Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 13/02/2021, 10:00 AM

Giá trị của Thiền (I)

Thiền giúp Phật giáo hội nhập với văn hóa phương Tây và lan tỏa rộng rãi trên thế giới. Thiền Phật giáo có hai giai đoạn chính: Thiền thể nhập và Thiền giác ngộ.

Giai đoạn đầu là Thiền thể nhập (Phật pháp tại thế gian) để người thực hành đạt được sự an lạc của tâm và khỏe của thân, tạm gọi là Thiền sức khỏe; giai đoạn sau là Thiền giác ngộ, với mục đích giải thoát chúng sinh khỏi sinh tử luân hồi. Cách thực hành và ích lợi của Thiền sức khỏe được mô tả trong nhiều bộ kinh của đạo Phật như: kinh Tứ niệm xứ, kinh Quán niệm hơi thở, kinh Quán vô lượng thọ, Kinh An ban thủ ý,… Hạt nhân của Thiền đều quy về một điểm là Định trong pháp môn Thiền định. Bài viết có mục tiêu cụ thể nhằm làm sáng tỏ vai trò to lớn của Thiền Phật giáo và giá trị của Thiền.

Mở đầu

Theo các nhà nghiên cứu về Phật giáo và Phật học, Thiền là nói tắt, nói đầy đủ là Thiền na, phiên âm theo ngôn ngữ Ấn Độ là Dhyana, tiếng Trung Quốc là “Ch’an”, tiếng Nhật Bản là Zen, tiếng Việt là Thiền. Đến đầu thế kỷ XX, giáo sư D.T. Suzuki người Nhật Bản đã giới thiệu Thiền sang các nước phương Tây. Khi sang phương Tây, Thiền đã được chuyển ngữ thành “Mediation”, để chỉ một phương pháp chữa bệnh. Dhyana được dịch là tịch lự, nghĩa là trầm tư về một chân lý, một triết lý hoặc đạo đến chỗ ngộ và in sâu vào trong tâm thức. Dhyna cũng có nghĩa là tĩnh lặng, tập trung chú ý vào một đối tượng nào đó mà không suy nghĩ tới một điều gì khác nữa (Thiền chỉ), hoặc tâm dõi theo hơi thở VÀO RA (Thiền quán). Nguồn gốc ấy chứng tỏ Thiền có liên quan nhiều đến phương pháp tu luyện cổ xưa của người Ấn Độ.

“Thiền không phải là một hệ thống khái niệm có thể lĩnh hội được bằng lý trí hoặc bằng phân tích khoa học. Diễn tả theo ngôn ngữ hình tượng (một cách hết sức tương đối và hoàn toàn có tính chất biểu trưng!), Thiền là một vòng tròn vô tận không thể xác định được chu vi, và chính vì thế, có thể tìm thấy tâm điểm của vòng tròn này ở bất cứ chỗ nào!”

“Thiền không phải là một hệ thống khái niệm có thể lĩnh hội được bằng lý trí hoặc bằng phân tích khoa học. Diễn tả theo ngôn ngữ hình tượng (một cách hết sức tương đối và hoàn toàn có tính chất biểu trưng!), Thiền là một vòng tròn vô tận không thể xác định được chu vi, và chính vì thế, có thể tìm thấy tâm điểm của vòng tròn này ở bất cứ chỗ nào!”

Quan niệm về Thiền Phật giáo

Thiền trong Phật giáo trước hết phải tìm trong sự giác ngộ tối hậu do chính đức Phật tự chứng dưới gốc cây bồ đề. Nếu sự ngộ đạo của Phật không có ý nghĩa và giá trị gì đối với giáo lý, thì Thiền không liên quan gì đến Phật giáo và đó chỉ là một thứ dị giáo do Bồ Đề Đạt Ma (? – 528) khởi xướng, khi ông sang Trung Quốc vào đầu thế kỷ thứ VI.

Thiền có nguồn gốc từ Ấn Độ, sau đó được Bồ Đề Đạt Ma truyền sang Trung Quốc. Tuy nhiên, sự triển khai của Thiền Trung Quốc lại không theo con đường Ấn Độ đã vạch ra. Tác giả Thiền luận viết: “Miếng đất Thiền Lăng già mang sang trồng ở Trung Quốc, không thích hợp để nảy nở như tại phong thổ, tuy vẫn được hứng khởi bởi sinh hoạt và tinh thần Như Lai Thiền. Thiền tông Trung Quốc đã tạo ra những phong cách hiện thực riêng. Đó là chỗ thể hiện tất cả năng lực sinh động và thích nghi kỳ diệu của Thiền” [1, tr.147]. Nói như thế, không có nghĩa bản chất của Thiền thay đổi, trái lại nó ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhưng đã có sự khác nhau về phương pháp kiến giải, về thực tiễn tu hành. Thiền Phật giáo dung nạp tất cả các hình thức thiền (Dhyana) tiền Phật giáo, coi đó như phương pháp thực nghiệm hữu hiệu nhất để cầu đạo, nhưng về nội dung Thiền Phật giáo vẫn có sự kiến giải riêng cho phù hợp với tinh thần của Phật.

Theo sử sách ta biết, phương pháp Thiền cổ xưa không đáp ứng trọn vẹn mục đích của Phật giáo là giác ngộ ngay trong cuộc sống thường ngày. Giác ngộ phải tìm ngay ở trên thế gian, tức là trong cuộc sống chứ không phải ở chỗ thoát ly thế tục. Điều này hoàn toàn khác với Phật giáo Tiểu thừa, tuy cũng có Thiền nhưng lại có khuynh hướng thoát ly thế tục. Người Trung Quốc thâm ngộ đạo Phật với tính cách là một đạo giác ngộ, từ đó họ sáng tạo ra đạo Thiền. Có thể nói, Thiền là cái mà tâm hồn người Trung Quốc hằng khao khát, sau khi họ thâm ngộ Phật pháp. Bồ Đề Đạt Ma đã góp phần quyết định chuyển Phật giáo Ấn Độ thành Thiền tông Trung Quốc. Từ đó Thiền dần dần chín muồi, lần lượt trao truyền qua tay các vị Tổ. Từ Bồ Đề Đạt Ma (1)-> truyền cho Huệ Khả (2)-> truyền cho Tăng Xán (3) -> truyền cho Đạo Tín (4)-> truyền cho Hoằng Nhẫn (5)-> truyền cho Huệ Năng (638-713) (6). Đến lục Tổ Huệ Năng, Thiền không còn tính chất Ấn Độ nữa mà trở thành Thiền tông Trung Hoa. Hạt giống Thiền do Bồ Đề Đạt Ma gieo trồng phải mất một thời gian dài (khoảng hai trăm năm) mới kết trái dồi dào, căng đầy nhựa sống, thích ứng với Trung Quốc mà vẫn giữ được tinh hoa Phật giáo. Huệ Năng và các học trò của ông đã tước bỏ lớp áo mượn của Ấn Độ, khoác lên cho Thiền một lớp áo cắt may theo kích thước Trung Quốc. Sau đó, Thiền tông phát triển khắp nơi trên đất nước Trung Quốc và quán xuyến một cách sâu rộng đến tâm linh con người.

Việc thực hành Thiền định giúp con người vượt qua những xung đột về bản ngã, tăng khả năng tập trung chú ý, tạo kỹ năng tự nâng cao bản thân.

Việc thực hành Thiền định giúp con người vượt qua những xung đột về bản ngã, tăng khả năng tập trung chú ý, tạo kỹ năng tự nâng cao bản thân.

Vào đời Đường (618- 906), khi văn hoá Trung Quốc phát triển rực rỡ, các thiền sư đã nối tiếp nhau xây dựng thiền viện. Các tăng sĩ không những tinh thông giáo lý Đại thừa mà còn tinh thông cả Kinh thư của đạo Khổng, đạo Lão. Đời Tống (906- 1279), Thiền đã phát triển đến đỉnh cao, nhiều công trình hoằng hóa và giáo hóa hình thành. Các tông phái như Hoa Nghiêm, Thiên Thai, Tam Luận dần dần bị đẩy lùi vì không thích ứng với nếp nghĩ của người Trung Quốc. Điều đó chứng tỏ cách diễn đạt của các thiền sư Ấn Độ đã dần dần mất thế và chuyển sang lối diễn đạt của Thiền Trung Quốc. Sau đó Thiền tông chia thành Bắc tông (tiệm ngộ) đại diện là Thần Tú và Nam tông (đốn ngộ) đại diện là Huệ Năng. Nguyên nhân xuất hiện khuynh hướng đốn ngộ và tiệm ngộ là do sự bất đồng cố hữu trong phương pháp tu hành. Đến đây có thể kết luận, Thiền có nguồn gốc từ những phương pháp cổ xưa của người Ấn Độ rồi được Phật giáo tổng hợp phát triển lên một trình độ mới, khi sang Trung Quốc nó dần dần bị tước bỏ mất lớp áo Ấn Độ.

Vậy Thiền là gì? Đây là một câu hỏi rất khó, không thể cho một giải đáp cuối cùng, vì Thiền khước từ tất cả ý định mô tả hoặc định nghĩa. Theo Từ điển Phật học Hán -Việt: “Thuật ngữ Thiền (Dhyàna) còn gọi là Thiền na, Đà diễn na, Trì a na, dịch là Tĩnh lự (đình chỉ các tư tưởng khác, chỉ chuyên chú vào một cảnh), tư duy tu tập, Khí ác (xả bỏ mọi cái ác ở cõi dục giới như ngũ cái,…). Thiền là nguyên nhân sinh ra mọi công đức như Trí tuệ, Thần thông, Tứ vô lượng… Tịch tỉnh thẩm tự là để tâm chuyên chú vào một cảnh, một đối tượng, lấy tịch tỉnh để thấu tỏ tư duy, đạt tới trạng thái Định Tuệ quân bình. Thiền là phép tu của cả Đại thừa, Tiểu thừa, ngoại đạo và phàm phu, nhưng mục đích và đối tượng tư duy thì khác nhau” [2, tr.1519-1520].

Nghiên cứu sự phát triển Thiền tông Trung Quốc, nhà nghiên cứu Thiền học Suzuki cho rằng: “Thiền trước hết là một tôn giáo nhưng cũng là một nghệ thuật luyện tính khí. Nói đúng hơn, chính sự tâm chứng cực sâu nhất định khởi động một cuộc chuyển hoá trong cơ cấu tinh thần của cơ thể con người” [3, tr.34]. Các tác giả Lịch sử Phật giáo Việt Nam viết: “Thiền là phương pháp tự tỉnh, tự giác, tự ngộ, tự chứng. Đây là yếu tố hoàn toàn có tính cá nhân, có tính cô đơn, tính triết lý sâu thẳm của con người đối với vũ trụ. Sự giác ngộ và chứng đắc được ví như người uống nước, lạnh nóng tự biết. Cái ngộ, cái biết ấy không thể nói cho ai thấy được” [4, tr.270].

Nhận định của các tác gia nói trên cho thấy, Thiền là phương pháp rèn luyện tư duy, rèn luyện tư tưởng có tính cá nhân: “tự giác, tự ngộ, tự chứng”. Và đến một lúc nào đó “sự tâm chứng cực sâu nhất định khởi động một cuộc chuyển hoá trong cơ cấu tinh thần của cơ thể con người”. Thiền là một quá trình nhận thức, nhưng những tri thức thu nhận được hoàn toàn không phải là một hệ thống khái niệm hoặc bằng phân tích khoa học.

Thiền có giá trị trong đời sống con người: phát triển tư duy trừu tượng, rèn luyện sự kiên trì, bảo vệ sức khỏe con người cả về thân và tâm…

Thiền có giá trị trong đời sống con người: phát triển tư duy trừu tượng, rèn luyện sự kiên trì, bảo vệ sức khỏe con người cả về thân và tâm…

Tác giả Mạch thiền trong văn hoá – tư tưởng Việt Nam viết: “Thiền không phải là một hệ thống khái niệm có thể lĩnh hội được bằng lý trí hoặc bằng phân tích khoa học. Diễn tả theo ngôn ngữ hình tượng (một cách hết sức tương đối và hoàn toàn có tính chất biểu trưng!), Thiền là một vòng tròn vô tận không thể xác định được chu vi, và chính vì thế, có thể tìm thấy tâm điểm của vòng tròn này ở bất cứ chỗ nào!”[5, tr.49]. Tác giả còn đưa ra nhiều quan niệm như: Thiền là một khoa học thực nghiệm về tâm lý. Thiền là một thái độ sống, một phong cách sống của người đã thực hiện được sự huyền đồng giữa tiểu ngã và đại ngã. Thiền là một sự tỉnh thức của con người trước những ảo mộng của trần gian. Tác giả Thiền học Việt Nam viết: “Vậy triết lý Thiền là gì, có phải là giáo lý của Phật không, hay là sản phẩm của Trung Hoa? Ngày nay, nhiều học giả cho rằng, Thiền là kết quả của sự gặp gỡ phối hợp giữa Phật giáo Ấn Độ và Đạo giáo Trung Hoa”[6, tr.13]. Tác giả Thiền tông Việt Nam cuối thế kỷ XX cho rằng, Thiền là tự thắc mắc một vấn đề quan trọng, tìm tòi theo dõi đến khi sáng được vấn đề đó mới thôi.

Tác giả viết: “Thiền là phát minh, là sáng tạo,… Và sự ra đời định luật Vạn vật hấp dẫn của Niu-Tơn (1642-1727) là kết quả của sự dồn hết tâm lực vào một vấn đề, đến khi chín muồi bỗng dưng phát sáng”[7, tr.34]. Tác giả Lược khảo tư tưởng Thiền Trúc Lâm Việt Nam viết: “Những nhà tư tưởng cổ Ấn Độ cho rằng, người thông minh là người cả đời biết tập trung suy nghĩ, tư tưởng vào một cái. Nếu làm được như vậy chắc chắn cuộc đời họ sẽ phát hiện, tìm ra được một cái gì đó hữu ích. Việc tập trung tư tưởng này cũng giống như người ta tập trung ánh sáng vào một điểm. Khi đó điểm sáng trở nên rất mạnh. Tư tưởng cũng vậy, nếu biết tập trung, nó tạo nên được những sức mạnh mà người ta không bao giờ ngờ tới. Các nhà bác học sở dĩ họ phát sinh ra cái này, cái kia là vì cả cuộc đời họ cũng chỉ nghĩ về một vấn đề” [8, tr.79]. Theo tác giả Tư tưởng triết học Thiền của Tuệ Trung Thượng sỹ: “Thiền cốt yếu nhất là nghệ thuật kiến chiếu vào thể tính con người, nó chỉ cho ta con đường đi đến giải thoát. Thiền cũng là phương pháp khai thác, giải phóng một khả năng tiềm ẩn trong tâm thức của con người. Cũng có thể nói, Thiền là triết lý hay đạo đưa con người đến chỗ triệt ngộ và in sâu vào trong tâm thức” [9, tr.120].

Trên cơ sở phân tích một số quan niệm về Thiền, có thể khẳng định, Thiền có giá trị trong đời sống con người: phát triển tư duy trừu tượng, rèn luyện sự kiên trì, bảo vệ sức khỏe con người cả về thân và tâm…Việc thực hành Thiền định giúp con người vượt qua những xung đột về bản ngã, tăng khả năng tập trung chú ý, tạo kỹ năng tự nâng cao bản thân.

(Còn tiếp)

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1,3]. DAISETZTE ITARO Suzuki (1994), Thiền luận (Trúc Thiên dịch), quyển Thượng, Đại cương triết học Trung Quốc, Nxb TP. Hồ Chí Minh.

[2]. Kim Cương Tử (1994), Từ điển Phật học Hán-Việt, Tập 2, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phân viện nghiên cứu Phật học xuất bản, Hà Nội.

[4]. Nguyễn Tài Thư (1988), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

[5]. Tuệ Trung Thượng Sĩ với Thiền tông Việt Nam (1993), Mạch thiền trong văn hoá – tư tưởng Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu Hán – Nôm.

[6]. Nguyễn Đăng Thục (1997), Thiền học Việt Nam, Nxb Thuận Hoá.

[7]. Thích Thanh Từ (1992), Thiền Tông Việt Nam cuối thế kỷ XX, Thành hội Phật giáo TP. HCM.

[8]. Nguyễn Hùng Hậu (1997), Lược khảo tư tưởng Thiền Trúc Lâm Việt Nam. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

[9]. Nguyễn Đức Diện (2014), Tư tưởng triết học Thiền của Tuệ Trung Thượng sỹ. Nhà xuất bản KHXH, HN.

[10]. Nguyễn Đức Diện (2016), Thiền Phật giáo và vai trò đối với sức khỏe của con người trong xã hội hiện đại. Tạp chí Khoa học Trường đại học sư Phạm Hà Nội, số 3.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Mẫu hình người cư sĩ lý tưởng

Nghiên cứu 15:55 17/04/2024

Trong những chúng đệ tử Phật, thì chúng cư sĩ tại gia chiếm số lượng đông đảo và có những ảnh hưởng nhất định đối với diện mạo của Phật giáo nói chung.

Phẩm tính quan trọng của một người học trò từ trường hợp Tôn giả Angulimala

Nghiên cứu 10:10 05/04/2024

Angulimala là một người cực ác trong xã hội khiến ai ai cũng khiếp sợ với danh xưng kẻ sát nhân, chỉ duy nhất tình thương của Phật pháp mới khiến tên cướp quay đầu sám hối, từ một kẻ đại ác trở thành Sa môn Thích tử.

Đạo đức của Phật giáo với đạo làm người

Nghiên cứu 18:00 02/04/2024

Với tư cách là hình thái ý thức xã hội, Phật giáo cũng như mọi tôn giáo, cũng mang trong nó những giá trị tư tưởng, như là sự phản ánh khát khao vươn tới chân - thiện - mỹ của chính loài người, song đặc biệt hơn ở chỗ chú trọng mục tiêu giải thoát khỏi khổ.

A lại da thức và Mạc na thức

Nghiên cứu 09:00 16/03/2024

Trong kinh Duy Thức thuộc tạng kinh phát triển, để chỉ cho sự huân tập thành khối nghiệp lực (A Lại Da Thức và Mạc Na Thức,) được xem là người giữ kho (librarian) và cái kho (library) tích trữ tạo thành nghiệp lực.

Xem thêm