Chính vì thế, trước sau đức Phật chỉ nói đến những vấn đề có ý nghĩa thiết thực cụ thể nhằm mục đích giúp con người đoạn trừ khổ đau ngay trong hiện tại lẫn về tương lai lâu dài, cho một cuộc sống Phạm hạnh giải thoát triệt để mọi lúc, mọi nơi.
7.2 Ba quy luật quan trọng
Trên đây là cách quán sinh diệt trên chi phần Thức và Danh sắc. Sự tái sinh khởi và diệt tận này trong giới hạn của danh mục đạo, của ngôn ngữ đạo, của thi thiết đạo và của tuệ giới cần được nhận thức thêm với sự chi phối bởi ba quy luật sau:
1) Ở đâu có tham ái, ở đó có tái sinh: “Này Vaccha, trong khi một loài hữu tình quăng bỏ thân này và sinh vào một thân khác, này Vaccha, Ta tuyên bố rằng trong khi ấy chính ái (tanhā) là nhiên liệu (upādānam)” (TƯ4, 398 = [Sb.38.9]).
“Này các Tỳ-kheo, thế nào là Khổ tập Thánh đế? Sự tham ái đưa đến tái sinh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia. Như dục ái, hữu ái, vô hữu ái.” (Đại Kinh Niệm Xứ, TrB2, 22 = [U.1.19]).
2) Với tham ái làm nhiên liệu, sự tái sinh sẽ diễn ra dưới bất kỳ dạng thức nào, vì phải tuân theo quy luật thứ hai: ‘Thức do duyên khởi, không có duyên thì thức không hiện khởi’ (Đại Kinh Đoạn Tận Ái, TB1, 38 = [Sb.10.7]).
Như đã được biết, chính Hành là duyên cho Thức hiện khởi, và đương nhiên, không phải chỉ có con người mà tất cả các chủng loài chúng sinh khác cũng có thể hành động kết hợp với nhau theo bản năng để tạo môi trường cho việc chuyển hoá Nghiệp Thức thành Thai Thức.
Nói cách khác, bụng dạ của muôn loài chúng sinh luôn luôn mở rộng để cho một Nghiệp Thức tương ưng hoặc không biết tu tập đúng chánh pháp được tái sinh luân hồi. Chỉ cần xét tỷ lệ con người trong tổng số muôn loài chúng sinh đang hiện hữu cũng dễ dàng hiểu được lời Phật dạy khi Ngài so sánh số người được tái sinh lại làm người ít oi như chút đất trên móng tay so với quả đất to lớn:
“Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, số ít là các chúng sinh, sau khi chết từ loài Người được tái sinh giữa loài Người. Và nhiều hơn là các chúng sinh, sau khi chết từ loài Người bị tái sinh ở địa ngục... ở các loại bàng sinh... ở cõi ngạ quỷ.” (TC I, tr.75 = [I.1.26.15]).
3) Bên cạnh hai quy luật trên, quy luật Nhân quả là quy luật quan trọng nhất chi phối môi trường tái sinh. Sự thể hiện của quy luật Nhân quả hoàn toàn không đơn giản.
Tuy nhiên, nói chung, một nghiệp thiện lành sẽ là nhân duyên cho một quả dị thục an vui, sung sướng; ngược lại một nghiệp bất thiện là nhân duyên để phải chịu một quả báo dị thục khổ đau.
Sự tái sinh diệt của Thức và Danh-Sắc theo nhiều cấp độ khác nhau, thể hiện qua bốn hình thức sinh đã được đức Phật xác định: thấp sinh, noãn sinh, thai sinh và hoá sinh.
Bốn hình thức này thể hiện tất cả các quy luật nêu trên, trong đó đặc biệt chịu chi phối bởi quy luật Nhân quả.
- Thấp sinh là sinh nơi ẩm thấp, nơi xác chết hư thúi như dòi bọ, sinh vật đơn bào…
- Noãn sinh là sinh dưới dạng trứng hoặc đập vỏ cứng chui ra như ếch, nhái, gà, vịt, chim…
- Thai sinh là sinh từ bào thai như bò, nai, sư tử, loài người…
- Hoá sinh là sinh bằng sự chuyển hoá. Một số chúng sinh hoá sinh trong thế giới chư Thiên, một số hoá sinh trong đọa xứ, địa ngục; và một số hoá sinh trong loài người (Đại Kinh Sư Tử Hống, TB1,12 = [Sb.2])
(Trường hợp sinh sản vô tính cũng tùy theo các trường hợp trên để định danh)
Theo đạo luật Nhân quả công bằng, tất cả bốn hình thức sinh này đều chịu quy định của chính nghiệp đã tạo. Vấn đề này sẽ được thấy rõ hơn qua việc tìm hiểu về hoá sinh.
Một chúng sinh tạo một hành nghiệp toàn trắng - tức thân hành, khẩu hành, ý hành toàn thiện - khi thân hoại mạng chung sẽ được quả dị thục hóa sinh lên cõi chư Thiên tương ứng để hưởng phước báo sung sướng mà mình đã tạo ra. Tất nhiên, dù là Đại Phạm Thiên nhưng nếu không tiếp tục giữ giới, làm phước thêm, khi hưởng hết phước báu cũ sẽ lại chịu cảnh luân hồi.
Trong khi đó, các chúng sinh tạo một hành nghiệp toàn đen - tức thân hành, khẩu hành, ý hành toàn ác - khi chết sẽ không thể được thai sinh, noãn sinh thậm chí thấp sinh, mà phải hoá sinh vào địa ngục hoặc đọa xứ để gánh chịu tất cả những quả báo khổ đau do chính mình gây ra cho đến khi trả hết nghiệp.
Riêng đối với một số người, dù chưa chứng Hữu Dư Y Niết Bàn ngay trong hiện tại, nhưng do đoạn dứt được năm hạ phần kiết sử (thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, tham và sân), tại đấy cũng được hoá sinh nhập Niết Bàn. Đó là do những vị này đã tu tập đúng chánh pháp; tạo được một nghiệp không đen, không trắng, nghiệp đi tới đoạn nghiệp, vì thế không còn bị thấp sinh, noãn sinh hoặc thai sinh mà phải được hoá sinh giải thoát.
“Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, những Tỳ-kheo sau khi đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, được hóa sinh, ở tại đấy nhập Niết Bàn, không còn phải trở lại thế giới này nữa. Những vị ấy, sau khi lội cắt ngang dòng sông Ma vương sẽ qua bờ bên kia một cách an toàn” (Tiểu Kinh Người Chăn Bò, TB1, 34, trang 496 = [U.16.8]).
Nói chung, mỗi chúng sinh trong quá trình sinh diệt tự tạo lấy nghiệp cho mình và bị chi phối bởi chính nghiệp lực ấy theo sự công bằng của luật Nhân-Quả. Xuyên suốt toàn bộ kinh tạng Nikāya, đức Thế Tôn đã triển khai, lý giải và chỉ dạy những phương cách cụ thể để diệt khổ trong mối liên hệ mật thiết với sự nhận thức về nhân quả thông qua nghiệp.
Một kết luận có tính tiêu biểu đã được nói đến trong Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt: “Này Thanh niên, các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu.” (TB3, 135 = [So.34.3])
Như vậy, mọi chúng sinh đều phải chết, thân và tâm đều bị huỷ hoại, thế nhưng chết không phải là hết, không phải là sự đoạn diệt hoàn toàn, mà trái lại chỉ là sự bắt đầu cho một nghiệp tái sinh luân hồi mới do chính mỗi người đã tạo ra:
“Mọi chúng sinh sẽ chết,
Mạng sống, chết kết thúc,
Tùy nghiệp, họ sẽ đi,
Nhận lãnh quả thiện ác,
Ác nghiệp, đọa địa ngục,
Thiện nghiệp, lên Thiên giới.
Do vậy hãy làm lành,
Tích lũy cho đời sau,
Công đức cho đời sau,
Làm hậu cứ cho người.”
(Bài kinh Tổ Mẫu, TƯ1, 96 = [Su.9.21])
Do vậy, sống thiện hay ác ở hiện tại đều phải gặt quả sòng phẳng cho cả tương lai, dù có chạy đằng trời cũng không khỏi nghiệp báo. Nếu tất cả mọi người đều ý thức được điều này, thử hỏi còn ai muốn làm ác, còn ai không muốn tích thiện, thế giới này dễ trở nên lương thiện hơn không? Hạnh phúc còn phải đi tìm ở đâu xa?
Riêng đối với người phật tử phải ý thức phước báu vô cùng hy hữu mà mình đang có: phước báu được làm người và làm người con Phật. Người phật tử không những cần duy trì phước nghiệp quý báu này trong hiện tại mà còn phải tăng trưởng cho tương lai. Muốn vậy, người phật tử phải thực hành hằng ngày những nghi thức truyền thống theo đúng chánh pháp như quy y Tam Bảo, bố thí, trì giới, tu tập Từ-Bi-Hỷ-Xả…
Bởi lẽ chính những hành nghiệp được huân tập đều đặn, lập đi lập lại thường xuyên như vậy mới tạo nên một nghiệp thức ‘đạo Phật’ vững chắc, nhờ thế mới có thể thắng vượt được hấp lực của một nghiệp thức đen. Đương nhiên việc làm sung mãn một nghiệp thức thiện hạnh như vậy, vừa đem lại cuộc sống an vui cho mình và cho mọi người ngay trong hiện tại, lại vừa bảo đảm cho hành trang giải thoát về lâu dài.
Chính vì lẽ đó đức Thế Tôn đã dạy: “- Thật là như vậy, này Ānanda! Thật là như vậy, này Ānanda! Này Ānanda, nếu do nhờ một người, mà một người khác được quy y Phật, quy y Pháp, quy y tăng…
Nếu do nhờ một người mà một người khác từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say các loại rượu men, rượu nấu …
Nếu do nhờ một người mà một người khác đầy đủ tịnh tín bất động đối với Phật, đối với Pháp, đối với Tăng, đầy đủ các giới luật…
Nếu do nhờ một người mà một người khác không có nghi ngờ đối với Khổ, không có nghi ngờ đối với Khổ Tập, không có nghi ngờ đối với Khổ Diệt, không có khi ngờ đối với con đường đưa đến khổ diệt, thời này Ānanda, Ta nói rằng người này không có một đền ơn nào xứng đáng đối với người kia về đảnh lễ, đứng dậy, chấp tay, về làm những việc thích hợp và về dâng cúng các sự cúng dường như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh” (Kinh Phân Biệt Cúng Dường, TB3, 142 = [Su.6.6]).
May mắn thay, cho đến nay, ở nhiều hội chúng nghi thức truyền thống ‘Quy y và thọ giới’ cho người cư sĩ vẫn còn được duy trì một cách đều đặn trong các ngày Bố-tát, trong các khóa thiền, trước khi trai tăng hoặc thính Pháp. Hiểu được ý nghĩa quan trọng của hành nghiệp quý báu này, mỗi người con Phật cũng nên tích cực thực hiện thường xuyên hàng ngày để củng cố nghiệp thức giải thoát cho chính mình, cho đời này lẫn cho đời sau.
Đến đây lại phải nói thêm về một vấn đề có liên quan đến ‘cõi sống và cõi chết’, ‘thể xác và linh hồn’ vốn đã gây ra rất nhiều những bi kịch suốt hàng trăm thế kỷ. Bởi từ xưa đến nay nhiều người còn sống nhưng cứ thích cãi nhau về cõi chết để rồi đánh nhau cho đến chết, hoặc biến cõi sống thành cõi khổ đau như cái chết. Khốn thay, cuộc đấu tranh truyền kiếp vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, và vấn đề muôn thưở vẫn còn đầy ắp những nghi ngờ, đại loại như ‘linh hồn và thể xác là hai hay là một?’, ‘linh hồn có tồn tại hay không có tồn tại sau khi chết?’
Thật ra ngay trong thời Phật, những câu hỏi thuộc kiểu này cũng nhiều lần được các ngoại học nêu lên nhưng đều bị đức Phật dẹp qua một bên, không thèm trả lời. Vì sao đức Phật không thèm trả lời, và những vấn đề gì mới được Ngài nói đến?
Đoạn kinh Potthapāda tiêu biểu dưới đây giúp sáng tỏ vấn đề. đức Phật đã giải thích rõ quan điểm của Ngài khi du sĩ ngoại đạo Potthapāda hỏi về những vấn đề nhảm nhí, không có ý nghĩa giúp giải thoát khổ đau; một trong số đó:
“… - Bạch Thế Tôn, có phải sinh mạng và thân thể là một, chỉ có quan điểm này là đúng sự thật, ngoài ra là mê muội không?
- Này Potthapāda, Ta không trả lời: "Thân thể và sinh mạng là một, chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội".
- Bạch Thế Tôn, có phải sinh mạng khác, thân thể khác? Chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội không?
- Này Potthapāda, Ta không trả lời: "Sinh mạng khác, thân thể khác. Chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội.
…
- Bạch Thế Tôn, vì sao Thế Tôn không trả lời?
- Này Potthapāda, câu hỏi này không thuộc về đích giải thoát, không thuộc về Pháp, không thuộc căn bản của phạm hạnh, không đưa đến yểm ly, đến ly tham, đến tịch diệt, đến tịch tịnh, đến thắng trí, đến giác ngộ, đến Niết Bàn. Vì vậy, Ta không trả lời.
- Bạch Thế Tôn, vậy Thế Tôn trả lời những gì?
- Này Potthapāda, Ta trả lời: "Ðây là Khổ". Ta trả lời: "Ðây là Khổ Tập". Ta trả lời: "Ðây là Khổ Diệt". Ta trả lời: "Ðây là Con đường đưa đến khổ diệt".
- Bạch Thế Tôn, vì sao Thế Tôn trả lời?
- Này Potthapāda, câu hỏi này thuộc về đích giải thoát, thuộc về Pháp, thuộc căn bản của phạm hạnh, đưa đến yểm ly, đến ly tham, đến tịch diệt, đến thắng trí, đến giác ngộ, đến Niết Bàn. Vì vậy Ta trả lời.” (Kinh Potthapāda, số 9, TrB1 = [So.47.30])
Thế đấy, đức Phật trước sau chỉ xiển dương Bốn Thánh Chân Lý: Khổ - Tập - Diệt - Đạo; nhưng nhiều người con Phật lại tin pháp từ các luận sư gốc Bà-la-môn truyền trao, đua nhau tụng ngược ‘vô khổ, tập, diệt, đạo’ (!?) Trong khi đức Phật không thèm trả lời sinh mạng (linh hồn) và thể xác là hai hay là một; Như Lai có hay không có tồn tại sau khi chết; thì nhiều người con Phật lại muốn chứng tỏ mình khôn ngoan, lao vào cãi nhau chuyện thể xác và linh hồn là một hay là hai, linh hồn có tồn tại hay không có tồn tại sau khi chết!!!
Đức Phật đã không thèm trả lời thì chớ, mà trong nhiều bài kinh thuộc Tương Ưng Nhân Duyên, Ngài còn gọi đích danh chúng là những tà kiến. Vì sao như vậy? Vì dù ‘thể xác và linh hồn có là hai hay là một’ nhưng nếu tham - sân - si không được đoạn diệt; các giới cấm không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không nghiện ngập không được thực thi thì khổ đau vẫn còn ngự trị dù trong bất cứ cảnh giới nào: trong thế giới thực tại hay trong thế giới siêu hình.
Ngược lại, dù ‘linh hồn’ có tồn tại hay không có tồn tại sau khi chết, nhưng nếu tham - sân - si được đoạn trừ, phạm hạnh được gìn giữ; nhờ vậy đau khổ mới được giảm thiểu, an lạc mới được tăng trưởng, bất kể có thế giới đời sau hay không, bởi lẽ ‘Trần sao thì Âm vậy’.
Đó mới chính là những điều đáng phải hiểu biết, đáng phải thực hành. Những tri kiến về cuộc sống không dựa trên những căn bản chánh đáng này sẽ dễ rơi vào một trong hai xu hướng cực đoan có hại, từ đó dẫn đến những luận tranh, đấu tranh, chiến tranh với nhau không có điểm dừng.
Một đàng vì nhất mực tin rằng ‘Linh hồn và thể xác là hai. Khi chết: xác hết, hồn còn’ chính từ đây mới sinh ra biết bao những mê tín dị đoan, những đồng bóng nhảm nhí, những lừa đảo gạt gẫm, thậm chí còn cắt đầu người khác để luyện bùa ma chú quỷ, chém giết cả người lành để được cứu rỗi lên ‘Thiên đàng’… Những tệ nạn sinh ra từ những cực đoan này không sao kể hết!
Đàng khác vì một chiều tin rằng ‘Hồn và xác là một. Khi chết: xác hết, hồn cũng chẳng còn’, triệt tiêu tất cả, dẫn đến không tin có thế giới đời sau, không sợ hãi địa ngục, chỉ biết có hiện tại. Từ đây cũng sinh ra biết bao những tai họa không lường, con người mặc tình lường gạt, chém giết lẫn nhau miễn sao đạt được mục đích ngay trong hiện tại. Đúng như kinh Pháp Cú ‘Ai bác bỏ đời sau, Không ác nào không làm’ là vì vậy. Những thảm trạng từ cực đoan này cũng thật vô chừng.
Chính vì thế, trước sau đức Phật chỉ nói đến những vấn đề có ý nghĩa thiết thực cụ thể nhằm mục đích giúp con người đoạn trừ khổ đau ngay trong hiện tại lẫn về tương lai lâu dài, cho một cuộc sống Phạm hạnh giải thoát triệt để mọi lúc, mọi nơi.
Trong đó nhận thức về Nghiệp là một trong những nhận thức rất quan trọng. Chính Nghiệp đi tái sinh, chính Nghiệp đi luân hồi. Biết tin vào Nghiệp tức là tin vào Nhân duyên - Nhân quả. Một người biết tin vào Nhân duyên - Nhân quả thì cả xác và hồn đều phải làm lành lánh ác. Thế giới biết tin vào Nhân duyên - Nhân quả, dù xác và hồn có là hai hay là một, thế giới vẫn thiện lành.
Một người đã thực sự hiểu rõ mục đích và ý nghĩa của cuộc sống theo lý Nhân duyên - Nhân quả, hẳn người này chẳng bao giờ mất công đi tranh luận với người khác những điều không thiết thực theo kiểu ‘Thể xác và linh hồn là hai hay là một? Linh hồn có hay không có sau khi chết? Tôi là ai? Có ngã hay vô ngã? Tôi từ đâu tới? Chết đi đâu? Thế giới có giới hạn hay vô hạn?’ v.v… và v.v…”
Với người trí, những tranh cãi kiểu này chẳng khác nào việc một người bị một mũi tên tẩm độc bắn trúng, sắp phải lìa đời, nhưng không lo cứu chữa, chỉ cố công tranh cãi với người khác về chuyện giỏ đựng tên có một hay hai ngăn? cây cung ngắn hay dài? dây cung mềm hay cứng? kẻ bắn tên cao hay thấp? béo hay gầy? đẹp hay xấu? dòng họ có mấy người? quần áo có hợp thời trang? bắn đứng hay ngồi? bắn xong rồi đi đâu? bắn trúng ta hay không phải ta???
Thế mới biết trần gian đâu chỉ có một mình hiệp sĩ Donkichote muốn lao đầu vào đánh nhau với cái ‘cối xay gió’ để tán dương chân lý! Còn nhiều những hiệp sĩ khác cũng quyết sống chết với nhau để chứng tỏ mình mới thực sự là ‘đỉnh cao trí tuệ muôn loài’. Chẳng trách chi đức Phật đã từng phải thốt lên ‘Rối ren thay loài người!’ Ngẫm cho kỹ, xét cho cùng, thật chẳng oan một chút nào!
Trở lại hai chi phần Thức và Danh - Sắc, người học Phật nếu quán xét kỹ hơn có thể ghi nhận thêm một nhận thức quan trọng khác nữa, đó là trong hai chi phần này có đầy đủ cả Năm Uẩn. Thật vậy, chi phần Thức là thức uẩn, chi phần Danh gồm có thọ là thọ uẩn, tưởng là tưởng uẩn, tư là hành uẩn (theo định nghĩa trong bài kinh Thủ Chuyển (TƯ3, 58 = [Ve.7.56.16]) và chi phần Sắc là sắc uẩn.
Chính vì chấp thủ năm uẩn mà các chúng sinh phải khổ đau ngay hiện tại và còn trôi lăn trong vòng sinh tử vô cùng. Hay nói cách khác “trong giới hạn ấy là lưu chuyển luân hồi hiện hữu trạng thái này trạng thái khác nghĩa là Danh sắc và Thức”, từ đây tập khởi toàn bộ khổ đau, khổ đau ngay trong hiện tại lẫn ở tương lai. Do vậy, trong định nghĩa về chân lý của khổ, câu cuối cùng đức Thế Tôn đã kết luận “Tóm lại Năm thủ uẩn là khổ” chính do duyên này mà nói.
Như đã biết ở trên, theo quy luật chung nhất: “Phàm pháp gì được tập khởi lên đều bị tiêu diệt”, vì thế mỗi chi phần của hệ thống Nhân Duyên cũng cần phải quán xét như vậy và con đường duy nhất để đoạn diệt các chi phần này vẫn là Tám Chánh Đạo. Đồng thời, còn phải quán tánh sinh diệt trên các pháp 12 CPND trong mối quan hệ chặt chẽ với quy luật nghiệp quả một cách logic.
Có trí tuệ về sự sinh diệt của các pháp cũng có nghĩa là có trí tuệ về sự vô thường của vạn pháp. Ý thức về sự vô thường để luôn nỗ lực tinh tấn, không dễ duôi phóng dật là động lực quan trọng cho tiến trình đi tới giải thoát.
Chính vì thế, đức Thế Tôn đã phải nhắc nhở những lời di giáo cuối cùng trước khi nhập Niết bàn: “Này các Tỳ-kheo, nay Ta khuyên dạy các ngươi: "Các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn, chớ có phóng dật” (Kinh Đại Bát Niết Bàn, TrB1, 16 = [Ab.7.190]).
Tóm lại, quán tánh sinh diệt trên các pháp 12 CPND cũng chính là tri kiến quy luật Nhân quả và quy luật Vô Thường trong tiến trình tái sinh luân hồi để đoạn trừ khổ đau do vô minh gây ra. Đây là một nhận thức rất cơ bản và trọng yếu trong Phật Pháp nhằm giải thoát khỏi khổ đau trước mắt cũng như về lâu dài.
- “Kẻ trí thấy hành động,
Như thật là như vậy.
Thấy rõ lý Duyên Khởi,
Biết rõ nghiệp dị thục.
Do nghiệp, đời luân chuyển
Do nghiệp, người luân hồi.
Nghiệp trói buộc chúng sinh,
Như trục xe quay bánh” (Kinh Vasettha, TB2, 98 = [So.30.60]).
- “Người sống một trăm năm, Không thấy pháp sinh diệt, Tốt hơn sống một ngày,
Thấy được pháp sinh diệt” (PC 113)
- Xem thêm bài kinh “Velāma” (TC IX:20, trang 124 = [I.9.20])
VIII. Quán Thuận Ứng Pháp 12 CPND
Như đã giới thiệu ở trước, trong các bài kinh số 1, 2, 3 thuộc Kinh Phật Tự Thuyết, Tiểu Bộ tập I (Ud I. 1,2,3 = [Uda1. 1-3]), ngay khi vừa thành đạo, đức Thế Tôn đã tự thân giáo hoá bằng ba cách quán khác nữa, đó là Quán thuận ứng 12 CPND, Quán nghịch ứng 12 CPND và Quán thuận ứng - nghịch ứng 12 CPND.
Người học Phật cũng cần phải thiện xảo về ba cách quán này. Trước hết là cách quán thuận ứng 12 CPND.
Quán thuận ứng 12 CPND là cách quán xuôi chiều từ chi phần vô minh cho tới già, chết. Có hai cách quán thuận ứng pháp 12 CPND được ghi nhận: quán thuận ứng tuần tự và quán thuận ứng không tuần tự.
- Quán thuận ứng tuần tự là cách quán nhân duyên đầy đủ từ những chi phần đầu tiên như vô minh duyên hành, hành duyên thức… lần lượt cho đến chi phần cuối là sinh duyên già-chết. Cách quán này nhằm nhấn mạnh từng nguyên nhân dẫn đến hậu quả của khổ đau.
- Quán thuận ứng không tuần tự là không nhất thiết phải quán đầy đủ thứ tự 12 chi phần. Có bài kinh đức Thế Tôn chỉ dẫn giải gồm 9 chi phần (Kinh Đại Duyên, TrB1, 15 = [Sb.31]), hoặc có khi từ chi phần sáu xứ dẫn dần đến già chết (Kinh Phạm Võng, TrB1, 1 = [So.38]). Bên cạnh đó trong nhiều bài kinh thuộc Tương Ưng Nhân Duyên, Ngài chỉ giải thích từ chi phần xúc trở đi v.v… Điều này phụ thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể và việc muốn nhấn mạnh chi phần nào là nguyên nhân tương ứng trực tiếp gây ra đau khổ và cách đoạn diệt chúng.
Như lý tư duy các đoạn kinh đã nêu và hai đoạn kinh sau đây, người học Phật có thể phân biệt thêm giữa quán thuận ứng tuần tự và không tuần tự kết hợp với quán nội-ngoại pháp một cách độc đáo và thiết thực:
- “Này các Tỳ-kheo, cái gì chúng ta tư niệm, chúng ta tư lường, chúng ta có thầm ý, cái ấy trở thành (sở duyên) cho thức an trú. Do sở duyên có mặt nên thức có an trú. Do thức ấy an trú và tăng trưởng nên có sự hạ sinh danh sắc” (TƯ2, 66 = [U.51.39]).
- “Này các Tỳ-kheo, cái chúng ta tư niệm, tư lường, có thầm ý, cái ấy trở thành sở duyên cho thức an trú. Khi nào sở duyên có mặt thời thức có an trú. Do thức ấy an trú, tăng trưởng, nên trong tương lai, tái hữu sinh khởi. Do sinh khởi tái hữu có mặt trong tương lai, nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sinh khởi. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này” (TƯ2, 65 = [U.51.38]).
Câu hỏi thảo luận: Sự phân tích khác biệt nêu trên có ý nghĩa gì?
Cách quán nào cho hiện tại? Cách quán nào cho tương lai?
Điều đáng phải sợ hãi là gì ngoài già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não?
IX. Quán Nghịch Ứng Pháp 12 CPND
Là quán từ chi phần già-chết ngược cho đến chi phần vô minh. Nếu cách quán thuận ứng để nhấn mạnh các nguyên nhân dẫn đến hậu quả đau khổ, thì cách quán nghịch ứng nhấn mạnh những hậu quả khổ đau trước rồi từ đó chỉ rõ nguyên nhân.
Cũng giống như cách quán thuận ứng, không những có thể quán nghịch ứng với đầy đủ cả 12 chi phần mà còn có thể quán nghịch ứng đến bất kỳ chi phần nào tùy vào từng trường hợp và đối tượng cụ thể.
Người học Phật cần tham khảo thêm các bài kinh Các Loại Ðồ Ăn (TƯ2, 11 = [U.51.11]), kinh Ngoại Ðạo (TƯ2, 32 = [U.51.24]), kinh Đại Duyên (TrB1, 15 = [Sb.31]) để hiểu thêm về ý nghĩa này.
X. Quán Thuận Ứng, Nghịch Ứng Pháp 12 CPND
Là kết hợp cả hai cách quán theo chiều xuôi và chiều ngược hệ thống pháp 12 CPND. Có hai cách quán thuận ứng - nghịch ứng được ghi nhận trong kinh tạng Nikāya:
- Quán thuận ứng, nghịch ứng tuần tự
- Quán thuận ứng, nghịch ứng đảo biến.
10.1 Quán Thuận ứng, Nghịch ứng tuần tự
Là cách quán xuôi-ngược với đầy đủ 12 chi phần. Tiêu biểu cho cách quán thuận-nghịch tuần tự là bài Kinh ‘Mahà Sakya Muni Gotama: Ðại Thích-ca-mâu-ni Cù-đàm’ thuộc Tương Ưng Nhân Duyên.
Trong bài kinh này, đức Thế Tôn còn kết hợp cả hai chiều sinh khởi và đoạn diệt, do đó có thể phân tách thành bốn cách quán như sau: quán nghịch-ứng-sinh-khởi, quán thuận-ứng-sinh- khởi, quán nghịch-ứng-đoạn-diệt và quán thuận-ứng-đoạn-diệt.
1) Tại Sāvatthi.
2) - Thuở xưa, này các Tỳ-kheo, trước khi Ta giác ngộ, chưa chứng Chánh Ðẳng Giác, còn là Bồ-tát, tư tưởng sau đây được khởi lên:
"Thật sự thế giới này bị hãm trong khổ não, bị sinh, bị già, bị chết, bị đoạn diệt và bị tái sinh; và từ nơi đau khổ này, không biết sự xuất ly, thoát khỏi già chết; từ nơi đau khổ này, không biết khi nào được biết đến sự xuất ly già chết".
3) Rồi này các Tỳ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: "Cái gì có mặt, già, chết có mặt? Do duyên gì, già chết sinh khởi?”
Rồi này các Tỳ-kheo, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ, Ta phát sinh minh kiến như sau: "Do sinh có mặt nên già chết có mặt. Do duyên sinh nên già chết sinh khởi".
4 - 13) Rồi này các Tỳ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: "Cái gì có mặt, sinh mới có mặt... do duyên hữu... do duyên thủ... ái... thọ... xúc... sáu xứ... danh sắc... thức... hành... do duyên gì hành sinh khởi?” (Quán nghịch-ứng-sinh-khởi)
Rồi này các Tỳ-kheo, sau khi như lý tư duy về vấn đề này, nhờ trí tuệ, Ta phát sinh minh kiến như sau: "Do vô minh có mặt nên hành có mặt. Do duyên vô minh nên hành sinh khởi".
14) Như vậy vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên sinh sắc, danh sắc duyên sáu xứ, sáu xứ duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sinh khởi. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này. (Quán thuận-ứng-sinh-khởi)
15) "Tập khởi, tập khởi", này các Tỳ-kheo, đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, chính nơi Ta, nhãn khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh khởi lên, quang khởi lên.
16) Và này các Tỳ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: "Cái gì không có mặt, già chết không có mặt? Do cái gì diệt, nên già chết diệt?"
Rồi này các Tỳ-kheo, sau khi như lý tư duy về vấn đề này, nhờ trí tuệ, Ta phát sinh minh kiến như sau: "Do sinh có mặt nên già chết có mặt. Do sinh diệt nên già chết diệt".
17) Rồi này các Tỳ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: "Cái gì không có mặt, sinh không có mặt... hữu không có mặt... thủ không có mặt... ái... thọ... xúc... sáu xứ... danh sắc... thức... hành... Do cái gì diệt, hành diệt?” (Quán nghịch-ứng-đoạn-diệt)
Rồi này các Tỳ-kheo, sau khi như lý tư duy về vấn đề này, nhờ trí tuệ, Ta phát sinh minh kiến như sau: "Do vô minh không có mặt nên hành không có mặt. Do duyên vô minh diệt nên hành diệt”
27) Như vậy, vô minh diệt hành diệt; hành diệt nên thức diệt, thức diệt nên danh sắc diệt, danh sắc diệt nên sáu xứ diệt, sáu xứ diệt nên xúc diệt, xúc diệt nên thọ diệt, thọ diệt nên ái diệt, ái diệt nên thủ diệt, thủ diệt nên hữu diệt, hữu diệt nên sinh diệt, sinh diệt nên già chết diệt, như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này. (Quán thuận-ứng-đoạn-diệt)
28) "Ðoạn diệt, đoạn diệt", này các Tỳ-kheo, đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, chính nơi Ta nhãn khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh khởi lên, quang khởi lên”. (TƯ2, 10 = [U.51.10])
10.2 Quán Thuận ứng, Nghịch ứng đảo biến
Là cách quán kết hợp theo hai chiều xuôi- ngược nhưng không theo thứ tự từng chi phần. Ví dụ quán thuận ứng tới chi phần sinh của nội pháp và từ đây có thể quán nghịch ứng liên hệ tới chi phần thức (nhập thai) của ngoại pháp, hoặc ngược lại v.v...
Tiêu biểu cho cách quán thuận ứng, nghịch ứng đảo biến là lời dạy của đức Thế Tôn trong đoạn số 9 của bài kinh ‘Sở Y Xứ’ và sự vận dụng dẫn giải độc đáo của Tôn giả Mahakaccana trong bài kinh ‘Bánh Mật Hoàn’.
- Đoạn thứ 9 trong bài kinh ‘Sở Y Xứ’ như sau:
“Bốn Thánh Đế này, này các Tỳ-kheo, được Ta thuyết giảng... không bị các Sa-môn, các Bà- la-môn có trí quở trách. Ðiều đã được nói đến, chính do duyên nào đã được nói đến?
Do chấp thủ sáu giới, này các Tỳ-kheo, nên có nhập thai. Do có nhập thai, nên có danh sắc. Do duyên danh sắc, nên có sáu xứ. Do duyên sáu xứ, nên có xúc. Do duyên xúc, nên có thọ. Với người có cảm thọ, này các Tỳ-kheo, Ta nêu rõ: "Ðây là khổ”, Ta nêu rõ: "Ðây là khổ tập”; Ta nêu rõ: "Ðây là khổ diệt”, Ta nêu rõ: "Ðây là con đường đưa đến khổ diệt”” (TC III:61, tr.317 = [I.3.53])
‘Chấp thủ sáu giới’ thuộc về ngã luận thủ là một trong bốn chấp thủ thuộc chi phần ‘Thủ’ của nội pháp (dục thủ, giới cấm thủ, kiến thủ và ngã luận thủ). Tiến trình thuận ứng tiếp theo là thủ duyên hữu, hữu duyên sinh. Sinh của nội pháp, nói khác đi, cũng là sự nhập thai của nghiệp thức hay thai thức của ngoại pháp; và thai thức này sẽ là duyên tạo nên danh sắc, vì thế mới nói ‘Do chấp thủ sáu giới, nên có nhập thai. Do có nhập thai, nên có danh sắc’. Như vậy, đây là cách quán thuận ứng - nghịch ứng đảo biến từ chi phần ‘Sinh’ của nội pháp liên hệ ngược trở lại đến chi phần ‘Thức’ của ngoại pháp.
Lời dạy trên có liên hệ đến bài kinh Phạm Võng (TrB1, số 1 = [So.38]). Trong bài kinh này đức Thế Tôn phân tích kỹ lưỡng và chỉ dạy chi tiết hệ quả của chấp thủ sáu giới có quan hệ trực tiếp đến 62 luận chấp (kiến thủ) của các Sa-môn, Bà-la-môn.
Đây chính là tấm lưới tái sinh luân hồi rộng lớn khiến cho số đông chúng sinh, ngay cả đến vị Đại Phạm Thiên hay vị tu chứng Phi tưởng phi phi tưởng, cũng không thoát khỏi: “tất cả những vị này đều bị bao phủ trong lưới của sáu mươi hai luận chấp này; dầu có nhảy vọt lên, những vị này vẫn bị hạn cuộc bao phủ ở nơi đây”.
Nguyên nhân của sự mắc lưới và thoát lưới võng cũng đã được chỉ rõ: “Tất cả những vị này có những cảm thọ (những chủ trương trên) do sự xúc chạm qua sáu xúc xứ. Do duyên với những cảm thọ mà tham ái phát khởi; do duyên tham ái, thủ phát khởi; do duyên thủ, hữu phát khởi; do duyên hữu, sinh phát khởi; do duyên sinh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não phát khởi.
Này các Tỳ-kheo, khi Tỳ-kheo như thật biết sự tập khởi, sự diệt trừ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sáu chỗ xuất xứ, vị ấy sẽ có một sự hiểu biết vượt ra ngoài những điều trên” (Sđd)
Từ quán xét này, người học Phật cần hiểu rõ ‘thọ là khổ’ - khổ hiện tại lẫn khổ trong tương lai. Cần hiểu rõ nguyên nhân của thọ, đâu là thọ diệt, và con đường đưa đến thọ diệt tức khổ diệt, chính là Tám Chánh Đạo. Trong Con đường Thánh Đạo Tám Ngành này có Chánh Định là Bốn Thiền với trạng thái diệt thọ hành thực sự - thọ nơi thân và cả thọ nơi tâm: “Xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền Thứ Tư không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh” (Kinh Nikāya).
Từ đây vị Tỳ-kheo mới có thể hướng tâm đến Tam Minh để đoạn diệt vô minh và lậu hoặc hoàn toàn. Tuy nhiên đây là vấn đề của thực chứng, không phải để luận bàn suông, vì đức Phật cũng đã chỉ rõ trong đoạn 26 kinh Phạm Võng:
“Những pháp ấy, này các Tỳ-kheo, là những pháp sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm của luận lý suông, tế nhị, chỉ những người có trí mới có thể nhận biết”.
- Ngoài minh chứng nêu trên, cách quán Thuận ứng - Nghịch ứng đảo biến còn được thấy trong kinh ‘Bánh Mật Hoàn’. Bài kinh này ghi lại sự kiện các Tỳ-kheo thắc mắc về lời dạy vắn tắt của đức Thế Tôn sau khi Ngài kể lại sự việc gặp du sĩ ngoại đạo Dandapani Sakka. Các Tỳ-kheo tìm đến Ngài Mahakaccaca nhờ giải thích thêm. Tôn giả Mahakaccaca sau khi từ chối, vì kính trọng Thế Tôn, cuối cùng đã giải thích:
“Chư Hiền, do nhơn con mắt và các sắc pháp, nhãn thức khởi lên. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên xúc nên có cảm thọ. Những gì có cảm thọ thời có tưởng, những gì có tưởng thời có suy tầm, những gì có suy tầm thì có hý luận.
Do hý luận ấy làm nhơn, một số hý luận vọng tưởng ám ảnh một người, đối với các sắc pháp do con mắt nhận thức, quá khứ, tương lai và hiện tại… do nhơn lỗ tai và các tiếng… mũi và các hương… lưỡi và các vị… thân và các xúc chạm… ý và các pháp…” (TB1, 18 = [So.3])
Thông thường từ chi phần Sáu Xứ duyên Xúc, Xúc duyên Thọ là cách quán thuận ứng; và tiếp theo tiến trình này thì Thọ sẽ phải sinh khởi Ái. Nhưng ở đây, thay vì dẫn tới chi phần Ái, Ngài Mahakaccaca lại dẫn giải thành Tưởng và Suy tầm. Căn cứ vào đâu để giải thích như vậy? Đó là dựa vào cách quán Thuận ứng - Nghịch ứng đảo biến.
Điểm cần nhấn mạnh là không phải chỉ dừng lại ở mức độ hiểu pháp, phát hiện thêm một cách quán của 12 CPND, điều quan trọng hơn là rút ra được những bài học về diệt khổ một cách thiết thực, cụ thể.
Muốn vậy người học Phật phải đọc lại trọn vẹn các bài kinh và phải quán xét, tư duy kỹ lưỡng mới biết được. Đây cũng là cách tu về Quán để tăng trưởng trí tuệ do tự mình tư duy mà có (tư huệ). Xin dành sự thưởng thức hương vị ‘bánh mật tròn’ cho chính người học Phật.
Tỳ kheo Pani Giới Pháp Trích trong
Giải mã Hệ thống Pháp nhân duyên Thánh lý Cứu khổ
Còn nữa...
TIN, BÀI LIÊN QUAN: