Giáo lý đạo Phật luôn nhất quán và tương thích khoa học
Giáo lý căn bản của Phật giáo là yếu tố nhân quả làm thước đo mọi sự, chân lý của đạo Phật đối chiếu với khoa học không những không hề lỗi thời, mà còn vượt trội về nhiều lĩnh vực.
Dẫn nhập
Nếu là Phật tử chúng ta đều biết, đạo Phât ra đời là một Đại nhân duyên, không phải để chờ khoa học giải thích và chứng minh. Xuyên suốt hơn 25 thế kỷ, đến thời kỳ Mạt pháp (xa pháp) với nhiều ý kiến trái ngược nhau, đặc biệt là thời kỳ khoa học phát triển, ai cũng nghĩ chân lý khoa học sẽ lấn át chân lý đạo Phật.
Nhưng thực tế, qua các nghiên cứu hiện nay của các nhà khoa học hàng đầu thế giới (cả khoa học tự nhiên và xã hội) cho thấy, Chân lý của đạo Phật đối chiếu với khoa học không những không hề lỗi thời, mà còn vượt trội về nhiều lĩnh vực.
Cụ thể như về Vật lý lượng tử, với thí nghiệm “Hai khe hở” và về Vật lý – Thiên văn, mới đây Cơ quan Hàng không và không gian Hoa Kỳ NASA đã công bố kết quả quan sát từ kính Thiên văn Hubble vừa chụp được các bức ảnh siêu thiên hà (biển thế giới) mà trong các kinh điển Phật giáo đề cập đó là: kinh Nikaya, kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa cũng có những mô tả về Vũ trụ khá phù hợp với kết quả quan sát của thiên văn học Hiện đại.
Chính vì điều này, mà các nhà khoa học không khỏi kinh ngạc “khi mà cách đây hơn hai nghìn năm Phật giáo đã không dùng bất kỳ một công cụ, cũng không dựa trên bất cứ một phương tiện, hay sao chép ý tưởng từ bất cứ ai lại có được mô tả về Vũ trụ chính xác đến vậy.”
Giáo lý đạo Phật ra đời, trải qua biết bao nhiêu biến động về lịch sử xã hội, cũng như về tự nhiên và cuộc sống con người, nhưng giáo lý đạo Phật luôn nhất quán không hề thay đổi.
Bởi Chân lý đạo Phật đã vượt qua sự khảo nghiệm của thời gian mà tinh hoa của nó luôn tỏa sáng vi diệu. Vậy nên, Phật giáo thường gọi theo ngôn ngữ của mình là “Bất khả tư nghị”.
Vậy, Bất khả tư nghị ở đây là gì?
Để chứng minh điều này, xin được trích “trang Phật học” trong cuốn Tôn giáo của nhân loại của Giáo sư: Huston Smith người Mỹ, qua bài viết của Thiền sư Thích Duy Lực trên trang Điện tử (PGVN) với tiêu đề: “Yếu chỉ Phật pháp” để bạn đọc và đạo hữu chúng ta cùng suy ngẫm về sự đánh giá Phật giáo dưới góc nhìn của người Tây phương hiện nay.
Dưới đây xin trích nội dung sáu yếu tố Tôn giáo của nhân loại nói chung, và sự nhất quán khác biệt của Giáo lý đạo Phật được coi là “Bất khả tư nghị”.
Chánh đề:
Theo Giáo sư Huston Smith, trong cuốn Tôn giáo của nhân loại, thì “Tất cả các tôn giáo trên thế giới đều gom tụ sáu yếu tố dưới đây:
1- Quyền uy.
2- Nghi thức.
3- Tri giải suy lường.
4- Truyền thống.
5- Thần trị và ân điển.
6- Huyền bí.
Về tôn giáo của nhân loại, sáu yếu tố trên đã phát huy được tác dụng quan trọng của nó. Nhưng mọi yếu tố đều có thể bị mất đi sự khống chế mà nảy sinh tệ đoan, tệ đoan này khiến thực trạng của tôn giáo ngày một hoang tàn, từ sai lầm dẫn đến chỉ quanh quẩn nơi mê tín.
Phật Thích Ca quyết tâm rửa sạch khoảng đất hoang tàn này, và Phật giáo đối với sáu yếu tố trên chẳng hề có sự liên quan nên khiến người đời kinh sợ. Bởi vì theo thói quan sát của người đời thì hễ tôn giáo nào thiếu mất sáu yếu tố trên đều chẳng thể tồn tại. Nhưng sự thật lại được chứng minh cụ thể như sau:
1-/ Đức Phật hoằng dương một tôn giáo chẳng có quyền uy:
Đặc điểm của Bà La Môn Ấn Độ đứng hàng đầu bốn giai cấp xã hội đều bị Phật quét sạch. Ngài nói với mọi người rằng: “Chẳng nên ỷ lại và tin bám vào thói quen theo thế tục, chẳng nên thấy có một học thuyết nào ghi trong kinh điển thì cho đó là phù hợp với tín ngưỡng của mình; hoặc nghe thuyết khai thị của đạo sư thấy tín ngưỡng và ham mê, cho đó là ngon đuốc chiếu sáng của mình.
Từ sống đến chết, chúng ta chỉ có thể tin vào chính mình, chẳng nên ỷ lại người khác, phải nhờ vào khả năng của chính mình mới có thể tới được cảnh giới tột đỉnh.”
2-/ Đức Phật hoằng dương một tôn giáo chẳng nghi thức:
Ngài cho tất cả nghi thức chỉ có ràng buộc tinh thần của con người. Vì vậy nên nhiều người cho rằng Phật giáo chẳng thuộc về lý tính đạo đức của bất cứ tôn giáo nào cả.
3-/ Đức Phật hoằng dương một tôn giáo chẳng dùng tư duy suy lường tri giải:
Lý do rất đơn giản, Ngài cho rằng sự tham cầu tri giải chẳng giúp ích gì đối với khai mở trí huệ. Ví như có người bị trúng mũi tên độc chẳng chịu đưa đi bệnh viện cứu chữa ngay mà muốn đi tìm xem ai là kẻ bắn mũi tên ấy! Thế thì người bị thương sẽ chết trước khi tìm được kẻ bắn tên vậy.
4-/ Đức Phật hoằng dương một tôn giáo vô truyền thống:
Ngài dạy tín đồ phải giải thoát chính mình dưới sự ràng buộc và áp lực, chớ nên tôn sùng và ỷ lại vào những lòi dạy dỗ theo truyền thống xưa. Nếu một mực tin tưởng và thực hành theo những giáo điển cố định, sẽ khiến mình bị mê hoặc và đau khổ, đến khi nào mới tự chứng giác được? Ngài cho rằng tốt nhất hãy cắt đứt những truyền thống của đời trước vậy.
5-/ Đức Phật hoằng dương một tôn giáo nhấn mạnh về tự lực chứ không cầu ân điển:
Vận mệnh của chính mình không do người khác quyết định, cho dù là thần tiên hay Phật cũng không thể giải thoát dùm được, mà phải nhờ sức mạnh của chính bản thân mới có thể đạt đến giải thoát (toàn triệt) cuối cùng.
6-/ Đức Phật hoằng dương một tôn giáo chẳng có huyền bí
Ngài nói “Tất cả việc chiêm tinh, bói toán đều là những môn học thấp kém, không cho môn đồ trong Phật giáo làm mọi phép thuật huyền bí, bất cứ người nào hễ sử dụng tà thuật để đặt điều kỳ lạ đều chẳng phải Phật tử của ta, những người làm phép huyền ảo ấy đều là việc nguy hiểm nhất”.
Lúc Phật còn tại thế đã lo ngại và luôn phòng ngừa sáu yếu tố có hại này không cho xâm nhập Phật giáo. Nhưng sau khi Ngài nhập diệt thì sáu thứ tệ đoan này chẳng những xâm chiếm dần toàn bộ Phật giáo mà còn ngày một lộng hành hơn, nhưng tác hại của nó rốt cuộc chẳng thể làm tổn thương hết bản chất chân thật của Phật giáo. Điều này chúng ta phải nhận thức như sau để thấy bản chất chân thật của đạo Phật:
1- Rất chú trọng kinh nghiệm trực tiếp:
Xưa nay ở các tôn giáo khác chưa từng có trường hợp nào là hoàn toàn sử dụng kinh nghiệm trực tiếp của cá nhân bày tỏ lập trường của họ để phán đoán chân lý cuối cùng của từng sự việc, mà chẳng căn cứ lý luận suy lý hoặc sự biện luận. Người phật tử chân chính phải chứng ngộ bằng chính bản thân mình
2- Rất khoa học và là sự tồn tại duy nhất:
Kinh nghiệm trực tiếp chẳng những là sự phán đoán sau cùng, đông thời cũng nêu rõ quan hệ nhân quả của bản thể sinh tồn, cũng là sự tồn tại duy nhất; nhân quả đều cùng tồn tại.
Ví như bản thể của trái táo trước mắt (hiện tại) là cái quả của trái táo đời trước (quá khứ), đồng thời cũng là nhân của trái táo đời sau (tương lai). Nhân và quả đồng thời quy tụ trong một trái táo ấy, tức là quan hệ nhân quả của tất cả bản thể sinh tồn, cũng là sự tồn tại duy nhất.
Tương đối của sự tồn tại là “chẳng tồn tại”, cái “chẳng tồn tại” kia không thể sinh ra cái “tồn tại” này, ngược lại, cái “tồn tại” này chẳng thể sinh ra cái “chẳng tồn tại” kia. Nhưng hễ có bỉ (kia) thử (này) ắt phải cùng thuộc về tồn tại; tức là bỉ và thử đều cùng tồn tại, nên gọi là sự tồn tại duy nhất vậy.
3- Thực dụng nhất:
Đức Phật xả bỏ tất cả tư tưởng và tìm vật ngoài “Tâm” mà chỉ giải quyết vấn đề thực tế. Lời khai thị của Ngài chỉ là phương tiện tạm thời, chẳng có giá trị tuyệt đối, ví như dùng chiếc bè qua sông, đến bờ rồi thì chiếc bè không cần sử dụng nữa vậy.
4- Điều trị:
Phât bảo:
- Ta chẳng hỏi tôn giáo, lập trường của ông, mà chỉ hỏi ông có bệnh tật gì?
- Ta chỉ khai thị cho ông về bệnh tật và cách trị, ấy là khổ và cách dứt khổ vậy.
5- Lấy Người làm bổn vị:
Đức Phật thuyết pháp chẳng nói về sự bắt đầu của vũ trụ, mà nói về những vấn đề cuộc sống thực tế của loài người, tính chất và động lực có thể phát huy từ con người mà thôi.
6- Dân chủ nhất:
Đức Phật phản đối chế độ giai cấp, nhất là chế độ truyền thừa, cha truyền con nối và những chế độ nghiêng về quyền lực.
Ngài xuất thân từ vua chúa, thuộc giai cấp thống trị, lại chẳng màng đến địa vị xã hội của bản thân mà quyết tâm đập tan mọi giai cấp, đối xử bình đẳng với đại chúng, nhận những kẻ nô lệ hèn thấp nhất ở Ấn Độ đương thời làm đệ tử.
7- Tự tánh tự độ:
Phật pháp vì lợi ích tất cả chúng sinh, nhưng lại rất chú trọng về phương tiện tu hành của cá nhân. Đối tượng thuyết pháp của Phật là mỗi một “các nhân”. Ngài muốn mọi người đều chứng đắc Chánh Đẳng Chánh Giác, nên Ngài nói với A Nan rằng:
- “Con phải làm ngọn đuốc của chính mình, phải tin tưởng chính mình, ngoài chính mình ra, chớ nên ỷ lại bất cứ ai cả, phải vì sự giải thoát của chính mình mà siêng năng tu tập”.
Thay lời kết:
Căn cứ sáu yếu tố đặc trưng của tôn giáo nêu trên của Giáo sư người Mỹ Huston Smith ta thấy, Giáo lý đạo Phật vượt ra ngoài khuôn khổ các định chế của tôn giáo nói chung. Đó là đạo Phật hoằng dương một tôn giáo chẳng có quyền uy, chẳng nặng nề về nghi thức, và tư tưởng suy lường tri giải.
Đức Phật cũng dạy các đệ tử nói chung (xuất gia và tại gia) phải giải thoát chính mình dưới sự ràng buộc và áp lực, chớ nên tôn sùng và ỷ lại vào những lời dạy dỗ theo truyền thống xưa (cũ) không có chọn lọc. Ngài nhấn mạnh đến vai trò “cá nhân” đó là tự lực chứ không cần ân điển. và Ngài khuyên các đệ tử giữ giới tu trì để có năng lực tự nội. Bởi vận mệnh của mình không do người khác quyết định được.
Đặc biệt là vấn đề huyền bí, đây là vấn đề mà hầu hết các tôn giáo (thần quyền) tập trung khai thác để thu hút tín đồ. Ngược lại Phật giáo coi trọng trí tuệ và thực hành như pháp; không có tín điều áp đặt và chỉ có lòng tin đức tin.
Nếu lòng tin đức tin ấy, không dựa trên chánh kiến, chánh tư duy bằng trí huệ của chính bản thân mình, mà dựa trên hình thức (truyền thống đám đông).
Ví dụ: Trong lễ quy y thọ giới của hàng cư sĩ: với 5 điều mà Đức Phật khuyên người Phật tử nên gìn giữ đó là không sát hại, không trộm cướp, không nói dối, không tà dâm, không sử dụng chất kích thích. Nếu ai giữ được giới nào thì (đáp) trả lời giới ấy; ai không giữ được thì lặng thinh (không trả lời), không ai ép ai.
Bởi giữ giới là lợi ích cho chính mình (tức không tạo ác nghiệp) thì có phước báo tốt cho mình, chứ không phải giữ giới cho người khác. Đây là vẻ đẹp nhân văn của Phật giáo. Bởi nó đem lại an lạc và hạnh phúc hiện tại cho người thực hành như pháp.
Cùng với 5 giới kể trên, theo giáo lý đạo Phật và các Tổ thầy dạy, nếu chúng ta thực hiện tiếp được Thập thiện (10 điều lành) nữa, chắc chắn ta có được một kết quả tái sinh tốt đẹp hơn. Đó là pháp giới Duyên sinh (chuyển đời sống thân sau) cho một kiếp sống khác với mục đích dài hạn theo duy thức Phật giáo. Bởi chết không phải là hết và “trắng tay” như thế tục vẫn nghĩ, mà dưới góc nhìn Phật giáo chết là chuyển sinh.
Giáo lý căn bản của Phật giáo là yếu tố nhân quả làm thước đo mọi sự. Những tín ngưỡng dân gian chỉ trông cậy vào (tha lực) quyền uy, van xin cầu cạnh, giết heo, mổ gà cúng kiếng thần tiên với những tín điều kỳ lạ ấy đều không phải là Phật giáo.
Chính vì điều này, mà Đức Phật nói: “Tất cả những việc chiêm tinh, bói toán đều là những môn học thấp kém, không cho môn đồ trong Phật giáo làm các pháp thuật huyền bí, bất cứ người nào hễ sử dụng tà thuật để đặt điều kỳ lạ đều chẳng phải Phật tử của Ta, những người làm pháp huyền ảo ấy đều là việc nguy hiểm.”
Với sáu yếu tố nêu trên về tôn giáo mà Giáo sư người Mỹ đề cập, cho ta thấy ngay từ khi còn tại thế, “Đức Phật đã lo ngại và luôn phòng ngừa sáu yếu tố có hại này thâm nhập vào ngôi nhà chánh pháp Như Lai.
Nhưng sau khi Ngài nhập diệt thì sáu thứ tệ đoan này chẳng những xâm nhập sâu hơn vào Phật giáo, mà còn lộng hành hơn. Những tác hại của nó rốt cuộc chẳng thể làm tổn thương hết bản chất chân thật của Phật giáo.”
Theo dấu chân Phật, với cái nhìn chánh pháp chúng ta cần phải nỗ lực giữ gìn sự thanh tịnh của Ngôi nhà Như Lai. Trải qua thời gian trên 25 thế kỷ, nhìn vào lịch sử ta thấy Phật giáo đã từng nếm trải bao sự vui buồn, thịnh suy trong cuộc thế.
Nhưng chân lý mà Thế Tôn triệt ngộ được qua trí huệ Chánh Biến Tri thì không hề thay đổi và lỗi thời. Để kết thúc bài viết nhỏ này, xin được mượn lời ông Lương Khải Siêu nói về Phật giáo như thế này: “Phật giáo không phải tôn giáo, không phải triết học, không phải khoa học”.
Chúng ta có thể nói Phật giáo hàm xúc tôn giáo, triết học và khoa học. Nhưng nó không phải là khoa học, triết học, tôn giáo. Và nó cũng không phản đối tôn giáo, triết học và khoa học, nhưng cái thực tế của nó vượt ngoài phạm vi của những ngành học nói trên.
Tài liệu tham khảo:
- Bài: Yếu chỉ Phật pháp- Thiền sư Thích Duy Lực – Báo Điện Tử phatgiao.org.vn (24.12.2017).
- Bài: Khoa học hướng tới Phật giáo – tác giả Truyền Bình – Báo Điện Tử (PGVN) Tháng 9 năm 2016.
- Bài: Phật giáo mô tả về vũ trụ như thế nào? Báo Điện tử (PGVN) Ngày 18.8.2017.
- Bài: Có nên dùng quan điểm khoa học để giải thích Phật giáo? – HT Thánh Nghiêm – (Tạp chí nghiên cứu Phật học – Số 2 -2002)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần
Nghiên cứu 09:40 15/11/2024Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.
Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường
Nghiên cứu 09:45 03/11/2024Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...
Những đóng góp của Hòa thượng Thích Minh Châu trong công tác ngoại giao Phật giáo
Nghiên cứu 09:45 19/10/2024Di sản mà Hòa thượng để lại không chỉ là nền móng vững chắc về giáo dục và ngoại giao, mà còn là kim chỉ nam cho chúng ta tiếp tục phát triển, đưa tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật lan tỏa rộng khắp, góp phần gìn giữ hòa bình.
Lợi ích của Thiền tứ vô lượng tâm trong đời sống xã hội
Nghiên cứu 09:30 06/10/2024Có thể nói rằng Từ, Bi, Hỷ, Xả là những đức hạnh tốt lành và cao đẹp để xây dựng nên một con người hoàn thiện, một gia đình hạnh phúc, một xã hội tốt đẹp.
Xem thêm