là sự thực, chúng ta thấy qua sự liên hệ giữa hạt bắp và cây bắp. Cây bắp với hạt bắp không phải là một mà cũng không phải là hai thực thể khác nhau. Đứa con với người cha cũng vậy. Đứa con là từ người cha mà được sinh ra, nhưng nói đứa con với người cha là một người thì không đúng, mà nói là hai người khác nhau cũng không đúng. Đó là giáo lý thậm thâm vi diệu của Trung quán.
Khi chúng ta nhìn một đám mây thì chúng ta nghĩ rằng đám mây đó có sinh có diệt. Và trong đầu chúng ta nghĩ rằng sinh là từ chỗ không có gì trở nên có, và diệt có nghĩa là đang là cái gì đó trở thành không có cái gì cả. Nhưng nếu chúng ta quán chiếu đám mây thì chúng ta sẽ thấy rằng đám mây không thể từ chỗ không trở thành có được. Trước khi là đám mây, thì đám mây là nước sông, nước hồ, nước ao, nước biển và sức nóng của mặt trời. Trong tiền kiếp của nó, đám mây đã từng là nước, đã là hơi nóng. Vì vậy, đám mây không phải được sinh ra mà chẳng qua là một sự tiếp nối của nước sông, nước hồ, nước ao, nước biển và sức nóng của mặt trời. Cũng như tờ giấy này, nó không phải từ không mà sinh có, trước khi mang cái tướng của tờ giấy thì nó là cây rừng, vì vậy nó là sự tiếp nối của cây rừng. Tự tánh của đám mây là vô sinh, đám mây chưa bao giờ được sinh ra. Giờ phút mà chúng ta gọi là giờ sinh của đám mây chẳng qua là giờ phút của sự tiếp nối dưới một hình thái khác. Khi đám mây biến thành mưa thì không có nghĩa là đám mây chết. Vì chết là từ có trở thành không. Đám mây không chết, mà chỉ có thể trở thành tuyết, thành mưa, băng đá mà thôi. Nếu chúng ta có con mắt vô tướng, con mắt của Trung quán, khi nhìn đám mây chúng ta sẽ thấy cơn mưa trong đó… Đó là một sự thật rất khoa học.
Một nhà khoa học Pháp nói rằng không có cái gì sinh cũng không có cái gì diệt. Ông ta đã dùng những chữ đúng như trong Tâm kinh Bát-nhã: thị chư pháp bất sinh bất diệt. Tự tính của vạn hữu là vô sinh bất diệt, không phải một mà cũng không phải hai cái khác nhau. Khi nhìn vào đứa con và nhìn cho kỹ thì sẽ đứa con là sự tiếp nối của người cha. Nếu đứa con có cơ hội để tu tập, để chuyển hóa thì những nỗi khổ niềm đau mà người cha trao truyền lại cho đứa con có thể chuyển hóa được, thì đó là một người con có hiếu. Tại vì người con đó đã chuyển hóa được nỗi khổ niềm đau mà ngày xưa cha mình chưa chuyển hóa được. Và khi đã chuyển hóa được rồi thì mình không còn truyền trao những nỗi khổ niềm đau lại cho thế hệ tương lai nữa.
Chúng ta hãy tưởng tượng một ngọn đồi trên đó có 5000 thiền sinh người Âu châu hay Hoa Kỳ đang thực tập lạy. Ở Tây phương, chúng tôi thực tập thiền lạy, trong khi chúng tôi gọi là địa xúc, chúng tôi dùng chữ này thay cho chữ lạy, tiếng Anh là touching the earth, khi năm vóc (đầu, 2 tay và 2 chân) chạm với đất thì mình có cơ hội tiếp xúc được với tất cả tổ tiên của mình. Khi mình ở trong tư thế ngũ thể đầu địa, năm vóc sát đất thì mình quán chiếu trở lại, thấy trong dòng máu của mình đang luân lưu sự có mặt của các thế hệ tổ tiên huyết thống và tổ tiên tâm linh. Chúng ta có những tổ tiên huyết thống rất hào hùng nhưng thỉnh thoảng chúng ta cũng có những tổ tiên huyết thống rất kém cỏi. Chúng ta có Lý Thường Kiệt, có Trần Hưng Đạo, và chúng ta cũng có Trần Ích Tắc… Họ có mặt trong từng tế bào của cơ thể ta. Dầu hào hùng như Trần Hưng Đạo hay yếu kém như Trần Ích Tắc, chúng ta phải chấp nhận đều là tổ tiên của chúng ta. Tại vì, chúng ta là ai? Chính trong tự thân chúng ta cũng còn những yếu kém, những lên xuống, trồi sụt, chúng ta là ai mà dám không chấp nhận tổ tiên của chúng ta. Thấy được điều đó, chúng ta sẽ chấp nhận các tổ tiên không những những vị hào hùng mà cả những vị còn yếu kém, và tự nhiên trong lòng mình, sau khi đã chấp nhận rồi sẽ có niệm bình an. Cha mẹ mình cũng là tổ tiên, là thế hệ tổ tiên trẻ nhất. Nếu cha mẹ mình có những yếu kém, bạo động và có những buồn đau, đã làm khổ mình, nhưng mình không thể nào từ khước đó không phải là cha mẹ mình, là tổ tiên của mình. Chúng ta quán chiếu cho kỹ, sẽ thấy rằng cha mẹ của mình đã không có cơ hội, không có sự may mắn cho nên đã không có được một đời sống tâm linh đủ để hướng dẫn cho những vị đó trị liệu, chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau. Đến thế hệ mình, mình phải làm tốt hơn cha mẹ mình để có thể chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau mà mình đã tiếp nhận và mình trở lui độ cho cha, độ cho mẹ mình. Những người thanh niên khi lạy xuống, họ thấy được điều đó.
Chúng tôi có pháp môn thiền lạy, 3 cái lạy và 5 cái lạy. Tất cả những pháp môn mà chúng tôi đem ra để giáo dục, hướng dẫn cho những thanh niên đó tu học hoàn toàn được lấy từ gia sản văn hóa của Việt Nam.
Ở Tây phương có những người thuộc truyền thống Cơ Đốc giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo… không cảm thấy thoải mái trong truyền thống của họ, họ bỏ nhà thờ, bỏ giáo đường, họ giận các vị linh mục, giận các vị mục sư, họ phủ nhận những vị đó là tổ tiên tâm linh của họ; trong khi đó các thế hệ cha anh của họ đều hành trì và công nhận các vị đó là tổ tiên tâm linh của mình, nhưng đến thế hệ thanh niên bây giờ thì họ giận cha, giận mẹ, giận linh mục, mục sư… và thề không trở lại nhà thờ nữa.
Tại vì những người đó không có khả năng hiểu thế hệ thanh niên, ép họ làm những điều mà họ không hiểu, không muốn làm. Cũng như có những thanh niên Việt Nam bị mẹ ép đi chùa, khi đến chùa nghe tụng kinh tiếng Phạn, âm Hán Việt, họ chẳng hiểu gì cả, họ lạy cái lạy này tiếp sau cái lạy khác… như thế một lúc sau họ chán đi chùa.
Họ cảm thấy không dính líu gì đến ông thầy, đến sư cô trong chùa, cảm thấy đó không phải là khung cảnh của họ. Ở Tây phương cũng vậy, có những giáo đường ở đó có cách học hỏi và cách thực tập nghi lễ không còn phù hợp với người trẻ bây giờ. Người trẻ khi bị bắt ép làm theo những điều đó, họ cảm thấy rất đau khổ, rất thù hận, vì những nhà lãnh đạo tâm linh không có khả năng làm mới, đổi mới, hiện đại hóa cách dạy dỗ và thực tập. Một truyền thống nếu không có khả năng tự làm mới mình thì sẽ đánh mất con cháu. Đạo Phật cũng vậy thôi. Nếu quý vị là phật tử, là những vị giáo thọ, trụ trì thì quý vị biết rằng nếu quý vị không hiện đại hóa đạo Phật, nếu quý vị không cung cấp thứ giáo lý và cách hành trì phù hợp với tinh thần và tâm lý của những người trẻ thì những người trẻ sẽ cảm thấy lạc lõng, xa lạ mỗi khi họ đến chùa.
Vì vậy cho nên nhu yếu hiện đại hóa Phật giáo, hiện đại hóa Phật pháp, hiện đại hóa nền sinh hoạt tâm linh của mình là rất quan trọng. Chúng ta phải giảng dạy như thế nào để người trẻ thấy được sự giảng dạy đó đang đáp ứng những đau khổ, những bức xúc, những tuyệt vọng của họ. Chúng ta phải cung cấp cho họ những phương pháp tu học có khả năng tháo gỡ, chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau của họ thì họ mới cảm thấy là họ thuộc về gia đình tâm linh này mà thôi. Vấn đề đó không phải chỉ là vấn đề của Cơ Đốc giáo hay Hồi giáo mà cũng là vấn đề của Phật giáo. Phật giáo ở Trung Quốc, Đại Hàn, Việt Nam rất cần những nỗ lực để hiện đại hóa, nếu không thì sẽ không có tương lai và con cháu chúng ta sẽ rất bơ vơ. Trong truyền thống tâm linh này có rất nhiều châu báu nhưng nếu chúng ta không chỉ bày được cho thế hệ trẻ những châu báu đó, mà dùng những hình thức học hỏi và thực tập quá xưa cũ thì chúng ta không thể nào khai thị cho người trẻ thấy rằng đây là một truyền thống rất sâu sắc, rất nhiệm mầu mà cha ông chúng ta qua không biết bao nhiêu thế hệ đã nương tựa, học hỏi và đã thành công trong sự nghiệp của họ, sự nghiệp xã hội cũng như sự nghiệp chính trị.
Xin các vị thượng tọa, các vị sư trưởng lắng nghe những người trẻ, và làm thế nào để cung cấp cho những người trẻ, những người trí thức các giáo lý và thực tập đáp ứng lại được nhu cầu đích thực của họ trong thời đại mới, nghĩa là phải hiện đại hóa đạo Phật.
Khi chúng tôi khai thị cho những người trẻ Tây phương, có hàng ngàn, hàng chục ngàn, hàng triệu người trẻ Tây phương đi như những con ma đói vì không thấy liên hệ gì với truyền thống tâm linh và truyền thống huyết thống của họ. Sử dụng những yếu tố của nền văn hóa Việt Nam, trong đó có đạo Phật, chúng tôi đã hướng dẫn cho họ, đã đưa họ trở về với truyền thống của họ để họ chấp nhận những tổ tiên của họ, giẫu tổ tiên của họ có những yếu kém, còn những khiếm khuyết về giới hạnh, đạo đức. Và có như vậy mới có được cơ hội làm mới, đổi mới cái truyền thống của họ mà thôi.
Trong gia đình tâm linh của mình, thỉnh thoảng chúng ta thấy có những vị lãnh đạo tâm linh giới hạnh rất nghiêm minh, đạo đức rất cao viễn, nhưng thỉnh thoảng chúng ta cũng thấy có những ông thầy, sư cô phạm giới, nhưng như vậy không đủ để chúng ta nản chí. Chúng ta thấy rằng những vị đó chưa có may mắn gặp được minh sư, gặp được đoàn thể tu học có khả năng bảo hộ, nâng đỡ và che chở cho nên họ mới lâm vào tình trạng phá giới hoặc chạy theo danh lợi. Điều đó cho thấy rằng những vị đó thiếu may mắn chứ không phải truyền thống của chúng ta thiếu châu báu. Từ ngàn xưa cho đến bây giờ, truyền thống của chúng ta đã sản xuất không biết bao nhiêu là bậc cao tăng đã từng làm quốc sư cho các vị vua lớn, đã từng cứu nước cứu dân ra khỏi tình trạng hiểm nghèo. Trong quá khứ chúng ta đã làm được như thế, tại sao trong hiện tại và trong tương lai chúng ta không đóng vai trò đó được. Vì vậy cho nên chúng ta phải khuyên những người trẻ đó trở về chấp nhận những tổ tiên tâm linh của mình. Nếu những tổ tiên tâm linh của mình còn yếu kém thì ta phải đủ sức giúp các vị đó vượt thoát tình trạng khó khăn và yếu kém của họ. Khi chấp nhận được như thế rồi, trong lòng sẽ có một sự bình an rất lớn.
Đứng về phương diện tổ tiên huyết thống cũng vậy. Chúng ta có những vị rất hào hùng, rất đạo đức và rất trí tuệ, nhưng thỉnh thoảng chúng ta cũng có những vị tổ tiên huyết thống không xứng đáng đã phản nước, phản dân nhưng dầu sao, họ cũng là tổ tiên của chúng ta, họ đã không có cơ hội, không có may mắn nên đã không tiếp nhận được một nền giáo dục thích hợp, họ không có bạn hiền thầy giỏi nên đã cư xử như vậy. Họ là những người đáng thương hơn là đáng ghét và đáng trừng phạt. Khi người thanh niên thấy được như vậy thì những nỗi buồn, cơn giận của họ sẽ dịu lại và bắt đầu chấp nhận được những vị tổ tiên huyết thống hay tâm linh còn yếu kém của họ. Tại vì chính họ trong lòng vẫn còn những yếu kém, trồi sụt.
Khi tôi dạy cho các người Cơ Đốc giáo tôi đã không làm như những vị giáo sĩ ngày xưa tới Việt Nam khuyên người ta theo đạo của họ và đừng thờ cúng tổ tiên. Ở Tây phương chúng tôi đã làm hoàn toàn ngược lại những điều mà các giáo sĩ Thiên chúa giáo đã từng làm ở Việt Nam trong những thế kỷ trước, Chúng tôi khuyên họ trở về truyền thống tâm linh của họ, chấp nhận tổ tiên tâm linh và huyết thống của họ. Tại vì chúng tôi biết rằng con người mất gốc là con người không bao giờ có được hạnh phúc. Vì vậy chứng tỏ đạo Phật có một lượng bao dung rất lớn, như thế làm cho họ càng kính phục, càng thương mến đạo Phật nhiều hơn. Lượng bao dung của đạo Phật không kỳ thị, không xúi người ta bỏ nguồn gốc của họ, mà trái lại còn xui họ trở về cắm rễ vào trong truyền thống đó. Các vị cứ thực tập đạo Phật đi, và sự thành công của quý vị sẽ giúp quý vị trở lại xây dựng truyền thống để cho những người trẻ không tiếp tục bỏ truyền thống đó mà đi và trở thành những con ma đói.
Có những người trong chúng ta đã từng làm cha, làm mẹ, làm thầy. Làm cha, làm mẹ, chúng ta từng thấy có những con rất dễ thương, đức độ, ngoan ngoãn, tài ba, xứng đáng là sự tiếp nối tổ tiên mình. Nhưng thỉnh thoảng chúng ta cũng có những đứa con rất khó dạy, cứng đầu giống như không phải là con của mình, không phải là cháu của tổ tiên mình, mình có khuynh hướng muốn từ chối những người con như thế, mình đau khổ với những đứa con như vậy. Các thầy, các sư cô, quý sư trưởng cũng có những người đệ tử rất ngoan ngoãn, tu hành rất nghiêm túc. Nhưng thỉnh thoảng các thầy, các sư cô, các sư trưởng cũng có những người đệ tử “khó chịu”, cứng đầu, có những khiếm khuyết, không xứng đáng làm con cháu, làm đệ tử của mình. Khi quán chiếu, chúng ta thấy rằng chính tổ tiên tâm linh cũng như tổ tiên huyết thống của mình cũng có những vị có khiếm khuyết, cũng như chính mình đây khi làm cha, làm mẹ, hay làm thầy chúng ta cũng có những khiếm, những yếu đuối. Vậy mình là ai mà không chấp nhận những khiếm khuyết, những yếu đuối trong những đứa con, hay đệ tử mình mình. Khi thấy được như thế rồi thì chúng ta dễ dàng chấp nhận những đứa con, hay đệ tử khó thương của mình một cách rất dễ dàng và trong mình sẽ có một sự bình an. Tại vì chưa chấp nhận thì chúng ta sẽ đau khổ, chấp nhận được rồi thì chúng ta sẽ có một niềm bình an rất lớn.
Đối với các vị sư trưởng cũng vậy, với những đệ tử từng làm mình đau khổ đó, nếu nhìn cho kỹ mình sẽ thấy rằng họ đã nhận những hạt giống từ phía nội, ngoại, từ xã hội, có những trồi sụt, có những khó khăn, lao đao. Đối với những người đệ tử như thế, mình phải cho họ nhiều thì giờ, nhiều thương yêu và chăm sóc hơn. Còn với những đệ tử giỏi thì chúng ta đâu cần phí nhiều thì giờ và nhiều công phu. Khi thấy được như vậy rồi thì chúng ta dễ dàng chấp nhận những người đệ tử còn yếu kém, còn lao đao và còn lên xuống. Khi chấp nhận rồi thì trong lòng mình sẽ có một niềm bình an rất lớn.
Khi lạy cái lạy đầu tiên, mục đích là để mình nhìn thấy cho rõ tất cả các vị tổ tiên tâm linh và huyết thống trong con người mình, tất cả thế hệ con cháu có mặt trong từng tế bào của mình. Khi mình chấp nhận được tổ tiên và con cháu trong mình thì niệm yêu thương dâng lên tràn ngập và mình sẽ có một sự bình an rất lớn, mình buông bỏ những hận thù, những tuyệt vọng. Lúc đứng dậy, mình là một con người mới. Đó gọi là thiền lạy. Chúng ta cứ tưởng tượng 5 nghìn người Hoa Kỳ cùng lạy xuống như vậy với sự hướng dẫn của một thầy hay một sư cô người Việt Nam. Có nhiều người sau khi lạy ba cái lạy đã trở thành một con người khác, trở thành một con người có hiểu và thương. (Nếu có thì giờ, xin quý vị đọc những dẫn giải về thực tập ba cái lạy, năm cái lạy trong cuốn Nhật Tụng Thiền Môn năm 2000, NXB Tôn giáo, 2004).
Những pháp môn mà chúng tôi cung cấp cho người Tây phương này chúng tôi hoàn toàn rút ra từ gia tài văn hóa Việt Nam.
Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Thế Tôn có dạy rằng cái một được làm cái tất cả và cái tất cả được làm bằng cái một. Nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất. Giáo lý đó, trong một hạt bụi chứa đựng cả tam thiên đại thiên thế giới, ngày nay đã được khoa học chứng minh là một sự thật. David Bohm, nhà vật lý học nguyên tử có nói một câu gần giống với ý trong kinh Hoa Nghiêm: một điện tử được tất cả các điện tử khác làm ra, one electron is made of the orther electrons. Khoa học bây giờ có khả năng lấy ra một tế bào của cơ thể con người, từ một tế bào thôi và làm ra một cơ thể trọn vẹn, điều đó gọi là sinh hóa thân, sinh sản vô tính (clonning). Họ lấy một cái trứng trong noãn sào của người đàn bà, rồi nạo sạch tất cả nội dung của cái trứng đó, không còn một dấu vết nào của gia tài di truyền, chỉ mượn cái vỏ của tế bào thôi, sau đó họ lấy một tế bào của bất kỳ thuộc bộ phận nào đó, hoặc là gan, hoặc bắp chân, một tế bào của thân thể, của hình hài của một người đàn ông hay đàn bà rồi bỏ đói cái tế bào đó trong vòng 2-3 ngày, cái tế bào đó trở thành một tế bào mầm, nó là một tế bào chuyên môn, tế bào có một phận sự đặc biệt trong cơ thể con người (như tế bào gan thì làm chức năng của gan, tế bào não có chức năng của não…) nhưng khi bỏ đói nó thì nó trở thành một tế bào mầm, có khả năng sinh hóa trở lại. Các nhà khoa học lấy tế bào đó, cho một dòng điện chạy qua để nó khép lại, rồi họ gắn vào tử cung của người đàn bà để được nuôi dưỡng. Khi cái thai đó lớn lên, đứa bé được sinh ra giống hoàn toàn nguyên bản của con người mà họ lấy tế bào đó ra, gọi là một sinh hóa thân, clonning. Nếu lấy 100 tế bào ra thì sẽ có 100 con người y hệt con người nguyên bản. Hiện bây giờ luật pháp trên thế giới cấm điều này, nhưng đứng về phương diện kỹ thuật thì các nhà khoa học đã, đang và sẽ làm như vậy. Họ đang thực hiện với các loài thú vật. Điều đó có nghĩa là trong mỗi tế bào chứa đựng tất cả gia tài huyết thống, tâm linh, tất cả gia tài di truyền của tất cả thế hệ tổ tiên, cái một chứa đựng cái tất cả, the one contains the all. Đó là giáo lý của kinh Hoa Nghiêm đã được khoa học chứng minh.
Có một vị thiền sư đời Lý nói rằng trời đất có thể đặt gọn vào trong một hạt cải. Đó là một hình ảnh của thi ca để nói lên một sự thật: cái tất cả có thể tìm thấy trong cái một, trong cái một ta có thể tìm thấy đủ các tư liệu về cái tất cả, những dữ liệu (data) của cái tất cả nằm trong cái một. Vì vậy cho nên chúng tôi đã nói rằng đạo Phật và truyền thống thờ cúng tổ tiên của Việt Nam đã đi đôi với nhau trong hai ngàn năm, cái này làm giàu cho cái kia, cái kia làm giàu cho cái này, và giờ đây đạo Phật và truyền thống thờ cúng tổ tiên Việt Nam đã đi đôi với nhau rất tuyệt hảo, nó là phương pháp thực tập giúp cho chúng ta nhận diện được gốc rễ của chính mình để chấm dứt tình trạng và thân phận của những con ma đói. Xã hội Tây phương đã sản xuất ra hàng triệu con ma đói. Xã hội của Việt Nam hôm nay cũng đã bắt đầu sản xuất ra những con ma đói. Những người thanh niên đi trong cuộc đời và không biết mình thuộc về truyền thống nào, không thấy gốc rễ trong gia đình, không thấy liên hệ giữa mình với cha mẹ, tổ tiên ông bà…
Hiên nay, nhà nước đang có chính sách khuyến khích việc thành lập những gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa, khu phố văn hóa, làng văn hóa… trong đó không có tệ nạn xã hội như là tội phạm, đĩ điếm, ma túy, cờ bạc… những tệ nạn xã hội sinh ra trong một nền kinh tế đang phát triển, không thể tránh được. Chúng ta có thể làm được gì để xây dựng những gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa, khu phố văn hóa…? Chúng ta có thể kiểm soát, trừng phạt nhưng đó không phải là giải pháp gốc. Sở dĩ người thanh niên đi ra ngoài và sa và hầm hố của ma túy, tội ác, sắc dục… là tại họ không cảm thấy hạnh phúc trong gia đình, không có niềm tin nơi hạnh phúc gia đình. Hạnh phúc gia đình đối với họ là điều chưa bao giờ từng có. Cha mẹ làm khổ nhau. Cha con trong truyền thông được với nhau, không nhìn được mặt nhau. Do đó người thanh niên không muốn trở về gia đình, tại vì không khí của gia đình là không khí của nặng nề, bảo thủ, địa ngục. Vậy thì các thầy, các sư cô, các bậc phụ huynh đã nắm được tư tưởng, giáo lý và sự thực tập để có thể giúp con người cắm rễ lại, tìm lại được gốc rễ của mình nhằm giúp người thanh niên đó thiết lập lại được truyền thông với cha, với mẹ; giúp vợ thiết lập lại được truyền thông với chồng, dựng lại tình thân và đem hạnh phúc trở lại trong gia đình, chỉ khi đó chúng ta mới thực sự bài trừ được tệ đoan của xã hội như đĩ điếm, ma túy, băng đảng, tội phạm… Vì vậy pháp luật không đủ để giải quyết các tệ nạn xã hội mà phải có đạo đức. Ai là người nắm giữ giềng mối đạo đức? Các bậc phụ huynh, các nhà làm giáo dục, các nhà nghệ sĩ… phải có nhiệm vụ giáo dục, giúp cho các gia đình trong thôn xóm, trong khu phố, làm thế nào để con với cha có thể hòa giải với nhau được, làm thế nào để sự truyền thông giữa cha và con được phục hồi, vợ chồng có thể trở về, hòa giải với nhau và biết làm cho nhau hạnh phúc.
Tôi đã làm việc với người trẻ trong bốn mươi năm, những người trẻ thường nói với nhau rằng cái quý giá nhất mà cha mẹ để lại cho con cái là hạnh phúc của chính cha mẹ. Nếu cha mẹ có hạnh phúc, biết chăm sóc cho nhau thì đó là gia tài lớn nhất mà con cháu có thể tiếp thu. Nếu cha mẹ làm khổ nhau mỗi ngày thì cha mẹ không có gì để trao truyền lại cho con cháu. Chúng ta, những vị xuất gia, những người tại gia, những nhà giáo dục, những nhà chính trị, nhà kinh tế, những nhà nghệ sĩ… có thể đóng góp gì vào công việc phục hồi hạnh phúc gia đình, phục hồi được sự truyền thông giữa vợ chồng và cha con. Đó là công tác căn bản để chúng ta có thể thành công thực sự trong việc xây dựng những gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa, khu phố văn hóa, làng văn hóa. Và vai trò của Phật giáo cũng như vai trò của các nhà giáo dục, các văn nghệ sĩ… là rất quan trọng.
Trong gia sản văn hóa Việt Nam, chúng ta có đủ các yếu tố để có thể làm được việc đó.
Trong bốn mươi năm lưu lạc ở xứ người, khi rời quê hương vào năm 1966, chúng tôi không nghĩ mình sang Tây phương để truyền bá Phật pháp, mà chỉ muốn ở bên đó chừng ba tháng để kêu gọi thế giới góp vào một tay vào việc làm ngưng lại cuộc chiến tranh thảm khốc ở Việt Nam. Nhưng thời thế xảy ra như vậy, chúng tôi đã không thể về nước trong ba mươi chín năm, và cố nhiên là phải làm đủ mọi cách để có thể cống hiến được những gì mình có thể cống hiến được cho thế giới Tây phương. Chúng tôi đã tu tập, đã sử dụng những yếu tố của nền văn hóa Việt Nam để giúp cho người Tây phương. Đạo Phật cũng vậy, truyền thống thờ cúng tổ tiên cũng vậy, chúng ta phải nhào nặn và chế tác trở lại, làm thế nào để những sản phẩm đó của Việt Nam có thể được xuất khẩu và được chấp nhận, fit for exportation, chứ chúng ta không thể xuất cảng một cách bừa bãi. Trong bốn mươi năm, chúng tôi đã làm việc của một tòa đại sứ văn hóa của một đất nước. Chúng tôi đã cống hiến đạo Phật, chúng tôi đã cống hiến sự thực tập thờ cúng tổ tiên. Cố nhiên có những điều khác nữa. Nhưng hai yếu tố đó là những nội dung mà chúng tôi muốn chia sẻ với quý vị hôm nay. Chúng tôi đã tinh luyện, chế biến những yếu tố đó của nền văn hóa dân tộc để cho người thanh niên Tây phương có thể hiểu, chấp nhận và thực tập để chuyển hóa nỗi khổ niềm đau, tháo gỡ những khó khăn, trở về với gia đình, trở về với truyền thống tâm linh của họ, thiết lập lại truyền thông và xây dựng lại hạnh phúc. Và chúng tôi đã thành công.
Trong chuyến về thăm Việt Nam lần này, chúng tôi có một niềm tin rất lớn, nếu những pháp môn đó hữu hiệu đối với người thanh niên, trí thức Tây phương thì tại sao không hữu hiệu đối với người thanh niên và trí thức Việt Nam. Tại vì những pháp môn này hoàn toàn có gốc rễ trong nền văn hóa Việt Nam.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh
(Lược ghi theo bài thuyết giảng tại Trung tâm Festival Huế, ngày 10.3.2005, do Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán tổ chức)